29.6.21

Chính sách tiêm chủng có “hiệu quả” không?

CHÍNH SÁCH TIÊM CHỦNG CÓ “HIỆU QUẢ” KHÔNG?

Emmanuel Didier[1]

Được công ty McKinsey tư vấn, chính phủ (Pháp - ND) quan niệm chính sách tiêm chủng như là một loạt các mục tiêu được định lượng dựa trên các phương pháp vay mượn từ ngành quản lý. Nhưng một khi thước đo trở thành mục tiêu, nó không còn là thước đo tốt nữa - và gây ra những tác động xấu, chẳng hạn như sự thao túng mơ hồ các con số và cuộc chạy đua giành kết quả. May mắn thay, phương pháp benchmark được triển khai cho vắc xin khác với các quy trình truyền thống ở chỗ cơ quan đánh giá không được xác định rõ ràng, và vẫn để mở, chúng ta đừng quá bi quan, khả năng cho một đánh giá dân chủ.

==============================================

Emmanuel Didier (1970-)

Vắc xin có phải là cánh cửa để thoát khỏi cơn khủng hoảng không? Chính phủ dường như tin chắc vào điều này, khi được ủng hộ bởi hội đồng khoa học vốn, trong khuyến cáo ​​mới nhất, mô tả chiến dịch tiêm chủng là “một hy vọng lớn để hạn chế tác động hoặc thậm chí giải quyết phần lớn đại dịch Covid-19”. Do đó, một cuộc “chạy đua với thời gian” diễn ra giữa một mặt là việc tiêm phòng cho người dân và mặt khác là sự thâm nhập của vi rút vào dân chúng, đặc biệt là của biến thể được gọi là “biến thể Anh”.

Vấn đề mà chính phủ gặp phải trước tiên là sự phản đối thụ động của những người “chống vắc xin.” Vào cuối năm 2020, một phần ba người Pháp không tin rằng vắc xin sẽ an toàn, khiến Pháp trở thành nhà vô địch thế giới của những người còn dè dặt về việc tiêm chủng. Mặt khác, chính phủ gần đây đã phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng về sự cung ứng và hậu cần làm cho cuộc đua bị chậm lại.

Sau khi loại bỏ lựa chọn phương án tiêm chủng bắt buộc, được thay thế bằng một đơn bày tỏ sự đồng ý trước khi tiêm chủng, một trong những công cụ mang tính chiến lược cao để chính phủ giành chiến thắng trong cuộc đua này là chỉ báo về số lượng “người được tiêm chủng” hàng ngày. Ban đầu, chính phủ dự định dành thời gian để thuyết phục những người còn dè dặt, nhưng những so sánh không mấy tốt đẹp của báo chí với kết quả tiêm chủng của các quốc gia khác đã khiến chính phủ phải đặt chỉ số này vào trọng tâm của chiến lược của mình. Trong khi số người chết vì Covid-19 làm cho đợt phong tỏa đầu tiên càng tối tăm hơn mỗi buổi tối, con số mới này đã được áp đặt kể từ đầu năm 2021 trong cuộc tranh luận công khai (mặc dù ít rõ ràng hơn): nó được công bố trên bản tin truyền hình, được truyền đi khắp nơi hàng ngày. Sự hoạt động và hiệu ứng xã hội của cách đếm mới này rất khác so với cách đếm trước đó. Trong khi số người chết hàm chứa mối đe dọa và khiến chúng ta phải lẩn trốn, số lượng người được tiêm phòng mang lại hy vọng có một lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng; nó đóng góp vào việc tạo ra sự ủng hộ của dân chúng với chính sách tiêm chủng.

Isabelle Bruno

Nhưng, và đây là điểm chúng tôi muốn thảo luận ở đây, các “benchmarks[2] như trên, như chúng tôi đã gọi loại mục tiêu định lượng này cùng với bạn đồng nghiệp Isabelle Bruno, đôi khi tạo ra những khó khăn không ai ngờ. Đặc biệt, chúng xoá đi rất nhiều cuộc thảo luận thực chất về mục đích của cuộc đua.

Phương pháp quản lý theo mục tiêu hoạt động như thế nào? Lấy cảm hứng từ các lý thuyết được xây dựng trong những năm 1980 trong và cho các công ty tư nhân, đặc biệt là thuyết “tái thiết kế” (“reingeenering) của Hammer và Champi và phương pháp “benchmarking của Robert Camp, sự quản lý theo mục tiêu đã thâm nhập vào lĩnh vực công vào những năm 1990 thông qua thuyết Quản lý Công Mới (New Public Management) mà một tác phẩm quy chiếu là cuốn Sáng tạo lại Chính phủ (Reinventing Government) của Osborne và Gaebler. Ý tưởng của nó rất đơn giản. Để làm cho bộ máy quan liêu - vốn đã bị căm ghét trong thời khủng hoảng nhà nước phúc lợi - hiệu quả hơn và có năng suất hơn, cần phải động viên từng công nhân viên, tìm cách để họ tự mình dấn thân vào nhiệm vụ của mình, trở nên chủ động và có sáng kiến. Để làm được điều này, một cách đi đường vòng bao gồm việc đề ra cho họ các mục tiêu định lượng, điều này kéo theo việc thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết để họ có thể đếm và tổng gộp, hàng ngày, năng suất của cá nhân hoặc của nhóm của họ.

Tại sao phải định lượng các mục tiêu? Vì hai lý do. Trong những lý do khác nhau, lý do đầu tiên là – để dùng tiếng Anh bản địa của những lý luận này - “những gì được đo sẽ được hoàn thành/what gets measured gets done”, bởi vì phép đo buộc mục tiêu phải được xác định chính xác và do đó định khung cho hành động tốt hơn. Thứ hai, nếu ta định lượng hiệu suất, thì ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng mục tiêu đã không được thực hiện. Sau đó chúng ta có thể chế nhạo, làm nhục (tiếng Anh là shame/làm cho ai cảm thấy hổ thẹn) người phải mang tiếng này. Tránh sự trừng phạt này là một động lực mạnh mẽ để phấn đấu đạt được mục tiêu. Hãy thêm một lý do thứ ba, không được đề cập trong các sách quản lý thời đó nhưng ngày nay được chính phủ nêu bật: benchmark cho phép chính phủ so sánh hành động của mình với hành động của các chính phủ nước ngoài - mặc dù, và điều này rất thường được nêu lên, mỗi nước có cách tính rất khác nhau và do đó kết quả, về mặt kỹ thuật, không thể so sánh được.

Sự khác biệt lớn với mô hình benchmark cổ điển là chính phủ tự phục tùng các mục tiêu của chính mình.

Với vắc xin, có vẻ như loại tổ chức này đã được xây dựng, với một số biến thể mà chúng tôi sẽ nhấn mạnh. Trước tiên, chính phủ đặt ra các mục tiêu đã định lượng cần phải đạt được. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn với mô hình cổ điển là chính phủ tự phục tùng các mục tiêu của chính mình.

Thông thường, các nhà lãnh đạo thiết lập các mục tiêu (được bàn cãi với cấp dưới của họ) và sau đó để họ tự do hành động để đảm nhận vai trò duy nhất của người đánh giá, người, dựa trên một nghi thức thống kê thực sự, rốt cuộc ghi nhận xem mục tiêu đã được hoàn thành hay không (và dựa vào đó xác nhận kết quả một cách tích cực hay tiêu cực cho các công nhân viên). Ở đây, chúng ta chứng kiến ​​cảnh tượng một bộ trưởng thay đổi mục tiêu vì gặp phải những khó khăn, đôi khi trong cùng một ngày, và nhất lại là người chịu trách nhiệm về mục tiêu này và hứa sẽ đạt được nó. “Chính phủ dự kiến ​​4 triệu người (được tiêm chủng) vào cuối tháng 2, 9 triệu vào cuối tháng 3, 20 triệu vào cuối tháng 4, 30 triệu vào cuối tháng 5, 43 triệu vào cuối tháng 6, 57 triệu vào cuối của tháng Bảy và 70 triệu vào cuối tháng Tám. Đó là lời tuyên bố của Bộ trưởng vào ngày 23 tháng Giêng. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng đây là hành động can đảm bởi vì ông tự đặt mình vào tình huống bị đánh giá cùng với bộ máy của ông.

Tuy nhiên, các mục tiêu sẽ trở nên vô nghĩa nếu người ta không thể đếm được số lần tiêm đã được thực hiện thực sự. Đôi khi chúng ta có xu hướng nghĩ rằng việc đếm là đương nhiên, rằng việc cộng một vắc xin vào một vắc xin không phải là khó. Tuy nhiên, đây là một sai lầm: mỗi lần đếm đều yêu cầu thiết lập một cơ sở hạ tầng, cơ sở này luôn là sản phẩm của những quyết định nhỏ, thường rất có ý nghĩa. Trong trường hợp vắc xin, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là quyết định xem ai, ở gần nhất với hành động tiêm chủng, sẽ điền vào biểu mẫu, mẫu này có thể được chuyển đi và được tổng gộp với các biểu mẫu khác. Không ai muốn làm điều này “vì khoa học” như người ta nói, hoặc trong trường hợp này là cho nước Pháp. Vì vậy, sau khi thương lượng, các bác sĩ đồng ý làm việc này, nhưng đổi lại phải được trả công. Phần thưởng khuyến khích nhỏ này, vừa cung cấp dữ liệu, vừa giúp thúc đẩy những người chăm sóc tham gia vào nỗ lực tiêm chủng tập thể.

Điểm thứ hai: trong khi số ca tử vong do Covid được công bố bởi cơ quan Y tế công cộng trực thuộc Bộ Y tế, thì số liệu tiêm chủng được công bố bởi VaccinTracker, một tổ chức ​​tự nhận mình là mang tính “công dân độc lập và không chính thức”, tuy nhiên, lại lấy dữ liệu do Bộ cung cấp. Việc sản xuất và công bố các số liệu là sản phẩm của sự dấn thân chiến đấu của một số tác nhân cũng dấn thân vào chính sách tiêm chủng. Cũng cần lưu ý rằng bốn công ty tư vấn truyền thông đã được chính phủ tuyển dụng để động viên người dân tham gia vào chính sách tiêm chủng, trong đó có công ty McKinsey nổi tiếng dường như đã tham gia thực sự vào việc xây dựng chiến lược tiêm chủng và đề xuất kỹ thuật “benchmarks” (để dùng thuật ngữ của họ) cho chính phủ (xin xem cuộc điều tra khảo sát của François Krug cho tờ Le Monde). Do đó, cơ sở hạ tầng về số người được tiêm chủng cũng vừa được tư duy và đồng thời vừa đếm, để khơi dậy sự cam kết của người dân cũng như của các bác sĩ.

Vậy chính phủ sử dụng những con số này như thế nào để đạt được mục tiêu? Như trong phim truyền hình dài tập xuất sắc đã trở thành kinh điển, Bị nghe lén (tiếng Anh The Wire), chúng ta chứng kiến ​​cảnh tượng chính phủ giải thích hành động của mình bằng cách tách ra, một mặt, tất cả các biến tiên nghiệm không phụ thuộc vào họ - ở đây chủ yếu là sự khuếch tán của vi rút, tốc độ nhiễm bệnh, mức độ nguy hiểm của các biến thể - và mặt khác là những biến liên quan đặc biệt đến hành động của họ - số liều thuốc đã nhận, số lượng các trung tâm tiêm chủng được triển khai, v.v.. Do đó, chính phủ có thể chỉ ra cách họ phản ứng với các vấn đề do nhóm biến đầu tiên đặt ra với những phương tiện thuộc nhóm thứ hai. Trong trường hợp này, họ cố gắng tối đa hóa số lượng người được tiêm chủng nhằm giảm đi sự lưu hành của vi rút (chẳng hạn dẫn đến kết quả là không phải phong tỏa lại lần thứ ba vào cuối tháng 1).

Nhưng, như mọi khi, với cách quản lý bằng con số, câu trả lời dần dần gây nên các trò chơi với các biến phụ thuộc trực tiếp. Có ba ví dụ rất nổi bật. Người ta nghĩ rằng có một số liều thuốc nhất định để phân phối tùy thuộc vào số lượng lọ vắc xin đã nhận được. Nhưng dần dần rõ ràng rằng ta có thể có 6 chứ không phải 5 liều thuốc trong mỗi lọ. Hãy lưu ý rằng cách đếm này là không rõ ràng: ta có thể có 6 liều thuốc nếu và chỉ khi 5 liều thuốc đầu tiên đã được bàn tay lành nghề trích ra và ta không mắc lỗi và có thiết bị thích hợp; do đó điều này không phải là luôn luôn xảy ra, và thậm chí là không thường xuyên xảy ra. Nhưng người đã lựa chọn phương thức benchmark luôn lấy sự diễn giải thuận lợi nhất cho việc đánh giá, điều này có thể từ từ che khuất sự diễn giải thuận lợi nhất đối với ý nghĩa thực sự của hành động. Do đó, đã có quyết định là có sáu liều thuốc/lọ. Điều này đã gây ra hậu quả không ngờ là các phòng thí nghiệm ngay lập tức yêu cầu được trả tiền cho liều thuốc bổ sung này và cũng cung cấp ít lọ hơn!

Phương tiện hành động thứ hai: xác định các thành phần ưu tiên. Vấn đề xác định thứ bậc của các ưu tiên cũng là một vấn đề kinh điển trong phương pháp benchmark. Vấn đề là một ưu tiên có thể tỏ ra không chính xác trong thực tế, do đó cần phải phân tích biến mục tiêu và xác định nó rõ thành một số mục tiêu phụ trung gian. Ở đây, ban đầu, ưu tiên được dành cho những người dễ bị tổn thương nhất và những người chăm sóc họ: do đó những người trong các viện dưỡng lão đã được lựa chọn. Nhưng những trung tâm khép kín này đặt ra quá nhiều vấn đề về hậu cần. Do đó, nhân viên điều dưỡng trên 50 tuổi cũng được ưu tiên, những người cũng tỏ ra gần với người dân nói chung và do đó có thể tham gia thuyết phục họ tiêm chủng.

Vấn đề với việc nhân bội các mục tiêu là khi có một số lượng lớn các ưu tiên, thì không còn có ưu tiên nào cả! Và điều gì phải xảy ra đã xảy ra: dòng người ưu tiên đã góp phần gây nên tình trạng thiếu vắc xin, tức là tình trạng thiếu hụt. Chính phủ có lẽ đã đoán trước được điều đó, nhưng trên hết lo sợ việc bị xem như là bị tụt hậu so với các nước khác! Chúng ta đừng bị đánh lừa, rất ít vắc xin đến Pháp, nhưng nếu mục tiêu ưu tiên vẫn còn rất hẹp, cuộc tranh luận đã không diễn ra như nó đang diễn ra. Lần này, người ta lo sợ về tác động buông lỏng của một sự so sánh không mấy khả quan với các quốc gia khác (đã bao nhiêu lần “thứ bậc” của chúng ta bị so sánh với thành tích của Vương quốc Anh!) và người ta đã chọn nguy cơ thiếu hụt được hiển thị bằng các số liệu thay vì sự mất động lực sẵn sàng tiêm chủng của người dân đang mòn mỏi chờ vắc xin.

Ví dụ cuối cùng về trò chơi với các con số: xác định “người được tiêm chủng”. Có phải sau một hoặc hai liều tiêm? Khoảng thời gian tối ưu giữa hai liều là bao lâu? Câu trả lời cho những câu hỏi này rất thất thường. Trong khi ban đầu tuyên bố đếm số người được “tiêm chủng”, thì bây giờ Vaccin traker cho biết số người “được tiêm chủng một phần”, mà không thay đổi phương pháp đếm, tức là đếm những người chỉ mới được tiêm một liều. Tương tự như vậy, thời gian giữa lần đầu tiên và lần thứ hai dường như được xác định trước tiên theo sự sẵn có của các liều để tăng chỉ báo này, và một cách thứ yếu theo mức độ an toàn mà người tiêm chủng đạt được – một điều mà khoa học dường như cũng chưa xác định rõ ràng. Con số được các nhà báo công khai, trong mọi trường hợp, là quan trọng nhất: đó là số liều được tiêm, tức là số “người được tiêm chủng một phần” của VaccinTracker, trong khi không ai chắc chắn về mức độ an toàn mà nó biểu hiện.

Trên ba ví dụ này, kết luận là giống nhau: các quyết định dường như đã được lấy để tối đa hóa chỉ báo “người được tiêm chủng” và thu hút người dân tham gia nhiều nhất có thể chính sách tiêm chủng. Sự khác biệt lớn với phương thức benchmark truyền thống là ở đây chính phủ có đủ uy quyền để lựa chọn phương pháp tính mới như là phương pháp đúng nhất. Thay vì chấp nhận hứng lấy cáo buộc gian lận (điều thường xuất hiện trong các cách đánh giá cổ điển), chính phủ quyết định rằng từ bây giờ chúng ta sẽ tính theo cách đó và khó có điều gì để phàn nàn.

Quy trình này có chung khuyết điểm chính với các kỹ thuật cổ điển của phương pháp benchmarking và gây ra mối đe dọa lớn cho chúng ta. Khuyết điểm này là điều được gọi là chính sách thành tích.

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng lập trường của chính phủ là khó khăn khi các nhà cung cấp vắc xin chống lại nó. Đơn giản là các liều thuốc không được giao, cả ở Pháp cũng như ở châu Âu. Đứng trước bức tường của thực tế này, cả động lực và sự cam kết của mọi người cũng không thể làm được gì nhiều. Như vậy, chính phủ cho chúng ta thấy rằng có một số thực tế nhất định chống lại các trò chơi với những con số.

Đặc điểm cuối cùng của phương pháp benchmarking là cần có một quyền lực để cuối cùng xác định xem mục tiêu đã được đạt hay chưa. Thông thường, cấp trên của hệ thống thứ bậc dành cho mình chức trách này. Nhưng ở đây, như chúng ta đã thấy, bộ trưởng đã chấp nhận phủ cái áo của người được đánh giá. Như vậy, ai là người đánh giá? Có nhiều cấp có thể là ứng cử viên. Trước hết, tổng thống Emmanuel Macron, khi nhận thấy mối đe dọa bị gắn quá chặt chẽ với kết quả của Bộ Y tế, đã lên tiếng mạnh mẽ về những sai lầm của bộ máy chính quyền. Tác dụng chính của việc này là kéo ông ra khỏi phương pháp benchmarking và trả lại cho ông vị trí đứng trên. Do đó, ông ta có thể đảm nhiệm vai trò người đánh giá này. Ngoài ra, cần lưu ý rằng ông ta cẩn thận không đưa ra số liệu mà chỉ lặp lại rằng “vào cuối mùa hè, ai muốn” sẽ được tiêm phòng.

Nhưng lời kêu gọi về một nền dân chủ có sự tham gia nhiều hơn đã được lắng nghe và sự lựa chọn tổng thống là người duy nhất đánh giá chính sách này có vẻ khá yếu ớt. Vì vậy, một số cơ quan “dân chủ” hơn, nhưng theo các hướng khác nhau, đã được thành lập. Đầu tiên, ủy ban công dân gồm 35 người được rút thăm dưới sự bảo hộ của Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường được giao nhiệm vụ chuyển các câu hỏi của người Pháp về chiến lược tiêm chủng. Câu hỏi về sự đánh giá này có phải là một trong những câu hỏi đó không? Không ai biết điều này rất rõ ràng. Tuy nhiên, một số dân biểu đã lên tiếng để Quốc hội không bị ủy ban này làm suy yếu và vẫn giữ vai trò thẩm định của hành pháp.

Alain Fischer (1949-)

Tiếp theo là Hội đồng Định hướng Chiến lược Vắc xin, do Alain Fischer đứng đầu và chủ yếu gồm các chuyên gia, trong đó có một nhà xã hội học và một đại diện của Liên hiệp các Hiệp hội Gia đình Quốc gia và gần đây là một nhà kinh tế - tức là không chỉ bao gồm các chuyên gia về vi rút. Với tư cách này, Hội Đồng có thể đóng vai trò chuyên gia phụ trách đánh giá, ngay cả khi chức năng của nó chủ yếu là tư vấn cho chính phủ. Giao việc đánh giá một chính sách cho một tiến trình tham gia dân chủ sẽ là một bước tiến rất lớn. Và, chúng ta hãy đừng che giấu sự vui mừng, có vẻ như những định chế này là những cố gắng đi theo hướng này. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta mới chỉ ở giai đoạn mò mẫm - vì nhà nước cũng đang dò dẫm và điều này chẳng có gì là chướng mắt cả - vốn có thể kết thúc với một quyết định hoàn toàn từ trên xuống.

Như vậy, chiến lược tiêm chủng của chính phủ dựa trên cơ chế benchmarking được các nhà quản lý biết rõ, với điểm khác biệt là nó không chỉ được sử dụng để đánh giá chính quyền mà còn để nhận được sự ủng hộ của toàn thể người dân. Không giống như chỉ báo số người chết do Covid gây nên sự sợ hãi, số lượng vắc xin được cho là để khơi dậy sự ham muốn, kích động sự ham muốn. Điểm chung là cả hai đều chứa đựng nhiều xúc động, chứ không chỉ tính hợp lý. Các con số cũng gây nên sự xúc động mà không loại trừ tính hợp lý.

Mặt khác, phương pháp benchmark được triển khai cho vắc xin khác với các quy trình truyền thống ở chỗ cơ quan đánh giá không được xác định rõ ràng, và vẫn còn để mở, chúng ta đừng nên quá bi quan, khả năng của một sự đánh giá dân chủ.

Charles Goodhart (1936-)

Nhưng quy trình này có chung khuyết điểm chính với các kỹ thuật benchmarking cổ điển và gây ra mối đe dọa lớn cho chúng ta. Ở Pháp, khuyết điểm được gọi là chính sách thành tích, được Charles Goodhart người Anh trình bày cách đây nhiều năm như sau: kể từ lúc phép đo trở thành mục tiêu, nó không còn là một phép đo tốt - và gây nên các tác động tiêu cực như sự thao túng mơ hồ các số liệu và cuộc chạy đua giành thành tích. Tất cả các tác nhân của hệ thống y tế hiện đã quen với những vấn đề này do sự đo lường hiệu suất gây ra vì nó đã xâm nhập vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta từ ba mươi năm qua và gây ra những tác động xấu. Điều đáng lo ngại là do quá cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của người dân bằng kỹ thuật này, chúng ta tạo ra sự ngờ vực của những người chăm sóc!

Đối với chúng ta, mối đe dọa đặt ra bởi kỹ thuật này là cả tập thể tập trung quá nhiều vào số lượng người được tiêm chủng do tất cả các quy trình này sản xuất như là phương pháp duy nhất (l’alpha et l’oméga) của chính sách chống Covid - và hơn thế nữa bởi vì chúng ta sẽ phải rất sớm tính đến việc các vắc xin có các mức độ hiệu quả đa dạng. Một số người đã có thể chỉ ra rằng chính sách tiêm chủng có hiệu quả nếu và chỉ khi nó được kết hợp với các chính sách y tế công cộng khác nhau. Và, thật vậy, nếu các nhân tố khác như tinh thần của thanh niên bị bỏ quên trong chính sách này lại quan trọng không kém việc tiêm chủng những người có nguy cơ cao, hầu hết là người già? Và nếu ta phải giảm nhẹ các biện pháp chống lại vi rút? Chúng ta hãy cẩn thận không để tất cả các trứng của chúng ta vào cái giỏ duy nhất của sự tiêm chủng.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La politique de vaccination est-elle “performante”?, AOC, 9.2.2021.

----

Bài có liên quan: Là ông Thiện hay ông Ác: Vai trò của con số trong việc cai quản của Nhà nước tân tự do




Chú thích:

[1] Nhà xã hội học, giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu quốc gia, thành viên Trung tâm Halbwachs, một trung tâm nghiên cứu của Trường đại học sư phạm (ENS) và Trường cao đẳng các khoa học xã hội (EHESS).

[2] Benchmarking, một từ thông dụng trong giới kinh doanh, là kết quả của việc danh từ hoá động từ tiếng Anh to benchmark, có nghĩa là đánh giá bằng cách so sánh với một mô hình, một thước đo, một chuẩn bên ngoài. Benchmark là một điểm quy chiếu. Về mặt từ nguyên học, bench chỉ dấu vết do nhân viên địa trắc khắc vào đá để cố định thiết bị đo đạc của mình (Vào thế kỉ XIX, thuật ngữ này cũng được thợ đóng giày sử dụng để để đo chân khách hàng đặt trên bàn thợ mộc (bench) để đánh dấu chiều dài bàn chân nhằm đóng giày đúng kích cỡ). Trong biệt ngữ của khoa đo vẽ địa hình, benchmarking là quy chiếu về một điểm mốc trắc địa để tiến hành những so sánh phương hướng và độ cao. Dựa trên sự giống nhau với cách thực hành rất xưa này, các nhà quản trị dùng thuật ngữ benchmarking khi họ bàn về hoạt động phân tích cạnh tranh và kiểm định các thành tích.” (Benchmarking, l’État sous pression statistique của Isabelle Bruno và Emmanuel Didier, NXB La Découverte, Paris, 2013, trang 10-11 – ND)

Print Friendly and PDF