CUỘC CHẠY ĐUA VÀO VŨ TRỤ CỦA CÁC TỶ PHÚ: BIỂU TƯỢNG CUỐI CÙNG CỦA NỖI ÁM ẢNH SAI LẦM CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VỀ SỰ TĂNG TRƯỞNG
Tác giả: Tim Jackson
Sao Hỏa không phải là nơi để nuôi dạy con của bạn, Chuyên gia tên lửa trong tác phẩm kinh điển vượt thời gian của Elton John đã than thở như vậy. Trên thực tế, sao Hỏa lạnh như địa ngục. Nhưng điều đó dường như không làm lo lắng một thế hệ doanh nhân vũ trụ mới đang có ý định chiếm lĩnh “biên giới cuối cùng” càng nhanh càng tốt.
Đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không phải là một người rầu rĩ ghét công nghệ. Khi đã hết phong tỏa, cuộc hạ cánh của tàu thăm dò tự lái Perseverance của Nasa trên bề mặt hành tinh đỏ vào đầu năm nay là một vụ nổ thần thánh. Khi xem cuộc hạ cánh này, nó nhắc nhở tôi rằng tôi đã từng một lần dẫn đầu một cuộc tranh luận ở trường trung học để bảo vệ một kiến nghị: chúng ta tin rằng nhân loại nên vươn tới các vì sao.
Hẳn là vào khoảng thời gian Caspar Weinberger đang cố gắng thuyết phục Tổng thống Nixon không hủy bỏ chương trình vũ trụ Apollo. Các anh trai của tôi và tôi đã say sưa theo dõi trên màn hình đen trắng thành công của chuyến đổ bộ Apollo 11 vào năm 1969. Chúng tôi đã chứng kiến thảm họa suýt xảy ra với Apollo 13 – đã được một bộ phim Hollywood năm 1995 ghi nhận mãi mãi - khi Jim Lovell (Tom Hanks thủ vai) và hai phi hành gia tân binh đã thoát ra khỏi phi thuyền trong đường tơ kẽ tóc bằng cách sử dụng tàu vũ trụ đổ bộ Lunar Module như một chiếc bè cứu sinh khẩn cấp. Chúng tôi biết ở trên đó rất hồi hộp.
Tôi nhớ sau đó đã đi xem Apollo 13 (phim) với một bạn trẻ chưa được sinh ra đời vào lúc phi vụ đó diễn ra. “Bạn nghĩ gì?” Tôi hỏi khi chúng tôi bước ra khỏi rạp chiếu phim. “Phim hay đấy,” bạn trẻ nói. “Chỉ là không đáng tin lắm.”
Nhưng bọn trẻ chúng tôi xưa kia đã dán mắt vào TV đen trắng suốt cả tuần của phi vụ lúc ấy. Chúng tôi kinh hoàng chứng kiến mức CO₂ tăng lên trong tàu vũ trụ đổ bộ Lunar Module. Chúng tôi đã phải chịu đựng sự mất điện vô tận khi các phi hành gia trở về đã lao xuống Trái đất một cách nguy hiểm. Chúng tôi nín thở với phần còn lại của thế giới khi bốn phút dự kiến kéo dài đến năm phút và hy vọng bắt đầu tắt dần. Phải mất sáu phút đầy đủ trước khi máy ảnh rốt cuộc tập trung vào những chiếc dù của tàu vũ trụ chỉ huy - được bung ra an toàn trên Thái Bình Dương. Chúng tôi cảm thấy một luồng endorphin (hormone hạnh phúc – ND) dồn dập trong cơ thể. Chúng tôi biết điều này là đáng tin cậy.
Đó là vào năm 1970. Còn đây là bây giờ. Và tôi lại đang ở đây trên rìa của một chiếc ghế dài khác, trong sự bất ổn kéo dài của thời kỳ COVID-19, chờ đợi những dấu hiệu xảy ra một đợt mất điện khác để trở về trái đất trên một tảng đá khô cằn khác, thiếu bầu khí quyển có thể thở được, ở cách xa 200 triệu dặm. Và khi chiếc tàu thăm dò tự lái Perseverance rốt cuộc chạm xuống bề mặt sao Hỏa: cũng lại một niềm phấn khích giống như xưa kia. Cũng lại một luồng hormone hạnh phúc. Khá khó để chứng kiến sự hân hoan đằng sau những khẩu trang ở trung tâm điều khiển phi vụ của Nasa mà không cảm thấy một tia vui mừng gián tiếp. Thậm chí đó là niềm hy vọng.
Nhưng thí nghiệm khoa học thông minh của Nasa chỉ là phần nổi của tảng băng đang mở rộng. Một lời giới thiệu, nếu bạn muốn, cho một giấc mơ đầy tham vọng đang được thúc đẩy ngày càng nhanh hơn bởi những lợi ích thương mại khổng lồ. Một ngã rẽ gây tò mò trong một cuộc tranh luận đã kéo dài gần nửa thế kỷ nay.
Tàu thăm dò sao Hỏa Perseverance của Nasa đã sử dụng máy ảnh Mastcam-Z có camera kép để ghi lại hình ảnh này. Một ngọn đồi cách đó khoảng 2,5km. Ảnh: NASA / JPL-Caltech / ASU / MSSS |
Cuộc chiến tăng trưởng
Kể từ năm 1972, khi một nhóm các nhà khoa học của MIT công bố một báo cáo có ảnh hưởng lớn về những giới hạn của sự tăng trưởng, các nhà kinh tế đã tranh cãi về việc liệu nền kinh tế có thể tăng trưởng mãi mãi hay không. Những người tin rằng kinh tế có thể tăng trưởng thì kêu gọi sức mạnh của công nghệ để “tách rời” hoạt động kinh tế khỏi những tác động của nó trên hành tinh. Những người (như tôi) tin rằng điều đó không thể dựa vào những bằng chứng ít ỏi của việc tách rời để nói về bất kỳ thứ gì như tốc độ cần thiết để tránh tình trạng khẩn cấp về khí hậu hoặc ngăn chặn sự suy giảm thảm khốc về đa dạng sinh học.
Cuộc tranh luận về tăng trưởng thường bấu víu vào sức mạnh mà bạn gán cho công nghệ để cứu chúng ta. Thông thường, những người ưa thích công nghệ tranh luận về sự tăng trưởng vô hạn trên một hành tinh hữu hạn - đôi khi đặt hy vọng của họ vào các công nghệ không có cơ sở như công nghệ đánh bẫy trực tiếp CO2 trên không hoặc những công nghệ nguy hiểm như năng lượng hạt nhân. Và thường thì những người hoài nghi tranh luận về một nền kinh tế sau tăng trưởng. Nhưng sự phân chia đơn giản giữa những người yêu thích công nghệ và những người ghét công nghệ chưa bao giờ là đặc biệt hữu ích. Có rất ít người hoài nghi về tăng trưởng và cũng hoàn toàn bác bỏ công nghệ. Cũng không ai yêu cầu nhân loại quay trở lại hang động.
Trong gần ba thập kỷ nay các nhóm nghiên cứu của riêng tôi tại Đại học Surrey đã và đang khám phá vai trò quan trọng của công nghệ bền vững trong việc chuyển đổi nền kinh tế. Nhưng chúng tôi cũng đã nêu lên cơ năng của chủ nghĩa tư bản - đặc biệt là theo đuổi không ngừng sự tăng trưởng năng suất – đang liên tục thúc đẩy xã hội hướng tới các mục tiêu vật chất, và làm suy yếu những bộ phận của nền kinh tế như công việc chăm sóc, nghề thủ công và tính sáng tạo, những thứ cần thiết cho chất lượng sống của chúng ta.
Và bây giờ đột nhiên, một nhóm những người tự thú nhận là yêu thích công nghệ cuối cùng cũng thừa nhận rằng hành tinh này quá nhỏ đối với chúng ta. Vâng, bạn đã đúng, họ ngụ ý: Trái đất không thể duy trì sự phát triển vô hạn. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải mở rộng về không gian.
Hãy đợi đã. Chuyện gì vừa xảy ra vậy? Ai đó đã di chuyển các cột khung thành? Có điều gì đó sai sai. Có lẽ đó là tôi. Một điều tôi biết chắc chắn: đó là tôi không còn là đứa trẻ như trước nữa - một người đến từ xã hội tranh luận. Chúng ta tin rằng nhân loại cần phải trưởng thành.
Trước khi chi hàng nghìn tỷ đô la để xả rác công nghệ xung quanh hệ mặt trời, chúng ta tin rằng nhân loại nên chú ý hơn một chút đến những gì đang xảy ra ngay tại đây và ngay bây giờ. Trên trái đất này.
Thân phận con người
Có lẽ trớ trêu thay, chính từ không gian mà lần đầu tiên chúng ta được nhìn thấy trái đất. Vào tháng 10 năm 1957, Liên Xô đã gửi một vệ tinh không người lái lên quỹ đạo tên là Sputnik vào không gian. Đó là một trong những khoảnh khắc kỳ lạ trong lịch sử (giống như coronavirus) đã định hình lại thế giới xã hội của chúng ta một cách đáng kể. Sputnik khởi động cuộc chạy đua không gian, tăng cường chạy đua vũ trang và chiến tranh lạnh. Đây là một đòn giáng mạnh vào lòng tự trọng của Hoa Kỳ khi không phải là quốc gia đầu tiên lên vũ trụ và đó là cú sốc mà Hoa Kỳ sử dụng để khởi động vụ phóng phi thuyền Apollo lên mặt trăng. Không ai thích là kẻ đến sau. Huống hồ là đối với tất cả những người quyền lực nhất trên hành tinh.
Hannah Arendt (1906-1975) |
Nhưng Sputnik cũng báo hiệu sự bắt đầu của một mối quan hệ mới giữa nhân loại và ngôi nhà chung trên trái đất. Như nhà triết học chính trị Hannah Arendt đã nhận xét trong phần mở đầu cho kiệt tác năm 1958 của bà, The Human Condition (Thân phận con người), việc đi vào không gian cho phép chúng ta lần đầu tiên trong lịch sử nắm bắt được tình trạng khó khăn của trái đất. Đó là một lời nhắc nhở rằng “Trái đất là hình ảnh thu nhỏ của thân phận con người”. Và bản thân thiên nhiên, “đối với tất cả những gì chúng ta biết, có thể là duy nhất trong việc cung cấp cho con người một môi trường sống để họ có thể di chuyển và thở mà không cần nỗ lực và không cần giả tạo”.
Earthrise (Trái đất mọc). Ảnh Nasa |
Một đánh giá công bằng. Và không có gì mà chúng ta đã và đang học được trong những năm qua đã làm thay đổi tiên lượng đó. Sao Hỏa có thể là hành tinh dễ sinh sống nhất trong hệ mặt trời, bên ngoài trái đất của chúng ta. Nhưng sao Hỏa vẫn còn lâu mới đạt được vẻ đẹp của một mái ấm - nơi mà chúng ta chỉ thực sự học được cách đánh giá cao một cách trọn vẹn tính mong manh dễ vỡ của trái đất từ những hình ảnh được gửi về cho chúng ta từ không gian.
Nhiếp ảnh gia chuyên chụp thiên nhiên Galen Rowell từng gọi bức ảnh mang tính biểu tượng của William Anders là Earthrise (Trái đất mọc) - được chụp từ phi thuyền Apollo 8 trên quỹ đạo mặt trăng - là “bức ảnh môi trường có ảnh hưởng nhất từng được chụp”. Bức ảnh Earthrise đã mang mái ấm về cho chúng ta, trong một hình ảnh đáng kinh ngạc, một thực tế rõ ràng rằng quả cầu sáng chói này đã là - và vẫn là - cơ hội tốt nhất của nhân loại đối với bất cứ điều gì có thể được gọi một cách có ý nghĩa là “cuộc sống tốt đẹp”.
Vẻ đẹp của trái đất là vẻ đẹp của chúng ta. Sự mong manh của nó chính là sự mong manh của chúng ta. Và hiểm họa của nó là hiểm họa của chúng ta.
Một sự thật bất tiện
Cùng năm mà Arendt xuất bản tác phẩm The Human Condition (Thân phận con người), một giám đốc điều hành của Công ty Shell tên là Charles Jones đã trình bày một báo cáo cho nhóm thương mại của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, Viện Dầu khí Hoa Kỳ, cảnh báo về tác động của khí thải carbon từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch đối với khí quyển. Đó là bằng chứng ban đầu về biến đổi khí hậu.
James Hansen (1941-) |
Đó cũng là bằng chứng, theo các vụ kiện hiện đang được đệ trình bởi các thành phố và tiểu bang ở Mỹ, rằng các công ty như Shell biết điều đó đã xảy ra cách đây hơn 60 năm - ba thập kỷ trước khi lời chứng khoa học của James Hansen trước Quốc hội vào năm 1988 khiến dư luận chú ý đến sự nóng lên toàn cầu. Và các công ty đã không làm gì về điều này. Tệ hơn nữa, các nguyên đơn như Tiểu bang Delaware lập luận rằng các công ty đã nói dối hết lần này đến lần khác để che đậy “sự thật bất tiện” này.
Bây giờ đã rõ ràng là tại sao một điều như vậy có thể xảy ra. Bằng chứng về tác động của những điều này đã là mối đe dọa trực tiếp đến lợi nhuận của một số tập đoàn quyền lực nhất hành tinh. Lợi nhuận là nền tảng của chủ nghĩa tư bản. Và như tôi lập luận trong cuốn sách mới của mình, chúng ta đã cho phép chủ nghĩa tư bản lấn át mọi thứ: công việc, cuộc sống, hy vọng - thậm chí là việc quản trị tốt của nhà nước. Các chính phủ khai sáng nhất trên thế giới đã làm ngơ trước sự cần thiết phải hành động khẩn cấp. Bây giờ chúng ta đang trên bờ vực quá muộn để sửa chữa nó. Đạt được sự không phát thải khí vào năm 2050 là không còn kịp. Chúng ta cần nhiều hơn nữa, nhanh hơn nhiều để tránh phải kết thúc trong một ngôi nhà lò sấy không thể sống được.
Ngay cả khi tôi viết, những nhiệt độ phá kỷ lục, cao hơn mức trung bình theo mùa từ 10 đến 20oC, đã buộc người dân ở bờ biển phía tây của Bắc Mỹ phải vào những nơi trú ẩn dưới lòng đất để tránh cái nóng gay gắt. Cháy rừng đang hoành hành ở Thung lũng Chết ở California, nơi nhiệt độ đã đạt mức đáng kinh ngạc 54oC. Trên bờ biển phía đông bị bão tấn công, nước lũ đã làm ngập hệ thống tàu điện ngầm ở New York. Trong khi đó, hàng nghìn người mất nhà cửa và hàng trăm người vẫn mất tích vì trận lụt lịch sử trên khắp Trung Âu đã khiến gần 200 người thiệt mạng.
Irwindale, California, Hoa Kỳ, ngày 15 tháng 6 năm 2021. Lính cứu hỏa chiến đấu với đám cháy rừng ở Khu giải trí Đập Santa Fe. Ảnh: Ringo Chiu / ZUMA Wire / Alamy Live News |
Đối mặt với sự hiển nhiên rành rành, ngay cả các tổng thống và chính trị gia ngoan cố rốt cuộc cũng bắt đầu thừa nhận quy mô của hiểm họa mà việc theo đuổi không ngừng của chúng ta đối với tăng trưởng kinh tế đã đặt lên trái đất này. Và về nguyên tắc thì họ vẫn còn thời gian để làm điều gì đó về việc này.
Như tôi và nhiều đồng nghiệp đã tranh luận, đại dịch mang đến cho chúng ta một cơ hội duy nhất để xây dựng một loại hình kinh tế khác. Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow vào tháng 11 năm 2021 rất có thể là nơi để thực hiện điều đó. Điều đó có xảy ra hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn cũng như khoa học. Và tùy thuộc vào sự can đảm của chúng ta để đối đầu với sự bất bình đẳng về quyền lực đã dẫn chúng ta đến tình trạng này.
Nó cũng sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta quay trở lại những nguyên tắc đầu tiên và tự hỏi bản thân: chính xác thì chúng ta nên đặt mục tiêu như thế nào để sống trong thế giới có thể sinh sống được duy nhất trong vũ trụ đã biết này? Bản chất của cuộc sống tốt đẹp có sẵn cho chúng ta ở đây là gì? Sự thịnh vượng có thể có ý nghĩa gì đối với một loài vô trách nhiệm trên một hành tinh hữu hạn?
Câu hỏi này đã xưa lắc, xưa lơ. Nhưng câu trả lời thời nay cho câu hỏi này lại cực kỳ hạn hẹp. Được đúc kết trong vỏ bọc của chủ nghĩa tư bản muộn, sự thịnh vượng đã được nắm bắt bởi tư tưởng “tăng trưởng bằng mọi giá”: một sự khăng khăng rằng nhiều hơn luôn tốt hơn. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy sự mở rộng không ngừng đang phá hoại thiên nhiên và khiến chúng ta phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu tàn khốc, “những câu chuyện thần tiên về sự phát triển vĩnh cửu” vẫn ngự trị ở vị trí tối cao.
Chẳng phải nhân loại nên tập trung vào việc duy trì cuộc sống tốt đẹp trên Trái đất trước khi chúng ta chạy đua vào không gian hay sao? Ảnh: Tegan Mierle / Unsplash, FAL |
Không trọng lực
Thật là một ngã rẽ mỉa mai trong câu chuyện về đứa trẻ của xã hội tranh luận mà tôi từng là khi tôi đã dành phần lớn cuộc đời nghề nghiệp của mình để đối đầu với những câu chuyện thần tiên về sự tăng trưởng đó. Đừng hỏi tôi làm thế nào mà điều đó xảy ra. Chủ yếu là do tình cờ.
Tôi từng hình dung mình sẽ học nghiên cứu vật lý thiên văn. Nhưng cuối cùng tôi đã học Toán tại Cambridge, nơi tôi thú nhận rằng đã bị bối rối bởi sự phức tạp của toán học, cho đến khi tôi nhận ra rằng ngay cả toán học cũng chỉ là một trò đùa. Đúng là một công thức. Hãy tin vào điều đó và bạn có thể du hành tới các vì sao và quay trở lại. Chí ít là trong tâm trí của bạn.
Và ở đó, khi tôi đang lang thang trong trạng thái không trọng lượng, thì tôi thức dậy vào một ngày (vào tháng 4 năm 1986) và thấy rằng lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine đã bị một vụ tai nạn thảm khốc. Tôi đột nhiên nhận ra rằng chính những kỹ năng mà tôi đã dành cả đời để phát triển đã dẫn dắt nhân loại không phải là hướng tới các vì sao mà là rời xa thiên đường mà chúng ta đã sống.
Vâng, đúng vậy. Tôi đã thay đổi tư duy của tôi. Ngày hôm sau, tôi bước vào văn phòng Greenpeace ở London và hỏi tôi có thể làm gì để giúp đỡ. Họ bắt tôi làm việc về kinh tế học của năng lượng tái tạo, tôi vô tình trở thành một nhà kinh tế học. (Kinh tế học cần nhiều nhà kinh tế tình cờ hơn.) Và đó là khi tôi bắt đầu nhận ra rằng học cách sống tốt trên hành tinh mong manh này quan trọng hơn nhiều so với việc mơ về một hành tinh sắp tới.
Của tôi lớn hơn của bạn
Đó không phải là trường hợp của các tỷ phú chạy đua vào vũ trụ. Một vài người đàn ông quyền lực vô cùng đến khó tin nổi, với sự giàu có đã bùng nổ ồ ạt trong suốt trận đại dịch, hiện đang bận rộn cố gắng thuyết phục chúng ta rằng tương lai không nằm ở đây trên Trái đất mà nằm ở ngoài kia giữa các vì sao.
Elon Musk (1971-) |
Người sáng lập Tesla và doanh nhân liên tục (serial entrepreneur: người liên tục thành lập những công ty mới - ND), Elon Musk là một trong những chuyên gia tên lửa mới này. Gần đây ông đã viết trên Twitter như sau: “Những kẻ tấn công không gian có thể không nhận ra rằng không gian đại diện cho niềm hy vọng đối với rất nhiều người”. Tất nhiên, điều đó có thể đúng trong một thế giới mà sự bất bình đẳng lớn về sự giàu có và đặc quyền tước đi hy vọng từ cuộc sống của hàng tỷ người. Nhưng, như người phối ngẫu của một người điều khiển chuyến bay Nasa đã chỉ ra, nó che khuất những yêu cầu phi thường trong việc thoát khỏi Đất Mẹ, về mặt vật liệu năng lượng, con người và thời gian.
Không nản lòng, những chuyên gia tên lửa nhìn chằm chằm về phía các ngôi sao. Nếu tài nguyên là vấn đề, thì không gian phải là câu trả lời. Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, khá rõ ràng về tầm nhìn mở rộng của chính mình. Ông từng tuyên bố: “Chúng ta có thể có một nghìn tỷ con người trong hệ mặt trời”. “Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có một nghìn Mozart và một nghìn Einstein. Đây sẽ là một nền văn minh đáng kinh ngạc.”
Jeff Bezos, người sáng lập Amazon và Blue Origin, có kế hoạch lên vũ trụ vào ngày 20 tháng 7 năm 2021. Ảnh: Chuck Bigger / Alamy |
Trong thời gian bị phong tỏa, Bezos và Musk đã tranh giành hai vị trí hàng đầu trong danh sách người giàu của Forbes. Họ cũng đã chơi trò “của tôi lớn hơn của bạn” trong cuộc đua không gian riêng tư của họ trong vài thập kỷ nay. Tài sản cá nhân của Bezos gần như tăng gấp đôi trong thời gian xảy ra đại dịch tàn phá cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người. Giờ đây, ông sẽ rút lui để dành nhiều thời gian hơn cho Blue Origin, công ty mà ông hy vọng sẽ cung cấp các thuộc địa rộng lớn của loài người trên khắp hệ mặt trời.
Mục tiêu được tuyên bố của công ty đối thủ mang tên SpaceX của Musk, là “biến nhân loại trở thành đa hành tinh”. Cũng giống như bộ ba[*] sách khoa học viễn tưởng của Kim Stanley Robinson vào những năm 1990, Musk đặt mục tiêu thiết lập một thuộc địa vĩnh viễn của loài người trên sao Hỏa. Musk lập luận rằng để đến đó chúng ta cần nhiều tên lửa to – hoặc, trong từ chuyên môn nguyên bản của SpaceX, gọi là Big Fucking Rockets (BFR) – rốt cuộc có khả năng chuyên chở rất nhiều người và hàng trăm tấn trang thiết bị để đi hàng triệu kilômét xuyên qua hệ mặt trời.
Tên lửa BFR hiện đã nhường chỗ cho một loạt các phi thuyền Starship (được đặt tên nhẹ nhàng hơn). Và để chứng minh năng lực bảo vệ môi trường của mình, Musk rất muốn những chiếc phi thuyền này có thể tái sử dụng được. Liều lĩnh đến mức SpaceX đã có kế hoạch cho nổ tung 4 nguyên mẫu Starship liên tiếp một cách nhanh chóng trong 4 tháng đầu năm 2021 khi cố gắng hạ cánh chúng trở lại nhưng không thành công.
Tất nhiên, di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ là phương châm của Thung lũng Silicon. Nhưng cuối cùng bạn phải mang hàng về nhà. Starship SN15 cuối cùng đã đạt được điều đó vào ngày 5 tháng 5 - ba tuần sau khi SpaceX đạt được hợp đồng trị giá 2,9 tỷ đô la Mỹ từ Nasa, đưa Blue Origin vào bóng tối của cuộc đua không gian.
Không muốn bị thua kém, Bezos đã nghĩ ra điều mà ông đã phải hy vọng là sự trở lại cuối cùng. Khi tên lửa New Shepard của Blue Origin - cũng có thể tái sử dụng - thực hiện chuyến bay không gian đầu tiên có người lái vào ngày 20 tháng 7, ông và em trai Mark của ông sẽ là hai trong số vài hành khách đầu tiên trên tên lửa. Chà, Jeff! Người đàn ông vinh quang! Bây giờ anh bạn thực sự cho chúng tôi thấy dũng khí của anh bạn! Không ai thích là kẻ đến sau. Huống hồ là người quyền lực nhất trên hành tinh.
Nhưng đôi khi bạn không có lựa chọn nào khác. Bất ngờ, không cần xin phép, ông chủ của tập đoàn Virgin, Richard Branson đã lao vào để phá đám mọi người. Vào ngày 11 tháng 7, chín ngày trước ngày trọng đại của Bezos, thì Branson đã trở thành tỷ phú đầu tiên tự phóng mình vào vũ trụ.
Richard Branson trên chiếc phi thuyền SpaceShip Two Unity 22 khi họ đạt trạng thái không trọng lực, ngày 11 tháng 7 năm 2021. Ảnh: EPA-EFE / Virgin Galactic |
Và với 250.000 đô la Mỹ tuyệt vời, ông đã hứa với chúng ta rằng bạn cũng có thể là một trong số khoảng 600 khách hàng nôn nóng của Virgin Galactic, đang chờ đợi để tận hưởng ba hoặc bốn phút không trọng lượng, nhìn chằm chằm lại trong sự sung sướng trước hành tinh mà bạn đã bỏ lại phía sau. Rõ ràng, Musk đã đăng ký. Bezos không cần. Hiện nay ông đang thực hiện chuyến bay vũ trụ khai trương của riêng mình.
Sự thịnh vượng giống như sức khỏe
Tu từ học về không gian của giới siêu giàu bộc lộ một tâm lý có thể đã từng phục vụ tốt nhân loại. Một số người cho rằng đó là một đặc điểm tinh túy của chủ nghĩa tư bản. Đổi mới rồi lại đổi mới. Một tham vọng thúc đẩy để mở rộng và khám phá. Một sự thôi thúc ban đầu để thoát khỏi nguồn gốc của chúng ta và vươn tới chân trời tiếp theo. Du hành vũ trụ là một phần mở rộng tự nhiên của nỗi ám ảnh về tăng trưởng kinh tế của chúng ta. Đó là viên ngọc quý nhất của chủ nghĩa tư bản. Xa hơn và nhanh hơn là tín điều về biên giới của chủ nghĩa tư bản.
Tôi đã dành phần lớn cuộc đời nghề nghiệp của mình để làm nhà phê bình tín điều đó, không chỉ vì lý do môi trường mà còn vì lý do xã hội. Bảy năm tôi làm ủy viên kinh tế của Ủy ban Phát triển Bền vững của Vương quốc Anh và nghiên cứu sau đó của tôi tại Centre for the Understanding of Sustainable Prosperity (Trung tâm Hiểu biết về Thịnh vượng Bền vững) đã tiết lộ điều gì đó cơ bản về khát vọng của chúng ta đối với cuộc sống tốt đẹp. Điều gì đó đã được nhấn mạnh bởi trải nghiệm của đại dịch.
Aristote (384-322 BC) |
Sự thịnh vượng liên quan đến sức khoẻ chẳng kém gì liên quan đến của cải. Hãy hỏi mọi người điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của họ và rất có thể sức khỏe sẽ xuất hiện ở đâu đó gần đầu danh sách. Sức khỏe cho chính họ. Sức khỏe cho bạn bè và gia đình của họ. Đôi khi sức khỏe cũng cần đối với hành tinh mong manh mà chúng ta đang sống và chính chúng ta cũng phụ thuộc vào sức khỏe của trái đất.
Có điều gì đó hấp dẫn trong ý tưởng này. Bởi vì điều đó phải đối mặt với nỗi ám ảnh về tốc độ tăng trưởng. Như Aristotle đã chỉ ra trong tác phẩm Nicomachean Ethics (Đạo đức học của Nicomachus) (cuốn sách được đặt theo tên người cha là bác sĩ của ông), cuộc sống tốt đẹp không phải là đi tìm sự nhiều hơn một cách không ngừng nghỉ, mà là một quá trình liên tục tìm kiếm sự cân bằng mang tính “đức hạnh” giữa quá ít và quá nhiều.
Sự thịnh vượng đòi hỏi một hành động cân bằng, không phải là một cuộc chạy đua đến các vì sao. Ảnh: JuliaStar / Shutterstock |
Sức khỏe dân số cung cấp một ví dụ rõ ràng về ý tưởng này. Quá ít thức ăn và chúng ta đang phải chống chọi với các bệnh về suy dinh dưỡng. Quá nhiều thức ăn thì chúng ta đang mắc vào “các căn bệnh của sự sung túc” hiện đang giết chết nhiều người hơn là chế độ dinh dưỡng thiếu thốn. Sức khỏe tốt phụ thuộc vào việc chúng ta tìm ra và nuôi dưỡng sự cân bằng này.
Tất nhiên, nhiệm vụ này luôn phức tạp, ngay cả ở cấp độ cá nhân. Chỉ cần nghĩ về thách thức của việc duy trì việc tập thể dục, chế độ ăn uống và khẩu vị của bạn sao cho phù hợp với kết quả là trọng lượng của một cơ thể khỏe mạnh. Nhưng như tôi đã lập luận, sống trong một hệ thống với tầm nhìn liên tục tập trung vào nhiều thứ hơn khiến nhiệm vụ gần như không thể thực hiện được. Tình trạng béo phì đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1975. Gần hai phần năm số người lớn trên 18 tuổi bị thừa cân. Chủ nghĩa tư bản không chỉ không nhận ra điểm cân bằng nằm ở đâu. Chủ nghĩa tư bản hoàn toàn không biết làm thế nào để dừng lại khi đến đó.
Bạn có thể nghĩ rằng cuộc chạm trán của chúng ta với tỷ lệ tử vong do đại dịch sẽ mang về nhà cho chúng ta một ít sự cân bằng. Bạn có thể nghĩ rằng điều đó sẽ khiến chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ về những gì thực sự quan trọng đối với chúng ta: loại thế giới mà chúng ta muốn dành cho con cái của mình; loại xã hội mà chúng ta muốn sống. Và đối với nhiều người, đại dịch đã có mang lại một ít cân bằng. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện trong thời gian phong tỏa ở Anh, 85% người trả lời phỏng vấn nhận thấy điều gì đó trong điều kiện sống đã thay đổi của họ đáng để giữ gìn và có ít hơn 10% muốn trở lại tình trạng hoàn toàn bình thường trước đây.
Khi cuộc sống và sức khỏe bị đe dọa, sự tranh giành của cải và địa vị một cách vô đạo ngày càng trở nên kém hấp dẫn hơn. Ngay cả sự hấp dẫn của công nghệ cũng nhạt nhòa. Gia đình, lòng tin và ý thức về mục đích được đặt lên hàng đầu. Đây là những thứ mà nhiều người nhận thấy họ thiếu nhất trong suốt đại dịch. Nhưng tầm quan trọng của những điều này trong cuộc sống của chúng ta không phải là một tai nạn COVID: đó là những yếu tố cơ bản nhất của một sự thịnh vượng bền vững.
Chối bỏ cái chết
Một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa đã xuất hiện trong suốt ba thập kỷ nghiên cứu của tôi. Đằng sau chủ nghĩa tư bản tiêu dùng, đằng sau tư duy về biên giới của chủ nghĩa tư bản, ngoài sự thôi thúc mở rộng mãi mãi là một nỗi lo lắng sâu sắc và lan tỏa.
Ngày kế tiếp sau đó trông như thế nào, Bezos đã từng hỏi một đám đông tín đồ, đề cập đến câu châm ngôn nổi tiếng của ông về sự cần thiết phải đổi mới. Ông nói: “Ngày kế tiếp là tình trạng đình trệ, sau đó là sự không thích hợp, tiếp theo là sự suy giảm cực kỳ đau đớn, sau đó là cái chết. “Và điều đó. Là lý do tại sao. Nó luôn luôn như vậy. Ngày đầu tiên!” Khán giả của ông yêu thích điều này.
Musk cũng tự giải trừ những con quỷ bên trong của mình. “Tôi không cố gắng trở thành vị cứu tinh của bất kỳ ai,” ông đã từng nói với người phụ trách trưởng của TED, Chris Anderton. “Tôi chỉ đang cố gắng nghĩ về tương lai - và không buồn.” Một lần nữa, tiếng vỗ tay lại vang lên điếc tai.
Một nhà trị liệu được đào tạo bài bản có thể có một ngày trên thực địa với tất cả những điều này. Hãy tận hưởng ngày kỳ diệu đó vài tuần sau khi chiếc tàu thăm dò tự lái Perseverance bắt đầu gửi về nhà những bức ảnh tự chụp tuyệt vời nhất trong vũ trụ, khi chiếc trực thăng Ingenuity thực hiện chuyến bay khai trương trong bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa. Đó là loại kết quả có thể khiến các cơ quan tình báo chảy nước miếng vì những cách sử dụng công nghệ kém lành tính hơn nhiều. Nhưng cũng có một cái gì đó hơi mang tính hiện sinh đang diễn ra.
Tiếng gió sao Hỏa thì thầm yếu ớt, được chuyển tiếp trung thực qua hệ mặt trời, không chỉ xác nhận khả năng bay trên không trên một hành tinh xa lạ. Đó là nguồn gốc của một niềm tin thiết yếu rằng loài người không ngừng sáng tạo và vô cùng thông minh.
Ernest Becker (1924-1974) |
Phản ứng theo bản năng của chúng ta đối với những chiến thắng nhất thời này nói lên một nhánh của tâm lý học gọi là lý thuyết quản lý khủng bố rút ra từ công trình của nhà nhân học văn hóa Ernest Becker. Đặc biệt, điều này đã được khám phá trong cuốn sách đáng kinh ngạc của ông năm 1973 The Denial of Death (Chối bỏ cái chết). Trong đó, Becker lập luận rằng xã hội hiện đại đã lạc lối, chính vì chúng ta đã trở nên sợ hãi khi phải đối mặt với việc không thể tránh khỏi của sự sụp đổ của chính mình.
Lý thuyết quản lý khủng bố cho chúng ta biết rằng, khi tỷ lệ tử vong trở nên “nổi bật”, thay vì giải quyết nỗi sợ hãi tiềm ẩn, chúng ta chuyển sang tìm kiếm sự thoải mái cho những điều làm chúng ta cảm thấy thoải mái. Bản thân chủ nghĩa tư bản là một tấm chăn êm ái khổng lồ, được thiết kế để giúp chúng ta không bao giờ phải đương đầu với cái chết đang chờ đợi tất cả chúng ta. Giấc mơ của những chuyên gia tên lửa cũng vậy.
‘Chủ nghĩa tư bản đang giết chết chúng ta’. Ảnh: Alex Bee / Shutterstock.com |
Bên ngoài vấn đề phong tỏa
Khi phi thuyền Sputnik khởi động “cuộc chạy đua không gian” đầu tiên cách đây sáu thập kỷ, một tờ báo Hoa Kỳ đã gọi tiêu đề đó là “một bước tiến tới việc [chúng ta] thoát khỏi sự giam cầm trên Trái đất”. Arendt ngạc nhiên đọc những lời đó. Bà đã nhìn thấy ở đó một “cuộc nổi loạn chống lại sự tồn tại của con người” ở sâu bên trong. Không chỉ đại dịch phong tỏa chúng ta, nhưng hệ quả còn là toàn bộ thân phận con người.
Sự lo lắng mà chúng ta cảm thấy không có gì mới. Sự lựa chọn giữa đối mặt với nỗi sợ hãi của chúng ta và chạy trốn khỏi nỗi sợ luôn là một sự lựa chọn sâu sắc. Đó chính xác là sự lựa chọn mà chúng ta đang phải đối mặt bây giờ. Khi việc tung ra vắc xin mang lại một tia sáng cho sự kết thúc COVID-19, sự cám dỗ để lao vào chủ nghĩa thoát ly hoang dã là rất lớn.
Nhưng dưới tất cả vẻ hào nhoáng của nó, “biên giới cuối cùng” trong trường hợp tốt nhất là một trò giải trí và trong trường hợp tệ nhất là sự xao lãng chết người khỏi nhiệm vụ cấp bách là xây dựng lại một xã hội bị tàn phá bởi bất công xã hội, biến đổi khí hậu và mất niềm tin vào tương lai.
Với hầu hết chúng ta vẫn còn dưới cú sốc của điều mà Tổ chức Y tế Thế giới gọi là đại dịch bóng tối về sức khỏe tâm thần, bất kỳ loại kế hoạch trốn thoát nào đều trông rất giống như thiên đường. Và di cư lên sao Hỏa là một trong những kế hoạch tốt đẹp để trốn thoát.
Hãy mơ về “biên giới cuối cùng” bằng mọi cách. Nhưng cũng phải tập trung tâm trí của chúng ta vào một số ưu tiên cực kỳ điển hình nhất của trần thế. Có khả năng chi trả để được chăm sóc y tế. Những ngôi nhà tươm tất dành cho những người nghèo nhất trong xã hội. Một nền giáo dục vững chắc cho con em của chúng ta. Đảo ngược sự bấp bênh kéo dài hàng thập kỷ trong sinh kế của những người lao động tuyến đầu - những người đã cứu mạng chúng ta. Khôi phục những gì đã mất mát tàn khốc trong thế giới tự nhiên. Thay thế chủ nghĩa tiêu dùng điên cuồng bằng một nền kinh tế quan tâm chăm sóc, mối quan hệ tình người và có ý nghĩa.
Tim Jackson (1957-) |
Chưa bao giờ những điều này lại có ý nghĩa đối với nhiều người như vậy. Chưa bao giờ lại có thời điểm tốt hơn lúc này để biến những điều đó thành hiện thực. Không chỉ dành cho một số ít tỷ phú mơ về sự giàu có không biên giới trên hành tinh đỏ, mà cho tám tỷ người bình thường, không là thần thánh, đang sống với giấc mơ ít trơ trẽn hơn của họ trên hành tinh xanh da trời.
Vài nét về tác giả
Tim Jackson là Giáo sư về Phát triển Bền vững và Giám đốc của Centre for the Understanding of Sustainable Prosperity (Trung tâm Hiểu biết về Thịnh vượng Bền vững - CUSP), Đại học Surrey. Ông nhận được tài trợ từ Economic and Social Research Council (Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội).
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn: “Billionaire
space rate: the ultimate symbol of capitatism flawed obsession with growth”, The Conversation, 20.7.2021.
[*]
Gồm ba cuốn: Sao Hỏa Đỏ, Sao Hỏa Xanh lá và Sao Hỏa Xanh da trời. Bộ sách hư cấu về sao Hỏa có thể trông như thế nào về mặt vật lý và văn hóa xã hội sau khi bị con người chiếm đóng (ND).
Chú thích: