15.5.20

Thế giới có thể mất đi một nửa các bãi biển cát vào năm 2100. Nhưng vẫn chưa quá muộn để cứu lấy chúng

THẾ GIỚI CÓ THỂ MẤT ĐI MỘT NỬA CÁC BÃI BIỂN CÁT VÀO NĂM 2100. NHƯNG VẪN CHƯA QUÁ MUỘN ĐỂ CỨU LẤY CHÚNG
Giáo sư trưởng, Trung tâm Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học New South Wales (Úc)
Với nhiều vùng duyên hải, mực nước biển dâng là một cuộc khủng hoảng chực chờ đang đe dọa xã hội, sinh kế và hệ sinh thái ven biển. Một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí khoa học Nature Climate Change đã báo cáo rằng thế giới sẽ mất đi khoảng một nửa các bãi biển cát có giá trị vào năm 2100, khi đại dương xâm lấn đất liền cùng với sự dâng lên của mực nước biển.
Các bãi biển cát chiếm khoảng một phần ba số bờ biển trên thế giới. Và Úc, với gần 12.000 ki-lô-mét đang trong nguy cơ, có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới cố gắng lượng hóa sự xói mòn của biển. Với kịch bản lượng khí nhà kính đạt mức cao nhất, kết quả rất đáng lo ngại, nhưng việc giảm khí thải sẽ giúp giảm tốc độ xói mòn bờ biển.
Hy vọng lớn nhất của chúng ta cho tương lai của các đường bờ biển trên thế giới và những bãi biển mang tính biểu tượng của Úc là giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức thấp nhất có thể bằng cách giảm khẩn cấp lượng khí thải nhà kính.
Mất dần cát trong xói mòn bờ biển
Hai trong số những vấn đề lớn nhất gây ra bởi mực nước biển dâng là xói mòn bờ biển và sự tăng lên đã thấy rõ của những đợt ngập lụt ven biển.
Sự xói mòn do bão có thể để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt là với cơ sở hạ tầng ven biển. Chúng ta đã nhìn thấy điều này vào năm 2016, khi những cơn bão dữ dội cuốn cát đi khỏi biển và phá hủy nhà cửa ở Sydney.
Một hồ bơi bị cuốn đi sau những trận bão dữ dội ở Sydney năm 2016. AAP Image/David Moir
Sau những cơn bão thế này, biển thường phục hồi dần dần, bởi vì cát từ những khối nước sâu hơn sẽ dội lại vào bờ qua hàng năm tháng, trong vài trường hợp, là hàng thập kỷ. Những trận bão khủng khiếp và sự cung cấp cát trong dài hạn khiến việc xác định sự dịch chuyển của bãi biển do mực nước biển dâng cao trong thời gian gần đây trở nên khó khăn.
Những gì chúng ta biết là tốc độ dâng lên của mực nước biển ngày càng tăng. Nó đã tăng gấp rưỡi kể từ năm 1993, và đang tiếp tục tăng khi vẫn còn khí thải nhà kính.
Nếu chúng ta không ngừng thải ra một lượng lớn khí nhà kính, sự gia tăng này sẽ tiếp tục xuyên suốt thế kỷ 21 và hơn thế nữa. Kết quả là, sự cung cấp cát sẽ không theo kịp tốc độ dâng lên rất nhanh của mực nước biển.
Dự phóng cho kịch bản xấu nhất
Trong báo cáo gần đây nhất của  Intergovernmental Panel on Climate Change (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu - IPCC), được phát hành năm ngoái, kịch bản lượng khí thải nhà kính đạt đến mức cao nhất sẽ khiến nhiệt độ trái đất tăng thêm hơn 4°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp) và mực nước biển sẽ dâng lên trong khoảng 0,6 - 1,1 mét vào năm 2100.
Với kịch bản này, nghiên cứu mới trên dự phóng rằng biển sẽ lấn vào đất liền trung bình 40 đến 250 mét nếu không có bất kỳ sự giới hạn vật lý nào ngăn chặn sự dịch chuyển này, ví dụ như đặt đê biển hoặc các cơ sở hạ tầng ven biển khác.
Mực nước biển dâng là nguyên nhân của phần lớn sự mất bãi biển này, và sự mất mát này sẽ còn nhanh hơn trong những thập niên cuối của thế kỷ 21 khi tốc độ gia tăng mực nước biển ngày càng lớn. Và mực nước biển sẽ tiếp tục dâng lên trong hàng thế kỷ, vì vậy sự xói mòn bãi biển vẫn sẽ tiếp diễn sau năm 2100.
Đối với phía nam nước Úc, sự xâm lấn vào đất liền của bờ biển được dự đoán là khoảng hơn 100 mét. Điều này sẽ phá hủy rất nhiều bãi biển mang tính biểu tượng thu hút khách du lịch như Bondi, Manly và Gold Coast. Sự dịch chuyển ở phía bắc nước Úc được dự đoán còn lớn hơn, nhưng ít chắc chắn hơn do vẫn còn xu hướng của đường bờ biển trong quá khứ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta giảm lượng khí thải
Những điều trên chỉ là kết quả của kịch bản xấu nhất. Nếu lượng khí thải nhà kính được giảm bớt, từ đó sự tăng lên của nhiệt độ trái đất vào năm 2100 chỉ khoảng 2,5°C, thay vì hơn 4°C, thì chúng ta có thể làm giảm sự xói mòn bãi biển đi khoảng một phần ba so với điều được dự đoán trong kịch bản xấu nhất.
Những chính sách toàn cầu hiện tại sẽ khiến nhiệt độ trái đất tăng khoảng 3°C. Con số này nằm giữa kịch bản 4°C và 2,5°C trong nghiên cứu về sự xói mòn của biển ở trên, điều này hàm ý những chính sách hiện nay của chúng ta sẽ dẫn đến một sự xói mòn biển rất lớn, bao gồm cả ở Úc.
Giảm thiểu lượng khí thải, để đạt được mục tiêu [của thỏa thuận] Paris là giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 2°C, là một bước chủ đạo trong việc làm giảm sự mất mát bãi biển.
Tại sao xói mòn bờ biển lại khó dự đoán
Dự phóng về mực nước biển dâng và xói mòn biển đặc biệt khó, bởi cả hai điều này đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Đối với mực nước biển, vấn đề chính là ước lượng sự đóng góp của dòng băng tan ở Nam Cực vào đại dương, sự thay đổi của mực nước biển theo phạm vi vùng, và mức tăng lên của nhiệt độ trái đất.
Sự xói mòn biển được tính toán trong nghiên cứu mới này phụ thuộc vào vài bộ số liệu mới. Bộ số liệu về sự dịch chuyển của đường bờ biển gần đây đã được dùng để dự phóng các yếu tố tự nhiên có thể bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, có khả năng dẫn đến sự trầm trọng hóa trong kết quả tính toán cuối cùng.
Các hàm ý
John A. Church (1951-)
Cho dù con số chính xác được báo cáo trong nghiên cứu này là gì, có một điều rõ ràng là chúng ta phải thích nghi với sự xói mòn bãi biển không thể ngăn chặn được nữa, nếu chúng ta vẫn thích các bãi biển.
Điều này có nghĩa chúng ta cần kế hoạch phù hợp, ví dụ như nuôi dưỡng bãi biển (thêm cát vào bãi biển để chống xói mòn) và những giải pháp kỹ thuật cứng và mềm khác. Trong một số trường hợp, chúng ta thậm chí cần rời khỏi bờ biển để cho phép biển lấn vào đất liền.
Và nếu chúng ta vẫn muốn tận hưởng những bãi biển cát trong tương lai, thì chúng ta không được cho phép tiếp tục thải và gia tăng khí nhà kính. Thế giới cần giảm khí thải nhà kính một cách khẩn trương, thực chất và bền vững.
Nguyễn Mai Hạ dịch
Print Friendly and PDF