234 NHÀ KHOA HỌC ĐỌC HƠN 14.000 BÀI NGHIÊN CỨU ĐỂ VIẾT BÁO CÁO KHÍ HẬU IPCC - ĐÂY LÀ ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VÀ TẠI SAO NÓ LÀ MỘT VẤN ĐỀ LỚN
Với cháy rừng, hạn hán và bão cực mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, những cảnh báo về khí hậu đang bắt đầu có ý nghĩa cá nhân. Ảnh: Peter Parks/AFP via Getty Images |
Tác giả: Stephanie Spera
Hàng trăm nhà khoa học trên khắp thế giới vừa công bố một báo cáo mới đánh giá tình trạng khí hậu toàn cầu. Đây là một vấn đề lớn. Báo cáo được các chính phủ và các ngành công nghiệp ở khắp mọi nơi sử dụng để hiểu các mối đe dọa phía trước.
Vậy những nhà khoa học này là ai, và đánh giá quan trọng này xem xét những vấn đề nào?
Hãy chuẩn bị sẵn sàng làm quen với một số từ viết tắt. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn cách thực hiện báo cáo IPCC và một số điều khoản mà bạn gặp khi xem công bố của báo cáo vào ngày 9 tháng 8 năm 2021.
IPCC là gì?
IPCC là viết tắt của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu. Đây là tổ chức tập trung vào khoa học khí hậu của Liên hợp quốc. Tổ chức này ra đời từ năm 1988 và có 195 quốc gia thành viên.
Cứ khoảng bảy năm một lần, IPCC công bố một báo cáo - về cơ bản là “trạng thái khí hậu” - tóm tắt nghiên cứu cập nhật nhất, với thẩm định của đồng nghiệp về khoa học biến đổi khí hậu, các tác động và cách thức để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Mục đích của các báo cáo này là cung cấp thông tin cho mọi người, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm để họ đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến biến đổi khí hậu. Về cơ bản, IPCC cung cấp cho các chính phủ phiên bản các tóm tắt hướng dẫn của hàng nghìn bài báo được công bố liên quan đến khoa học, nguy cơ và các thành tố kinh tế và xã hội của biến đổi khí hậu.
Có hai điều quan trọng cần hiểu:
1. Các báo cáo của IPCC là phi đảng phái. Mọi quốc gia thành viên của IPCC đều có thể đề cử các nhà khoa học tham gia vào quá trình viết báo cáo và có một quá trình thẩm định minh bạch và chặt chẽ.
2. IPCC không yêu cầu các chính phủ phải làm gì. Mục tiêu của IPCC là cung cấp kiến thức mới nhất về biến đổi khí hậu, các nguy cơ trong tương lai và các phương án lựa chọn để giảm tốc độ ấm lên của Trái đất.
Tại sao báo cáo này là một vấn đề lớn như vậy?
Bản đánh giá lớn cuối cùng của IPCC đã được công bố vào năm 2013. Rất nhiều điều có thể thay đổi trong tám năm nay.
Không chỉ tốc độ máy tính và mô hình khí hậu đã được cải thiện đáng kể, mà mỗi năm, các nhà khoa học ngày càng hiểu nhiều hơn về hệ thống khí hậu của Trái đất và cách các khu vực và con người cụ thể trên toàn cầu đang thay đổi và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu đến từ đâu?
IPCC không tiến hành nghiên cứu của riêng mình về khoa học khí hậu. Thay vào đó, cơ quan này tóm tắt tất cả những nghiên cứu của người khác. Hãy nghĩ: đây là một báo cáo nghiên cứu vô cùng ấn tượng.
Tác giả của báo cáo sắp tới là 234 nhà khoa học do các chính phủ thành viên IPCC trên thế giới đề cử. Các nhà khoa học này là những chuyên gia hàng đầu về Trái đất và khoa học khí hậu.
Báo cáo này - báo cáo đầu tiên trong số bốn báo cáo tạo nên Báo cáo Đánh giá Lần thứ sáu của IPCC - xem xét về khoa học vật lý đằng sau biến đổi khí hậu và các tác động của nó. Chỉ riêng báo cáo này sẽ có hơn 14.000 trích dẫn các nghiên cứu hiện có. Các nhà khoa học đã xem xét tất cả các nghiên cứu liên quan đến khoa học khí hậu được công bố đến ngày 31 tháng 01 năm 2021.
Những nhà khoa học này, những người không được đền bù cho thời gian và công sức của họ, đã tình nguyện đọc hơn 14.000 bài nghiên cứu thay cho bạn. Thay vào đó, bạn có thể đọc các chương rút ngắn hơn của họ về sự đồng thuận khoa học về các chủ đề như thời tiết cực đoan hoặc những thay đổi trong khu vực khi mực nước biển dâng cao.
Chủ tịch IPCC Hoesung Lee của Hàn Quốc, ngồi giữa, phát biểu trong một cuộc họp báo vào năm 2018. Ảnh AP Photo/Ahn Young joon |
IPCC cũng minh bạch về quy trình thẩm định của mình và quy trình đó là sâu rộng. Bản thảo của báo cáo được chia sẻ với các nhà khoa học khác, cũng như với các chính phủ, để lấy ý kiến. Trước khi công bố, 234 tác giả sẽ phải trả lời hơn 75.000 bình luận về tác phẩm của họ.
Đầu vào của chính phủ đối với các báo cáo lớn hơn này, như báo cáo được công bố vào ngày 9 tháng 8 năm 2021, chỉ giới hạn trong việc bình luận về các dự thảo báo cáo. Tuy nhiên, các chính phủ có tiếng nói mạnh mẽ hơn nhiều trong bản tóm tắt ngắn hơn cho các nhà hoạch định chính sách đi kèm với các báo cáo này, vì họ phải đồng thuận với nhau và thường tham gia vào các cuộc đàm phán chi tiết về từ ngữ.
RCP, SSP - tất cả các chữ viết tắt này có nghĩa là gì?
Một điều mà mọi người đều muốn hiểu là tương lai sẽ như thế nào khi khí hậu thay đổi.
Để có cái nhìn thoáng qua về tương lai đó, các nhà khoa học đã tiến hành các thí nghiệm bằng cách sử dụng các mô hình máy tính mô phỏng khí hậu Trái đất. Với những mô hình này, các nhà khoa học có thể đặt câu hỏi: Nếu quả địa cầu nóng lên một mức độ nhất định, điều gì có thể xảy ra đối với sự dâng cao của mực nước, hạn hán và các tảng băng? Điều gì sẽ xảy ra nếu quả địa cầu nóng lên ít hơn - hoặc nhiều hơn? Kết quả sau đó là gì?
IPCC sử dụng một tập hợp các kịch bản để cố gắng hiểu tương lai sẽ như thế nào. Đây là nơi xuất hiện một số từ viết tắt.
Tất cả các mô hình khí hậu hoạt động hơi khác nhau một chút và tạo ra các kết quả khác nhau. Nhưng nếu mô phỏng của 20 mô hình khí hậu khác nhau với các giả định giống nhau về mức độ ấm lên cho ra kết quả tương tự, mọi người có thể khá tin tưởng vào kết quả.
RCP (Representative Concentration Pathways), hoặc đường nồng độ khí nhà kính đại diện, và SSP (Shared Socioeconomic Pathways), hoặc đường kinh tế xã hội chia sẻ, là các kịch bản được chuẩn hóa mà các nhà lập mô hình khí hậu sử dụng.
Bốn RCP là trọng tâm của các nghiên cứu mô hình khí hậu hướng tới tương lai được đưa vào báo cáo năm 2013. Chúng dao động từ RCP 2.6, với giả định có sự giảm mạnh lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu và thế giới chỉ nóng lên một chút, đến RCP 8.5, một thế giới trong đó lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch không được kiểm soát và thế giới nóng lên rất nhiều.
Đánh giá Khí hậu Lần thứ năm của IPCC, vào năm 2013, tập
trung vào đường nồng độ khí nhà kính đại diện, hoặc RCP. Nguồn: IPCC
Lần này, các nhà lập mô hình khí hậu đang sử dụng SSP. Không giống như RCP chỉ tập trung vào đường đi của phát thải khí nhà kính, SSPs xem xét các nhân tố kinh tế xã hội và quan tâm đến mức độ khó khăn trong việc thích ứng hoặc giảm thiểu biến đổi khí hậu, và đến lượt chúng ảnh hưởng đến sự phát thải khí nhà kính. Năm SSP khác nhau ở điểm mà thế giới có thể trông như thế nào về mặt dân số toàn cầu, công bằng, giáo dục, khả năng tiếp cận y tế, tiêu dùng, chế độ ăn uống, sử dụng nhiên liệu hóa thạch và địa chính trị.
Tại sao bạn cần quan tâm?
Kimberly Nicholas |
Hãy nhìn xung quanh. Cho đến nay, năm 2021 đã mang đến những hiện tượng thời tiết cực đoan chết người trên toàn cầu, từ cháy rừng trên diện rộng đến nắng nóng cực độ, lượng mưa quá mức và lũ quét. Những sự kiện như thế này trở nên phổ biến hơn trong một thế giới đang nóng lên.
“Nó đang ấm lên. Đây là do chúng ta. Chúng ta chắc chắn là như thế. Điều này thật tệ. Nhưng chúng ta có thể sửa chữa điều này”. Đó là cách mà Giáo sư Kimberly Nicholas của Đại học Lund và là nhà khoa học về phát triển bền vững nói về biến đổi khí hậu.
Đừng mong đợi một bức tranh lạc quan xuất hiện từ báo cáo IPCC. Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa theo cấp số nhân kết hợp các vấn đề xã hội và môi trường toàn cầu, quốc gia và khu vực.
Hơn 200 người đã chết khi các thị trấn bị ngập lụt và những ngôi nhà đã tồn tại hàng thế kỷ bị cuốn trôi ở Đức và Bỉ vào tháng 7 năm 2021. Ảnh: Olivier Matthys/Getty Images |
Stephanie Spera |
Vì vậy, hãy đọc bản báo cáo và nhận diện các nguồn khí nhà kính chính đang dẫn đến biến đổi khí hậu. Các cá nhân có thể thực hiện các bước để giảm lượng khí thải, bao gồm sử dụng xe ít hơn, sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng và suy nghĩ lại về lựa chọn thực phẩm. Nhưng cũng cần hiểu rằng 20 công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch chịu trách nhiệm cho khoảng một phần ba tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều đó đòi hỏi các chính phủ phải hành động ngay bây giờ.
Vài nét về tác giả
Stephanie Spera là trợ lý Giáo sư Địa lý và Môi trường, Đại học Richmond. Bà nhận tài trợ từ NASA và là thành viên của Mạng lưới Phụ nữ về Khoa học Trái đất.
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn: “234 scientists read 14,000 research papers to write the IPC climate report – Here’s what you need to know and why it’s a big deal”, The Conversation, 5.8.2021.