LIỆU TRUNG QUỐC CÓ THỂ TRỞ THÀNH NƯỚC DẪN ĐẦU CÔNG NGHỆ THẾ GIỚI?
(Nguồn: Engadget)
Từ hai năm nay, Hoa Kỳ đã tăng cường hạn chế xuất khẩu và đầu tư vào Trung Quốc. Với tham vọng được nêu lên rõ ràng là duy trì lợi thế lớn nhất có thể trong các công nghệ chủ yếu – đặc biệt là chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Cú sốc đối với ngành công nghiệp Trung Quốc rất dữ dội, thể hiện qua sự suy sụp lợi nhuận của Huawei, với mức giảm lũy kế là 84% từ năm 2020 đến năm 2022. Tuy nhiên, nhiều báo cáo mang tính báo động khác nhau về chiều rộng của sự bắt kịp công nghệ của Trung Quốc đã được công bố trên các tạp chí Anglo-Saxon, nhấn mạnh đển sự trỗi dậy của sự lãnh đạo công nghệ (của Trung Quốc) trong nhiều lĩnh vực. Cuộc chiến bán dẫn sẽ trì hoãn việc bắt kịp này và vị thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này dường như được đảm bảo đến năm 2030. Đối với chân trời năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sự không chắc chắn còn lớn hơn nhiều và cuộc đánh cuộc có thể bắt đầu.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, không giấu giếm ý định của chính quyền Mỹ: “Hoa Kỳ phải duy trì lợi thế trên diện rộng nhất có thể trước Trung Quốc về một số công nghệ chủ yếu, đặc biệt là chất bán dẫn.” Tham vọng này ngầm báo hiệu mối lo ngại thực sự về mức độ bắt kịp mà Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện.
CỔ XE LĂN CỦA SỰ BẮT KỊP CỦA TRUNG QUỐC
Nỗi ám ảnh về việc bắt kịp công nghệ trên thực tế là lĩnh vực duy nhất mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình qua Đặng Tiểu Bình. Sự phát triển của nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R/D) phản ánh tính liên tục trong chính sách của Trung Quốc và sự giật mình của Mỹ kể từ năm 2017, với khoảng cách vẫn còn đáng kể giữa hai nước.
Một báo cáo do Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin Hoa Kỳ/Information Technology and Innovation Foundation (IFIT) công bố vào tháng 11 năm 2022, có tiêu đề “Nước Mỹ, hãy thức tỉnh: Trung Quốc đang vượt qua Hoa Kỳ về kết quả đổi mới”, cung cấp cái nhìn sâu hơn về cuộc cạnh tranh công nghệ giữa hai nước. Báo cáo phân biệt ba loại dữ liệu: đầu vào/input, bao gồm dữ liệu định lượng – chẳng hạn như nỗ lực Nghiên Cứu và Phát Triển/R&D hoặc số lượng nhà nghiên cứu – hoặc dữ liệu định tính như danh tiếng của các tổ chức; đầu ra/output, là những đổi mới thực tế được chuyển thành các bài báo khoa học và bằng sáng chế; và cuối cùng là kết quả/outcome là sự chuyển dịch các đổi mới thành sản phẩm hoặc dịch vụ mới được đưa ra thị trường. Chỉ số tổng hợp từ ba nhóm dữ liệu này cho thấy Trung Quốc ở mức 57,6% mức độ phát triển công nghệ của Mỹ vào năm 2010 và 75% vào năm 2020. Nếu chúng ta kéo dài xu hướng này, việc bắt kịp của Trung Quốc sẽ được hoàn thành ngay từ năm 2035.
Chỉ số tổng hợp điểm số của Trung Quốc so với điểm số của Mỹ năm 2010 và 2020
Nguồn: Báo cáo ITIF tháng 11 năm 2022 “Wake up, America: China is overtaking the United States in innovation
outputs (Nước Mỹ, hãy thức
tỉnh: Trung Quốc đang vượt qua Hoa Kỳ về kết quả đổi mới)”
Báo cáo chứa nhiều dữ liệu so sánh rất có ý nghĩa. Ví dụ với số lượng bài báo khoa học được xuất bản năm 2020 của các tác giả Trung Quốc: cao gấp 3,5 lần so với các tác giả Mỹ về hóa học, gấp 2,5 lần về khoa học kỹ thuật, gấp 2,3 lần về công nghệ thông tin, gấp 1,5 lần về toán học và thống kê. Nếu cộng thêm vào đó tiêu chí về tác động khoa học của các bài báo được xuất bản, dựa trên 1% số bài báo có số lượng trích dẫn lớn nhất, các nhà nghiên cứu Mỹ vẫn chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế này đã giảm đáng kể: trong mười năm, tỷ lệ tác động đã giảm từ ba xuống một tới ba xuống hai. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc rõ ràng cũng đã đạt được lợi thế trong lĩnh vực toán học và thống kê.
Một báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố vào tháng 8 năm ngoái và được trích dẫn trên tờ Nikkei Asia vào ngày 9 tháng 8 còn đi xa hơn. Nó đặt các nhà khoa học Trung Quốc ở vị trí đứng đầu trên thế giới về số lượng ấn phẩm có tác động cao trước các nhà nghiên cứu Mỹ trong giai đoạn 2020-2022, tuy nhiên nó cũng chỉ ra một sự lệch lạc: tỷ lệ các nhà nghiên cứu Trung Quốc được trích dẫn bởi các nhà nghiên cứu khác trong nước cao gấp đôi so với tỷ lệ này của các nhà nghiên cứu Mỹ, điều này cho thấy xu hướng dân tộc chủ nghĩa hoặc hướng tâm làm rối sự so sánh.
Liên quan đến các họ về bằng sáng chế quốc tế (IPF trong tiếng Anh), ưu thế của Trung Quốc đã được thiết lập ở nhiều lĩnh vực khác nhau: gấp 12 lần mức của Mỹ về công nghệ môi trường, 7 lần về công nghệ sinh học, 4 lần về viễn thông và 3 lần về công nghệ máy tính. Tiêu chí IPF này có lẽ bị lệch lạc có lợi cho các công ty Trung Quốc có các bằng sáng chế được công nhận với chi phí thấp hơn so với các quốc gia châu Á khác nhau, nhưng khoảng cách với Hoa Kỳ rộng đến mức là sự vượt trội của Trung Quốc có thể được xác định trong một loạt lĩnh vực. Chỉ một ví dụ: các công ty Trung Quốc đã nộp 65% “bằng sáng chế thiết yếu đối với một tiêu chuẩn” (SET) cho Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu (ETSI) vào năm 2021, đặc biệt là đối với tất cả các kết nối của các vật thể (chẳng hạn như ô tô) với mạng 4G, 5G và WiFi.
Một trong những điểm đáng chú ý của báo cáo cũng liên quan đến kết quả, tức là khả năng biến đổi mới thành sản phẩm hoặc dịch vụ được bán trên các thị trường. Tỷ trọng giá trị gia tăng dành cho các ngành công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao ở Trung Quốc rất gần với mức của Mỹ vào năm 2020 (92% so với GDP tương ứng). Tỷ trọng công nghệ cao trong xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc cũng cao gấp 2,5 lần so với xuất khẩu của Mỹ. Trong số những tiến bộ nhanh nhất của Trung Quốc có các lĩnh vực phần mềm máy tính, máy tính hiệu suất cao, robot công nghiệp (số lượng robot trên mỗi nhân viên trong công nghiệp hiện tương đương giữa hai nước) và an ninh mạng.
Báo cáo kết luận bằng cách nhắc lại một số bất lợi nhất định mà Trung Quốc đang phải đối mặt: suy thoái kinh tế, dân số già hóa ảnh hưởng đến tiềm năng của các nhà nghiên cứu trẻ, năng suất giảm sút, ưu tiên dành cho khu vực công ít đổi mới hơn... Đó là những trở ngại có thể khiến cho tốc độ của quá trình bắt kịp đã được thực hiện trong ba thập kỷ vừa qua bị chậm lại.
BÁO ĐỘNG ĐỎ TẠI ÚC
Một báo cáo khác được Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố vào tháng 2 năm 2023 thậm chí còn đáng báo động hơn. Với tiêu đề “Ai đang dẫn đầu cuộc đua về các công nghệ chủ yếu?”, báo cáo này kết luận rằng Trung Quốc đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về 37 trong số 44 công nghệ chủ yếu được Viện phân tích bao gồm quốc phòng, không gian, robot, năng lượng và môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến và công nghệ lượng tử. Phương pháp mà ASPI sử dụng khác với phương pháp của ITIF. Về cơ bản, nó tập trung vào đầu ra của đổi mới, với ba thông số: tỷ lệ các bài báo khoa học xuất hiện trong 10% bài báo được trích dẫn nhiều nhất, chỉ số H (đo lường hiệu suất cá nhân của mỗi nhà nghiên cứu) trong 5 năm qua, được tổng hợp theo tổ chức khoa học và theo quốc gia, và cuối cùng là số lượng các tổ chức nghiên cứu xuất hiện trong số 10, sau đó là 20 tổ chức được công nhận nhất trên phạm vi toàn cầu. Việc thu thập dữ liệu được thực hiện trên 2,2 triệu bài báo khoa học được xuất bản chủ yếu bằng tiếng Anh, trong giai đoạn 2018-2022 trong 44 lĩnh vực công nghệ. Mỗi vị trí lãnh đạo sau đó sẽ được coi là có nguy cơ thống trị cao, trung bình hoặc thấp tùy thuộc vào khoảng cách với các quốc gia khác và số lượng quốc gia hoạt động trong cuộc cạnh tranh khoa học.
Dựa trên các tiêu chí này, Trung Quốc xuất hiện ở vị trí dẫn đầu ở 37 trong 44 lĩnh vực, tạo ra nguy cơ thống trị được cho là cao ở 8 lĩnh vực: sản xuất và vật liệu nano, lớp phủ, truyền thông tiên tiến (5G, 6G), động cơ hydro và amoniac, siêu máy tính, pin điện, sinh học tổng hợp, cảm biến quang tử. Hoa Kỳ duy trì vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực bán dẫn và điện toán lượng tử. Một ví dụ nổi bật là động cơ máy bay tiên tiến, đặc biệt là động cơ siêu thanh. Bảy trong số mười tổ chức hoạt động tích cực nhất trên toàn thế giới trong lĩnh vực này là của Trung Quốc và, trong 5 năm qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xuất bản các bài báo có tác động cao gấp bốn lần so với các nhà nghiên cứu Mỹ.
Báo cáo cũng nhấn mạnh khả năng thu hút của Trung Quốc đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài. Gần 25% nhà nghiên cứu đăng các bài báo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc là nhà nghiên cứu gốc nước ngoài, chưa kể những người được đào tạo ở Bắc Mỹ và trở về nước mà số lượng ngày càng tăng dưới tác động của chính sách đối đầu công nghệ do Washington tiến hành (1.400 nhà nghiên cứu đã hồi hương vào năm 2021, 16.000 kể từ đầu những năm 2010). Vào năm 2021, Trung Quốc đã thu hút một lượng lớn các nhà nghiên cứu nước ngoài nhiều hơn Hoa Kỳ.
ASPI có lẽ là không trung lập trong phân tích rủi ro: mục tiêu của Úc là thuyết phục Hoa Kỳ rằng chỉ có sự chia sẻ tài nguyên trên quy mô của Bộ tứ/Quad[**] (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc) mới có thể giúp ngăn chặn mối đe dọa công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh quốc gia.
CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU TRONG GIỚI QUÂN SỰ MỸ
Báo cáo thường niên mới nhất của công ty tư vấn và nghiên cứu chiến lược Govini, được xuất bản vào tháng 7 năm ngoái với tựa đề “Bảng điểm an ninh quốc gia năm 2023”, cũng đáng báo động như báo cáo của ASPI. Báo cáo này tập trung vào số lượng bằng sáng chế và chuỗi giá trị công nghiệp của 12 công nghệ được coi là quan trọng nhất từ góc độ an ninh quốc gia. Nhận xét của Govini là các công ty Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu trong cuộc đua bằng sáng chế với các công ty Trung Quốc và sự phụ thuộc của chúng vào các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn không hề giảm đi.
Nguồn: The 2023 national Security
Scorecard (Bảng điểm An ninh quốc gia 2023). Govini
Trung bình, các công ty Trung Quốc đăng kí số bằng sáng chế nhiều hơn 1,8 lần so với các công ty Mỹ trong 12 lĩnh vực công nghệ được phân tích vào năm 2022. Những tiến bộ lớn nhất là về vật liệu tiên tiến, động cơ siêu thanh, năng lượng tái tạo và hiện đại hóa hạt nhân. Ngay cả khi chúng ta biết rằng số lượng đăng kí bằng sáng chế ở Trung Quốc đôi khi được nhân bội một cách giả tạo, khoảng cách với Hoa Kỳ được Govini coi là rất đáng lo ngại.
Một chiều kích khác đáng được ghi nhận của báo cáo này liên quan đến chuỗi thầu phụ công nghiệp. Bất chấp những lời kêu gọi liên tiếp của chính quyền Mỹ để tách rời khỏi Trung Quốc các công ty Trung Quốc vẫn chiếm trung bình 8% tổng số nhà thầu phụ cấp một của Mỹ hoặc nước ngoài trong 12 lĩnh vực được nghiên cứu. Nếu chúng ta loại trừ các nhà cung cấp Mỹ, các công ty Trung Quốc đứng đầu trong số các quốc gia cung cấp ở 11 trong số 12 lĩnh vực này, thường đứng trên các công ty Nhật Bản.
Kết luận cuối cùng trong báo cáo của Govini là dứt khoát: “Trong tất cả các lĩnh vực chúng tôi nghiên cứu, Hoa Kỳ đã tụt hậu so với Trung Quốc về tiềm năng khoa học được đo bằng bằng sáng chế được cấp ở mỗi quốc gia. Nếu không có hành động ngay lập tức và quyết liệt thì sự yếu kém và phụ thuộc sẽ đặc trưng cho vận mệnh của dân tộc.”
Govini là một tổ chức gần gũi với giới Cộng hòa và giới vận động hành lang của phức hợp công nghiệp-quân sự và chẩn đoán của nó chắc chắn không hoàn toàn trung lập. Nhưng công việc phân tích dữ liệu toàn diện tạo nên “Bảng điểm An ninh Quốc gia”, được thực hiện bằng các công cụ trí tuệ nhân tạo, là kết quả của hợp đồng 5 năm trị giá 400 triệu USD được ký với Lầu Năm Góc vào năm 2019. Do đó, chẩn đoán này rõ ràng được giới quốc phòng Mỹ chia sẻ.
TRẬN CHIẾN LỚN CỦA CHẤT BÁN DẪN
Chất bán dẫn là lĩnh vực then chốt mà Hoa Kỳ dự định duy trì bằng mọi giá lợi thế có tính quyết định. Nó thực sự quyết định tiến bộ công nghệ trong nhiều lĩnh vực: máy tính, máy chủ, trung tâm dữ liệu, điện thoại di động, vệ tinh, mạng truyền thông (5G, 6G), công nghiệp quốc phòng (đặc biệt là tên lửa và an ninh mạng) hay thậm chí cả hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Gordon Moore (1929-2023) |
So với các khu vực khác, bậc thang mà Trung Quốc phải vượt qua cao hơn nhiều. Ngành công nghiệp bán dẫn cực kỳ phức tạp và phần lớn được toàn cầu hóa dưới sự thúc đẩy của Thung lũng Silicon của Mỹ. Nó đang phát triển với tốc độ công nghệ cực kỳ nhanh chóng, đạt được sự tôn trọng “định luật Moore” từ ba mươi năm nay – định luật Moore được đặt theo tên của Gordon Moore, chủ tịch đầu tiên của Fairchild Semiconductors và Intel, theo đó số lượng tranzito trong một mạch tích hợp sẽ tăng gấp đôi cứ sau hai năm.
Mỗi thành tố cốt yếu của ngành này đều đặt ra thách thức cho các công ty Trung Quốc. Các công ty hàng đầu thế giới về bộ vi xử lý, TSMC ở Đài Loan và Samsung ở Hàn Quốc, là những công ty duy nhất sản xuất bộ vi xử lý ở quy mô lớn với độ mịn khắc 3 nanomet (ngưỡng 2 nanomet được công bố sẽ đạt được vào cuối năm 2024). Công ty lãnh đạo Trung Quốc SMIC làm chủ các quy trình cho phép đạt tới 14 nanomet. SMIC vừa công bố sản xuất các nguyên mẫu 7 nanomet, tuy nhiên dựa trên quy trình lặp lại đắt tiền hơn và kém hiệu quả hơn. Do đó, hiện đang tồn tại khoảng cách từ hai đến ba thế hệ giữa công ty gia công thiết bị bán dẫn (fondeur) Trung Quốc và các công ty hàng đầu thế giới.
SMIC sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc bắt kịp công ty dẫn đầu thế giới về in thạch bản, ASML của Hà Lan, công ty độc quyền về in thạch bản bằng bức xạ cực tím (EUV trong tiếng Anh), sẽ không cung cấp thế hệ mới này cho Trung Quốc, theo thỏa thuận với Washington. Do EUV cần thiết để đạt hoặc vượt quá độ mịn khắc bằng hoặc nhỏ hơn 5 nanomet. Ta nên biết rằng việc sản xuất EUV, mỗi bản sao trị giá 350 triệu euro, là kết quả của hơn 20 năm phát triển do ASML điều phối, với mạng lưới hàng nghìn nhà thầu phụ trên khắp thế giới và quan hệ đối tác độc quyền với các công ty Zeiss của Đức (quang học chính xác) và Trumpf (cắt laser). Việc cạnh tranh với ASML về EUV có lẽ còn khó khăn hơn việc cạnh tranh với các công ty vi xử lý hàng đầu toàn cầu.
Điểm tắc nghẽn thứ ba liên quan đến phần mềm cho phép thiết kế và xác nhận việc tạo ra chất bán dẫn mới (Công cụ tự động hóa thiết kế điện tử hoặc EDA bằng tiếng Anh), mà dẫn đầu thế giới là bốn công ty Mỹ cùng nắm giữ 90% thị trường thế giới. Kể từ tháng 11 năm 2020, các công ty này đã phải chịu các hạn chế xuất khẩu do Washington đưa ra. Trung Quốc đáp trả bằng cách tạo ra hàng loạt công ty khởi nghiệp và tuyển dụng các chuyên gia phương Tây trong lĩnh vực này.
Điểm tắc nghẽn thứ tư liên quan đến card đồ họa và bộ xử lý đồ họa (GPU trong tiếng Anh), mà công ty Nvidia của Mỹ là công ty dẫn đầu thế giới. GPU, kết hợp với bộ vi xử lý đa năng, cho phép xử lý song song hàng loạt dữ liệu lớn và đóng vai trò cơ bản trong quá trình học máy và trí tuệ nhân tạo. Bộ Thương mại Mỹ đã cấm bán dòng GPU A100 và H100 của Nvidia tại Trung Quốc vào mùa thu năm ngoái.
Như chúng ta có thể thấy, các “choke points” hay điểm tắc nghẽn mà chính quyền Mỹ có thể kích hoạt để chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc rất mạnh và đa dạng. Cơ hội vượt qua những trở ngại này của Trung Quốc có vẽ rất thấp vào năm 2030.
Tuy nhiên vẫn còn một số dấu hỏi về chiến lược của Mỹ. Trung Quốc có hai ưu thế mà nước này sẽ không thể không sử dụng: quy mô thị trường và cường độ liên kết với châu Á.
THÁCH THỨC CỦA THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Trung Quốc là nước nhập khẩu chất bán dẫn lớn nhất thế giới và mang đến những cơ hội đặc biệt cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ. Theo Hiệp hội Chất bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), thị trường Trung Quốc chiếm 36% kim ngạch xuất khẩu của ngành từ Mỹ. Sự kháng cự của các doanh nghiệp trước sự gia tăng các hạn chế của chính phủ đang được tổ chức. Việc bắt buộc phải được giấy phép xuất khẩu do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp đặt không nhất thiết dẫn đến sự tắc nghẽn vĩnh viễn. Việc vận động hành lang kín đáo nhưng hiệu quả được thực hiện đối với các ê-kíp của DOC để có được giấy phép xuất khẩu. Nhờ đó, Huawei, công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hạn chế của Mỹ đã có thể nhận được một loạt giấy phép vào năm 2021 để nhập khẩu chất bán dẫn dành cho ô tô. Sau lệnh cấm xuất khẩu dòng H100, Nvidia đã tái tạo một dòng GPU đặc biệt nhắm vào thị trường các trung tâm dữ liệu khổng lồ của Trung Quốc, một thị trường chiếm hơn 20% doanh số toàn cầu của hãng. Nvidia vừa đưa ra một số thông báo báo động nhằm ngăn chặn việc mở rộng các hạn chế do DOC áp đặt.
Nhìn chung, kim ngạch chất bán dẫn của Mỹ bán sang Trung Quốc không ngừng tăng lên cho đến năm 2022. Sự đảo ngược xu hướng dường như chỉ xuất hiện vào năm 2023 sau những hạn chế có hệ thống hơn được quyết định vào tháng 10 năm ngoái. Từ năm 2019 đến năm 2022, mức tăng doanh số bán hàng của Mỹ là gần 50% đối với các nhà sản xuất chất bán dẫn, 130% đối với các nhà cung cấp phần mềm và 100% đối với các nhà sản xuất thiết bị. Hầu như tất cả các “ông lớn” trong lĩnh vực này – Qualcom, Texas Instruments, Nvidia, AMD, Synopsis, Cadence, Application Materials, Lam Research – đều tiếp tục phát đạt ở thị trường Trung Quốc. “Trận chiến thực sự” có thể chỉ mới bắt đầu.
CHÂU Á GIỮA HAI LÀN ĐẠN
Ưu thế thứ hai của Trung Quốc gắn với châu Á. Bởi vì chiến lược của Mỹ không chỉ bao gồm việc ngăn chặn việc Trung Quốc bắt kịp công nghệ. Nó cũng nhắm mục đích hồi hương các nhà máy về Hoa Kỳ. Đạo luật Chips (Chips Act) về cơ bản là một cỗ máy chiến tranh chủ yếu nhằm tổ chức việc tái định cư này, với những thành công bước đầu đáng kể. Kể từ khi luật này được thông qua, hơn 200 tỷ USD các dự án đầu tư đã được công bố trên đất Mỹ, trong đó có hai khoản đầu tư lớn của Samsung Electronics và TSMC nhằm tạo ra các nhà máy sản xuất bộ vi xử lý tiên tiến nhất của dòng 3 nanomet.
Nếu các nước châu Á sẵn sàng hợp tác với Mỹ và đầu tư nhiều hơn vào đó, các nước này cũng chưa sẵn sàng hy sinh mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và đánh mất sự gần như độc quyền toàn cầu mà họ nắm giữ trong các hoạt động lắp ráp và thử nghiệm. Các giao dịch thương mại của Trung Quốc với thế giới về chất bán dẫn cho thấy mối quan hệ sâu rộng ở khắp mọi nơi với châu Á.
Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế. Mục
8542 trong Hệ thống danh mục hài hoà về hải quan (mạch tích hợp điện tử và linh
kiện của chúng).
Trong tập hợp châu Á này, Đài Loan và Hàn Quốc nặng ký nhất. Riêng hai nước này chiếm 63% xuất khẩu và 32% nhập khẩu chất bán dẫn châu Á sang Trung Quốc. Nhưng ASEAN cũng đóng một vai trò quan trọng. Đặc biệt, Việt Nam và Malaysia xuất khẩu nhiều chất bán dẫn sang Trung Quốc hơn là sang Mỹ.
Vai trò trung tâm của châu Á trong các chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu đòi hỏi tính chọn lọc trong cuộc tấn công do Hoa Kỳ dẫn đầu. Nếu cuộc tấn công này mang tính toàn cầu quá mức, không chỉ lợi ích của ngành công nghiệp Mỹ mà cả lợi ích của ngành công nghiệp châu Á cũng sẽ chịu thiệt thòi mạnh, và các đối tác châu Á của Mỹ sẽ không thể không phản ứng. Quyết định vừa được DOC đưa ra vào ngày 24 tháng 8 nhằm gia hạn thêm một năm các miễn trừ dành cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc và Đài Loan trong việc xuất khẩu chất bán dẫn cao cấp sang Trung Quốc cho thấy sức nặng của các cuộc vận động hành lang của châu Á đối với chính quyền Mỹ.
VẤN ĐỀ ĐÀI LOAN
Đài Loan chiếm vị trí đặc biệt trong chuỗi giá trị bán dẫn. Tập đoàn TSMC là “công ty gia công” (fondeur) chip hàng đầu thế giới, với thị phần 64% trong nửa đầu năm 2023, vượt xa Samsung (8,5%) và GlobalFoundries (7%). Với mô hình kinh tế dựa trên sự chuyên môn hóa trong sản xuất, TSMC không thiết kế hay tiếp thị chip của riêng mình. Nhóm này làm việc cho tất cả các khách hàng lớn trên toàn cầu không có nhà máy (“fablesss”). Ngoài TSMC, ba công ty sáng chế tổng hợp khác của Đài Loan (United Microelectronics Corp, Powerchip Tecnology và Vanguard International Semiconductor) cũng nằm trong bảng xếp hạng mười công ty sáng chế tổng hợp hàng đầu toàn cầu. Đặc điểm của việc sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan còn chủ yếu mang tính chất quốc gia. Nhà máy mà TSMC hiện đang xây dựng ở Arizona là nhà máy đầu tiên thuộc loại này và chỉ mở cửa vào năm 2025.
Xét vị trí độc nhất này, có vẻ như Trung Quốc có rất nhiều cám dỗ là đơn giản nắm quyền kiểm soát Đài Loan để thực hiện bước nhảy vọt lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bán dẫn. Cuộc tranh luận giữa các chuyên gia về điểm này khá sôi nổi. Việc tiếp quản cưỡng bức có thể dẫn tới sự phá hủy các nhà máy chính của TSMC (có thể là bởi quân đội Mỹ). Hơn nữa, bản thân mô hình kinh tế của TSMC không phù hợp với vị thế cạnh tranh đối với các nhà thiết kế và khách hàng của tập đoàn. TSMC sẽ ngay lập tức mất đi một phần lớn khách hàng và nhà cung cấp của mình và việc thay thế bằng khách hàng Trung Quốc là không đủ để lấp đầy khoảng trống. Việc thiết kế chất bán dẫn mới phần lớn sẽ vẫn nằm trong tay các công ty Mỹ. Một số giám đốc điều hành và nhân viên làm công có thể rời đảo, ít nhất là vào thời điểm ban đầu. Do đó, khái niệm “nắm quyền kiểm soát” có vẻ tương đối.
Chỉ có giả thuyết về sự hội nhập hòa bình của Đài Loan thông qua một thỏa thuận chính trị (hiện nay là một giả thuyết khó có thể chấp nhận mới có thể tổ chức một quá trình chuyển đổi ít gây rối loạn hơn. Trong trường hợp xảy ra xung đột, có một điều chắc chắn: toàn bộ các chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu sẽ rơi vào khủng hoảng nguồn cung dữ dội trong một số năm nhất định, gây ra suy thoái toàn cầu kéo dài và trên quy mô lớn.
CHÂN TRỜI KỶ NIỆM 100 NĂM CỦA CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG QUỐC
Hubert Testard |
Chúng ta hãy quay trở lại với tầm nhìn toàn cầu và dài hạn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Mục tiêu về sự lãnh đạo về công nghệ toàn cầu không phải là ngoài tầm với vào năm 2049, bất chấp những trở ngại đang tích tụ trong lĩnh vực bán dẫn. Nếu Trung Quốc thất bại, đó có thể không phải vì sự cạnh tranh với Mỹ mà vì những nguyên nhân nội tại. Sự co cụm mang tính chủ nghĩa dân tộc do chế độ dàn dựng, sự ngờ vực thường xuyên mà chế độ thể hiện đối với sáng kiến tư nhân và đối với sự độc lập về tư tưởng, sự bất lực của chế độ trong việc điều phối các chuỗi giá trị toàn cầu, điều mà các nước láng giềng châu Á có thể hưởng lợi, đều là rất nhiều “hạt cát” có thể đẫn đến việc cản trở cỗ xe lăn bắt kịp công nghệ của Trung Quốc.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “La Chine peut-elle devenir le leader technologique du monde?”, Asialist, 7.9.2023.
----
Bài có liên quan:
Chú
thích: [*] Hubert Testard là chuyên gia về
các vấn đề kinh tế quốc tế và châu Á. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính
trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và ở
Singapore cho ASEAN. Ông cũng tham gia vào việc xây dựng các chính sách của
Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, với WTO hay trong các cuộc đàm
phán với các nước Châu Á. Ông đã giảng dạy tám năm tại trường quan hệ quốc tế của
Sciences Po, về phân tích triển vọng của châu Á. Ông là tác giả của cuốn sách
có tựa đề “Đại dịch, sự chuyển biến/hướng đột ngột của thế giới/Pandémie, le
basculement du monde”, được xuất bản vào tháng 3 năm 2021, NXB Editions de
l'Aube, và ông đã đóng góp cho “Tạp chí Kinh tế và Tài chính” số tháng 12 năm
2022 dành cho những hậu quả kinh tế và các khía cạnh tài chính của cuộc chiến ở
Ukraine. [**] Đối thoại An ninh Tứ
giác (Quadrilateral Security Dialogue/QSD hay Quad) là sự hợp tác phi chính thức
giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ trong những năm 2000 và 2010. Nó bao gồm các
cuộc gặp ngoại giao và diễn tập quân sự. Sự hợp tác này được coi là phản ứng
trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Liên minh này đã được hồi sinh
trong thời gian gần đây (ND).