18.6.21

Covid-19 ở Châu Á: Tại sao đại dịch bùng phát trở lại là một cảnh báo đối với chúng ta

COVID-19 Ở CHÂU Á: TẠI SAO ĐẠI DỊCH BÙNG PHÁT TRỞ LẠI LÀ MỘT CẢNH BÁO ĐỐI VỚI CHÚNG TA

Hubert Testard

Tiêm ngừa Covid-19 với liều vắc-xin CoronaVac của phòng thí nghiệm Trung Quốc Sinovac, tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, ngày 28 tháng 4 năm 2021. Tính đến ngày 31 tháng 5, Thái Lan đã tiêm ngừa cho 5,2% dân số họ. (Ảnh của Lillian SUWANRUMPHA/AFP) (Ảnh của LILLIAN SUWANRUMPHA/AFP qua Getty Images)

Vào năm 2020, các nước Đông Á đã chứng minh tính hiệu quả của họ trong cuộc chiến chống Covid-19. Phản ứng rất nhanh, không có biện pháp nửa vời, kiểm soát nghiêm ngặt biên giới, sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công cụ kỹ thuật số một cách có hệ thống... Họ đã có thể kiềm chế đại dịch và duy trì số ca lây nhiễm và tử vong ở mức rất thấp, từ 100 đến 200 lần thấp hơn so với số ca lây nhiễm và tử vong ở Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Đến năm 2021, điều ngược lại đang xảy ra. Các nước phương Tây đã nhanh chóng bắt tay vào các chiến dịch tiêm ngừa đại trà, làm giảm đáng kể sự lưu hành của virus. Liên minh châu Âu chậm hơn người Anglo-Saxon hai tháng, nhưng từ đó đang tiến triển với tốc độ ngang bằng. Ngược lại, các nước châu Á đã ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Với niềm tin kiểm soát được đại dịch, chính phủ các nước châu Á đã tụt hậu đáng kể trong việc phát triển các chiến dịch tiêm ngừa. Một số nước, như Ấn Độ, thậm chí đã không còn tin vào các nguy cơ lây nhiễm khi cho phép tổ chức các cuộc tụ tập đông người. Họ đã bị trừng phạt rất nhanh: dịch bệnh bùng phát trở lại, với cường độ mãnh liệt ở một số quốc gia và việc vận động tiêm ngừa cuối cùng đã trở thành một ưu tiên hàng đầu.

NHẮC LẠI BẢN TỔNG KẾT NĂM 2020

Để hiểu được phạm vi và hậu quả của cú sốc y tế hiện tại, trước tiên hãy nhìn lại năm 2020. Cốt lõi những quốc gia có vẻ như đã kiềm chế được đại dịch ở Châu Á-Thái Bình Dương vào năm ngoái bao gồm thế giới Trung Quốc, tức là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore, cũng như Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, New Zealand, Mông Cổ và Campuchia. Ba quốc gia khác – Nhật Bản, Úc và Malaysia – có bản tổng kết kém thuận lợi hơn, nhưng vẫn tốt so với châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Thử lấy tiêu chí thích đáng nhất, số ca tử vong, và bỏ qua trường hợp của Trung Quốc vì những nghi ngờ liên quan đến các số liệu trong giai đoạn đầu của dịch bệnh ở Vũ Hán. Đến cuối tháng 12 năm 2020, chín quốc gia trong nhóm đầu đã ghi nhận 4,3 ca tử vong trên một triệu dân, ít hơn 200 lần so với số ca tử vong của Hoa Kỳ hoặc các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Pháp. Những quốc gia có thành tích tốt nhất là Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, trong khi Campuchia và Mông Cổ hầu như không hề hấn gì. Nhóm thứ hai gồm Australia, Nhật Bản và Malaysia có số ca tử vong trung bình là 26 trên một triệu dân, vẫn ít hơn 40 lần so với số ca tử vong của các nước phương Tây.

Nam Á và một số nước lớn ở Đông Nam Á, như Indonesia và Philippines, đã có một bản tổng kết kém thuận lợi hơn nhiều (trên 100 ca tử vong trên một triệu dân), với những nghi ngờ nghiêm trọng về các số liệu chính thức. Trong trường hợp của Ấn Độ, các nhà dịch tễ học ước lượng cần phải nhân lên ít nhất gấp ba các số liệu, để phản ánh tình hình thực tế của dịch bệnh, điều này có nghĩa là đất nước của [thủ tướng] Narendra Modi có hơn 300 ca tử vong trên một triệu dân, tính đến cuối năm 2020, tức ít hơn gần ba lần so với số ca tử vong của các nước phương Tây. Trong thời gian đầu, dịch bệnh đã được kiềm chế ở Ấn Độ, sau khi chính phủ triển khai các biện pháp phong tỏa mạnh tay và hỗn độn vào cuối tháng 3. Dịch bệnh đã tái phát vào mùa hè, nhưng rồi giảm xuống mức thấp vào tháng 12 năm 2020 và tháng 1 năm 2021. Khi đó Ấn Độ tin rằng họ đã an toàn.

ĐIỀU BẤT NGỜ CỦA NĂM 2021

Bức tranh toàn cảnh về dịch bệnh ở Châu Á-Thái Bình Dương nhìn chung không mấy thuận lợi, với nhiều khác biệt lớn theo từng quốc gia. Thử lấy phép tính số học để có một thước đo khách quan về tình hình: thử lấy số ca tử vong trên một triệu dân, theo các số liệu tính đến cuối năm 2020, nhân với một số nhân tương ứng với số ca tử vong trên một triệu dân tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2021. Có ba tình huống xuất hiện. Đầu tiên, tình trạng kéo dài đơn thuần các xu hướng trước đây sẽ được thể hiện bằng một số nhân là 1,4 – khi tính đến thời gian năm tháng qua mà đại dịch đã gây ra nhiều ca tử vong mới. Theo đó, số nhân nhỏ hơn 1,4 báo hiệu một sự cải thiện, số nhân lớn hơn 1,4 báo hiệu một tình trạng xấu hơn. Để tham khảo, số nhân của Hoa Kỳ là 1,67 vào ngày 31 tháng 5 năm 2021, của Pháp là 1,7 và của Anh là 1,73. Nói cách khác, trước khi có tình trạng cải thiện gần đây, tình hình chăm sóc y tế ở các nước phương Tây đã tiếp tục xấu đi trong quý một.

Ở châu Á-Thái Bình Dương, có ba nhóm quốc gia nổi lên. Bốn quốc gia có số nhân thấp hoặc bằng 0 là: Trung Quốc, New Zealand, Úc và Singapore. Nhóm thứ hai bao gồm những quốc gia, vốn đã kiềm chế được sự tàn phá của dịch bệnh mặc dù nó đã bùng phát trở lại, với số nhân gần 1,4. Nhóm thứ hai này bao gồm Việt Nam và Hồng Kông. Nhóm thứ ba là đông nhất. Đây là những quốc gia mà số nhân vượt quá 2, và đôi khi đã chứng kiến tình trạng tăng tốc [của số ca tử vong]. Như vậy, Mông Cổ và Campuchia, những quốc gia có vẻ như thoát khỏi dịch bệnh vào năm 2020, đã trải qua những đợt bùng phát dịch bệnh cực kỳ khủng khiếp. Thảm họa ở Ấn Độ được báo chí đưa tin rộng rãi. Một số quốc gia, vốn đạt thành tích chống dịch tốt vào năm 2020 như Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản hay Hàn Quốc, đang chứng kiến một tình hình y tế xấu đi rõ rệt. Một số quốc gia, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2020 như Pakistan, Indonesia, Philippines hay Kazakhstan, cũng đang chứng kiến ​​sự tàn phá ngày càng tăng của đại dịch.

Diễn biến dịch Covid-19 ở châu Á, từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021

Dịch bệnh bị đẩy lùi

(số nhân ca tử vong

< 1,4)

Dịch bệnh được ổn định

(số nhân ca tử vong

= +/- 1,4)

Dịch bệnh phát triển dần lên hoặc bùng phát

(số nhân ca tử vong

> 1,4)

Trung Quốc

1

Việt Nam

1,34

Pakistan

2,06

New Zealand

1,04

Hồng Kông

1,42

Hàn Quốc

2,18

Singapore

1,14

 

 

Kazakhstan

2,22

 

 

 

 

Ấn Độ

2,23

 

 

 

 

Philippines

2,24

 

 

 

 

Indonesia

2,28

 

 

 

 

Nhật Bản

3,8

 

 

 

 

Malaysia

5,79

 

 

 

 

Thái Lan

16,9

 

 

 

 

Đài Loan

17,7

 

 

 

 

Mông Cổ

276*

 

 

 

 

Campuchia

274*

* Số ca tử vong vào tháng 5 năm 2021 so với vào tháng 12 năm 2020.

Nguồn: Worldometer

Diễn biến của dịch Covid-19 ở các nước Châu Á từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021 (Nguồn: Worldometer)

Với sự tăng tốc dịch bệnh nói trên, khoảng cách với các nước phương Tây đã được thu hẹp, nhưng vẫn ở mức cao đáng kể ở các nước Đông Á. Số ca tử vong trung bình ở 9 quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch vào năm 2020 đã chuyển từ 4,3 lên 14 ca tử vong trên một triệu dân. Ấn Độ hiện có lẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đứng đầu về số ca tử vong, nhưng vẫn thấp hơn Hoa Kỳ hoặc Pháp tính trên một triệu dân – ngay cả khi các số liệu chính thức về số ca tử vong đã được nhân lên ba.

ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA?

Tình hình chăm sóc y tế ở các nước châu Á ngày càng xuống cấp vì bốn nguyên nhân chính: sự kém cỏi hoặc chậm chạp trong hành động của chính phủ một số nước, hành vi hơi buông lỏng và sự phát triển các cụm bệnh ở các điểm kiểm soát dịch bệnh, sự nhân rộng của nhiều biến thể virus lây nhiễm nhanh hơn và sự chậm trễ nói chung trong các chương trình tiêm ngừa.

Về vấn đề thiếu năng lực, đứng đầu chắc chắn thuộc về chính phủ Ấn Độ và đảng BJP, đảng cầm quyền ở Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc Hinđu. Việc coi thường khoa học đã dẫn đến việc các giới chức trách Ấn Độ, từ lâu, đã đưa ra những liệu pháp điều trị mà WHO đã xác nhận tính không hiệu quả từ một năm qua, cụ thể là thuốc ngừa sốt rét hydroxychloroquine và thuốc kháng virus remdesivir, đơn giản là vì Ấn Độ là một trong các nhà sản xuất chính [các loại thuốc nói trên], trong khi lại để một số người có uy tín, thân cận với đảng BJP đưa ra những giải pháp ngông muội – như uống nước tiểu bò [để ngừa dịch bệnh]. Thủ tướng Narendra Modi cũng đã cho phép tổ chức những cuộc tụ tập lớn của người Hindu, chẳng hạn như [lễ hội] Kumh Bela, quy tụ hai mươi triệu người hành hương đến Benares mỗi năm. Ông đặt hàng [mua vắc-xin] muộn – từ tháng 2 năm ngoái – và với số lượng ban đầu hạn chế các vắc-xin được Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của AstraZénéca, vốn đã bắt đầu xuất khẩu một lượng khá lớn vắc-xin để cung cấp cho chương trình Covax và đáp ứng các tham vọng ngoại giao vắc-xin của Ấn Độ.

Một ví dụ khác là Mông Cổ, với việc đảng cầm quyền (MPP) đã đưa ra nhiều quyết định mâu thuẫn trong việc quản lý đại dịch. Đặc biệt, họ đã cho phép tổ chức các cuộc diễu hành lớn vào tháng 3 năm nay để kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập nước, làm bùng phát một làn sóng dịch bệnh đặc biệt mãnh liệt.

TÌNH TRẠNG BUÔNG LỎNG KHÔNG TRÁNH KHỎI VÀ SỰ XUẤT HIỆN CÁC CỤM DỊCH TRONG CÁC BỆNH VIỆN

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy sự khó khăn trong việc duy trì kỷ luật nghiêm ngặt sau một năm đại dịch. Với sự xuất hiện của những ngày nắng đẹp, mọi người, trong đó có cả tôi, đã coi thường việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Đó là một vấn đề lớn,” theo lời của một sinh viên Hàn Quốc trên tờ Straits Times. Các lễ hội mùa xuân và sự mở cửa lại các quán bar và câu lạc bộ là nhân tố đẩy nhanh dịch bệnh ở Malaysia, Việt Nam hay Thái Lan.

Ở Đài Loan, tính nghiêm ngặt trong việc áp dụng các quy tắc kiểm dịch đã có những kẽ hở và đã tạo lại tình trạng nhiều lỗ hổng ở biên giới.

Các bệnh viện và trung tâm kiểm dịch đã trở thành điểm xuất hiện các cụm bệnh ở một số quốc gia.

SỰ NHÂN RỘNG CỦA NHIỀU BIẾN THỂ VIRUS LÂY NHIỄM NHANH HƠN

Covid-19 biến đổi liên tục. Khi có tính đến quy mô dân số, thì có vẻ như nó biến đổi nhanh hơn ở châu Á so với những nơi khác. Hai biến thể được gọi là biến thể “Ấn Độ” đã lan rộng khắp các nước ở Nam Á và Đông Nam Á. Người ta cũng nói đến một biến thể Việt Nam, vốn là sự lai tạo giữa các biến thể Ấn Độ và biến thể Anh. Một biến thể Nhật Bản đã xuất hiện vào tháng 2, ở miền trung Nhật Bản. WHO, đã bắt đầu sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp để liệt kê các biến thể virus, đã đăng ký nhiều biến thể virus châu Á vào danh sách chính thức: chẳng hạn như delta và kappa cho hai biến thể Ấn Độ, theta cho một biến thể Philippines.

Sự nhân bội của nhiều biến thể virus lây nhiễm nhanh hơn đã dẫn đến việc thắt chặt hơn các chính sách về y tế. Malaysia đã ban hành một lệnh phong tỏa mới rất nghiêm ngặt; ở Singapore, chỉ được phép tụ tập giữa hai người mà thôi, ở một nước mà sự lưu hành của virus ở mức rất thấp; Nhật Bản đã thiết lập lại tình trạng khẩn cấp; Việt Nam đã đóng cửa các điểm du lịch và nhà hàng...

SAI LẦM CHIẾN LƯỢC CỦA CÁC CHIẾN DỊCH TIÊM NGỪA

Sự nhân bội của nhiều biến thể virus và sự buông lỏng hành vi chắc chắn không đủ sức làm bùng phát trở lại dịch bệnh, nếu các nước ở Châu Á-Thái Bình Dương không mắc sai lầm trong việc trì hoãn các chiến dịch tiêm ngừa. Chỉ có một vài nước đã có hành động nhanh. Mông Cổ đã phản ứng ngay lập tức trước cú sốc y tế một cách rất quyết liệt trong những tháng gần đây. Họ đã sử dụng mọi khả năng, hưởng lợi đồng thời từ chương trình đa phương Covax đến sự cạnh tranh trong chính sách ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc và Ấn Độ. Số liều vắc-xin mà Mông Cổ nhận được hiện đã vượt quá 100% dân số họ, trong đó đã có một nửa dân số được tiêm ngừa đầy đủ.

Trung Quốc mới chỉ cho phép tiêm vắc-xin do chính họ sản xuất, kể từ tháng 12 năm 2020 và tháng 2 năm 2021. Vào thời điểm Tết Nguyên đán diễn ra vào giữa tháng 2, số liều vắc-xin được phân phối trong nước không quá 3% dân số họ. Kể từ đó, bộ máy nhà nước Trung Quốc đã ổn định lại tổ chức với tính hiệu quả thường thấy. Tính đến ngày 5 tháng 6, Trung Quốc đã tiêm ngừa 763 triệu liều vắc-xin, tức 54% dân số họ. Ở các nước khác, các chiến dịch tiêm ngừa diễn ra chậm hơn, như ở Ấn Độ, hoặc muộn hơn, như ở Hàn Quốc và Đài Loan, hoặc Việt Nam.

Nhật Bản, một nước giàu và hoàn toàn có khả năng tự cung tự cấp tất cả các loại vắc-xin cần thiết, là một hình mẫu của cuộc đua đi chậm này. Ngành công nghiệp dược phẩm Nhật Bản đã đánh giá khả năng sinh lời không cao khi sản xuất vắc-xin. Vả lại, việc cấp phép cho các vắc-xin nước ngoài cũng buộc phải phụ thuộc vào các thử nghiệm trên người dân Nhật Bản. Chỉ có các bác sĩ, y tá và gần đây là nha sĩ mới được phép tiêm vắc-xin. Nhà nước và cộng đồng địa phương rất vất vả trong việc phối hợp tổ chức các chiến dịch tiêm ngừa và chỉ có 30% dân số họ thực sự quyết tâm đi tiêm ngừa. Kết quả: tính đến ngày 1 tháng 6, tỷ lệ người dân được tiêm ngừa chỉ là 10% và chỉ có 3% người Nhật được tiêm ngừa đầy đủ.

Tiêm ngừa Covid-19 ở châu Á

Số liều vắc-xin được tiêm ngừa theo tỷ lệ phân trăm dân số, tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2021

Quốc gia tiêm ngừa sớm

Quốc gia tiêm ngừa khá sớm

Quốc gia tiêm ngừa trễ

Mông Cổ

95,6%

Trung Quốc

45,7%

Campuchia

27,5%

Singapore

64,4%

Hồng Kông

31,5%

Kazakhstan

17%

 

 

 

 

Úc

16,6%

 

 

 

 

Ấn Độ

15,3%

 

 

 

 

Hàn Quốc

14,6%

 

 

Pakistan

 

New Zealand

13,6%

 

 

 

 

Indonesia

9,9%

 

 

 

 

Nhật Bản

9,8%

 

 

 

 

Malaysia

9,6%

 

 

 

 

Thái Lan

5,2%

 

 

 

 

Philippines

4,2%

 

 

 

 

Đài Loan

1.8%

 

 

 

 

Việt Nam

1,1%

Tình hình tiêm ngừa ở các nước Châu Á tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2021. (Nguồn: Financial Times vaccination tracker)

CÁC CHIẾN DỊCH TIÊM NGỪA ĐANG TĂNG TỐC Ở MỌI NƠI

Chính phủ tất cả các nước ở Châu Á-Thái Bình Dương đã rút ra được bài học kinh nghiệm và từ nay đang cố gắng đẩy nhanh các chương trình tiêm ngừa của họ. Các mục tiêu đặt ra là đầy tham vọng và thường nhắm đến ngưỡng miễn nhiễm cộng đồng vào cuối năm hoặc đầu năm sau. Trong khi việc tiêm ngừa, cho đến nay, vẫn nhắm vào các đối tượng ngành nghề ưu tiên và người cao tuổi hoặc có nguy cơ mắc bệnh, thì việc tiêm ngừa đại trà nhắm đến toàn bộ dân số trưởng thành sẽ chỉ bắt đầu vào tháng Sáu hoặc tháng Bảy. Về nguyên tắc, các đơn đặt hàng được lên kế hoạch với nhiều nhà cung cấp khác nhau đủ để đáp ứng các mục tiêu nói trên, nhưng kinh nghiệm trong nửa đầu năm nay cho thấy có thể dự báo một số sự chậm trễ.

Lấy ví dụ về nước tụt hậu nhất trong khu vực: Việt Nam. Trong năm 2021, chính quyền Hà Nội đã đặt hàng hoặc đang đặt hàng 110 triệu liều vắc-xin, bao gồm 31 triệu liều từ Covax, 30 triệu liều trực tiếp từ AstraZeneca và 30 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Giống như Đài Loan, Việt Nam không muốn nhập khẩu vắc-xin Trung Quốc, nhưng chắc chắn sẽ buộc phải làm điều đó nếu các đơn đặt hàng theo kế hoạch không được giao đúng hạn, và họ đang tiến hành các cuộc thảo luận với Sinovac, cũng như với Sputnik và các nhà cung cấp khác của phương Tây.

Với quy mô dân số châu Á và trên cơ sở hai liều vắc-xin cho mỗi người, thì các nước trong khu vực vẫn cần phải nhập khẩu hoặc sản xuất từ 4 đến 5 tỷ liều vắc-xin trước cuối năm, để liên kết với các mục tiêu của chính phủ và tiêm ngừa cho dân số trưởng thành, đây là một thách thức lớn về công nghiệp và hậu cần. Ngay cả khi không đạt được các mục tiêu nói trên, châu Á đã thoát khỏi tình trạng đờ đẫn. Họ chậm hơn trung bình ba tháng so với các nước phương Tây, nhưng từ nay họ đang tiến triển nhanh hơn rất nhiều.

Bài học kinh nghiệm này rất đơn giản. Covid-19 là một ví dụ rất rõ ràng về hành vi theo kiểu Darwin. Nó nắm bắt mọi điểm yếu nhỏ nhất trong hành vi đáp trả để quay trở lại và phát triển. Ở châu Âu, đại dịch đang giảm mức độ ở khắp nơi, nhưng một thử nghiệm mới về khả năng phục hồi của virus rất có thể sẽ xảy ra vào mùa thu, nếu các vắc-xin hiện tại không đủ hiệu quả để chống lại các biến thể mới.

Hubert Testard

Giới thiệu tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay những cuộc đàm phán với các nước châu Á. Hubert Testard đang giảng dạy, từ 4 năm nay, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po] về phân tích tương lai của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, NXB Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, NXB Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp đại học Ena và Sciences Po.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Covid-19 en Asie : pourquoi la reprise de la pandémie devrait nous alerter, Asialyst, ngày 10/06/2021.

Print Friendly and PDF