28.5.20

Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể 2

PHƯƠNG PHÁP LUẬN CÁ THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN TỔNG THỂ

Kể từ thế kỉ XIX, những phương pháp được các khoa học xã hội triển khai đã là đối tượng của những cuộc bàn luận sôi nổi. Những cuộc bàn luận này đã được xem xét lại suốt các thập niên trước trong khuôn khổ của một cuộc tranh luận xuyên suốt bởi sự căng thẳng giữa phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể. Tính đa dạng của những ý nghĩa được gán cho hai thuật ngữ này, và đặc biệt cho thuật ngữ đầu, là cội nguồn của những nhầm lẫn hay hiểu lầm góp phần làm cho cuộc tranh luận có một chiều hướng ý thức hệ.
“Cuộc tranh luận về các phương pháp”
Carl Menger (1840-1921)
Gustav Schmoller (1838-1917)
Việc xuất bản vào năm 1883 tác phẩm Những nghiên cứu về phương pháp của các khoa học xã hội và đặc biệt của kinh tế chính trị học của Carl Menger là thời điểm đánh dấu điều được gọi là “cuộc tranh luận về phương pháp luận” (Methodenstreit). Nằm trong sự tiếp nối của cuộc xung đột truyền thống đối lập giữa, một mặt, phương pháp trừu tượng và suy diễn của các nhà cổ điển và, mặt khác, cách tiếp cận cụ thể và quy nạp của các nhà duy sử luận, cuộc tranh luận này là sự đối đầu giữa các lí thuyết gia Áo của cuộc cách mạng cận biên - chủ yếu là Menger - với các tác giả đại diện cho trào lưu “duy sử luận” đặc biệt là Gustav Schmoller. Chống lại Schmoller, người bảo vệ một cách tiếp cận tổng thể, tác giả của Principes d’économie politique (Các nguyên lí chính trị học) ([1871] 1907) nhấn mạnh rằng có thể phát biểu những quy luật kinh tế tổng quát, cho dù chúng chỉ áp dụng cho những hiện tượng xã hội đặc biệt, và nói rõ là các quy luật này chỉ có ý nghĩa khi xuất phát từ hành vi duy lí của các tác nhân. Bác bỏ đồng thời duy sử luận và thuyết duy cơ quan, Menger cũng nói đến “những hệ quả không chờ đợi của các hành động tự nguyện”.
Karl Popper (1902-1994)
Max Weber (1864-1920)
Sự cần thiết mở rộng sang xã hội học của kiểu lập luận này, vốn là điểm xuất phát của kinh tế học “tân cổ điển”, đã được Max Weber trình bày. Trong một bức thư năm 1920, ông nhận xét là “xã hội học cũng thế chỉ có thể bắt nguồn từ hành động của một, vài hay nhiều cá thể tách biệt. Đó là lí do vì sao xã hội học phải vận dụng những phương pháp thuần tuý mang tính cá thể”. Ta gặp lại ở Karl R. Popper phê phán ngầm ẩn này đối với tham vọng tính đến các hiện tượng xã hội mà không màng đến chiến lược của các tác nhân. Được tập hợp trong Sự khốn cùng của duy sử luận (1991)[1], ba bài viết trong tạp chí Economica các năm 1944-1945 những giới hạn của kiểu giải thích - được gọi là “theo phương pháp luận tổng thể” (holistic) và “có tính phổ cập” - thống trị trong các khoa học xã hội. Đoạn tuyệt với một phương pháp luận theo thuyết bản chất dẫn đến việc quy một biến cố hay hành động nào cho những nguyên nhân tổng quát và việc viện đến những thực thể xã hội học khác nhau, điều được đặt thành tiên đề là “một biến cố xã hội được thấu hiểu khi nó được phân tích bằng những khái niệm của những lực đã tạo ra nó, nghĩa là khi biết được các cá thể và các nhóm có liên quan, những ý đồ hay quyền lợi của họ, và quyền lực mà họ có được”.

Friedrich Hayek (1899-1992)
Chủ trương, trong khoa học xã hội, nghiên cứu có chọn lọc những khía cạnh trừu tượng bằng những mô hình, Popper đặc biệt làm rõ mục tiêu theo đuổi: đó là “xây dựng và phân tích cẩn thận các mô hình xã hội học của chúng ta bằng những khái niệm mô tả hay duy danh, nghĩa là bằng những cá nhân với các thái độ, dự kiến, quan hệ, v.v. của họ - tiên đề mà ta có thể gọi là phương pháp luận cá thể”. Không bị ràng buộc bởi bất kì cam kết tâm lí học nào, cách tiếp cận tự xưng là “không thể bác bỏ” này do đó quy “tất cả những hiện tượng tập thể về những hành động, tương tác, mục đích, hi vọng và tư tưởng của các cá nhân”. Song song đó, nhưng mệnh đề tương tự được Friedrich A. Hayek trình bày trong Scientisme et sciences sociales ([1952] 1991)[2]. Phải luôn luôn bắt đầu từ những gì các cá nhân nghĩ và muốn làm và “do hành động của các cá nhân được hướng dẫn bởi một sự phân loại sự vật và biến cố được xác lập theo một hệ thống cảm giác và khái niệm có một cấu trúc chung (...). Đây là nét đặc trưng của phương pháp luận cá thể này gắn chặt với chủ nghĩa chủ quan của các khoa học xã hội”.
Như vậy, một phương pháp luận cá thể được ca tụng để đối lập với một quan niệm tổng thể về xã hội mà không được làm rõ và quy tắc hoá. Phương pháp luận tổng thể bị lên án nặng nề, và việc viện đến những thực thể siêu hình như Nhà nước, thị trường, chủ nghĩa tư bản trong việc giải thích của các bộ môn có liên quan bị bài trừ. Liên quan một cách tổng quát đến khoa học luận của các khoa học nhân văn và xã hội, phiên toà này, chủ yếu được dựng lên để chống lại giá trị của những giải thích do chủ nghĩa duy vật lịch sử và phép biện chứng cung cấp, đã có những phát triển độc đáo ở Pháp.
Sự tiếp nối của cuộc tranh luận
Auguste Comte (1798-1857)
Émile Durkheim (1858-1917)
Khát vọng hiểu biết toàn bộ các hiện tượng xã hội và quyết tâm tìm ra những quy luật chi phối các hiện tượng này đã ảnh hưởng lớn đến truyền thống xã hội học Pháp. Sau Auguste Comte, Emile Durkheim (1910) đã ghi các mục tiêu này trong chương trình đầy tham vọng của mình: “Chính xã hội học, bằng cách khám phá các quy luật của hiện thực xã hội, sẽ cho phép chúng ta điều khiển (...) diễn tiến lịch sử”. Trong chương trình nghiên cứu “một tập hợp lớn những sự vật”, hoàn toàn không có chỗ cho ý định của các tác nhân: “Tìm ra giải thích tức thì của chúng [các sự vật - ND] trong bản chất, không phải của các cá nhân, nhưng của các xã hội, các sự vật này cấu thành vật liệu của một khoa học mới, khác với tâm lí học cá nhân”. Cũng không chú ý đến những hướng mới của khoa học kinh tế được mời trở thành “một nhánh của xã hội học (...) đồng thời nó tự thẩm thấu tất định luận khoa học”.


Việc thiết lập những quan hệ trực tiếp giữa những hiện tượng xã hội vĩ mô và làm rõ những quy luật thuộc về một quan niệm tổng thể luận về xã hội. Một trong Các quy tắc của phương pháp xã hội học ([1895] 2004) quy định rằng “phải tìm nguyên nhân có tính quyết định của một sự kiện xã hội trong số những sự kiện trước đó chứ không trong các trạng thái của ý thức cá nhân”. Tác phẩm Le suicide (Tự tử) ([1897] 2004) chứng minh rằng hành động này “biến đổi theo chiều nghịch lại với sự hội nhập vào xã hội tôn giáo, gia đình và chính trị”. Như thế, Louis Dumont ([1983] 1991), mà chúng ta thừa hưởng những ứng dụng ([1967] 1979, 1977) của quan niệm trên, xác đáng hơn định nghĩa của ông về phương pháp luận tổng thể, có cơ sở để tự nhận mình thuộc về truyền thống tư tưởng này khi quy chiếu về “sự kiện xã hội toàn bộ” được Marcel Mauss khái niệm hoá. Ông cho rằng nếu có một truyền thống xã hội học xuất phát từ những cá nhân để rồi sau đó nhìn thấy họ trong xã hội thì cũng có một truyền thống khác “theo đó người ta khẳng định rằng sự kiện tổng thể của xã hội là không thể quy giản (...) Khi đã nói đến phương pháp luận cá thể cho trường hợp đầu, thì cũng có thể nói đến phương pháp luận tổng thể cho trường hợp sau”.
Claude Lévi-Strauss (1908-2009)

Khuôn khổ phân tích tổng quát này đã chiếm ưu thế trong hầu hết các khoa học xã hội trong nửa sau thế kỉ XX: trong ngôn ngữ học, với sự tiếp nối cuộc cách mạng của Saussure, trong nhân học, với Claude Lévi-Strauss nêu bật một số điểm bất biến được tổ chức thành hệ thống biểu đạt khi bàn đến quan hệ thân thuộc, các huyền thoại, cũng như với những nhà tiên phong của một “Lịch sử mới” mà đối tượng là xã hội được xem xét như một tổng thể. Như vậy, các tác phẩm của Fernand Braudel, Georges Duménil, Michel Foucault đề cập đến những khía cạnh khác nhau của một xã hội toàn diện - toàn bộ xã hội là một phương thức lí tưởng, có trước và cao hơn những bộ phận cấu thành nó, có thứ bậc - mỗi phần tử được nối kết toàn bộ với nhau. Các học giả, không phân biệt là theo cấu trúc luận, chức năng luận hay văn hoá luận có thể chấp nhận định nghĩa của Dumont ([1983] 1991) về phương pháp luận tổng thể: “được xem là phương pháp luận tổng thể một hệ tư tưởng công nhận giá trị của tổng thể xã hội, coi nhẹ và cho là thứ yếu cá nhân con người”. Khi thêm rằng “nói rộng ra, một xã hội học có tính tổng thể luận nếu nó xuất phát từ toàn bộ xã hội chứ không từ cá nhân được giả định là cho trước một cách độc lập”, tác giả của Essais sur l’individualisme (Các tiểu luận về chủ nghĩa cá nhân) chuyển từ một đối tượng nghiên cứu sang một phương pháp của bộ môn bằng cách lẫn lộn chủ nghĩa cá nhân xã hội họcphương pháp luận cá thể.  
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Michel Foucault (1926-1984)
Tuy nhiên, Joseph Schumpeter ([1954] 2004) đã phân biệt hai kiểu chủ nghĩa cá nhân này, được Piere Birbaum và Jean Leca nhận diện rõ ràng (Sur l’individualisme [1986] 2000).
Kiểu chủ nghĩa thứ nhất gắn kết với quá trình đặc trưng hoá các thể chế hay hành vi xã hội, hay chính đáng hoá các chuẩn mực và giá trị chính trị (Mac Pherson [1962] 2004). Nguyên lí của kiểu chủ nghĩa thứ hai cho rằng giải thích một hiện tượng tập thể là phân tích nó như là kết quả của những hành động và tin tưởng cá nhân. Trong một loạt các cuốn sách ([1979] 2001; 1982) và bài viết ([1986] 2000; 1988), Raymond Boudon đã khái niệm hoá và hệ thống hoá phương pháp mà ông chủ trương. Đi liền với mệnh đề đặt cơ sở cho phương pháp, theo đó giải thích được gọi có tính cá thể “khi ta cho rằng hiện tượng xã hội P là hệ quả của hành động của những cá nhân thuộc về hệ thống trong đó P được quan sát”, là ý niệm hiệu ứng gộp hay cấu thành mà tác dụng tai ác - hệ quả không mong muốn của những hành động cá nhân - là một trường hợp tới hạn.
Ý nghĩa và giá trị của sự đối lập
Alexis de Tocqueville (1805-1859)

Bằng những ví dụ mượn ở những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau - thay đổi xã hội, vận động tập thể, các cuộc xung đột, v.v - R. Bourdon chỉ ra tính xác đáng của phương pháp luận cá thể và những thiếu sót của phương pháp luận tổng thể trong việc xử lí các hiện tượng xã hội. Ông cũng đã xử lí thoả đáng sự tương ứng được xác lập một cách sơ lược giữa xã hội truyền thống và phương pháp luận tổng thể, “xã hội của các cá nhân” và phương pháp luận cá thể: Tocqueville (L’Ancien régime et la révolution [1856] 1993) có tính đến chiến lược của các tác nhân, và do đó qua trung gian của những hành động cá nhân để giải thích sự trì trệ của nền nông nghiệp Pháp trong thế kỉ XVIII; bản thân Boudon cũng nhận xét nhân những vấn đề liên quan đến Ấn Độ là “dù cho xã hội Ấn Độ bị nguyên lí homo hierarchicus thống trị ta cũng phát hiện ở đất nước này những quá trình có tầm quan trọng xã hội to lớn không mấy khác với những quá trình mà các nhà xã hội học đã làm rõ trong những xã hội mà homo aequalis ngự trị”. Cuối cùng R. Boudon đã ghi nhận trong tư liệu xã hội học cổ điển nhiều mẫu của phương pháp mà ông đã gắn liền tên tuổi của mình: Tocqueville liên tục vận dụng phương pháp luận cá thể; phân tích các quá trình lịch sử của Marx được tiến hành bằng phương pháp luận cá thể và quy luật tỉ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống là một minh hoạ hoàn hảo của hiệu ứng gộp; sự tương quan được Durkheim xác lập giữa thịnh vượng kinh tế và sự gia tăng của tự tử thuộc về logic của những hành động cá nhân nằm bên dưới.
Mặc dù có những nhắc nhở không ngừng nghỉ rằng những hành động cá nhân chỉ có ý nghĩa trong một bối cảnh xã hội nhất định và các cá nhân đánh giá, quyết định và hành động tùy theo vị thế xã hội của họ, phương pháp luận cá thể, được kinh tế học chấp nhận không mấy khó khăn, vẫn không được xã hội học đón nhận tốt. Giải thích tình hình này là do quan niệm cực kì xã hội hoá về cá nhân chiếm ưu thế trong truyền thống xã hội học ở Pháp, với những kiến giải bao quát lấn át các phân tích về quá trình, việc truy tìm các nền tảng vi mô và thiết kế các mô hình hình thức. Thêm vào đó là ảnh hưởng mạnh mẽ của lối tư duy bị chủ nghĩa duy vật lịch sử và biện chứng định hướng. Kết quả là cực đoan hoá sự đối lập phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể. Một mặt, sự lẫn lộn giữa phương pháp luận cá thể, chủ nghĩa cá nhân xã hội học và hệ tư tưởng tự do được duy trì, mặt khác, việc lạm dụng khái niệm cấu trúc bị tố cáo và việc ráp nối những thuật ngữ sáo rỗng như, ví dụ, “xã hội cổ truyền” và “xã hội hiện đại” bị gạt bỏ.

Hiệu quả của phương pháp luận cá thể - gắn liền với các khái niệm hành động, tương tác và gộp - không chỉ được nhiều nghiên cứu xử lí các chủ đề khác nhau chứng thực. Nó đã tạo cảm hứng cho R. Boudon (1984) đọc lại lịch sử các ý tưởng trong khoa học xã hội, người đã tìm cách chứng minh rằng đóng góp của Durkheim chưa được đánh giá đúng. Tác giả của La division du travail há chẳng đã khẳng định rằng “chủ nghĩa cá nhân không bắt đầu từ đâu cả”? Đối với nhà bình luận này, điều này có nghĩa là “trong mọi xã hội, cá nhân quan tâm đến bản thân và tự cho mình có quyền và khả năng đánh giá các thể chế hiện hành”. Người ta cũng đã sai lầm cho là Durkheim “có một tầm nhìn nhân quả về hành vi thừa nhận rằng hành vi được giải thích bằng những lực chi phối ở sau lưng tác nhân”. Ở đây đồng thời với việc phủ nhận rằng Durkheim có một quan niệm tổng thể về xã hội là việc xoá nhoà sự phân biệt giữa phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể.
Ruth Benedict (1887-1948)
Cuối cùng, phải chăng là không thể hoà giải phương pháp luận cá thểphương pháp luận tổng thể? Liệu phương pháp mà các thuật ngữ này biểu thị đúng hơn là bổ sung nhau, và do đó là tương thích với nhau? Được phân tích bằng những xấp xỉ hoá liên tiếp, một hiện tượng xã hội có thể, trong một bước đầu kiến giải một cách tổng quát, trước khi được hiểu từ những “lí do chính đáng” của các tác nhân. Tuy nhiên không hiếm trường hợp vì thiếu thông tin nên không cho phép nhận diện các trung gian cá nhân. Mặt khác, phương pháp luận tổng thể có giá trị riêng của nó. Những quan hệ nhân quả được xác lập giữa những hiện tượng xã hội vĩ mô có thể có một cơ sở thực tế và việc giải thích khái quát các cấu hình xã hội một lợi ích rõ ràng: chẳng hạn sự đặc trưng hoá, của Ruth Benedict, một văn hoá theo kiểu Appollon (cân bằng và chừng mực - ND) và một văn hoá theo kiểu Dionysos (nguyên tác là Faust - ND) cho phép chúng ta hiểu những bố trí xã hội mà không đòi hỏi đào sâu bằng phương pháp luận cá thể.
Nguồn: “Individualisme et holisme méthodologiques”, Le dictionnaire des sciences humaines, Sylvie Mesure và Patrick Savian (chủ biên), Paris, PUF, 2006.

BOUDON R., La logique du social, 1979, Paris, Hachette, “Pluriel”, 2001; “Individualisme et holisme dans les sciences sociales” in P. Birnbaum và J. Leca (chủ biên), Sur l’individualisme (1986), Paris, FNSP, 2000; “Individualisme et holisme, un débat méthodologique fondamental” in H. Mendras và M. Verret (chủ biên), Les champs de la sociologie franVaise, Paris, A. Colin, 1988; “Durkheim fut-il durkheimien?”, Revue européenne des sciences sociales, 2004, n0129, pp. 39-44 - BOUDON R., & BOURRICAUD F., Dictionnaire critique de la sociologie, Paris, PUF, 1982 - DUMONT L., Homo hierarchicus (1967), Paris, Gallimard “Tell”, 1979; Homo Aequalis, Paris, Gallimard, 1977; Essais sur l’individualisme, Paris, Seuil “Points”, 1991 - DURKHEIM E., Les règles de la méthode sociologique (1897), Paris, PUF “Quadrige”, 2004; Le suicide (1897), Paris, PUF “Quadrige”, 2004; “Sociologie et sciences sociales”, De la méthode dans les sciences, Paris, Félix Alcan, 1910 - HAYEK H. A., Scientisme et sciences sociales (1952), trad. R. Barre, Paris Pocket, 1991 - MACPHERSON C. B., La théorie politique de l’individu possessif de Hobbes à Locke (1962), trad. M. Fuchs, Paris, Gallimard, 2004 - MENGER C., Principes of Economics and Sociology (1883), Urbana University of Illinois, 1963 - POPPER K. R., Misère de l’historicisme (1944-1945), trad. H. Rousseau, Paris, Plon, 1991 - SCHMOLLER G., Principes d’économie politique (1871), trad. G.Platon et L. Pollack, Paris, Giard et Brière, 1907 - SCHUMPETER J. A., Histoire de l’analyse économique (1954), trad. J. C. Casanova, Paris, Gallimard, 2004 - TOCQUEVILLE A. de, L’Ancien régime et la révolution (1856), Paris, Flammarion, 1993.
Bernard Valade
Giáo sư đại học Sorbonne
Nguyễn Đôn Phước dịch
Braudel F., Boudon R., Comte A., Chủ nghĩa cấu trúc và các khoa học nhân văn, Chủ nghĩa văn hoá, Dumézil G., Dumont L., Durkheim E., Duy sử luận, Foucault M., Hayek F., Lévi-Strauss, Mauss M., Popper K., Schumpeter J., Trường phái Annales, Tương tác, Tocqueville A. de, Weber M.
Nguồn: Dictionnaire des sciences humaines, Sylvie Mesure và Patrick Savidan (chủ biên), 2005, Paris, PUF.
* * *
PHƯƠNG PHÁP LUẬN CÁ THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN TỔNG THỂ
Georg Simmel (1858-1918)
Các khoa học xã hội nên theo một phương pháp luận “cá thể” hay “tổng thể” (tiếng Hy lạp holon có nghĩa là “toàn bộ”)? Trong trường hợp đầu, các hiện tượng xã hội xem như được giải thích từ những hành động cá nhân cấu thành chúng. Trong trường hợp thứ hai, các hiện tượng xã hội được xem như những “thể thống nhất” không quy giản được về các cá nhân. Về mặt lịch sử, phương pháp luận “cá thể” được trường phái xã hội học Đức mà đại diện là M. Weber và G. Simmel phát biểu vào cuối thế kỉ XIX, cho dù việc vận dụng nó đã diễn ra sớm hơn, ít nhất từ thế kỉ XVIII. Phương pháp luận “tổng thể” gắn với trường phái xã hội học Pháp do A. Comte rồi E. Durkheim đặt nền móng được ứng dụng mới đây hơn và thuộc về phong trào “thực chứng” mà kể từ thế kỉ XIX đã ảnh hưởng đến tất cả các khoa học chứ không chỉ xã hội học.
Những nguyên lí của phương pháp luận cá thể
Phương pháp luận “cá thể” dựa vào việc giải thích các hiện tượng xã hội bằng cách chỉ ra rằng chúng là kết quả của việc gộp những hành động “hiểu được”. Xét sự gia tăng rất mạnh của các vụ trộm ở Pháp hoặc ở Hoa Kì trong các thập niên 1960 và 1970: hiện tượng này được giải thích bằng sự nhân bội của việc nhân bội các hành động cá nhân (Cohen và Felson, 1979); các hành động này được nhân bội vì với thời gian những mục tiêu của chúng ngày càng hấp dẫn và ít được bảo vệ hơn: trang thiết bị của các hộ gia đình đã tăng lên rõ rệt trong các thời kì này nhưng lại thường ít được canh chừng đặc biệt do sự phát triển của lao động phụ nữ. Do đó ta “hiểu” rằng ngày càng có nhiều người quyết định lấy trộm với những tần suất ngày càng cao.
Trên nguyên tắc, có thể giải thích tất cả những hiện tượng xã hội theo cách trên (Boudon, 1984, 1986): những biến cố đặc biệt, những quy luật (tương quan thống kê, xu hướng), những tin tưởng tập thể (sự phổ biến các hệ tư tưởng, v.v.). Phương pháp được áp dụng cho việc nghiên cứu sự vận hành của các hệ thống xã hội lẫn cho những thay đổi xã hội.
Hai khái niệm cơ bản của phương pháp luận cá thể là hành động và gộp.
Hành động. - Các hệ thống xã hội được nghiên cứu gồm có những cá nhân hành động. Hành động của họ được giả định là “hiểu được” theo nghĩa của Weber. Bằng cách thử tự đặt mình “vào vị trí” của tác nhân, nhà xã hội học cố gắng tìm hiểu những lí do tác nhân tự viện ra để hành động cách này hay cách khác hay để chấp nhận niềm tin này hay niềm tin khác. Để tránh cho kiến giải của mình rơi vào sự tuỳ tiện, nhà xã hội học phải tìm hiểu thông tin về bối cảnh ra quyết định của các tác nhân. Những hành động như vậy là duy lí trong nghĩa là chúng dựa trên quan điểm của các tác nhân về các lí do. Có thể phân biệt hai nghĩa của thuật ngữ “duy lí”. Duy lí công cụ chỉ sự phù hợp của những mục đích nhắm đến với các phương tiện sẵn có. Trong phiên bản hẹp nhất, tính duy lí này là tính duy lí của homo economicus (con người kinh tế). Nhưng có thể mở rộng nó ra cho những cứu cánh vị tha và những phương tiện phi tiền tệ. Tính duy lí nhận thức nhằm giải thích bằng những lí do chính đáng - “chính đáng” theo quan điểm của tác nhân nhưng không nhất thiết là quan điểm của người quan sát - việc chấp nhận những niềm tin đủ kiểu (tin tưởng theo lí lẽ thông thường, tin tưởng khoa học, đạo đức, ý thức hệ, v.v.). Người ta phản bác rằng con người hành động chịu ảnh hưởng của những lực phi duy lí. Đó là một khả năng nhưng cực chẳng đã mới buộc phải chấp nhận, khi tất cả những nỗ lực kiến giải bằng những “lí do chính đáng” đều thất bại.
Gộp. - Sự kết hợp những hành động cá nhân có thể dẫn đến nhiều kiểu hiệu ứng gộp (Boudon, 1979): hiệu ứng cộng đơn giản, các phản ứng dây chuyền, hiệu ứng cộng dồn (với nhân quả tuần hoàn), hiệu ứng tái sản xuất, hiệu ứng mâu thuẫn, sự liệt kê này là không đầy đủ. Ví dụ về sự gia tăng các vụ trộm minh hoạ hiệu ứng gộp sơ đẳng bằng phép cộng đơn giản các hành động cá nhân. Tiến bộ kĩ thuật có thể khởi động những phản ứng dây chuyền. L. White (1962) đã chỉ ra bằng cách nào những sáng tạo như lưỡi cày hay hàm thiết ngựa đã kéo theo, thông qua vô số những nguyên nhân và hiệu ứng, nhưng đột biến kinh tế và xã hội vô cùng sâu sắc trong các xã hội thời Trung Cổ. Một hiệu ứng cộng dồn là một hiệu ứng tự củng cố qua trung gian của những hệ quả của chính nó. Khi, trong một đất nước, lượng tiền gia tăng thì sẽ có lạm phát, người dân tăng tốc mua sắm để đối phó với gia tăng của giá cả, nhưng làm như thế họ góp phần làm tăng giá cả (hiệu ứng tuần hoàn). “Nghịch lí Anderson” là một hiệu ứng tái sản xuất cổ điển: trong những thập niên qua, việc dân chủ hoá nền giáo dục đã không hay ít có ảnh hưởng đến tính cơ động xã hội: cho dù trình độ học vấn ảnh hưởng mạnh đến vị thế xã hội, và cho dù con công nhân có một xác suất ngày càng cao đạt được trình độ học vấn cao thì xác suất để chúng giữ được một vị trí tương đối cao hơn vị trí của cha mẹ chúng vẫn không mấy thay đổi. R. Boudon (1973) cho thấy là việc tái sản xuất cấu trúc xã hội là một hệ quả gộp của sự tương tác phức tạp giữa các tác nhân có liên quan. Trong một hiệu ứng mâu thuẫn, những hệ quả xã hội vĩ mô của những hành động cá nhân trái ngược với những hệ quả được các tác nhân mong đợi. Trong các nước nghèo, tỉ suất sinh con thường cao, cha mẹ trông vào con cái để giúp đỡ mình một khi về già. Thế mà gia tăng dân số do sinh sản cao này có thể khiến mọi người nghèo hơn.
Karl Marx (1818-1883)
Trong thực tế, có thể khó hay thậm chí không thể triển khai phương pháp luận cá thể, hoặc vì bối cảnh ra quyết định của các tác nhân không được biết rõ, hoặc vì các hiệu ứng gộp quá phức tạp. Mặt khác, trong thuật ngữ “phương pháp luận cá thể” từ “cá thể” có thể gây nhầm lẫn. Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng phương pháp này chỉ áp dụng cho các xã hội hiện đại “cá nhân chủ nghĩa” (theo từ ngữ của A. de Tocqueville): nó cũng cho phép giải thích những tin tưởng và hoạt động của những xã hội cổ truyền (Horton, 1967; Popkin, 1979). Cũng là hoàn toàn sai khi xem phương pháp luận cá thể như là một phương pháp “tự do” theo nghĩa chính trị. Phương pháp này được các nhà kinh tế cổ điển Anh hay các nhà kinh tế tự do thuộc trường phái Áo (von Mises, 1949; Hayek, 1952) và cả các nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa vận dụng: K. Marx trong lí thuyết về sự tự diệt vong của hệ thống tư bản chủ nghĩa (mỗi nhà tư bản muốn tối đa hoá lợi nhuận của mình, và làm như vậy thì góp phần dẫn chủ nghĩa tư bản đến diệt vong) và O. R. Lange (1936) trong lí thuyết của ông về tính khả thi và duy lí của một kế hoạch hoá tập thể Nhà nước.
Các nguồn gốc của phương pháp luận cá thể
David Hume (1711-1776)
J. J. Rousseau (1712-1778)
Từ lâu đời phương pháp luận cá thể được sử dụng trong các khoa học xã hội. Nó là nền tảng cho lí thuyết của Hume (1739-1740) về sự hình thành các chuẩn mực như luật sở hữu hay sự tôn trọng hợp đồng (Demeulanere, 1996, 39-51) cũng như cho lí thuyết khế ước xã hội của Rousseau (Boudon, 1919, 220-222). Trong kinh tế học, ta gặp lại phương pháp này trong tất cả các mô hình do các nhà kinh tế cổ điển, và đặc biệt là D. Ricardo, xây dựng: quy luật hiệu suất giảm dần, quy luật sắt về tiền lương, quy luật địa tô, quy luật san bằng tỉ suất lợi nhuận giữa các ngành sản xuất khác nhau, quy luật cung cầu, quy luật chi phí, lí thuyết định lượng về tiền tệ, quy luật lợi thế so sánh, v.v.. Trong xã hội học, Tocqueville vận dụng phương pháp luận cá thể trong các công trình của ông về xã hội học lịch sử về Cách mạng Pháp (1856) cũng như trong xã hội học về xã hội dân chủ (1848).
Trong những năm 1870, cuộc cách mạng cận biên (Jevons, 1871) đã cho ra đời kinh tế học được gọi là “tân cổ điển”. Cuộc cách mạng này quy lại là hình thức hoá các lựa chọn cá nhân, và do đó cho phép hiểu tốt hơn những hành động “duy lí” theo nghĩa công cụ của thuật ngữ này. Qua đó, phương pháp luận cá thể đã được củng cố.
Vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, trường phái xã hội học Đức đánh dấu một giai đoạn mới. Theo Weber, “xã hội học chỉ có thể bắt nguồn từ những hành động của một, vài hay nhiều cá nhân tách biệt nhau. Đó là lí do để bộ môn này nên chấp nhận một phương pháp luận “cá nhân chủ nghĩa” nghiêm ngặt. Như vậy, phương pháp luận cá thể hiện ra hoàn toàn như một phương pháp, và được công nhận như thế, cho phép mở rộng sang xã hội học phương pháp luận của các nhà kinh tế. Sự khái quát hoá này kéo theo là ta có thể phân tích một phổ rất rộng những hành động và tin tưởng phi công cụ. Do đó Weber đã phải đề xuất một tiêu chí rộng về tính duy lí dựa đặt cơ sở trên tiên đề về sự “thông hiểu”.
Kinh tế học không phải là bộ môn duy nhất tạo cảm hứng cho việc khái niệm hoá phương pháp luận cá thể: những suy tưởng của các nhà xã hội học Đức vào cuối thế kỉ XIX về triết lí lịch sử cũng đã có một vai trò quan trọng (Simmel, 1892).
Phương pháp luận tổng thể
Phương pháp luận tổng thể, trong phiên bản mạnh của nó, loại trừ hành động như là cội nguồn của nguyên nhân các hiện tượng xã hội. Phương pháp luận tổng thể bắt nguồn từ chủ nghĩa thực chứng của A. Comte, theo đó xã hội học chỉ có thể là một khoa học khi nhà xã hội học giữ một khoảng cách đối với các hiện tượng như nhà vật lí học hay nhà hoá học.
Phương pháp luận tổng thể được trường phái xã hội học Pháp xuất phát từ Comte phát triển. Durkheim (1895) cho rằng chính các hiện tượng xã hội có tác động ràng buộc nhân quả đến các cá nhân, chứ không phải ngược lại. Ông kết luận rằng những sự kiện xã hội được giải thích bởi những sự kiện xã hội khác, chứ không phải bởi những “trạng thái của ý thức cá nhân”. C. Lévi-Strauss (1978, 71-73) cho rằng ngôn ngữ là thể chế của con người thích hợp nhất cho nghiên cứu khoa học, các quy tắc ngôn ngữ học được các cá nhân áp dụng một cách vô ý thức, và tác động của nhà quan sát trên đối tượng được quan sát là không đáng kể. Các quy tắc “tổng thể luận” bắt nguồn từ chủ nghĩa thực chứng (gạt bỏ ý thức, nhà quan sát triệt để đứng ngoài) không tương thích với pha “hiểu biết” của phương pháp luận cá thể.
Hai hệ ý lớn gắn liền với phương pháp luận tổng thể là phân tích nhân quả và phân tích cấu trúc-chức năng.
Phân tích nhân quả được minh hoạ bằng nghiên cứu hiện tượng tự tử của Durkheim (1897). Những tương quan ông phát hiện đưa ông đến việc đặt giả thiết là tỉ suất tự tử tăng, hoặc khi sự hội nhập vào các nhóm xã hội là quá yếu, hoặc ngược lại, khi sự hội nhập này là quá mạnh.
Trong phân tích cấu trúc-chức năng, các thể chế xã hội được xem như những thành phần của một hệ thống: chúng đảm nhiệm những chức năng theo quan điểm của xã hội nói chung (khía cạnh chức năng) và có những quan hệ bổ sung nhau (khía cạnh cấu trúc). Hệ ý này do các nhà nhân học xây dựng: nghiên cứu các xã hội cổ truyền mà họ không biết lịch sử lâu dài, họ có thể cho là có lợi thế khi sử dụng một phương pháp đồng đại. Chẳng hạn, R. A. Radcliffe-Brown (1935) giải thích định chế thờ cúng ông bà trong các xã hội cổ truyền bằng chức năng của nó là củng cố tình đoàn kết; vì việc thờ cúng này cho phép hiểu rằng mình có thể dựa vào tác động thần diệu và có lợi của dòng dõi mình, với điều kiện là tuân thủ uy quyền của những quy tắc truyền thống.
Talcott Parsons (1902-1979)
Khi xã hội được quan niệm như một hệ thống chức năng những thể chế, ta chuyển dễ dàng sang việc phân tích cấu trúc xã hội thể hiện tính bổ sung của các thể chế này. Chẳng hạn, Parsons (1951), giải thích rằng, trong một xã hội công nghiệp, thị trường lao động khuyến khích tính cơ động của các tác nhân. Thế mà điều này đòi hỏi rằng các tác nhân không gắn bó quá chặt chẽ với các thân sinh của họ. Thể theo lập luận này, công nghiệp hoá không tương thích với những quan hệ rộng và mãnh liệt thuộc kiểu truyền thống với gia đình. Như vậy công nghiệp hoá và sự cắt đứt giữa gia đình sinh đẻ và gia đình định hướng là hai nhân tố bổ sung nhau, cấu thành một cấu trúc hài hoà.
Trong nhân học, với Lévi-Strauss (1958), nghiên cứu các cấu trúc xã hội đã khoác dạng của một chủ nghĩa cấu trúc lấy cảm hứng từ những công trình của các nhà ngữ học. Lévi-Strauss nhận ra rằng các quan hệ thân thuộc hay thông gia (anh/em) (vợ chồng)/(chú cháu) (cha/con) hợp thành, trong các xã hội khác nhau, những hệ thống đặc trưng bởi những quy luật đối lập. Các hệ thống quan hệ này được biểu trưng bằng bốn cấu trúc (thay vì mười sáu cấu trúc có thể), bất kể các xã hội được xem xét nào: + -/+ -, + -/- +, - +/+ - hay - +/- + (ví dụ, cấu trúc + -/+ - có nghĩa là các quan hệ anh/em là tốt, quan hệ vợ/chồng là xấu, quan hệ chú/cháu là tốt và quan hệ cha/con là xấu). Các quan hệ đối lập này tương tự với các quan hệ mà N. Troubetztkoy và R. Jacobson xác lập trong lĩnh vực âm vị học cấu trúc (ngôn ngữ, với tư cách là hệ thống thông báo dựa trên các âm vị).
Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể: đối lập hay bổ sung?
Dưới hình thức mà Durkheim và Lévi-Strauss khoác cho nó, phương pháp luận tổng thể đối lập với phương pháp luận cá thể. Nếu ta theo đúng từng chữ một những chỉ dẫn của họ thì những mảng lớn của xã hội học và phần lớn khoa học kinh tế sẽ biến mất.
Louis Dumont (1911-1998)
Phương pháp luận tổng thể cũng có tính hiệu quả của nó. Nó cũng đã cho phép ra đời nhiều lí thuyết quan trọng trong những trường khác nhau của các khoa học xã hội. Đặc biệt, L. Dumont (1983) đã quy tính thống nhất của cuộc điều tra của mình bắt đầu vào năm 1953, bắt đầu với luận án của ông về một đẳng cấp ở miền nam Ấn Độ cho việc triển khai những nguyên lí của phương pháp luận tổng thể mà bao giờ ta cũng có thể bàn luận giá trị của nó (Vallade, 2001). Nhưng phương pháp luận cá thể thường có khả năng “thu dụng” các lí thuyết tổng thể. Những kết quả của một phân tích nhân quả (phương pháp tổng thể) thường được bổ sung bằng một lập luận bằng những khái niệm của phương pháp luận cá thể, như trong ví dụ sự bùng nổ của những vụ trộm trong các thập niên 1960 và 1970: ta hiểu rằng những kẻ phạm tội tiềm tàng quyết định trộm các căn hộ trong chừng mực là chúng ngày càng ít được canh giữ. Lí thuyết gia đình của Parsons giả định là các cá nhân tận dụng những cơ hội thăng tiến xã hội mà học vấn và khả năng di chuyển mở ra cho họ: chính những lựa chọn cá nhân này tạo nên, ở cấp độ xã hội vĩ mô, sự đứt quãng giữa “gia đình định hướng” và “gia đình sinh đẻ”.
BOUDON J. R., L’inégalité des chances. La mobilité sociale dans les sociétés industrielles, Paris, Colin, 1973; La logique du social. Introduction à l’analyse sociologique, Paris, Hachette, 1979; La place du désordre. Critique du changement social, Paris, PUF; L’idéologie, ou l’origine des idées reVues, Paris, Fayard, 1986; “Individualisme et holisme dans les sciences sociales” in P. Birnbaum và J. Leca (chủ biên), Sur l’individualisme (1986), Paris, FNSP, 2000;  “Individualisme et holisme, un débat méthodologique fondamental” in H. Mendras và M. Verret (chủ biên), Les champs de la sociologie franVaise, Paris, A. Colin, 1988 - COHEN L. E., FELSON M., “Social change and crime rates trends: a routine activity approach”, ASR, 1979, 588-608 - DEMEULENAERE P., Homo economicus. Enquête sur la constitution d’un paradigme, Paris, PUF, 1996 - DUMONT L., Essais sur l’individualisme, Paris, Seuil “Points”, 1991 - DURKHEIM E., Les règles de la méthode sociologique (1897), Paris, 1986; Le suicide. Étude de sociologie (1897), Paris, PUF, 1986 - HAYEK H. A., Scientisme et sciences sociales. Essai sur le mauvais usage de la raison, Paris, Plon, 1953 - HORTON R., “African traditional thought and western science, Africa, 1967, vol. 38, 50-71155-187 - HUME D. (1739-40), Traité de la nature humaine, Paris, Aubier, 1973 - JEVONS W. F. (1871), The Theory of Political Economy, New York, Augustus M. Kelley, 1965 - LANGE O. R. (1936), “On the Economic Theory of Socialism” in B. E. LIPPINCOTT (chủ biên), On The Economic Theory of Socialism, New York, McGraw-Hill, 1964, 55-143 LÉVI-STRAUSS C. (1958), Anthropologie structurale, Paris, Plon, 1985 - MISES L. von, L’action humaine. Traité d’économie, Paris, PUF, 1985 - PARSONS T., The Social System, New York, The Free Press, 1951 - POPKIN S., The Rational Peasant, Berkeley, Univ. Of California Press, 1979 - RADCLIFFE-BROWN (1935), “On the concept of function in social science” in A. R. RADCLIFFE-BROWN, Structure and Function in Primitive Society, Gglencoe, The Free Press, 1952 - SIMMEL G. (1952), Les problèmes de la sociologie de l’histoire. Une étude d’épistémologie, Paris, PUF, 1984 - TOCQUEVILLE A. de (1848), De la démocratie en Amérique, vol. 2, Paris, Gallimard, 1961; (1856), L’Ancien régime et la Révolution, Paris, Gallimard, 1952 - VALLADE B., “De l’explication en sciences sociales: holisme et individualisme” in J. M. BERTHELOT (chủ biên), Épistémologie des sciences sociales, Paris, PUF, 2001 - WEBER M. (1922), Économie et société, Paris, Plon, 1971 - WHITE L., Medieval Technology and Social Science, Oxford, Clarendon Press, 1962.
Renaud Fillieule
Đại học Lille 1
Nguyễn Đôn Phước dịch
Hành động; Kinh tế học và xã hội học; Mises; Weber M.
Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), Paris, PUF, 2005.
* * *

CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN

Trong xã hội học, chủ nghĩa cá nhân không chỉ học thuyết đạo đức mang cùng tên nhưng là một đặc tính mà một số nhà xã hội học cho là đặc trưng của một số xã hội và đặc biệt là các xã hội công nghiệp hiện đại: trong các xã hội này, cá nhân được xem như một đơn vị quy chiếu cơ bản, vừa đối với chính bản thân cá nhân, vừa đối với xã hội. Chính cá nhân quyết định nghề nghiệp của mình, chọn bạn đời cho mình. Cá nhận đảm nhận một cách “hoàn toàn tự do” những tin tưởng, quan điểm của mình. Sự tự trị của cá nhân là cao hơn trong các xã hội “truyền thống”. Tất nhiên đây là một tình trạng pháp quyền có thể tương ứng một cách lí tưởng với những tình trạng thực tế: mặc dù tôi có quyền phát biểu và hành động theo ý mình (với điều kiện là ý kiến và hành động của tôi không vi phạm các cấm kị chính thức) tôi vẫn bị ràng buộc bởi những cấm đoán không chính thức mà tầng lớp tôi thuộc về áp đặt lên tôi. Tuy nhiên dường như có thể chấp nhận rằng các xã hội công nghiệp là cá nhân chủ nghĩa, theo nghĩa của thuật ngữ này ở đây, hơn các xã hội truyền thống, ít nhất là trong chừng mực có thể đưa vào một sự phân biệt rõ rệt giữa xã hội “hiện đại” và xã hội “truyền thống”.


Chính nhờ Durkheim mà ta có những suy tưởng và công trình quan trọng nhất, và dù sao cũng có ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa cá nhân và đặc biệt về sự phát triển của chủ nghĩa này trong các xã hội hiện đại. Nhưng trên điểm này nhiều tác giả khác cũng đáng được nêu tên: Tocqueville, tác giả của De la démocratie en Amérique (Nền dân trị Mĩ) và Simmel, tác giả của Grundfragen và của Philosophie des Geldes, trong số những tác giải khác. Trong tác phẩm La division du travail (Phân công lao động) cũng như trong Le suicide (Tự tử), thay vì ý niệm chủ nghĩa cá nhân, Durkheim thích dùng ý niệm ích kỉ (égoisme) hơn. Cả hai ý niệm, tuy không đồng nghĩa, có tương quan mạnh với nhau trong các phân tích của ông. Từ ích kỉ không nên (hoặc đúng hơn không nên lúc nào cũng) được hiểu theo nghĩa đạo đức, mà bằng từ này Durkheim chỉ tầm quan trọng của sự tự trị dành cho cái tôi (ego) trong sự “lựa chọn” những hành động và tin tưởng của mình. Thể theo các phân tích của Le suicide (Tự tử) sự tự trị này biến đổi tuỳ theo môi trường xã hội và văn hoá trong đó cá nhân sống. Nó cũng có thể biến đổi tuỳ tình hình. Như vậy, một số nền văn hoá áp đặt cho cá nhân những chuẩn mực, quy tắc và giá trị siêu nghiệm. Sự ích kỉ trong các nền văn hoá này sẽ khó nhọc được triển khai hơn là trong các nền văn hoá vốn giao cho tự do ý chí của cá thể, việc xác định những lựa chọn, sở thích và hướng hành động của mình, với điều kiện cá thể tuân thủ những quy tắc, chuẩn và giá trị mà nội dung là cực kì tổng quát. Trong nghĩa này, người theo đạo Tin lành, theo Durkhiem, dễ có tính ích kỉ hơn người theo đạo Công giáo (“[...] người Công giáo nhận niềm tin có sẵn, không cần xem xét [...] người Tin lành là tác giả nhiều hơn của niềm tin của bản thân)”, Le suicide, trang 157). Ở đây sự ích kỉ hiện ra có tương quan với sự “lung lay của những niềm tin truyền thống” (nt, trang 157) mà cuộc Cải cách đã thể hiện hơn là gây nên. Nhưng sự phát triển của tính ích kỉ không chỉ phụ thuộc vào những biến văn hoá. Nói chung, nó là một hàm của “mức độ hợp nhất của các nhóm xã hội mà cá thể là một thành viên” (nt, trang 223). Như vậy người đàn ông độc thân, khác với người chồng, không hội nhập vào một “xã hội gia đình”. Tương tự như vậy, công dân của một quốc gia hiện đại sẽ cảm nhận mình hội nhập trong thời chiến tranh nhiều hơn là trong thời bình. Cho dù sự ích kỉ có biến đổi trong cùng một xã hội tuỳ theo những đặc tính văn hoá và xã hội của các nhóm và cá thể, cho dù nó có thể biến đổi với tình thế (trường hợp chiến tranh) nhưng một trong những giả thiết cơ bản của Durkheim là sự ích kỉ có xu hướng tăng trong các xã hội hiện đại. Trong Le suicide, đạo Công giáo và đạo Tin lành được trình bày như là thuộc về cùng một đường hướng tiến hoá: sự lung lay mà cuộc Cải cách thể hiện, sự phát triển của tư duy độc lập được Durkheim phân tích như là những điều kiện của tư duy khoa học.
Le suicide bổ sung và làm tinh tế hơn những phân tích trước đó trong tác phẩm La division du travail. Thật vậy, luận đề chủ yếu của La division cho rằng sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân là một hệ quả của tính phức tạp ngày càng tăng của phân công lao động. Trong các xã hội cổ xưa, phân công lao động ít được phát triển, nên các cá nhân ít khác biệt nhau. Sự đoàn kết gắn kết họ thuộc kiểu “máy móc”. Nói cách khác, đó là một sự đoàn kết dựa trên những điểm giống nhau. Trong trường hợp này, hệ thống văn hoá có xu hướng giới hạn sự xuất hiện của sự ích kỉ: cá nhân hội nhập vào nó, qua trung gian của những chuẩn và giá trị được xác định chặt chẽ và chính xác, cá nhân được áp đặt những chuẩn và giá trị này một cách hiển nhiên và ngăn cản cá nhân nghi ngờ chúng. Trong các xã hội hiện đại, phân công lao động đi cùng với sự khác biệt hoá các cá nhân về mặt đào tạo, lịch sử nghề nghiệp, những môi trường xã hội đã trải qua và vô số những mặt khác mà ta có thể hình dung. Sự đoàn kết như vậy thuộc kiểu “hữu cơ”: nó dựa trên những điểm giống nhau và khác biệt bổ sung nhau.
Do đó những phân tích trong La division du travail và trong Le suicide đan chéo nhau nhiều. Cả hai tác phẩm đều xem sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân như là một đặc điểm thiết yếu của bước chuyển từ những xã hội truyền thống sang những xã hội hiện đại. Nhưng Le suicide trình bày một lí thuyết phức tạp hơn, ít ra là một cách tiềm tàng: sự ích kỉ được trình bày như là phụ thuộc vô số nhân tố không tất yếu gắn kết với nhau. Chẳng hạn, giáo hội Anh giáo, tuy thuộc phái Tin lành, là có thứ bậc và có tính ràng buộc hơn giáo hội Luther. Nước Pháp, tuy là một quốc gia “hiện đại” bằng với nước Phổ, lại là một nước công giáo. Các biến kinh tế (phân công lao động) và biến văn hoá không đi liền với nhau một cách hoàn hảo. Ở đây ta tách xa khỏi sự đơn giản của thuyết tiến hoá được trình bày trong La division du travail. Nhưng trong cả hai tác phẩm, Durkheim tỏ ra do dự đối với đánh giá về sự tiến hoá của xã hội lẫn cá nhân, vốn có một mặt tích cực (“tư cách cá nhân”) và một mặt tiêu cực (sự tiến triển của sự “ích kỉ”). Có thể phát hiện sự nhập nhằng này trong cách Durkheim sử dụng khái niệm “ích kỉ”, đôi lúc một cách trung tính và đôi lúc với hàm ý tiêu cực.
Mặc dù xem đó là nền tảng của đạo đức tập thể của các xã hội hiện đại, Durkheim đã luôn thể hiện nỗi lo ngại trước sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân trong các xã hội công nghiệp, và đề xuất những phỏng đoán về mối lo ngại này. Giả thiết chính của ông là khi vượt qua một ngưỡng nhất định thì sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân không tương thích với sự phát triển hài hoà của cá nhân và xã hội. Luận đề nổi tiếng này được thử thách bằng những sự kiện thực tế trong Le suicide. Để chứng minh nó, Durkheim bắt đầu bằng cách thiết lập những chỉ số “ích kỉ” (sự ích kỉ được giả định cao ở thành phố hơn là ở nông thôn, sự tự chủ của đàn ông độc thân cao hơn sự tự chủ của người chồng, sự tự chủ của nam giới cao hơn của phụ nữ, người Tin lành “ích kỉ” hơn người Công giáo, v.v.). Tiếp đến, ông xác lập là tất cả các chỉ báo “ích kỉ” này đều nối kết về mặt thống kê với các tỉ suất tự tử. Thật ra, Durkheim chưa bao giờ thành công thoát khỏi vòng luẩn quẩn của kết luận của cuốn La division du travail mà ta gặp lại trong Le suicide: phân công lao động giúp các cá nhân thoát khỏi những tin tưởng tập thể cũng như phơi bày họ cho sự ích kỉ, đồng thời khi sự đoàn kết trở thành “hữu cơ” thì phân công lao động khiến cá nhân cần thiết và bổ sung cho nhau nhiều hơn. Thế mà, theo Durkheim sự đoàn kết không thể chỉ dựa trên lợi ích mà phải được đặt nền tảng trên một đạo đức tập thể. Nhưng Durkheim cũng chứng minh là một nền đạo đức như thế là ít khả thi do chính sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân. Dù vậy, ông vẫn mong mỏi nó và không ngừng than phiền.

Ta gặp những suy tưởng tương tự nơi các tác giả khác. Tocqueville cũng bị sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân ở Mỹ gây ấn tượng: “một ý thức có cân nhắc khiến cho mỗi công dân tự cô lập khỏi đám đông những người đồng loại, tự tách biệt khỏi gia đình và bạn bè, cho nên sau khi tự mình tạo ra một xã hội nhỏ để sử dụng, cá nhân này sẵn sàng bỏ rơi cái xã hội lớn”. Simmel trong Philosophie des Geldes, phân tích ảnh hưởng của sự phát triển của lưu thông tiền tệ trên những quan hệ liên cá thể: là biểu tượng trung tính và trừu tượng, đồng tiền có xu hướng khoác một màu sắc cũng trừu tượng và trung tính lên những quan hệ liên cá nhân, và như vậy góp phần vào sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân. Những diễn giải tương tự cũng được Parsons trình bày: đặc trưng của các xã hội hiện đại là sự nhân bội những tương tác với những bên tham gia (như nhân viên ngân hàng và khách hàng) có những cảm xúc trung tính, có tầm quan trọng giới hạn và theo một hình thức hạn hẹp. Nhiều tác giả khác, như R. Coser, nhấn mạnh rằng hiệu ứng của việc tăng cường phân công lao động khiến cho các vai trò xã hội ngày càng phức tạp. Do những vai trò mà một cá nhân đảm nhận bao giờ cũng nhập nhằng và có nhiều nên kết quả là một hiệu ứng cá thể hoá, vì cá nhân chỉ có thể đảm nhận đúng đắn các vai trò này bằng cách liên tục tự mình phân xử.
Herbert Marcuse (1898-1979)
Do đó có một sự đồng ý rộng rãi giữa các nhà xã hội học để thừa nhận là có một quan hệ nhân quả giữa tính phức tạp của các xã hội và chủ nghĩa cá nhân. Duy chỉ có sự đánh giá hiện tượng là thay đổi từ tác giả này sang tác giả khác (tiêu cực đối với Durkheim, Simmel hay Tönnies, đánh giá có xu hướng tích cực hơn đối với các tác giả Mĩ; Tocqueville có đánh giá trung tính, người phân biệt và đối lập rõ nét hơn Durkheim ích kỉchủ nghĩa cá nhân). Những tiếng nói thật sự không hoà nhịp là của Marcuse, của một số nhà tân marxist và những tác giả ủng hộ “phái hữu mới”, những người bảo vệ luận đề ngược lại theo đó các xã hội công nghiệp có xu hướng đồng phục hoá hơn là phân biệt hoá và tự chủ hoá các cá nhân.
Nhưng ta có thể tự hỏi là sự đồng thuận của các nhà xã hội học cổ điển, từ Durkheim tới Parsons là có cơ sở không, hay đúng hơn đó là sự đồng ý về một sự phân biệt mà bản thân nó là mong manh và trong mọi trường hợp cần xem xét một cách tinh tế, tức sự phân biệt đối lập xã hội truyền thống và xã hội hiện đại. Kể từ Rousseau, hay đúng hơn kể từ những người ủng hộ tư tưởng ông, nhưng nhất là kể từ Tönnies, người ta có thói quen xử lí sự phân biệt này như một điều hiển nhiên và xem các xã hội “hiện đại” tượng trưng, về mọi mặt, cho một kiểu hình ảnh đảo ngược của các xã hội truyền thống. Nhưng nếu không có gì để nghi ngờ là các xã hội hiện đại là phức tạp hơn các xã hội truyền thống thì cũng không thể kết luận rằng có thể đơn giản đối lập chúng với nhau về mọi mặt. Ngày nay chúng ta biết rõ là một xã hội “hiện đại” không tất yếu loại trừ sự xuất hiện hay tồn tại dai dẳng của những hiện tượng đoàn kết kiểu “máy móc” theo nghĩa của Durkheim: đoàn kết giai cấp, đoàn kết phe cánh, đoàn kết tộc người, đoàn kết nghiệp đoàn, đoàn kết “nhóm tư tưởng”. Ta cũng biết là các xã hội “hiện đại” không miễn nhiễm với những tin tưởng và huyền thoại tập thể. Ngược lại, các xã hội “truyền thống” không tất yếu nằm dưới một cái vung đảm bảo sự hội nhập không có xung đột của cá nhân vào xã hội. Pareto đã nhắc nhở đúng lúc là thời Cổ đại từng có những người hoài nghi và vô thần và về mặt này Lucien[3] cũng không thua gì Voltaire. Đương nhiên là những cuộc ly giáo và sáng tạo văn hoá không phải là đặc sản của các xã hội hiện đại. Bản thân chủ nghĩa cá nhân, theo nghĩa học thuyết và triết học của thuật ngữ này, không tất yếu là một “kiến trúc thượng tầng”, để nói như các nhà marxist, dành riêng cho các xã hội được đặc trưng bởi sự phân công lao động mãnh liệt và một hệ thống kinh tế phức tạp. Một hệ tư tưởng “cá nhân chủ nghĩa” về công trạng cũng có thể phát triển trong một bối cảnh chính trị mà một giai cấp có cảm tưởng bị hệ thống chính trị cản trở một cách bất công và không chính đáng, ngay cả trong trường hợp của một xã hội “truyền thống”. Vả lại cần lặp lại rằng ý niệm chủ nghĩa cá nhân có những định nghĩa khác nhau tuỳ theo các tác giả. Tocqueville nhấn mạnh sự phát triển của không gian riêng tư. Durkheim nhấn mạnh việc mở rộng sự tự trị của cá nhân trong các lĩnh vực quy phạm và đạo đức. Simmel, và tiếp sau ông là Parsons, nhấn mạnh việc phát triển những quan hệ “phổ cập” và “trung tính về mặt cảm tính”. Marx - trên điểm này cũng như trên nhiều điểm khác lấy cảm hứng từ Darwin - nhấn mạnh sự cô lập của cá nhân, hậu quả của sự cạnh tranh của họ trên thị trường.
Thật ra, Le suicide, trong chừng mực mà tác phẩm này có ở dạng phác thảo, một lí thuyết đặt sự “ích kỉ” thành một biến phụ thuộc vào những nhân tố phức tạp và không gắn kết một cách hoàn toàn với nhau mở ra một hướng thoả đáng hơn lí thuyết tiến hoá được phát triển trong La division du travail. Thế mà chính lí thuyết này lại nhận được sự ưu tiên chú ý của nhiều nhà xã hội học hậu Durkheim.
Phương pháp luận cá thể
Trong nghĩa phương pháp luận và nhận thức luận, chủ nghĩa cá nhân có một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa được trình bày ở trên. Hãy xét việc giải thích một hiện tượng xã hội P. Ví dụ: tính cơ động xã hội trong nước A lớn hơn tính cơ động xã hội trong nước B. Để giải thích P, ta có thể tiến hành theo nhiều cách. Chẳng hạn, ta có thể giả định rằng tính cơ động tăng với sự phát triển kinh tế và thử kiểm tra rằng nước A ở một mức phát triển kinh tế cao hơn nước B. Trong trường hợp này, ta đã “giải thích” P bằng cách đặt nó trong mối quan hệ với một hiện tượng xã hội P’ khác. Cũng giống như vậy, ta có thể giải thích biến thiên P của tội phạm trong thời gian hay trong không gian bằng cách đặt nó trong mối quan hệ với những hiện tượng xã hội P’, P’’, ... khác, ví dụ, sự đô thị hoá, sự nghiêm khắc của toà án, v.v.. Từ đó ta tìm cách xác lập sự tồn tại của những tương quan giữa P và P’, P và P’’, v.v.. Như vậy, ta có thể sẽ quan sát được là tỉ suất trọng tội đặc trưng của một số nước và tội phạm theo trung bình càng cao khi sự đô thị hoá càng phát triển. Mặt khác, ta cũng có thể sẽ quan sát được là tỉ suất trọng tội theo trung bình càng cao khi toà án càng ít nghiêm khắc hơn. Nếu quả đúng là như thế thì ta đã xác lập một quan hệ nhân quả (thuộc loại xác suất) giữa, một mặt, P (đô thị hoá), P’’ (sự nghiêm khắc của toà án) và, mặt khác, P (tỉ suất tội phạm); trong trường hợp này ta có được “giải thích” của hiện tượng, chính xác hơn là của biến P, bằng cách xem xét quan hệ của biến này với các biến khác, P’ và P’’. Các biến “độc lập” này cũng được quan sát ở cấp độ gộp (xem mục Nhân quả); một “giải thích” như thế cũng có thể được gọi là “giải thích” gộp hay phi cá thể trong chừng mực là không tính đến hành vi của các cá thể mà logic sản sinh ra những tương quan quan trắc được ở cấp độ thống kê. Cũng giống như vậy, phân tích gọi là phân tích “so sánh” thường thuộc kiểu phi cá thể hay gộp. Đó là trường hợp khi phân tích này tự giới hạn ở việc sắp xếp các hệ thống xã hội thành loại, tuỳ theo sự xuất hiện hay không của một tập những đặc điểm được xác định ở một cấp độ gộp (xem mục Phân loại).
Một cách tương phản, một giải thích mang tính cá thể (theo nghĩa phương pháp luận) khi ta cho P rõ ràng là hệ quả của hành vi của những cá thể thành viên của hệ thống xã hội trong đó P được quan sát. Như vậy, đi ngược với những nguyên tắc của ông, Durkheim viện đến một cách kiến giải cá thể khi ông thử giải thích vì sao những thời kì bùng nổ kinh tế thường đi kèm với một gia tăng của các tỉ suất tự tử: khi không khí làm ăn là lạc quan, cá thể có thể được khuyến khích nâng cao mức kì vọng của mình và như vậy có rủi ro sẽ bị thất vọng. Tocqueville cũng viện đến một phân tích xã hội học vi mô cùng kiểu để giải thích là các cuộc cách mạng có vẻ nổ ra trong những tình thế thuận lợi khi điều kiện và cơ hội của mọi người có xu hướng được cải thiện. Trong cả hai trường hợp này, chắc chắn là phân tích quy về việc đặt thành mối quan hệ giữa một hiện tượng gộp P (gia tăng của tỉ suất tự tử, khởi động các cuộc cách mạng) và những hiện tượng gộp P’, P’’, v.v. khác (tăng trưởng kinh tế, gia tăng của tính cơ động xã hội). Nhưng quan hệ được suy ra từ một biểu trưng rõ ràng hành vi của các cá nhân. Các ví dụ này và cả nghìn ví dụ khác mà ta có thể trưng ra cho thấy là những lí thuyết cá thể chủ nghĩa không xa lạ với xã hội học và có thể phát hiện các lí thuyết này ngay cả ở những nhà xã hội học, như Durkheim, ghê tởm phương pháp luận cá thể. Một cách tổng quát, ta gặp phương pháp luận cá thể khi sự tồn tại hay vóc dáng của một hiện tượng P, hay khi quan hệ giữa một hiện tượng P và một hiện tượng P’ được phân tích rõ ràng như là một hệ quả của logic của hành vi của các cá thể có liên quan đến (các) hiện tượng này.
Một số nhà khoa học luận về các khoa học xã hội, đứng đầu là Friedrich von Hayek và Karl Popper, nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên lí phương pháp luận cá thể trong các khoa học xã hội. Đối với các tác giả này, giải thích một hiện tượng xã hội bao giờ cũng phải xem nó là hệ quả của những hành động cá nhân (xem mục Hành động). Một tương quan giữa một hiện tượng P và một hiện tượng P’, bất luận có cường độ như thế nào, không thể được xem như một “giải thích” cho P. Còn phải làm rõ logic của logic của những hành động cá nhân nằm sau sự tương quan. Một tương quan cực kì đơn giản như tương quan giữa giá nông sản phẩm và các điều kiện khí tượng chỉ có ý nghĩa khi xem đó hệ quả của những hành vi vi mô tuân thủ một logic nhất định.
Nguyên lí của phương pháp luận cá thể nhận được sự đồng thuận cao trong kinh tế học (xem mục Kinh tế học và xã hội học). Trong xã hội học, tình hình mập mờ hơn. Một mặt, nhiều nghiên cứu xã hội học tự bằng lòng với một định nghĩa “nhân quả” về sự giải thích kiểu P’ P. Mặt khác, một số nhà xã hội học xuất phát từ tiên đề theo đó do cá nhân là sản phẩm của các cơ cấu xã hội nên có thể được phân tích xem nhẹ. Tiên đề này, đôi lúc được gọi là duy xã hội luận hay phương pháp luận tổng thể, dẫn đến những khó khăn nan giải. Quả thật là hành động cá nhân chịu những ràng buộc xã hội và hiếm khi có thể muốn làm gì thì làm. Nhưng điều này không kéo theo là các ràng buộc xã hội quyết định hành động cá nhân. Các ràng buộc này giới hạn trường của những khả thể nhưng không giới hạn trường của hiện thực. Chính xác hơn, khái niệm ràng buộc chỉ có ý nghĩa đối với những ý niệm có tương quan là hành độngý định: một cá nhân không có ý định mua sắm không chịu bất kì ràng buộc ngân sách nào cả. Một cách tổng quát hơn, ý niệm cấu trúc xã hội chỉ có ý nghĩa khi quy chiếu về những ý định và dự án của các tác nhân. Nếu sự phân tầng thường được xem là một chiều kích thiết yếu của cấu trúc xã hội, đó là vì nó mô tả sự phân phối những ràng buộc chi phối các dự án của các tác nhân.
Do đó phương pháp luận cá thể phải được xem là một nguyên lí cơ bản, không chỉ của riêng kinh tế học, mà của tất cả các khoa học xã hội: sử học, xã hội học cũng như khoa học chính trị hay dân số học. Không khó để chỉ ra (xem mục Hành động) rằng hầu hết các nhà xã hội học cổ điển, dù cho đó là Weber, Marx hay Tocqueville, đều đã thừa nhận tầm quan trọng của nó. Nhưng phải nói thêm rằng giữ vững lập trường này không phải là điều dễ dàng. Đặt sang một bên trường hợp của những biến thể khác nhau của phương pháp luận tổng thể vốn bác bỏ nguyên lí này vì những lí do siêu hình hay ý thức hệ. Điều thường hay xảy ra là nhà nghiên cứu không có khả năng, vì không đủ thông tin, tìm lại logic của những hành vi vi mô chi phối một hiện tượng gộp P. Chẳng hạn, các đường mức sinh cho thấy những đứt gãy mà các nhà dân số học không phải bao giờ cũng giải thích được, do không đủ thông tin xã hội học vi mô. Trong trường hợp này phải - tạm thời - ghi nhận thực trạng. Cũng có thể làm hiện lên những tương quan giữa P và những hiện tượng gộp P’, P”, v.v. khác. Trong trường hợp sau cùng này, giả sử nhà dân số học quan trắc thật sự một tương quan giữa P và P’ thì nhà nghiên cứu này ở vào một tình thế tương tự với một bác sĩ đã xác lập là một phương thuốc có một hiệu ứng nhất định nào đó nhưng lại không thể giải thích hiệu ứng ấy. Nhưng không thể đẩy sự tương tự này đi quá xa. Vì tương quan được bác sĩ quan sát có nhiều khả năng là ổn định. Trái lại, một tương quan giữa P và P’ được nhà xã hội học, nhà dân số học hay nhà kinh tế học quan sát có thể là không ổn định do gắn liền với những điều kiện đặc trưng của một hệ thống được quan sát. Trong một thời gian dài, các nhà kinh tế tin rằng thất nghiệp và lạm phát nhất thiết biến thiên ngược chiều nhau. Trong thực tế, “quy luật” này chỉ có hiệu lực khi có một số điều kiện cấu trúc nhất định. Trường hợp này cũng vậy: hiệu lực của tương quan phụ thuộc vào các điều kiện cấu trúc: một số hệ thống xã hội khuyến khích các cá nhân sinh nhiều con, ngay cả khi điều kiện sống được cải thiện. Nhưng để giải thích rằng cùng một nguyên nhân tạo ra ở nơi này và nới khác những hiệu ứng khác nhau thì nhà dân số học phải giải thích vì sao những cấu trúc khác nhau khiến các cá nhân hành xử một cách khác nhau.
François Bourricaud (1922-1991)
Nhằm làm rõ một cách xác đáng là một phương pháp luận thuộc kiểu cá thể luận bằng bất cứ cách nào đi nữa cũng không kéo theo việc không biết đến những ràng buộc của hành động và những cấu trúc hay định chế chi phối các ràng buộc này, đôi lúc người ta nói đến phương pháp luận cá thể cấu trúc (Wippler) hay phương pháp luận cá thể thể chế (Bourricaud). Hơn nữa, cần ghi nhận là nếu nguyên lí của phương pháp luận cá thể có vẻ có tầm áp dụng tổng quát trong các khoa học xã hội thì điều này không hoàn toàn kéo theo rằng bản thân mô hình của homo economicus duy lí, tính toán và thực dụng là có tính phổ quát. Thật vậy, các nhà kinh tế thường dựa trên nguyên lí của phương pháp luận cá thể trên tiên đề của cá nhân duy lí như được tóm tắt bằng thuật ngữ homo economicus. Nhưng cả hai yếu tố này không tất yếu gắn liền nhau. Trái lại các ý niệm phương pháp luận cá thể cấu trúcphương pháp luận cá thể thể chế chỉ rõ là để giải thích hành động của một cá nhân, nói chung cần phải xác định những dữ liệu cấu trúc và thể chế giới hạn trường hoạt động trong đó cá nhân vận động, cũng như những hiệu ứng của việc xã hội hoá mà cá nhân chịu ảnh hưởng và những nguồn lực cá nhân có được. Mặc dù mô hình homo economicus thường là hữu ích, không chỉ trong kinh tế học mà cả trong xã hội học, không thể xem nó có tính phổ quát (xem Duy lí (tính)).
Nên đặt nguyên lí của phương pháp luận cá thể với song song vói sự phân biệt nổi tiếng của Weber giữa erklären (giải thích) với verstehen (thông hiểu). Một sơ đồ kiểu P’ P là có tính giải thích theo nghĩa của Weber. Một cách tương phản ta có một sơ đồ thông hiểu khi P được suy ra từ một phân tích hành vi của các cá nhân hành động trong những điều kiện P’. Thật ra ta có thể tự hỏi liệu có thể là có ích chăng khi duy trì sự phân biệt dưới dạng trên vì hiệu lực của một quan hệ nhân quả kiểu P’ P bao giờ cũng không chắc chắn và có kiến giải đáng ngờ nếu không được phân tích như một hiệu ứng nổi lên từ việc gộp những hành vi cá nhân. Chắc chắn là trong các khoa học xã hội nên xem các ý niệm giải thích và thông hiểu là đồng nghĩa, với điều kiện nói chính xác là một qui trình giải thích (hay thông hiểu) có thể gồm có, ở bước trung gian, việc tìm kiếm và làm rõ những quan hệ kiểu P’ P.
Quan hệ giữa phương pháp luận cá thể và chủ nghĩa cá nhân giống với quan hệ giữa chòm sao hình con chó và con chó đang sủa, nghĩa là không có quan hệ nào cả. Điều kì lạ là đôi lúc các phương pháp cá thể luận được xem là chỉ có giá trị khi phân tích các xã hội “cá nhân chủ nghĩa”, tư bản chủ nghĩa hay bị những hiện tượng “thị trường” thống trị. Có thể áp dụng chúng, như Weber đã chỉ rõ (xem mục Hành động) vào việc phân tích mọi xã hội.
Duy lí (tính); Durkheim; Giá trị; Gộp; Hành động; Kinh tế học và xã hội học; Nhân quả; Phân công lao động; Phương pháp luận; Simmel; Spencer; Tương hợp và lệch chuẩn; Vai trò.
Raymond Boudon (1934-2013)

· Thư mục. - Birnbaum P. và Leca J. (chủ biên), Sur l’individualisme, Paris, Presses de la Fondation nationale des Sciences politiques, 1986 - GOUDON R., Effets pervers et ordre social, Paris, PUF, 1977, chap VII, 187-252 - BOURRICAUD, F., L’individualisme institutionnel. Essai sur la sociologie de Talcott Parsons, Paris, PUF; 1977, “Contre le sociologisme: une critique et des propositions”, Revue franVaise de sociologie, XVI, suppl., 1975, 583-603 - COSER R., “The complexity of roles as a seedbed of individual autonomy” in COSER L. (ed.), The idea of social strucure. Papers in honor of Robert K. Merton, New York, Harcourt Brace, 237-263 - DUMONT L., Essais sur l’individualisme. Une perspective anthropologique sur l’idéologie moderne, Paris, Editions du Seuil, 1983 - DURKHEIM, De la division du travail social, Paris, F. Alcan, 1893; Paris, PUF, 1960, 1967; Le suicide, étude sociologique, Paris, F. Alcan, 1897; Paris, PUF, 1960 - ELIAS L., La sociéte des individus, Paris, Fayard, 1991. Trad. de Die Gesellschaf der Individuum, Francfort-sur-le-Main, 1987 - HAYEK F. (von), Scientism and the Study of Society, The Free Press, 1952. Trad. partielle, Scientisme et sciences sociales. Essai sur le mauvais usage de la raison, Paris, Plon, 1953 - ISRAEL J., “The principle of methodological individualism and the Marxian epistemology”, Acta sociologica, 14, 3, 1971, 145-150 - LIPOVETSKY G, L’ère du vide: essais sur l’individualisme contemporain, Paris, Gallimard, 1984 - LUKES S., Individualism, Oxford, B. Blackwell, 1973 - MACPHERSON C. B., The political theory of possessive individualism, from Hobbes to Locke, Oxford, Clarendon Press, 1962, 1964. Trad. fr., La théorie politique de l’individualisme possessif de Hobbes à Locke, Paris, Gallimard, 1971 - MARCUSE H., One dimensional man. Studies in the ideology of advanced industrial society, Londres, Routledge,  & Keagan Paul, 1964. Trad. fr., L’homme unidimensionnel. Essai sur l’idéologie de la société industrielle avancée, Paris, Minuit, 1968 - POPPER K. R., The poverty of historism,  1957, 1963; New York, Basic Books, 1960; New York, Harper & Row, 1961, 1964 (lần xuất bản đầu tiên của cuốn này được xây dựng từ ba bài viết của POPPER K. R. Đăng trong tạp chí Economica, XI, 42 và 43, 1944 và XII, 46, 1945 có chỉnh sửa và viết thêm). Bản tiếng Pháp được dịch trực tiếp từ ba bài viết vừa dẫn (và xuất bản trước phiên bản sách tiếng Anh. Bản dịch đầu tiên được tiến hành ở Milan năm 1954), Misère de l’historicisme, Paris, Plon, 1956 - SIMMEL G., Philosophie des Geldes, Leipzig, Dunker & Humblot, 1900, bổ sung 1907, bản dịch tiếng Anh, The philosophy of money, London/Henley/Boston, Routledge & Keagan Paul, 1978, bản dịch tiếng Pháp, Philosophie de l’argent, Paris, PUF, 1987; Grandfragen der Sociologie (Individuum und Gesellchaft), Berlin, G. J. Goshen, 1917; Berlin, Walter de Gruyter, 1920, 1970, bản dịch tiếng Pháp, Sociologie et épistémologie, dẫn nhập của J. Freund “Questions fondamentales de sociologie”, Paris, PUF, 1981 - WEBER M., “Les concepts fondamentaux de la sociologie” in Weber M., Économie et société, Par bản dịch tiếng Pháp, is, Plon, 1971, chap. I, 3-59 - WIPPLER R., “Nicht-intenderte sociale Folgenindividualer Handlung”, in Sociale Welt, t. XXIX, 1979.
Raymond Boudon François Bourricaud
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire critique de la sociologie, Raymond Boudon và François Bourricaud, Paris, PUF, 1982.




Chú thích:

[1] Bản dịch tiếng Việt của Chu Lan Đình: Sự nghèo nàn của thuyết sử luận, Hà Nội, 2012, NXB Tri thức (ND).

[2] Bản dịch tiếng Việt của Đinh Tuấn Minh và các cộng sự: “Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu xã hội” trong Cuộc cách mạng ngược trong khoa học, Hà Nội, 2017, NXB Tri thức (ND).

[3] Lucien de Samosate, sinh khoảng năm 120 trước CN và mất sau năm 180 trước CN là nhà văn trào phúng, đôi lúc được xem là một trong những cha đẻ của tinh thần phê phán (ND).

Print Friendly and PDF