22.10.21

Giải “Nobel” kinh tế 2021 công nhận sự vượt trội của kinh tế học thực nghiệm

GIẢI “NOBEL” KINH TẾ CÔNG NHẬN SỰ VƯỢT TRỘI CỦA KINH TẾ HỌC THỰC NGHIỆM

Lionel Ragot[*]

Năm nay các nhà kinh tế David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens đã nhận giải của Ngân hàng Thuỵ Điển để tưởng nhớ Nobel, được gọi là “giải Nobel kinh tế”. Giải này tôn vinh một cách tiếp cận thực nghiệm trong kinh tế học, gây thiệt thòi cho kinh tế học lí thuyết.

David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens, ba người được giải của Ngân hàng Thuỵ Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, 2021. Ảnh: Wei Xeichao/XINHUE-REA

Khi trọng thưởng David Card (Đai học California ở Berkeley), Joshua Angrist (MIT) và Guido Imbens (Standford), Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thuỵ Điển khép lại một loạt trao giải “Nobel” cho những nhà kinh tế đã góp phần biến đổi sâu rộng nghiên cứu kinh tế trong ba mươi năm qua. Một chỉ báo tốt của sự thay đổi này, mà một số tác giả còn gọi là một cuộc cách mạng, là vị trí được các tạp chí quốc tế lớn dành cho các bài viết lí thuyết đã công bố: từ gần 60% vào đầu những năm 1980, con số này sụt xuống dưới 20% vào đầu những năm 2010 (Hamermesch, 2012).

Trong khoảng thời gian này, kinh tế học thường nghiệm đã thế chỗ kinh tế học lí thuyết, không chỉ vì ngày càng có nhiều công trình thường nghiệm, nhưng nhất là vì sự phát triển của các cách tiếp cận thực nghiệm trong các công trình này. Các cách tiếp cận này mang lại một tính chặt chẽ về mặt phương pháp luận đôi khi còn thiếu của các nghiên cứu thường nghiệm và mở lớn cửa cho chúng đi vào các tạp chí uy tín nhất. Điều này giải thích cho việc bước ngoặt này còn được gọi là cuộc “cách mạng tín nhiệm”.

Ba loại thí nghiệm

Kinh tế học thực nghiệm tập hợp ba loại thí nghiệm – thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, thí nghiệm trên thực địa và thí nghiệm tự nhiên. Loại đầu chủ yếu quan tâm đến hành vi của các tác nhân kinh tế. Một nhóm cá nhân, thường là sinh viên, được mời để đề ra những quyết định trong một bối cảnh được xác định rõ, có kiểm soát và lặp lại được. Phần lớn các công trình này đặt lại vấn đề tính duy lí của homo oeconomicus được lí thuyết kinh tế đặt thành tiên đề.

Daniel Kahneman (1934-)
Vernon L. Smith (1927-)

Giải Nobel 2002 được trao cho một nhà tâm lí học, Daniel Kahneman, nhờ đưa vào kinh tế học hành vi những thành tựu của tâm lí học, và một nhà kinh tế, Vernon L. Smith, vì đã biến thí nghiệm trong phòng thí nghiệm thành một công cụ phân tích kinh tế thường nghiệm.

Những thí nghiệm trên thực địa, còn được gọi là thử nghiệm ngẫu nhiên, rời khỏi phòng thí nghiệm để đi vào môi trường của các tác nhân kinh tế và tìm cách đánh giá tác động của một chính sách công hay của một sự bố trí. Chúng lấy cảm hứng từ những kiểm nghiệm lâm sàng trong y học, bằng cách chọn qua rút thăm ngẫu nhiên hai nhóm trong một tổng thể, một nhóm là đối tượng của các biện pháp (nhóm can thiệp), nhóm kia thì không (nhóm đối chứng). Như vậy, việc đánh giá tác động dựa trên sự so sánh ex post giữa nhóm can thiệp và nhóm đối chứng.

Esther Duflo (1972-)
Michael Kremer (1964-)

Cách tiếp cận này được tôn vinh bằng việc trao “giải Nobel” năm 2019 cho nhà kinh tế nữ người Pháp Esther Duflo và hai nhà kinh tế Mĩ Abhijit Banerjee và Michael Kremer vì những công trình của họ về xoá đói giảm nghèo trong các nước đang phát triển dựa trên những thí nghiệm trên thực địa. Ngoài những vấn đề phương pháp, họ còn định hình lại kinh tế học phát triển khi đặt thành vấn đề một số kết quả của chuyên ngành này.

Còn lại là những thí nghiệm tự nhiên. Chính các nhà kinh tế đã cho phép có được sự phát triển của các thí nghiệm tự nhiên trong nghiên cứu thường nghiệm vừa được giải “Nobel kinh tế” vinh danh năm nay, và như thế khép lại sự thừa nhận toàn bộ các cách tiếp cận của kinh tế học thực nghiệm.

David Card, chuyên gia về thị trường lao động, quan tâm đến những vấn đề kinh điển của lĩnh vực này, như tác động của lương tối thiểu trên việc làm hay của nhập cư trên lương và thất nghiệp của người bản xứ. Nhưng thay vì xử lí chúng trong khuôn khổ của một mô hình lí thuyết, ông dựa trên những công trình thường nghiệm cho rằng chắc chắn các dữ liệu sẽ cho ta biết nhiều điều hơn là lí thuyết.

Nếu một thí nghiệm trên thực địa là khả thi, về mặt khái niệm và tài chính (tuỳ theo độ phức tạp và phạm vi của thí nghiệm, chi phí của một thí nghiệm trên thực địa dao động từ 50.000 đến nhiều triệu đôla) khi, ví dụ, nghiên cứu tác động của việc bổ sung sách giáo khoa trên kết quả học tập của học sinh thì gần như không thể tiến hành một nghiên cứu như thế đối với những vấn đề mà Card quan tâm. Vì thế, ông có ý sử dụng các thí nghiệm tự nhiên (thiết lập những chính sách công, hay việc xảy ra một cú sốc nội sinh) mà, một cách chặt chẽ, tuy không phải là một phương pháp thực nghiệm, cũng có những đặc điểm cho phép nghiên cứu chúng như thể việc phẩn bổ các biện pháp là ngẫu nhiên.

Bài viết của ông năm 1990 dựa trên giai đoạn nhập cư mà bang Miami đã trải qua sau luồng nhập cư đặc biệt, trong một thời gian ngắn, của 120.000 người Cuba trong năm này. Để đánh giá tác động phải so sánh tình thế của những lao động không phải là người Cuba ở Miami sau cú sốc di dân với tình thế có thể là phổ biến nếu không có cú sốc này (phản sự kiện). Do không có quan trắc về tình thế phản sự kiện, Card sẽ xây dựng nó bằng cách đo diễn tiến của thị trường lao động có những đặc điểm kinh tế và dân số tương đối tương tự với các đặc điểm này của Miami (Atlanta, Houston, Los Angeles và Tampa-Saint-Petersburg) nhưng không bị những cú sốc di dân tương đương (nhóm đối chứng). Bằng phương pháp này, Card đi đến kết luận là luồng di dân người Cuba này hầu như không có tác động đến lương và tỉ suất thất nghiệp của người bản địa ít có trình độ chuyên nghiệp nhất, trong lúc mô hình cơ bản của lí thuyết thị trường lao động từng tiên đoán là lương của những người bản địa này sẽ giảm và tỉ suất thất nghiệp của họ sẽ tăng.

Alan Krueger (1960-2019)

Cũng nhờ vào một thí nghiệm tự nhiên mà cùng với đồng nghiệp là Alan Krueger, ông đã nghiên cứu những hiệu ứng của lương tối thiểu trên mức việc làm. Tận dụng việc bang New Jersey thông báo tăng lương tối thiểu vào ngày 1 tháng 4 năm 1992 trong lúc lương này ở bang bên cạnh là Pensylvania vẫn giữ nguyên, hai tác giả đã tiến hành điều tra các chuỗi bán hàng nhanh trong những vùng của New Jersey và của Pensylvania thuộc đô thị Philadelphia vào đầu và cuối năm 1992. Các nhà hàng này đều nằm trong cùng một vùng đô thị, họ suy ra rằng nếu số nhân viên có những biến động ở phía New Jerzey nhưng không có bên phía Pensylvania thì những biến động này có thể được quy cho việc thay đổi lương tối thiểu. Trong lúc lí thuyết tiên đoán một hiệu ứng tiêu cực trên mức việc làm do gia tăng của lương thì những kết quả điều tra của các giả cho thấy điều ngược lại, với một gia tăng ở New Jersey và một sụt giảm ở Pensylvania của việc làm.

Đừng che khuất các giới hạn của các thí nghiệm tự nhiên

Joshua Angrist và Guido Imbens cũng đã áp dụng cách tiếp cận các thí nghiệm tự nhiên vào những vấn đề kinh tế rất cụ thể (tác động của khả năng sinh sản của phụ nữ trên việc tham gia vào thị trường lao động, tác động của thêm một năm học tập trên mức thu nhập, v.v.). Nhưng Uỷ ban Nobel về kinh tế đã nêu bật những đóng góp phương pháp luận cho phép khu biệt tốt hơn những quan hệ nhân quả trong các thí nghiệm tự nhiên để trao giải cho họ.

Như thường xảy ra khi liên quan đến từ cách mạng, sức lôi cuốn mạnh mẽ của các cách tiếp cận thực nghiệm có xu hướng che khuất những giới hạn của chúng. Trong số đó có tính hiệu lực bên ngoài của một thí nghiệm: không phải lúc nào những kết quả của nó cũng có thể khái quát hoá và áp dụng được bên ngoài tổng thể được thí nghiệm. Không chắc là những hiệu ứng được ước lượng trong những điều kiện địa phương, như tác động của người nhập cư Miami, bao giờ cũng có một tính xác đáng toàn cục và có thể khái quát hoá được, như ví dụ này cho toàn bộ nền kinh tế Mĩ, hay hơn nữa cho toàn thể các nước phát triển.

Ngay cả ngày nay khi các công trình thực nghiệm lấn át các công trình lí thuyết, cho dù là trên các tạp chí hay chủ đề luận án của những nhà nghiên cứu trẻ, nên luôn nhớ rằng chúng không thay thế hoàn toàn các công trình lí thuyết được vì chúng không cung cấp những giải thích, mô tả những cơ chế dẫn đến các hiệu ứng được ước lượng.

Để tìm hiểu thêm:

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Le prix « Nobel » d’économie 2021 consacre la prédominance de l’économie expérimentale, Alternatives-economiques, 18.10.2021.




Chú thích:

[*] Nhà kinh tế, giáo sư kinh tế Đại học Paris-Nanterre, cố vấn khoa học Cépii.

Print Friendly and PDF