2.8.21

Thời đại khai sáng và cách mạng kinh tế (1): từ học thuyết trọng thương đến trọng nông

THỜI ĐẠI KHAI SÁNG VÀ CÁCH MẠNG KINH TẾ (P1)

I. Từ học thuyết trọng thương đến trọng nông

Tác giả: Tôn Thất Thông

Kể từ thế kỷ 16, sau khi đế chế Hồi giáo Ottoman thâu tóm vùng Ả Rập và Đông Âu, nhất là sau khi các chuyến tàu thám hiểm liên lục địa tiến hành thành công và khám phá nhiều vùng đất mới, hoạt động thương mại châu Âu chuyển trọng điểm từ Ý và khu vực Địa Trung Hải sang các nước nằm bên bờ Đại Tây Dương, nhộn nhịp nhất trước hết là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và sau đó là Anh, Pháp, Hà Lan và Bỉ. Các chuyến tàu viễn dương sang châu Mỹ và châu Á mang về ngày càng nhiều vàng bạc và hàng hóa quí hiếm, làm nảy sinh sự giành giật thuộc địa ở các châu lục, đi kèm với những cuộc chiến tranh khốc liệt giữa các nước lớn ngay trên lục địa châu Âu. Các quốc gia này có nhu cầu phải tích lũy tài sản để phục vụ cho nhu cầu sản xuất nội địa, đặc biệt là thúc đẩy công nghiệp chiến tranh, kiếm nguồn tài chính để nuôi dưỡng quân đội, bộ máy công chức và đời sống xa hoa của vương triều. Các chính sách kinh tế mang phong cách của học thuyết trọng thương[1] bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh đó và kéo dài hơn hai thế kỷ cho đến hậu bán thế kỷ 18.

Từ bóng đen của học thuyết trọng thương …

Mặc dù phương cách hoạt động kinh tế theo học thuyết trọng thương đã có rất sớm, nhưng học thuyết này chỉ thực sự được sử dụng một cách có hệ thống kể từ giữa thế kỷ 17, trước tiên được tiến hành rầm rộ ở Pháp trong triều đại Louis XIV[2], sau đó được áp dụng rộng rãi ở châu Âu cho đến cuối thế kỷ 18.

Louis XIV là nhà cai trị độc đoán, tiêu hoang phung phí và từ chối mọi sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước. Thống kê năm 1678 cho thấy, ông duy trì một đội quân khổng lồ với phí tổn gần 100 triệu quan Pháp mỗi năm. Ông còn cung cấp tiền bạc và nhiều ưu đãi vật chất cho giới quí tộc để đổi lấy lòng trung thành của họ. Guồng máy hành chánh tiêu phí mỗi năm 30 triệu quan, thêm 2,5 triệu quan để phục vụ cho đời sống xa hoa của vương triều. Đó là những con số khổng lồ mà các nước khác ở châu Âu chỉ có thể nằm mơ mới thấy được. Trong lúc ngân quỹ đã cạn kiệt, biện pháp nào có thể dùng để phục vụ cho các chi tiêu nói trên?

Louis XIV giao cho bộ trưởng tài chính Jean-Baptiste Colbert (1619-1683) định ra chính sách kinh tế với mục đích ưu tiên là kiếm được nhiều tiền cho ngân quỹ quốc gia. Colbert thiết kế một mô hình kinh tế để làm sinh động kinh tế quốc gia Pháp và mang lại nhiều thuế cho ngân sách. Học thuyết kinh tế trọng thương thành hình từ đó và Colbert được xem là cha đẻ, là người đặt nền móng cho chính sách kinh tế và chính sách thuộc địa của Pháp.

Mặc dù học thuyết trọng thương không phải là một lý thuyết kinh tế hoàn chỉnh, nhưng những sáng kiến để thực hiện chính sách kinh tế cũng dựa vào những cân nhắc lý thuyết khả dĩ tạo thành những nhân tố đầu tiên của một học thuyết kinh tế. Mục đích hàng đầu là làm giàu cho vương triều và thành phần thượng lưu được ưu đãi, vừa giải quyết nhu cầu tài chính quốc gia, vừa nâng cao quyền lực của vua chúa và giới quí tộc. Tinh thần quán xuyến của học thuyết trọng thương là nhằm vào việc xây dựng nền kinh tế được điều khiển bởi nhà nước trung ương, thành phần kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Có thể nói, học thuyết kinh tế trọng thương chỉ có thể hoạt động tốt trong các chế độ chuyên chế.

Vua Louis XIV (trái) và Jean-Baptiste Colbert (phải)

Theo Colbert, biện pháp quan trọng nhất là tiến hành nền kinh tế nhằm vào việc nâng cao thặng dư ngoại thương để mang vàng bạc về cho quốc gia, bằng cách giảm thiểu tối đa chi tiêu nhập khẩu và tăng tối đa doanh thu xuất khẩu. Bên cạnh đó, chính sách thuế khóa cũng góp phần đáng kể vào việc nâng cao ngân quỹ quốc gia.

Về nhập khẩu, Colbert chủ trương chỉ cho phép nhập nguyên liệu thô, đặc biệt thúc đẩy chính sách thuộc địa để cướp đoạt nguyên liệu hoặc mua với giá rẻ. Với các nguyên liệu đó, Pháp chú trọng việc sản xuất những món hàng xa xỉ vốn dĩ Pháp đang có lợi thế trên thị trường châu Âu, thí dụ hàng thời trang. Họ bán với giá cao để nâng cao thặng dư ngoại thương.

Để bảo vệ nền sản xuất nội địa và bảo đảm thế mạnh trên thị trường quốc tế, Pháp cấm việc xuất khẩu nguyên liệu thô, đồng thời chỉ cho phép nhập khẩu với thuế rất cao các hàng hóa thành phẩm mà Pháp không sản xuất được. Về lao động chuyên môn, Pháp cấm chuyên gia xuất ngoại, nhất là chuyên gia thuộc các ngành quan trọng, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp ưu đãi để thu hút chuyên gia ngoại quốc trong các ngành mà Pháp đang thiếu.

Để giảm thiểu chi phí sản xuất nội địa, Pháp thành lập hàng ngàn xí nghiệp nhà nước ở quy mô lớn, sử dụng nguyên tắc phân công lao động để nâng cao năng suất sản xuất và trả lương nhân công rất thấp để nâng cao lợi nhuận.

Để hạ thấp phí tổn thương mại nội địa, Pháp bãi bỏ toàn bộ hệ thống thuế quan địa phương, nới lỏng các quy định về phường hội nghề nghiệp, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào việc cải thiện cơ cấu hạ tầng như hệ thống giao thông, xây đường sá, hải cảng, giao thông đường thủy. Những biện pháp này đã giúp cho nhà sản xuất và phân phối có thể hạ thấp giá bán khi đưa đến tay người tiêu thụ bản địa.

Colbert và các nhà kinh tế trọng thương cho rằng, chính sách này có thể bảo vệ nền sản xuất nội địa, nâng cao thặng dư ngoại thương và mang vàng bạc về cho quốc gia. Quả thật, nó đã làm cho nền kinh tế Pháp tăng trưởng một thời gian ngắn, nhưng nơi hưởng lợi duy nhất là ngân quỹ nhà nước, chứ người tiêu thụ và giới sản xuất nông nghiệp vốn dĩ chiếm 90% dân số, thì đâu vẫn hoàn đấy, đã nghèo lại càng nghèo hơn. Nhất là, khi các nước chung quanh cũng bắt chước để áp dụng chính sách tương tự thì lợi thế ban đầu không còn nữa. Nền kinh tế trở lại tình trạng đình đốn như trước. Điều này chúng ta càng thấy rõ hơn sau này, khi xã hội từng bước chuyển sang kỷ nguyên công nghiệp.

Adam Smith (1723-1790)

Chính sách bảo hộ mậu dịch của phái trọng thương, như Adam Smith sau này phân tích về thương mại quốc tế giữa nước Anh và Pháp, không hề giúp ích gì cho nền sản xuất nội địa, mà chỉ làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, thu nhập thực tế của người lao động sản xuất bị xói mòn, cho nên sức mua tổng cộng của người dân giảm xuống. Điều này lại làm cho hàng hóa khó được tiêu thụ và tất yếu ảnh hưởng đến năng suất sản xuất toàn xã hội[3]. Đấy là chưa kể, ở khắp các nước xuất hiện tràn lan tình trạng nhập khẩu bất hợp pháp hoặc giả mạo giấy tờ hải quan, đi kèm với các băng đảng tội phạm.

Học thuyết trọng thương một mặt có ưu điểm là hạn chế, dù chưa toàn diện, các phường hội nghề nghiệp[4] để mở rộng khung hoạt động tự do cho tư nhân, đồng thời bãi bỏ dần chế độ hải quan giữa các lãnh địa trong một quốc gia[5]. Nhưng mặt khác, nhược điểm của nó thì rất nhiều. Nó đòi hỏi sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước lên quá trình phát triển kinh tế. Các ngành sản xuất mang lại lợi nhuận cao đều ở trong tay nhà nước hoặc các lãnh chúa trong guồng máy cai trị của vương triều phong kiến. Người dân bình thường, vốn dĩ chiếm 90% dân số, không được dự phần tương ứng với sự tăng trưởng của cải. Thành phần hưởng lợi chủ yếu của chính sách trọng thương là vương triều, lãnh chúa, giáo hội, các doanh nghiệp ưu đãi, nhất là doanh nghiệp có ít nhiều liên hệ với giới cầm quyền.

Học thuyết trọng thương vì thế đã kìm hãm sức bật của nền kinh tế châu Âu, mà đúng ra xã hội lúc đó có thể đạt được. Nhìn lại tình hình châu Âu cuối thế kỷ 16, vàng bạc, súc vật, giống cây trồng quí hiếm được mang về ồ ạt từ các vùng đất mới, nhất là Nam Mỹ. Nếu có sự phân bố của cải hợp lý, thì có lẽ phồn vinh xã hội đã được nâng lên đáng kể ngay từ cuối thế kỷ 16. Bên cạnh đó, chính sách kinh tế trọng thương đã kìm hãm sức sản xuất toàn xã hội. Theo lý thuyết kinh tế vĩ mô, khi số lượng tiền tệ lưu thông – ở đây là vàng bạc – được nâng cao nhanh chóng, trong lúc sức sản xuất, thể hiện qua số lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, không được tăng trưởng tương ứng, thì nạn lạm phát tất yếu sẽ xảy ra. Người dân đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Khi nói đến thời đại khai sáng bắt đầu từ thế kỷ 17, không ít người nghĩ rằng đó là một thế kỷ huy hoàng, giàu sang, công bằng với cuộc sống đáng mơ ước. Không phải vậy! Thế kỷ 17 chỉ mới là bước khởi đầu để chuẩn bị đưa xã hội châu Âu ra khỏi tình trạng ảm đạm đã kéo dài từ hàng ngàn năm trước. Trên ngưỡng cửa thế kỷ 18, việc sản xuất nông nghiệp vẫn còn là lĩnh vực quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế các nước châu Âu. Phải đợi đến giữa thế kỷ 18, cuộc sống người dân mới bắt đầu khởi sắc, nhưng nếu gọi là xã hội phồn vinh thì phải đợi đến giữa thế kỷ 19, khi cuộc cách mạng công nghiệp đã bước vào giai đoạn thăng hoa.

C. P. Duclos (1704-1772)

Về đời sống tinh thần, triết gia người Pháp Charles P. Duclos viết năm 1750: “Những người sống cách xa kinh đô chừng một trăm dặm, vẫn còn lối suy nghĩ và hành động lạc hậu của thế kỷ trước”. Hoặc như Voltaire diễn tả vào năm 1771 một hình ảnh cực đoan hơn về đời sống vật chất: “Một nửa thế giới được định cư bởi những con thú hai chân, sống trong điều kiện khủng khiếp gần như nguyên thủy, đấu tranh khổ cực cho miếng ăn manh áo, có thể là họ hưởng thụ khoái cảm được ăn nói, nhưng đồng thời cũng cảm nhận rõ ràng là mình bất hạnh, sống và chết mà thực tế không hề ý thức được điều đó[6].

Cho đến hậu bán thế kỷ 18, nền kinh tế trong mỗi nước, ngoại trừ Hà Lan, đều chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Thành phố, đặc biệt ở Đông Âu, vốn rất ít, nhỏ và cô lập vì tình trạng giao thông chưa phát triển. Thí dụ như ở Hungary vào thập niên 1780, tổng số dân các thành thị cộng lại chỉ có 356.000, tương đương với một nửa Paris. Ở Bohemia, không có thành phố nào đông hơn 10.000 người, ngoại trừ Praha. Warsaw, kinh đô Ba Lan, có dân số chưa tới 30.000 người. Sự phát triển thị thành Tây Âu có phần cao hơn. Ngoài Paris với dân số gần nửa triệu, Pháp lúc ấy có hơn 10 thành phố với dân số cao hơn 30.000 người, Tây Ban Nha và Ý có 9 thành phố đông hơn 40.000 dân. Tuy thế, ngay ở Pháp, 85% dân số vẫn sống trong những làng nhỏ với 2.000 người hoặc ít hơn, và vẫn chưa có dấu hiệu gì về một sự bùng nổ dân số thị thành[7], vốn dĩ là dấu hiệu của sự phát triển sản xuất công nghiệp.

Đời sống vật chất của người dân thể hiện rõ qua tình trạng y tế trong toàn xã hội, ảnh hưởng đến tuổi thọ trung bình của dân chúng. Bảng thống kê sau đây cho thấy tuổi thọ trung bình của một đứa trẻ sơ sinh. Qua đó, chúng ta thấy mức sống người dân lúc bắt đầu thế kỷ 18, với tuổi thọ trung bình 27 năm, vẫn còn rất thấp. Dần dần trong thế kỷ 18, khi học thuyết trọng thương bắt đầu bị đẩy lùi bởi học thuyết trọng nông và sau đó là sự lên ngôi của chủ nghĩa kinh tế tự do, tình hình kinh tế mới bắt đầu khởi sắc, đời sống vật chất được cải thiện, thể hiện qua tuổi thọ trung bình được nâng lên ngày càng cao.

Tuổi thọ trung bình của trẻ mới sinh

Trước 1600

8 tuổi

1600 – 1650

13 tuổi

1650 – 1700

27 tuổi

1700 – 1750

31 tuổi

1750 – 1800

40 tuổi

Nguồn: H. J. Störig trang 428

Tình trạng chậm tiến ấy là hậu quả của chính sách kinh tế trọng thương sai lầm. Người châu Âu đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng để vươn lên sớm hơn. Với lượng của cải cướp được hoặc mua với giá rẻ mang về từ các thuộc địa, đặc biệt là từ châu Mỹ, các nước châu Âu đã tích lũy một số lượng tài sản khổng lồ chưa hề có trước đó. Chỉ cần một chính sách kinh tế phù hợp là họ có thể nhanh chóng nâng cao sản xuất, kích thích thương mại, tích lũy phồn vinh cho dân chúng, đưa xã hội nhanh chóng tiến lên, vượt ra khỏi kiếp sống nghèo khó thời trung cổ.

Đến tiền bán thế kỷ 18, những điểm yếu của học thuyết trọng thương ngày càng bộc lộ rõ hơn qua nhiều đình đốn của nền kinh tế quốc gia. Các học giả khai sáng bắt đầu lên tiếng công kích chính sách kinh tế chỉ phục vụ cho một nhóm người ưu đãi, chứ không phục vụ cho số đông dân chúng, đặc biệt là nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và giới lao động lương thấp.

… Đến tiền đề cho một lý thuyết tiền tệ

J. B. Say (1767−1832)
Léon Walras (1834-1910)

Người đầu tiên phê phán học thuyết trọng thương một cách có hệ thống là nhà kinh tế tài chính ngân hàng người Ái Nhĩ Lan, Richard Cantillon. Tư tưởng của ông đã đặt nền móng cho việc phân tích hoạt động kinh tế dựa trên lý thuyết vòng tuần hoàn tiền tệ. Ông làm những phác họa đầu tiên về vòng quay tiền tệ, từ đó phát hiện công dụng của tốc độ quay lên nền kinh tế vĩ mô. Tư tưởng của Cantillon về bản chất của tín dụng, vốn dĩ đặt nền tảng trên sự gia tốc vòng tuần hoàn tiền tệ, đã chi phối nền tài chính ngân hàng cho đến ngày nay.

Richard Cantillon có thể được xem là lý thuyết gia kinh tế đầu tiên của châu Âu mà tư tưởng đã ảnh hưởng sâu đậm lên các thế hệ về sau, từ François Quesnay, Adam Smith, cho đến Jean-Baptiste Say, Léon Walras. Cả lý thuyết gia kinh tế Friedrich August von Hayek thuộc trường phái Áo cũng dịch sách kinh điển[8] của Cantillon ra tiếng Đức vào năm 1931. Thuật ngữ “hiệu ứng Cantillon” vẫn còn được các kinh tế gia ngày nay sử dụng khi phân tích các cuộc khủng hoảng tiền tệ.

Cantillon bài bác học thuyết trọng thương và cho rằng, việc tích lũy vàng bạc mà không sử dụng nó vào các dự án đầu tư sản xuất, thì hiệu ứng cũng tai hại như việc bơm tiền vô tội vạ vào thị trường tài chính. Ở đây, Cantillon đã lý giải rất minh bạch phương cách mà sự mở rộng khối lượng lượng tiền tệ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế như thế nào. Ông lý luận rằng, việc bơm thêm tiền vào thị trường tài chính trước hết có thể làm cho nền kinh tế hưng thịnh trong một thời gian, nhưng nó không bền vững và không sớm thì muộn sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế.

Richard Cantillon (1680–1734)

Là nhà lãnh đạo ngân hàng, nơi hưởng lợi sớm nhất và nhiều nhất của tình trạng tràn ngập tiền tệ, Cantillon đã thấy rất sớm hiệu ứng tai hại của sự phân bố phồn vinh bất hợp lý nảy sinh từ nạn lạm phát tất yếu sẽ xảy ra. Ông chỉ ra rằng, lượng tiền được bơm vào thị trường không hề được phân bố đồng thời và đều khắp trong các ngành kinh tế và trong dân chúng. Lĩnh vực hưởng lợi trước hết là ngân hàng và các trung tâm tài chính lớn. Bên ngoài khu vực đó, doanh nhân nào có sẵn nhiều của cải và vì thế có thể tiếp cận sớm đến nguồn tín dụng sẽ hưởng lợi nhờ sử dụng tín dụng để mua hàng hóa và dịch vụ lúc giá cả còn thấp. Người nào không có của cải để thế chấp hoặc tiếp cận đến tín dụng chậm hơn sẽ phải mua hàng và dịch vụ với giá cao. Cho nên, tình trạng lạm phát nảy sinh do sự tràn ngập tiền tệ tất yếu khoét sâu hố ngăn cách giữa giàu và nghèo.

L. von Mises (1881-1973)

Hiệu ứng Cantillon được kinh tế gia hàng đầu của Áo, Ludwig von Mises tóm tắt như sau: “Lạm phát và bùng nổ tín dụng, vốn dĩ là phương pháp quen thuộc của các nhà nước ngày nay, không làm cho nguồn lực kinh tế tăng lên. Nó làm cho một số người giàu có hơn, nhưng điều đó chỉ đạt được khi chính nó làm cho nhiều người khác phải nghèo hơn”. Kết luận của Mises không những đúng cho chính sách tiền tệ ở các nước tư bản phát triển ngày nay, mà cũng phản ảnh đúng tình trạng kinh tế châu Âu thế kỷ 17/18 dưới hệ lụy của học thuyết trọng thương.

Lý thuyết của Richard Cantillon rõ ràng là sự phê phán nghiêm khắc đối với học thuyết trọng thương, đặt ra nhiều nghi vấn không có câu trả lời cho chính sách kinh tế của các vương triều đương thời. Tiếc thay, ông bị những người ghen ghét sát hại trong tư gia ở Luân Đôn vào năm 1734, căn nhà bị đốt sạch, toàn bộ bản thảo các công trình nghiên cứu bị thiêu rụi, ngoại trừ một bản thảo còn lại duy nhất, do một sự tình cờ, còn được lưu truyền đến hôm nay. Đó là tác phẩm Essay on the Nature of Commerce in General nói trên, được người đời sau đánh giá là “chiếc nôi của ngành kinh tế chính trị học” hiện đại.

Được gợi cảm hứng bởi tư tưởng mới lạ của Richard Cantillon, các học giả khai sáng càng hăng hái lên tiếng chỉ trích chính sách kinh tế trọng thương. Cả triết gia khai sáng hàng đầu David Hume, vốn nổi danh trong lĩnh vực triết lý đạo đức học, cũng lên tiếng trên các diễn đàn kinh tế.

David Hume là một trong những người sớm phân biệt rạch ròi sự khác nhau giữa tiền tệ, vàng bạc và phồn vinh của quốc gia. Theo Hume, phồn vinh của quốc gia không thể được đo lường bởi số lượng vàng bạc nó có, mà phải căn cứ vào hàng hóa và dịch vụ mà quốc gia đó đã tạo ra[9], một luận cứ mà sau này chúng ta thường gặp trong các lý thuyết kinh tế hiện đại, thí dụ như khái niệm “tổng sản phẩm quốc nội” (GDP) ngày nay.

Bước đột phá đầu tiên: Thuyết trọng nông

Tư tưởng của Hume như thế đi ngược lại luận cứ căn bản mà các nhà kinh tế trọng thương đã hăng say quảng bá qua nhiều thế hệ. Các học giả khai sáng đã đánh trúng điểm yếu cơ bản của học thuyết trọng thương, nhưng họ vẫn chưa đưa ra được một lời giải nào hợp lý hơn, khả dĩ thay thế chủ thuyết đã lỗi thời. Phải đợi đến năm 1758, một học giả người Pháp đưa ra mô hình kinh tế có sức mạnh phá vỡ nền móng của học thuyết trọng thương vốn dĩ đã được thiết lập từ hơn hai trăm năm trước. Người đó là François Quesnay, một thành viên sáng giá của trào lưu khai sáng Paris.

François Quesnay (1694-1774) và Tableau Économique[10]

François Quesnay theo học đại học Paris ngành y khoa, thực vật học, hóa học, toán và triết học. Sau khi trình luận án về y học, ông hành nghề bác sĩ gần 40 năm với những chức vụ sáng giá mà một người bác sĩ có thể đạt được. Đến thập niên 1750, với công việc nhàn rỗi tại Versailles trên cương vị bác sĩ riêng của vua Louis XV, Quesnay không soạn thảo thêm một khảo luận nào về y khoa, mà chỉ tập trung nghiên cứu triết học, kinh tế học và nông nghiệp. Và thật là bất ngờ, các công trình của Quesnay trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp được người đương thời trọng vọng hơn lĩnh vực y khoa.

J. J. Rousseau (1712-1778)

Trên quan điểm triết học, Quesnay xem vũ trụ là hệ thống hoạt động theo một trật tự tự nhiên với các thành tố có đầy đủ các phẩm hạnh luân lý. Trong xã hội con người cũng thế, ở đó luôn luôn có một thế cân bằng tự nhiên cần được duy trì và bảo vệ. Nền kinh tế quốc gia, vốn dĩ là cấu trúc cơ bản của xã hội, cũng không nằm ngoài quy luật đó. Quesnay cho rằng, tự do sản xuất và kinh doanh của nông dân cần được luật pháp bảo vệ, có như thế, trật tự tự nhiên của toàn xã hội mới được bảo đảm. Quesnay từ chối mọi sự can thiệp của nhà nước lên quá trình hoạt động kinh tế. Đấy cũng chính là bước khởi đầu trong cuộc đấu tranh phá bỏ phương thức sản xuất phong kiến đương thời, góp phần làm cho ý thức cách mạng ngày càng được nâng cao trong xã hội Pháp. Nếu Jean Jacques Rousseau có ảnh hưởng to lớn về mặt tư tưởng chính trị lên cuộc cách mạng năm 1789, thì François Quesnay với thuyết trọng nông cũng có ảnh hưởng không kém về mặt kinh tế.

Xuất thân từ một bác sĩ, François Quesnay hiểu nguyên lý hoạt động của cơ thể con người dựa vào vòng tuần hoàn máu: quả tim bơm máu sạch để nuôi các cơ quan nội tạng và máu lại trở về tim để lọc chất độc, và cứ thế tiếp tục. Theo Quesnay, kinh tế quốc gia cũng phải hoạt động theo nguyên lý tương tự, trong đó nhà sản xuất – tức người cung cấp sản phẩm – và người tiêu thụ là hai tác nhân quan hệ với nhau trong một vòng tuần hoàn kinh tế, trong đó tiền tệ hoặc vàng bạc của cải chỉ là phương tiện để mọi tác nhân trao đổi hàng hóa và dịch vụ lẫn nhau. Lối phân tích của Quesnay trên quan điểm vòng tuần hoàn kinh tế đánh dấu bước đột phá về mặt khoa học, đồng thời lót đường cho sự thành hình và phát triển môn kinh tế chính trị học cổ điển.

Nếu như Richard Cantillon chỉ chú ý đến kinh tế tài chính, thì François Quesnay là người đầu tiên nghiên cứu kinh tế vĩ mô và đã phác họa một mô hình biểu diễn cơ chế hoạt động của nền sản xuất nông nghiệp quốc gia. Lúc ấy, 85% dân số Pháp đều sống ở nông thôn và kiếm sống bằng lao động sản xuất nông phẩm trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Đại đa số là nông nô nghèo, hoàn toàn phụ thuộc vào đất đai, dụng cụ, giống và phân bón do chủ nô cung cấp. Đến vụ mùa, họ phải nộp lại cho chủ nô một nửa mùa màng thu hoạch được.

Khác với lý thuyết trọng thương, Quesnay cho rằng, đất đai và việc sản xuất nông nghiệp là nguồn gốc duy nhất để nâng cao phồn vinh của quốc gia. Những người trọng nông cổ xúy việc bãi bỏ thuế quan và các quy định cản trở thương mại tự do cho từng cá nhân trong xã hội. Thay vì xem phồn vinh xã hội là do việc tích lũy vàng bạc mang lại, François Quesnay chỉ ra rằng phồn vinh là kết quả của lao động toàn xã hội, và trong bối cảnh giữa thế kỷ 18 ở Pháp, đó chính là lao động sản xuất trong nông nghiệp[11]. Thuật ngữ “trường phái trọng nông[12]ra đời trong bối cảnh đó. Luận thuyết của Quesnay được sự ủng hộ của rất nhiều môn đệ trung thành ở Pháp, Đức và Anh, những người tự nhận mình là thành viên của trường phái kinh tế mới: trọng nông.

François Quesnay cực kỳ tin tưởng vào công trình nghiên cứu của mình và thường xuyên nhắc nhở môn đệ rằng, việc cải tổ nền kinh tế quốc gia theo mô hình biểu kinh tế sẽ khai thông mọi bế tắc từ trước. Ông nói: “Đó là một công trình lao động hoàn mỹ, nhưng còn xa lạ đối với nhân loại cho đến ngày hôm nay. Từ biểu kinh tế đó, người ta có thể dễ dàng nhận thấy những dịch chuyển hữu ích và vô ích trong quá trình luân lưu tiền tệ, cũng như nhận thấy những định kiến buồn cười của cả quốc gia chung quanh những vấn đề đó.”[13]

Ngay cả Karl Marx một trăm năm sau cũng thừa nhận rằng, biểu kinh tế của Quesnay “là một khám phá cực kỳ lỗi lạc, không có gì nghi ngờ để nói rằng nó lỗi lạc nhất, mà kinh tế chính trị học trước nay chưa đề cập đến”[14].

Trên báo chí, có người còn ca ngợi biểu kinh tế như là khám phá quan trọng thứ ba của nhân loại, chỉ đứng sau sự khám phá chữ viết và tiền tệ. Nhận xét đó có vẻ cường điệu, nhưng trong bối cảnh lịch sử kinh tế thế kỷ 18, khi chưa có một lý thuyết nào khác khả dĩ giải quyết nền kinh tế vĩ mô một cách trọn vẹn, thì công trình của Quesnay cũng xứng đáng được xem là ngôi sao bắc đẩu trên bầu trời u tối của kinh tế học châu Âu.

Sự đóng góp của François Quesnay vào lịch sử kinh tế nhân loại chắc chắn sẽ to lớn hơn nhiều, nếu ông không phạm phải một giới hạn sai lầm. Quesnay xây dựng lý thuyết của mình dựa vào sự quan sát hàng ngày của nền kinh tế Pháp, vốn dĩ còn trong tình trạng sản xuất nông nghiệp và chưa có dấu hiệu gì về một sự chuyển biến để bước qua xã hội công nghiệp. Vì thế, chỉ trong vòng 20 năm sau, khi nền sản xuất công nghiệp từng bước được thành hình ở Anh và nhanh chóng lan tỏa ra mọi vùng trên lục địa châu Âu, mô hình kinh tế của François Quesnay không thể áp dụng được và biểu kinh tế của ông cũng nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Nhưng không sao! Nguyên lý chủ đạo của thuyết trọng nông vẫn còn giá trị lâu dài. Sáng kiến của Quesnay về vòng tuần hoàn kinh tế, về sản phẩm ròng[15], về vai trò trung tâm của người lao động sản xuất trong guồng máy kinh tế, đã gây cảm hứng cho một học giả xuất sắc kế tục và triển khai, để từng bước xây dựng một nền tảng mới cho lý thuyết kinh tế tự do, khả dĩ đủ mạnh để hạ bệ học thuyết trọng thương và giải phóng sức lao động của nền kinh tế quốc gia trong kỷ nguyên công nghiệp. Vị học giả đó là Adam Smith người Tô Cách Lan.

./.

Đón xem những bài tiếp theo:

II. Bắt đầu chủ nghĩa tự do

III. Adam Smith khai sinh lý thuyết kinh tế cổ điển

IV. Những tư tưởng cốt lõi của Adam Smith

Xem thêm cùng tác giả:

Những bài viết về Thời Đại Khai Sáng

Những bài viết về lịch sử, kinh tế và các đề tài khác

Tài liệu tham khảo

  1. Anikin, Andrej: Der Weise aus Schottland. ISBN 3-349-00647-7 (Vị học giả xứ Tô Cách Lan). Günter Wermusch dịch từ nguyên tác tiếng Nga.
  2. Brinton, Crane (1), Christopher, John B. và Wolff, Robert Lee: A history of civilization – 1715 to the present. ISBN 0-13-389593-9. (Lịch sử văn minh – 1715 đến hôm nay).
  3. Châtelet, François chủ biên: Geschichte der Philosophie Band IV – Die Aufklärung (Lịch sử triết học tập IV – Khai sáng). ISBN 3-548-03063-7. (Eva Brückner-Pfaffenberger và Donald Watts Tuckwiller dịch từ gốc tiếng Pháp: Les Lumières).
  4. Gay, Peter: The enlightenment: An Interpretation. The science of freedom (Dẫn luận về khai sáng – Khoa học của tự do). ISBN 0-393-00875-4.
  5. Hampson, Norman: The Enlightenment – An evaluation of its assumptions, attitudes and values (Khai sáng – Đánh giá những giả thuyết, quan điểm và giá trị). ISBN 0-14-013745-9.
  6. Hazard, Paul (1): Die Krise des Europäischen Geistes 1680-1715 (Khủng hoảng lương tâm ở châu Âu 1680-1715). NXB Hoffmann und Campe Hamburg 1939 (Harriet Wegener dịch từ tiếng Pháp: La Crise de la Conscience Européenne 1680-1715).
  7. Hazard, Paul (2): European Thought in the Eighteenth Century (Tư tưởng châu Âu thế kỷ 18). Pelican Book 1965 (J. Lewis May dịch từ tiếng Pháp: La Pensée européenne au XVIIIè siècle: de Montesquieu à Lessing).
  8. Hobsbawm, Eric J.: Industry and Empire. ISBN 0-1402-0898-4. (Công nghiệp và Đế quốc).
  9. Linss, Vera: Die wichtigsten Wirtschaftsdenker (Những nhà tư tưởng kinh tế quan trọng nhất). ISBN 978-3-86539-922-9.

10.    McGee, Robert W.: The Economic Thought of David Hume: A Pioneer in the Field of Law & Economics (Tư tưởng kinh tế của David Hume: người tiên phong trong lĩnh vực luật pháp và kinh tế). Researchgate.net, May 2005.

11.    Störig, Hans Joachim: Weltgeschichte der Wissenschaft (Lịch sử khoa học thế giới). ISBN 3-89350-519-9.

12.    Skousen, Mark: The Big Three in Economics (Ba nhân vật vĩ đại của kinh tế). ISBN 0-7656-1694-7 hoặc 978-0-7656-1694-4.

13.    Smith, Adam: An Inquiry into the nature and causes of the wealth of nations (Khảo sát bản chất và nguồn gốc sự phồn vinh của các quốc gia). ISBN 978-01-9283-546-8 hoặc 01-9283-546-7.

14.    Starbatty, Joachim: Klassiker des ökonomischen Denkens (Những tác giả kinh điển về tư tưởng kinh tế). ISBN 978-3-86820-126-0.

15.    Ziegler, Walther (SMITH): Smith trong 60 phút. Nhà xuất bản Hồng Đức và Văn Lang 2019. ISBN 978-604-9948-30-5. Tủ sách “Những nhà tư tưởng lớn” (Tôn Thất Thông dịch từ bản tiếng Đức: Smith in 60 Minuten. ISBN 978-3-7347-8157-5).

Nguồn: Thời đại khai sáng và cách mạng kinh tế (1): từ học thuyết trọng thương đến trọng nông, DienDanKhaiPhong.Org




Chú thích:

[1] Mercantilism – Merkantilismus

[2] Louis XIV (1638-1715) là vị vua độc đoán nhất nước Pháp trong thời cận đại. Ông nổi tiếng với câu nói L´État c´est moi (Quốc gia chính là ta).

[3] Xem thêm W. Ziegler (SMITH), trang 44-46.

[4] Guild – Zunft.

[5] Thí dụ ở Đức trong thế kỷ 18 có hơn 30 lãnh địa bị cai trị bởi chừng đó lãnh chúa cát cứ địa phương. Mỗi lãnh địa có một hệ thống thuế má khác nhau với hàng rào quan thuế riêng. Thương nhân chuyên chở hàng hóa từ Bayern ở Nam Đức để lên Hamburg ở Bắc Hải phải đi qua hơn 10 trạm thuế.

[6] Xem P. Gay trang 4.

[7] Xem N. Hampson trang 45.

[8] Essay on the Nature of Commerce in General (Abhandlung über die Natur des Handels im Allgemeinen: Khảo sát tổng quát bản chất của thương mại).

[9] Xem R. W. McGee trang 2 và 6.

[10] Từ nay tạm dịch là Biểu kinh tế.

[11] Xem V. Linss trang 19-22.

[12] Physiocracy – Physiokratismus.

[13] Xem Giorgio Gilibert trong J. Starbatty, trang 117.

[14] Xem Giorgio Gilibert trong J. Starbatty, trang 118.

[15] Theo thuyết trọng nông, sản phẩm ròng tương đương với toàn bộ đầu ra của nền kinh tế quốc gia trừ bớt chi phí sản xuất. Đó mới chính là của cải quốc gia, chứ của cải không phải là vàng bạc được tích lũy như thuyết trọng thương đã đề ra.

Print Friendly and PDF