16.6.21

Từ cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản tài chính đến cuộc khủng hoảng của nhà nước tân tự do: Covid-19

TỪ CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TÀI CHÍNH ĐẾN CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA NHÀ NƯỚC TÂN TỰ DO: COVID-19

Robert Boyer[1]

Sự sụt giảm của hoạt động kinh tế liên quan đến đại dịch Covid-19 thường được so sánh với các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính trước đây. Nhưng những cuộc khủng hoảng này, nếu chúng nối tiếp nhau, không phải là sự lặp lại của một hình thức kinh điển: do đó sẽ sai lầm nếu lặp lại các chiến lược để thoát khỏi cuộc khủng hoảng trước đó. Vượt qua cái bề ngoài, thực tế là chúng ta đang sống trong một cuộc khủng hoảng của Nhà nước, không có khả năng khôi phục các điều kiện để phục hồi lâu dài sự thịnh vượng kinh tế và tính chính đáng chính trị gắn liền với nó.

Các ngành khoa học, cả kinh tế học và khoa học luận, đều bị tra vấn trong các cuộc khủng hoảng lớn vốn làm nổi bật sự bất lực của các hệ chuẩn thống trị để có thể thuật lại một tình huống mà người đương thời cho là chưa từng có. Trong chừng mực các biểu tượng học thuật đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành và biện minh các chính sách kinh tế, đặc trưng của các diễn tiến này còn là sự hỗn loạn của các nhà ra quyết định công và tư.

Sự bùng nổ của Covid-19 được xem như là một công cụ phân tích cả về sự phát triển của các chế độ tư bản nền tảng đương đại và những trở ngại mà hệ tư tưởng chính thống (doxa) của các chính sách kinh tế và xã hội, được định hình bởi sự chiến thắng của các ý tưởng tân tự do, gặp phải. Trong khi hầu hết các chính phủ không thể ngăn chặn làn sóng thứ hai của đại dịch, một sự phân tích lịch sử và so sánh cho phép đưa ra các giả thuyết và diễn giải ngay từ bây giờ.

1. Cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu vào năm 2020 không liên quan gì đến năm 1929

Các nhà kinh tế vĩ mô và các nhà phân tích thời vận kinh tế đã bị ấn tượng bởi mức độ sụt giảm sản lượng trong quý 2 năm 2020, mà họ so sánh với mức đã được quan sát trong cuộc khủng hoảng năm 1929. Tuy nhiên, sự so sánh này, vả lại cũng không chắc chắn khi nào mà các dữ liệu của hệ thống tài khoản quốc gia cho năm 2020 vẫn chưa được xác định, không xem xét sự khác biệt sâu sắc giữa năm 1929 và năm 2020 về mặt nguồn gốc, diễn tiến và có thể cả cách thoát khỏi hai cuộc khủng hoảng.

Thật vậy, cuộc khủng hoảng trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, cả ở Hoa Kỳ và ở Pháp, đã đánh dấu sự bùng nổ của một bong bóng đầu cơ che giấu sự mất cân bằng cấu trúc của một chế độ tăng trưởng mà đặc trưng là sự bùng nổ của nền sản xuất quy mô lớn không được một nền tiêu dùng quy mô cân bằng, bởi vì sự phát triển của tiền lương thực tế đã không theo kịp tốc độ tăng năng suất lao động.

Từ tháng 3 năm 2020, tốc độ lan truyền đáng kinh ngạc của Covid-19 rốt cuộc đã làm bảo hòa khả năng của các hệ thống bệnh viện và đã buộc các chính phủ phải dùng đến một vũ khí hủy diệt của cải và việc làm rất lớn, cụ thể là sự phong tỏa trong gần hai tháng ở hầu hết các quốc gia. Như vậy thì chính một quyết định chính trị và hành chính đã tạo ra sự sụt giảm của tổng sản phẩm quốc nội, thường là khoảng 30% vào quý II năm 2020.

Quyết định giảm thiểu tỷ lệ tử vong liên quan đến vi rút đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng kinh tế, bởi vì khi bước vào giai đoạn giải phong tỏa, sự rối loạn của hệ thống sản xuất và thái độ đợi thời của tiêu dùng khiến cho sự phục hồi kinh tế nội sinh là bất khả thi, như đã được quan sát thấy trong chu kỳ kinh doanh. Hẳn là, các đợt bơm thanh khoản lớn và sự hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp và các hộ gia đình đã được quyết định khẩn cấp, nhưng đây chỉ là những biện pháp tạm thời so với một chiến thắng vi rút vốn có thể khôi phục sự an toàn y tế, điều kiện không thể thiếu cho sự trở lại hoạt động của một nền kinh tế.

Thật vậy, chính những tin tức liên quan đến những tiến bộ hoặc sự chậm trễ trong điều trị hoặc vắc xin tác động đến các dự kiến của cả các nhà đầu tư, người làm công ăn lương lẫn người tiêu dùng, điều mà các ngân hàng trung ương và bộ tài chính cố gắng ngăn chặn nếu tin tức này không thuận lợi.

2. Sai lầm của hầu hết các chính phủ: chuyển đổi các chiến lược đã được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008

Vả lại, cuộc khủng hoảng y tế rất khác với những cuộc khủng hoảng đã đánh dấu các bệnh dịch nối tiếp với nhau ít nhất là từ thế kỷ 14. Trong quá khứ, vi khuẩn và vi rút đã lây truyền qua đường di chuyển quốc tế, ngay cả khi sự di chuyển này chậm hơn nhiều so với đầu thế kỷ 21. Vào thời điểm đó, sự sụt giảm của hoạt động kinh tế là kết quả của sự co lại của lực lượng lao động dưới tác động của tử vong do dịch bệnh gây nên.

Ngày nay, chính quyết định đóng cửa nền kinh tế của các cơ quan công quyền, dưới danh nghĩa của sự phong tỏa, chủ yếu giải thích độ thẳng đứng của sự sụt giảm của tổng sản lượng quốc gia. Tính đột ngột và khốc liệt của sự sụt giảm càng được củng cố bởi sự lan truyền quốc tế của các tác động suy thoái của một loạt các cuộc phong tỏa quốc gia ảnh hưởng đến cả các nước công nghiệp phát triển và đang phát triển.

Tương tự như vậy, thật sai lầm nếu so sánh cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008 với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra: cuộc khủng hoảng thứ nhất là nội sinh ngay từ nền kinh tế, cuộc khủng hoảng thứ hai là do sự bùng nổ của một biến cố bất ngờ vốn biện minh cho một chiến lược ngừng lại nền kinh tế chưa từng có. Do đó, ta có thể hiểu rằng sự hỗ trợ khắp nơi dành cho các công ty lớn và các hộ gia đình làm giảm bớt tình trạng thất nghiệp và sự suy giảm của mức sống, nhưng không phải là giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng y tế.

Các cuộc khủng hoảng kinh tế nối tiếp nhau, nhưng chúng không phải là sự lặp lại của một hình thức kinh điển. Do đó, do đó sẽ sai lầm nếu lặp lại các chiến lược để thoát khỏi cuộc khủng hoảng trước đó. Điều này giải thích tại sao hầu hết các nền kinh tế quốc gia đã không nối lại với con đường tăng trưởng dài hạn của họ ngay vào cuối năm 2020.

3. Sự cân nhắc có lợi cho nền kinh tế đã đẩy nhanh sự trở lại của đại dịch

Thật vậy, từ tháng 10 năm 2020, việc phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm mới đã tăng lên một cách đáng kể, đến mức gây ra sự bối rối cho cả các nhà dịch tễ học và những người ra quyết định công. Có nhiều khả năng sự tái phát này của đại dịch này là do quyết tâm của các chính phủ muốn tìm một sự cân bằng giữa việc chống lại vi rút và sự giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

Vào mùa hè năm 2020, các chỉ thị từ các cơ quan công quyền đã dẫn đến sự nới lỏng kỷ luật chống đại dịch. Thật vậy, họ khuyến khích sự quay trở lại làm việc trong các công ty, ưu tiên mở lại các trường học và truyền đạt ý tưởng về một lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế sắp xảy ra. Các ràng buộc về sự di chuyển được gỡ bỏ, miễn là các mệnh lệnh y tế về sự giãn cách và vệ sinh vẫn được tuân thủ.

Tuy nhiên, chúng được tuân thủ một cách rất bất bình đẳng tùy vào tuổi, mối quan hệ xã hội hoặc thậm chí nơi cư trú. Ở Pháp, việc khởi động các cuộc xét nghiệm quy mô lớn nhằm trấn an dân chúng, đã vấp phải một trở ngại đã không được lường trước, đó là sự thiếu hụt nhân sự và phương tiện để thực hiện ba bước “xét nghiệm – truy tìm – cách ly. Khoảng cách này giữa chiến lược được công bố và việc thực hiện nó chứa đầy hậu quả, chẳng hạn như sự trở lại của đại dịch đã gây bất ngờ cho hầu hết các chuyên gia, bao gồm cả chủ tịch hội đồng khoa học được thành lập theo yêu cầu của tổng thống.

Hậu quả là, tình trạng thiếu giường hồi sức đã xuất hiện lại, đặc biệt là khi Hội Đng Y Tế Segur dường như đã không chặn được sự mất niềm tin của các nhân viên điều dưỡng đối với bệnh viện công. Thông qua hiệu ứng domino, sự căng thẳng được truyền từ các phòng xét nghiệm sinh học, chủ yếu là tư nhân, đến bệnh viện công. Trong cả hai trường hợp, sự tái phát của Covid-19 cho thấy sự khó khăn trong việc phối hợp tất cả các tác nhân của hệ thống sức khỏe, và trên thực tế các rối loạn vốn làm cho khả năng ứng phó và hiệu quả của hệ thống y tế bị đe dọa.

Như vậy, mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng này đang cản trở sự trở lại của niềm tin của cả các doanh nghiệp, các nhà tài chính và công luận. Sự không chắc chắn nay đã trở nên triệt để trở lại - làm thế nào để vượt qua thách thức chưa từng có tiền lệ này - đang đình chỉ sự phục hồi của tiêu dùng của các hộ gia đình và củng cố thái độ chờ đợi của các vụ đầu tư hiệu quả. Trước khi có đại dịch, mệnh lệnh kinh tế được ưu tiên so với mệnh lệnh y tế công cộng vì nó bao hàm chẳng hạn một mức trần cho chi tiêu bảo hiểm y tế.

Vào mùa thu năm 2020, thứ bậc các mục tiêu và khung thời gian bị đảo ngược: các biến cố đánh dấu sự tiến triển của đại dịch - một mặt là số ca mới, số bệnh nhân đang được hồi sức, số tử vong do Covid, một mặt là tiến bộ trong nghiên cứu về vắc xin và liệu pháp điều trị - đã tác động rất mạnh đến các quyết định của các cơ quan công quyền, cũng như diễn biến của giá cả trên thị trường chứng khoán. Đây thật sự là một điểm mới so với các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trong quá khứ.

4. Các chính phủ trước hết dựa vào kiến ​​thức của các nhà dịch tễ học... mà những giới hạn đã bị sự tái phát của dịch Covid-19 phơi bày

Do đó, một lời giải thích thuần túy kinh tế về các hiện tượng được quan sát là không thực tế, vì tiến trình của sự phát triển của đại dịch là yếu tố vận động chính. Trong những điều kiện này, các chính trị gia đã hướng sang một cộng đồng các chuyên gia bao gồm các nhà vi rút học, dịch tễ học, bác sĩ bệnh viện, các nhà sinh học và thậm chí cả các chuyên gia y tế công cộng.

Rõ ràng, họ có thể huy động một lượng kiến ​​thức đáng kể được tích lũy từ các trận dịch trước đây và những tiến bộ trong nghiên cứu sinh học. Thật không may, Covid-19 nhanh chóng xuất hiện như một loại vi-rút hoàn toàn không phải là một biến thể của SARS hoặc của H1N1: tần số các trường hợp không có triệu chứng, sự tiềm ẩn giữa sự nhiễm bệnh và sự xuất hiện của các rối loạn, sự bất định về cơ chế lây truyền, sự đa dạng của những tổn hại đến sức khỏe, vượt qua cả các sự rối loạn hô hấp.

Kết quả là, các mô hình lây truyền đại dịch, kế thừa từ các lần trước, lại cung cấp những dự báo không chắc chắn và thường bị phủ nhận. Từ đó, chúng ta có thể đo lường sự khác biệt giữa một khoa học, được hiểu là khối kiến ​​thức được xây dựng từ những kinh nghiệm trong quá khứ và một nghiên cứu đang được thực hiện trên một loại vi rút chưa được biết đến. Nghiên cứu được thực hiện bởi sự hợp tác quốc tế của một số lượng lớn các nhà nghiên cứu đã dần dần mở rộng kiến ​​thức của chúng ta về vi rút, tuy vẫn chưa phát hiện được toàn bộ các đặc điểm của nó.

Vào mùa thu năm 2020, sự không chắc chắn xoay quanh khả năng có được vắc xin, khả năng của cộng đồng quốc tế tài trợ và phân phối vắc xin này trên toàn cầu, và khả năng của các dịch vụ công để khắc phục sự miễn cưỡng của các người chống đối bất kỳ loại vắc xin nào. Thậm chí, khả năng miễn dịch cũng có thể chỉ là tạm thời thôi và các nạn nhân của Covid-19 phải chịu những di chứng lâu dài mà hầu như không được phát hiện.

Chúng ta có thể hiểu sự bối rối của các cơ quan công quyền và lý do của sự trở lại của sự ngờ vực của dư luận, mà một phần xem các quyết định trong quá khứ về cơ bản là chính trị và không dựa trên sự giám định y tế. Như vậy, điều này không tương đương với sự mất niềm tin mà người dân đã thể hiện đối với thị trường tài chính, vốn dễ dàng bị lôi cuốn vào các biến động đầu cơ dẫn đến các cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng, mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng năm 2008.

5. Từ sự rủi ro có thể được kiểm soát đến sự bất ổn do những bất trắc triệt để: một cuộc khủng hoảng mở của hệ tư tưởng chính thống (doxa) của kinh tế học

Chúng ta không được đánh giá thấp các biểu tượng mà các tác nhân có trong các cuộc khủng hoảng, bởi vì chúng định hình phản ứng của họ. Trong hơn hai thập kỷ, nghề của các nhà kinh tế học đã hướng tới một lý thuyết dựa trên ba giả thuyết về tính duy lý của hành vi, tính duy lý của dự kiến và lý tưởng về vai trò độc quyền của thị trường trong việc điều chỉnh các chiến lược không đồng nhất của công ty, của người tiêu dùng và của người lao động. Do đó, trạng thái cân bằng này của nền kinh tế thị trường chỉ bị xáo trộn bởi những cú sốc nhất thời ảnh hưởng đến, chẳng hạn năng suất hoặc niềm tin: ngay lập tức, theo các mô hình này, nền kinh tế lấy lại trạng thái cân bằng trong dài hạn.

Sự xuất hiện bất ngờ và sau đó là sự lan rộng đáng ngạc nhiên của Covid-19 đã phá vỡ các điều kiện của hoạt động kinh tế: cả các tác nhân tư nhân lẫn công đã phải đưa ra quyết định mặc dù họ biết rằng họ không biết những gì họ sẽ gặp phải vào ngày mai, nhưng đã quá muộn, cụ thể là các đặc điểm của vi rút và các phương tiện để ngăn chặn sự tiến triển của nó. Điều chỉ được coi như là sự rủi ro trong việc xử lý các chu kỳ kinh doanh đã biến thành sự bất trắc triệt để, theo nghĩa là ta không thể biết được phân bố của quy luật xác suất chi phối sự tiến hóa của vi rút.

Tiêu chí tối đa hóa sự thịnh vượng kinh tế hóa ra nằm ngoài tầm với và cần phải sử dụng một tiêu chí khác và khá khác biệt. Một số ít nhà kinh tế học cố gắng giải quyết bài toán khó này đã đề xuất tiêu chí giảm thiểu tối đa tổn thất trong trường hợp xảy ra các biến cố bất ngờ và cực kỳ bất lợi. Theo một nghĩa nào đó, đây là sự chuyển hướng mà hầu hết các chính phủ đã thực hiện: họ cho rằng họ sẽ bị đánh giá dựa trên khả năng hạn chế tỷ lệ tử vong do Covid-19 gây ra.

John M. Keynes (1883-1946)

Sau đó, một bất trắc thứ hai nảy sinh liên quan đến bản chất của các biện pháp cần được thực hiện: đã lâu rồi không có chính phủ nào phải đối mặt với một thách thức như vậy. Theo nguyên tắc thà sai cùng với mọi người còn hơn là chỉ bản thân mình đúng - một ngạn ngữ John-Maynard Keynes phổ biến về thị trường tài chính - các chính phủ đã bắt đầu sao chép lẫn nhau.

Vì vi rút bắt nguồn từ Vũ Hán, mọi người đều nhìn về phía các quan chức Trung Quốc vốn đã tiến hành một sự phong tỏa nghiêm ngặt người dân. Mặc dù sự chấp nhận một biện pháp như vậy khó có thể có trong các xã hội được cai trị bởi nguyên tắc tự do cá nhân và việc cấm Nhà nước xâm phạm đời sống riêng tư. Một cách tiên nghiệm, hầu như không thể lường trước được hậu quả của sự phong tỏa đối với động thái của cơn đại dịch.

Đó là điều bất trắc thứ hai liên quan đến một quyết định triệt để như vậy được một số lượng lớn các quốc gia áp dụng, đến mức tạo thành một hiện tượng toàn cầu. Trên thực tế, chúng ta chỉ sẽ chỉ biết hậu nghiệm những chiến lược nào là những chiến lược tốt nhất. Do đó, tính duy lý hạn chế là nguồn gốc của các chính sách quốc gia tương phản nhau vì các chính phủ có năng lực không đồng đều trong việc thực thi sự phong tỏa.

Hãy vĩnh biệt ảo tưởng về việc tối ưu hóa chính sách kinh tế bằng cách huy động kiến ​​thức khoa học được xây dựng từ lâu đời. Do đó, Covid-19 kêu gọi một cuộc cải cách các lý thuyết kinh tế, dù ta có thể ngại rằng, một khi đại dịch được kiểm soát, chủ nghĩa chính thống sẽ quay trở lại, giống như trường hợp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

6. Tổ chức y tế cộng đồng dưới ánh sáng của các dịch bệnh trong quá khứ hoặc ứng phó trong khẩn cấp: Bài học từ châu Á

Trong khi đại dịch có tính chất toàn cầu, từ mùa xuân đến mùa thu năm 2020, có nhiều chiến lược tương phản có thể được quan sát. Nói chung, có hai cấu hình đối lập nhau.

Một mặt, đặc biệt là ở Châu Á, vị trí gần Trung Quốc đã cảnh báo Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore về nguy cơ lây lan vi rút từ Trung Quốc. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là Đài Loan cung cấp cho chúng ta một bài học lớn. Trước tiên, cần phải thấy rằng dịch bệnh không chỉ thuộc về dĩ vãng mà có thể tái phát định kỳ hoặc không. Điều này càng dễ xảy ra hơn vì bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người xảy ra thường xuyên hơn cùng với sự phát triển của tiến trình đô thị hóa tạo điều kiện tiếp xúc giữa các loài động vật, ổ chứa vi rút, và sự di chuyển quốc tế lan truyền chúng trên khắp thế giới.

Sau đó, điều quan trọng là rút ra tất cả các bài học của quá khứ và giao cho một viện chuyên trách về công tác chống dịch bệnh xây dựng các chiến lược và phối hợp tất cả các tác nhân trong hệ thống y tế. Ngoài ra, cũng không vô ích để ngăn chặn sự lây truyền quốc tế của vi rút, kiểm tra tất cả khách du lịch đến từ khu vực có vi rút, càng sớm càng tốt. Cuối cùng và trên hết, chúng ta phải dập tắt sự bùng nổ của sự lây lan của Covid-19 bằng cách tổ chức một cách có hệ thống các cuộc xét nghiệm để phát hiện những người mang mầm bệnh, và ngay lập tức đưa họ vào vùng cách ly trong khi truy tìm chuỗi liên hệ của họ để xét nghiệm những người này và giảm thiểu sự lây lan theo chuỗi của dịch bệnh. Rất tiếc, không phải nước nào cũng có thể áp dụng một chiến lược như vậy.

Mặt khác, ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, hầu hết các chính phủ khác đều bị bất ngờ trước một loại vi rút mà ban đầu họ coi là một dạng biến thể đơn giản của bệnh cúm theo mùa dễ bị khắc phục bằng các phương tiện của y học hiện đại. Khi sự chẩn đoán này ngày càng trở nên sai lầm, các quan chức đã phải vội vàng thực hiện các biện pháp ấn tượng và mạnh mẽ - thuộc loại phong tỏa - mà không chắc rằng chúng phù hợp với sự phức tạp của tiến trình lây lan vi rút hay không.

Cũng trong hướng suy nghĩ này, các chính phủ đã quyết định các kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế ngày càng to lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đô la hoặc euro, để đối phó với các thiệt hại kinh tế do việc đóng cửa các hoạt động không thiết yếu gây ra. Họ lặp lại một chiến lược được chứng minh là tương đối hiệu quả trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng chỉ đưa ra các biện pháp bù đắp so với cuộc chiến chống lại đại dịch.

Dù sao đi nữa, có một bài học mà tất cả những người có trách nhiệm phải nhận thức được: cần phải thận trọng lường trước sự lặp lại của các đại dịch mới, do đó điều quan trọng là phải chuẩn bị hệ thống y tế để tránh áp dụng khẩn cấp các chiến lược ứng phó vốn đồng thời làm cho quy mô của đại dịch và các thiệt hại kinh tế về sản xuất, việc làm và của cải, còn trầm trọng hơn nữa.

7. Khả năng phục hồi của chủ nghĩa tư bản thông tin xuyên quốc gia, sự yếu kém của các quốc gia đã bị hai thập kỷ tư tưởng tân tự do làm suy yếu

Sự cám dỗ đối với các nhà phân tích can đảm tiếp tục lấy cảm hứng từ lý thuyết của chủ nghĩa Mác, là rất lớn để phân tích năm 2020 như là một cuộc khủng hoảng lớn của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và sự kết thúc của hệ tư tưởng tân tự do.

Đúng là Nhà nước, với tư cách là tổ chức bảo hiểm các rủi ro hệ thống, đang trở lại hàng đầu để ngăn chặn sự sụp đổ thảm khốc của nền kinh tế dưới tác động của các biện pháp chống lại đại dịch. Việc xã hội hóa một phần lớn các chi phí mà các công ty phải gánh chịu - thông qua sự trợ cấp dành cho những người bị thất nghiệp một phần, các bảo lãnh tín dụng, việc miễn các khoản phí xã hội, việc hoãn thời hạn thu thuế - cũng như sự hỗ trợ thu nhập hộ gia đình dường như mâu thuẫn với ưu thế dành cho thị trường.

Tiền lệ của cuộc khủng hoảng năm 2008 cho thấy Nhà nước có thể đóng vai trò cứu tinh của nền kinh tế thị trường, khi nền kinh tế thị trường có nguy cơ sụp đổ dưới tác động của bong bóng đầu cơ bị vỡ. Tuy nhiên, vai trò này chỉ có thể là nhất thời vì việc giải cứu nền kinh tế sau đó sẽ trao lại quyền chủ động cho các doanh nhân, ngân hàng, nhà tài chính, những người có thể bắt đầu gây bất ổn lại cho các công ty bằng các chiến lược rủi ro của họ. Do đó, Covid-19 có thể chỉ là một hồi mới trong đó Nhà nước xã hội hóa các thiệt hại kinh tế, trong khi, một khi mà sự thịnh vượng trở lại, khu vực tư nhân sẽ thu về lợi nhuận. Chủ nghĩa tân tự do không nhất thiết thuộc về dĩ vãng.

Điều ngạc nhiên là năm 2020 chứng kiến ​​sự gia tăng tính năng động của chủ nghĩa tư bản nền tảng xuyên quốc gia. Kể từ những năm 2010, nó đã dần dần được xây dựng dựa trên việc thu thập, xử lý và sử dụng theo thời gian thực hàng khối dữ liệu được tất cả các tác nhân của nền kinh tế tạo ra. Với sự phổ cập của việc giãn cách cơ thể, sự số hóa một số hoạt động đã có một bước nhảy vọt, bao gồm nền thương mại điện tử, thói làm việc từ xa, các hội nghị trực tuyến, tiêu dùng hàng hóa kỹ thuật số, sự phân cực của các trình độ nghiệp vụ được biểu hiện bằng sự xói mòn của các trình độ trung cấp có lợi cho cả hai trình độ ở thái cực. Chưa kể đến bước đột phá trong việc đào tạo từ xa giúp duy trì sự đào tạo thế hệ trẻ và y học điện tử mà Covid-19 đã cho thấy sự hữu ích.

Thật vậy, lợi nhuận của GAFAM[2] là minh chứng cho sự lành mạnh ngược ngạo của các sàn giao dịch chứng khoán, vốn đã dự đoán việc áp dụng rộng rãi các kỹ thuật số hóa vào lĩnh vực y tế, đến mức có thể gây ra một bong bóng đầu cơ mới và có thể xảy ra. Do đó, sẽ quá đáng nếu mô tả năm 2020 là năm bắt đầu của cuộc khủng hoảng cấu trúc của chủ nghĩa tư bản. Trong tương lai, cuộc khủng hoảng này chắc chắn không thể bị loại trừ, khi mà các sự tắc nghẽn lâu dài càng có thể xuất hiện về sự phục hồi của tích lũy lúc đó chỉ còn liên quan đến chủ nghĩa tư bản được gọi là nhận thức.

Vượt qua vẻ bề ngoài, chúng ta thật sự đang sống trong một cuộc khủng hoảng của Nhà nước đang chứng tỏ không có khả năng khôi phục các điều kiện cho một sự phục hồi lâu dài sự thịnh vượng kinh tế và tính chính đáng chính trị gắn với nó. Ví dụ của Pháp thật là rõ ràng.

Nhìn ngược lại, thời kỳ 30 năm vẻ vang, một phần lớn, là thời kỳ của năng lực hành động của Nhà nước - thông qua sức mạnh của cơ quan hành pháp đã giành được ưu thế so với các đại biểu quốc gia[3] – vừa tổ chức các cơ quan chính quyền đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa xúc tiến một chế độ tăng trưởng năng động đặc biệt phù hợp với doanh nghiệp. Với cơn khủng hoảng của chế độ này, hệ tư tưởng tân tự do bắt đầu lan rộng và trên thực tế, nó sẽ đi kèm với sự xuất hiện của một nhà nước yếu kém, bị tước đi quyền tự chủ chiến lược. Các dấu hiệu thiên về luận điểm này rất nhiều.

Các bộ khác nhau đang trốn tránh trách nhiệm của mình bằng cách tăng số lượng các cơ quan độc lập phụ trách điều tiết tài chính, ngành nghe nhìn và các chuẩn mực kế toán. Phong trào này lên đến đỉnh điểm với sự độc lập của Ngân hàng Trung ương đối với Kho bạc. Theo cách tương tự, Bộ Y tế thành lập các cơ quan y tế khu vực chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở chăm sóc, nhưng đây là một sự phân quyền của các cơ quan công quyền hơn là một tiến trình phân cấp để chuyển tiếp thông tin từ cơ sở lên cơ quan cao nhất của Nhà nước. Còn hơn thế nữa, việc xếp chồng lên nhau của các đơn vị phụ trách y tế vẫn tiếp diễn mà không có sự đảm bảo nào của chính phủ để phối hợp chúng nhằm tạo thành một hệ thống thống nhất và hiệu quả.

Các phiên điều trần của các ủy ban điều tra của Quốc Hội và Thượng Viện xác nhận chẩn đoán này: mỗi tác nhân trong hệ thống y tế tuyên bố rằng họ đã làm hết sức mình, nhưng những tác nhân khác đã không giữ đúng vai trò của mình! Sự chậm chạp trong việc cung cấp khẩu trang cho những người chăm sóc, và sau đó cho người dân vào tháng 4 năm 2020 cho thấy tình trạng vô tổ chức này. Nó bị lặp lại với sự thất bại của cuộc truy tìm nhanh chóng vi rút vào mùa thu cùng năm vì thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm quá dài đang phá hỏng dự án để dập tắt cơn đại dịch do sự thiếu dự đoán và thống nhất giữa tất cả các tác nhân.

Tương tự như vậy, trong khi một hệ thống giám sát dịch bệnh đã được tạo ra trước đây, nó dường như không còn được sử dụng nữa. Khi Covid-19 xảy ra, các đơn vị chuyên trách (ad hoc) khẩn cấp được nhân lên trong từng bộ, bộ y tế, nội vụ, tài chính, cũng như ở phủ thủ tướng và tất nhiên là ở phủ tổng thống. Thật là tương phản với mô hình Đài Loan tập trung tất cả các thiết chế phân tích và hành động vào một thực thể duy nhất.

Sự rối loạn chức năng của bộ máy hành chính là rõ ràng và dường như chưa được điều chỉnh trước khi làn sóng thứ hai của đại dịch bắt đầu: sự thất bại của chiến lược được tuyến bố để thoát khỏi sự phong tỏa, hoàn toàn thích đáng, cụ thể là “xét nghiệm – truy tìm – cách ly không thể được triển khai do sự thiếu ưu tiên trong các xét nghiệm. Công chúng đổ xô đến các phòng xét nghiệm nhanh chóng trở nên bão hòa, đến nỗi các kết quả có quá muộn để thực sự truy tìm người mang vi rút. Vào tháng 10 năm 2020, sự bùng nổ của các cuộc xét nghiệm đã ghi nhận sự gia tăng không thể tránh khỏi của sự lây lan trong dân chúng. Kết quả là gây sự lo lắng, nếu không muốn nói là sự lo sợ và mất niềm tin của dư luận.

Cũng trong chiều hướng này, hội đồng khoa học bên cạnh tổng thống đã thấy các ý kiến ​​của mình trước tiên được tuân theo, rồi sau đó bị gạt sang một bên khi lựa chọn chính trị biến sự phục hồi hoạt động thành mệnh lệnh, vả lại cũng thích đáng vì không thể nào kéo dài vô thời hạn sự tài trợ bằng tín dụng từ những thiệt hại kinh tế. Nhìn lại, sự thay đổi học thuyết này càng làm suy yếu niềm tin vào các quyết định của quyền lực chính trị.

Ngoài ra, những thông điệp từ Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như từ Thủ tướng và Tổng thống tập trung nhiều vào thông tin được gửi đến công chúng hơn là nói rõ và triển khai một chiến lược đáng tin cậy dựa trên hiệu quả của chính sách công. Hùng biện thì hiếu chiến nhưng nhu nhược trong hành động. Ta có thể xem đó là hậu quả của hai thập kỷ làm cho Nhà nước suy yếu, một Nhà nước từng bị coi là vấn đề hơn là giải pháp, điều được thể hiện một cách thảm thương trong bệnh viện.

Cuối cùng và nhất là vào giữa tháng 10 năm 2020, thông báo về lệnh giới nghiêm cố gắng dung hòa thêm một lần nữa sự phục hồi kinh tế với việc giảm tốc độ lan truyền của vi rút. Xét rằng hoạt động của các công ty và tính liên tục của giáo dục là những ưu tiên hơn bao giờ hết, các cơ quan công quyền quyết định hạ thấp các mức độ tự do chi phối đời sống xã hội và gia đình, theo các phương thức càng mang tính ràng buộc hơn nữa khi mà các ổ lây lan bệnh dịch khác lại không bị liên lụy. Dường như quán cà phê, nhà hàng và những nơi văn hóa đã đóng vai trò của những vật tế thần.

Lựa chọn này nhanh chóng cho thấy giới hạn của nó khi ngày 28 tháng 10 năm 2020, Tổng thống tuyên bố tăng cường các biện pháp hướng tới một sự phong tỏa, đúng là ít ràng buộc hơn so với quyết định vào mùa xuân, nhưng chấm dứt hy vọng về việc dần dần trở lại một đời sống xã hội và kinh tế bình thường. Cần phải nhận ra rằng các quyết định trước đây đã không tạo ra những hiệu quả như mong đợi và điều quan trọng là phải sửa đổi, dù chỉ ở bên lề, các lựa chọn có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Đây có phải là nhận thức đầu tiên về một chính sách y tế khác không? Tương lai nào đang được định hình như thế này?

Kết luận: Một dự đoán kép

Chúng ta có thể xác định mức độ phức tạp của các quá trình và của các quan hệ nhân quả mà sự lây lan của đại dịch và tính mới lạ của các chính sách được triển khai để cố gắng dập tắt nó. Tuy nhiên, các phân tích trong bài viết này cung cấp hai trực cảm, để đánh giá sự phát triển trong những năm tới.

1. Không có cách nào thoát khỏi khó khăn kinh tế mà không có chiến thắng lâu dài trước đi dch

Các quan sát có sẵn từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2020 nêu bật sự phân cực của sự phát triển của các quốc gia, trong khi sự lây lan của vi rút là trên toàn thế giới. Những chính phủ đặt ưu tiên cho mệnh lệnh sức khỏe cộng đồng, bằng cách áp dụng các biện pháp sớm, mạnh mẽ và cưỡng chế dường như đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch. Đây là trường hợp ở nhiều nước châu Á (Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc) và cả ở Úc.

Ngược lại, khi các nhà lãnh đạo chính trị, ở cấp cao nhất, dành ưu tiên cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, cho dù phải từ bỏ hoặc giảm bớt sự kiểm soát sức khỏe, thì sự phục hồi kinh tế bị tắc nghẽn do sự bất ổn đè nặng lên các động thái lây lan. Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Brazil, Mexico và Ấn Độ thuộc về nhóm quốc gia này.

Đây đều là những chính phủ lấy cảm hứng từ chủ nghĩa dân túy đã ghi nhận những thất bại lớn đến mức chúng đã dẫn đến hiệu quả kinh tế kém và sự bùng nổ các ca lây nhiễm mới. Ở giai đoạn này của đại dịch, ta có thể rút ra một bài học lớn: khôi phục sự an toàn y tế là điều kiện mở đầu cho sự trở lại của sự thịnh vượng kinh tế.

2. Sức mnh của Nhà nước, mt điều kin không thể thiếu để ứng phó với những thách thức đương thời

Thật vậy, việc tuân thủ, nhiệt tình hoặc bị ép buộc, các châm ngôn của chủ nghĩa tân tự do đã dần dần làm xói mòn năng lực hành động của Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế công cộng và cả sự bảo tồn môi trường. Trên thực tế, sự thống trị của tài chính quốc tế đã đè nặng lên việc đáp ứng yêu cầu của người dân về các dịch vụ công chất lượng, về giáo dục và y tế. Việc “hợp lý hóa” khu vực công và an sinh xã hội đã dẫn đến tình trạng thiếu đầu tư cả cho công tác phòng ngừa và cho việc cung cấp giường bệnh.

Khi Covid-19 xảy ra, sự thiếu chuẩn bị và thiếu kỹ năng của các bệnh viện giải thích sự gia tăng tỷ lệ tử vong và nói chung là tỷ lệ mắc bệnh trong dài hạn, vì con vi rút này còn chứa nhiu bí ẩn. Theo một cách nào đó, Nhà nước đã quan tâm đến việc truyền thông với dư luận hơn là đến sự phối hợp hữu hiệu của tất cả các chủ thể đóng góp cho sức khỏe cộng đồng. Niềm tin vào các nhà lãnh đạo chính trị bị giảm sút, bởi vì họ không thể thực hiện những gì họ đã hứa, mở đường cho các kháng cáo trước tòa án của các gia đình mất người thân, và cả cho các phong trào dân túy đòi hỏi một quyền lực mạnh và có sức lôi cuốn.

Do đó, khôi phục sức mạnh của Nhà nước trở thành một ưu tiên nếu nguyên tắc dân chủ vẫn muốn là trung tâm của các xã hội đương đại. Bài học lớn từ đại dịch này có thể được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác, trong đó nổi bật nhất là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Không chỉ là một biến cố ngẫu nhiên, nhanh chóng bị lãng quên, đại dịch xuất hiện vào năm 2020 có khả năng trở thành một dấu mốc lịch sử, trong nhiều xã hội và còn hơn thế nữa trên toàn thế giới.

----

Ghi chú của tác giả: văn bản này là sự cập nhật vào ngày 30 tháng 10 năm 2020 của cuốn sách Capitalismes face à la pandémie, NXB La Découverte, Paris, 2020.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:De la crise du capitalisme financier à celle de l’État néolibéral: la Covid-19, AOC, 10.11.2020.




Chú thích:

[1] Robert Boyer là nhà kinh tế học, giám đốc nghiên cứu tại Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales - EHESS)

[2] Sự kết hợp của các công ty hàng đầu trong nền kinh tế thông tin, cụ thể là Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft (GAFAM).

[3] Chúng tôi tham khảo tác phẩm La force de gouverner. Le pouvoir exécutif en France, XIX-XXI siècle của Nicolas Roussellier, (Quyền lực cai trị, Nền Hành Pháp ở Pháp vào thế kỷ XIX-XXI), Gallimard, 2015.

Print Friendly and PDF