22.6.21

Phỏng vấn: Tác giả của cuốn ‘Châu Á vận hành như thế nào?’

PHỎNG VẤN: TÁC GIẢ CỦA CUỐN ‘CHÂU Á VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?’

Sam Roggeveen



PHẦN 1

Tháng trước, blogger của trang Marginal Revolution, Tyler Cowen, đã mô tả tác phẩm Châu Á vận hành như thế nào? Thành công và thất bại của khu vực năng động nhất thế giới [How Asia Works: Success and Failure in the World’s Most Dynamic Region] của Joe Studwell là ‘cuốn sách kinh tế yêu thích nhất của tôi trong năm nay [2013]’. Do đó tôi quyết định tìm hiểu nguyên nhân của sự ồn ào này.

Tôi quyết định tự mình tìm hiểu sự tán thưởng này, và phải nói rằng hiếm khi những định kiến ​​kinh tế ca tôi lđược kiểm chứng kĩ lưỡng đến như vậy. Cuốn sách này thách thức rất nhiều quan niệm về thị trường tự do mà tôi đã cho là đương nhiên, và khi cuộc phỏng vấn này diễn ra, tôi sẽ cố gắng đưa ra một số trong những ý tưởng đó với Studwell. Dưới đây là câu hỏi đặt bối cảnh mở đầu của tôi và câu trả lời của Joe Studwell.

aaaa
Sam Roggeveen
Tyler Cowen (1962-)

SR: Châu Á vận hành như thế nào là một sự công kích táo bạo vào cái mà chúng ta có thể gọi là đồng thuận tân tự do về những gì khiến cho các nền kinh tế phát triển. Ông cho rằng chủ nghĩa bảo hộ và chính sách công nghiệp thực sự là những công cụ chính sách quan trọng đối với các đất nước đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, và các chính phủ châu Á đã áp dụng mô hình này với các mức độ thành công khác nhau.

Đây là một ý nghĩ gần như dị thường trong cuộc tranh luận kinh tế ở phương Tây, và tôi nghi ngờ rất nhiều độc giả của trang web này sẽ lập tức bác bỏ nó. Vậy đâu là những khía cạnh chính của sự phát triển kinh tế của châu Á mà ông sẽ đưa ra để chứng minh cho quan điểm của mình?

JS: Tôi có sự phân biệt giữa ‘kinh tế học học tập’ [economics of learning] và ‘kinh tế học năng suất’ [economics of efficiency]. Các nước nghèo thiếu năng lực công nghệ và có vốn con người chất lượng thấp. Đây là lý do tại sao họ cần tập trung nguồn vốn có thể đầu tư vào quá trình học tập và quá trình học tập như vậy đòi hỏi sự bao bọc và bảo vệ cũng như cả sự cạnh tranh.

Vẫn luôn là như vậy. Bất kỳ ai không đồng ý thì đơn giản là họ không có sự hiểu biết về phương diện lịch sử. Lịch sử phát triển của vương quốc Anh, của Mỹ, Đức và kể cả của Úc là lịch sử các chính sách của chính phủ nhằm nuôi dưỡng các công ty cạnh tranh toàn cầu, cho dù các chính sách đó là các Đạo luật Hàng hải của vương quốc Anh, hay là mức thuế trung bình 40% được áp dụng ở Hoa Kỳ vào thế kỷ 19, trợ cấp xuất khẩu của Đức vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, hoặc lịch sử lâu dài của Úc về bảo hộ thuế quan và trợ cấp công nghiệp.

Các chính sách ‘nền công nghiệp non trẻ’ [infant industry] đó cho phép việc học tập được diễn ra và tạo ra các công ty cạnh tranh hơn, đặc biệt là khi việc trợ cấp được căn cứ vào xuất khẩu, hoặc cái mà tôi gọi là ‘kỷ luật xuất khẩu’ [export discipline], giống như trường hợp các câu chuyện về sự tăng trưởng nhanh nhất ở Nhật Bản, Hàn Quốc [Republic of Korea – ROK], Đài Loan và hiện nay là Trung Quốc. Khả năng xuất khẩu vào thị trường toàn cầu [của các doanh nghiệp] cho chính phủ các nước đang phát triển biết liệu họ có nhận được khoản lợi tức chấp nhận được từ các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước hay không.

Colin Clark (1905-1989)
Adam Smith (1723-1790)

Tuy nhiên, kinh tế học học tập chỉ giúp ích đến một mức độ nào đó. Sẽ đến một thời điểm khi một nền kinh tế tiến gần đến giới hạn công nghệ toàn cầu, và việc vận hành chính sách công nghiệp hiệu-quả-về-chi-phí trở nên khó hơn nhiều, nếu không muốn nói là không thể. Điều cần thiết tiếp theo là bước vào thế giới của Adam Smith hoặc (đối với người Úc là) Colin Clark. Không có gì ngạc nhiên khi Smith đưa ra những ý tưởng của mình vào cuối thế kỷ 18, thời điểm vương quốc Anh gần với vị thế thống trị toàn cầu về công nghệ nhưng người tiêu dùng của vương quốc Anh bị bòn rút hằng ngày bởi các nhà thiểu quyền[i] [oligopolies] và tổ chức độc quyền [monopolies] thiết lập trong thời kỳ công nghiệp non trẻ. Vương quốc Anh cần phải trở nên hiệu quả hơn, tập trung hơn vào lợi nhuận ngắn hạn, công bằng hơn với người tiêu dùng. Và đó là những gì dần dần xảy ra vào thế kỷ 19.

Colin Clark đã đưa ra quan điểm tương tự ở Úc vào đầu những năm 1960 và may mắn là các chính trị gia của Đảng Lao động đã tiếp thu những lập luận của ông về sự cần thiết của việc bãi bỏ quy định để Úc có thể tiếp tục tiến bộ trên con đường phát triển của mình (tôi định nói đến miền đất hứa của Kath and Kim [chương trình hài kịch của Úc], nhưng tôi sẽ bỏ qua).

Nhưng dù sao, về cơ bản nó là một trò chơi theo từng giai đoạn, và có các giải pháp khác nhau cho từng giai đoạn phát triển khác nhau. Tất nhiên, điều này là một vấn đề khủng khiếp đối với kinh tế học hiện đại bởi vì tất cả mọi thứ được cho là có thể đưa vào cùng một bảng tính [spreadsheet] – lại không có giai đoạn nào cả. Và đằng sau vấn đề này là vấn đề khác mà rất nhiều nhà kinh tế học đương đại thực sự chỉ là những gã híp-pi (không dùng ma túy), những kẻ mà mọi tuyên bố đều bắt đầu bằng ‘Hãy tưởng tượng!’: ‘Hãy tưởng tượng rằng có rất nhiều người tham gia vào mỗi giao dịch, hãy tưởng tượng rằng thông tin đó được phân tán một cách hoàn hảo ... Và rồi bạn à, bạn sẽ có một công thức hoàn hảo về giá cả. […]’

Vì vậy, tôi có một số bất đồng với giới kinh tế học khi nó được cơ cấu như hiện nay. Nhưng kinh tế học cung cấp cho chúng ta những công cụ phân tích mạnh mẽ và cũng có một số nhà kinh tế học rất thông minh, am hiểu lịch sử. Trong cuốn sách, tôi trích dẫn câu hỏi của Charles Kindleberger về việc liệu thực sự chỉ có thể có một loại kinh tế học. Câu trả lời của tôi, như đã nói ở trên, là, ở mức tối thiểu, chúng ta có một kinh tế học phát triển và một kinh tế học năng suất, và điều chúng ta thực sự cần hiểu là ở đâu và như thế nào mà chúng thỏa hiệp được với nhau. (Nhưng xin đừng tìm câu trả lời cho câu hỏi này vì tôi không biết đáp án, nó là chủ đề của cuốn sách tiếp theo của tôi.)

 

PHẦN 2

SR: Châu Á là quê hương của một số giai thoại lớn [great cautionary tales] có tính cảnh báo về chính sách công nghiệp: thương hiệu ô tô quốc gia của Malaysia, Proton, và nhà công nghiệp chế tạo máy bay IPTN của Indonesia ngay lập tức được nhớ đến. Vậy đâu là sự khác biệt giữa những nỗ lực dẫn đến thất bại đó với những câu chuyện thành công như hãng Hyundai [Hàn Quốc]?

Và làm thế nào để ông chứng tỏ với lập luận rằng, ngay cả khi các công ty được nhà nước hậu thuẫn đã thành công trong một thời gian dài, họ vẫn thể hiện sự phân bổ sai nguồn lực và một nỗ lực nhằm chọn ra người thắng cuộc? Tại sao tốt hơn là các chính phủ nên tạo điều kiện thuận lợi về thuế quan và pháp lý cho nền công nghiệp được phát triển, thay vì chính các chính phủ ấy lại đi hỗ trợ các ngành công nghiệp cụ thể?                                                   

Joe Studwell
JS: Ở đây bao gồm một số câu hỏi khác nhau 

Đầu tiên, điều gì khiến cho chính sách công nghiệp trở nên hiệu-quả-về-chi-phí? Câu trả lời cho điều này ở Đông Á là cái mà tôi gọi là ‘kỷ luật xuất khẩu’ [export discipline], hoặc là đặt điều kiện cho việc trợ cấp (bằng tất cả trong vô số các hình thức của nó) với yêu cầu về một mức độ xuất khẩu đáng kể so với mặt bằng chung giữa các công ty. Về bản chất, kỷ luật xuất khẩu đã giải quyết một vấn đề liên quan đến thông tin. Nếu bạn trao gói trợ cấp cho các chủ doanh nghiệp, thì họ rất giỏi trong việc lấy được tiền và việc giả vờ thực hiện những gì bạn muốn, liên quan đến mục tiêu phát triển các công ty cạnh tranh ở mức độ toàn cầu và đưa nền kinh tế phát triển, nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Rõ ràng nhất là họ có xu hướng tập trung vào mảng dịch vụ, nơi sử dụng và ‘nâng cấp’ tương đối ít nhân sự, né tránh việc gia tăng giá trị thông qua việc chế tạo bằng cách nhập khẩu các thành phần của những hàng hóa cần được chế tạo hoặc thậm chí hàng hóa đã được chế tạo hoàn thiện, và họ có xu hướng hạn chế những cạnh tranh họ phải đối mặt bằng cách bám vào thị trường nội địa. Tiếp đó họ lấy dòng tiền từ hoạt động trong nước được trợ cấp đem đi đầu tư theo danh mục đầu tư [portfolio basis] vào các nền kinh tế tiên tiến và cạnh tranh hơn.

Đây là câu chuyện về cuốn sách cuối cùng của tôi với tên gọi ‘bố già’ — những nhà tài phiệt thống trị các nền kinh tế từ Đông Nam Á, đến Nga, đến khu vực Mỹ Latinh (ví dụ như Lý Gia Thành [KS Li], ​​Abramovich, Carlos Slim, nếu bn cn 3 đại din). V bn cht, nhng doanh nhân này vượt trội hơn nhà nước trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên việc học tập công nghệ và cải thiện vốn con người trên diện rộng.

Khi bạn có kỷ luật xuất khẩu, thì trò chơi sẽ thay đổi. Thứ nhất, kỷ luật xuất khẩu gần như chắc chắn bị ràng buộc với việc tập trung vào chế tạo vì các ngành công nghiệp chế tạo được giao dịch tự do trên thế giới hơn là dịch vụ (dịch vụ chỉ chiếm 19% thương mại toàn cầu và đã bị kẹt ở mức đó trong một phần tư thế kỷ). Vì vậy, các doanh nhân đã chế tạo bởi vì các ngành công nghiệp chế tạo có thể dễ dàng được xuất khẩu.

Abramovich (1966-)
Lý Gia Thành (1928-)

Sau đó đến dữ liệu thông tin. Năng lực xuất khẩu giúp nhà nước biết liệu các công ty được trợ cấp hoặc hỗ trợ có sức cạnh tranh toàn cầu hay không. Các tổ chức tài chính trong nước được hưởng lợi từ những thông tin phản hồi tương tự. Tất nhiên bạn có thể bán chịu lỗ trong một khoảng thời gian, nhưng sẽ không kéo dài lâu nếu buộc phải xuất khẩu, chẳng hạn như 30% sản lượng của bạn, vì nó sẽ khiến công ty của bạn phá sản. Kết quả là, năng lực của doanh nhân nhằm lừa dối nhà nước bị suy giảm. Họ phải đối mặt với thực tế khủng khiếp rằng để nuôi dưỡng ham muốn vô độ về sự giàu có và sự công nhận (những ‘bản năng động vật’ [animal spirits]), họ phải làm việc nghiêm túc, thực sự làm ra sản phẩm và bán nó trên thị trường toàn cầu cạnh tranh khốc liệt.

Carlos Slim (1940-)

B. J. Habibie (1936-2019)

Hyundai là một ví dụ điển hình vì bản thân người sáng lập Chung Ju Yung [정주영 – Trịnh Chu Vĩnh]  là một bố già, đã hối lộ để có được các hợp đồng xây dựng dưới thời Syngman Rhee [이승만 – Lý Thừa Vãn]  vào những năm 1950. Sau đó là cuộc đảo chính của Park Chung Hee [박정희 – Phác Chính Hy]  vào tháng 5 năm 1961. Park đưa ra nhiều kỷ luật xuất khẩu đến mức các công ty phải nộp hồ sơ xuất khẩu hàng tháng cho chính phủ. Đột nhiên Chung trở thành một người đam mê chế tạo sản xuất vì xuất khẩu và đã trở nên giàu có bằng cách đó.        

Mahathir (1925-)

Ở Đông Nam Á, các dự án công nghiệp hóa như hãng xe Proton và IPTN không gặp phải kỷ luật xuất khẩu. Kết quả là lợi tức của nhà nước đạt được từ chính sách công nghiệp rất kém. Tuy nhiên, nó có phải là con số 0? Tôi nghĩ là không. Đã có một số chương trình học tập công nghiệp ở Malaysia và, ở mức độ thấp hơn, là ở Indonesia. Vì vậy, tôi nghi ngờ rằng họ đã có thể tốt hơn nếu không có [cựu thủ tướng Malaysia] Mahathir hoặc [cựu tổng thống Indonesia] Habibie, những người đứng đầu thực thi các chương trình ấy. Tuy nhiên, thành quả là rất tệ nếu so với tiêu chuẩn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, và tôi đã nêu chi tiết hơn trong cuốn sách về chính xác lý do tại sao. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khi Quỹ Tiền tệ Thế giới [IMF] đến Indonesia và phá hủy/làm suy yếu chiến lược công nghiệp hóa của Indonesia, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn tìm hiểu về IPTN, công ty nơi người Indonesia đã chi hàng tỷ USD để đào tạo kỹ sư, nhà thiết kế, v.v. nhiều người trong số những người chủ chốt đã rời đi vào cuối những năm 1990 và những năm 2000 để làm việc ở những nơi như Hoa Kỳ hoặc Đức. Khoản trợ cấp định-hướng-học-tập của Indonesia cuối cùng lại đến tay các quốc gia giàu nhất thế giới (và đó là lý do tại sao chúng ta lại có những vở ‘Hài đen’ [black humour] (cay đắng) xuất hiện).

Về tính tất yếu của việc phân bổ sai nguồn lực trong chính sách công nghiệp, câu trả lời là ‘có’. Có rất nhiều lãng phí trong chính sách công nghiệp. Nhưng sự lãng phí ở mức có thể chấp nhận được khi bạn đang ở xa phía sau giới hạn công nghệ bởi vì bạn có thể xác định được nơi mình cần đến. Thép, hóa chất, nhựa, vật liệu xây dựng, v.v. — bạn phải học cách chế tạo những thứ này giống như những người đi trước. Bạn phải bổ sung xã hội của mình đầy ắp lượng tri thức tiềm ẩn[ii] , lượng tri thức không ngừng mở rộng. Quan trọng hơn, ngành công nghiệp chế tạo là phương pháp để học tập bởi vì mọi người học thông qua thực hành, trong nhà máy, và [sản xuất chế tạo] tạo ra tiền vốn để chi trả cho việc học của họ. Đó là điều có thể chấp nhận được về mặt kinh tế theo cách tiếp cận rằng mọi người sẽ không phải đi học nhiều hơn vì trường học chỉ tạo ra chi phí chìm (không thu hồi được) cho đến khi bạn kết thúc việc học và kiếm được việc làm. (Người Ấn Độ — nghĩ đến càng thêm chán — chỉ nghĩ về việc học thông qua đầu tư vào giáo dục chính quy và không có chiến lược công nghiệp chế tạo thực sự, đó là lý do tại sao họ tương đối nghèo hơn rất nhiều so với người Trung Hoa.)

Về việc ‘chọn ra những người thắng cuộc’ [picking winners], đây là một thuật ngữ bị lạm dụng được đặt ra bởi các nhà kinh tế học tân tự do ở châu Âu vào những năm 1970 (tôi chưa bao giờ tìm cách để xác định cách sử dụng đầu tiên của thuật ngữ này) khi họ bắt đầu chỉ trích các chính sách công nghiệp khiến một đất nước như Ý tăng trưởng 5-6% trong một phần tư thế kỷ sau Thế Chiến II. Đó là một sự lạm dụng từ ngữ bởi vì theo như tôi thấy, chính sách công nghiệp thành công không bao giờ thể hiện ở việc chọn người chiến thắng. đó là một việc rất khác: loại bỏ những kẻ thua cuộc. Loại bỏ những công ty thua lỗ đồng nghĩa với cắt bỏ sự hỗ trợ của nhà nước dành cho các công ty được trợ cấp đang không đạt yêu cầu, được đánh giá bằng lãi và lỗ và kết quả hoạt động xuất khẩu. Hiện tại đang diễn ra một thời kỳ loại bỏ những kẻ thua cuộc ở Trung Quốc, nên nếu muốn, bạn có thể xem trực tiếp!

Đối với ‘môi trường thuế quan và pháp lý thuận lợi’, sự phát triển đòi hỏi những điều này, nhưng mục tiêu vẫn là sự học tập, như tôi đã nói từ trước, chứ không phải là hiệu quả thể hiện bằng lợi nhuận ngắn hạn. Điều đó sẽ đến sau. Tôi nghĩ rằng có lẽ câu trả lời mà bạn muốn có đối với câu hỏi này là lời khẳng định: nếu bạn có thể cho tôi thấy một đất nước, hơn là các đặc khu tài chính (offshore) /các trung tâm giao dịch tái xuất[iii] [trading entrepots] bất thường, đã phát triển lên tốp đầu thông qua các chính sách thương mại tự do ngay từ lúc bắt đầu, thì hãy cho tôi biết đó là đất nước nào. (Chắc chắn đó không phải là quốc gia của bạn hay của tôi ...)

Đọc qua phần đầu tiên của câu trả lời này, tôi nhận ra rằng tôi đã đơn giản hóa và cường điệu đáng kể nhằm thu hút sự chú ý. Có lẽ là quá nhiều. Nhưng mọi người cần phải đọc cuốn sách [Châu Á vận hành như thế nào] này!

Giờ đây chúng ta có thể nói về bóng bầu dục không?

 

PHẦN 3

SR: Trong câu trả lời trước đây của mình, ông đã chỉ trích IMF [Quỹ Tiền tệ Thế giới] về cách đối xử của nó đối với Indonesia trong cuộc khủng hoảng tiền tệ [năm 1997], vì vậy tôi tự hỏi liệu ông có thể nói thêm về vai trò của các định chế quốc tế hay không.

Tôi để ý thấy Michael Pettis, trong bài đánh giá trên Amazon về cuốn sách của ông, nói rằng những thành tựu của các chính sách công nghiệp là rất hiển nhiên đến mức không đáng để tranh luận. Trên thực tế, việc chính sách trên được tranh luận ‘gợi ý cho tôi rằng bằng cách nào mà kinh tế học hàn lâm đã trở nên phi thực tế và tách khỏi sự hiểu biết về mặt lịch sử đến thế.’

Nhưng vấn đề không chỉ là về kinh tế học hàn lâm, rõ ràng là vậy. Vấn đề còn bao gồm chính các nhà cố vấn chính sách trong IMF và Ngân hàng Thế giới [WB] (và có thể cả trong các Tổ chức Phi Chính phủ [NGO]?), những người thúc đẩy một con đường thị trường tự do thuần túy. Ông giải thích như thế nào về sự thật rằng các định chế này dường như tiếp tục phớt lờ bằng chứng về chính sách công nghiệp thành công? Và các chính phủ châu Á đã ứng xử ra sao với lời khuyên từ IMF, Ngân hàng Thế giới và những định chế khác? Có thật là họ chỉ phớt lờ nó không?

JS: Câu chuyện về các định chế quốc tế là một câu chuyện phức tạp, vì vậy tôi muốn cố gắng phản ánh sự phức tạp đó. Tôi cũng muốn nói rằng tôi không phải là một chuyên gia về lịch sử của các định chế này và hầu như tôi cũng chỉ biết đến chúng thông qua những quan sát của mình từ những hoạt động mà chúng đã thực hiện ở khu vực Đông Á.

Margaret Thatcher (1925-2013)
Michael Pettis (1958-)

Điểm đầu tiên là xem xét nguồn gốc của IMF, định chế được biết đến nhiều nhất từ việc đến thăm các đất nước sau khi cuộc khủng hoảng tài chính [năm 1997] diễn ra và tán thành (ép buộc?) đồng thời giám sát các ‘chương trình’ cải cách. IMF được thành lập vào cuối Thế chiến thứ hai và đã có được những kinh nghiệm đầu tiên về khủng hoảng vào những năm 1970 ở các nước Tây Âu vốn đã khá trưởng thành sau khi chế độ tỷ giá hối đoái cố định Bretton Woods sụp đổ. IMF đóng một vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các đất nước đã sử dụng cái mà trước đây tôi gọi là ‘kinh tế học phát triển’ hay ‘kinh tế học học hỏi’ để họ đứng vững sau Chiến tranh thế giới thứ hai theo hướng mà tôi gọi là ‘kinh tế học hiệu quả’.

Nói cách khác, định chế này đã chuyển đổi các đất nước từ loại hình kinh tế học này sang loại hình kinh tế học khác (ít nhất là theo sự khái niệm hóa của tôi). Phần lớn, điều này liên quan đến việc bãi bỏ các quy định, áp đặt các thị trường tự do hơn và dần dần loại bỏ các biện pháp kiểm soát tiền tệ (ví dụ như biện pháp bãi bỏ cuối cùng trong danh sách vừa nêu không diễn ra ở Vương quốc Anh [UK], cho đến khi bà Margaret Thatcher lên làm thủ tướng vào năm 1979).

Vào những năm 1980, IMF sau đó đã đưa liệu pháp của mình đến khu vực Mỹ Latinh, khi cuộc khủng hoảng nợ Mỹ Latinh khởi đầu. Theo như tôi có thể thấy (một lần nữa, tôi không phải là chuyên gia), Mỹ Latinh đã làm rối loạn chính sách phát triển của mình theo hai cách chính. Thứ nhất, không cải cách ruộng đất hoặc áp dụng cải cách không đạt hiệu quả (bắt nguồn từ sự thực thi tệ hại). Điều này dẫn đến sự phân phối thu nhập rất chênh lệch, thất bại trong việc mang lại cho những người nông dân không có đất bất kỳ tư bản nào (dưới hình thức đất đai) để chơi trò chơi của giới tư bản, và không tối đa hóa lợi nhuận.

Suốt những nỗ lực công nghiệp hóa theo kế hoạch sau thế chiến thứ hai ở các nước như Brazil, tình trạng xuất khẩu nông sản giữ nguyên hoặc giảm, hay tình trạng nhập khẩu tăng lên, khiến sự mất cân bằng trong cán cân thanh toán thêm trầm trọng trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa khi mà các nước luôn thâm hụt thương mại (vì nhu cầu nhập khẩu sản phẩm trang thiết bị - điển hình là máy móc để chế tạo ra các thứ). Điều sai lầm thứ hai là việc thiếu vắng ‘kỷ luật xuất khẩu’ nhằm đảm bảo lợi nhuận thu về tương xứng với sự trợ cấp và bảo hộ cho các nhà công nghiệp chế tạo.

Chính sách nông nghiệp sai lầm và sự thất bại trong xuất khẩu đủ hàng hóa chế tạo đã tạo ra sức ép lên cán cân thanh toán và sự thiếu hụt vốn được bù đắp bằng các khoản vay nước ngoài. Khi lãi suất đồng đô la tăng dưới thời Chính quyền Reagan, lãi phát sinh từ các khoản vay không thể được chi trả, và các chính phủ phải sử dụng đến biện pháp in tiền (giống như ở Philippines dưới thời Tổng thống Marcos, nơi đã từng là một nhà nước Mỹ Latinh ở khu vực Đông Á).

Riêng về mặt này, các chính sách giảm phát ở tầm vĩ mô [deflationary macro policies] mà IMF đã đưa ra là cần thiết và giúp ổn định tình hình. Tuy nhiên, IMF cũng đã gỡ bỏ chính sách công nghiệp và theo như tôi thấy, IMF chưa bao giờ hiểu gì về nông nghiệp cả. Kết quả là IMF đã khiến khả năng phát triển nhanh và bền vững của khu vực Mỹ Latinh trở nên suy yếu. Nhưng tiếp đó người ta có thể nói rằng những quốc gia Mỹ Latinh đã làm điều đó xảy đến với chính họ bằng cách vay rất nhiều tiền và đầu tư chúng một cách thiếu cẩn trọng.

Tôi đưa ra quan điểm trong cuốn Châu Á vận hành như thế nào [How Asia Works] rằng, so sánh theo GDP, người Hàn Quốc vay tiền từ nước ngoài nhiều hơn bất kỳ đất nước Mỹ Latinh nào, nhưng điều đó không quan trọng vì họ có kỷ luật xuất khẩu đồng nghĩa với việc họ đang tạo ra rất nhiều công ty chế tạo sản xuất cạnh tranh toàn cầu. Khu vực Mỹ Latinh dường như đã sản sinh được một đại diện: hãng sản xuất máy bay Embraer.

Nhưng dù sao, chúng ta có thể nói rằng IMF đã làm tốt ở khu vực Tây Âu, và sau đó là tương đối tốt (nói một cách lạc quan nhất có thể) ở khu vực Mỹ Latinh. Tiếp theo, nó đến khu vực Đông Á sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ở điểm này, với tôi, nó [IMF] thực sự đã gây ra một tình trạng hỗn độn khủng khiếp cho khu vực Đông Nam Á bằng cách áp đặt hệ thống tài chính Anglo-Saxon ở Thái Lan và ở Indonesia sau cuộc khủng hoảng, và làm điều tương tự ở Philippines sau sự sụp đổ của Tổng thống Marcos năm 1986. Chính sách công nghiệp gần như đã hoàn toàn bị hủy hoại và hệ thống ngân hàng hiện thời lại tập trung các khoản cho vay nhắm vào người tiêu dùng (tạo ra lợi nhuận rất lớn, giống như ở khu vực Mỹ Latinh sau cuộc khủng hoảng). Nhưng các ngân hàng không ủng hộ các chính sách phát triển hợp lý - thứ giúp nền kinh tế quốc gia gia tăng giá trị. Không có gì ngạc nhiên khi khu vực Đông Nam Á sở hữu thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất khu vực Đông Á kể từ cuộc khủng hoảng châu Á, trong khi xét về thực tại của nền kinh tế, một đất nước như Philippines đang trên đà quay trở lại Thế giới thứ ba. Điều tích cực duy nhất mà IMF đã làm ở khu vực Đông Nam Á là biến nó này thành một nơi làm việc cho các nhà quản lý quỹ đầu cơ. Trên thực tế, tôi thường nghĩ IMF nên trở thành một quỹ đầu cơ.

Để bảo vệ IMF, tôi sẽ đưa ra hai điểm. Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia đã hoàn thành được phần lớn những gì các nền kinh tế lớn khác đã làm, nhưng không hề có sự can thiệp của IMF; Malaysia chỉ đi sao chép. Với kiểu thiếu vắng sự lãnh đạo chính trị như vậy, một đất nước dù sao cũng vướng phải rất nhiều khó khăn. Và thứ hai, sự can thiệp của IMF vào Hàn Quốc, quốc gia bị cuốn vào cuộc khủng hoảng, đã đúng lúc hơn nhiều, ít nhất là theo quan điểm của tôi.

Hàn Quốc đã là một đất nước có GDP bình quân đầu người 10.000 đô la khi cuộc khủng hoảng xảy ra và IMF đòi hỏi phải bán phần vốn sở hữu trong hệ thống tài chính cho người nước ngoài, yêu cầu những thay đổi lớn đối với luật công ty, và giám sát những điều chỉnh khác có lợi cho người tiêu dùng và các cổ đông thiểu số. Trái ngược với nhà kinh tế Ha Joon Chang (người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ), tôi nghĩ rằng những can thiệp này đã đúng lúc. Tất nhiên việc chọn được thời điểm tốt là hoàn toàn tình cờ bởi vì IMF không tin vào việc tính toán thời điểm, nếu bạn hiểu ý tôi! Nói tóm lại, Hàn Quốc đã sẵn sàng cho kinh tế học hiệu quả.

Và đó chính là IMF. Ngược lại, Ngân hàng Thế giới được thành lập cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế ở cấp độ vi mô, và nên được đánh giá dựa trên cơ sở này. Tên thật của nó là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế [International Bank for Reconstruction and Development].

Theo quan sát của riêng tôi trong những năm qua cho thấy Ngân hàng Thế giới có một số cá nhân tuyệt vời, nhưng thể chế đó chỉ đem lại giá trị tốt nhất có thể ngang với mục đích mà chính phủ tạo ra cho nó. Điều này có nghĩa là bạn phải biết mình muốn gì và yêu cầu các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới làm việc trong một phạm vi ngắn gọn nào đó do quốc gia đang phát triển đã xác định cụ thể. Nếu bạn chỉ hỏi Ngân hàng Thế giới (hoặc IMF) điều cần làm là gì, các nhà hệ tư tưởng trong các định chế này sẽ đưa ra danh sách các lựa chọn thời thượng hiện tại của họ, và hầu như tất cả đều từ vô dụng cho đến thảm hại trong suốt 40 năm qua.

Các ví dụ kinh điển bao gồm ‘hãy tư nhân hóa các ngân hàng của bạn’, ‘hãy phát triển thị trường chứng khoán của bạn’ và ‘hãy tập trung sự can thiệp tài chính vào nền tài chính vi mô’. Lưu ý rằng mỗi ví dụ vừa nêu là một chính sách tự do hóa tài chính, phản ánh chính xác những gì đã là mốt (thường là đúng như vậy) ở các nước giàu và nay cũng được xem là tốt cho cả những nước nghèo. Chúng ta có thể sẽ có một danh sách các lựa chọn vừa mới hơn vừa thời thượng hơn được dựng nên xung quanh các ‘định chế’. Một lần nữa kỳ vọng của tôi là về lâu về dài, lời khuyên sẽ không còn hoàn toàn đúng nữa. Những vấn đề về mặt thể chế trở nên quan trọng sau những vấn đề cơ bản về cấu trúc mà tôi đề cập trong cuốn Châu Á vận hành như thế nào. Tuy nhiên, như vậy chúng ta sẽ lại bàn đến chủ đề cuốn sách sắp tới của tôi ...

Ha-Joon Chang (1963-)

Ezra Vogel (1930-2020)
Những nước đang phát triển đạt được thành công đã bỏ qua (các) danh sách lựa chọn thời thượng và thay vào đó họ đã yêu cầu nhân viên kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ một chiến lược phát triển phù hợp. Đây là những gì Trung Quốc đã làm vào những năm 1980 khi Ngân hàng Thế giới, chẳng hạn, đưa người của chính phủ Hàn Quốc đến để giải thích những gì họ đã làm và đưa ra một loạt các nghiên cứu so sánh lịch sử phát triển. Quá trình này được mô tả từ các quan điểm khác nhau trong tiểu sử về Đặng Tiểu Bình của Ezra Vogel, và trong cuốn Sự tham gia của Trung Quốc vào IMF [China’s Participation in the IMF], cuốn Ngân hàng Thế giới và GATT [the World Bank, and the GATT] của Harold Jacobson và Michael Oksenberg, và bằng tiếng Trung Quốc, trong cuốn Diễn đàn 50 Nhà kinh tế Trung Quốc Ba mươi năm Nhìn lại: Hồi tưởng và Phân tích [Chinese Economists 50 Forum Looking at Thirty Years: Retrospective and Analysis] (????50???????????) của Wu Jinglian cùng các cộng sự (chủ biên). 

Các nước đang phát triển khác sẽ làm tốt việc nghiên cứu cách thức mà Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ứng xử với IMF cũng như với Ngân hàng Thế giới và họ sẽ nhận về được giá trị từ các định chế này. Về cơ bản việc này bao gồm việc tránh các nhà hệ tư tưởng và tận dụng được những nhân viên kỹ thuật. Bạn không muốn những người giống như anh chàng thuộc Ngân hàng Thế giới ở Jakarta, người không lâu trước khi Suharto sụp đổ, đã tổ chức một cuộc họp báo ca ngợi một kế hoạch ‘tư nhân hóa’ thành công lĩnh vực viễn thông mà thực tế vừa được trao cho một trong những cô con gái của Suharto. Bạn muốn những người như Edwin Lim, người Philippines  gốc Hoa, người đã dẫn dắt những nhiệm vụ đầu tiên của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc.

Friedrich List (1789-1846)

Câu hỏi cuối cùng của bạn là câu hỏi về lý do tại sao những lời khuyên tồi vẫn tiếp tục xuất hiện. Tôi nghĩ nó chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, mặc dù mới hôm trước đã có người nói rằng họ từng yêu cầu một anh chàng thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ USTR - [United States Trade Representative] trong quán bar hãy nêu tên một trường hợp mà trong đó các chính sách tự do thương mại ngay từ lúc ban đầu đã mang đến một kết quả phát triển tích cực, và người đó chỉ đứng dậy và rời đi.

Vì vậy, có thể có một số mong muốn đã được dự tính trước nhằm vắt kiệt các nước nghèo. Friedrich List khẳng định rằng một thủ tướng Anh đã từng giữ một bản sao của cuốn Của cải của các Dân tộc [The Wealth of Nations] trong túi của mình và trích dẫn nó cho các nhà lãnh đạo Pháp tại mỗi cuộc họp với một nỗ lực ích kỉ để họ chấp nhận sự phân công lao động (khi đó còn rất lạc hậu) về ngũ cốc và sản xuất rượu vang, và hãy để lại sản xuất chế tạo và dịch vụ cho vương quốc Anh.        

Uông Sĩ Vinh dịch

Nguồn:

Phần 1: Interview: Author of ‘How Asia Works’, The Interpreter, 11 tháng 7 năm 2013.

Phần 2: Interview: ‘How Asia Works’ part II, The Interpreter, 12 tháng 7 năm 2013.

Phần 3: Interview: ‘How Asia Works’ part III, The Interpreter, 16 tháng 7 năm 2013.




Chú thích:

[i] Thiểu quyền (Oligopoly) là loại hình cấu trúc thị trường được đặc trưng bởi: một ít hay vài người bán và nhiều người mua, sản phẩm đồng nhất hoặc phân biệt và khó gia nhập thị trường. Tham khảo: Thiểu quyền (Oligopoly) là gì? Phân tích thị trường thiểu quyền (ND).

[ii] Tri thức tiềm ẩn (Tacit knowledge) là những tri thức không và rất khó được hệ thống hóa trong các văn bản, tài liệu, các tri thức này là cá nhân, gắn liền với bối cảnh và công việc cụ thể. Tham khảo: Tri thức hiện hữu (Explicit knowledge) và tri thức tiềm ẩn (Tacit knowledge) là gì? (ND).


[iii] Nghiệp vụ tái xuất (entrepot trade) là nghiệp vụ bảo quản thương mại, trong đó hàng hóa được nhập khẩu vào một nước và tái xuất mà không đưa vào nước nhập khẩu. Tham khảo: Nghiệp vụ tái xuất là gì? Các loại hình tái xuất phổ biến ở Việt Nam (ND).


Print Friendly and PDF