21.5.20

Không có gì chứng minh virus Corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm: bên dưới dịch nhiễu loạn thông tin về Covid-19

KHÔNG CÓ GÌ CHỨNG MINH VIRUS CORONA ĐƯỢC TẠO RA TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM: BÊN DƯỚI DỊCH NHIỄU LOẠN THÔNG TIN VỀ COVID-19

6/4/2020
Không, người này không chế tạo ra virus gây chết người. CDC/UnsplashCC BY-SA

Ngày 15 tháng 4 năm 2020, trên Fox News, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố sẽ “thực hiện một cuộc điều tra thấu đáo về tất cả những gì chúng ta có thể biết về cách virus corona đã phát tán trên toàn cầu và gây ra thảm họa hiện nay”. Tuy không nói đây là một sáng tạo của con người, ông đã nêu rõ có thể là virus đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Vậy hiện nay chúng ta đã biết gì về nguồn gốc của virus Sars-Cov-2?

Đại dịch Covid-19 đang làm rung chuyển các hệ thống y tế, các nền kinh tế và đảo lộn những thói quen của chúng ta cũng là nguồn gốc của điều mà nữ bác sĩ Sylvie Briand, giám đốc Phòng các đại dịch và bệnh dịch thông thường của Tổ chức Y tế Thế giới, đã định danh một cách tinh tế là dịch nhiễu loạn thông tin, là những tin đồn và tin giả về sự lây lan của virus.

Ta có thấy trên trang mạng Conspirancy Watch cả một rừng lý thuyết bình dân về Covid-19.

Dịch Nhiễu loạn thông tin về Covid-19

Dany Shoham
Francis Boyle (1950-)
Các phóng viên, một cựu nhân viên tình báo là Dany Shoham, và nhiều người giả danh chuyên gia như cựu giáo sư luật quốc tế Francis Boyle đã nghiêm chỉnh gợi ra khả năng virus corona SARS-CoV-2, nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19, đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 (BL4) vừa được thiết lập mới đây trong vùng Vũ Hán, tâm điểm của nạn dịch ở Trung Quốc.

Một lý thuyết bình dân khác của một số người lại gợi ý rằng virus là do người Do Thái đưa vào để làm suy sụp thị trường và có thể làm giàu nhờ vào việc thực hiện các hành vi tội phạm trên thị trường bất động sản nhờ nắm được những thông tin mật mà các nhà đầu tư khác không biết. Cuối cùng, có người khẳng định rằng virus đã được tạo ra và được Viện Pasteur cấp giấy chứng nhận. Những lý thuyết này đã trở thành một loại virus lây lan, đến nỗi các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã cho biết 23% người Mỹ và 17% người Pháp đã tin chắc rằng virus corona đã được cố ý chế tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Sylvie Briand
Làn sóng các thuyết âm mưu chung quanh Covid-19 còn được một vài chính phủ khuyến khích, họ lao vào một cuộc chiến thông tin thực sự bằng cách chính trị hóa nạn dịch một cách quá đáng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh đến nguồn gốc Trung Quốc của Covid-19 trong phát biểu ngày 11/03/2020 của ông, gọi đó là virus Trung Quốc. Phản bác lại, một trong những phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa lên tài khoản Twitter của mình một bài báo nhằm chứng minh rằng SARS-CoV-2 đã hiện diện ở Mỹ từ 2019 và đã xâm nhập vào Trung Quốc qua lính Mỹ.

Sự lan truyền các tin giả có thể ngăn trở câu trả lời cho những bệnh dịch thực sự. Như vậy cần thiết phải giải mã các sự kiện kiểm chứng được liên quan đến Covid-19.

Chúng ta biết gì về nguồn gốc của Covid-19?

Các kết quả phân tích bộ gen của SARS-CoV-2 đã rõ ràng. Trình tự gen của nó là giống hệt đến 96% bộ gen của virus corona RaTG13 cô lập trong một con dơi được tìm thấy ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, trình tự của miền của thụ thể có trên bề mặt của SARS-CoV-2 tạo điều kiện cho sự nhiễm trùng của tế bào con người (miền liên kết với thụ thể, RBD, receptor binding domain) rất khác với trình tự tương đương được quan sát trên virus corona RaTG13. Trình tự của miền liên kết với thụ thể của SARS-CoV-2 trái lại rất giống đến 99% trình tự của virus corona cô lập nơi con tê tê. Điều này hàm ý rằng SARS-CoV-2 là kết quả của sự tái tổ hợp của hai virus. Cơ chế tái tổ hợp này đã được mô tả nơi virus corona.


Như vậy, sự so sánh các trình tự của virus corona có trong thiên nhiên là cơ sở xác nhận nguồn gốc tự nhiên của SARS-CoV-2. Hơn nữa, SARS-CoV-2 không chứa một dấu vết nào của những thao tác gen có nguồn gốc con người. Chính xác hơn, nó không chứa những trình tự còn sót lại liên quan đến các hệ thống vectơ thường phục vụ cho các thao tác gen, điều này hàm ý đó là một sản phẩm của một tiến trình chọn lọc tự nhiên ngẫu nhiên.

Phòng thí nghiệm BL4, những thao tác gen: thực tế và huyền thoại

Đúng là có một phòng thí nghiệm BL4 ở Vũ Hán, mang tên Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán (Wuhan National Biosafety Laboratory). Được xây dựng với sự hợp tác với Pháp, phòng đã được cấp giấy chứng nhận năm 2017. Sau những nạn dịch SARS từ năm 2000 đến 2004 rồi H1N1 năm 2009, Trung Quốc muốn cải thiện khả năng chống dịch của mình. Nhiệm vụ chính là tiến hành nghiên cứu về Ebola, sốt xuất huyết Crimean-Congo và SARS. Có tài liệu về tai nạn duy nhất liên quan đến một phòng thí nghiệm nghiên cứu về virus corona ở Trung Quốc là tháng tư năm 2004 có 9 người nhiễm virus SARS-CoV-1, nguyên nhân của nạn dịch SARS từ 2002 đến 2004. Nạn nhân là hai sinh viên làm việc ở Viện nghiên cứu virus quốc gia (National Institute of Virology Laboratory) và người thân của họ.

Hình phòng thí nghiệm đào tạo về an toàn sinh học cấp 4 (BSL-4) cho Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán (cấp 4) của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. CDC

Trên thế giới có khoảng 30 phòng thí nghiệm BL4. Hoạt động của những phòng thí nghiệm này luôn tạo ra những tranh luận và nghi ngờ. Trong số đó có một vài phòng thí nghiệm trước đây có dính líu đến hoạt động sản xuất vũ khí. Việc ký kết Hiệp định cấm vũ khí sinh học năm 1972 cấm phát triển, mua bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học đã chuyển hướng mục đích của các phòng thí nghiệm này. Ngày nay chúng chính thức được dùng cho việc chống lại các nạn dịch và vũ khí sinh học. Tuy nhiên, người ta đã chỉ ra rằng một số nước, trong đó có Liên bang Xô Viết cũ, mặc dù đã ký hiệp định, vẫn khăng khăng tài trợ các chương trình nghiên cứu, như chương trình Biopreparat, nhắm đến việc phát triển vũ khí sinh học.

Bruce Ivins (1946-2008)
Thực sự đã xảy ra nhiều tai nạn liên quan đến hoạt động của các phòng thí nghiệm BL4. Chẳng hạn như thảm họa Sverdlovsk năm 1979 đã làm cho hàng chục người chết, liên quan đến rủi ro phát tán các bào tử của của vi khuẩn Bacillus anthracis nguyên nhân của bệnh than. Các cuộc tấn công khủng bố nhờ vào các phong thư bị nhiễm vi khuẩn bệnh than năm 2001 ở Mỹ cũng được xem là liên quan một nhà nghiên cứu vi sinh học, bác sĩ Bruce Ivins làm việc trong một phòng thí nghiệm BL4 của quân đội Mỹ. Cũng chính đáng thôi khi các phòng thí nghiệm tuyệt đối an ninh này tạo nên một môi trường vô cùng màu mỡ cho sự phát triển các lý thuyết âm mưu.

Cuối cùng, cũng đúng là các virus gây chết người được làm sống lại trong phòng thí nghiệm và các virus mới được tạo ra bởi thao tác gen nhằm mục đích nghiên cứu và các quốc gia đã làm phát tán một vài virus trong tự nhiên. Năm 2005, virus cúm Tây Ban Nha của năm 1918 đã được tái tạo bởi kỹ thuật di truyền và được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm hiểu rõ hơn tính độc hại đặc biệt mạnh của nó. Năm 2012, virus cúm H5N1 đã được biến đổi trong phòng thí nghiệm nhằm tạo cho nó khả năng lây lan cho chồn qua đường không khí, với mục đích tìm hiểu virus này có thể đột biến để lây lan cho người qua cách này như thế nào. Năm 2017 chính phủ Úc đã cho phép phát tán ồ ạt một virus gốc (mang tên RHDV1K5) của bệnh xuất huyết của thỏ nhằm giảm thiểu số thỏ hoang dã ở Úc. Như vậy, từ những sự việc có đầy đủ tài liệu nêu trên thật dễ dàng tạo ra vô vàn kịch bản của các thuyết âm mưu.

Bình trà của Russell và Covid-19

Có gì chung giữa một bình trà trong vũ trụ và các thuyết âm mưu về Covid-19? Có nhiều hơn là ta mới nghĩ lúc đầu.

Bertrand Russell (1872-1970)
Một bình trà có quỹ đạo quanh mặt trời, chính xác hơn là giữa trái đất và hành tinh Mars. Ta không thể chứng minh là nó không tồn tại, vậy thì phải tin là nó hiện hữu. Phép ẩn dụ về bình trà trong vũ trụ do triết gia Bertrand Russell đề ra nhằm phản bác lại ý cho rằng những người hoài nghi phải bác bỏ những nền tảng không thể kiểm chứng được của tôn giáo, ông cho rằng chính những tín đồ tôn giáo phải chứng minh sự hiện hữu của những nền tảng của tôn giáo. Bình trà của Russell tạo thành phiên bản vũ trụ của lưỡi dao cạo Ockham, được mệnh danh là nguyên tắc tiết kiệm hay đơn giản. Nguyên tắc này khuyến cáo nên loại trừ những giải thích phức tạp ra khỏi lập luận nếu có những giải thích đơn giản hơn mà có vẻ gần với sự thật. Vẫn còn một nguyên tắc căn bản của lập luận logic trong khoa học. Không hề qui định rằng giải thích đơn giản nhất nhất thiết phải đúng, nhưng nó phải được xem xét trước tiên.

Trong trường hợp của Covid-19, tất cả những sự việc kiểm chứng được đều không ủng hộ giả thuyết cho rằng SARS-CoV-2 là được cố ý tạo ra trong phòng thí nghiệm. Các lý thuyết âm mưu khác nhau chỉ được trợ lực bởi các mối tương quan, ví dụ như sự tồn tại của phòng thí nghiệm BL4 ở Vũ Hán. Các trình tự của miền liên kết với thụ thể (RBD) có thể, trên lý thuyết, là kết quả của sự thích nghi của virus trong phòng thí nghiệm khi nó được cấy vào tế bào người. Nhưng sự tồn tại của một trình tự của miền liên kết với thụ thể (RBD) đồng nhất đến 99% với virus corona lây nhiễm trên con tê tê lại hỗ trợ cho một giả thuyết chi tiết hơn: một con dơi và một con tê tê bị nhiễm bởi hai virus khác và hai virus này lại tái tổ hợp để tạo ra một virus mới rồi đến lượt nó lây nhiễm cho người; bệnh nhân số 0 mà ta chưa biết chính là nguồn gốc của dịch Covid-19.

Có nhiều lý do được nêu ra để giải thích sự tham gia ngày càng đông của các cá nhân vào các thuyết âm mưu. Chắc chắn rằng đã có sự phát triển theo cấp số nhân của tri thức khoa học trong nhiều lãnh vực chuyên môn nhưng cũng có một mâu thuẫn là đã đồng thời đã kéo theo sự gia tăng của tình trạng thiếu hiểu biết. Và trong các thập niên gần đây xu hướng áp đảo trong giáo dục là ưu tiên cho khả năng có việc làm của sinh viên hơn là đào tạo kiến thức tổng quát, đặc biệt là trong lãnh vực khoa học, đã không giúp cho công dân đến gần với khoa học, và cũng không tạo điều kiện phát triển tư duy phê phán.

Henri Tajfel (1919-1982)
Sự thiếu vắng tinh thần khoa học cộng với hiệu ứng Dunning-Kruger, nghĩa là nhận thức của những người ít hiểu biết nhất trong một lãnh vực chuyên môn tự đánh giá cao năng lực của mình, có lẽ giải thích phần nào sự tiếp nhận mạnh mẽ của công chúng đối với các thuyết âm mưu vốn phơi bày những khía cạnh giả khoa học. Mặt khác, theo lý thuyết căn tính xã hội của Henri Tajfel (22/6/1919 – 3/5/1982, nhà tâm lý xã hội Ba Lan), lập luận logic và thông tin thực sự ít dính dáng đến sự tham gia vào các lý thuyết âm mưu. Vì sự tham gia này giúp gia nhập vào một tập thể và tự trang bị cho mình những phẩm chất được gán cho tập thể này và đối kháng với các tập thể khác được xem là có nhiều khiếm khuyết. Như vậy, đó là một sự tham gia về mặt xã hội chứ không phải là một sự tham gia dựa trên lý luận.

Eric Muraille
Trong trường hợp cụ thể của Covid-19, ta cũng có thể tự hỏi phải chăng sự tham gia vào các thuyết âm mưu biểu hiện phần nào nhu cầu bản năng thâm sâu muốn tự trấn an của chúng ta bằng cách tạo một cách giải thích quá giản đơn những hiện tượng tự nhiên mà chúng ta sợ hãi. Trong hai giả thuyết sau giả thiết nào là kinh khủng nhất? Là những nhà bác học điên rồ được các cường quốc ngoại bang tài trợ là nguồn gốc của nạn dịch có khả năng làm lung lay các xã hội hiện đại của chúng ta? Hay là những nạn dịch mới tự nhiên nổi lên do sự xâm lấn và hủy hoại các hệ sinh thái? Trong trường hợp thứ nhất, ta sẽ dễ dàng chấm dứt cơn ác mộng. Trong trường hợp thứ hai, chúng ta nhất thiết phải thay đổi lối sống và hệ thống kinh tế của chúng ta.

Tác giả


Nhà sinh học, miễn nhiễm học, giám đốc nghiên cứu, Quỹ nghiên cứu khoa học Quốc gia Bỉ, Đại học Tự do Bruxelles.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Print Friendly and PDF