13.8.21

Ồ, thế có nghĩa là sao nhỉ? Một dẫn nhập ngắn vào triết học (Tóm tắt sách)

 

Ồ, THẾ CÓ NGHĨA LÀ SAO NHỈ? MỘT DẪN NHẬP NGẮN VÀO TRIẾT HỌC (TÓM TẮT SÁCH)

Vince Imbat


Trong cuốn What Does It All Mean? [nguyên văn: Rốt cuộc nó có nghĩa gì?; tựa Việt: Ồ, thế có nghĩa là sao nhỉ?], Thomas Nagel xem xét 9 vấn đề mà các triết gia đã và đang cố gắng trả lời trong suốt hàng nghìn năm qua. Nagel tin rằng tiếp cận những vấn đề này là cách tốt nhất để bắt đầu nghiên cứu triết học. Người đọc, như một triết gia nhập môn, được dẫn dắt vào những vấn đề ấy và những luận cứ phổ biến nhất về chúng. Trong cuộc thảo luận ấy, Nagel đồng thời đưa ra lập trường của riêng mình song lưu ý người đọc không nên dựa vào kết luận của ông. Thay vào đó, ông liên tục khuyến khích người đọc suy nghĩ về các vấn đề bằng lý lẽ của riêng mình.

Chương 1: Dẫn nhập

Tóm tắt chương: Triết học được nghiên cứu tốt nhất bằng cách tiếp cận các vấn đề triết học trước khi làm bất cứ gì khác.

Thomal Nagel (1937-)

Bắt đầu nghiên cứu triết học của bạn bằng cách suy nghĩ trực tiếp về các vấn đề. Suy xét một số đáp án khả dĩ và soi tìm cạm bẫy trong chúng. Làm xong, bạn sẽ sẵn sàng đọc tác phẩm của người khác hơn.

Triết học khác với khoa học hay toán học vì nó không dựa vào các thí nghiệm hay các phương pháp hình thức của chứng minh.

Mối quan tâm chính của triết học là chất vấn và hiểu sâu những ý tưởng rất phổ biến mà chúng ta cho là đương nhiên.

Triết học có thể khó vì khi người ta cố gắng nghiên cứu những ý tưởng càng cơ bản thì những công cụ sẵn có càng hiếm hoi. Một triết gia không thể giả định quá nhiều. Một triết gia không thể coi bất cứ điều gì là hiển nhiên.

Chương 2: Làm sao chúng ta biết được điều gì đó?

Tóm tắt chương: Để giải quyết vấn đề bằng cách nào bạn biết bất cứ điều gì, hãy nghĩ về (1) liệu có thực sự có một thế giới vật chất bên ngoài tâm trí của bạn hay tâm trí của bạn là thứ duy nhất hiện hữu, và (2) cân nhắc xem liệu có ổn không khi ta tin rằng có một thế giới bên ngoài ngay cả khi nó không hiện hữu.

Điều duy nhất bạn có thể chắc chắn là những gì bên trong tâm trí của chính bạn. 

Để kết luận sự hiện hữu của một thế giới vật chất bên ngoài tâm trí bạn vì bạn “cảm nhận” được thì đó là một mệnh đề yếu. Cố gắng chứng minh độ tin cậy của các giác quan bằng cách viện dẫn đến các giác quan ấy là suy luận vòng tròn |circular reasoning|. 

Hãy suy ngẫm về điều này: Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những trải nghiệm của bạn chỉ là một giấc mơ khổng lồ và không có thế giới bên ngoài ở ngoài nó? 

Nếu “giấc mơ khổng lồ” là có thật, thì bất kỳ chứng cứ nào bạn sử dụng để chứng minh rằng có một thế giới vật chất bên ngoài tâm trí bạn sẽ thực ra chỉ là một phần của “giấc mơ khổng lồ” ấy. 

Tất cả chứng cứ về điều có thể là một thế giới bên ngoài sẽ hiện ra trong đầu bạn. 

Suy ngẫm về điều này: Có thể rằng, không có thế giới vật chất nào bên ngoài tâm trí bạn cả. Có thể, chỉ có bạn, chủ thể của trải nghiệm, là thứ hiện hữu duy nhất. 

“Thuyết duy ngã” |solipsism| là quan điểm cho rằng tâm trí của bạn là thứ duy nhất hiện hữu. 

Thuyết duy ngã là một kết luận thiếu chắc chắn từ những chứng cứ chúng ta có. 

Quan điểm của Thomas Nagel: “Bạn không biết bất cứ điều gì ngoài những ấn tượng và trải nghiệm của mình.” Quan điểm này còn được gọi là “thuyết hoài nghi” |skepticism|. 

Một hình thức hoài nghi mạnh mẽ hơn cho rằng bạn không thể chắc chắn rằng bạn đã hiện hữu trong quá khứ bởi vì tất cả điều bạn phải trải qua là những gì hiện có trong tâm trí bạn. 

Luận cứ: “Có một thế giới vật chất bên ngoài tâm trí bạn bởi vì những trải nghiệm bên trong bạn có những nguyên nhân bên ngoài.” Câu trả lời của những người theo thuyết hoài nghi: “Ngay cả khi các nguyên nhân bên ngoài hiện hữu, ta không thể quan sát chúng trực tiếp. Chúng phải đi qua tâm trí. Làm sao ta có thể chắc chắn về tính chất và sự hiện hữu của chúng?” 

Khoa học không có câu trả lời cuối cùng cho việc có hay không một thế giới vật chất bên ngoài tâm trí bạn. Khoa học dựa vào sự quan sát thông qua các giác quan. Nếu chúng ta không thể thiết lập độ tin cậy của các giác quan, chúng ta không thể thiết lập độ tin cậy của khoa học. 

Thuyết kiểm chứng |verificationism| là niềm tin rằng nếu ta không thể nhìn được thế giới một cách đúng đắn thì quan điểm cho rằng các ấn tượng của ta không đúng là vô nghĩa. 

Theo thuyết kiểm chứng, nếu một thế giới vật chất bên ngoài tâm trí bạn không hiện hữu, thì điều có vẻ là ảo ảnh thực ra là nhận thức về thực tại. Thuyết kiểm chứng yêu cầu rằng thực tại là điều chúng ta có thể quan sát được. 

“Thuyết lấy cái tôi làm trung tâm” |egocentric predicament| là nan đề ta không thể nhìn thấy thực tại như nó vốn có vì ta bị mắc kẹt bên trong tâm trí của mình. 

Thật khó để thoát khỏi sự chấp nhận của chúng ta về sự hiện hữu của một thế giới vật chất bên ngoài tâm trí của mình.

Chương 3: Những tâm trí khác

Tóm tắt chương: Để giải quyết vấn đề liệu những tâm trí khác có hiện hữu hay không, (1) khám phá điều bạn thực sự có thể biết ngoài nội dung trong tâm trí mình, và (2) xem xét khả thể rằng có thể có ít hoặc nhiều đời sống ý thức hơn bạn giả định.

Trải nghiệm duy nhất bạn có thể thực sự có là trải nghiệm của chính bạn. 

Niềm tin của bạn rằng người khác có những trải nghiệm của riêng họ là dựa trên sự quan sát của bạn về hành vi của họ. Bạn không thể đi vào tâm trí của họ và tự mình trải nghiệm. 

Việc liệu hai người có thể có cùng một trải nghiệm giống hệt nhau hay không là không chắc chắn. 

Sự khác biệt về thể chất và các yếu tố khác có thể góp phần vào sự khác biệt trong trải nghiệm. 

Sự khác biệt về trải nghiệm giác quan giữa con người có thể có tính hoặc không có tính cơ bản. Ta không thể biết 100%. 

Những trải nghiệm của con người có thể hoàn toàn khác nhau. 

Kết luận cơ bản: Bởi vì bạn không thể trực tiếp trải nghiệm những cuộc sống tâm thức của người khác, việc kết luận rằng những tâm trí khác không hiện hữu có thể là hợp lý. 

Nếu những tâm trí khác không hiện hữu, hành vi vật lý của họ là do các yếu tố vật lý gây ra. 

Bạn không thể chắc chắn 100% rằng các tâm trí khác hiện hữu chỉ vì thấy người khác hành động và nói chuyện. Bạn không thấy mối liên hệ giữa trải nghiệm nội tâm của người khác và hành vi của họ “một cách trực tiếp”. 

Để tin “ngay lập tức” rằng những tâm trí khác hiện hữu chỉ vì điều đó “có vẻ” hiển nhiên là dựa vào trực giác, không phải tri thức. 

Nếu bạn chấp nhận rằng có những người khác cũng có tâm trí, thì bạn nên sẵn sàng chấp nhận rằng động vật, thực vật, tế bào, những thứ vô sinh và thậm chí cả máy móc cũng “có thể” có tâm trí nữa. 

Cách duy nhất bạn có thể chắc chắn rằng những người khác, các sinh vật khác và những vật thể khác có tâm trí là quan sát “trực tiếp” các mối tương quan giữa trải nghiệm bên trong và biểu hiện thể chất của họ. Vì chúng ta không có bất kỳ năng lực nào để quan sát những mối tương quan này “trực tiếp”, chúng ta không thể chắc chắn 100% về sự hiện diện hay không hiện diện của những tâm trí khác.

Chương 4: Vấn đề Tâm trí – Cơ thể

Tóm tắt chương: Dường như có hai trạng thái xảy ra bên trong một người: trạng thái tâm thức và trạng thái thể chất. Làm sao các trạng thái này tương tác và liệu chúng có loại trừ lẫn nhau hay không là một vấn đề làm các nhà triết học bận tâm suốt hàng nghìn năm qua.

Điều xảy ra với tâm trí dường như phụ thuộc vào điều xảy ra với cơ thể. 

Hãy suy ngẫm điều này: Liệu tâm trí của bạn có điều gì đó khác với bộ não của bạn, mặc dù được kết nối với bộ não? Hay nó là một phần của bộ não? 

Tâm trí khác với bộ não bởi vì những quá trình của não bộ có thể được quan sát bởi người ngoài nhưng tâm trí (tình cảm, cảm giác, kinh nghiệm) không thể được quan sát bởi cùng một người bên ngoài. 

Nếu người ngoài không thể quan sát được nội dung trong tâm trí theo cách mà họ có thể quan sát được nội dung trong não, thì tâm trí không thể là một phần “vật lý” hoặc trạng thái của não. 

“Thuyết nhị nguyên” |dualism| là quan điểm cho rằng một người được tạo thành từ hai chất thể: vật chất và tâm trí. Một cách khác để nói điều này là một người có một thể xác và một linh hồn. 

“Thuyết duy vật lý” |physicalism| còn được gọi là “thuyết duy vật” |materialism| là quan điểm cho rằng một người không có gì ngoài vật chất. Do đó, tâm trí và những nội dung của nó chỉ đơn giản là các trạng thái vật lý của bộ não. Chỉ có thể xác, không có linh hồn. 

“Lý thuyết hai phương diện” |dual aspect theory| là một câu trả lời thay thế cho cả thuyết nhị nguyên và thuyết duy vật lý. Đây là quan điểm cho rằng bộ não là một vật thể có cả đặc tính vật lý lẫn đặc tính tâm lý.  

Các trạng thái tâm thức không thể được giải thích đơn giản bằng các nguyên nhân và tác động vật lý thuần túy. Các trạng thái tâm thức “cảm thấy” theo một cách nào đó khác với cách cảm nhận một hiện tượng vật lý. 

Quan điểm của Thomas Nagel: Có một thực tại vật lý mà mọi người có thể quan sát từ bên ngoài. Có một thực tại tâm thức mà các cá nhân trải nghiệm từ bên trong. Thực tại tâm thức này cũng có thể xảy ra với các sinh vật khác. 

Để có một lý thuyết vật lý thuần túy về tâm trí và cơ thể, và do đó là toàn bộ vũ trụ, tâm trí hoặc ý thức phải được đồng nhất với một số trạng thái vật lý. 

Cho đến nay, không thể có một lý thuyết vật lý thống nhất về vũ trụ vì những luận cứ phản đối là đủ mạnh để bác bỏ nó.

Chương 5: Nghĩa của từ

Tóm tắt chương: Từ cho phép chúng ta hiểu vũ trụ, giao tiếp với nhau và phát minh ra mọi thứ. Nhưng làm sao mà từ có sức mạnh đáng kinh ngạc này là một bí ẩn.

Không có sự giống nhau giữa một từ và quy chiếu của nó. Mối quan hệ của một từ với quy chiếu của nó là gián tiếp. 

Nhưng bạn không thể hiểu một từ thông qua chính từ đó. Để hiểu một từ, bạn cần phải xem hoặc biết quy chiếu của nó. 

Chúng ta sử dụng các từ khác để cấp cho từ ý nghĩa, định nghĩa. Nhưng đây có thể là suy luận vòng tròn. Chúng ta cần tìm hiểu một số từ có “nghĩa trực tiếp”. 

Điều khó hiểu với một từ là khi bạn sử dụng nó cả ở dạng viết hoặc thông qua lời nói, nó đề cập đến tất cả các mẫu trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó đề cập đến tất cả các cách sử dụng có thể có, dù đúng hay sai. 

Đằng sau một từ là một khái niệm, một bức tranh tâm thức về điều mà từ đó đại diện. Điều này làm nảy sinh những vấn đề mới vì từ này dùng để chỉ cả “đối tượng” và “khái niệm về đối tượng đó”. 

Vấn đề với nghĩa của một từ là nó không nằm ở bất cứ nơi đâu, không nằm ở từ, ở tâm trí, hay ở khái niệm. 

Hiện tượng xã hội của ngôn ngữ không thể giải thích đầy đủ ý nghĩa phổ quát của từ.

Chương 6: Ý chí tự do

Tóm tắt chương: Để giải quyết vấn đề liệu ý chí tự do có hiện hữu hay không, (1) giải thích câu nói rằng bạn có thể đã làm điều gì đó khác với điều bạn đã làm, và (2) nếu điều đó là đúng, giải thích bạn và thế giới sẽ phải như thế nào.

Thuyết tất định |determinism| là quan điểm cho rằng các quy luật hiện có của tự nhiên tạo ra một loạt các hoàn cảnh khiến các hành động mà con người thực hiện là không thể tránh khỏi, loại trừ các khả thể khác. 

Nếu thuyết tất định là đúng, điều đó ngụ ý rằng mọi người không nên chịu trách nhiệm về hành động của mình, bởi vì họ đã không chọn chúng. 

Một số người cho rằng ngay cả khi thuyết tất định là đúng, thì việc khen khi người ta làm điều tốt và trừng phạt khi người ta làm điều xấu vẫn có ý nghĩa thực dụng. 

Một số nhà khoa học lập luận rằng vì có nhiều hơn một việc mà một điện tích có thể làm tại bất kỳ thời điểm nào, nên thuyết tất định là sai. 

Nếu thuyết tất định không chính xác, thì ý chí tự do chắc chắn hiện hữu, và mọi người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. 

Để ý chí tự do hiện hữu thì: (1) một người quyết định hành động của họ bằng cách thực hiện nó, (2) hành động của họ không được định trước, (3) hành động của họ không chỉ thuần tuý xảy ra, và (4) họ có thể đã làm điều ngược lại. 

Hãy suy ngẫm điều này: Bạn được tạo nên từ mong muốn, niềm tin, tính cách và hoàn cảnh vốn đã quyết định bạn là ai. Nếu một hành động mà bạn thực hiện không chứa tất cả các lực này, liệu chúng ta có thể kết luận rằng “bạn” thực sự đã làm điều đó không? 

Nếu ý chí tự do là đúng và sự lựa chọn không được định đoạt bởi các lực và hoàn cảnh trong cuộc đời của bạn, thì bạn đã không thể làm được điều bạn đã làm. Bạn không thể chịu trách nhiệm về hành động của mình. 

Nếu ý chí tự do hiện hữu, thì có thể hợp lý khi nói rằng mọi thứ chỉ xảy ra mà không có lý do. 

Dù thuyết tất định có đúng hay không, thì vẫn có thể chính đáng khi nói chúng ta không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Nếu thuyết tất định là đúng, thì các hoàn cảnh tiền định là nguyên nhân. Nếu thuyết tất định là sai, không có gì là nguyên nhân. 

Khẳng định rằng sự hiện hữu của ý chí tự do ngụ ý rằng mọi thứ chỉ xảy ra mà không có lý do là vô ý nghĩa. Ý chí tự do chỉ là một đặc điểm cơ bản của thế giới và không thể phân tích được. 

Quan điểm của Thomas Nagel: Nếu mọi thứ mà mọi người làm đã được tiền định thì về cơ bản họ đang kẹt trong bẫy. Họ không thể chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Chương 7: Đúng và Sai

Tóm tắt chương: Vấn đề lớn nhất trong đạo đức và tính luân lý là có hay không một tiêu chuẩn phổ quát. Bởi con người hành động theo động cơ của họ và có vố số động cơ, một tiêu chuẩn phổ quát cho hành vi đạo đức dường như khập khiễng.

Không phải mọi hành vi “hợp pháp” đều là hành vi “đúng”. 

Sự sai trái của một hành vi nhất định được dựa trên mối lo ngại ảnh hưởng của hành động của một người lên cộng đồng. 

Hãy suy ngẫm điều này: Nếu bạn có thể đạt được điều mình muốn bằng cách làm điều gì đó được coi là sai trái, tại sao bạn lại không làm như vậy? 

Hầu hết các động cơ tôn giáo đối với hành vi đạo đức đều xác định điều gì đó mà một người nên quan tâm (Thượng đế), và sau đó kết nối tính luân lý với nó. 

Một ý kiến phản đối việc sử dụng Thượng đế làm động lực tối hậu để tránh làm điều xấu là ngay cả khi Thượng đế hiện hữu và ngăn cấm điều sai trái, sự cấm đoán của Ngài không phải là điều khiến hành động đó sai trái. Hành động đó là sai và đó là lý do tại sao Thượng đế ngăn cấm. 

Sự quan tâm trực tiếp đến người khác là cơ sở không thể thay thế của hành vi luân lý. 

Vấn đề với tính luân lý là lẽ ra nó phải áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng quan tâm đến người khác và những người quan tâm đến người khác chỉ quan tâm đến những người họ biết chứ không phải tất cả mọi người. 

Tính phổ quát của tính luân lý bị đặt thành vấn đề khi chúng ta so sánh động cơ của các cá nhân và xã hội khác nhau tại các thời điểm khác nhau. 

Hình thức triệt để nhất của tương đối luận luân lý |moral relativism| tuyên bố rằng các tiêu chuẩn cơ bản nhất về đúng và sai phụ thuộc hoàn toàn vào các quy ước xã hội và văn hóa. 

Quan điểm của Thomas Nagel: Tương đối luận có vấn đề vì dường như ta luôn có thể chỉ trích các tiêu chuẩn được chấp nhận của bất kỳ xã hội nào. Tuy nhiên, để phê phán quy tắc luân lý của một xã hội có nghĩa là phải tuân theo một tiêu chuẩn khách quan hơn, mà bản thân nó không rõ ràng. 

Câu hỏi cơ bản nhất về tính luân lý là nó phổ quát và khách quan như thế nào. 

Vấn đề với các luận cứ luân lý là chúng viện dẫn đến một khả năng tạo ra những động cơ không thiên vị vốn được cho là có nhưng dường như bị vùi sâu trong tất cả chúng ta. 

Thật khó để biện minh cho tính luân lý vì con người có rất nhiều động cơ đằng sau hành động của họ.

Chương 8: Công lý

Tóm tắt chương: Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng và công lý, (1) xác định nguyên nhân gây ra bất bình đẳng nào là sai về mặt luân lý và (2) xác định phương pháp can thiệp nào vào những bất bình đẳng này là đúng về mặt luân lý.

Có hai loại bất bình đẳng: một là cố ý áp đặt và hai là ngẫu nhiên. 

Sự bất bình đẳng được cố ý áp đặt — như phân biệt chủng tộc và giới — rõ ràng là sai vì người phân biệt đối xử đang làm sai. Cách khắc phục đơn thuần là ngăn chặn nó. 

Để phân tích xem những bất bình đẳng do may rủi gây ra có thực sự sai hay không là một câu hỏi triết học khó hơn. 

Hãy suy ngẫm điều này: “Có phải những người sinh ra trong gia đình giàu có do may mắn có thực sự có lỗi đối với tình trạng bất bình đẳng trong một hệ thống xã hội cạnh tranh hay không? Tích lũy tài sản để cải thiện cuộc đời của gia đình có sai không? Có nên lấy tiền của người giàu để chia cho những người sinh ra trong gia đình nghèo khó, vốn cũng là do ngẫu nhiên, hay không?” 

Hai nguồn gốc chính của sự bất bình đẳng ngẫu nhiên trong một hệ thống xã hội cạnh tranh là: (1) những khác biệt giữa các tầng lớp kinh tế xã hội xuất thân của mọi người, và (2) những khác biệt về năng lực tự nhiên và tài năng. 

Để khắc phục những bất bình đẳng ngẫu nhiên gây ra bởi sự khác biệt giữa các tầng lớp kinh tế xã hội: hoặc (1) can thiệp vào các nguyên nhân, hoặc (2) can thiệp trực tiếp vào các bất bình đẳng. 

Can thiệp vào nguyên nhân của sự bất bình đẳng ngẫu nhiên là một vấn đề nan giải bởi vì đây là những lựa chọn tương đối vô tội xuất phát từ động cơ cải thiện địa vị của mỗi người trong cuộc đời. 

Việc can thiệp trực tiếp vào các bất bình đẳng dễ dàng hơn nhưng làm như vậy không loại bỏ các bất bình đẳng vĩnh viễn. Điều này thường được thực hiện bằng cách lấy tiền từ người giàu thông qua nhiều hình thức đánh thuế và trao số tiền đó cho người nghèo dưới hình thức các chương trình phúc lợi. 

Chúng ta không thể làm được gì nhiều để xóa bỏ bất bình đẳng dựa trên tài năng nếu chúng ta không xóa bỏ chính hệ thống xã hội cạnh tranh. Mặc dù điều này có thể giải quyết sự bất bình đẳng, nhưng sẽ phải trả giá đắt về tự do và hiệu quả. 

Những người chống lại việc đánh thuế tái phân bổ lập luận rằng các giao dịch kinh tế tạo ra sự bất bình đẳng vốn dĩ không sai và việc các chính phủ can thiệp vào những người không cố ý làm tổn thương ai là không đúng. 

Quan điểm của Thomas Nagel: Cả sự bất bình đẳng được cố ý áp đặt lẫn ngẫu nhiên đều là không công bằng. Chúng ta cần các chương trình đánh thuế và phúc lợi xã hội tái phân phối. 

Vấn đề “bất bình đẳng và công lý toàn cầu” là một vấn đề nan giải chỉ vì không có chính phủ thế giới để điều tiết các giao dịch giữa các quốc gia, và một chính phủ như vậy có thể sẽ là một chính phủ tồi.

Chương 9: Cái chết

Tóm tắt chương: Hai vấn đề triết học quan trọng liên quan đến cái chết là: (1) “Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?” và (2) “Chết là xấu hay tốt?”

Vấn đề về sự sống sau khi chết có liên quan đến vấn đề tâm trí-thể xác. 

Đối với những người theo thuyết nhị nguyên, linh hồn có thể tự hiện hữu ngay cả khi không có thể xác, vì vậy linh hồn vẫn tiếp tục sự sống của nó sau khi thể xác chết. 

Những người bác bỏ quan điểm nhị nguyên về cái chết cho rằng linh hồn dường như phụ thuộc hoàn toàn vào thể xác để tiếp tục hiện hữu. 

Đối với những người theo thuyết duy vật lý, sự sống sau khi chết là không thể bởi vì cái chết thể xác có nghĩa là cái chết linh hồn. 

Quan điểm của Thomas Nagel: Quan sát thông thường đủ để thuyết phục chúng ta rằng không có sự sống sau cái chết. Ý thức phụ thuộc một cách phức tạp vào hệ thống thần kinh của chúng ta. 

Hãy suy ngẫm điều này: “Cái chết của bạn là tốt hay xấu? Chúng ta chấp nhận rằng đã có một khoảng thời gian trước khi chúng ta được sinh ra khi chúng ta chưa hiện hữu, vậy tại sao chúng ta lại bận tâm về viễn cảnh không hiện hữu nữa khi chết?” 

Có ba câu trả lời hợp lý cho câu hỏi trên: (1) Cái chết là trung tính vì sự không hiện hữu không thể là tốt hay xấu; (2) Cái chết là xấu bởi vì sự không hiện hữu là cái ác tận căn; và (3) Cái chết là tốt vì sống mãi sẽ chán. 

Về mặt logic, chúng ta chỉ nên sợ cái chết nếu chúng ta vẫn sẽ sống tiếp sau đó.

Chương 10: Ý nghĩa cuộc đời

Tóm tắt chương: Để cuộc đời của con người có ý nghĩa, nó phải là một phần của một điều gì đó lớn hơn chính nó. Nhưng theo dòng suy luận này có thể dẫn đến kết luận rằng cuộc đời rốt cuộc là vô nghĩa.

Chúng ta không thể sống mãi vì vậy chúng ta chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời trong chính cuộc đời.  

Hãy suy ngẫm điều này: “Có những lý do biện minh cho những việc nhỏ mà chúng ta làm. Nhưng có thực sự có một lý do cho cuộc đời của chúng ta nói chung?”  

Để cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa, nó phải là một phần của một điều gì đó lớn hơn.  

Nhưng chúng ta có thể hỏi lại câu hỏi: “Ý nghĩa của ‘điều lớn hơn đó là gì?’”.  

Một số người coi ‘điều lớn hơn’ này là Thượng đế hoặc một “lời giải thích tối hậu” khác. Nhưng điều này không thỏa mãn các câu hỏi.   

Vince Imbat

Các vấn đề về ý nghĩa của “lời giải thích tối hậu” có thể tiếp tục mãi mãi. Điều này dẫn đến một kết luận logic đau đớn: cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì cả.  

Ngay cả khi cuộc đời vốn dĩ vô ý nghĩa, thì việc chấp nhận niềm tin rằng điều mình làm là quan trọng vẫn có ích.

Giới thiệu về tác giả 

Chào bạn. Tôi là Vince Imbat. Tôi là nhà văn, biên tập viên, dịch giả, thi sĩ và nhà triết học nghiệp dư sống tại một thị trấn nông nghiệp ở Pangasinan, Philippines.

Đoàn Trọng Sang dịch

Nguyễn Việt Anh hiệu đính

Nguồn: What Does It All Mean? A Very Short Introduction to Philosophy (Book Summary), Vince Imbat, 11 tháng 2 năm 2018.

Print Friendly and PDF