24.8.21

Tin tức trong tuần về tiêm vắc xin COVID: Thiếu niên Anh có thực sự cần tiêm chủng hơn người lớn ở nước ngoài chăng?

TIN TỨC TRONG TUẦN VỀ TIÊM VẮC XIN COVID: THIẾU NIÊN ANH CÓ THỰC SỰ CẦN TIÊM CHỦNG HƠN NGƯỜI LỚN Ở NƯỚC NGOÀI CHĂNG?

Ảnh: Monkey Business Images/Shutterstock

Tác giả: Rob Reddick

Gần 40 triệu người ở Vương quốc Anh đã tiêm hai liều vắc xin COVID. Điều này khiến Anh trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, với gần 60% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Và với việc tiêm vắc xin sẽ sớm được triển khai cho những người 16 và 17 tuổi, con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Alex Richter, giáo sư và nhà tư vấn danh dự về miễn dịch học lâm sàng tại Đại học Birmingham, cho biết việc mở rộng tiêm chủng cho các nhóm tuổi trẻ hơn có một loạt lợi ích. Mặc dù bệnh nặng hiếm gặp ở những người trẻ tuổi, nhưng COVID mạn tính là một vấn đề và việc cho phép virus lưu hành mà không được kiểm soát ở những người trẻ tuổi sẽ làm gián đoạn cuộc sống của họ và những người thân yêu của họ. Tiêm phòng cho những người trẻ tuổi cũng làm giảm nguy cơ họ truyền virus cho những người thân cao tuổi, những người có thể dễ bị tổn thương mặc dù đã được tiêm phòng.

Nhưng bất chấp những lợi ích này, một số - bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới – lập luận rằng tốt hơn ta nên tiêm các loại vắc xin này cho những người dễ bị tổn thương ở những quốc gia có mức độ tiêm chủng thấp, vì đó là nơi vắc xin có thể sẽ có tác động lớn nhất. WHO đã đưa ra một lập luận tương tự về vắc xin tiêm tăng cường: rằng các nước giàu không nên cung cấp cho một số người tiêm liều thứ ba - ngay cả khi họ dễ bị tổn thương – trong khi nhiều nơi khác vẫn chưa nhận được liều đầu tiên.

Tuy nhiên, chính phủ Vương quốc Anh dường như đang ưu tiên chương trình tiêm chủng trong nước. Mặc dù có một “lập luận vị tha mạnh mẽ” đằng sau lập trường của WHO, như Jonathan Pugh, Dominic Wilkinson và Julian Savulescu tại Đại học Oxford đã lập luận.

Nếu chương trình tăng cường của Anh được tiến hành, một nhóm có thể được ưu tiên là những người có hệ miễn dịch suy yếu. Steven Smith, giảng viên cao cấp về khoa học y sinh tại Đại học Brunel, viết: Chúng ta vẫn đang xây dựng một bức tranh về mức độ hiệu quả của vắc xin ngừa COVID trong nhóm này, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vắc xin hoạt động kém hiệu quả hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch. Do đó cần phải tiêm tăng cường.

Điều khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn đó là những người bị suy giảm miễn dịch không phải là một nhóm đồng nhất. Có nhiều lý do tại sao một người nào đó có thể có chức năng miễn dịch kém, và các lý do khác nhau đằng sau điều này dường như ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin. Một số người bị suy giảm miễn dịch có thể thực sự hưởng lợi từ liều tăng cường - nhưng một số dường như không đáp ứng với vắc xin ngừa COVID.

Vào đầu tháng 8, chưa đến 2% người dân trên khắp châu Phi đã được tiêm phòng đầy đủ ngừa COVID-19. Ảnh: Daniel Irungu / EPA-EFE

Do có sự gia tăng khả năng lây truyền của biến thể delta, các chuyên gia đã tuyên bố rằng khả năng miễn dịch cộng đồng nhờ vắc xin tạo ra có lẽ đã không còn nữa. Đây là một cú sốc, nhưng ở Vương quốc Anh, chúng ta nên nhớ rằng đó là một đặc ân khi chúng ta thậm chí đang xem xét khả năng miễn dịch cộng đồng. Ví dụ, ở châu Phi, nguồn cung cấp vắc xin hạn chế, khó khăn trong việc phân phối và do dự của người dân có nghĩa là việc đạt được mức độ tiêm chủng cần thiết để bảo vệ toàn dân là một việc khó làm được, Edina Amponsah-Dacosta và Benjamin Kagina thuộc Đại học Cape Town viết.

Việc bắt buộc phải tiêm vắc xin có giúp ích gì không? Có thể là một chút. Keymanthri Moodley, giám đốc Trung tâm Luật và Đạo đức Y tế tại Đại học Stellenbosch, lập luận rằng tại Nam Phi, việc thực thi đồng ý tiêm vắc xin của tất cả những người có đủ sức khỏe để được tiêm sẽ cứu được nhiều mạng sống, sử dụng hiệu quả các nguồn lực còn hạn chế, xây dựng mối liên kết xã hội và lòng tin của công chúng vào vắc xin. Không chỉ có như vậy, mà Nam Phi lại còn có luật pháp và các quy tắc hiến pháp cho phép thực hiện một chính sách như vậy.

Rob Reddick

Nhưng ngay cả khi điều này là để giải quyết các vấn đề về sự do dự của người dân và việc phân phối vắc xin, câu hỏi về nguồn lực hạn chế vẫn còn. Điều này khiến chúng ta quay trở lại câu hỏi liệu các quốc gia như Vương quốc Anh - với kế hoạch của họ về tiêm chủng tăng cường và chương trình vắc xin dành cho trẻ vị thành niên - có làm những gì tốt nhất cho thế giới với nguồn cung cấp của họ không.

Vài nét về tác giả

Rob Reddick là Biên tập viên cố vấn, trước đây ông làm Biên tập viên cố vấn cho Mosaic Science. Ông chuyên viết về khoa học và y tế, COVID-19.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:Covid vaccine weekly: do British teenagers really need vaccinating more than adults overseas?”, The Conversation, 12.8.2021.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF