8.6.21

Tầng lớp tư sản trí thức, thành phần tinh hoa gia truyền

TẦNG LỚP TƯ SẢN TRÍ THỨC, THÀNH PHẦN TINH HOA GIA TRUYỀN

Khi một nhóm xã hội bá chiếm cả kiến ​​thức, quyền lực và tiền bạc

Người ta thường nói xã hội bị phân chia thành 1% những người giàu nhất và 99% là số còn lại. Nhưng công thức tóm tắt gây sốc này đã loại bỏ những bất bình đẳng liên quan đến bằng cấp. Và che giấu vai trò của tầng lớp tư sản trí thức vốn, ngay cả khi họ phục vụ nhóm 1%, vẫn thích thể hiện mình trong phe của những người bị áp bức. Tầng lớp xã hội này xuất thân từ “chế độ tài đức/méritocratie” truyền lại những đặc quyền của nó cho con cháu, giống như tầng lớp quý tộc xưa.

Pierre Rimbert[*]

Tống Huy Tông (宋徽). — “Buổi họp các nhà nho”, thế kỉ XII

© National Palace Museum, Taipei, Taïwan - RMN-Grand Palais

Michael Young (1915-2002)

Vào mùa hè năm 1957, nhà xã hội học người Anh Michael Young dạo chơi trên một bãi biển ở xứ Wales. Là một nhà nghiên cứu lâu năm trong Đảng Lao động Anh mà bản tuyên ngôn năm 1945 đã được ông soạn thảo, ông đã có bước rẽ ngoặt. Trên bãi cát, ông ta nghiền ngẫm: mười một nhà xuất bản đã từ chối bản thảo mới nhất của ông. Đột nhiên, ông ta nhìn thấy một cặp bạn bè ở bờ biển, dừng lại, gợi lên với họ văn bản mà không ai muốn. Thật trùng hợp, các người bạn của ông là nhà xuất bản sách nghệ thuật; và họ quyết định đưa cuốn sách vào danh mục của họ. Tiêu đề của nó: Sự trỗi dậy của chế độ tài đức/L’Ascension de la méritocratie[1]. Với thuật ngữ này được ghép từ tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, Young dự đoán được những lời mỉa mai. Năm trăm nghìn bản được bán ra trong vài năm đã đưa thuật ngữ “chế độ tài đức” vào ngôn ngữ hàng ngày. Điều đã phải trả giá bằng một sự hiểu lầm khổng lồ.

George Orwell (1903-1950)

Vì cuốn sách của Young, tiếp nối con đường của cuốn 1984 của George Orwell, và cuốn Thế giới tốt đẹp nhất/Le Meilleur des Mondes của Aldous Huxley, mô tả một xã hội huyễn tưởng toàn trị (dystopie): cơn ác mộng của một thế giới hiện đại bị cai trị “không phải bởi những người dân mà bởi những người thông minh nhất”. Tóm lại, đó là chính phủ của những người trí thức. Câu chuyện diễn ra vào đầu năm 2034, và người kể chuyện, một nhà xã hội học thích khoa trương (thùng rỗng kêu to), nhiệt tình tóm tắt sự chuyển đổi của xã hội Anh vào thế kỷ 20 thành một chế độ chuyên chế do những người tốt nghiệp đại học chi phối. Viện cớ về sự “bình đẳng về cơ hội”, các thứ bậc nay được phân chia dựa trên trí tuệ; trật tự xã hội được duy trì bởi nhà trường vốn chuyển đổi các đặc quyền của giai cấp thành “tài/khiếu” và “công trạng”. Người kể chuyện hớn hở nói: “Những người tài năng đã có cơ hội để nâng mình lên trình độ phù hợp với khả năng của họ, và do đó các tầng lớp thấp kém đã được dành cho những người kém khả năng hơn”. Được chính đáng hóa như vậy, chế độ tôn vinh các anh hùng của mình. “Hàng ngũ các nhà khoa học và các nhà công nghệ học, các nghệ sĩ và các nhà giáo đã tăng nhanh. Nền giáo dục của họ đã được điều chỉnh để phù hợp với định mệnh di truyền cao cả của họ. Quyền lực của họ để làm điều tốt đã được tăng lên. Tiến bộ là chiến thắng của họ; thế giới hiện đại, tượng đài của họ.”

Có một Sartre, thì có cả trăm nhà quản lý ngoan ngoãn

Jean-Paul Sartre (1905-1980)

Trong lời nói bay bổng này, chính thành phần của chính phủ của “những người thông minh” thu hút sự chú ý: họ là những chuyên gia không phân biệt là về văn học hay khoa học có trách nhiệm sản xuất kiến thức, tái sản xuất giới tinh hoa, quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Tại Pháp, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Thống kê Quốc gia (INSEE) tập hợp họ trong danh mục “Nhà quản lý và các nghề tri thức cao cấp” bao gồm một mớ hỗn độn gồm giám đốc nhân sự và tỉnh trưởng, công chứng viên và nhà thiên văn học, nhà báo và thẩm phán, nhà quảng cáo và bác sĩ phẫu thuật nha khoa. Không loại xã hội-nghề nghiệp nào khác lại thấy ​​số lượng thành viên của nó tăng nhanh như vậy kể từ khi cuốn sách của Young xuất bản. Là hiện thân xã hội học của các xã hội “hậu công nghiệp” hướng tới tri thức, vào năm 1962 họ lên tới 900.000 người (4,6% dân số lao động Pháp); bây giờ họ là hơn 5 triệu (18%).

Thomas Frank (1965-)

Tốt nghiệp các trường và các đại học sàng lọc nhất, bộ phận trên của nhóm này tương ứng với 5 đến 10% dân số lao động Phương Tây. Nó bao gồm nhóm nổi tiếng 1% những người giàu nhất, nhưng rộng lớn hơn nhiều. Đó là giới trí thức giàu có mà chúng ta sẽ thảo luận ở đây. Cho dù họ làm việc trong các ngành nghề tự do hay là người đứng đầu tổ chức kinh doanh, những cá nhân thịnh vượng này hàng tháng đều nhận được cổ tức từ vốn giáo dục và văn hóa của họ. Họ có quyền lực quy định, “biết những gì chúng ta đang mắc phải và đưa ra những chẩn đoán có giá trị,” nhà tiểu luận người Mỹ Thomas Frank[2] châm biếm. Có lẽ họ sẽ được gọi là “trí thức” nếu, kể từ vụ Dreyfus, thuật ngữ đó đã không mang ý nghĩa được gắn cho nó hiện nay.

Pierre Bourdieu (1930-2002)
Simone de Beauvoir (1908-1986)

Huyền thoại tôn vinh trí thức không chỉ là người sáng tạo và người được ký thác tri thức, mà còn là người chống đối trật tự hiện hành, theo ví dụ nổi tiếng được Jean-Paul Sartre nêu lên khi ông được đài Radio-Canada phỏng vấn ngày 15 tháng 8 năm 1967: một nhà vật lý hạt nhân vẫn là một “kỹ thuật viên về kiến ​​thức thực tiễn” khi ông đóng góp vào sự phát triển bom nguyên tử và trở thành một trí thức ngay khi ông phản đối nó. Nhưng có bao nhiêu Sartre, Simone de Beauvoir và Pierre Bourdieu đối mặt với hàng triệu nhà quản lý, luật gia và nhà quy hoạch đô thị ngoan ngoãn? Tuy nhiên, huyền thoại vẫn tồn tại khi các ngành nghề trí thức viết về lịch sử của tất cả các nhóm xã hội, kể cả lịch sử của chính mình. Và ít nhất, họ cũng đã xoa dịu nó. Là bậc thầy về nghệ thuật phổ cập sở thích của họ, thậm chí họ có thể phản ứng với việc sụt giảm uy tín trong lãnh vực của họ bằng cách phát động “lời kêu gọi chống lại cuộc chiến chống lại trí tuệ”, như trường hợp ở Pháp vào tháng 2 năm 2004.

Jean-C. Chamboredon (1938-2020)

Robert Paxton (1932-)
Trong khi sự tan rã của tầng lớp nông dân, cuộc nổi dậy của những người “áo vàng” hay sự bấp bênh của những người trợ lý xã hội được phân tích trong cuộc tranh luận công khai bằng cách sử dụng các phạm trù chủng loại như “nông dân”, “công nhân”, “dịch vụ cho con người”, hầu hết các tầng lớp có trình độ học thức cao nhất đều tự miêu tả trong tính đặc thù tế nhị của họ, trình bày chi tiết các trào lưu tư tưởng của họ, đánh bóng những bất đồng của họ. Nhà xã hội học Jean-Claude Chamboredon nhận xét: “Cứ như thể một hình thức chủ nghĩa duy vật thô sơ nhất được áp dụng để nghiên cứu các giai cấp bình dân, trong khi những sự tinh tế lý thuyết nhằm bảo vệ quyền tự chủ của chủ thể được dành cho các tầng lớp có văn hóa[3]. Để khôi phục lại sự cân bằng, các trí thức phải được coi, không phải như là một hạng bao gồm những cá nhân độc nhất, mà như là một nhóm xã hội.

Étienne Balazs (1905-1963)

Nếu lịch sử thường ghi nhận vai trò tiến bộ của các tầng lớp có học thức - những nhà bách khoa uyên bác, những luật sư cách mạng, những nhà văn phản loạn, những “kị binh của nền cộng hòa”… - thì nó lại giảm thiểu sự tham gia của họ vào những giai đoạn kém huy hoàng hơn. Nhà sử học người Mỹ Robert Paxton nhắc nhở chúng ta: “Hơn bất kỳ nhóm xã hội nào khác, chế độ Vichy là tác phẩm của các chuyên gia và thành viên của các ngành nghề tự do và đánh giá Vichy là đánh giá thành phần tinh hoa của Pháp[4]. Vai trò của trí thức trong các hệ thống thống trị ăn sâu trong thời gian dài và các xã hội tiền tư bản. Ở phương Tây thời Trung Cổ, giới giáo sĩ cao cấp, nắm độc quyền tiếp cận kinh sách, đã chính đáng hóa quyền lực của những địa chủ và chính họ sở hữu một phần tư đất đai; tiếp theo đó, những luật gia đã trở thành cố vấn và bộ trưởng (vizirs) đã tạo nên nền tảng hành chính của Nhà nước hoàng gia[5]. Ở đế chế Trung Quốc (221 TCN-1911), nhà Hán học Étienne Balazs nhận định “tầng lớp quan chức-nho sĩ (hay quan lại) - một tầng lớp nhỏ bé về số lượng, toàn năng về sức mạnh, ảnh hưởng, địa vị, uy tín - là thành phần duy nhất nắm giữ quyền lực, là địa chủ lớn nhất. Họ có mọi đặc quyền, trước hết là đặc quyền tự tái sản xuất: họ nắm độc quyền về giáo dục[6]”.

Isabelle Kalinowski (1969-)

Trường hợp của Ấn Độ thời tiền thuộc địa cũng kêu gọi chúng ta tương đối hóa những đức tính tiến bộ nội ti mà đôi khi được quy cho trí thức: chế độ đẳng cấp, bất bình đẳng một cách thô bạo, phần lớn dựa trên sự thống trị của những trí thức, những đạo sĩ Bà la môn, những người được hưởng độc quyền tiếp cận tri ​​thức thiêng liêng. Nhà nghiên cứu Isabelle Kalinowski[7], dịch giả của cuốn Ấn Độ giáo và Phật giáo, cuộc khảo sát tỉ mỉ của nhà xã hội học Max Weber xuất bản năm 1916-1917 viết: “Chính họ, chứ không phải các vị vua, hoàng thân hay quân sĩ, các địa chủ hay tư sản, là những người đảm bảo cho xã hội này một hình thái hoạt động có hiệu quả là sự “thuần hóa quần chúng”.

Kỷ nguyên tư bản đã không làm thay đổi bản chất của công việc này; nhưng nó đã thay đổi hình thái, khi cuộc cách mạng công nghiệp và sự mở rộng giáo dục củng cố sức nặng của các người có bằng cấp và tô đậm tính không đồng nhất của nhóm: sự thuần hóa quần chúng và một phần lớn của chính những người có bằng cấp, vận hành nhân danh lý tính kinh tế và các “năng lực” được Nhà nước xác nhận để triển khai công cuộc thuần hoá này.

Mikhail Bakounine (1814-1876)

Georg Hegel (1770-1831)

Các phân tích đầu tiên miêu tả trí thức như một tầng lớp xã hội mới được thành lập dựa trên sự độc quyền về tri thức và khao khát quyền lực xuất hiện vào thế kỷ 19, cùng lúc với các chức vụ công cộng rộng lớn đòi hỏi bằng cấp, các cơ quan hành chính lớn đầu tiên của các công ty và sau đó là các đảng công nhân tập trung[8]. Saint-Simon (1760-1825) mơ ước đến một trật tự được các nhà khoa học và nhà công nghiệp (những con ong) thống trị, những người sẽ trả giới quý tộc và giáo sĩ (ong bắp cày) về với sự phù phiếm của họ. Ở phía bên kia sông Rhin, Nhà nước hiện đại do Georg Wilhelm Friedrich Hegel tưởng tượng có cơ sở trên các quan chức khai sáng, những người mà theo triết gia, tạo thành một “giai cấp phổ quát” (Các nguyên tắc của Triết học về Pháp Luật/Principes de la philosophie du droit, 1821). Vài thập kỷ sau, trong Bài viết chống lại Marx, Mikhail Bakounine đã chống lại viễn cảnh về một Nhà nước xã hội chủ nghĩa một cách mạnh mẽ: “Tất cả những điều này sẽ đòi hỏi phải có khoa học rộng lớn và nhiều đầu óc dồi dào. Đó sẽ là triều đại của trí tuệ khoa học, triều đại quý tộc nhất, chuyên quyền nhất, kiêu ngạo nhất và khinh miệt nhất trong tất cả các chế độ.” Một chủ nghĩa xã hội của giới trí thức hơn là chính quyền của công nhân, như một nhà vô chính phủ khác, Jan Waclav Makhaïski, đã lấy làm tiếc vào năm 1905, trong Sự phá sản của chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XIX/La Banqueroute du socialisme du XIXe siècle.

“Dứt điểm hệ tư tưởng”

Karl Kautsky (1854-1938)

Những “đầu óc dồi dào” này không có tư liệu sản xuất, nhưng có kiến ​​thức mà họ bán cho các nghiệp chủ sẽ ủy quyền cho họ quyền giám sát công việc, kiểm soát người sản xuất và tổ chức công việc, chăm sóc sự gia tăng năng suất thông qua kỹ thuật. Nhưng nhà trường đã sản xuất họ quá nhiều, và nhà xã hội chủ nghĩa Karl Kautsky đã phân tích, vào năm 1892, quá trình lạm phát-phá giá bằng cấp của những người lao động tri thức: “Những người có dự định có một chức vụ công phải đợi nhiều năm, thường là mười năm, trước khi có được một chức kém hơn, mang lại ít thu nhập. Đối với những người khác, nạn thất nghiệp và sự lao lực luân phiên nhau. (…) Chẳng bao lâu nữa, chỉ có một đặc tính sẽ phân biệt những người vô sản này với những người làm công ăn lương khác: chúng tôi muốn nói đến những tham vọng của họ” (Chương trình xã hội chủ nghĩa/Le Programme socialiste). Là một giai cấp thống trị đang hình thành hoặc một giai cấp vô sản có thể được huy động chống lại trật tự đang giáng cấp họ, hình tượng mà người có bằng cấp có về bản thân họ đã dao động trong một thế kỷ rưỡi giữa hai số phận này mà, trên thực tế, cùng tồn tại ở mọi thời điểm.

John K. Galbraith (1908-2006)

Frederic Taylor (1856-1915)

Khi Young viết Sự trỗi dậy của chế độ tài đức/L’Ascension de la méritocratie vào cuối những năm 1950, chủ đề về trí thức như là giai cấp thống trị lại nổi lên, lần này với một giọng điệu khá tích cực. Ở Phương Đông, hệ thống giáo dục của Liên Xô đã sản sinh ra hàng triệu kỹ sư và cán bộ hành chính được đào tạo quá mức, gây ra “một lực đẩy các thành phần xã hội được giáo dục nhất lên cao[9]”. Ở Phương Tây, tổ chức khoa học về sản xuất công nghiệp do Frederick Taylor khởi xướng vào những năm 1920 và được đẩy mạnh trong thời kỳ New Deal/Thỏa ước mới của Franklin D. Roosevelt đã đạt đến nhịp độ vận hành cao. Giới trí thức chịu trách nhiệm điều phối và lập kế hoạch cho các chu trình kinh tế rộng lớn tăng mạnh mẽ: “thành phần các nhà kỹ thuật lãnh đạo (technostructure)”, được nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith mô tả trong cuốn sách Nhà nước công nghiệp mới/Le Nouvel Etat Industriel (1967).

Alvin Gouldner (1920-1980)

Cả cơ sở xã hội của Cánh tả mới phản kháng và của chính quyền Kennedy đều tuyển mộ trong tầng lớp tư sản mới có học thức này, những người xuất sắc có bằng cấp sẽ tư duy cuộc chiến ở Việt Nam. Vượt lên trên khuynh hướng chính trị của mình, họ có cùng một sự cảnh giác đối với các chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa truyền thống. Dưới cái nhìn của họ, ý tưởng “dứt điểm các hệ tư tưởng” càng được áp đặt một cách tự phát hơn vì nó là một khúc dạo đầu cho chính phủ của các chuyên gia, tức là sự nhân rộng của những sự nghiệp lớn mở ra cho trí thức những khả năng để mặc cả các kỹ năng học đường của họ. Và, trong khi phe cấp tiến của nhóm đốt những ngọn lửa cuối cùng của những năm 1968, cả một đám các nhà kinh tế, luật gia, nhà báo đã phát động cuộc tấn công sẽ dẫn đến “Bước nhảy thụt lùi vĩ đại” tự do - và tạo ra hàng trăm nghìn các vị trí quản lý cấp cao được các tổ chức tài chính trả lương rất cao[10]. Tuy nhiên, cho đến cuối những năm 1970, niềm tin chiếm ưu thế là “giai cấp mới là lực lượng tiến bộ nhất trong các xã hội hiện đại; nó là trung tâm của tất cả khả năng giải phóng con người trong tương lai gần”, như nhà xã hội học Alvin Gouldner đã viết vào năm 1979 trong một cuốn sách vang dội[11].

Hai mươi năm trước đó, Young kém lạc quan hơn.

Bởi vì, khi chúng ta lật từng trang, Sự trỗi dậy của chế độ tài đức biến thành một cơn ác mộng. Chính phủ của các giai cấp có học thức, vốn đã cài đặt những đứa con sáng giá nhất của giai cấp công nhân vào các vị trí quyền lực để tiêu hao lực lượng đối lập, giờ đây chỉ gồm các chuyên gia. Khối lượng lớn những người không có bằng cấp đã “không còn sử dụng được” nhờ những điều kỳ diệu của sự “tự động hóa” – ngay thời đó rồi! – đã bị cưỡng bức trở thành gia nhân của các trí thức. Người kể chuyện đặt câu hỏi: “Một khi mà tất cả các thiên tài đều ở trong giới tinh hoa, và tất cả những kẻ ngu ngốc trong giới công nhân, thì sự bình đẳng có nghĩa là gì?”. Trong hư cấu của Young, chính phủ của giới trí thức đạt được sự trưởng thành vào đầu thế kỷ XXI. Nắm được những đặc quyền - căn hộ thoải mái, bữa ăn tối sành điệu, kỳ nghỉ xa hoa - tầng lớp có học thức giáo dục con cái của họ trong những cơ sở riêng biệt và giờ đây chỉ tự tái sản xuất trong giới của mình. “Giới tinh hoa đang trên đường trở thành cha truyền con nối; các nguyên tắc kế thừa và tài đức được kết hợp với nhau, người kể chuyện quan sát, chỉ hơi lo lắng về diễn tiến của các sự kiện. Nhưng câu chuyện chưa dừng tại đó…

Trong khi chờ đợi để khám phá phần kết, chúng ta phải thừa nhận rằng cái xã hội huyễn tưởng toàn trị được trình bày trong tiểu thuyết hư cấu xã hội này được viết hơn sáu mươi năm trước giống cái thế giới của chúng ta một cách lạ thường. Ở Hoa Kỳ, cũng như ở châu Âu, có cả một cái hố chia cắt thiểu số những người tốt nghiệp các cấp dài hạn và mang tính sàng lọc (5-10% dân số các nước phương Tây) và phần còn lại. Trong những năm gần đây, việc nhấn mạnh đến sự đối lập giữa 99% dân số và 1% giàu nhất đã chuyển sự chú ý của chúng ta khỏi nhóm rộng lớn hơn đã thụ hưởng được từ sự tranh đua về tài đức trong nửa thế kỷ qua, và nếu không có nó thì cái 1% đã không thể thiết lập và duy trì sự thống trị của họ. Nếu, đối với những người tài đức đã phổ biến nó, quan niệm này về đấu tranh giai cấp có lợi cho họ để tự đặt mình vào phe của những người bị áp bức, cùng với những người gia nhân, thì nó đã xóa mờ hai hiện tượng mấu chốt được Young xác định trong truyện ngụ ngôn viễn tưởng của ông: sự độc quyền nắm giữ quyền lực chính trị của thành phần trí thức, và tính cách cha truyền con nối ngày càng tăng của sự thống trị của họ.

Nền dân chủ của những người có bằng cấp

Émile Boutmy (1835-1906)

Năm 1871, giáo sư Émile Boutmy đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng sau để biện minh cho việc thành lập Trường Khoa học Chính trị Tự do/Ecole Libre des Sciences Politiques - mà sau này sẽ trở thành Sciences Po/Viện chính trị học: Phải chịu áp lực của quyền lực của số đông, các tầng lớp tự cho mình là tầng lớp thượng lưu chỉ có thể duy trì quyền bá chủ chính trị của mình bằng cách viện dẫn quyền của những người có khả năng nhất. Đằng sau thành lũy đổ nát của các đặc quyền của mình và truyền thống, dòng chảy dân chủ phải vấp phải một thành lũy thứ hai được tạo nên từ những công lao sáng chói và hữu ích, từ những sự ưu việt mà uy tín buộc phải kính nể, từ những năng lực mà ta không thể nào thiếu trừ khi là điên[12]. Một thế kỷ rưỡi sau, lật qua những cuốn ghi nhận hình ảnh của các lãnh đạo chính trị, hầu như làm cho ta quên rằng các chức vụ dân biểu, người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ không chính thức đòi hỏi bất kỳ bằng cấp nào.

Anchrit Wille

Mark Bovens (1957-)
Mark Bovens và Anchrit Wille, các tác giả của một cuộc khảo sát về các nhà lãnh đạo chính trị của sáu quốc gia châu Âu (Đức, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Vương quốc Anh), xác nhận rằng các chế độ đại nghị hiện tại tương tự như những “chế độ dân chủ của những người có bằng cấp”. “Những người tốt nghiệp đại học đã thống trị tất cả các thể chế và đấu trường chính trị, dù đó là đảng phái, quốc hội và nội các, các nhóm áp lực, các không gian thảo luận hoặc thậm chí các mạng tham vấn trên Internet[13]. Năm 2016, 100% các bộ trưởng Bỉ và Đức đã kinh qua chương trình giáo dục đại học, như 95% bộ trưởng Pháp. Ở Anh, 60% bộ trưởng xuất thân từ các trường đại học ưu tú ở Oxford hoặc Cambridge. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận xét, “những công dân không có bằng cấp đại học gồm khoảng 70% cử tri”. Hơn nữa, liệu sự xuất sắc trong học tập có thực sự tạo ra những người dân cử hiệu quả hơn, những nghị sĩ sáng suốt hơn? Thật đáng ngạc nhiên, câu hỏi này không thu hút giới học thuật, và số ít công trình hiện có tiết lộ rằng các chính trị gia có bằng cấp “không chăm chỉ hơn, không đóng góp nhiều hơn cho hoạt động ở quốc hội và cũng không được bầu lại nhiều lần hơn[14]”. Ta có lý khi phản biện rằng hiện tượng này không phải là mới. Nhưng đó mới chính là vấn đề: các nền dân chủ mới sinh ra đã hứa hẹn về một chính phủ “do và vì người dân” dựa trên nền tảng giáo dục phổ cập.

Vậy sự thống trị của một tầng lớp nhỏ các nhà lãnh đạo-thông thái được duy trì như thế nào khi trường đại học không ngừng sản xuất đại trà các đội quân của những người dự tuyển? Kể từ đầu thế kỷ 19, tỷ lệ những người tốt nghiệp đại học đã tăng từ dưới 1% dân số trưởng thành ở Hoa Kỳ và Châu Âu lên khoảng 35%. Để duy trì rào cản, chỉ cần nâng cao trình độ với những chướng ngại về văn hóa và tài chính mới, mà những người có trình độ kiến thức thấp và những người tốt nghiệp dư thừa không thể nào vượt qua. Ở Hoa Kỳ, những phương thức sàng lọc kết hợp kiến ​​thức và tiền bạc đảm bảo một sự phân loại xã hội hiệu quả khiến cho nhóm bên trên của các người tài năng nay tự tái sản xuất từ thế hệ này sang thế hệ khác, như Young đã dự đoán, theo cách của một giai cấp thống trị cha truyền con nối. Không phải tất cả những người có bằng cấp đều giàu có, nhưng gần như tất cả những người giàu có đều là những người có bằng cấp: năm 2017, 98,4% người Mỹ kiếm được hơn hai lần rưỡi mức lương trung vị hàng năm - hoặc 94.300 đô la (83.500 euros) – đều có bằng tốt nghiệp cao hơn hoặc bằng bằng cử nhân (tương đương với bằng cử nhân ở Pháp nhưng kéo dài trong bốn năm). Thay vì các tước vị của thành phần quý tộc, các bậc cha mẹ trước hết truyền lại cho con cái của họ những danh hiệu đại học danh giá và đắt giá nhất, giống như các tỷ phú của Thung lũng Silicon, những người cống hiến tài sản của mình cho các quỹ từ thiện và con cái của họ ở Stanford hoặc Harvard.

Điển hình của giai cấp tư sản khai sáng ở thế kỷ XIX, sự thờ ơ, những chi tiêu có tính phô trương, việc giao các đứa bé cho các vú nuôi, đã biến thành những thực tiễn ngược lại: thành phần tinh túy của các trí thức giàu có làm việc cật lực và đổ một phần ngày càng tăng của thu nhập và thời gian của mình vào sự học hành, hạnh phúc, văn hóa, sức khỏe của con cháu của mình. Vú nuôi song ngữ, nhà trẻ cao cấp với chi phí 50.000 đô la mỗi năm, các bài học riêng về đánh thức óc mỹ thuật từ 3 tuổi, sau đó là các trường mẫu giáo dạy ngoại ngữ và khoa học chỉ nhận 5% hồ sơ đăng ký (đặc biệt những hồ sơ do một nhà tư vấn được gia đình tuyển dụng soạn thảo), sự phát triển sớm của “vốn con người bào chữa cho tất cả các khoản đầu tư.

Daniel Markovits (1969-)

Vào năm 2014, nhà xã hội học Elizabeth Currid-Halkett giải thích, “1% những người giàu nhất đã chi cho giáo dục gấp 3,5 lần so với năm 1996 (về mặt tuyệt đối và tỷ trọng chi tiêu). Và gấp 8,6 lần mức trung bình của cả nước[15]”; số 5% (thành phần trí thức giàu có) lấy cảm hứng từ ví dụ của họ. Các chi phí tái tạo triều đại này, cũng bao gồm chi phí gia sư (các gia đình cương quyết còn thêm vào một trợ lý cá nhân), các trường tư thục mà việc theo học đòi hỏi phải cư trú trong một khu phố sang trọng, các chuyến du lịch văn hóa, việc học đàn vĩ cầm và các đặc điểm thực tiễn để phân biệt khác được khuyến nghị để cuối cùng vào được Harvard, Yale, Princeton hoặc Stanford, các trường mà chỉ lệ phí đăng ký cũng đã dao động từ 40.000 đến 70.000 đô la mỗi năm, đạt mức khổng lồ - vào năm 2019, thu nhập trung vị hàng năm của hộ gia đình là 63.700 đô la. Theo ước tính của giáo sư luật Daniel Markovits, đối với 1% những người giàu nhất, chi tiêu thêm cho giáo dục so với một gia đình trung lưu tương đương với khoản thừa kế khoảng 10 triệu USD (9 triệu euro) cho mỗi đứa trẻ. Ông kết luận: “Tài năng là một trò lừa đảo. Và cả một nền văn minh chống lại kết luận này[16].”

Elizabeth Currid-Halkett


Những con số này chỉ phản ánh phần nổi của tảng băng chìm. Vì sự truyền lại vốn văn hóa bắt đầu từ lúc mới sinh dưới hình thức thời gian quan tâm của cha mẹ, đặc biệt là của phụ nữ. Currid-Halkett giải thích, những người nữ trí thức dành thời gian nhiều gấp hai đến ba lần những người khác để chơi với và dạy dỗ trẻ sơ sinh của họ. Họ cho con bú thường xuyên hơn và lâu hơn, tin rằng phương pháp này làm tăng khả năng nhận thức, đến mức nghề “tư vấn cho con bú” đang tăng mạnh. Ở độ 3 tuổi, một đứa bé trong một gia đình làm nghề tự do đã nghe trung bình hai mươi triệu từ được nói bởi con người nhiều hơn một đứa trẻ xuất thân từ một hoàn cảnh khác; vốn từ của nó đa dạng hơn 49%. Khi đưa một ý đồ giáo dục vào mối quan hệ với con cháu của mình, tức là khúc dạo đầu cho ý đồ của giáo viên, bậc cha mẹ muốn phát triển sự nhạy cảm về mặt cảm xúc, sự tập trung và tính kỷ luật của chúng.

Markovits cho biết: “Khi đến tuổi 18, một người trẻ thuộc gia đình giàu có sẽ nhận được sự quan tâm năm nghìn giờ nhiều hơn so với một đứa trẻ thuộc thành phần trung lưu qua các câu chuyện đọc, cuộc trò chuyện, sự kiện văn hóa, tập luyện thể thao, v.v. (...). Ở cùng độ tuổi, một đứa trẻ thuộc thành phần trung lưu sẽ ở trước màn hình năm nghìn giờ nhiều hơn con của một người giàu có”. Sự kỳ thị của “tầng lớp sáng tạo” cũng được phản ánh trong không gian, khi các hộ gia đình tập trung tất cả các nguồn lực tập hợp nhau lại trong một số khu vực của các đô thị tiến bộ và cởi mở cung cấp một lối sống lành mạnh hơn, mạng lưới xã hội rộng lớn hơn và tỷ lệ thành công tốt hơn so với nhóm 90% người Mỹ ít giàu có[17]. Markovits nhận xét: “Các khoản đầu tư lớn của giới tinh hoa vào giáo dục đã mang lại trái ngọt. Ngày nay, hố sâu về giáo dục giữa sinh viên giàu và nghèo hiện đã vượt quá hố sâu giữa người da đen và người da trắng vào năm 1954, năm Tòa án Tối cao phán quyết rằng sự phân biệt chủng tộc ở trường học là vi hiến. “Bất bình đẳng kinh tế ngày nay tạo ra bất bình đẳng giáo dục lớn hơn so với chế độ phân biệt chủng tộc ở Mỹ.”

Ẩn mình sau thành lũy của các hình thái giáo dục khắt khe mà họ đã thiết lập như là những chuẩn mực thông qua báo chí và văn hóa, những trí thức phồn vinh nhất sẽ khinh thường các bậc cha mẹ ít cởi mở, ít tiến bộ và ít hào phóng hơn vốn không tuân theo cùng các nghi thức văn hóa, xã hội và ẩm thực. Và lúc đó sẽ đưa ra phán quyết: “Vì họ không chịu theo đuổi việc học hành”, một mệnh lệnh tổng hợp lại phần “xã hội” của các chương trình tự do.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu ví cuộc sống của giới tinh hoa tài năng như là một dòng sông dài yên tĩnh. Học thuyết Darwin xã hội, vốn gạt bỏ ngay từ đầu hầu hết các học sinh xuất thân từ các gia đình nghèo, cũng đặt con cái của những người giàu vào tình trạng cạnh tranh không ngừng. Từ sự quá tải ở trường từ khi trẻ lên 3 tuổi đến việc làm kéo dài 12 giờ mỗi ngày với tư cách là người cùng cộng tác (associé) trong một công ty luật, những người tài năng nhận ra một cách nghiệt ngã rằng vốn, thậm chí là vốn văn hóa, cũng cần sức lao động – lao động của họ! - để tạo ra lợi nhuận. Sự tha hóa này đối với các công ty thường không mang lại lợi ích xã hội, vốn đã thiết lập sự tự hủy hoại bản thân do kiệt sức như một tiêu chí đánh giá sự xuất sắc trong nghề nghiệp, đã xúi giục một phần rất nhỏ nhưng đang ngày càng tăng bỏ hàng ngũ để chuyển sang nghề thủ công, hoạt động nhân đạo và hiếm hơn là ném đá (biến thành những người phản kháng - ND). Một sự thức tỉnh như vậy vẫn là ngoại lệ. Một khi bước vào một định chế ưu tú, số phận đã được định.

Ở Hoa Kỳ, một nửa số sinh viên của 12 trường đại học danh tiếng nhất xuất thân từ 10% các hộ gia đình giàu nhất. Ở Pháp, sự ly khai của giai cấp tư sản có học thức chưa đạt đến mức độ này. Thứ nhất, bởi vì tỷ lệ thu nhập mà nhóm 10% này nắm giữ đã bị đình trệ kể từ đầu những năm 1970 trong khi nó tăng 13% ở phía bên kia Đại Tây Dương. Thứ hai, vì con cháu của các gia đình khá giả thường trải qua giai đoạn bấp bênh khi bắt đầu sự nghiệp, điều không khuyến khích họ thừa nhận bất kỳ “đặc quyền” giai cấp nào mặc dù họ nắm giữ nguồn lực khan hiếm vốn, cùng với tài sản, cấu trúc hoá thứ bậc xã hội: những bằng cấp tốt. Cuối cùng, chi phí giáo dục đại học ở Pháp thấp trái ngược với mức học phí cắt cổ ở Mỹ. Tuy nhiên, sự độc quyền của thành phần tư sản đối với các trường cũng không kém phần rõ rệt: Trường Quốc Gia Hành chính (ENA) có 6% sinh viên gốc công nhân và nhân viên trong khi các thành phần này tương ứng với hơn một nửa dân số hoạt động. Đối với trường Bách Khoa/Polytechnique, 1,1% sinh viên của trường có cha mẹ là công nhân, so với 93% có cha mẹ là viên chức cao cấp hoặc là có nghề trí thức cao cấp[18]. Chủ nghĩa phân biệt dựa trên tài năng này đã được tô đậm kể từ những năm 1950. Chúng ta có thể thấy nghịch lý của một thể chế được thành lập dựa trên lời hứa phổ cập tri ​​thức và khi, ngày càng phát triển, đã trở thành trung tâm phân loại chịu trách nhiệm phân tách số 10% sẽ thống trị tất cả các thành phần khác.[19]

“Rửa tiền của chúng tôi bằng phẩm hạnh của chúng tôi”

Matthew Stewart (1963-)

Liệu những người được ân sủng có nhận ra mình trong sự mô tả này của nhà văn người Mỹ Matthew Stewart, được xuất bản năm 2018 trên các chuyên mục nổi bật của tạp chí The Atlantic?Chúng tôi, số 9,9% (…), chúng tôi đi lại trong quần jean và áo thun được thừa hưởng từ thời khởi đầu được cho là khiêm tốn của chúng tôi. Chúng tôi thích biểu hiện vị thế của mình bằng cách nói về cơ thể của chúng tôi được nuôi dưỡng bằng chất hữu cơ, các chiến tích của con cái chúng tôi và sự nghiêm túc sinh thái của các khu cư trú của chúng tôi. Chúng tôi đã hiểu cách rửa tiền của chúng tôi bằng phẩm hạnh cao cả của chúng tôi. Nhất là, chúng tôi đã học cách truyền tất cả những lợi thế này cho con cái chúng tôi”. Và Stewart đã tổng kết lại sự thật khách quan bằng một nét mà các viên chức cao cấp và các người có nghề trí thức cao cấp ra sức phủ nhận: “Chúng tôi đang vận hành cỗ máy chuyển nguồn lực của số 90% sang số 0,1%. Chúng tôi đã rất vui khi giành lấy phần bánh của mình[20]”. Nếu, trong các xã hội Phương Tây, màu da trắng và giới tính nam chắc chắn là những đặc quyền càng được công nhận, sự thuộc về nhóm thiểu số có trình độ học vấn cao nhất lại là một đặc quyền khác, nhưng những người được hưởng lợi từ đặc quyền lại sn sàng tương đối hóa sự tồn tại của nó.

Thomas Piketty (1971-)

Sự chi phối ngày càng tăng của các trí thức giàu có đã định hình lại một cách sâu sắc cục diện chính trị Phương Tây. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhóm dân số ít học và ít giàu có hơn chủ yếu bỏ phiếu cho các đảng cánh tả, cũng như một phần nhỏ các ngành nghề trí thức có liên quan đến khu vực công. Liên minh này đã tan rã. Những người theo đảng xã hội, đảng Dân chủ, đảng Xanh từ những năm 1990 đã hợp thành các “đảng phái của những người có bằng cấp” bị phần lớn các tầng lớp lao động bỏ rơi, như Frank và sau ông, Thomas Piketty đã phân tích. Lần đầu tiên, vào tháng 11 năm 2016, không chỉ những người Mỹ có trình độ học vấn cao nhất mà cả những người giàu có nhất ở Mỹ đã bỏ phiếu áp đảo cho đảng Dân chủ. Công nhân và nhân viên đang rời bỏ trò chơi bầu cử hoặc phân bổ phiếu bầu của họ cho các đảng vốn, nếu không đại diện cho lợi ích kinh tế của họ, cũng tự xác định chống lại giới tinh hoa tự do. Piketty viết: “Nếu chúng ta muốn hiểu sự trỗi dậy của ‘chủ nghĩa dân túy’, thì sẽ hữu ích khi bắt đầu bằng việc phân tích sự nổi lên của ‘chủ nghĩa tinh hoa’[21].”

Đường chia cắt này là một ơn trời cho các nhà bình luận nôn nóng dẹp bỏ các khoảng cách mà họ cho là lỗi thời. “Ở nhiều quốc gia,” tuần báo tự do The Economist (ngày 6 tháng 6 năm 2020) giải thích, sự phân chia cũ tả -hữu, dựa trên kinh tế đã được thay thế bằng một sự phân chia tự do-bảo thủ, dựa trên văn hóa”. Tuy nhiên, thay vì loại trừ lẫn nhau, văn hóa và kinh tế được cộng lại. Ở Pháp, việc sở hữu bằng thạc sĩ vẫn tương quan chặt chẽ với nguồn gốc xã hội: năm 2017, 40% những người hoạt động có cha hoặc mẹ làm nghề tự do, có bằng cấp tú tài +5 hoặc bằng cấp của một trường kỹ sư, so với ít hơn 4% con cái của công nhân lành nghề trong lĩnh vực hậu cần. Sự cai trị của giới trí thức giàu có là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp không thể truyền thống hơn.

Anne Case (1958-)


Làn sóng “những người chết vì tuyệt vọng” (tự tử, rượu, ma túy) ở Hoa Kỳ cung cấp một minh họa bi thảm: theo các nhà nghiên cứu Anne Case và Angus Deaton, sự thặng dư số người chết ước tính khoảng 600.000 người từ năm 1999 đến năm 2017 trong nhóm dân số da trắng 45 tuổi đến 54 tuổi hầu như đều chỉ liên quan những người không có bằng cấp. Kể từ năm 1990, tỷ lệ tử vong của họ đã tăng 25%, trong khi tỷ lệ tử vong của những người có bằng cử nhân giảm 40%. “Đối với những người không có bằng cấp, mức độ đau khổ, sức khỏe kém và rối loạn tâm thần tăng lên trong khi khả năng lao động và hòa nhập xã hội giảm đi. Khoảng cách cũng ngày càng nới rộng khi xét về thu nhập và sự ổn định của gia đình. Bằng cử nhân đã trở thành dấu ấn chính của địa vị xã hội[22].”

Trong tiểu thuyết mô tả một xã hội huyễn tưởng toàn trị được viết trước đây bảy mươi năm, Young không nói gì khác. Nhưng tiểu thuyết của ông kết thúc bằng một nhận xét lạc quan. Vào tháng 5 năm 2033, một phong trào “dân túy” mạnh mẽ do phụ nữ, những người bị loại trừ khỏi việc phân chia lại các quyền lực dân chủ có lợi cho nam giới, khởi xướng đã nổ ra. “Lần đầu tiên, một nhóm thiểu số bất đồng chính kiến ​​của thành phần tinh hoa đã liên minh với các tầng lớp thấp hơn bị cô lập và ngoan ngoãn cho đến lúc đó”, người kể chuyện tự phụ của Young viết, mà không nói rõ liệu những người biểu tình có mặc áo vàng hay không. Các cuộc biến loạn nổ ra. Nhân viên của một cửa hàng sang trọng đã tàn phá cơ sở của họ. Bộ trưởng giáo dục bị mổ bụng. Một cuộc tổng đình công được tổ chức vào ngày 1 tháng 5 năm 2034, lần đầu tiên sau hơn bốn mươi năm.

Mất phương hướng, người kể chuyện, đột nhiên ít tự cao tự đại hơn, mong đợi vào sự hụt hơi của phong trào. Câu chuyện của ông đột ngột dừng lại. Trên bản thảo, một ghi chú ngắn gọn của người biên tập cho biết rằng ông đã không sống sót sau cuộc nổi dậy.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La bourgeoisie intellectuelle, une élite héréditaire”, Le Monde diplomatique, tháng tám 2020.




Chú thích:

[*] Pierre Rimbert là một nhà báo Pháp. Ông cộng tác với nguyệt san Le Monde Diplomatique mà ông là Phó tổng biên tập từ tháng 6 năm 2010. Ông còn là thành viên của Hiệp Hội phân tích và phê phán các phương tiện truyền thông ACRIMED.

[1] Michael Young, The Rise of the Meritocracy, 1870-2033. An Essay on Education and Equality, Thames and Hudson, Londres, 1958.

[2] Thomas Frank, Pourquoi les riches votent à gauche, Agone, Marseille, 2018.

[3] Jean-Claude Chamboredon, “La délinquance juvénile, essai de construction d’objet”, Revue française de sociologie, vol. 12, n0 3, Paris, 1971.

[4] Robert Paxton, La France de Vichy, 1940-1944, Seuil, Paris, 1973 (éd. originale: 1972).

[5] Pierre Bourdieu, Sur l’État, Seuil/Raisons d’agir, Paris, 2012.

[6] Étienne Balazs, La Bureaucratie céleste. Recherches sur l’économie et la société de la Chine traditionnelle, Gallimard, Paris, 1968.

[7] Isabelle Kalinowski, ““Ils ne songent pas à désirer le nirvana”. La sociologie des intellectuels dans Hindouisme et bouddhisme de Max Weber”, dans Johan Heilbron, Rémi Lenoir et Gisèle Sapiro (sous la dir. de), Pour une histoire des sciences sociales, Fayard, Paris, 2004.

[8] Cf. Lawrence Peter King et Ivàn Szelényi, Theories of the New Class. Intellectuals and Power, University of Minnesota Press, Minneapolis, 2004.

[9] Marc Ferro, préface à la nouvelle édition de La Révolution de 1917, Albin Michel, Paris, 1997.

[10] Cf. Serge Halimi, Le Grand Bond en arrière, Agone, Paris, 2012.

[11] Alvin Gouldner, The Future of Intellectuals and the Rise of the New Class, Macmillan, Londres et Basingstoke, 1979.

[12] Dominique Damamme, “Genèse sociale d’une institution scolaire. L’École libre des sciences politiquest”, Actes de la recherche en sciences sociales, n0 70, Paris, 1987.

[13] Mark Bovens et Anchrit Wille, Diploma Democracy. The Rise of Political Meritocracy, Oxford University Press, 2017.

[14] Nicholas Carnes et Noam Lupu, “What good is a college degree? Education and leader quality reconsidered”, The Journal of Politics, vol. 78, n01, Chicago, 2016.

[15] Elizabeth Currid-Halkett, The Sum of Small Things, Princeton University Press, 2017.

[16] Daniel Markovits, The Meritocracy Trap. How America’s Foundational Myth Feeds Inequality, Dismantles the Middle Class and Devours the Elite, Penguin Press, New York, 2019.

[17] Lire Benoît Bréville, “Quand les grandes villes font sécession”, Le Monde diplomatique, mars 2020. Cf. également Richard V. Reeves, Dream Hoarders. How the American Upper Middle Class Is Leaving Everyone Else in the Dust, Brookings Institution Press, Washington, DC, 2017.

[18] Cf. pour les États-Unis: Raj Chetty et alii, “Income segregation and intergenerational mobility across colleges in the United States”, NBER Working Papers, février 2020. Et, pour la France, Pierre François et Nicolas Berkouk, “Les concours sont-ils neutres? Concurrence et parrainage dans l’accès à l’École polytechnique”, Sociologie, vol. 9, n0 2, Paris, 2018.

[19] Cf. Emmanuel Todd, Où en sommes-nous? Une esquisse de l’histoire humaine, Seuil, Paris, 2017.

[20] Matthew Stewart, “The birth of a new american aristocracy”, The Atlantic, Washington, DC, juin 2018.

[21] Thomas Piketty, Capital et idéologie, Seuil, Paris, 2019.

[22] Anne Case et Angus Deaton, Deaths of Despair and the Future of Capitalism, Princeton University Press, 2020.

Print Friendly and PDF