20.8.21

Chìa khóa để hiểu rõ những đồ thị đã phát triển mạnh trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19

CHÌA KHÓA ĐỂ HIỂU RÕ NHỮNG ĐỒ THỊ ĐÃ PHÁT TRIỂN MẠNH TRONG THỜI KỲ DỊCH BỆNH COVID-19

Émilien Schultz

Hơn bất kỳ sự kiện nào trước đây, dịch bệnh Covid-19 là sự kiện của các đường cong, biểu đồ, bản đồ và nhiều kỹ thuật trực quan hóa khác – “dataviz” đối với những người quen thuộc. Một tính đặc biệt góp phần hình thành nhận thức về tình hình. Thế nên, ngay từ những bước đầu tiên vào làm việc tại Bộ Y tế, Olivier Véran đã vẽ trực tuyến một biểu đồ để biện minh cho chiến lược “làm phẳng đường cong” của chính phủ.

Được nhiều tác nhân khác nhau, từ các định chế công cộng và khoa học cho đến người nghiệp dư, vận dụng việc lưu hành các đồ thị trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Vì sao lại xảy ra tình trạng tràn ngập các biểu diễn hiển thị hoá như thế? Các biểu trưng dịch bệnh đó đang chiếm vị trí nào và hệ quả của chúng lên cách thức xem xét những thách thức về quản lý y tế là gì?

Các kỹ thuật trực quan hóa rất hữu ích để tạo ra ý nghĩa

Dịch bệnh Covid-19 đã được cụ thể hóa trong một bối cảnh đa dạng các tình huống, các trải nghiệm và hình ảnh khác nhau, dẫn đến việc nhân bội các con số cho phép biểu đạt lại chúng. Một số chỉ báo đã nhanh chóng trở thành tâm điểm để xây dựng một ý tưởng tổng quát về hiện tượng: số ca lây nhiễm được phát hiện, tỷ lệ dương tính trong các xét nghiệm, số ca nhập viện, số ca tử vong, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin, v.v.. Sau đó, chúng được chuyển hóa thành biểu đồ tin học các loại, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền thông, phân tích và giúp cho biết diễn tiến các sự kiện.

Các kỹ thuật trực quan hóa đó đã được Internet, báo chí và các diễn đàn trên truyền hình chuyển tiếp hình ảnh ở một quy mô chưa từng có. Đến mức, như một bài báo trên tờ Le Monde đã nhận xét, “các bản đồ [về dịch bệnh], dù là kết quả của trí tưởng tượng hoặc tính nghiêm túc bi thảm, đã tạo nên bối cảnh nền cho đời sống hàng ngày của chúng ta dưới thời Covid-19”.

Còn một phong trào cũng gắn với việc nhân bội các bảng theo dõi (“dashboards”) [tình hình Covid-19] của các cơ quan quản lý y tế quốc gia, chẳng hạn như Santé Publique France [cơ quan quản lý y tế nước Pháp], hoặc của các ứng dụng cá thể chẳng hạn như Covid tracker: bằng ấy công cụ làm công việc tóm tắt tình hình Covid-19 ở cấp độ quốc gia, thông qua một số biểu đồ có chọn lọc.

Trong những tình huống hết sức phức tạp, như các kỹ thuật mô hình hóa dịch bệnh, các đồ thị biểu trưng này giữ vai trò trung tâm trong phân tích. Từ nay, chúng là một phần không thể thiếu trong cách thức biểu trưng tình hình, đến cả trong các phép ẩn dụ được sử dụng – ví dụ, giống như Olivier Véran, chúng ta nói đến việc “làm phẳng đường cong”.

... Nhưng các kỹ thuật trực quan hóa cũng không phải là không có hệ quả

Song, các bản đồ và đường cong nói trên không mang tính trung lập: chúng là bằng chứng của những lựa chọn trong việc thiết lập chúng, và vẽ ra các cấu hình quyền lực. Như những người điều phối một công trình gần đây về các kỹ thuật trực quan hóa dữ liệu trong xã hội đã nhận xét:

Kỹ thuật trực quan hóa dữ liệu là một công nghệ, hoặc một tập hợp các công nghệ, giống như những thiết bị như đồng hồ, la bàn, bàn tính gảy hoặc bản đồ, chuyển hóa cách thức mà chúng ta nhìn thế giới và cách thức mà chúng ta quy chiếu về thực tế.” (Bản dịch của tác giả)

Do có thế mạnh thành công, chúng hiện diện ở khắp nơi. Thực vậy, các kỹ thuật trực quan hóa được liên kết với tính chặt chẽ của cách tiếp cận khoa học và tính vững chắc của dữ liệu. Vì thế, các nhà nghiên cứu, ngay cả những người bị bàn luận nhiều nhất, cũng đưa chúng lên hàng đầu. Và nếu còn phải tìm hiểu điều gì đó có thể giúp hiểu rõ hơn mức độ ảnh hưởng của các kỹ thuật trực quan hóa trong không gian công cộng, thì các nghiên cứu về việc hiển thị hoá (sử dụng các đồ thị biểu diễn để hiển thị hóa dữ liệu, hay graphicacy trong tiếng Anh) cũng cho thấy lợi ích của các kỹ thuật đó trong việc ra các quyết định. Vậy nên, các kỹ thuật trực quan hóa là một giải pháp giúp cảm nhận được các hiện tượng phức tạp, khó chia sẻ theo những cách khác, như các tình trạng không chắc chắn về rủi ro.

Tuy nhiên, vì tính chính đáng và “hiệu ứng khách quan” này, mà các kỹ thuật trực quan hóa cũng thường xuyên bị công cụ hóa. Điều này đã xảy ra trong truyền thông chính trị. Với một số biểu trưng có thể thiếu cơ sở, hoặc những bản đồ được sử dụng để tạo ra sự hoang mang đạo đức về nguy cơ bùng nổ dịch bệnh sau Lễ hội Carnaval ở Marseille. Nhưng cũng xảy ra trong truyền thông của các nhóm phản đối xã hội, những người chỉ trích các phân tích của các cơ quan quản lý y tế công cộng bằng cách lưu hành các kỹ thuật “phản trực quan hóa” riêng của họ, khi dữ liệu được xác lập phục vụ cho việc tạo tin tưởng cho những luận điểm ít được xác lập bằng.

Phân biệt các kỹ thuật trực quan hóa tốt và xấu

Bởi vì ngay cả khi các con số và dữ liệu được sử dụng đều vững chắc, thì cách trình bày chúng không nhất thiết mang tính vững chắc.

Muốn hiểu rõ hơn bản chất các kỹ thuật trực quan hóa được thực hiện trên chủ đề Covid-19, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một phân tích định lượng bằng cách sử dụng các thuật toán phân loại. Họ đã xác định được tám kỹ thuật trực quan hóa khác nhau: đường cong, vùng được tô màu, biểu đồ thanh đứng, biểu đồ hình tròn, bảng biểu, bản đồ và cuối cùng là hình ảnh và các bảng theo dõi [dashboards] phức tạp nhất.

Không có kỹ thuật trực quan hóa nào tốt hơn cái nào, một cách tuyệt đối, bởi vì cần phải biết cách thích ứng với chủ đề và dữ liệu của mình. Nếu các tiêu chí của một kỹ thuật “trực quan hóa tốt” không được định nghĩa, thì người ta vẫn biết cách nhận diện các kỹ thuật trực quan hóa xấu. Julia Dumont, thuộc hợp tác xã Datactivist chuyên về dữ liệu mở, đã liệt kê trong thẻ băm hashtag #nifnaf (không làm, cũng không nên làm) một vài kỹ thuật trực quan hóa có vấn đề, chỉ ra các độ chênh ​​và sai sót của các kỹ thuật này.

Trong số nhiều vấn đề được nhận diện, có: tình trạng thiếu nhất quán giữa các dữ liệu của cùng một kỹ thuật trực quan hóa, tình trạng thiếu thông tin về những gì được biểu trưng, những lựa chọn màu sắc đáng ngờ, những so sánh không có ý nghĩa hoặc tạo ra một hiệu ứng trực quan không thích đáng. Ví dụ như việc lựa chọn một quy mô địa lý có nguy cơ xóa bỏ tính đa dạng thực tế của tình huống, chẳng hạn ở quy mô một thành phố.

Một bản đồ được tô toàn bằng màu xanh lá không cho biết bất cứ điều gì, và những con số không tượng trưng cho bất cứ điều gì lại được viết quá nhỏ để đọc được. Tham luận của Olivier Véran trên BFMTV/@ blandinelc

Cùng một thông tin, chẳng hạn như số ca tử vong, có thể được biểu diễn theo nhiều cách khác nhau: với các dạng biểu đồ khác nhau (một đường cong hay một biểu đồ các thanh liên tiếp?), hoặc sử dụng những chỉ báo khác nhau (giá trị tuyệt đối hoặc giá trị tương đối?). Cần nhận diện kỹ thuật thích đáng nhất, bằng cách tuân theo một số quy tắc thực hành tốt đang được sử dụng. Ngoài việc chuẩn hóa, sức mạnh của các kỹ thuật trực quan hóa phần lớn dựa trên chiều kích sáng tạo, một đảm bảo về khả năng thích ứng với nhiều tình huống khác nhau.

Baptiste Coulmont (1974-)

Chiều kích sáng tạo này nằm ở trung tâm của kỹ thuật trực quan hóa động, theo đề xuất của Baptiste Coulmont, giáo sư về xã hội học tại Đại học ENS Paris-Saclay, khi ông báo cáo về một chủ đề được tranh luận nhiều trong năm qua: tỷ lệ tử vong quá cao liên quan đến dịch bệnh. Tỷ lệ tử vong biến động theo từng ngày trong tuần, theo từng tuần trong năm và theo năm tháng, làm nổi bật các biến thiên. Để làm hiện lên tác động của dịch bệnh, Viện Thống kê Pháp (Insee) đã sử dụng một biểu trưng hình tròn (hệ toạ độ cực) các dữ liệu. Điều này cho phép nhận biết tính chất chu kỳ của một số hiện tượng (theo quy mô của năm) lẫn hiệu ứng cộng dồn của tỷ lệ tử vong. Với sự tồn tại của các kỹ thuật trực quan hóa xuất sắc khác, thì một lần nữa, tính sáng tạo đã được chứng minh trong việc giải thích tóm tắt các thông tin phức tạp.

Đặt các kỹ thuật trực quan hóa trong bối cảnh của chúng

Tuy nhiên, kỹ thuật trực quan hóa chỉ là một bước trong chu kỳ lâu dài các dữ liệu dựa trên một cơ sở hạ tầng thường mang tính vô hình. Việc huy động các hiệp hội và các nhà chuyên môn đã cho phép truy cập vào nhiều tập hợp dữ liệu chính thức về dịch bệnh, từ đó không chỉ mở ra khả năng phổ biến dưới hình thức biểu đồ … mà còn cả khả năng kiểm định. Sự tiếp cận này rất quan trọng bởi vì nó cho phép thay đổi những lựa chọn luôn mang tính chủ quan đằng sau các kỹ thuật trực quan hóa đã được thực hiện.

Việc sử dụng các kỹ thuật trực quan hóa một cách sáng suốt đòi hỏi không chỉ có khả năng đọc được các kỹ thuật đó, mà còn phải định vị chúng trong bối cảnh rộng lớn hơn của việc tạo ra các dữ liệu ban đầu, phân tích và sử dụng chúng trong việc đưa ra quyết định về quản lý y tế công cộng. Vì thế, cần phải bối cảnh hóa lại các kỹ thuật trực quan hóa, kể cả bối cảnh các quan điểm của các tác giả, lẫn bối cảnh các dữ liệu được sử dụng và cách thức phổ biến chúng. Để làm được điều này, có vẻ như cần phải làm việc nhiều hơn với các bên trung gian của dữ liệu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công dân có thể hiểu biết các thách thức và tham gia nắm bắt rõ hơn các kỹ thuật trực quan hóa nói trên.

Một biểu đồ đẹp không hàm ý mức độ nghiêm túc của phân tích được trình bày, và việc sử dụng các kỹ thuật trực quan hóa về Covid-19 phải được đặt trong bầu không khí tin tưởng tổng quát lớn hơn đối với các định chế quản lý y tế công cộng.

Bài báo này đã được suy nghĩ trên cơ sở hợp tác với hiệp hội làm trung gian với các dữ liệu DONUT Infolab ở Marseille và điều phối viên hiệp hội, Elise Méouchy, người ủng hộ sự minh bạch của thông tin, sự tiếp biến văn hóa của công dân đối với dữ liệu và chia sẻ kiến ​​thức.

Émilien Schultz

Émilien Schultz

Nhà nghiên cứu về xã hội học các khoa học và quản lý y tế, Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD)

Tuyên bố công khai

Émilien Schultz không làm việc, không tham vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kì công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không làm gì khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn:Les clefs pour comprendre ces graphes qui ont fleuri lors l’épidémie de Covid-19, The Conversation, ngày 04/08/2021

----

Bài có liên quan:

----

Có thể tham khảo:

Print Friendly and PDF