28.8.21

Làm thế nào để tiết kiệm một tỷ liều vắc xin phòng Covid-19

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TIẾT KIỆM MỘT TỶ LIỀU VẮC XIN PHÒNG COVID-19

Chad P. Bown

Sự sụt giảm của tỷ lệ hiệu quả của vắc xin CureVac vào tháng 6 vừa qua đã ảnh hưởng đến việc sản xuất hơn một tỷ liều vắc xin. Giờ đây khi đã có giải pháp để hãng dược phẩm này của Đức định hướng lại chuỗi cung ứng của họ, thì một câu hỏi được đặt ra: liệu họ có nên làm điều đó hay không?

Trong khoảng thời gian một tháng vào mùa hè này, hơn một tỷ người đột nhiên không được tiếp cận vắc xin phòng Covid-19. Vào giữa tháng 6, hãng CureVac đã báo cáo tỷ lệ hiệu quả đối với vắc xin RNA thông tin của họ chỉ ở mức 47%, ảnh hưởng đến hơn một tỷ liều vắc xin (cần phải tiêm hai liều) mà công ty đã lên kế hoạch sản xuất trước cuối năm 2022[1]. Vào giữa tháng 7, Johnson & Johnson đã cắt giảm kế hoạch giao hàng dự kiến từ 400 triệu xuống đến 500 triệu liều vắc xin tiêm một liều của họ, do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đóng cửa hoạt động một doanh nghiệp, thuộc nhà máy, đang gặp khó khăn, trong 4 tháng.

Trong khi biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới, thì cho đến nay chỉ mới tiêm chưa đến 5 tỷ liều vắc xin. Châu Phi đã tiêm phòng cho ít hơn 3% dân số họ. Do yêu cầu phải tiêm hai liều đối với hầu hết các loại vắc xin phòng Covid-19 đang lưu hành, nên thế giới vẫn còn thiếu khoảng 9 tỷ liều cho đợt tiêm phòng đầy đủ lần một – ngay cả trước khi điều chỉnh các mục tiêu [tiêm phòng]. Những nước giàu đã bắt đầu cho phép tiêm liều vắc xin thứ ba cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch[2]. Tỷ lệ hiệu quả của vắc xin Trung Quốc giảm càng làm cho các nước khác thúc đẩy việc tiêm phòng liều vắc xin tăng cường[3]. Tin tốt là các hãng Pfizer[4] / BioNTech và Moderna[5] đã dần dần tăng sản lượng của họ, còn hãng sản xuất vắc xin Johnson & Johnson thì hiện đã đi vào hoạt động[6]. Tin xấu là còn hàng tỷ người đang cần liều vắc xin bổ sung thứ hai, trong tuyệt vọng.

Thế nên, thông báo của hãng CureVac có sức ảnh hưởng tiêu cực rất lớn, theo đó thêm một tỷ liều vắc xin có thể không được cung ứng ra thị trường sản xuất vắc xin toàn cầu.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sản xuất phức tạp mà hãng CureVac đã phát triển – với sự hỗ trợ đáng kể về nguồn lực từ chính phủ Đức – vẫn có thể đứng vững được, ngay cả khi vắc xin phòng Covid-19 của họ có thể không ra đời được[7]. Giới chức trách của Đức, của Ủy ban Châu Âu, và thậm chí có thể của Hoa Kỳ, nên đàm phán một thỏa thuận để giúp giải cứu chuỗi cung ứng này.

Là một công ty dược phẩm sinh học nhỏ, CureVac chưa bao giờ tự thân sản xuất được hàng tỷ liều vắc xin. Giống như các hãng Moderna, BioNTech và Novavax, việc sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trên quy mô thương mại phần lớn là được thuê ngoài. Kể từ tháng 11 năm 2020, hãng CureVac đã thành lập toàn bộ một chuỗi cung ứng sản xuất. Các dây chuyền sản xuất được giao cho các công ty lớn như Novartis, Bayer và GlaxoSmithKline, và cho các doanh nghiệp nhỏ như Wacker Chemie, Rentschler Biopharma và Celonic Group. Từng công ty và doanh nghiệp nói trên sẽ sản xuất dược liệu CureVac tại nhiều nhà máy khác nhau ở Đức, Hà Lan, Bỉ và Áo. Một công ty khác, Fareva, sau đó sẽ thu gom lại vắc xin với số lượng lớn và đóng chai thành hàng triệu lọ vắc xin, từ hai trung tâm ở Pháp.

Sự hỗ trợ của chính phủ Đức đã giúp hãng CureVac phát triển mạng lưới này. Đức đã tham gia 23% cổ phần sau khi đã đầu tư 300 triệu euro vào công ty vào tháng 6 năm 2020; và đã cấp một khoản trợ cấp khác trị giá 252 triệu euro vào tháng 9. Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cũng đã cho hãng CureVac vay 75 triệu euro vào tháng 7 năm 2020 để mở rộng năng lực sản xuất của hãng[8].

Đã có những dấu hiệu cho thấy hãng CureVac đã tạo ra một chuỗi cung ứng mang tính khả thi. Giống như các nhà sản xuất vắc xin phòng Covid-19 khác, kết quả của những nỗ lực ban đầu trong việc thu mua thiết bị và nguyên liệu thô là tình trạng khan hiếm[9]. Giống như Viện Huyết thanh Ấn Độ và công ty Biological E., giới điều hành hãng CureVac đã cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để ngăn các loại nguyên liệu thô sản xuất vắc xin rời khỏi Hoa Kỳ[10]. Vì thế giới chức Mỹ và châu Âu đã phải can thiệp để giúp cung ứng các loại nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất vắc xin, và chính hãng CureVac đã thừa nhận “lòng biết ơn” đối với sự giúp đỡ nói trên[11].

Trước khi có thông tin khủng khiếp về kết quả thử nghiệm lâm sàng, hãng CureVac đã thông báo cho biết họ đang trên đà sản xuất 300 triệu liều vắc xin vào cuối năm, và sẽ sản xuất thêm 1 tỷ liều vắc xin vào năm 2022. Thậm chí vào cuối tháng 7, hãng Novartis cho biết, về phần họ, họ có kế hoạch sản xuất 50 triệu liều vắc xin CureVac vào năm 2021.

Nhưng có lẽ đó là điều họ không nên làm. Nguồn lực của các hãng Novartis, Bayer, GlaxoSmithKline và các đối tác khác trong chuỗi cung ứng của hãng CureVac có lẽ sẽ được sử dụng tốt hơn để sản xuất 1 tỷ liều vắc xin khác.

Việc khuyến khích hãng CureVac định hướng lại chuỗi cung ứng của họ để sản xuất một loại vắc xin phòng Covid-19 khác không phải là điều chưa từng có trong thời gian bùng phát đại dịch. Vào đầu năm nay, giới chức trách Đức đã chứng kiến công ty ​​IDT Biologika công bố những biện pháp khẩn cấp để đóng chai vắc xin của các hãng Johnson & Johnson và AstraZeneca, khi loại bỏ tạm thời sản phẩm của các hãng Merz và Takeda. Chính quyền Biden đã đạt được thỏa thuận với các đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành, cho phép các nhà máy của hãng Merck sản xuất thêm vắc xin của Johnson & Johnson.

Đức và Ủy ban châu Âu đã bác bỏ những đề xuất tạm hoãn hiệu lực các bằng sáng chế vắc xin phòng Covid-19, lập luận rằng việc đó không hề đơn giản là giúp sản xuất được vắc xin nhiều hơn. Việc chuyển đổi một chuỗi cung ứng toàn châu Âu cũng không giúp ích gì được, dù các nỗ lực chính trị có thể có tác dụng to lớn đối với ngành chăm sóc y tế cộng đồng. Mạng lưới của CureVac còn được thiết kế để sản xuất cùng một loại vắc xin thuộc kiểu vắc xin RNA thông tin – yêu cầu cần có những sản phẩm chuyên biệt, chẳng hạn như các hạt nano lipid, và dựa trên nhiều kỹ thuật sản xuất khác nhau – khác với các kỹ thuật sản xuất của các hãng BioNTech/Pfizer và Moderna, mà cho đến nay đã được chứng minh là hiệu quả trong việc phòng chống Covid-19.

Bà Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi một “phương cách thứ ba” cho vắc xin phòng Covid-19[12]. Kết hợp sự hỗ trợ chính trị để chuyển hướng lại chuỗi cung ứng của hãng CureVac nhằm sản xuất 1 tỷ liều vắc xin RNA thông tin từ một hãng sản xuất khác, với cam kết cung ứng phần lớn sản lượng vắc xin này cho chương trình COVAX để phân phối cho những nước nghèo nhất, đó sẽ là một bước tiến lớn vì mục đích chăm sóc y tế cộng đồng.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Comment économiser un milliard de doses de vaccin Covid-19, Le Grand Continent, ngày 19/8/2021.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Ludwig Burger, “CureVac fails in pivotal COVID-19 vaccine trial with 47% efficacy [CureVac thất bại trong thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 với hiệu quả 47%]”, Reuters, ngày 17 tháng 6 năm 2021.

[2] Manas Mishra và Michael Erman, “U.S. authorizes third shot of COVID-19 vaccines for the immunocompromised [Hoa Kỳ cho phép tiêm liều vắc xin phòng COVID-19 thứ ba cho người bị suy giảm hệ miễn dịch]”, Reuters, ngày 14 tháng 8 năm 2021.

[3] Samantha Kiernan, Bayan Galal và Thomas J. Bollyky, “Wanted: One Billion Booster Shots. What the COVID-19 booster shot debate means for global vaccine access [Cần một tỷ liều vắc xin tăng cường. Cuộc tranh luận về tiêm liều vắc xin tăng cường phòng COVID-19 có ý nghĩa như thế nào đối với việc tiếp cận vắc xin toàn cầu]”, Think Global Health, ngày 12 tháng 8 năm 2021.

[4] Manas Mishra và Michael Erman, “Pfizer says 2021 COVID-19 vaccine sales to top $33.5 bln, sees need for boosters [Pfizer cho biết doanh thu vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 đạt mức cao nhất 33,5 tỷ US$, cho thấy nhu cầu về liều vắc xin tăng cường]”, Reuters, ngày 28 tháng 7 năm 2021.

[5] Peter Loftus, “Moderna Plans to Expand Production to Make Covid-19 Vaccine Boosters, Supply More Countries [Moderna có kế hoạch mở rộng sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tăng cường, cung ứng cho nhiều quốc gia hơn]”, The Wall Street Journal, ngày 21 tháng 6 năm 2021.

[6] Thomas M. Burton, “J&J Contractor Plans to Resume Covid-19 Vaccine Production at Troubled Baltimore Plant [Nhà thầu J&J có kế hoạch khôi phục sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tại nhà máy Baltimore gặp rắc rối]”, The Wall Street Journal, ngày 29 tháng 7 năm 2021.

[7] Chad P. Bown và Thomas J. Bollyky, “How COVID-19 vaccine supply chains emerged in the midst of a pandemic [Chuỗi cung ứng vắc xin phòng Covid-19 xuất hiện giữa đại dịch như thế nào]”, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tháng 8 năm 2021.

[8] Ủy ban châu Âu, “Commission and EIB provide CureVac with a €75 million financing for vaccine development and expansion of manufacturing [Ủy ban châu Âu và Ngân hàng đầu tư châu Âu-EIB tài trợ cho hãng CureVac 75 triệu € để phát triển và mở rộng sản xuất vắc xin]”, ngày 06 tháng 7 năm 2020.

[9] Vaccine supply chains disrupted by U.S. restrictions: CureVac co-founder [Chuỗi cung ứng vắc xin bị gián đoạn do các hạn chế của Hoa Kỳ: nhà đồng sáng lập hãng CureVac]”, Reuters, ngày 7 tháng 4 năm 2021.

[10] Thomas Schulz và Gerald Traufetter, “CureVac beklagt US-Blockade von Rohstoffen für Impfstoff [Hãng Curevac phàn nàn về việc Hoa Kỳ phong tỏa các loại nguyên liệu thô sản xuất vắc xin]”, Der Spiegel, ngày 4 tháng 5 năm 2021.

[11] Ludwig Burger và Francesco Guarascio, “EU persuades U.S. to ease COVID export restrictions for CureVac -sources [EU thuyết phục Mỹ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất vắc xin COVID cho CureVac]”, Reuters, ngày 21 tháng 5 năm 2021.

[12] Ngozi Okonjo-Iweala, “Ngozi Okonjo-Iweala: WTO members must intensify co-operation [Ngozi Okonjo-Iweala: Các nước thành viên WTO cần tăng cường hợp tác]”, Financial Times, ngày 02/03/2021.

Print Friendly and PDF