25.5.20

10 bài học chống Covid-19 của châu Á

10 BÀI HỌC CHỐNG COVID-19 CỦA CHÂU Á
Trong một báo cáo nhiều trang, Viện Montaigne so sánh các giải pháp của châu Á chống virus corona. Một cẩm nang hướng dẫn sinh tồn để vượt qua cuộc khủng hoảng y tế.
Jérémy André (phóng viên tại Hồng Kông)
16/04/2020 | Le Point.fr
Một mặt, sáu quốc gia và khu vực ở châu Á (Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn QuốcNhật BảnSingapore, Đài Loan) với 1,6 tỷ dân và chỉ có 105.000 ca được xác nhận nhiễm virus corona mới với 3.750 ca tử vong. Mặt khác, Liên minh châu Âu: gần 450 triệu dân, hơn 750.000 ca nhiễm virus corona và gần 70.000 ca tử vong. Bất luận niềm tin có thể đặt vào các số liệu của Trung Quốc là thế nào đi nữa nhưng độ tin cậy của các số liệu thống kê ở các nước châu Á khác là điều không thể nghi ngờ. Không thể phủ nhận, châu Á đã tìm được cách để ngăn chặn Covid-19, điều mà châu Âu chưa làm theo.
Cho đến nay, vẫn còn thiếu một tổng hợp rộng rãi để so sánh một cách sâu rộng, cân nhắc tính hữu dụng tương đối của các biện pháp châu Á và đặt câu hỏi về những gì chúng ta có thể chuyển đổi sang Pháp. Chương trình châu Á của Viện Montaigne, do nhà nghiên cứu khoa học chính trị Mathieu Duchâtel dẫn đầu, đã giải quyết điều đó. Kết quả là một bản báo cáo dài 100 trang, khác xa với những lời sáo rỗng về tính chất văn hóa của người châu Á có kỷ luậtdễ bảo, hoặc những mớ hỗn độn chính trị cho rằng tất cả các Nhà nước trong khu vực đều có một lá bài duy nhất, một bản chất được cho là có tính cưỡng bức. Tóm lại là một hộp công cụcần thiết với mười bài học dưới đây.
1. Coi trọng đại dịch càng sớm càng tốt
Mathieu Duchâtel
Đó là tội tổ tông của phương Tây: đã coi dịch bệnh mới này là một báo động giả. Tại sao không phải là châu Á? “Những bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng cúm SARS, MERS và H1N1 đã khiến các cơ quan y tế của các nước này ngay lập tức coi trọng nguy cơ dịch bệnh gắn với tình hình ở Vũ Hán, bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc, trong thời gian ban đầu, để che giấu vấn đề, và khi WHO không có bất kỳ cảnh báo thỏa đáng nào,” theo phân tích của Viện Montaigne. “Các nước này đã hành động dựa trên giả thuyết trước mắt về một sự truyền nhiễm của con virus mới này từ người sang người, mà không cần chờ đợi sự xác nhận chính thức của WHO vào ngày 22 tháng 1, do đó tranh thủ được một thời gian quý báu.”
2. Trung Quốc đã nói dối và chúng ta phải học từ những sai lầm của họ
Quá muộn cho châu Âu chăng? Trung Quốc cũng đã từng phủ nhận vấn đề [dịch bệnh]. Do chậm trễ 46 ngày trong việc áp dụng các biện pháp chủ động, Trung Quốc - nước đầu tiên bị virus tấn công - đã không tránh khỏi trải nghiệm một sự phong tỏa, được áp dụng với sự nghiêm ngặt vô song trên thế giới, làm tê liệt gần như toàn bộ lãnh thổ của họ. Nhưng kể từ ngày 8 tháng 4, thành phố Vũ Hán, tâm chấn của dịch bệnh, đã chấm dứt sự phong tỏa, một cách thận trọng.
Sự “che giấu” này đặt ra nhiều vấn đề. Có lý do chính đáng để nghi ngờ các số liệu chính thức,” các tác giả nhắc lại. “Toàn bộ đường cong dịch bệnh Trung Quốc thách thức lý trí.” Do đó, kinh nghiệm [chống dịch bệnh] của Trung Quốc không thể là mô hình để các Nhà nước tìm ra phương pháp và giải pháp.” Chỉ còn lại một bài học từ trường hợp Trung Quốc: “khoảnh khắc sự thật”, khi cuối cùng, vào ngày 20 tháng 1, nhà chức trách thừa nhận sự tồn tại của dịch bệnh, tiến hành một sự phong tỏa hà khắc và huy động mọi nguồn lực có sẵn để đối phó với dịch bệnh. Giống như Trung Quốc, chúng ta phải trả “cái giá bi thảm của sự phủ nhận vấn đề”. Giống như Trung Quốc, chúng ta phải giải quyết vấn đề.
3. Nên triển khai các biện pháp kiểm soát ở biên giới (nhưng không đóng cửa biên giới)
Các biện pháp kiểm soát ở biên giới (như kiểm soát thân nhiệt hoặc xét nghiệm PCR khi nhập cảnh) và các lệnh cấm nhập cảnh có vẻ như là những phản ứng tức thời rõ ràng nhất khi đối mặt với một dịch bệnh bắt nguồn từ một nơi khác”, như thừa nhận ngay từ đầu của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Montaigne. Ở châu Âu, bất kỳ hình thức kiểm soát nào ở biên giới có vẻ như là điều cấm kỵ. Như thể kiểm soát có nghĩa là đặt lại vấn đề về các thỏa thuận châu Âu.
Tuy thế, sự đa dạng trong các chính sách châu Á cho thấy giải pháp thay thế không nằm giữa sự đóng cửa hoàn toàn và sự tự do lưu thông. “Hàn Quốc [...] đã không áp dụng lệnh cấm nhập cảnh vào lãnh thổ của mình, bất chấp những áp lực từ dư luận xã hội về vấn đề này. Thay vào đó, Hàn Quốc chọn các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt ở biên giới, được áp dụng trước tiên đối với một số loại du khách nhất định.”
4. Nhà nước phải có một đội quân và một ban tham mưu để chống lại virus
Tất cả các nước này có điểm chung là gì? Kể từ khi xảy ra dịch bệnh vào những năm 2000, họ đã thành lập những định chế tập trung, cùng với một chuỗi mệnh lệnh vững chắc và quy trình chuẩn. Chính sau kinh nghiệm chống dịch cúm SARS và MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông) mà Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore đã thiết lập một số định chế và quy trình phối hợp nhất định”, báo cáo nhấn mạnh: Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan, Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hồng Kông, Trung tâm quốc gia phòng chống các bệnh truyền nhiễm Singapore, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC)…. “Ký ức thể chế này giúp diễn giải đúng đắn các tín hiệu, cơ sở của một sự đánh giá nguy cơ mang tính thực tế lớn hơn nhiều so với ở châu Âu và Hoa Kỳ.”
5. Cần tiến hành các cuộc điều tra dịch tễ học, chứ không chỉ các ứng dụng truy tìm dấu vết tiếp xúc
Các định chế châu Á này bao gồm chủ yếu các nhà điều tra dịch tễ học, những người chịu trách nhiệm phát hiện người bệnh, và sau đó truy vết tất cả những cuộc tiếp xúc tiềm tàng, trong những ngày gần nhất, mà họ có thể đã lây nhiễm. Trong lĩnh vực này, Hàn Quốc luôn đi đầu: “Năng lực to lớn trong việc nghiên cứu, điều tra và phát hiện bệnh của nhóm chuyên gia thuộc trung tâm KCDC cũng đã góp phần rất lớn trong việc truy vết và nhận diện các ca lây nhiễm tiềm tàng”, theo ghi nhận của Viện. Các ứng dụng truy tìm dấu vết bệnh chỉ mang tính hỗ trợ, như lời nhắc gần đây, trong một diễn đàn, của nhà thiết kế TraceTogether, ứng dụng phát hiện sự tiếp xúc gần gũi của Singapore.
6. Các nền dân chủ có thể áp dụng công cuộc truy vết kỹ thuật số mà không phải băn khoăn
Việc tiếp cận các dữ liệu định vị là một nguồn lực thiết yếu để tiến hành các cuộc điều tra dịch tễ học, khi một cá nhân được xét nghiệm dương tính với Covid-19, hoặc như là một biện pháp phòng ngừa khi có nguy cơ lây nhiễm cao”, theo thừa nhận của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Montaigne.
Nghiên cứu về các biện pháp đáp trả đại dịch của Đông Á cho thấy là các hệ thống chuyên quyền không có độc quyền trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số mà không cần đến sự đồng ý của đương sự. Các nền dân chủ phát triển cách tiếp cận riêng của mình để sử dụng dữ liệu lớn, phục vụ cho các mục tiêu chăm sóc y tế cộng đồng và quản lý khủng hoảng.” Như một chú thích cảnh báo khác từ tổ chức think tank, chúng ta sẽ phải đưa ra lựa chọn chấp nhận hoặc không sử dụng các công cụ đó.
7. Cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân với các mối tiếp xúc của họ
François Godement (1949-)
Dù sao đi nữa, việc truy tìm bệnh chẳng là gì nếu không cách ly. “Phân tích các biện pháp đáp trả đại dịch của Đông Á cho thấy tầm quan trọng của cách ly cá nhân như là một giải pháp thay thế cho sự phong tỏa toàn diện. Những ca nghi ngờ có nguy cơ lây nhiễm virus corona không chỉ đơn giản được mời cách ly ở nhà trong khi chờ xem liệu có phát triển các triệu chứng hay không,” báo cáo cho biết thêm. Ở khắp nơi, ngoại trừ Nhật Bản, người ta đã triển khai học thuyết cách ly kiểm dịch một cách rõ ràng.”
Ở Nhật Bản, quy định pháp lý yêu cầu mọi bệnh nhân dương tính với một bệnh truyền nhiễm loại II đều phải nhập viện, ít nhiều phục vụ cho cùng mục đích trên. Hơn cả việc bảo vệ quyền riêng tư, đây là thách thức phía trước đối với các nền dân chủ của chúng ta: bởi vì việc cách ly một cách nghiêm ngặt có thể nhanh chóng trở thành tựa như một hình thức giam giữ. “Cách ly là một yếu tố then chốt”, theo lời bình của một trong các tác giả, François Godement, khi được liên lạc qua điện thoại. Thật không may, chúng ta không nói điều đó ở Pháp, đó là điều cấm kỵ.”
8. Đeo khẩu trang
Ở mọi nơi, sự đáp trả với khủng hoảng diễn ra thông qua việc đeo khẩu trang”, theo ghi nhận của báo cáo. Từ nay, các chứng minh khoa học về tính hiệu quả của việc đeo khẩu trang đã xác nhận tầm quan trọng của điều đó. Phản xạ của việc đeo khẩu trang đặc biệt mạnh mẽ ở Hồng Kông, Nhật Bản và Đài Loan. Vì vậy cần phổ biến những thông điệp rõ ràng về lợi ích [của việc đeo khẩu trang] trong lĩnh vực chăm sóc y tế. Chúng ta phải thông qua những biện pháp ràng buộc để đảm bảo tuyến phòng ngừa dịch bệnh đầu tiên này không dễ dàng bị xem nhẹ. Khẩu trang chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa.”
9. Cần phải hồi hương sản xuất một số sản phẩm chiến lược, đặc biệt là thiết bị y tế
Các nước láng giềng châu Á đã không chờ Trung Quốc cung cấp khẩu trang và thiết bị y tế để huy động ồ ạt bộ máy sản xuất của họ. “Trong tất cả các trường hợp của báo cáo này, chính phủ các nước đã thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường sản xuất các thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang, Trung Quốc, tất nhiên, nằm trong một trường hợp riêng biệt về mặt khả năng công nghiệp của họ,” trong phần giải thích chi tiết của nghiên cứu. “Liệu có nên xem đó là một lập luận vững chắc để di dời các nhà máy sản xuất nói trên như là một điều then chốt cho an ninh của chúng ta hay không? Có, trong một chừng mực nào đó, nhưng giống như các hình thức tranh luận khác xung quanh vấn đề di dời các nhà máy sản xuất, lập luận này có giới hạn của nó.”
Thay vì “phi toàn cầu hóa” hoàn toàn, có tính ý thức hệ, có những cách tiếp cận có cân nhắc, như Nhật Bản, mà kế hoạch phục hồi nền kinh tế khuyến khích sự đa dạng hóa các chuỗi cung ứng: “Sự độc lập của châu Âu về thiết bị y tế phải có khả năng được xây dựng trên cơ sở của cả việc di dời các nhà máy sản xuất lẫn sự đa dạng hóa các nguồn cung ứng từ nước ngoài,” theo đề xuất của nghiên cứu.
10. Nền dân chủ cho phép chọn lựa mô hình thích hợp để tránh hoặc dỡ bỏ phong tỏa
Có những giải pháp hiệu quả thay thế cho cách thức hoạt động [modus operandi] của Trung Quốc,” theo lời của các tác giả. Giải pháp thay thế không nằm giữa chiến lược dỡ bỏ phong tỏa theo kiểu Trung Quốc, và buông xuôi, bởi vì tất cả các biện pháp cần thiết sẽ không phù hợp với chế độ dân chủ của chúng ta. “Trong ba nền dân chủ đã phát triển được phân tích trong báo cáo này - Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - vẫn có sự khác biệt: một sự miễn cưỡng chung khi vượt ra ngoài sự truy tìm tự nguyện ở Nhật Bản, một điểm nhấn mạnh vào các công cụ kỹ thuật số phục vụ cho việc cách ly kiểm dịch nghiêm ngặt ở Đài Loan, một vai trò trung tâm trong các cuộc điều tra dịch tễ học được tiến hành ở Hàn Quốc….
Chính phủ mỗi nước đưa ra các lựa chọn vừa mang tính chính trị lẫn kỹ thuật. “Đến lượt chúng ta phải đưa ra các lựa chọn đó. “Các phương tiện đó đã cho phép các nước châu Á nói trên thành công khi đối đầu với đại dịch”, theo kết luận của François Godement cho tờ Le Point . “Giờ đây, họ có thể là những mô hình để chúng ta học hỏi để khỏi thất bại khi dỡ bỏ phong tỏa.”
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les 10 leçons de l'Asie pour lutter contre le Covid-19, Le Point, ngày 16/04/2020.
Print Friendly and PDF