SỰ KIỆN TOÀN CẦU ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI
Trong khi một số người nói về ‘giải toàn cầu hoá', Branko Milanovic lập luận rằng đại dịch sẽ thúc đẩy toàn cầu hóa lao động.
Đại dịch hiện tại có lẽ là sự kiện toàn
cầu đầu tiên trong lịch sử loài người. Với từ ‘toàn cầu’ |global| ý tôi là
nó đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi
người, bất
kể quốc gia cư trú hay tầng lớp xã hội. Nếu, trong một vài năm tới - một
cách đầy hy vọng, khi nó kết thúc và chúng ta còn sống - chúng ta gặp bạn bè từ
bất kỳ nơi nào trên thế giới, tất cả chúng ta sẽ có những câu chuyện giống nhau
để sẻ chia: sự sợ hãi, tẻ nhạt, cô lập, mất việc làm và tiền lương, các cuộc
phong toả, các hạn chế của chính phủ và những chiếc khẩu trang. Chẳng có
sự kiện nào khác đạt đến gần [với từ ‘toàn cầu’ như vậy].
Các cuộc chiến tranh, thậm chí là các cuộc chiến tranh thế giới, đều có giới hạn: những người ở Thụy Sĩ, chứ chưa nói gì đến ở New Zealand, chẳng có những câu chuyện chiến tranh đầy ý nghĩa để chia sẻ với những người từ Ba Lan, Nam Tư, Đức hay Nhật Bản. Và trong 75 năm qua, các cuộc chiến tranh là cục bộ.
Nhiều
người trẻ có thể từng phản đối chiến tranh Việt Nam nhưng hầu như chẳng ai phải
nếm trải những ảnh hưởng của nó. Người ta phẫn nộ trước cuộc vây hãm ở
Sarajevo, cuộc bắn phá ở Gaza hay sự 'bàng hoàng và kinh hãi' ở
Iraq. Nhưng đối với 99,9% nhân loại, sự phẫn nộ chẳng hề làm thay đổi thói
quen hàng ngày của họ: họ vẫn dậy sớm để đi học hay đi làm, cười đùa với các
đồng nghiệp, có thể ra ngoài ăn uống và kết thúc ở một quán karaoke. Họ
không có câu chuyện nào để chia sẻ với các cư dân của Sarajevo, Gaza hay
Baghdad — không hề có điểm chung nào cả.
Ngay cả
bóng đá - và những người hâm hộ cuồng nhiệt của nó tự bảo với mình rằng các sự
kiện thế giới tương tự như bóng đá - cũng chẳng thể đua tranh [về tính ‘toàn
cầu’ với Covid-19] được. Trận chung kết World Cup gần đây nhất đã được 1,1
tỷ người theo dõi, cứ khoảng sáu người trên thế giới thì có một người. Vẫn
có nhiều người không hề để ý đến sự tồn tại của nó và chẳng quan tâm chút nào đến
việc đội nào thắng hay thua.
Đi vào sử sách
Covid-19 sẽ đi vào sử sách như là sự kiện toàn cầu thực sự đầu tiên cũng nhờ vào sự phát
triển công nghệ của chúng ta: chúng ta không chỉ có thể giao tiếp xuyên địa cầu
mà chúng ta còn có thể theo dõi, từng giây từng phút, những gì đang diễn ra
trên thực tế ở khắp mọi nơi. Bởi vì sự lây nhiễm, bệnh dịch, sự vô hiệu
hoá tiềm ẩn và cái chết đe dọa tất cả chúng ta, ngay cả những người không quan
tâm nhiều đến tin tức cũng kiểm tra chiếc điện thoại thông minh của họ để cập
nhật về số ca tử vong, tỷ lệ lây nhiễm, vắc-xin hay các liệu pháp mới.
Covid-19
dường như tự nó đã được thiết kế cho vai trò đó. Mặc dù khả năng gây tử
vong của nó gia tăng theo độ tuổi, những ảnh hưởng của nó lại hoàn toàn không
chắc chắn khi ngay cả những nhóm dân số trẻ hơn và khỏe mạnh hơn nhiều cũng
không hoàn toàn không lo lắng. Nếu Covid-19 ít tính ngẫu nhiên hơn, nó sẽ
bớt gây sợ hãi hơn.
Tuy
nhiên, sự kiện toàn cầu này cũng là một sự kiện kỳ lạ. Nó đòi hỏi mọi người không được tiếp xúc thân thể với
nhau. Do đó, nó mang lại một chiều kích khác và mới. Sự kiện toàn cầu
đầu tiên của chúng ta sẽ là sự kiện mà chúng ta chưa bao giờ trực tiếp chạm mặt
với những người khác đã sống qua sự kiện đó.
Tuy
nhiên, khi tự ngẫm lại, điều này hoàn toàn hợp lý. Để mang tính toàn cầu,
sự kiện này phải được mọi người trải nghiệm ít nhiều như nhau trong cùng một
lúc. Tuy nhiên, bị giới hạn bởi sự tiếp xúc hoặc hiện diện bằng xương bằng
thịt chúng ta không thể tiếp cận với nhiều người, đơn giản là bởi vì mỗi người
chúng ta chẳng có khả năng gặp được hàng nghìn người, huống hồ là hàng trăm
nghìn người khác. Vì vậy, sự kiện toàn cầu đầu tiên của con người, trớ
trêu thay, phải là một sự kiện không có sự tiếp xúc và va chạm thân thể con người
— nó phải được trải nghiệm bằng thực tế ảo.
Đây
cũng là lý do tại sao đại dịch này khác với đại dịch của một thế kỷ
trước. Thông tin đã không thể được truyền đi cũng như không thể chia sẻ
một cách dễ dàng. Vào thời điểm người dân ở Ấn Độ chết vì bệnh cúm Tây Ban
Nha, châu Âu đang phục hồi và không hề biết đến hoặc thờ ơ với những ca tử vong
ở Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ cũng hầu như chẳng nghe nói gì về những ca tử vong ở
châu Âu cho đến khi đại dịch xâm chiếm nó.
Toàn cầu hóa lao
động
Điều gì
sẽ lưu lại về sự kiện toàn cầu này, ngoài những hồi tưởng của con
người? Chỉ có một số ít điều mà chúng ta có thể nói với sự chắc chắn.
Đại
dịch sẽ đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa ở nhân tố thứ hai của sản xuất - lao
động. (Nhân tố đầu tiên, vốn, đã được toàn cầu hóa, nhờ vào việc mở các
tài khoản vốn quốc gia và năng lực kỹ thuật nhằm di chuyển một lượng lớn tiền
khắp thế giới và xây dựng các nhà máy, các văn phòng ở bất cứ nơi đâu.)
Covid-19
có lẽ đã khiến chúng ta đi tắt đón đầu khoảng một thập kỷ trong việc nhận ra
khả năng tách
rời công việc khỏi sự hiện diện bằng xương bằng thịt tại nơi làm việc. Mặc dù
trong nhiều hoạt động, sau khi đại dịch qua đi, chúng ta có thể quay trở lại để
chia sẻ những văn phòng thực, để làm việc tại các khu nhà xưởng, v.v., trong
nhiều hoạt động khác, chúng ta sẽ không làm như vậy.
Điều
này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những người làm việc tại nhà - sự thay đổi sẽ
sâu sắc hơn nhiều. Một thị trường lao động toàn cầu sẽ ra đời mà không cần
di cư.
Trong
một số phân khúc của nền kinh tế thế giới (chẳng hạn như các trung tâm cuộc gọi
hoặc ngành thiết kế phần mềm), thị trường đó vốn đã tồn tại. Nhưng nó sẽ
trở nên phổ biến hơn nhiều. Đại dịch sẽ là một bước nhảy vọt khổng lồ về
phía trước đối với ‘tính di động’ |mobility| của lao động-một tính di động khác
thường, có nghĩa là, nơi những người lao động cá nhân sẽ lưu lại đặt tại nơi cư
trú của họ nhưng họ lại làm việc trong 'các văn phòng' hoặc 'các nhà máy' cách
đó hàng dặm.
Những người lo lắng rằng toàn cầu hóa có thể thụt lùi sẽ rất ngạc nhiên. Do cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu có thể gặp khó khăn tạm thời. Nhưng xét về khía cạnh tính di động của lao động hay, chính xác hơn, là tính cạnh tranh của lao động – vốn đặc biệt quan trọng — nó [toàn cầu hoá] sẽ tiến lên phía trước.
Bài báo này là sự hợp tác xuất bản của Social Europe và IPS-Journal
Branko Milanovic (1953-) |
Về Branko Milanovic
Branko Milanovic là một nhà kinh tế học người Mỹ gốc Serbia. Là một chuyên gia về phát triển và bất bình đẳng, ông đang giữ vị trí giáo sư chủ tịch tại Trung tâm Sau đại học của Đại học Thành phố New York (Graduate Center of City University of New York - CUNY) và là một học giả liên kết cấp cao tại Nghiên cứu Thu nhập Luxembourg (Luxembourg Income Study - LIS). Ông trước đây là nhà kinh tế học hàng đầu trong bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.
Nguyễn Thị Thanh
Trúc dịch
Nguồn: “The
first global event in the history of humankind”, Social Europe, ngày 7 tháng 12 năm 2020