30.5.20

“Tất cả trừ Trung Quốc”: Washington tăng tốc tấn công, Bắc Kinh sẵn sàng phản công

“TẤT CẢ TRỪ TRUNG QUỐC”: WASHINGTON TĂNG TỐC TẤN CÔNG, BẮC KINH SẴN SÀNG PHẢN CÔNG
Jean-Raphaël Chaponnière
Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Guardian)
Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, đã họp từ ngày 21 tháng 5 tại Bắc Kinh, lẽ ra đã ăn mừng thành công của kế hoạch mười năm của Trung Quốc. Nhưng chính phủ đã quyết định không đặt ra một mục tiêu tăng trưởng: họ đề xuất một kế hoạch phục hồi 2% GDP, trong khi cuộc xung đột với Hoa Kỳ đang trở nên trầm trọng hơn một cách đáng ngại.
Vào năm 2013 ở Astana [thủ đô của Kazakhstan], trên đường trở về từ Moscow và từ một hội nghị thượng đỉnh của G20 bàn về [các dự án] cơ sở hạ tầng, Tập Cận Bình đã nói về dự án “Một vành đai, Một con đường”, tên gọi chính thức của các “Con đường tơ lụa mới” vào thời điểm đó. Sáu tháng sau, ông trình bày “Con đường tơ lụa trên biển” ở Jakarta. Như tên gọi của chương trình đồ sộ này có cảm giác quá giống như một chiến lược đã được xác định ở Bắc Kinh, nên nó đã được chính phủ đổi tên thành “Sáng kiến vành đai và con đường” hay BRI, những người đã giữ lại tên gọi bằng tiếng Trung là “Yidai Yilu” (带一路), “nhất lộ nhất đái”.
Sáng kiến BRI, ngày nay, được trình bày như là minh họa về một cuộc tấn công của Trung Quốc trên khắp thế giới. Cách diễn giải này đã bỏ qua yếu tố bối cảnh địa chính trị của nó. Thực vậy, khi dự án này được công bố, Trung Quốc lo ngại rơi vào gọng kìm giữa hai hiệp định thương mại tự do do Hoa Kỳ đề xuất: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership Agreement) và Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TAFTA, Transatlantic Free Trade Area) tổng gộp các biện pháp “hậu trường” về các quyền xã hội và môi trường. Nếu TAFTA, không giống như TPP, được hiểu một cách không rõ ràng như là một liên minh chống Trung Quốc, thì thỏa thuận này, chiếm 40% kim ngạch mậu dịch thế giới, sẽ trở thành một tham chiếu mà Bắc Kinh không thể bỏ qua. Như vậy, phương trình có vẻ đơn giản: TPP + TAFTA = TSC [Tout Sauf la Chine], hay “Tất cả trừ Trung Quốc”. Phản ứng của Trung Quốc là đề xuất sáng kiến BRI. Nhưng việc Donald Trump đắc cử tổng thống đã làm thay đổi cuộc chơi: Hoa Kỳ đã từ bỏ TPP, trong khi TAFTA thì bị sa lầy. Về phần BRI, nó vẫn là một minh họa về toàn cầu hóa với các đặc điểm của Trung Quốc.

WASHINGTON TUNG NHỮNG CÚ ĐÁNH MANG TÍNH PHẪU THUẬT

Peter Navarro (1949-)
Sau khi Barack Obama cố gắng cô lập Trung Quốc bằng các liên minh, thì nhóm cố vấn của Donald Trump, do Peter Navarro đứng đầu, muốn tách nền kinh tế Mỹ khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Trong vài tuần qua, Washington đã huy động chủ đề đại dịch để chống lại Trung Quốc. Theo thông tin chính thức, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng người Mỹ lớn hơn rất nhiều so với Chiến tranh Việt Nam (80.000 người tử vong) - con số đó có thể cao hơn, theo một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh. Giới ngoại giao Mỹ cáo buộc sự im lặng của Trung Quốc trong sáu tuần lễ đầu tiên [của dịch bệnh] là nguyên nhân gây ra thảm họa này. Tổng thống Trump tố cáo “virus Trung Quốc” và cáo buộc Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh. Trong khi vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, chính quyền Trump muốn người dân Mỹ quên đi quyết định cách ly được đưa ra vào đầu tháng 3 đã có thể cứu sống 30.000 người ở nước Mỹ.
Cuộc tấn công đầu tiên nhắm đến các vật tư y tế (chứ không phải là thuốc men hoặc thiết bị), khi 42% nguồn cung đến từ Trung Quốc. Vượt ra ngoài sáng kiến ​​của Nghị viện châu Âu, muốn xây dựng một danh mục những sản phẩm chiến lược được “sản xuất tại EU [Liên minh châu Âu]”, Washington một lần nữa đang vận động chống lại Huawei. Việc thành lập một danh sách các thực thể bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ, hay danh sách thực thể[1], đã không ngăn được các công ty Trung Quốc mua các linh kiện hợp thành của công nghệ Mỹ. Washington gây sức ép lên công ty TSMC của Đài Loan (Taiwan Semi Conductor Company), nhà máy sản xuất silicon[2] lớn nhất thế giới để xây dựng một nhà máy tại Hoa Kỳ và không sản xuất linh kiện cho Huawei nữa. Công ty TSMC đã nghe theo. Một “cuộc tấn công mang tính phẫu thuật”, có thể gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho gã khổng lồ ngành viễn thông của Trung Quốc.
Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn sự lên ngôi của một toàn cầu hóa không có đặc điểm Trung Quốc. Họ lấy cảm hứng từ các doanh nghiệp Nhật Bản, mà vào năm 2005 - sau các cuộc bạo loạn chống Nhật ở Trung Quốc - đã phát động chiến lược “Trung Quốc cộng một” - tăng gấp đôi đầu tư ở Trung Quốc bằng một đầu tư ngoài nước Trung Quốc - và tiến dần tới một chiến lược “Không Trung Quốc”. Chiến lược nói trên hợp với Việt Nam, nước đang thu hút doanh nghiệp các nước di dời nhà máy sang Việt Nam, và nó cũng có thể mang lợi cho Indonesia. Thật vậy, Tổng thống Trump đã quyết định bổ sung ít nhất 27 doanh nghiệp Mỹ chuyển từ Trung Quốc đến quần đảo Indonesia. Các doanh nghiệp đó sẽ được thành lập trong khu công nghiệp Brebes ở Trung tâm Java, nơi họ sẽ được hưởng nhiều lợi thế về thuế quan.
Vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, nhóm cố vấn của Trump đang đẩy mạnh các biện pháp để lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ di dời nhà máy về Hoa Kỳ. Để thuyết phục các doanh nghiệp thành lập các nhà máy trên đất Mỹ, tổng thống Trump đề xuất giảm một nửa thuế lợi tức, tài trợ cho các chi phí di dời và huy động nguồn vốn của Tập đoàn tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (US IDFC), mà số vốn đã đạt mức 60 tỷ US$. Tập đoàn US IDFC được thành lập để tài trợ cho các dự án doanh nghiệp tư nhân ở phương Nam. Nó không chỉ tài trợ cho những dự án sản xuất các vật tư thiết bị y tế mà còn tài trợ cho tất cả các dự án di dời nhà máy.
Thượng viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua một đạo luật yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên các thị trường chứng khoán Mỹ phải xuất trình, cho Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng [Public Company Accounting Oversight Board], những hồ sơ làm cơ sở cho công tác kiểm toán tài chính của họ (giống như các doanh nghiệp nước ngoài khác). Điều mà Bắc Kinh đã từ chối, viện dẫn các vấn đề về an ninh. Đề xuất [về đạo luật] nói trên, bị tờ Wall Street Journal chỉ trích, cần phải được Hạ viện xem xét. Thông báo nói trên đã làm giảm giá cổ phiếu các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Phố Wall, trong đó có công ty Alibaba, và khiến cho công ty Baidu do dự trong việc gia nhập sàn chứng khoán Nasdaq. Vào Thứ tư vừa qua, ngày 20 tháng 5, Nhà Trắng đã công bố một bản báo cáo dài mười sáu trang về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

BẮC KINH PHẢN CÔNG

Phản ứng lại trước yêu cầu của Canberra về việc điều tra nguồn gốc của Covid-19, Bắc Kinh đã quyết định tăng thuế quan đối với các mặt hàng ngũ cốc của Úc. Một bài xã luận của tờ Thời báo Toàn cầu, cơ quan của Đảng ở Bắc Kinh, đã kêu gọi tìm kiếm các nguồn cung ứng thương mại khác thay thế Úc.
Trung Quốc đã đưa ra “danh sách thực thể” riêng của mình. Nếu Hoa Kỳ ngăn các nguồn cung thiết bị cho Huawei, thì Trung Quốc sẽ tấn công trực tiếp vào các nhà cung cấp Mỹ, bắt đầu với hãng Boeing, theo một bài xã luận khác từ tờ Thời báo Hoàn cầu. Thị trường Trung Quốc chiếm 13% doanh thu của nhà sản xuất máy bay này của Mỹ, vốn đang gặp khó khăn sau việc tạm ngưng khai thác máy bay Boeing 737 Max và sự lao dốc của ngành vận tải hàng không trên thế giới. Phản ứng của các thị trường đã diễn ra ngay lập tức: vốn hóa của nhà sản xuất máy bay đã lao dốc, giống như những doanh nghiệp nào phụ thuộc nhiều nhất vào tiêu trường Trung Quốc.
Hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã quên đi các thế cản chắn. Cuộc đấu quyền anh này là một tin xấu cho phần còn lại của thế giới. Bắt đầu với Hồng Kông, nơi mà Bắc Kinh đã đưa ra thêm một quyết định siết vít.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là thành viên tại Asie21 (Futuribles) và là cộng sự nghiên cứu tại Asia Centre [Trung tâm châu Á]. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa]” và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[1] Các nhà cung cấp Mỹ phải được phép của chính quyền Mỹ để bán sản phẩm của mình cho những công ty nằm trong danh sách thực thể.

[2] Các nhà máy sản xuất silicon, một ngành công nghiệp nặng mà việc xây dựng cần đến rất nhiều tỷ US$, thuộc những doanh nghiệp bán các sản phẩm (thiết bị vi xử lý) và công ty TSMC, là nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới, sản xuất [thiết bị vi xử lý] cho những doanh nghiệp không có nhà máy.

Print Friendly and PDF