13.6.19

Những điều Alan Krueger đã dạy chúng ta về lương tối thiểu, giáo dục và bất bình đẳng

NHỮNG ĐIỀU ALAN KRUEGER ĐÃ DẠY CHÚNG TA VỀ LƯƠNG TỐI THIỂU, GIÁO DỤC VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG
Các công trình của kinh tế gia quá cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc tranh luận về mỗi chủ đề
Alan Krueger, và kế bên ông là Tổng thống Barack Obama vào năm 2011, khi được ông Obama chỉ định vào vị trí Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế [của nhà Trắng] (CEA). Ảnh: Win McNamee/công ty Getty Images
Kinh tế gia của Đại học Princeton Alan Krueger đã chết do tự tử vào cuối tuần trước [ngày 16/03/2019] ở tuổi 58, trường Princeton đã công bố vào thứ Hai [ngày 18/03/2019].
Những người quan sát chính trị bình thường có thể biết Krueger nhiều nhất qua bốn năm ông phục vụ trong chính quyền Obama, đầu tiên là trợ lý thư ký của Bộ Tài chính về chính sách kinh tế và sau đó là chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Kinh tế — chính thức là một kinh tế gia hàng đầu của Nhà Trắng.
David Card (1956-)
Joshua Angrist (1960-)
Nhưng đối với những người cùng ngành, Krueger được biết đến như người đã đưa tính chính xác trong nghiên cứu kinh tế lên một tầm mới và đánh đổ một số tư tưởng mộ đạo cố hữu. Công trình của ông và David Card thuộc đại học Berkeley đã gợi ý rằng những tiên đoán đơn giản thái quá được dạy trong môn Nhập môn Kinh tế học (Econ 101) về việc tăng lương tối thiểu tất yếu làm giảm việc làm không phải lúc nào cũng đúng. Công trình của ông về giáo dục với các đồng tác giả như Joshua Angrist thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Stacy Dale thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Mathematica đã khiến người ta chú ý nhiều hơn về những cách mà các phân tích thống kê tối giản có thể dẫn đến những kết luận sai, và phổ biến các phương pháp mới để cải thiện những phân tích này.
Và các công trình nghiên cứu cùng các phát biểu của ông tại Nhà Trắng dưới thời Obama đã đưa bất bình đẳng kinh tế trở thành vấn đề tranh luận chính vào đầu những năm 2010, tác động đến đời sống chính trị nước Mỹ nhiều năm sau đó.
Sau đây là bốn bài học lớn mà Krueger đã dạy chúng ta.
Mức lương tối thiểu không luôn luôn gây mất việc làm 
Lars Christensen
Trong các khóa học về kinh tế học nhập môn, sinh viên thường được dạy rằng thiết lập các mức giá
sàn — giá sữa, dầu, hoặc, có lẽ quan trọng nhất là giá lao động — sẽ khiến cung vượt cầu.
Trong trường hợp lao động, điều đó có nghĩa là nếu có mức lương tối thiểu, nhu cầu thuê mướn nhân công của giới chủ sẽ giảm (vì chi phí cao hơn) và cung lao động tăng (vì họ được hứa hẹn sẽ có nhiều tiền hơn), dẫn đến thất nghiệp, và theo sau là tất cả các chi phí và khổ đau.
Kết luận này phần lớn dựa trên lý thuyết trừu tượng, nhưng nó đã thống trị trong nhiều thập kỷ. Biểu đồ này, từ kinh tế gia Lars Christensen, trình bày phân tích theo kiểu nhập môn kinh tế học (econ 101) về mức lương tối thiểu:
Một mô hình cực kỳ tối giản về tác động của việc áp đặt lương tối thiểu. Lars Christensen
Đặt ra mức lương tối thiểu sẽ khiến lương tăng (Wmin > Weq) [lương tối thiểu lớn hơn lương cân bằng], tất nhiên rồi, nhưng nó cũng làm tăng cung lao động (N1 > Neq) [cung lao động tại mức lương tối thiểu lớn hơn cung lao động tại mức lương cân bằng] trong khi giảm cầu lao động (N2 < Neq) [cầu lao động tại mức lương tối thiểu nhỏ hơn cầu lao động tại mức lương cân bằng], và gia tăng đáng kể tình trạng thất nghiệp (N1 – N2) [cung lao động tại mức lương tối thiểu – cầu lao động tại mức lương tối thiểu].
Kết quả là, trong nhiều năm, nhiều kinh tế gia giả định rằng lương tối thiểu triệt tiêu việc làm mà hầu như không chất vấn điều này. Tiền lương tối thiểu có thể gây ra hệ quả như vậy, tất nhiên, nhưng ta phải so sánh các tác động tiêu cực của lương tối thiểu đến cầu lao động với lợi ích mà lương tối thiểu mang lại cho những lao động đang có việc làm.
Trong một bài báo xuất bản lần đầu bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) năm 1993, Krueger và đồng tác giả Card đã đập tan nhận thức thông thường đó. Họ đã tìm cách đánh giá tác động của việc tăng mức lương tối thiểu ở New Jersey, từ 4,25 đô-la lên 5,05 đô-la một giờ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 1992. (So với mức giá năm 2019, tương đương với mức tăng từ 7,70 đô-la đến 9,15 đô-la.)
Card và Krueger đã khảo sát hơn 400 nhà hàng thức ăn nhanh ở New Jersey và miền đông Pennsylvania để xem liệu tăng trưởng việc làm có chậm hơn ở New Jersey sau khi tăng lương tối thiểu hay không. Họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy điều đó. “Dù đã tăng lương, việc làm tương đương toàn thời gian đã tăng ở New Jersey so với Pennsylvania,” họ kết luận. Sự gia tăng đó không có ý nghĩa thống kê, nhưng họ chắc chắn không tìm thấy lý do nào để nghĩ rằng mức lương tối thiểu đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng việc làm ở New Jersey so với Pennsylvania.
Binyamin Appelbaum
James M. Buchanan (1919-2013)
Bài báo của Card và Krueger không phải là nghiên cứu đầu tiên ước lượng các tác động thực nghiệm của mức lương tối thiểu. Nhưng với phương pháp thuyết phục, và thực tế là nó đến từ hai giáo sư đáng kính ở Princeton, bài báo đã buộc các kinh tế gia chính thống phải nghiêm túc xem xét kết luận của nó. Phóng viên tờ New York Times, Binyamin Appelbaum, đưa ra một số phản ứng tiêu cực về bài báo trên Twitter:
Kinh tế gia từng đạt giải [tưởng nhớ] Nobel James Buchanan viết trên Wall Street Journal rằng Card và Krueger đang làm suy yếu uy tín của kinh tế học như một ngành học. Ông gọi họ và đồng minh của họ là “một lũ gái điếm phục vụ các trại lính”. — Binyamin Appelbaum (@BCAppelbaum)
Card và Krueger đã mở rộng kết quả nghiên cứu của họ thành một cuốn sách được đánh giá cao, Chuyện hoang đường và Phép đo (Myth and Measurement), và sau đó hầu như không tham gia tranh luận. “Sau đó, tôi đã tránh xa các tài liệu về mức lương tối thiểu bởi nhiều lí do,” Card chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau. “Thứ nhất, nó khiến tôi mất rất nhiều bạn bè. Lấy ví dụ, nhiều người tôi quen biết trong nhiều năm, một số tôi gặp khi lần đầu công tác tại Đại học Chicago, đã rất giận dữ và thất vọng. Họ cho rằng qua việc xuất bản công trình ấy, chúng tôi đã phản bội lại mục tiêu của toàn ngành kinh tế học.”
David Neumark (1959-)
Arindrajit Dube (1973-)
Nhưng nghiên cứu của họ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng. Cả những người chỉ trích và ủng hộ việc tăng lương tối thiểu đã trở nên ít lý thuyết suông và thực tế hơn rất nhiều. Một số kinh tế gia thực nghiệm (đáng chú ý nhất là David Neumark thuộc Đại học California tại Irvine) vẫn cho rằng tiền lương tối thiểu gây mất việc làm; những người khác (đáng chú ý nhất là Arindrajit Dube thuộc Đại học Massachusetts tại Amherst) cho rằng tác động lên việc làm của hầu hết các trường hợp tăng lương là rất hạn chế, và những tác động này được trung hòa bởi hiệu ứng giảm nghèo do lương tăng. Nhưng tất cả đều đồng ý rằng đây là một câu hỏi thực nghiệm được trả lời tốt nhất thông qua việc xem xét cẩn thận những gì xảy ra trong thực tế.
Nghiên cứu tổng quan định lượng lý thuyết gần đây nhất tôi đọc, lược khảo các nghiên cứu được công bố từ năm 2000 (phần nhiều trong số đó sẽ không được viết nếu không có Card và Krueger), kết luận rằng tác động của việc tăng lương tối thiểu lên việc làm là nhỏ và có thể là bằng không, và các nghiên cứu theo sau Card và Krueger đã giảm đáng kể ước lượng trung bình về tác động của mức lương tối thiểu lên việc làm.
Có nhiều cách tốt hơn để tìm ra mối quan hệ nhân–quả 
Alan Krueger — cùng với Card và nhiều kinh tế gia vi mô nổi tiếng khác trong thế hệ của họ — là một phần của cái mà những đồng nghiệp Joshua Angrist và Jörn-Steffen Pischke gọi là “cuộc cách mạng tín nhiệm” trong kinh tế học.
Edward Leamer (1944-)
Họ trích dẫn trong một luận văn năm 2010 đồng nghiệp tiền bối Edward Leamer của họ nói vào năm 1983, “Hầu như không ai nghiêm túc phân tích dữ liệu. Hoặc có lẽ chính xác hơn, hầu như không ai coi trọng việc phân tích dữ liệu từ người khác.” Người ta phân tích dữ liệu rất chủ quan, quá dễ dàng nghiêng về thiên kiến của chính mình, để rồi cảm thấy việc này gần như vô dụng.
Sau đó, một thế hệ các kinh tế gia mới đã tự mình thay đổi hiện trạng đó, bằng cách cẩn thận áp dụng các mô hình nghiên cứu tốt hơn có thể xác định mối quan hệ nhân quả (không chỉ là tương quan), và tập trung nhiều vào các nghiên cứu thí nghiệm thực sự và bán thí nghiệm (quasi-experiment) trong đó chỉ ra rõ hơn yếu tố nào đang gây ra cái gì.
Các “biến công cụ” là một trong những công cụ phổ biến nhất để giải quyết quan hệ nhân quả xuất hiện từ cuộc cách mạng tín nhiệm, và một trong những thử nghiệm sử dụng biến công cụ đầu tiên là trong bài báo của Krueger và Angrist về tác động của việc đến trường bắt buộc (luật yêu cầu người dân phải tham gia giáo dục hệ K-12 cho đến khi họ 16 hoặc 17 tuổi) ở Hoa Kỳ, và do đó, một cách gián tiếp nghiên cứu về tác động của việc đi học lâu hơn.
Cách đơn giản nhất để xem việc đến trường bắt buộc có giúp người trưởng thành tăng thu nhập hay không là so sánh xem mọi người kiếm được nhiều hơn trước hay sau khi luật đến trường bắt buộc có hiệu lực ở Hoa Kỳ. Nhưng có rất nhiều yếu tố khác bên cạnh việc đến trường bắt buộc ảnh hưởng đến việc đi học và thu nhập trong những khoảng thời gian đó. Có thể nền kinh tế rơi vào suy thoái, hoặc trợ cấp cho các trường học cũng tăng, hoặc nhiều trường học được mở ra.
Tất cả những yếu tố đó đều ảnh hưởng đến thu nhập và việc đến trường, và có thể khiến cho việc phân tích tác động riêng của chính sách đến trường bắt buộc lên học sinh trở nên rối tung. Các yếu tố khác này được gọi là các “biến bị bỏ qua” và thực sự có thể làm biến dạng loại phân tích này. Bạn có thể trực tiếp kiểm soát một số biến này, nhưng thường thì có những biến bị bỏ qua mà bạn không thể đo lường hay thậm chí không bao giờ nghĩ đến.
Một cách để giải quyết vấn đề này là tìm một “biến công cụ”: một biến giải thích biến động của biến mà bạn muốn biết tác động của nó (đến trường bắt buộc) nhưng biến ấy không được phép ảnh hưởng độc lập đến tác động cuối cùng mà bạn đo lường (thu nhập).
Angrist và Krueger đã sử dụng thời điểm sinh trong năm của học sinh như một biến công cụ. Việc bạn sinh ra vào tháng 3 hay tháng 11 sẽ không tự nó ảnh hưởng đến số tiền bạn kiếm được hay số năm bạn học ở trường. Nhưng vì các luật đến trường bắt buộc thường yêu cầu phải học đến một độ tuổi nhất định (như 16 tuổi), nên chúng thường dẫn đến việc học sinh có ngày sinh muộn hơn trong năm học được học nhiều hơn một khi chúng bỏ học so với học sinh có ngày sinh sớm hơn trong năm học.
Vì vậy, ngày sinh đã cho phép Angrist và Krueger ước tính tác động của việc đến trường bắt buộc (hay đơn giản là đi học lâu hơn) mà không phải lo lắng nhiều về các biến bị bỏ qua. Trừ khi việc được sinh ra vào quý đầu tiên của năm học làm giảm thu nhập của những người bỏ học cấp ba theo cách nào khác nữa, ngoài việc họ học ít hơn, phương pháp này sẽ đưa ra ước tính chính xác về tác động của việc đến trường bắt buộc và về các tác động mà việc đi học lâu hơn tạo ra lên thu nhập.
Họ kết luận là trường học thực sự đã tăng thu nhập của học sinh buộc phải ở lại trường lâu hơn. Công trình của họ đã bị chỉ trích kể từ đó, và các ước lượng dựa trên biến công cụ có thể dẫn đến việc biện giải kết quả sai lệch nếu chọn biến công cụ không phù hợp, nhưng dù sao ảnh hưởng của phương pháp này khó mà nói quá thêm được.
Susan Dynarski
Bài báo của Krueger cùng với Josh Angrist về suất sinh lợi của việc đi học xuất hiện trong mọi đề cương môn kinh tế học lao động và các phương pháp [nghiên cứu kinh tế học lao động].
Quan hệ cộng tác của họ có ảnh hưởng rất lớn. Giáo sư Dynarski (@dynarski)
Bài báo về quý sinh của Angrist-Krueger đã khởi kích một cuộc đàm luận xuyên suốt ngành kinh tế học về các biến công cụ và dạng mô hình mà giờ đây trở thành trụ cột của kinh tế học ứng dụng hiện đại.
Thật khó mà phóng đại ảnh hưởng của bái báo này thêm nữa.
Những đại học kén chọn giúp đỡ sinh viên các nhóm thiểu số, nhưng không giúp sinh viên da trắng 
Các công trình của Krueger, ngay cả khi đột phá về mặt lý thuyết, có xu hướng thực tế đến khó tin. Một ví dụ tuyệt vời, đặc biệt là sau vụ bê bối gần đây về việc hối lộ trong hệ thống tuyển sinh của các đại học hàng đầu, là công trình của ông với Stacy Dale thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Mathematica về việc liệu các trường đại học kén chọn có thực sự làm tăng thu nhập của sinh viên: Đi học ở Harvard có thực sự khiến bạn kiếm được nhiều tiền hơn thay vì học ở Massachusetts tại Boston không? 
Trong nghiên cứu này, một lần nữa, sử dụng phương pháp thích hợp là quan trọng. Krueger và Dale nhận thấy rằng nếu bạn kiểm soát đến các biến tiêu chuẩn như điểm trung bình tổng quát GPA, điểm đánh giá năng lực chuẩn hóa SAT, v.v., những sinh viên học đại học kén chọn sẽ kiếm được nhiều hơn đáng kể. Điều này có thể đánh lừa một người quan sát bình thường rằng các trường đại học kén chọn giúp sinh viên kiếm được nhiều tiền hơn, thậm chí nhiều hơn số mà trí thông minh tự nhiên và đạo đức làm việc giúp họ kiếm được.
Tuy nhiên Krueger và Dale, trong hai bài báo đăng trên NBER năm 1999 và năm 2011, đã phát hiện ra rằng việc học đại học kén chọn thực sự không có tác dụng gì nếu bạn so sánh những sinh viên được nhận vào các trường đại học kén chọn và theo học với những người được nhận và không theo học. Hai nhóm này không hoàn toàn giống nhau; có lẽ có điều khác biệt giữa những sinh viên được nhận vào Harvard nhưng đã chọn đến Đại học Massachusetts tại Boston và những người được nhận vào và chọn theo học ở Harvard. Nhưng hai nhóm này giống nhau nhiều hơn nhiều so với sinh viên Harvard và sinh viên Massachusetts tại Boston nói chung. Điều đó giúp việc so sánh họ là cách tốt hơn, nếu vẫn chưa hoàn hảo, để ước lượng tác động của việc học ở Harvard lên thu nhập.
Trong bài báo thứ hai của họ, Dale và Krueger đã sử dụng một bộ dữ liệu tốt hơn và xem xét các khoảng thời gian dài hơn, và nhận ra một số khía cạnh thú vị. “Kết quả này cho thấy rằng các sinh viên đến từ gia đình có hoàn cảnh bất lợi (về trình độ học vấn) hưởng lợi nhiều khi theo học tại một đại học kén chọn so với những người đến từ gia đình có lợi thế hơn,” họ kết luận. Sinh viên da đen và Hispanic (gốc Tây Ban Nha) cũng có xu hướng hưởng lợi về mặt kinh tế từ việc học tại các trường kén chọn. Nhưng bọn trẻ da trắng có cha mẹ từng học đại học và/hoặc sau đại học không hưởng lợi nhiều về mặt kinh tế.
Đó là một lý do đúng đắn để các bậc cha mẹ da trắng giàu có như Felicity Huffman và Lori Loughlin ngừng lót tay cho con cái họ vào những ngôi trường hàng đầu; chúng sẽ ổn về mặt vật chất bất kể thế nào. Nhưng đó đồng thời là một lý do tốt để các trường hàng đầu chấp nhận thêm thật nhiều đứa trẻ nghèo, da đen và hay gốc La tinh hơn, những người sẽ hưởng lợi nhiều hơn là những đứa trẻ da trắng giàu có. 
Bình đẳng và bình đẳng về cơ hội có liên hệ mật thiết 
Khi những người biểu tình chiếm phố Wall (Occupy Wall Street) và Obama đề xuất “Dự luật Buffett” [biện pháp đánh thuế nhà giàu] nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng, Krueger với tư cách là chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của nhà Trắng (CEA) cố vấn cho Obama vào đầu năm 2012, đã đưa ra một thuật ngữ giúp củng cố ý tưởng rằng tình trạng bất bình đẳng về thu nhập tai hại nghiêm trọng: đường cong Đại gia Gatsby:

Đường cong Đại gia Gatsby nguyên thủy, biểu thị tình trạng bất bình đẳng về thu nhập liên hệ với bình đẳng về cơ hội. Alan Krueger/Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA)
Đường cong cho thấy mối quan hệ giữa bất bình đẳng về thu nhập (được đo bằng hệ số Gini, một thước đo tiêu chuẩn) với bất bình đẳng về cơ hội (được đo bằng mối tương quan giữa thu nhập của cha mẹ và con cái của họ — ý tưởng đằng sau thước đo này là trong một thế giới bình đẳng về cơ hội, mối tương quan sẽ nhỏ). Và nó cho thấy hai phép đo này thường đưa ra những đáp án rất giống nhau. Điều đó cho thấy rằng sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập ở Hoa Kỳ có thể đi kèm với sự suy giảm bình đẳng về cơ hội.
Miles Corak (1958-)
“Sức bền bỉ mà những lợi thế và bất lợi về thu nhập được truyền từ cha mẹ sang con cái được dự đoán sẽ tăng khoảng một phần tư với thế hệ tiếp theo của Hoa Kỳ do sự gia tăng bất bình đẳng mà nước này đã trải qua trong 25 năm qua,” Krueger kết luận trong phát biểu của mình. “Thật khó để nhìn vào những con số này mà không lo ngại rằng tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng đang hủy hoại truyền thống bình đẳng về cơ hội của chúng ta.”
Ý niệm về một mối liên hệ không có gì lạ với Krueger; Miles Corak, một kinh tế gia thuộc đại học CUNY, đã thực hiện nghiên cứu mà từ đó Krueger xây dựng biểu đồ của mình, và kể một số câu chuyện phía sau ở đây. Và một cách tự nhiên, ý niệm về một mối tương quan đã bị phe bảo thủ thách thức gay gắt (với một số người khác như Corak đáp trả).
Dù sao Krueger đã phổ biến mối quan hệ này và giúp đưa vấn đề bất bình đẳng về thu nhập mối quan tâm chính của các nhà lập pháp bằng cách cho thấy nó có thể là một chỉ báo của sự xói mòn về giá trị mà mọi chính trị gia ở Washington tuyên bố giữ vững: bình đẳng về cơ hội.
Dylan Matthews
Dylan Matthews
Phóng viên cao cấp
Tôi gia nhập Vox vào tháng 2 năm 2014, tôi là một trong ba nhân viên đầu tiên của Vox, làm việc ở đây từ đó đến giờ, tôi viết về tất cả mọi thứ từ furries [các nhân vật hư cấu mang đặc điểm của động vật có vú trong các tiểu thuyết hư cấu, khoa học viễn tưởng, truyện tranh - ND] cho đến viện trợ nước ngoài. Hiện giờ tôi đặc biệt quan tâm đến các chủ đề như phát triển toàn cầu, các nỗ lực chống đói nghèo ở Hoa Kỳ và nước khác, chăn nuôi gia súc và phúc lợi động vật, và các cuộc tranh cãi về cách làm từ thiện đúng đắn.
Đoàn Trọng SangNguyễn Việt Anh dịch
Print Friendly and PDF