12.1.21

Gặp gỡ tác giả Daniel Kahneman - Tư duy chậm và nhanh + Daniel Kahneman, Nhà tâm lý học về kinh tế

 GẶP GỠ TÁC GIẢ DANIEL KAHNEMAN: TƯ DUY, CHẬM VÀ NHANH

Cuộc phỏng vấn do Claude Fischler thực hiện

Tháng 3 năm 2013

Chúng ta có hai hệ thống tư duy thay phiên nhau, bổ sung cho nhau và cũng khiến chúng ta phạm phải những lỗi phán xét. Daniel Kahneman, cha đẻ của kinh tế học hành vi, trong cuốn sách mới nhất của mình, đã trình bày kết quả của ba mươi năm suy ngẫm và thí nghiệm.



Daniel Kahneman, người được giải Nobel kinh tế năm 2002, tự hào là chưa bao giờ tham gia một khóa học kinh tế nào hết. Chính với tư cách là nhà tâm lý học mà ông, cùng với đồng nghiệp của mình là Amos Tversky, trong những năm 1970, đã phát triển điều sẽ trở thành một cuộc cách mạng thực sự trong kinh tế học: lý thuyết triển vọng”. Bài viết, được đăng trên tạp chí Econometrica, ngày nay là một trong những tài liệu tham khảo được trích dẫn nhiều nhất trong các tài liệu kinh tế[1]. Hai người, trong một quá trình mà D. Kahneman mô tả như là một cuộc trò chuyện thường nhật diễn ra trong nhiều năm, đã phát triển hết thí nghiệm này đến thí nghiệm khác để kiểm tra định đề về tính duy lý của lý thuyết chuẩn trong kinh tế học. Họ xác định một số điểm yếu, một số sai sót phổ biến và kết luận rằng con người không “duy lý” theo nghĩa của các nhà kinh tế học chính thống; nhưng cũng không “phi duy lý” hay thậm chí không thể dự kiến. “Lý thuyết triển vọng”, tiếp theo sau là cái sẽ được gọi là kinh tế học hành vi, đích xác tập trung vào việc hiểu rõ và tiên đoán những lựa chọn và quyết định của những con người thực sự. D. Kahneman, nay đã 77 tuổi, đã xuất bản một cuốn sách đã khiến ông mất 5 năm nỗ lực, một tập đại thành về tâm lý học phán đoán và ra quyết định, về lao động của ông và về hiện trạng tri thức trong các lĩnh vực liên quan đến tâm lý học và, rộng hơn, là về hoạt động của tư duy: Thinking, Fast and Slow [Tư duy, nhanh và chậm] được dịch ra tiếng Pháp và có tiêu đề là Système 1/Système 2: les deux vitesses de la pensée [Hệ thống 1/Hệ thống 2: hai tốc độ của tư duy] (Flammarion, 2012).

Trong tiếng Pháp, cuốn sách có tên là Hệ thống 1 / Hệ thống 2. Liệu hai “hệ thống tư duy” đó có phải là trực giác và lý trí hay không?

Amos Tversky (1937-1996)

Daniel Kahneman (1934-)
Không. Trực giác đúng là một sản phẩm của Hệ thống 1 (hay hệ thống tư duy nhanh). Nhưng Hệ thống 1 không chỉ có trực giác. Nó bao gồm tất cả những gì diễn ra một cách tự động. Khi tôi nói 2 + 2, bạn nghĩ ngay đến 4: đó là Hệ thống 1, nhưng đó không phải là trực giác. Trực giác là một trong nhiều cách tư duy mà chúng ta có, nó diễn ra một cách tự động và không có chủ tâm. Còn đối với Hệ thống 2 (hay tư duy chậm), lý trí là một phần của nó, nhưng Hệ thống 2 cũng không chỉ có lý trí. Đúng là hành động lý luận hàm ý một nỗ lực và một tính cách tuần tự theo định nghĩa: thế nhưng đó đúng là hai đặc điểm của tư duy chậm. Nhưng Hệ thống 2 không chỉ có thế, nó không chỉ bao gồm tính lô-gic, sự suy nghĩ mà còn có tính tự chủ chẳng hạn. Ý tưởng chung là có một hệ thống tư duy chậm (Hệ thống 2) rất biếng nhác, thiếu sinh động, trong khi trong tư duy nhanh (Hệ thống 1), tư duy lại xuất hiện một cách tự động dưới hình thái cảm xúc, phản ứng, chuyện kể. Trong mô tả của tôi, Hệ thống 2 hậu thuẫn cho Hệ thống 1; giống như thể đặt bút ký một văn bản được trình ký. Tôi viện dẫn ẩn dụ của một tổng biên tập. Hệ thống 2 “đọc lại” hành vi, trong khi văn bản [được trình ký] trong thực tế được viết ở một nơi khác, chủ yếu ở Hệ thống 1. Nhưng Hệ thống 2 có thể ngăn chặn một bài viết, hoặc sửa đổi nó hoặc huy động một người biên tập khác làm công việc đó...

Thử tiếp tục với ẩn dụ của nhà báo, ông có cho rằng Hệ thống 1, nếu câu chuyện đáng để kể, sẽ không sa quá nhiều vào những tiểu tiết...

Chính xác. Và trong hầu hết các trường hợp, Hệ thống 2 sẽ thông qua. Ý tưởng của chúng ta về cách mà chúng ta tư duy thường là sai. Chúng ta cho rằng chúng ta có lý do để suy nghĩ những gì chúng ta suy nghĩ. Trên thực tế, chúng ta tin vào những lý do đó, bởi vì chúng ta có niềm tin. Thử lấy một ví dụ, mà tôi thường trích dẫn, về tam đoạn luận đề cập đến hoa hồng và loài hoa: tất cả hoa hồng đều là loài hoa; có một số loài hoa héo tàn nhanh và do đó có một số loài hoa hồng héo tàn nhanh. Khi tôi trình bày tam đoạn luận đó cho các sinh viên của mình, khoảng 80% sinh viên cho rằng điều đó đúng, trong khi điều đó không đúng. Và cũng chính những sinh viên đó, nếu họ nhìn vấn đề theo x và y, sẽ đưa ra câu trả lời đúng, và đưa ra câu trả lời sai nếu đặt vấn đề theo cách trên. Có một sự thay thế giữa những gì có vẻ là đúng và những gì đã được hợp thức là đúng. Đó chính xác là cách hoạt động của Hệ thống 1: có vẻ đúng và hợp thức, đối với Hệ thống 1, là khá giống nhau; nếu kiểm tra lại, thì chúng ta sẽ thấy sai; nhưng người ta không kiểm tra lại vì “có cảm giác” là đúng... Vì vậy, khi chúng ta tin vào một điều gì đó, thì không phải là lý lẽ khiến chúng ta tin, mà chúng ta tin vào một kết luận, và chúng ta xem như thể lý lẽ đã dẫn chúng ta đến một kết luận. Đó chính là ý tưởng mà tôi quan tâm ngày hôm nay.

Liệu sự sáng tạo có nằm trong Hệ thống 1 hay không? 

Sarnoff Mednick (1928-2015)

Có, không nghi ngờ gì về điều này. Về cơ bản, sáng tạo là một cách mới để kết nối các ý tưởng. Thử xem xét các thí nghiệm liên kết xa vời [remote association test], được nhà tâm lý học Sarnoff Mednick thực hiện vào năm 1958. Bạn chỉ ra ba từ cho chủ thể và chủ thể đó phải cho bạn biết liệu có mối liên hệ nào giữa các từ đó hay không. Như vậy, S. Mednick đã mô tả sự sáng tạo, với việc hình thành hình ảnh trực quan gắn với nó. Tôi luôn nhớ một cuộc trò chuyện giữa tôi với ông ấy: lúc đó tôi là sinh viên và ông ấy là một nghiên cứu sinh tiến sĩ về chủ đề này. Vậy mà bây giờ, năm mươi năm sau, người ta rất quan tâm đến ý tưởng này. Nói thế rồi, hệ thống tư duy chậm cũng tiếp cận với ký ức. Không phải mọi thứ đều diễn ra một cách tự động, Hệ thống 2 có thể huy động Hệ thống 1 để khi suy nghĩ thật mạnh về một vấn đề nào đó trước khi ngủ, thì khi thức dậy người ta có một giải pháp. Rõ ràng là bạn đã làm cho Hệ thống 2 hoạt động và bạn đã kích hoạt bộ nhớ của mình: sẽ có một số liên kết được thiết lập, trong khi những liên kết không cần thiết khác sẽ bị xóa đi, và những gì còn lại sẽ mang lại cho bạn giải pháp...

Trong một bài trên tạp chí Vanity Fair mà tác giả đã dành viết về ông, Michael Lewis đã đặt cho ông biệt danh là “Vua lỗi của con người”. Mặt khác, ông đã phật ý khi người ta nói rằng những gì ông chứng minh là con người là những nhân vật không duy lý...

Michael Lewis (1960-)

Nói rằng tôi là “vua lỗi của con người” làm tôi phật ý, nói rằng chúng tôi chứng minh con người là những nhân vật không duy lý làm tôi nổi giận! Đối với tôi, tính duy lý khó có thể là một con đường nghiên cứu hiệu quả. Đối với một nhà kinh tế học, tính duy lý có nghĩa là bạn có những niềm tin hoàn toàn chặt chẽ, có những sở thích nhất quán và lô-gic. Thật vậy, tôi lên tiếng chống lại quan điểm phi thực tế này về lý luận của con người. Đây chính là vấn đề mà chúng tôi đã tìm cách đương đầu. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói rằng con người là những nhân vật phi lý. Thật ra, tôi cho rằng con người là những nhân vật duy lý trong hầu hết thời gian... Đúng là mô hình của chúng tôi giải thích rất nhiều lỗi. A. Tversky và tôi đã chứng minh, ví dụ, rằng lý luận thống kê là phản trực giác, ngay cả đối với các nhà thống kê chuyên nghiệp, những người đã mắc phải những lỗi trực giác thô thiển, đặc biệt khi đương đầu với những vấn đề liên quan đến các mẫu cỡ nhỏ. Ở một mức độ nào đó, đây là phần mà người đọc quan tâm nhất trong cuốn sách. Nhưng không phải tất cả các lỗi của con người đều vô lý, “phi duy lý”. Chúng thường là sản phẩm của khả năng phát hiện[2], của những lý luận có vẻ là đúng nhưng không phải vậy, bởi vì chúng dựa trên những thiên kiến ​​nhận thức[3]. Con người là những nhân vật hợp lý phải chăng và không duy lý.

Tóm lại, trong mối quan hệ giữa tư duy nhanh và tư duy chậm, ông có đứng về phía David Hume khi ông ấy viết rằng “lý trí là nô lệ của cảm xúc”?

David Hume (1711-1776)

Nếu đúng là Hệ thống 1 chiếm ưu thế thì đó là điều phải xảy ra trong hầu hết các trường hợp. Làm thế nào để chúng ta biết mọi thứ, làm thế nào để chúng ta biết những gì chúng ta biết? Đối với tôi, có vẻ như các nhà khoa học có một ý tưởng hoàn toàn phi lý về vấn đề này: hầu hết hiểu biết của chúng ta đều không dựa vào bằng chứng. Trong thực tế, hầu hết hiểu biết của chúng ta dựa vào những niềm tin hợp lý, những sự thuyết phục. Nếu các nhà khoa học nghĩ rằng họ có thể thuyết phục công chúng bằng cách cung cấp bằng chứng, thì họ đã nhầm to. Để thuyết phục, cần phải dựa vào Hệ thống 1... Các nguồn lực của Hệ thống 1 – sự tường thuật, chuyện kể hoặc sự tín nhiệm vào người nói – quan trọng hơn nhiều so với lý luận.

Mối quan hệ của ông với kinh tế học có một chút gì đó đặc biệt. Giải thưởng Nobel về kinh tế được trao cho một nhà tâm lý học tự hào gần như chưa hề tham gia một khóa học kinh tế nào... Và là người, theo một nghĩa nào đó, đã làm tan tành cái nhìn của phái tân tự do về mọi việc...


Cass Sunstein (1954-)
Ngoại trừ việc nó không vỡ thành mảnh! Lý thuyết thống trị vẫn là lý thuyết tân tự do. Chắc chắn, điều rõ ràng là kinh tế học hành vi đã thành công. Nhưng sự thành công lớn nhất của nó không nằm trong kinh tế học, nhưng nằm ở điều mà bây giờ người ta gọi là “cú hích[4] vốn trong thực tế là cách tiếp cận của tâm lý học xã hội. Tôi đã hoài công kêu gọi những người khởi xướng kinh tế học hành vi gọi đó là khoa học hành vi [behavioral science]... Nhưng không làm gì được: Cass Sunstein (một trong những tác giả của tác phẩm Nudge [Cú hích] và là cố vấn cho Tổng thống Obama[5]) sẽ lãnh đạo một học viện tại Đại học Harvard, có tên gọi là “Kinh tế học hành vi và chính sách công”. Về phần tôi, tôi chưa bao giờ nói tôi là một nhà kinh tế học hành vi! Trong suốt mươi năm, chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện hàng ngày, mỗi chiều với người bạn của tôi A. Tversky. Tất nhiên, lúc đầu, chúng tôi đã bị phớt lờ hoặc chế giễu. Nhưng từ thời điểm đó đến giải thưởng Nobel, khoảng hai mươi lăm năm đã trôi qua: thời gian trôi qua rất nhanh! Chưa bao giờ có bất cứ điều gì có chủ tâm, có chủ ý. Chúng tôi chưa bao giờ tìm cách gây ảnh hưởng đến kinh tế học. Chúng tôi đã không đăng bài trên tạp chí Econometrica vì đây là một tạp chí có ảnh hưởng. Nhưng nếu chúng tôi đăng cùng bài đó trên một tạp chí tâm lý học có uy tín đến mấy, thì sẽ không có điều gì xảy ra. Trong tạp chí Econometrica, bài viết đã được trích dẫn khoảng 8.000 lần. Trên thực tế, nếu giải thưởng Nobel được trao cho chúng tôi, đó là do Richard Thaler[6], một nhà kinh tế học đặc biệt xuất sắc nhưng không “thiên nhiều về toán học” như những người khác, đã phát hiện ra bài viết của chúng tôi thông qua một người bạn trong ngành tâm lý học, Baruch Fischhoff. Ông ấy bắt đầu thu thập các nhận xét và giai thoại, các điều nghịch thường, đặc biệt về hành vi của các giáo sư của ông ấy. A. Tversky và tôi trở thành láng giềng tại Đại học Stanford. Và vào năm 1980, ông ấy đã viết bài có tính nền tảng về kinh tế học hành vi[7]. Sau đó, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của một quỹ, quỹ Russell Sage, để kéo kinh tế học và tâm lý học đến gần nhau. Tôi nhớ đã nói với ngài chủ tịch của quỹ: đừng trả công cho các nhà tâm lý học để gây ảnh hưởng đến kinh tế học, chỉ cần cố làm cho các nhà kinh tế học quan tâm đến tâm lý học. Đây là khoản tài trợ [grant] đầu tiên của chúng tôi, và nó đã giúp R. Thaler đến với tôi, trong một năm, ở Đại học Vancouver, nơi lúc đó tôi là giáo sư.

Daniel Kahneman

Sinh năm 1934 tại Tel Aviv, Daniel Kahneman đã sống thời niên thiếu ở Paris và rời nước Pháp năm 1946. Ông học ngành tâm lý học ở Đại học Jerusalem rồi Đại học Berkeley, nơi ông trở thành nhà nghiên cứu. Năm 1967, khi trở lại Israel, ông đã gặp Amos Tversky, người mà ông đã cộng tác cho đến khi ông ấy qua đời vào năm 1996. A. Tversky cũng là một nhà tâm lý học và quan tâm đến vấn đề ra quyết định. Giữa Israel và Hoa Kỳ, A. Tversky và D. Kahneman đã xây dựng những thí nghiệm và bài viết nền tảng về tâm lý học lựa chọn.

Claude Fischler (1947-)

Richard Thaler (1945-)

Năm 1980, nhà kinh tế học Richard Thaler đã lấy cảm hứng từ các công trình của họ để đặt nền móng cho kinh tế học hành vi. D. Kahneman, giáo sư danh dự tại Đại học Princeton, đã nhận giải thưởng Nobel về kinh tế năm 2002.

Ông dành tặng cuốn sách mới nhất của ông (Thinking, Fast and Slow [Tư duy, nhanh và chậm]) cho người bạn của mình Amos Tversky.

Claude Fischler

Claude Fischler đã cộng tác với Daniel Kahneman kể từ năm 2004 trong các cuộc điều tra so sánh về “phúc lợi chủ quan” ở Hoa Kỳ, Pháp và Đan Mạch.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Rencontre avec Daniel Kahneman: Pensée lente, pensée rapide, Sciences Humaines, tháng 3 năm 2013.

* * *

DANIEL KAHNEMAN (1934-), NHÀ TÂM LÝ HỌC VỀ KINH TẾ

Nicolas Gallois

Daniel Kahneman quan tâm đến các quá trình nhận thức làm nền tảng cho việc đưa ra các quyết định kinh tế: tìm kiếm sự hài lòng, ngại rủi ro, v.v..

Vernon L. Smith (1927-)
Sinh ra ở Tel Aviv (Israel) vào năm 1934, Daniel Kahneman đã dành cả tuổi thanh xuân ở Paris, nơi ông chịu đựng sự chiếm đóng của Đức kể từ năm 1940. Cuộc sống lén lút và nỗi lo sợ bị bố ráp, đánh nhịp theo cuộc sống hàng ngày là những thứ nuôi dưỡng sự khao khát ở ông trong việc thăm dò hành vi con người, theo lời của ông sau nhiều thập kỷ. Sau khi học xong ngành tâm lý học và toán học, ông giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Israel và Bắc Mỹ. Năm 2002, nhà tâm lý học này được trao giải thưởng Nobel về kinh tế vì sự đóng góp cho kinh tế học thực nghiệm, một phương pháp làm cho khoa học kinh tế thích ứng với các thí nghiệm thường được thực hiện trong tâm lý học, mà ông là một trong những nhà lãnh đạo cùng với Vernon Smith (1927-).

Cùng với nhà tâm lý học và nhà toán học Amos Tversky (1937-1996), ông đã xây dựng cái gọi là lý thuyết triển vọng, để giải thích thái độ của con người trước các hiện tượng ngẫu nhiên. Lý thuyết đó, lần đầu tiên, được đề cập đến trong bài viết có tựa đề “Prospect Theory: An Analysis of Decision Under Risk [Lý thuyết triển vọng. Một phân tích về các quyết định trong tình huống rủi ro]” (1979) và được đào sâu, vào năm 1982, trong cuốn sách có tựa đề Judgment in uncertainty: Heuristics and Biases [Phán quyết trong tình huống bất định: khả năng phát hiện và thành kiến].

Từ lý thuyết lợi ích kỳ vọng ​​đến s mô tả hành vi của con người

Cho đến lúc đó, những nghiên cứu về việc ra quyết định chủ yếu dựa trên khái niệm về lợi ích kì vọng, giả định rằng con người chọn những tùy chọn nào mang lại sự hài lòng lớn nhất có thể. Cách tiếp cận này nhanh chóng cho thấy sự hạn chế quá lớn để hiểu rõ con người kinh tế [homo œconomicus], như cách gọi thông thường để chỉ con người kinh tế có tính duy lý và tính toán. Nhờ lý thuyết triển vọng, D. Kahneman bộc lộ bản chất thực sự trong động lực của con người, khi xác định sự tồn tại của hai xu hướng: một mặt, là sự ngại rủi ro, thúc đẩy con người tránh xa các tình huống nguy hiểm; mặt khác, là việc đi tìm sự thực hiện một tiềm năng, một điều ngược lại với hành vi chấp nhận rủi ro.

Từ những kinh nghiệm đó, D. Kahneman suy ra rằng con người đưa ra quyết định không dựa trên cơ sở được-thua, mà dựa trên nhận thức của họ khi đối mặt với xác suất được-thua. Con người có thể, ví dụ, bóp méo thực tế bằng cách khuếch đại những mất mát và giảm thiểu những cái kiếm được. Nỗi lo mất đi 100 euros thường được cảm nhận là mãnh liệt hơn hy vọng kiếm được 150 euros. Nhà tâm lý học dám sử dụng một phép ẩn dụ mượn từ lãnh vực nhận thức: con người đặc biệt cảm nhận được nhiệt độ của nước bằng một đánh giá dựa trên cơ sở một điểm tham chiếu (như nhiệt độ thời tiết bên ngoài), có thể là nóng hoặc lạnh và sẽ xác định nhận thức của mình.

Bằng cách đưa tâm lý học nhận thức vào kinh tế học, D. Kahneman cho rằng con người đánh giá các tình huống không chắc chắn theo một cách tương đối mà không bao giờ so sánh với tất cả các tình huống khác, chứ không phải theo một cách tuyệt đối và khách quan như theo tiên đề của lý thuyết kinh tế cổ điển. Như vậy, nhà kinh tế người Mỹ gốc Israel đã mở đường cho một sự nghiên cứu lại, trong rất nhiều lĩnh vực như tài chính, kinh tế học công hoặc kinh tế học vĩ mô.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Daniel Kahneman (1934-), Un psychologue en économie, Sciences Humaines, Tháng 4-5 năm 2019.



Chú thích:

[1] Daniel Kahneman và Amos Tversky, “Prospect theory. An analysis of decision under risk [Lý thuyết triển vọng. Một phân tích về các quyết định trong tình huống rủi ro]”, Econometrica, tập. XLVII, số 2, tháng 3/1979.

[2] Khả năng phát hiện (Heuristique)

Trong các khoa học nhận thức, khả năng phát hiện chỉ định một chiến lược giải quyết vấn đề. Đó là một chiến lược tinh thần, để phân biệt với thuật toán (cách tiếp cận lô-gic), và đề cập đến việc đặt cược vào xác suất của một giải pháp nhất định. Để tìm chiếc chìa khóa bị mất, bạn hãy suy nghĩ lại lần cuối cùng bạn đã dùng nó, đó là quá trình phát hiện.

[3] Thiên kiến nhận thức (Biais cognitifs)

Thiên kiến nhận thức là những lý luận có vẻ đáng tin nhưng lại có lỗi. Ví dụ:

1) lính cứu hỏa rất dũng cảm;

2) trong số những người dũng cảm, có người hùng;

3) vì vậy, có người hùng lính cứu hỏa.

Tính hiển nhiên của từng mệnh đề khiến chúng ta tin rằng sự chứng minh là lô-gic, trong khi không hẳn vậy. Chúng ta thấy điều đó trong ví dụ sau đây, khi mệnh đề có cùng một cấu trúc lô-gic:

1) đàn vĩ cầm là một nhạc cụ;

2) trong số các nhạc cụ, có đàn dương cầm;

3) vì vậy, có những đàn vĩ cầm là đàn dương cầm.

Mỗi mệnh đề có tính hợp thức, nhưng lý luận có tính không hợp thức.

[4] Cú hích

Thuật ngữ “Nudge [Cú hích]” không có tương đương trong tiếng Pháp, nhưng có nghĩa gần với “động viên”, hoặc “khuyến khích”. Con vịt mẹ giữ đàn vịt con của mình đi đúng đường bằng một cái đẩy nhỏ kín đáo, một cú hích, khi chúng đi chệch đường. Nudge, một tác phẩm của Richard Thaler và Cass Sunstein, ủng hộ “chủ nghĩa gia trưởng tự do triệt để”: một cách tiếp cận về kích cầu kinh tế bằng những cú hích nhỏ hơn là ép buộc. Trên thực tế, như Daniel Kahneman đã chỉ ra, đó là những ứng dụng của tâm lý học xã hội và nhận thức vào các chính sách công: ví dụ, chúng ta có thể làm cho người lái xe giảm tốc độ ở những khúc quanh nguy hiểm bằng cách vẽ ngang đường những dải hình màu trắng ngày càng gần hơn. Kết quả thu được hiệu quả hơn rất nhiều so với các biển báo giao thông cổ điển.

[5] Richard H. Thaler và Cass R. Sunstein, Nudge. Improving decisions about health, wealth, and happiness [Cú hích. Cải thiện các quyết định về sức khỏe, sự giàu có và hạnh phúc], Yale University Press, 2008.

[6] Richard Thaler, “Toward a positive theory of consumer choice [Hướng tới một lý thuyết thực chứng về lựa chọn của người tiêu dùng]”, tạp chí Journal of Economic Behavior and Organization, tập. I, số 1, 1980.

[7] Kinh tế học hành vi

Trái ngược với những gì kinh tế học chuẩn (được gọi là “chính thống”) lập luận, chúng ta không hoàn toàn là những con người kinh tế [Homo œconomicus] duy lý một cách hoàn hảo. Kinh tế học hành vi đã phát triển những thí nghiệm theo cách mà các tác nhân phân xử giữa nhiều lựa chọn khi đối mặt với một quyết định kinh tế, có tính đến vai trò của cảm xúc (ví dụ như tính không thích rủi ro) hoặc thiên kiến nhận thức.

Print Friendly and PDF