25.8.21

WHO và các nhà khoa học chống đối tiêm liều vắc xin thứ ba cho tất cả người dân ở Hoa Kỳ

WHO VÀ CÁC NHÀ KHOA HỌC CHỐNG ĐỐI TIÊM LIỀU VẮC-XIN THỨ 3 CHO TẤT CẢ NGƯỜI DÂN Ở HOA KỲ

Ngày 19/08/2021

Quyết định của Mỹ đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ: các chuyên gia cho rằng mục tiêu ưu tiên vẫn là tiêm phòng vắc-xin cho càng nhiều người càng tốt.

Antoine Beau

Vì sao các nhà khoa học lại chống đối mãnh liệt liều vắc-xin thứ ba? Một thông báo trên tờ Nature giải thích: “Việc gia tăng các mức độ tiêm chống COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển các biến thể mới vốn có khả năng lây lan nhiều hơn biến thể Delta”. FREDERIC J. BROWN VIA AFP

CORONAVIRUS – Một làn sóng phẫn nộ. Hôm thứ Tư ngày 18 tháng 8, giới chức trách y tế Hoa Kỳ đã thông báo cho biết tất cả người dân Mỹ nào đã tiêm vắc-xin cách đây hơn tám tháng đều có thể tiêm liều vắc-xin Pfizer và Moderna thứ ba, bắt đầu từ ngày 20 tháng 9.

Antoine Flahault (1960-)

Thông báo này sau đó đã bị cộng đồng khoa học quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Rất nhiều chuyên gia và định chế đều cho rằng việc tiêm liều vắc-xin tăng cường này cho tất cả người dân Mỹ trong độ tuổi phải tiêm vắc-xin là điều không cần thiết, thậm chí còn phản tác dụng trong cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19.

Mối lo ngại đầu tiên, tính hữu ích của việc tiêm liều vắc-xin tăng cường này. Người Mỹ đã chọn phát động chiến dịch mới này cho tất cả những người đã được tiêm vắc-xin, khi chưa có sự đồng thuận về sự cần thiết của việc tiêm phòng này: “Chưa có lý do chứng cứ thuyết phục nào cho thấy tầm quan trọng của liều vắc-xin thứ ba, ngoại trừ một số trường hợp y tế rất đặc biệt,” theo lời của Antoine Flahault, nhà dịch tễ học tại Viện Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Geneva, khi trả lời phỏng vấn của Le HuffPost.

Thiếu dữ liệu

Nếu nước Pháp và ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới triển khai chiến dịch tiêm liều vắc-xin tăng cường này, thì nên tiêm cho những người trên 80 tuổi, những người bị suy giảm hệ miễn dịch và những người có bệnh lý cụ thể, bởi vì khả năng miễn dịch của những đối tượng này sẽ suy yếu rất nhanh. Tám tháng sau liều vắc-xin thứ hai, họ sẽ không đủ khả năng tự bảo vệ, theo hầu hết các nghiên cứu.

Vài giờ trước thông báo [tiêm liều vắc-xin thứ ba] của Mỹ, Soumya Swaminathan, nhà nữ khoa học trưởng của WHO, cũng cảnh báo về cơ sở khoa học của quyết định nói trên: “Dữ liệu hiện tại không chỉ ra sự cần thiết phải tiêm liều vắc-xin tăng cường. Chúng tôi không biết khi nào thì việc tiêm liều vắc-xin tăng cường đó được cho là cần thiết, những nhóm người nào sẽ cần phải tiêm liều vắc-xin tăng cường và nên sử dụng loại vắc-xin nào,” theo lời giải thích của bà trong cuộc họp báo.

Ngoài việc thiếu dữ liệu, mục tiêu theo đuổi khiến các nhà khoa học bối rối: “Đó là một quyết định mang tính ngắn hạn, còn phải bàn cãi nhiều, so với mục tiêu ban đầu là tiêm phòng vắc-xin càng nhanh càng tốt, càng nhiều người càng tốt trên toàn hành tinh”, Antoine Flahault cho biết thêm.  

“Liều vắc-xin thứ ba không phải là mục tiêu ưu tiên. Một số quốc gia giàu nhất đang cân nhắc một sự bảo vệ quá mức [chống lại virus Covid-19] trong khi phần còn lại của hành tinh không được bảo vệ. Virus này lưu hành khắp nơi ở các nước đang phát triển”, theo lời khẳng định của Catherine Hill, nhà dịch tễ học tại Viện Gustave Roussy, khi trả lời phỏng vấn của tờ LeHuffPost.

Ở những nước khác, chỉ có 15% số người được tiêm phòng vắc-xin

Vào lúc mà Joe Biden thông báo trực tiếp trên kênh ABC rằng ông sẽ tiêm liều vắc-xin thứ ba, thì tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin ở các nước ngoài khối G-20 không vượt quá 15%. Việc tiêm liều vắc-xin tăng cường sẽ giống như việc “phát thêm áo phao cho những người đã có, trong khi để mặc cho người khác chết đuối vì không có chiếc áo phao nào cả”, theo lời của Mike Ryan, giám đốc chương trình phòng chống dịch bệnh khẩn cấp của WHO. 

Ngay cả tạp chí khoa học Nature, được coi là đi đầu trong lĩnh vực khoa học, cũng đưa ra một ý kiến bất lợi: “Thay vì tiêm liều vắc-xin tăng cường cho đông đảo người dân, các nước giàu nên tích cực nhiều hơn cho việc tiêm phòng vắc-xin trên toàn thế giới”, trích dẫn một đoạn trong một bài báo được đăng vào hôm Thứ Ba 17 tháng 8.

Nhà Trắng đã lập tức đáp trả: “Chúng tôi có thể vừa chăm sóc cho người dân Mỹ và vừa giúp đỡ thế giới cùng một lúc.” Joe Biden đã tuyên bố tặng hơn 200 triệu liều vắc-xin cho các quốc gia khác, song song với 100 triệu liều vắc-xin tăng cường sắp được tiêm trên lãnh thổ họ.

Nguy cơ biến thể kháng vắc-xin

Tuy nhiên, lệnh tiêm liều vắc-xin tăng cường sẽ khiến các nhà sản xuất phải bận rộn nhiều hơn. Họ không có năng lực sản xuất vô hạn. Và các quốc gia giàu có khác, đến phiên họ, cũng có thể lần lượt tiêm liều vắc-xin tăng cường, tiếp sau quyết định của Mỹ. Họ sẽ thực sự không đủ sức ưu tiên cho mục tiêu bao phủ tiêm phòng vắc-xin toàn cầu.

Antoine Beau

Rủi ro? Tờ Nature kết luận: “Việc gia tăng các mức độ tiêm chống COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển các biến thể mới thậm chí có khả năng lây lan nhiều hơn biến thể Delta, gây chết người nhiều hơn so với các chủng hiện tại, hoặc có khả năng kháng lại phản ứng miễn dịch”. Khi mà toàn bộ dân số thế giới chưa đạt được một tỷ lệ bao phủ tiêm phòng vắc-xin cao, thì một biến thể kháng vắc-xin có khả năng sẽ xuất hiện ở một nước ít được tiêm phòng và lây lan khắp nơi trên thế giới. Thế thì liều vắc-xin thứ ba sẽ không còn bất cứ tác dụng nào.

Antoine Beau

Nhà báo khoa học về môi trường

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: 3e dose pour tous aux USA: OMS et scientifiques s’insurgent, Huffington Post, ngày 19/08/2021

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF