29.5.20

Từ SARS đến Covid-19: tại Hồng Kông, một đạo luật chống phản loạn, hai đại dịch

TỪ SARS ĐẾN COVID-19: TẠI HỒNG KÔNG, MỘT ĐẠO LUẬT CHỐNG PHẢN LOẠN, HAI ĐẠI DỊCH

Tamara Lui
Bà đặc khu trưởng Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga [Carrie Lam], tại một cuộc họp báo về dự luật an ninh quốc gia mới được chính phủ Bắc Kinh công bố vào ngày 22 tháng 5 năm 2020. (Nguồn: Reuters)
Lịch sử không chỉ lặp lại ở Hồng Kông: nó đang được khuếch đại. Luật dễ gây bùng nổ về chống phản loạn đã được Bắc Kinh đưa lại vào chương trình nghị sự ngay giữa cuộc chiến chống virus corona. Dự luật này đã từng gây ra những cuộc biểu tình lớn đầu tiên vào năm 2003 tại Hồng Kông tiếp theo sau dịch SARS. Dự luật cho phép đàn áp bất kỳ sự phản đối nào chống lại chính quyền Trung Quốc và báo hiệu sự chấm dứt các quyền tự do dân sự gắn với nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Liệu các cuộc biểu tình có tiếp tục diễn ra với cường độ như vào năm 2019 hay không?
Vương Thần (1950-)
Thứ Sáu vừa qua, ngày 22 tháng 5, tại phiên họp thường niên lần thứ ba của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 (NPC, National People's Congress), Vương Thần, phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ, đã công bố chi tiết về dự luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Vương Thần khẳng định, đạo luật này nhằm mục đích ngăn ngừa, bắt giữ và trừng phạt các mối đe dọa đến chủ quyền của Trung Quốc.
Trong phiên họp quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường [Li Keqiang] nhắc lại việc thiết lập một cơ chế pháp lý ở Hồng Kông sẽ cho phép thực hiện chính sách “một quốc gia, hai chế độ” và đảm bảo quyền tự chủ ở Hồng Kông và Macao.
Cùng ngày, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đặc khu trưởng Hồng Kông, cũng đưa ra tuyên bố: chính phủ của bà “sẽ hợp tác toàn diện” với dự luật mà Bắc Kinh mong muốn, đồng thời xác định luật an ninh quốc gia [mới] sẽ không ảnh hưởng đến các “quyền và tự do hợp pháp” của người dân Hồng Kông.
Trong khi chờ đợi các quy định chi tiết của đạo luật trong những ngày sắp tới, các tờ báo Hồng Kông thân Bắc Kinh đưa tin cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ được trao quyền soạn thảo dự luật được thiết kế riêng cho Hồng Kông liên quan đến các vấn đề ly khai, can thiệp của nước ngoài, khủng bố và lật đổ chính quyền trung ương. Đạo luật tương lai này, được gọi là “luật chống phản loạn”, có nội dung bao phủ gần như toàn bộ điều 23 của Luật cơ bản của thuộc địa cũ của Anh, được Bắc Kinh và Vương quốc Anh ký kết vào năm 1990, và sẽ được trực tiếp đưa vào trong phụ lục III của Luật cơ bản. Nói cách khác, luật an ninh quốc gia [mới] sẽ có hiệu lực trực tiếp, mà không cần các đại biểu Hồng Kông bỏ phiếu thông qua.
Đổng Kiến Hoa (1937-)
Cần nhớ rằng: việc Bắc Kinh cố gắng sửa đổi điều 23 ngay sau khi dịch SARS diễn ra vào tháng 5/2003, đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng thấy, và đã khiến Đổng Kiến Hoa, đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông, phải từ chức vào năm 2004. Chính quyền Trung Quốc luôn có đủ tiếng nói để thông qua luật, nhưng luật an ninh quốc gia này chưa bao giờ được đưa lại vào chương trình nghị sự kể từ sau thất bại nói trên. Những người ủng hộ nền dân chủ lo ngại luật an ninh quốc gia sẽ có tác động tiêu cực đến các quyền tự do dân sự.
ĐẠO LUẬT VỀ QUỐC CA đang chỜ đỢi thông qua
Vào tháng 10 năm 2017, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Bắc Kinh đã bỏ phiếu thông qua một đạo luật mới trừng phạt những người không tôn trọng quốc ca Trung Quốc. Luật này sẽ có hiệu lực bằng cách công bố ban hành hoặc thông qua hệ thống lập pháp tại Hồng Kông.
Lịch trình của hội đồng lập pháp đã bị chậm trễ rất nhiều do các cuộc biểu tình vào năm 2019, trong khi cuộc thảo luận lần hai về bản dự luật, trong đó đã tăng cường các biện pháp trừng phạt, đã sẵn sàng để thông qua vào ngày 27 tháng 5 năm 2020. Và một số đại biểu thân Bắc Kinh đã chọn cách ở lại Hồng Kông để bỏ phiếu thay vì bỏ phiếu ở Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Bắc Kinh. Đạo luật từng được chờ đợi từ lâu này là mục tiêu hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trước khi kết thúc phiên họp quốc hội vào tháng 7, và đặc biệt trước khi diễn ra các cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 9.
Từ nay, dự luật [về quốc ca] quy định người nào thay đổi lời của quốc ca, chê bai hoặc bóp méo quốc ca, hoặc xúc phạm đến quốc ca dưới bất cứ hình thức nào, sẽ được cảnh báo hoặc bị cảnh sát giam giữ tới 15 ngày. Cuộc thảo luận mới về dự luật [quốc ca] cũng dự kiến đưa quốc ca vào các chương trình giáo dục tiểu học và trung học. Dự luật quy định các trường học sẽ phải dạy học sinh cùng nhau hát quốc ca, tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của quốc ca.
Starry Lee (1974-)
Để cuộc thảo luận lần hai về luật này được đưa vào chương trình nghị sự, ủy ban quản lý các vấn đề nội chính của Hạ viện phải bầu ra một chủ tịch Hội đồng lập pháp mới. Vụ việc đã kéo dài kể từ khi phiên họp hội đồng được nối lại vào tháng 10 năm ngoái: phe đối lập ủng hộ dân chủ đã làm mọi cách để ngăn chặn, không hề dễ dàng chút nào, cuộc bỏ phiếu này.
Vào ngày 18 tháng 5, cựu chủ tịch Hạ viện Starry Lee (Đảng DAB, thân Bắc Kinh) đã được bầu lại làm Chủ tịch Hội đồng lập pháp với 40 phiếu (trên 70), trong khi có một nhóm các đại biểu đối lập bị trục xuất bằng vũ lực, và một nhóm các đại biểu khác thì tẩy chay cuộc bỏ phiếu.
SƯ CĂNG THẲNG LÊN CAO BẤT CHẤP SỰ CẤM CẢN
Người tổ chức lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ở Hồng Kông kêu gọi công dân thắp nến tại nhà vào tối ngày 4 tháng 6. Thật vậy, sự kiện thường niên này tại Công viên Victoria đã bị hủy bỏ: lệnh cấm tụ tập nơi công cộng đã được kéo dài trong khuôn khổ cuộc chiến chống virus corona.
Tuy nhiên, trên các mạng xã hội, rất đông giới trẻ kêu gọi biểu tình ở nhiều khu phố khác nhau vào Chủ nhật ngày 24 tháng 5, bất chấp hành động bạo lực của cảnh sát khi can thiệp vào ngày 10 tháng 5. Văn phòng Liên lạc và phụ trách các vấn đề của Hồng Kông, cơ quan đại diện cho chính quyền Bắc Kinh tại thành phố, đã tăng cường sự bảo vệ của cảnh sát kể từ tối ngày 22 tháng 5.
Chủ nhật ngày 10 tháng 5, Ngày lễ Mẹ ở Hồng Kông, cũng đánh dấu ngày thứ hai mươi mốt không có trường hợp nhiễm Covid-19 mới. Ngày đó đã biến thành ngày của một cuộc biểu tình lớn được khởi xướng một ngày trước đó trên Internet. Vào buổi chiều, những người biểu tình đã tập trung tại các trung tâm thương mại trên đảo Hồng Kông để hô khẩu hiệu trong khi hát bài ca của phong trào phản đối. Khi màn đêm rơi xuống, hàng trăm người đã chặn các con đường mua sắm ở Cửu Long.
Trong khuôn khổ của tình trạng khẩn cấp, cảnh sát đã mạnh tay thực hiện các vụ bắt giữ: đã có khoảng 230 người từ 12 đến 65 tuổi bị bắt vào hôm Chủ nhật đó, trong đó có một đại biểu ủng hộ dân chủ. Ngay tối hôm đó, các lực lượng thi hành trật tự đã bị cáo buộc có hành động bạo lực khi giải tán cuộc biểu tình ở quận Mong Kok.
Theo các nhân chứng, các sĩ quan cảnh sát đã ra lệnh cho các nhà báo quỳ xuống và ngừng quay phim bằng cách xịt hơi cay vào người họ. Vài phút sau, cảnh sát đưa các nhà báo ra khỏi đám đông, yêu cầu họ đọc số chứng minh nhân dân và tên cơ quan báo chí của họ trước một máy quay camera của cảnh sát, để xác minh chính xác danh tính của họ và làm nhục họ.
Vào sáng ngày 11 tháng 5, tám hiệp hội các nhà báo địa phương đã đưa ra một tuyên bố chung lên án mạnh mẽ sự lạm quyền của cảnh sát trong các cuộc kiểm tra và cáo buộc họ đã cản trở công việc của các phóng viên với mục đích hạn chế quyền tự do báo chí.
Tamara Lui
Bạo lực xảy ra vào ngày hôm đó giữa người biểu tình và cảnh sát gợi lại, một cách mạnh mẽ, bầu không khí của mùa hè năm ngoái. Điều này có thể làm dao động cử tri. Bởi vì các đảng ủng hộ nền dân chủ đang tìm mọi cách để giành được ít nhất 35 ghế trong số 70 ghế trong các cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 9 tới.
Giới thiệu tác giả
Xuất thân từ Hồng Kông, là một cựu nhà báo của hai hãng phương tiện truyền thông lớn của Hồng Kông, Tamara đã chuyển qua làm phim tài liệu. Chuyên nghiên cứu về vấn đề người Trung Quốc nhập cư ở Pháp, bà đang tiến hành các dự án về kinh tế xã hội và liên đới. 
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF