KINH TẾ HỌC PHÁT TRIỂN
Development economics
Đương nhiên là không thể định nghĩa kinh tế học phát triển độc lập với chính ngay khái niệm phát triển, một khái niệm có nhiều định nghĩa. Theo một nghĩa truyền thống đầu tiên, phát triển kinh tế là sự tăng trưởng thu nhập trên đầu người, bền vững hay tự nuôi dưỡng và được phổ biến rộng trong những tầng lớp khác nhau của dân số. Theo một nghĩa thứ hai, phát triển là việc dân số lần hồi với tới được sự thoả mãn những nhu cầu cơ bản hay đơn giản hơn là việc từ từ xoá đói giảm nghèo một cách lâu dài. Theo một nghĩa thứ ba, phát triển là việc cải thiện những năng lực con người, điều được A. Sen (Nobel kinh tế 1998), và trước đấy ở Pháp là F. Perroux, làm nổi bật một cách rõ ràng. Nhưng cũng có thể quan niệm phát triển như sự biến đổi của xã hội cho phép thu nhập trung bình tăng trưởng một cách bền vững và cộng dồn, sự thoả mãn những nhu cầu cơ bản, xoá đói giảm nghèo, cải thiện những năng lực của con người. Như thế kinh tế học phát triển là nhánh của khoa học kinh tế phân tích sự phát triển được hiểu như một trong những cách trên (xem những định nghĩa được nêu trong những tác phẩm tổng quát về phát triển trong vòng mười lăm năm qua, Gillis et al., 1989; Guillaumont, 1995; Ray, 1998).
Arthur Lewis (1915-1991) |
Amartya Sen (1933-) |
Cũng không thể định nghĩa kinh tế học phát triển độc lập với lịch sử của bộ môn này. Mặc dù có những tiền lệ ở tất cả những giai đoạn của tư tưởng kinh tế, đặc biệt là với các nhà cổ điển lớn (Arndt, 1987), nhưng nguồn gốc của bộ môn nằm sau thế chiến thứ hai, chính xác hơn sau giai đoạn xây dựng lại, khi cộng đồng quốc tế đi đến việc xem tiến hoá của những nước nghèo nhất thế giới trong số đó còn nhiều nước chưa được độc lập như là một vấn đề chính. Những năm 1950 là thập niên xuất bản tác phẩm của những nhà “tiên phong của sự phát triển”, theo tựa của một quyển sách của Meier & Seers (1988), đặc biệt là Nurske, Lewis, Myrdal, Hirschman, Perroux … Do chính ngay nguồn gốc này nên kinh tế học phát triển, trong một thời gian dài và nay vẫn còn, được hiểu như việc phân tích kinh tế áp dụng vào các nước nghèo của hành tinh. Nhưng do phân tích kinh tế ngay từ đầu được các nhà “tiên phong” thể hiện một nét đặc thù đối với đặc thù của những trào lưu chính trong kinh tế học nên kinh tế học phát triển cũng ngay từ lúc khởi nguồn được hiểu như một nhánh đặc biệt của khoa học kinh tế. Như thế bộ môn này không chỉ được nhận diện bằng trường ứng dụng địa lí của nó, mà còn bằng những vấn đề nó xử lí và những phương pháp được nó vận dụng. Nếu ngày nay tính đặc thù của những vấn đề được xử lí vẫn còn là một tiêu chí nhận diện kinh tế học phát triển thì những phương pháp được sử dụng hiện ra ít khác biệt hơn với những phương pháp của phần còn lại của khoa học kinh tế.
Những giai đoạn của kinh tế học phát triển
A. Hirschman (1915-2012) |
Gunnar Myrdal (1898-1987) |
Diễn tiến của kinh tế học phát triển cho thấy nhiều giai đoạn, gần như có tính chu kì, qua đó việc xác định vị thế của nó đối với khoa học kinh tế nói chung đã thay đổi. Năm 1981, A. O. Hirschman phân tích điều ông gọi là sự “tăng trưởng và suy sụp” của kinh tế học phát triển. Sự bành trướng của bộ môn đã diễn ra trong một bối cảnh phi thuộc địa hoá, chiến tranh lạnh và đối cực của thế giới (một bối cảnh mà thành ngữ thế giới thứ ba gợi lên) và qui chiếu về một loại nước ít nhiều đồng nhất được gọi là những nước đang phát triển. Sự suy sụp, cảm nhận được ngay từ cuối những năm 1970, vừa là kết quả của việc chấm dứt giai đoạn phi thuộc địa hoá, của tính đa dạng ngày càng tăng của các nước đang phát triển và đặc biệt của những sai lầm của một vài mô hình phát triển “đặc thù” dẫn đến những thất bại cay đắng (phát triển bằng công nghiệp nặng, chủ nghĩa Nhà nước không sản xuất, bảo hộ quá đáng và vô hiệu quả …). Cuối cùng kinh tế học phát triển dường như bị “đặt ngoài rìa”. Do những lệch lạc của chủ nghĩa duy công nghiệp, có tính nhà nước và siêu bảo hộ, bằng tính liên bộ môn không được tiến hành tốt mang màu sắc ý thức hệ, kinh tế học phát triển tự đặt mình ngoài lề của trào lưu chính của kinh tế học và như thế bị đẩy đến suy sụp (những hạn chế này được Deepaktal, 1983, trình bày một cách gần như biếm hoạ dưới tựa đề “Sự nghèo đói của kinh tế học phát triển”).
Những mất cân bằng kinh tế vĩ mô khủng khiếp của các nước đang phát triển vào đầu những năm 1980 đã đưa kinh tế học phát triển đến một giai đoạn mới, một giai đoạn mà bao trùm là những vấn đề điều chỉnh. Điều chỉnh cấu trúc, nghĩa là việc lập lại những cân bằng kinh tế vĩ mô tương hợp với sự tăng trưởng có vẻ như là một nhân tố xoá mờ đi kinh tế học phát triển trong đặc thù của bộ môn này. Người ta cũng có thể xem là điều chỉnh cấu trúc, bằng việc nhấn mạnh một số công cụ và khái niệm của chung của kinh tế học (tỉ giá hối đoái thực tế, năng suất, hiệu quả, méo mó, tô, v.v.), đã góp phần phục hồi kinh tế học phát triển như một nhánh của khoa học kinh tế nói chung.
Đồng thời một “kinh tế học phát triển mới” (Stiglitz, 1986) ra đời, đặc biệt gắn với lí thuyết các tổ chức nông thôn và đặt cơ sở trên tính duy lí của người nông dân trong một tình thế thông tin không đầy đủ và tốn kém (cũng xem Bardhan, 1993; de Janvry, Sadoulet, Thorbecke, 1993; Arcand & Sadoulet, 1997). Nhưng nếu có một kinh tế học phát triển mới thì thuật ngữ này dường như phải chỉ một cách chung hơn toàn bộ những ứng dụng của khoa học kinh tế hiện đại, trong những nhánh kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô, vào những vấn đề phát triển. Bộ Handbook on Development Economics (với 3000 trang) cung cấp một minh hoạ tốt thuật ngữ này bao gồm những gì (Chenery & Srinavasan, 1988 cho các tập A và B, Behrman & Srinavasan, 1995, cho các tập 3A và 3B).
Paul Krugman (1953-) |
Krugman (1992) còn gọi bằng “cuộc phản-phản-cách mạng” của kinh tế học phát triển việc lấy lại, theo một cách thức chặt chẽ hơn và hình thức hoá hơn, những lí thuyết lớn trước đây được các nhà tiên phong nói trên phát biểu (ví dụ, lí thuyết big push, nghĩa là cú hích ban đầu, giả định những lợi tức tăng dần, như sau này đến lượt lí thuyết tăng trưởng nội sinh dùng lại giả thiết này).
Hội nghị ABCDE hằng năm do Ngân hàng thế giới tổ chức (Annual Bank Conference on Development Economics), và kể từ 1999 thêm một hội nghị châu Âu cùng tên, minh hoạ cho sự đổi mới của kinh tế học phát triển, trong những năm 1990. Bản thân sự đổi mới này cũng có giới hạn của nó: đó là giới hạn của việc tan loãng hoàn toàn của kinh tế học phát triển trong khoa học kinh tế, một sự đánh mất bản sắc của mình. Một nhà bình luận bộ Handbook vừa nêu nói đến “Chiếc giường Procuste[*] của trào lưu chủ đạo trong kinh tế học” (Kannapan, 1995). Với sự sẵn có ngày càng tăng của những dữ liệu kinh tế vĩ mô và vi mô, một lệch lạc cảm nhận được là xem kinh tế học phát triển như sự ứng dụng không cần hiểu biết trực tiếp lẫn không thận trọng của một kĩ thuật này hay kĩ thuật khác vào một tệp dữ liệu quốc tế bề ngoài là so sánh được hay vào những dữ liệu điều tra được tiến hành ở một nước xa xôi. Đặc thù lịch sử và xã hội của những nước này, thực tế của những vấn đề các nước này gặp phải bị quên đi và như thế kinh tế học phát triển có xu hướng tự giải thể.
Những đặc thù của kinh tế học phát triển
Nguợc lại có thể thấy rằng kinh tế học phát triển, trong một số công trình độc đáo nhất của bộ môn này, là cội nguồn của những khái niệm hay lí thuyết làm phong phú cho khoa học kinh tế (xem Bardhan, 1993) và của một cách làm cho kinh tế học trở nên tổng quát hơn. Có thể kể sự phân tích nhị nguyên (hay việc phân đoạn thị trường), phân tích nghèo đói, phân tích chi phí-tiền lời, lí thuyết lương hiệu quả, những ngoại ứng động, những giả thiết cân bằng bội … Kinh tế học phát triển cũng giống như đông phương học trong hội hoạ. Đó từng là một trường mới, rộng lớn, nhưng đồng thời là cơ hội cho những đổi mới mở đường cho những tiến bộ cơ bản. Trong nghĩa này có thể gọi kinh tế học phát triển là “kinh tế học đông phương”.
Ngày nay đâu là những đặc thù của kinh tế học phát triển đặc trưng cho bộ môn này đối với khoa học kinh tế nói chung và cho phép khoanh lại trường của bộ môn này? Kinh tế học phát triển là phân tích kinh tế áp dụng vào những tình thế có sự hoành hành của nghèo đói và trong đó các thị trường là đặc biệt không hoàn hảo. Đương nhiên là nghèo đói chủ yếu có mặt trong các nước đang phát triển, và điều này khiến cho kinh tế học phát triển liên quan chính đến những nước này, “những nền kinh tế phương Đông”, nhưng bộ môn này cũng có mặt và ngày càng có mặt trong những nền kinh tế phương Tây và trong những nền kinh tế đang chuyển đổi. Điều này mở rộng phạm vi địa lí của kinh tế học phát triển và có xu hướng xích kinh tế học phát triển đến với kinh tế học của sự chuyển đổi. Nhưng điều làm cho hai bộ môn này gần nhau hơn là đặc thù thứ hai của kinh tế học phát triển, cảm nhận được ngay từ khởi đầu của bộ môn, tức là bộ môn này liên quan đến những tình thế trong đó có sự thất bại của thị trường sản phẩm và nhất là của thị trường những nhân tố (lao động, tư bản, ngoại tệ). Vả lại có thể dùng cùng một chẩn đoán để làm cơ sở cho những khuyến nghị can thiệp, thậm chí những khuyến nghị kế hoạch hoá vào thời buổi đầu của kinh tế học phát triển (cứu chữa những thất bại của thị trường) hay ngược lại cho những khuyến nghị ngày nay càng có tính tự do (khuyến khích hoạt động của các thị trường).
Còn có một đặc thù thứ ba sinh ra từ hai đặc thù trên của kinh tế học phát triển, nghèo đói và thất bại của thị trường, tức là các tác nhân kinh tế, hộ gia đình hay doanh nghiệp, giáp mặt với những rủi ro cao ảnh hưởng mạnh đến hành vi của họ. Người nông dân nghèo hay doanh nghiệp nhỏ của khu vực không chính thức gặp khó khăn để có tín dụng hầu đối mặt với những cú sốc họ phải gánh chịu. Thế mà các nền kinh tế nghèo đặc biệt gánh chịu những cú sốc có tính ngoại sinh, sốc khí tượng hay từ bên ngoài vào.
Như thế để tóm tắt đâu là đối tượng ngày nay của kinh tế học phát triển, qui chiếu về đói nghèo, những thất bại của thị trường và rủi ro, ta hãy nhớ đến bức thư của Những quan hệ nguy hiểm (Liaisons dangeureuses) trong đó một phụ nữ viết cho một người đàn ông: “May mắn của chúng tôi là không mất mát gì cả, điều bất hạnh của các ông là không được gì cả”. Kinh tế học phát triển chính ra là kinh tế học của việc không mất mát gì cả và của việc không được gì cả: ở vào thế sinh tồn tối thiểu thúc đẩy đến việc không mất mát gì cả, sự thiếu thốn ngăn cản việc thu hoạch được bất kì điều gì.
Những lằn ranh dai dẳng
Những điều vừa trình bày xác thực rằng kinh tế học phát triển không mấy được định nghĩa bằng bản chất những công cụ bộ môn này vận dụng. Nhưng bộ môn này là điểm của những tuỳ chọn, thậm chí của những đối lập quan trọng về phương pháp luận, thường tương ứng với những lựa chọn học thuyết khác nhau. Có thể nêu lên những tiêu chí phân biệt hoá khác nhau, những tiêu chí này giao nhau một phần và phản ảnh những lằn ranh ban đầu đặt cơ sở cho kinh tế học phát triển: 1) Mức độ hình thức hoá trung bình dù đã tăng nhiều hơn so với trong quá khứ song vẫn không đồng đều: kinh tế học phát triển tiếp tục dành một vị trí rộng lớn cho phân tích định tính; 2) Danh sách những biến được phân tích trong kinh tế học phát triển dài hơn danh sách này trong phân tích kinh tế truyền thống và bao gồm những biến được các khoa học xã hội khác xử lí bằng những phương pháp khác (những biến chính trị, dân số, xã hội học, chủng tộc …): xu hướng hiện nay là ngày càng xử lí những biến này, kể cả những biến chính trị, như những biến nội sinh điều này dẫn đến việc hình thức hoá các giả thiết hầu kiểm định chúng và đo đạc những biến này, với nguy cơ là lạm dụng việc đơn giản hoá; 3) Vai trò dành cho Nhà nước, tuy đã giảm nhiều kể từ thời kì điều chỉnh cấu trúc vẫn còn có mặt đáng kể trong công trình của rất nhiều nhà kinh tế nghiên cứu phát triển; dù sao đi nữa, những quan điểm về vấn đề này, tuy không lặp lại sự đối kháng triệt để ngày xưa giữa những nhà tự do và những nhà marxist dường như vẫn còn khá khác nhau; hơn nữa bản thân hành vi của Nhà nước ngày càng ít được xem như là ngoại sinh nhưng được quyết định bởi những nhân tố khác nhau về môi trường bên trong và bên ngoài, tuỳ theo đó mà vai trò này phải được đánh giá; đó là điều có xu hướng được gọi là kinh tế chính trị học của sự phát triển; 4) Vai trò dành cho môi trường quốc tế so với những nhân tố nội bộ cũng vẫn còn là một lằn ranh phân chia các công trình kinh tế học phát triển, như đã từng là lằn ranh lúc khởi thủy, nhưng trong một chừng mực ít hơn, và điều lạ là trong thời kì toàn cầu hoá này, với sự nhấn mạnh hơn đến những nhân tố bên trong; ở đây cũng thế, những phân tích phong phú nhất là phân tích sự tương tác của những nhân tố đối nội và những nhân tố quốc tế.
Người ta có thể bị cám dỗ để xem một cách trung bình là kinh tế học phát triển Bắc Mĩ là hình thức hoá hơn, có một trường dịch tễ học giới hạn hơn và ít quan tâm đến những đặc thù xã hội của đất nước, tự do hơn kinh tế học phát triển bắt nguồn từ các nước châu Âu, hay kinh tế học phát triển hơn từ chính ngay các nước đang phát triển (về tư duy Pháp về kinh tế học phát triển, xem phân tích của Ph. Hugon, 1991). Nhưng có thể bắt gặp những vị thế khác nhau này ở những tỉ lệ khác nhau trong mỗi vùng địa lí. Dưới khía cạnh này cũng thế, kinh tế học phát triển có xu hướng đi tới thống nhất. Chính tính đa dạng của những phương pháp mà bộ môn này vận dụng và những khuyến nghị mà nó dẫn tới đảm bảo sức sống của bộ môn này. Sức sống mới này và tính xác đáng về nhiều mặt đầy thảm kịch của những vấn đề mà kinh tế học phát triển xử lí làm cho bộ môn này ngày càng được thừa nhận như một bộ môn kinh tế chủ yếu.
▶ ARGAND J. L. & SADOULET E., “Micro économie du développement: Quo Vadis?”, Revue d’ économie du développement, 1987, n0 2, juin, p. 5-13. – ARNDT H. W., Economics Development. The History of an Idea, University of Chicago Press, 1987. – BARDHAN P., “Economics of Development and Development of Economics”, Journal of Economic Perspectives, Spring 1993, vol. 7, n0 2, p. 129-142. – BEHRMAN J. & SRINAVASAN T. N., chủ biên, Handbook of Development Economics, North-Holland, 1995, vol. 3A and 3B. – CHENERY H. B. & SRINAVASAN T. N., chủ biên, Handbook of Development Economics, North-Holland, 1988, vol. A and B. – GILLIS M. et al., Économie du développement, bản dịch tiếng Pháp, De Boek Univ., “Série Balises”, 1989. – GUILLAUMONT P., “Déclin et renouveau de l’économie du développement”, Revue franVaise d’économie, hiver 1995, vol. X., 1, p. 3-25; Économie du développement, Paris, PUF, 1985, 3 vol. – HIRSCHMAN A. O., “The Rise and Decline of Development Economics”, Essays in Trepassing, Cambridge University Press, 1981, p. 1-24. – HUGON Ph., “La pensée franVaise en économie du développement”, Revue d’ économie politique, 101, (2), Mars-Avril, 1991, p. 171-229. – JANVRY A. DE, SADOULET E. & THORBECKE E., “Le renouveau de l’analyse économique du développement”, Problèmes économiques, 2 février 1994, n0 2361 (bản dịch tiếng Pháp của “Introduction” to “State, Market and Civil Organizations: New Theories, New Practices, and their Implications for Rural Development”, World Development, April 1993). – KANNAPAN S., “The Economics of Development: the Procrustean Bed of Mainstream Economics”, Economic Development and Cultural Change, 1995, p. 864-888. – KRUGMAN P., “Toward a Counterrevolution in Development Theory”, supply of World Bank Economic Review and the World Bank Research Observer, Proceedings of the World Bank Annual Conference on Development Economics, 1992, p. 15-38 (comment J. Stiglitz & D. Lal, Jayawardena, plus floor discussions p. 39-62). – LAL D., The Poverty of Development Economics, Hobart Paperback, 16, Institute of Economic Affairs, 1983. – MEIER G., Leading Issues in Economic Development, New York/Oxford University Press, in lan thu 6, 1995. – MEIER G. & SEERS D. (chủ biên), Les pionniers du développement, Paris, Economica, 1988. – RAY D., Development Economics, Princeton University Press, 1998. – SEN A., “Editorial: Human Capital and Human Capabilities”, World Development, 1997, vol. 25, n0 12, p. 1959-1961. – STERN N., “The Economics of Development: a Survey”, The Economic Journal, Sept. 1989, p. 597-685. – STIGLITZ J., “The New Development Economics”, World Development, vol. 14, Feb. 1986, p. 257-266. – Coll: Nhiều tạp chí mới đã ra đời trong thập kỉ qua chuyên về phân tích kinh tế phát triển, trong đó ở Pháp có Revue d’économie du développement do Presses Universitaires de France xuất bản. Những tạp chí chính về phân tích kinh tế phát triển bằng tiếng Anh là Economic Development and Cultural Change (đại học Chicago), Journal of Development Economics (đại học California), Journal of Development Studies (London, Franck Cass), Journal of International Development (đại học Manchester), Review of Development Economics, World Bank Economic Review (Washington, World Bank), còn phải kể thêm một tạp chí lớn có tính xuyên bộ môn hơn nhưng có trọng tâm kinh tế là World Development. Bằng tiếng Pháp, cũng trong một tinh thần đa ngành, có tạp chí Tiers Monde.
Patrick GUILLAUMONT
Giáo sư đại học d’Auvergne (Clermont-Ferrand 1)
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001.
[*] Tên của một tướng cướp trong huyền thoại Hi Lạp vùng Athènes tra tấn du khách trên một chiếc giường (chiếc dài, chiếc ngắn) và chặt đứt hoặc kéo dài tay chân của nạn nhân theo đúng kích thước của giường (ND).↩