7.8.21

Chính trị nằm ở giữa các dòng chữ của Hiến chương Olympic

CHÍNH TRỊ NẰM Ở GIỮA CÁC DÒNG CHỮ CỦA HIẾN CHƯƠNG OLYMPIC

Ngày 28 tháng 7 năm 2021

Julien Longhi, Arnaud Richard Carine Duteil

Tiền đạo đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản Mina Tanaka (trái) và trung vệ đội tuyển bóng đá nữ Anh Keira Walsh (phải) quỳ gối trong trận khai mạc Thế vận hội Tokyo trên sân Sapporo vào ngày 24 tháng 7 năm 2021. ASANO IKKO/AFP

Thế vận hội phải “tránh mọi sự can dự chính trị, theo lời nhấn mạnh của Pierre de Coubertin, người cải cách Thế vận hội vào đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, rất khó để các nhà vô địch thoát khỏi các vấn đề của thế giới. Ví dụ, vận động viên judo Fethi Nourine người Algeria đã tuyên bố bỏ cuộc Thế vận hội Tokyo hiện nay để tránh đối đầu với vận động viên judo người Israel, đã giải thích quyết định của anh nhằm “ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine”, theo tường thuật của tờ France Info. Sau đó anh đã bị liên đoàn judo quốc gia Algeria đình chỉ thi đấu.

Trên thực tế, quy tắc 50.2 của Hiến chương Olympic quy định “không cho phép bất cứ hình thức thể hiện hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc nào ở bất kỳ một nơi, vị trí hay địa điểm nào của Thế vận hội”.

Một vấn đề làm náo động thế giới olympic

Vấn đề này đã làm náo động đáng kể thế giới olympic kể từ tháng 7 năm 2020, đến mức Tiểu ban Tư cách Vận động viên của IOC [Ủy ban Olympic Quốc tế] đã tổ chức một cuộc tham vấn với 3.547 vận động viên liên quan đến quy tắc 50.2. Kết quả được Publicis Sport & Entertainment phân tích có vẻ như xác thực Quy tắc này, khi nhấn mạnh có đến 67% các vận động viên cảm thấy không thích hợp khi bày tỏ ý kiến ​​của họ trong các kỳ Thế vận hội, với nguy cơ cản trở thành tích thi đấu.

Nhưng ma quỷ ẩn mình trong chi tiết và điều quan trọng là cần đặt vấn đề về các thuật ngữ chính xác của quy tắc 50.2. Thật vậy, một cuộc điều tra khác do CNOSF tiến hành từ tháng 2 năm 2021 đã cho thấy có một “sự thiếu hiểu biết” về quy tắc này:

Thuật ngữ ‘hình thức biểu hiện’ được 62% người được hỏi hoàn toàn hiểu rõ, trong khi số người khác thì nói không hiểu rõ. Thuật ngữ “tuyên truyền” được hiểu rõ một cách hoàn toàn đối với 70%, nhưng số người khác thì nói là mơ hồ. Thuật ngữ “phản đối” không được hiểu rõ, thậm chí “hoàn toàn không” hiểu rõ, đối với 49% số người được hỏi.

Liệu những vận động viên được Tiểu ban Tư cách Vận động viên của IOC khảo sát có đủ tất cả những thông tin cần thiết để tuyên bố về quy tắc này hay không? Trong mọi trường hợp, IOC đã quyết định tuân theo các khuyến nghị của Tiểu ban Tư cách Vận động viên bằng cách nới lỏng quy tắc này, nhưng vẫn hạn chế các vận động viên bày tỏ ý kiến trong suốt thời gian diễn ra xung quanh và trong thời kỳ Thế vận hội (nghi lễ, thi đấu, nhận huy chương, chào quốc ca).

Những hành động trong lịch sử olympic

Thế nhưng, tình hình rất phức tạp bởi vì trong bối cảnh nhiều cuộc tranh tài ở Mỹ gần đây, các vận động viên, giống như Colin Kaepernick, đã giơ nắm tay hoặc quỳ gối khi trỗi nhạc quốc ca, nhằm ủng hộ phong trào Black Lives Matter [Người da đen đáng được sống] và để đòi hỏi công lý nhiều hơn nữa trong vấn đề chủng tộc.

Các vận động viên điền kinh Tommie Smith và John Carlos, bên trái, giơ cao nắm tay để tỏ lòng cảm phục đối với cuộc đấu tranh của người Mỹ gốc Phi chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ, sau khi giành huy chương vàng và đồng tại Thế vận hội Mexico năm 1968, Peter Norman (Úc) giành huy chương bạc. Epu/AFP

Các hành động phản kháng và phản đối đó làm gợi nhớ mạnh mẽ đến việc các vận động viên điền kinh John Carlos và Tommie Smith giơ cao nắm tay đeo găng đen, trên bục nhận huy chương tại Thế vận hội năm 1968, để ủng hộ phong trào Black Power [Quyền lực đen].

Hai vận động viên nói trên, bị trục xuất khỏi làng olympic, bị loại vĩnh viễn khỏi các kỳ Thế vận hội, nhưng hình ảnh của họ là một phần của lịch sử olympic, giống như hình ảnh của Feyisa Lilesa, vận động viên người Ethiopia và là người đoạt huy chương bạc tại Thế vận hội Rio 2016, khi cán đích cuộc đua marathon đã giơ hai cổ tay bắt chéo trên đầu, nhằm tỏ thái độ phản đối chính sách của chính phủ Ethiopia chống lại người Oromos, một nhóm dân tộc thiểu số ở nước này.

Feyisa Lilesa tại cuộc tranh tài bán marathon ở Philadelphia, Pennsylvania, ngày 16 tháng 9 năm 2018. Mitchell Leff/AFP

Trang blog Change Makers của Bảo tàng Olympic đã vinh danh họ, bên cạnh các nhân vật chính trị nổi tiếng như Barack Obama và Nelson Mandela ... với điệp khúc:

Nếu cuộc sống của một cá nhân có thể bị phức tạp hóa chỉ vì giới tính, màu da, tôn giáo hoặc thậm chí là nguồn gốc của họ, thì tính đa dạng của các vận động viên có mặt tại các kỳ Thế vận hội sẽ được coi là quyền được khác biệt. Việc tham gia Thế vận hội, nếu không thay đổi được thế giới, thì cũng có thể giúp thế giới tiến hoá”.

Tinh thần olympic, một phong trào mang tính hệ tư tưởng?

Tuy nhiên, việc một cơ quan chính thức của định chế Olympic trình bày các hành động có tính vận động tích cực trong thể thao lại mâu thuẫn với Quy tắc 50.2 và nguyên tắc đã công bố về tính trung lập chính trị của Thế vận hội. Cuộc tranh luận được phát động lại bởi “tập thể 50.2”, quy tụ 150 người ký tên, bao gồm các học giả, vận động viên và chuyên gia thể thao, ở cội nguồn của một bức thư ngỏ, được chuyển tiếp rộng rãi trên các mạng xã hội:

Ngoài những vấn đề đặt ra về quy tắc 50.2, nên chăng tự hỏi liệu tự thân phong trào olympic có là một hình thức tuyên truyền hay không, khi truyền tải tầm nhìn về một thế giới tốt đẹp hơn thông qua thể thao, kể từ khi được Pierre de Coubertin sáng lập? Không vì thế mà từ này có hàm ý được hiểu rộng ra theo hướng tiêu cực, bởi vì nó đề cập đến một lý tưởng (có xu hướng) hợp nhất, “ý tưởng olympic vĩ đại”:

Với sự đổi mới các kỳ Thế vận hội, tất cả chúng ta đều tin chắc và suy nghĩ rằng việc các dân tộc gặp gỡ nhau trong hòa bình trong lĩnh vực thể thao sẽ gắn kết các quốc gia với nhau, đến mức Thế vận hội, dưới hình thức tổ chức hiện đại, sẽ trở thành một yếu tố tuyên truyền mạnh mẽ cho ý tưởng hòa bình thế giới. (Bản tin của Ủy ban Olympic Quốc tế, tháng 6 năm 1933, văn kiện được ký thừa lệnh của Ủy ban, Chủ nhật ngày 31 tháng 5 năm 1925. R. S. de Courcy-Laffan)

Ví dụ, người ta đã tìm thấy một bài báo dài có tựa đề “Tuyên truyền cho tinh thần olympic” trong Bản tin của Ủy ban Olympic Quốc tế vào tháng 2 năm 1947, có đoạn nói công tác “tuyên truyền mạnh mẽ” là “điều cần thiết để thành công vì lợi ích của thế giới, một công trình bổ ích của tinh thần olympic”.

Như vậy, diễn văn của Chủ tịch IOC, Thomas Bach, trong lễ khai mạc Thế vận hội vào ngày 23 tháng 7 năm 2021, chẳng phải là một “hệ tư tưởng chính trị hay sao? Ngài chủ tịch đã đề xuất một tầm nhìn thế giới và bày tỏ một quan điểm, một lý tưởng, lý tưởng của “cộng đồng olympic”, cùng chia sẻ một hệ thống các niềm tin chung.

Diễn văn được đánh dấu bởi sự nhấn mạnh (người ta thấy túc từ so sánh “hơn nữa” xuất hiện 16 lần) được liên kết với các giá trị cốt lõi. Tinh thần đoàn kết được tôn vinh mạnh mẽ và là hiện thân của bản chất tinh thần olympic. Từ [đoàn kết] này xuất hiện 12 lần dưới dạng danh từ và 4 lần dưới dạng tính từ (“thuộc về tinh thần đoàn kết”).

Tinh thần đoàn kết này vượt trội các giá trị truyền thống của tinh thần olympic (Tôn trọng, Hữu nghị, Xuất sắc) bởi vì nó hàm ý công nhận là có một con người giống nhau trong mỗi con người. Tinh thần đoàn kết olympic này rất có thể lấy cảm hứng từ tinh thần đoàn kết, thứ đã tạo động lực cho đội ngũ chăm sóc y tế trong đại dịch - những người đã được tôn vinh trong buổi lễ khai mạc. Như Thomas Bach đã nhắc lại trong diễn văn của ông vào ngày 23 tháng 7 năm 2021:

Tinh thần đoàn kết có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với sự tôn trọng đơn thuần hay không phân biệt đối xử. Tinh thần đoàn kết là giúp đỡ nhau, chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau.

Một cái nhìn tổng thể luận

Tinh thần đoàn kết bảo đảm sự thống nhất; thuật ngữ “cùng nhau” đã được lặp lại 10 lần, và tính từ “thống nhất” đã được lặp lại 6 lần. Thomas Bach nhấn mạnh đến sức mạnh của sự thống nhất đó, thứ đã giúp con người vượt lên cái tôi riêng biệt để tạo thành một “cộng đồng đích thực”, một “cộng đồng olympic”. Cái nhìn tổng thể luận và theo tâm lý học Gestalt này về tinh thần olympic (học thuyết Gestalt là tâm lý học hình thức, dựa trên nguyên lý “toàn bộ lớn hơn tổng các thành phần của nó”) làm nên tất cả tính đặc thù và sự kiện đặc biệt của nó mà đại diện là Thế vận hội, vectơ và biểu tượng của hòa bình, kể từ khi được cải cách vào năm 1894.

Hãy nhớ rằng phong trào olympic, như Pierre de Coubertin đã quan niệm, phục vụ một thế giới tốt đẹp hơn, có đạo đức và tinh thần huynh đệ, như đã được đề cập trong Hiến chương Olympic năm 1958.

Mục tiêu của phong trào olympic là đề cao nỗ lực thể chất và phẩm chất đạo đức ở thanh niên, vốn là cơ sở của thể thao nghiệp dư, cũng như khi mời tất cả các vận động viên trên thế giới tham gia một cuộc tranh tài bốn năm một lần, trên tinh thần vô vị lợi và huynh đệ, là nhằm đóng góp cho lòng thương yêu và duy trì hòa bình giữa các dân tộc.

Tinh thần đoàn kết và thống nhất đó được tích hợp hoàn toàn vào phong trào olympic năm 2021, nhờ vào công thức mới trong lời thề olympic và nhờ vào việc bổ sung từ “Cùng nhau” trong phương châm olympic:

Phương châm olympic mới [Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn, Cùng nhau]. AFP

Một cuộc tìm kiếm đối với mục “ensemble [cùng nhau]” (được phần mềm Iramuteq phân tích) trong một tập hợp cứ liệu những văn kiện mang tính định chế như các bản điều lệ, bộ luật và quy ước đã có từ trước các kỳ Thế vận hội, đã cho thấy khu vực xung quanh chữ “ensemble [cùng nhau]” có ý nghĩa gần với chữ “solidarité [đoàn kết]” cũng như với chữ “ethique [đạo đức]”, thể hiện rõ sự kết hợp mạnh mẽ các giá trị đó theo tinh thần thượng võ.

Môi trường của chữ ensemble [cùng nhau]”Phân tích cứ liệu [corpus analysis] thông qua phần mềm Iramuteq (Duteil, Longhi, Richard)

Tinh thần đoàn kết cũng là sự đảm bảo cho nền hòa bình trên thế giới, đó là điều được Thomas Bach nhấn mạnh trong diễn văn của ông. Về điểm này, hãy nhớ lại mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa tổ chức IOC và Liên hợp quốc, và đây là lần thứ hai trong lịch sử Thế vận hội, đội tuyển olympic những người tị nạn, tập hợp 29 vận động viên tị nạn chính trị, hình thành nên “một tập thể đặc biệt những cá nhân truyền cảm hứng cho thế giới”, theo như lời của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn Filippo Grandi:

Việc sống sót qua cuộc chiến tranh, cuộc truy bức và nỗi kinh hoàng của cuộc sống lưu vong đã làm nên những con người đặc biệt, nhưng việc họ tranh tài ngày hôm nay trên trường thể thao quốc tế khiến tôi vô cùng tự hào(Filippo Grandi, Tuyên bố tháng 6 năm 2021)

Những người tị nạn đó không có nhà cửa, không có đội tuyển, không có quốc kỳ, không có quốc ca. Chúng ta sẽ cung cấp cho họ một ngôi nhà ở làng olympic, sống cạnh với các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới. Bài ca olympic sẽ vinh danh họ và cờ olympic sẽ đi cùng họ khi họ bước vào sân vận động. Sáng kiến ​​này sẽ gửi đi thông điệp của niềm hy vọng cho tất cả những người tị nạn trên hành tinh này và giúp thế giới nhận thức tốt hơn về mức độ cuộc khủng hoảng này. Đây cũng là một tín hiệu gửi đến cộng đồng quốc tế, để biết rằng người tị nạn là con người và là một tài sản làm giàu cho xã hội. (Tuyên bố của Thomas Bạch, vào năm 2016, trong quá trình thành lập đội tuyển olympic đầu tiên của những người tị nạn cho Thế vận hội Rio)

Như vậy, còn lâu mới “phi chính trị”, Thế vận hội là vectơ của một hệ tư tưởng mạnh mẽ, theo Hiến chương và các văn kiện chính thức của IOC. Thế vận hội cũng đánh dấu một sự gắn kết xã hội mạnh mẽ, bằng chứng là cách tiếp cận D&I (Đa dạng và Hòa nhập) do Tokyo khởi xướng (“Biết được sự khác biệt, thể hiện sự khác biệt) và các hành động ủng hộ giới LGBTQ.

Vì thế, người ta có thể tự hỏi khi nào thì quy tắc 50.2 sẽ biến mất khỏi Hiến chương Olympic để tương ứng tốt hơn với “tinh thần olympic”. Thế vận hội Tokyo có thể sẽ cho ta câu trả lời. Các buổi tranh chung kết, các nghi thức nhận huy chương, các quốc ca, các nghi lễ, và các khoảnh khắc nổi bật khác mang tính biểu tượng và truyền thông sẽ được theo dõi kỹ lưỡng. Liệu có còn thấy các hành vi quỳ gối bị xử phạt hoặc một quy tắc gây tranh cãi bị chôn vùi?

Tác giả

Julien Longhi (1981-)
Arnaud Richard

Julien Longhi

Giáo sư đại học khoa học ngôn ngữ, AGORA/IDHN, Đại học CY Cergy Paris

Arnaud Richard

Giảng viên về khoa học ngôn ngữ, Đại học Paul Valéry - Montpellier III

Carine Duteil

Giảng viên về Ngôn ngữ học và Khoa học Thông tin & Truyền thông, Đại học Limoges

Tuyên bố công khai

Carine Duteil

Julien Longhi đã nhận tài trợ từ quỹ CY Foundation vào năm 2020, như một phần của dự án #Locomotive (Ngôn ngữ học định hướng động lực thể thao), mà ông là trưởng nhóm. Carine Duteil và Arnaud Richard đã tham gia dự án nghiên cứu này, từ đó dự án đã được phát triển liên quan đến tinh thần olympic.

Arnaud Richard là Chủ tịch Học viện Olympic Quốc gia Pháp (ANOF) và là thành viên ủy ban giáo dục của Liên đoàn Quốc tế Thể thao Đại học (FISU). Ông cũng là một chuyên gia về hệ thống thuật ngữ tại Bộ thể thao.

Carine Duteil không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ mối phụ thuộc nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Dans la Charte olympique, de la politique entre les lignes, The Conversation, ngày 28 tháng 7 năm 2021

Print Friendly and PDF