11.9.23

Trung Quốc đã trở thành nước tư bản thế nào

TRUNG QUỐC ĐÃ TRỞ THÀNH NƯỚC TƯ BẢN NHƯ THẾ NÀO

Tác giả Ronald Coase (Nobel kinh tế 1991) & Ning Wang

Tham luận giới thiệu quyển sách của hai ông:

HOW CHINA BECAME CAPITALIST

Tại Cato Institute, Jan-Feb 2013

Nguyễn Văn Nhã dịch

Nguyễn Xuân Xanh trình bày


Ít người nghi ngờ về việc quá trình và kết quả của cải cách kinh tế ở Trung Quốc sẽ khác hẳn nếu không có bản lĩnh chính trị khôn khéo và tinh thần thực dụng hữu hiệu của Đặng Tiểu Bình. Nhưng nguyên nhân sâu xa sự trỗi dậy thần kỳ của kinh tế Trung Quốc là nhân dân Trung Quốc, những người tràn đầy lạc quan, nhiệt quyết, sức sáng tạo và sự cương quyết.

Đặng Tiểu Bình (1904-1997)

Trong lịch sử, Trung Quốc luôn luôn là quê hương của thương mại và tư doanh. Khổng Tử, khi được hỏi làm sao cai trị một quốc gia, đã trả lời: “Thứ nhất, tăng dân số, thứ hai, làm cho dân giàu; thứ ba, giáo dục họ”. Lão Tử, người sáng lập ra đạo Lão, cũng nói: “Khi nào tôi (nhà Vua) không tham gia vào việc gì hết, nhân dân tự họ sẽ trở nên thịnh vượng”. Tư Mã Thiên, nhà sử học lớn cũng nói: “Đạo cai trị quốc gia bắt đầu bằng cách làm cho dân giàu có”. Và câu khẩu hiệu của Đặng Tiểu Bình: “Làm giàu là vinh quang”, đã được sử dụng làm tiếng kèn quân lệnh cho cuộc cải tổ trong thập kỷ 1980. Tất cả những điều này cho thấy Trung Quốc đã quá xa rời những lời dạy của cổ nhân trong thương mại và chính trường. Trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường với đặc tính Trung Quốc vào cuối thế kỷ thứ 20, Trung Quốc, sau một thế kỷ rưỡi tự-nghi ngờ và tự-chối bỏ, đã quay trở lại hoàn toàn với nguồn cội văn hóa của họ bằng con đường tư bản chủ nghĩa. Ngày 11-1-2011, một bức tượng Khổng Tử cao 9,5 mét bằng đồng đã được dựng lên ở Thiên An Môn.

Cuộc cải tổ hậu Mao trong vài thập kỷ vừa qua đã thay đổi sâu xa xã hội và nền kinh tế Trung Quốc. Lúc Mao qua đời vào năm 1976, Trung Quốc là một nước nghèo nhất thế giới, với GDP đầu người dưới 200 USD một năm. Vào năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với GDP đầu người khoảng 4000 USD. Trong cùng khoảng thời gian đó, phần chia của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới tăng từ 2% lên 9%. Trong thời Mao trị, kinh doanh tư nhân hoàn toàn bị nghiêm cấm. Bây giờ, tư doanh nảy nở khắp đất nước và trở thành xương sống vững chắc cho nền kinh tế Trung Quốc. Với dân số sử dụng điện thoại di động và internet đông nhất thế giới, và thị trường ô tô lớn nhất thế giới, xã hội Trung Quốc trở nên cởi mở, đầy sinh lực, lưu động, có đầy đủ thông tin, đầy sức năng động và hoài bão. Ngay cả đại học Trung Quốc gần đây cũng có dấu hiệu cải tiến, thừa nhận tự do giảng dạy như là điều tiên quyết cho chất lượng ưu việt. Còn nhiều không gian cho sự tăng trưởng ở Trung Quốc.

Mao Trạch Đông (1893-1976)

Cuộc chuyển đổi này còn phi thường bởi một lý do khác. Các nỗ lực cải tổ của các lãnh đạo hậu Mao có mục tiêu là “cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa” chuyển đổi Trung Quốc từ một quốc gia chậm tiến thành một “cường quốc xã hội chủ nghĩa vĩ đại, hiện đại”. Trung Quốc đã không từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa khi bắt đầu cải tổ. Trong suốt quá trình cải tổ, Trung Quốc vẫn giữ cam kết với chủ nghĩa xã hội. Chỉ với áp lực nặng nề của đói kém và thất nghiệp, tư doanh được phép hoạt động ở vùng nông thôn và thành thị. Nhưng một khi cánh cửa đã mở cho tư doanh, một loạt những cuộc cách mạng vùng biên, chứ không phải là sáng kiến cải tổ do nhà nước lãnh đạo, đã nhanh chóng mang các lực thị trường trở lại nền kinh tế Trung Quốc. Trong lúc tại Matx-cơ-va, Warsaw, Prague, người ta đã đơn giản bãi bỏ chủ nghĩa xã hội, thì chủ nghĩa xã hội bị đánh bại ở Tứ Xuyên, An Huy, Chiết Giang, và Quảng Đông.

Nếu Mao sống lại, ông ta không còn nhận dạng ra Trung Quốc nữa. Ông ta sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy tư doanh và thị trường tự do đã thực hiện giấc mơ tan vỡ của ông. Một giấc mơ mà nhân dân Trung Quốc đã cùng chia sẻ hơn một thế kỷ, là làm cho Trung Quốc trở thành một đất nước giàu mạnh. Nếu thị trường tư tưởng được nổi lên, sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ mạnh hơn và bền vững hơn.

Trong lúc nền kinh tế hiện đại của chúng ta ngày càng dựa trên tri thức, phúc lợi do sự tự do trao đổi tư tưởng rất lớn; và nếu bãi bỏ nó, thiệt hại sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Tiễn Học Sâm (1911-2009)

Tiễn Học Sâm (Qian Xuesen), nhà khoa học đáng kính của Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi nhẹ nhàng trước khi mất vào năm 2009: “Tại sao, kể từ năm 1949, các đại học Trung Quốc đã không sản xuất được một nhà tư tưởng hay một khoa học gia có những phát minh tầm cỡ thế giới?”

Dù Trung Quốc đã chuyển biến trong thời gian ngắn khoảng 3 thập kỷ, từ một quốc gia nông nghiệp xã hội chủ nghĩa nghèo nàn thành một cường quốc chế biến năng động đứng đầu thế giới, Trung Quốc có con đường còn xa để trở thành một cường quốc về tư tưởng.

Trong thế giới ngày nay, khi kinh tế ngày càng trở nên giàu hàm lượng trí tuệ, sức khỏe lâu dài của thị trường sản phẩm tùy thuộc vào sự sống động của thị trường tư tưởng.

Những người sáng tạo đầu tiên ra tư tưởng ở xã hội Trung Quốc truyền thống là giai cấp kẻ sĩ. Họ có quy chế chính trị, xã hội, văn hóa đặc thù mà người ta không tìm thấy ở các nền văn minh khác. Chính giai cấp kẻ sĩ đã chủ yếu cai trị Trung Quốc trong hầu hết lịch sử của nước này, từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 221 TCN, cho tới khi Nhà Thanh sụp đổ năm 1911. Thêm vào việc cung cấp nhân sự cho guồng máy quan lại của nhà nước, kẻ sĩ còn là cái la bàn đạo đức của xã hội nho giáo. Đối với người đại trượng phu trong sách của Mạnh tử: “Sự giàu có và công danh không có nghĩa gì đối với họ; sự nghèo khó và tăm tối không làm họ chao đảo, và uy quyền không làm họ sợ”. Ngày nay Trung Quốc không còn là xã hội hướng về kẻ sĩ. Dưới hệ thống chính trị hiện tại, người trí thức, tiếp nối của kẻ sĩ, không còn là một lực áp đảo trong chính trị, không tích cực và không có ảnh hưởng trong guồng máy hành chánh như kẻ sĩ xưa kia vẫn có. Nhưng lý tưởng của kẻ sĩ và lời kêu gọi đạo đức của họ vẫn còn âm vang trong tâm hồn những người Trung Quốc có học vấn. Người trí thức Trung Quốc ngày nay được đào tạo về nhân văn học, khoa học xã hội, khoa học và công nghệ hiện đại, có hiểu biết nhiều hơn và tinh vi hơn về cách hoạt động của thiên nhiên và của xã hội. Nếu có một thị trường tư tưởng tích cực, không có lý gì mà Trung Quốc không có lại một thời Phục hưng văn hóa, có thể so sánh với những hào quang của đời Đường, đời Tống.

Không có nhân tố nào ảnh hưởng tới chất lượng và thành quả của thị trường vốn con người hơn là thị trường tư tưởng. “Câu hỏi của Tiễn Học Sâm” đã nói rõ một thị trường tư tưởng sống động là điều kiện tiên quyết cho nhân tài trí thức, và một nền móng đạo đức và nhận thức luận cho một xã hội mở, và một nền kinh tế tự do. Nếu không có chúng, sự đa dạng tài năng của con người sẽ phai mờ đi. Trong những thập kỷ cải tổ và mở cửa vừa qua, sự chấp thuận thị trường sản phẩm đã mang lại phồn vinh cho Trung Quốc, và vô tình mang đất nước trở lại cội rễ văn hóa truyền thống của họ. Sự triển khai một thị trường tư tưởng sẽ làm cho sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thêm hàm lượng về kiến thức và đổi mới. Quan trọng hơn nữa, nó sẽ giúp Trung Quốc làm sống lại truyền thống phong phú của họ thông qua hòa nhập mang tính chuyển đổi với sự đa dạng của thế giới hiện đại. Lúc đó, Trung Quốc không những chỉ là trung tâm chế biến hàng hóa cho thế giới, mà còn là một nguồn sáng tạo, đổi mới nữa.

Năm 1955, nhà khoa học Tiễn Học Sâm, một ngôi sao đang nổi tại Viện Công nghệ California (Caltech), người về sau được xem là cha đẻ của chương trình vũ trụ của Trung Quốc, đã bị Hoa Kỳ trục xuất với cáo buộc là đảng viên cộng sản. Trước khi lên tàu Cleveland President trở về Hồng Kông, Tiễn đã phát biểu trước rất nhiều phóng viên tại bến cảng Los Angeles: “Tôi dự định sẽ làm hết sức mình để giúp người dân Trung Quốc xây dựng lại đất nước để họ sống có phẩm giá và hạnh phúc.” Vào năm 1991 khi tiếp đón một người bạn cũ ở Catech là Frank Marble tại Bắc Kinh, Tiễn đã nói với giọng nhỏ nhẹ nhưng hoang mang và đậm vẻ bào chữa: “Này Frank, chúng tôi đã làm được nhiều điều cho Trung Quốc. Người dân đã có đủ ăn, họ có việc làm và đạt được nhiều tiến bộ. Nhưng họ không hạnh phúc.”

Ôn Gia Bảo (1942-)

Ngày 12-2-2010, trong một buổi gặp gỡ với quần chúng để mừng năm mới, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố rằng tất cả những gì chính phủ Trung Quốc đã làm và sẽ làm là “đem đến cho nhân dân Trung Quốc một cuộc sống hạnh phúc hơn và có phẩm giá hơn”, tiếp tục giấc mộng lớn của Tiễn Học Sâm cách đây hơn nửa thế kỷ.

Mặt khác, việc mưu cầu hạnh phúc là định hướng nhân bản và khó có thể thực hiện bằng những chiến dịch chính trị theo kiểu áp đặt từ trên xuống. Trong quyển sách Lý thuyết về cảm nhận đạo đức, một quyển sách được thủ tướng Ôn Gia Bảo ưa thích, Adam Smith cho rằng việc mưu cầu hạnh phúc dựa trên một tâm hồn thanh thản và khiêm nhường trong một xã hội tự do và thượng tôn pháp luật.

Khi thị trường hàng hóa và thị trường tư tưởng hợp lực với nhau cùng hoạt động, cái này hỗ trợ, tăng cường, củng cố cái kia, sức sáng tạo và hạnh phúc của con người sẽ có cơ hội lan tỏa, nền văn minh vật chất và nền văn minh tinh thần sẽ cùng có nền tảng vững chắc như và kề vai sát cánh trong sự nghiệp lâu dài nhằm theo đuổi hạnh phúc và phẩm giá của con người. Câu chuyện Trung Quốc trở thành một nước tư bản như thế nào là một điều phi thường và có tính đổi dời, nhưng đó chỉ mới là một bước tiến nhỏ bé.

Ronald Coase & Ning Wang

(Trích từ sách)

***

Ronald Coase (1910-2013)

Ning Wang

Lời nói đầu. Bài viết dưới đây của hai tác giả Ronald Coase và Ning Wang tóm tắt những ý chính của quyển sách How China became capitalist của họ. Nó cho thấy các động cơ kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ và bùng nổ, từ dân gian, truyền thống, thúc đẩy một sự đổi mới toàn diện sau đó. “Từ nông thôn tiến về thành thị”. Trung Hoa từng có kinh tế thị trường phát triển lâu đời, thịnh vượng, như tác phẩm Tư Mã Thiên hơn một thế kỷ TCN đã mô tả. Nó không dễ chấp nhận để vĩnh viễn biến mất vì chủ nghĩa xã hội. Và nó bùng dậy thành kinh tế chính quy một khi thời cơ đến, sau khi “bọn bốn người” bị loại khỏi quyền lực. Các cuộc cách mạng cận biên đã phục hồi yếu tố thị trường của Adam Smith và tinh thần kinh doanh truyền thống trở lại Trung Quốc.

Mao Trạch Đông (1893-1976)

Quyển sách How China became capitalist đã được dịch giả Nguyễn Văn Nhã chuyển ngữ công phu nhiều năm trước. Quyển sách được giới thiệu đến nhiều nơi, nhưng không thành công, có lẽ vì nó có mùi “quốc cấm”. Cuối cùng Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã nhận xem xét. Sau nhiều bàn cãi, và ngược lại ý muốn bỏ bớt và biên tập lại, cuối cùng quyển sách được chấp thuận nguyên vẹn, vả cả cái tên cũng được giữ đúng như bản tiếng Anh. Chương liên quan đến thời Mao Trạch Đông cũng không bị kiểm duyệt. Chỉ tiếc một điều, sách chỉ phát hành giới hạn cho nội bộ.

Bài dưới đây do dịch giả Nguyễn Văn Nhã chuyển ngữ từ bài giới thiệu của Coase và Wang cho công chúng vào đầu năm 2013, nghĩa là cách đây đúng mười năm, tại Viện Cato, một địa chỉ libertarian think tank ở Washington, D.C.

Đọc bài tóm tắt này có thể hình dung sự vươn lên của Trung Quốc, cũng như một trong những vấn đề cốt lõi của họ đang tồn tại là: một thị trường tự do của ý tưởng như ở các quốc gia phát triển phương Tây hay Nhật Bản. Các nền kinh tế muốn phát triển cao cần có những đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới đồng hành bằng những nghiên cứu cao cấp, và để làm điều đó, đại học cần tự do như khí trời, hơn chỉ là một định chế. Đó cũng là di sản của Hy Lạp, của đại học nghiên cứu thế kỷ 19, để khoa học có thể ra đời và phát triển nói chung.

Kinh tế thị trường hay Tư bản chủ nghĩa Trung Quốc phát triển rất tốt như một thị trường hàng hóa, sản xuất, cung cấp và thương mại. Nhưng nó thiếu thị trường tự do tri thức. Trung Quốc từng có cả hai loại này trong lịch sử. Như Coase và Wang nhận xét, một thị trường tư tưởng đã từng nảy nở ở Trung Quốc trong thời Chiến quốc, với nhiều trường phái tư tưởng, kể cả Nho giáo, Đạo giáo và Pháp gia đều nổi lên. Nó cũng nảy nở vào đời Đường, lúc Tràng An (Tây An) trở thành thủ đô, đã lôi cuốn nhiều học giả các quốc gia trong khu vực. Nhưng hai thị trường đó, hàng hóa và ý tưởng, phần lớn đã bị cắt ra về thời gian, không hợp nhất để thành một cơ thể trọn vẹn. Vì thế mà họ đã không có khoa học như phương Tây. Càng về sau lịch sử, càng chỉ có kinh tế thị trường nghèo nàn mà không có thị trường tư tưởng tự do để làm cho nó khởi sắc như khoa học công nghệ ở phương Tây từng làm, cho đến khi nhà Thanh sụp đổ. Lúc đó, thị trường tư tưởng lẫn hàng hóa chẳng còn gì. Sự nghèo nàn của cả hai thị trường đi đôi, và sự phong phú cũng thế. Đầu thế kỷ 20 giới tinh hoa Trung Quốc mới bôn ba đi tìm học ở phương Tây để làm mới lại quốc gia. Châm ngôn của họ là: chỉ có khoa học và dân chủ mới cứu rỗi đế chế đang rệu rã.

Thị trường tự do ý tưởng châu Âu ngày càng phát triển sau cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17. Và từ đó trở đi sự phân kỳ giữa Đông và Tây ngày càng rộng ra, phương Tây tiếp tục phát triển mạnh mẽ với nhiều cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học tiếp theo, trong khi Trung Quốc dừng lại. Cái giá phải trả là rất lớn, khi Trung Quốc rơi vào khủng hoảng trước sức mạnh của phương Tây. Cái giá chỉ có thân, kinh tế thị trường, mà không có cái đầu, thị trường tự do tư duy, là vô cùng lớn, đến chỗ phá sản cả một đế chế. Ngày nay, để bù lại sự thiếu hụt ý tưởng, lãnh đạo Trung Quốc đi tổ chức đánh cắp ý tưởng của các quốc gia phát triển một cách hệ thống, đặc biệt của Hoa Kỳ.

Coase và Wang có cái nhìn tích cực, xây dựng, nhưng cũng critical, và thẳng thắn. Họ mong muốn Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình và văn minh, “chánh đạo”, không phải trong tham vọng Đại Hán. Họ phân tích một cách khoa học, không lên án, mà cảnh báo. Họ mong muốn thấy Trung Quốc sẽ thay đổi để có nhiều đóng góp vào nền văn minh thế giới hơn, giá trị hơn, không phải chỉ có hàng hóa, không chỉ đi cóp nhặt trí tuệ của người khác mà cần phải phát triển trí tuệ của chính mình. Khuynh hướng cai trị theo kiểu hoàng đế thuở xưa vẫn còn quá mạnh và bám rễ quá lâu trong tâm tính của họ. Họ sợ mất an ninh. Nhưng an ninh cho ai? Các quốc gia đi theo con đường dân chủ chứng tỏ sức mạnh nội tại, từ nhiều thành phần nhân dân, cho thấy vẫn đứng vững trước những thử thách. Các nhà nước phương Đông, nói như nhà mát-xít Ý Gramsci, thường được xây dựng trên một trụ cột duy nhất, cho nên dễ bị đe dọa sụp đổ, khi nó mục nát, trong khi các quốc gia ở phương Tây dựa trên nhiều trụ cột của xã hội nên bền vững hơn. Nói chung, lãnh đạo Trung Quốc chỉ mới rút ra một bài học của phong trào Ngũ Tứ, là áp dụng khoa học công nghệ, nhưng chưa áp dụng bài học dân chủkhoan dung trong xử thế với nhân dân để giới tinh hoa phát triển.

Trung quốc đã trở thành nước tư bản thế nào là một quyển sách chứa đựng nhiều phân tích kinh tế thú vị, và nhiều tư tưởng nhân văn, theo đúng tinh thần của Adam Smith, rất bổ ích và đáng đọc. Xin giới thiệu với anh chị.

Nguyễn Xuân Xanh

Xem thêm:

Hegel nói về Trung Hoa, Khoa học và Tinh thần phương Đông

Cách mạng công nghiệp hay tiêu vong

Francis Bacon – Fukuzawa Yukichi và Việt Nam

***

 TRUNG QUỐC ĐÃ TRỞ THÀNH NƯỚC TƯ BẢN NHƯ THẾ NÀO

Không ai đã tiên đoán được là cuộc “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” (xã hội chủ nghĩa) mà chính phủ Trung Quốc thời hậu Mao đã phát động cách đây 30 năm, đã biến thành một cuộc chuyển đổi lớn lao cho kinh tế Trung Quốc. Chúng tôi cố gắng nghiên cứu phản ứng của người lao động, nông dân, học giả và các nhà làm luật Trung Quốc, và cách thức hoạt động của họ để tạo nên hậu quả không ai ngờ tới như hiện nay. Ngày nay, chúng tôi không cần trình bày những con số thống kê để thuyết phục bạn đọc về sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với những thách thức to lớn ở trước mắt. Nhiều người dân Trung Quốc còn nghèo. Số người Trung Quốc được có nước sạch còn ít hơn số người sở hữu điện thoại di động, và họ còn bị ngăn cản khi họ tìm cách bảo vệ quyền lợi và tự do của họ. Tuy nhiên Trung Quốc đã chuyển biến từ trong ra ngoài trong suốt 35 năm qua. Cuộc chuyển biến này là lịch sử của thời đại chúng ta đang sống. Nói cách khác, cuộc đấu tranh của Trung Quốc là cuộc đấu tranh của thế giới.

Khác với sự khôn ngoan truyền thống, chúng tôi chọn năm 1976 là điểm khởi đầu cho cuộc cải cách hậu Mao, và sẽ lý luận là về cơ bản, Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế thị trường vào cuối thập kỷ 1990, trước khi họ tham gia vào WTO năm 2001. Trong thiên niên kỷ mới, kinh tế Trung Quốc tiếp tục xung lực tăng trưởng và trở nên hội nhập nhiều hơn nữa vào kinh tế thế giới. Với mục tiêu trình bày cách thức làm sao Trung Quốc trở thành một xã hội tư bản, cuốn sách của chúng tôi tập trung vào hai thập kỷ đầu tiên của cuộc cải cách. Trong khoảng thời gian này, trình bày của chúng tôi chia làm hai giai đoạn, tách biệt bởi Phong trào sinh viên năm 1989.

Phần thứ nhất là câu chuyện về hai cuộc cải tổ. Một cuộc cải tổ do Bắc Kinh thiết kế, có mục đích vực dậy nền kinh tế quốc doanh và cứu nguy chủ nghĩa xã hội. Cuộc cải tổ thứ hai là do sáng kiến quần chúng tạo nên.

Cuộc cải tổ do nhà nước lãnh đạo lại được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu bắt đầu từ cuối năm 1976, dưới chế độ của Hoa Quốc Phong. Hoa là người được Mao chỉ định nối nghiệp. Ông ta đã củng cố quyền lực của mình sau khi bắt giam “Bè lũ 4 tên” và chấm dứt cuộc cách mạng văn hóa. Mặc dù trung thành với Mao, Hoa Quốc Phong là một nhà canh tân kinh tế.

Được sự ủng hộ hoàn toàn của Đặng Tiểu Bình và các vị lãnh đạo khác, Hoa đã tung ra chương trình hiện đại hóa kinh tế của ông, sau này được người đời châm biếm là “Cuộc nhảy vọt ra ngoài”. Nội dung chính của chương trình kinh tế này là do Nhà nước chỉ huy, dựa trên đầu tư, tập trung vào công nghiệp nặng. Đó là một thí dụ điển hình cho cái mà các nhà kinh tế vẫn gọi là “công nghiệp hóa có đẩy mạnh”. Nhưng chương trình này chỉ kéo dài có hai năm. Nó bị hủy bỏ vào đầu năm 1979. Lý do một phần vì nó có một số thiếu sót, một phần vì có thay đổi lãnh đạo. Vào cuối năm 1978, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có một buổi họp, bầu Đặng Tiểu Bình và Trần Vân (Chen Yun) trở lại nắm quyền, và sa thải Hoa Quốc Phong.

Đặng Tiểu Bình được biết rõ ở Phương Tây. Ezra Vogel vừa viết một tiểu sử về ông, có nói rõ vai trò của ông trong công cuộc cải cách ở Trung Quốc. Trong lúc đó, Trần Vân chỉ là một nhân vật nằm trong bóng tối. Nhưng Trần là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc trong lãnh vực kinh tế vào lúc đó. Ông ta là kiến trúc sư của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Trung Quốc vào năm 1953, và là một người tin tưởng mạnh mẽ vào kinh tế kế hoạch tập trung. Vì ông ta lớn lên ở Thượng Hải, trước khi tham gia cách mạng, Trần Vân đã nhìn thấy vai trò quan trọng, tuy có hạn chế, của khu vực tư nhân và thị trường trong chế độ chủ nghĩa xã hội. Trần đã bị Mao cách chức vào lúc khởi đầu của “Bước Đại Nhảy vọt” vào cuối năm 1958, vì ông chống đối lại chương trình này. Cuối năm 1978, ông ta đã trở lại chính trường cùng với Đặng Tiểu Bình, và được trao nhiệm vụ thiết kế công cuộc cải tổ kinh tế.

Trần Vân nghĩ là từ lâu, nền kinh tế Trung Quốc đã mất cân đối trong cơ cấu: Đầu tư quá nhiều vào công nghiệp nặng, so với công nghiệp nhẹ và canh nông; và quá chú trọng tới khu vực quốc doanh và kế hoạch tập trung, bỏ quên khu vực tư nhân và thị trường. Theo ông, chương trình kinh tế của Hoa Quốc Phong, tập trung vào công nghiệp nặng, đã làm cho kinh tế Trung Quốc thêm tồi tệ. Vì thế, Trần ra lệnh bắt buộc chấm dứt “bước đại nhảy vọt ra ngoài”, mặc dù có sự chống đối mạnh mẽ của Hội đồng Nhà nước (Nội các), và áp đặt chương trình kinh tế của ông. Đây là bước ngoặt, đưa vào giai đoạn thứ hai của cuộc cải cách do Nhà nước lãnh đạo. Giai đoạn cải cách do Nhà nước lãnh đạo này có hai vế: Điều chỉnh trên tầm vĩ mô, và cải tổ các công ty quốc doanh trên tầm vi mô. Sự điều chỉnh cơ cấu được áp đặt lên toàn bộ nền kinh tế. Ví dụ, tiền vốn đầu tư được chuyển từ khu vực sản xuất máy móc (capital goods) qua khu vực sản xuất tiêu dùng. Bơm thêm tiền vào canh nông. Chính phủ nâng giá nông sản hơn 20% vào năm 1979, và cho tăng số lượng ngũ cốc nhập khẩu. Bắc Kinh cũng từng bước tản quyền mậu dịch quốc tế, và cho phép chính quyền địa phương (tỉnh) thêm quyền tự quản. Trên mức độ vi mô, giải quyết dứt khoát những công ty quốc doanh, vẫn thường được coi là nền tảng của chủ nghĩa xã hội. Chiến lược là trao thêm một số quyền cho các xí nghiệp quốc doanh, và cho phép chúng lưu giữ một phần lợi nhuận. Từ năm 1979, và trong thập kỷ 1980, chính phủ Trung Quốc đặt trọng tâm khuyến khích các công ty nhà nước.[1]

CẢI TỔ Ở CÁC VÙNG BIÊN (MARGINS)

Không ai hồ nghi là chính phủ Trung Quốc thời hậu Mao đã thực hiện một số cải tổ. Nhưng ngày nay, nhờ những nhận thức muộn, chúng tôi được biết là các động lực kinh tế tham gia thực sự vào sự chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ cải cách đầu tiên (những năm 1980) là nông nghiệp tư nhân, các xí nghiệp ở các làng xã, công ty tư nhân tại các thành phố, và các đặc khu kinh tế. Toàn bộ các hoạt động này đều không do Bắc Kinh khởi xướng. Chúng là những tác nhân, hoạt động ở vùng biên của chủ nghĩa xã hội.[2]

Đối với những lực kinh tế vùng biên này, chính phủ Trung Quốc đã để cho họ hoạt động tự do trong chừng mực nào mà họ chưa đe dọa tới lãnh vực quốc doanh hay thách thức quyền lực chính trị của Đảng. Chính sách này đã tạo ra một không gian mà chúng tôi gọi là “những cuộc cách mạng ở vùng biên”. Chúng đã làm hồi sinh đầu óc kinh doanh và những lực của thị trường ở Trung Quốc trong thập kỷ cải cách đầu tiên (1980).

Một trong những cuộc cách mạng vùng biên là nông nghiệp tư nhân. Nông nghiệp tư nhân không là điều mới lạ ở Trung Quốc. Trước năm 1949, nó đã hiện hữu hàng ngàn năm. Trong những năm 1950, Mao đã thẳng tay tập thể hóa nông nghiệp. Một số nông dân đã tin vào Mao và hy vọng là tập thể hóa nông nghiệp sẽ giúp họ thoát cảnh đói nghèo. Sau 20 năm tập thể hóa, và 40 triệu người chết đói, người nông dân đã nhìn thấy rõ hơn. Sau khi Mao chết, nhiều người trở lại lối canh tác nông nghiệp tư nhân, mặc dù Bắc Kinh vẫn tìm cách duy trì hệ thống công xã. Vào tháng 9 năm 1980, chính phủ Bắc Kinh đã phải bó buộc chấp nhận cho phép nông nghiệp tư nhân hoạt động trong những vùng mà “người dân đã mất niềm tin vào hợp tác xã”. Nhưng một khi cánh cổng mở ra cho nông nghiệp tư nhân, không ai kiểm soát được phong trào này. Vào đầu năm 1982, nó trở thành chính sách nhà nước. Nông nghiệp Trung Quốc được phi tập thể hóa. Sau này, khi làm báo cáo chính thức về công cuộc cải tổ, Bắc Kinh đã tự khen mình là đã khởi xướng cuộc cải cách nông nghiệp. Nhưng thực sự, cuộc cải tổ của Bắc Kinh chỉ bao gồm việc tăng giá nông sản, và tăng số lượng ngũ cốc nhập khẩu. Chính cách làm Nông nghiệp tư nhân đã thực sự chuyển đổi nông nghiệp Trung Quốc và giải phóng người nông dân Trung Quốc, không phải do Bắc Kinh chủ xướng.

Các xí nghiệp ở trong làng mạc, thị xã, là những hoạt động công nghiệp diễn ra ở miền quê. Trong hai thập kỷ đầu tiên của cái cách, chúng là những tác nhân năng động nhất của kinh tế Trung Quốc. Vì chúng hoạt động ngoài kế hoạch nhà nước, chúng không được nhà nước bảo đảm tiếp cận các nguồn nguyên liệu do nhà nước quản lý, và phải mua nguyên liệu ngoài thị trường chợ đen với giá cao hơn. Chúng cũng bị khai trừ khỏi hệ thống phân phối của nhà nước, mà phải thuê những nhóm tiếp thị riêng, đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của họ. Nói cách khác, họ phải hoạt động như những công ty kinh doanh thứ thiệt. Và họ đã làm như vậy. Chẳng bao lâu sau, họ đã vượt qua mặt các công ty nhà nước. Những công ty quốc doanh này có đầy đủ đặc quyền và sự bảo vệ của nhà nước; Chính vì vậy, họ đã đánh mất tinh thần kinh doanh.

Những công ty kinh doanh đầu tiên ở các thành phố lớn ở Trung Quốc đã được khởi xướng bởi những người không tìm ra việc làm trong khu vực nhà nước. Hầu hết họ là những sinh viên sinh đẻ ở thành thị vừa mới từ thôn quê trở về thành sau cuộc cách mạng văn hóa. Trong thời Mao còn sống, 20 triệu học sinh trung học (từ 15 đến 18 tuổi) ở các thành phố đã bị đưa về nông thôn, một phần vì chính phủ không tạo đủ công việc cho họ. Sau khi Mao chết, họ trở về thành phố, nhưng không kiếm được việc làm trong khu vực nhà nước. Họ là những người trẻ tuổi, thất nghiệp, năng động, đã xuống đường biểu tình, đôi khi chặn cả đoàn xe lửa. Hành động này đã tạo áp lực lên chính quyền, buộc họ phải mở cửa, cho chính sách hành nghề tự do. Các cửa tiệm tư nhân bắt đầu mọc ra như nấm ở các thành phố, và nhanh chóng dẹp qua một bên chế độ độc quyền nhà nước trong nền kinh tế thành thị.

Trong bốn cuộc cách mạng vùng biên này, các đặc khu kinh tế đã gây tranh cãi nhiều nhất. Chúng được lập ra để hợp tác với chủ nghĩa tư bản để cứu nguy chủ nghĩa xã hội. Ý tưởng ban đầu là cho chúng thử nghiệm nền kinh tế thị trường, nhập khẩu công nghệ cao, và tri thức quản lý xí nghiệp, buôn bán hàng hóa với thế giới bên ngoài, tạo việc làm, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự thử nghiệm này chỉ được khoanh lại ở vài vùng có kiểm soát chặt chẽ, để chúng không tạo ra ảnh hưởng lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở các nơi khác. Và nếu cuộc thử nghiệm thất bại, chúng sẽ không gây ra thiệt hại đáng kể cho chủ nghĩa xã hội.

SỰ CẠNH TRANH KHU VỰC (Giữa các địa phương)

Sự hiện diện của hai cuộc cải cách này là nét đặc biệt của thời kỳ chuyển tiếp kinh tế Trung Quốc. Người ta không thể hiểu được công cuộc cải cách của Trung Quốc nếu không phân biệt được hai cuộc cải cách này. Chính phủ Trung Quốc chắc chắn ban hành một chính sách cải cách tập trung vào nhà nước, tự cho mình toàn quyền thiết kế và điều hành công cuộc cải cách. Bằng cứ là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đứng vững trong cuộc cải cách thị trường, và vẫn giữ được độc quyền chính trị, và chủ động trong kinh tế, đã cho thấy là cuộc cải cách của nhà nước là chấp thuận được. Nhưng chính những cuộc cải cách ở vùng biên đã mang tinh thần kinh doanh và lực thị trường trở lại Trung Quốc trong thập kỷ đầu tiên của công cuộc cải cách, trong lúc chính phủ còn mải mê tìm cách cứu gỡ khu vực quốc doanh.

Phần thứ hai trong câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ năm 1992, sau chuyến du hành phương nam của Đặng Tiểu Bình. Trong lúc các cuộc cách mạng vùng biên mang những lực thị trường trở lại Trung Quốc trong thập kỷ trước, sự cạnh tranh giữa các khu vực trở thành lực chuyển đổi chính trong thập kỷ thứ hai, biến Trung Quốc thành một nền kinh tế thị trường vào cuối thế kỷ 20. Sự cạnh tranh khu vực không có gì mới lạ. Nó đã xuất hiện trong thập kỷ thứ nhất. Nhưng vào thời điểm đó, nó đã tạo ra những rào cản thương mại và ranh giới giữa các tỉnh, và làm vỡ vụn nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đã áp dụng cải cách giá cả vào năm 1992, cải cách thuế vào năm 1994, và bắt đầu tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh vào giữa thập kỷ 1990. Những biện pháp cải tổ này đã tạo ra một thị trường chung quốc gia, có khả năng áp đặt kỷ luật thị trường trên mọi tác nhân kinh tế, biến sự cạnh tranh khu vực thành một lực có sức chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế.

Ở đây, lập luận của chúng tôi khác với lập luận của Huang Yasheng trong sách “Chủ nghĩa tư bản với đặc tính Trung Quốc”. Một lý luận gây tranh cãi của Huang là Trung Quốc mang tính kinh doanh và tính tư bản chủ nghĩa trong thập kỷ 1980 nhiều hơn là trong thập kỷ 1990. Nếu lập luận này muốn nói là tinh thần kinh doanh tư nhân mạnh hơn khu vực nhà nước trong những năm 1980, nó sẽ phù hợp với lý luận của chúng tôi về sự “cải cách vùng biên”. Nhưng nếu ông ta muốn nói là nền kinh tế Trung Quốc rời xa nền kinh tế thị trường tự do trong thập kỷ thứ hai của công cuộc cải tổ, ông đã để vuột mất sự thay đổi cơ bản đã xảy ra trong những năm 1990: Sự nổi lên của một thị trường chung quốc gia, là tiền đề cho hoạt động của sự cạnh tranh khu vực.

Sự cạnh tranh khu vực[3a], đồng hóa với sự đầu tư liên tục, thường là sai lầm vì làm méo mó những lợi thế so sánh, và làm cản trở nền kinh tế tầm cỡ[3b]. Trong lý luận của chúng tôi, có một điểm tế nhị: Điều mà sự cạnh tranh khu vực làm được là đã biến lợi thế về không gian của Trung Quốc (với tầm cỡ quốc gia đại lục), để tạo ra một tốc độ cao về công nghiệp hóa. Để hiểu được rõ điều này đã xảy ra như thế nào, chúng ta cần dựa vào lý luận của Hayek: Nó nhấn mạnh sự tăng trưởng kiến thức là lực đẩy cuối cùng cho mọi thay đổi kinh tế. Thời Mao, người ta tấn công giáo dục, và kiến thức trở thành một món nợ chính trị. Trung Quốc tự cô lập mình với Phương Tây, và tự đoạn tuyệt khỏi truyền thống đất nước. Ý thức hệ cấp tiến của Mao đã làm nghèo nền kinh tế, và tệ hơn nữa, khép kín trí tuệ người dân.

Sau khi Mao chết, Trung Quốc trở lại con đường thực dụng. “Tìm chân lý ở trong thực tế”, trở thành tôn chỉ mới của Đảng; trở nên giàu có là vinh quang. Như thế, lực cản chính cho tăng trưởng kinh tế là thiếu hiểu biết. Nó bao gồm kiến thức về kỹ thuật, kiến thức về định chế – Các định chế hỗ trợ kinh tế thị trường ra sao? – kiến thức về địa phương – Điều mà Hayek gọi là “Hiểu biết về tình huống đặc biệt về thời gian và nơi chốn – Giải pháp cho vấn đề này là sự cạnh tranh khu vực. Khi 32 tỉnh, 282 thành phố, 2861 huyện, 19522 thị xã, 14.677 làng mạc của Trung Quốc nhảy vào cạnh tranh để giành nguồn đầu tư, Trung Quốc trở thành một phòng thí nghiệm khổng lồ, trong đó muôn vàn kinh nghiệm kinh tế được thử nghiệm cùng một lúc. Mọi loại kiến thức được tạo ra, được khám phá, và được phổ biến nhanh chóng. Xuyên qua sự tăng trưởng kiến thức, tầm cỡ khổng lồ của chương trình công nghiệp hóa Trung Quốc đã nhanh chóng đạt được vận tốc cao.

KẾT LUẬN

Sau khi đã trình bày về việc Trung Quốc trở thành tư bản chủ nghĩa như thế nào, chúng ta thấy gì về hình thái của chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc? Một hình ảnh dai dẳng của sự chuyển đổi kinh tế thị trường của Trung Quốc là thiếu vắng sự tự do hóa chính trị. Điều đó không có nghĩa là hệ thống chính trị Trung Quốc đứng yên một chỗ trong 35 năm qua. Đảng đã từ bỏ ý thức hệ cấp tiến (radical). Họ không còn là Cộng sản nữa, ngoại trừ cái tên. Trong những năm gần đây, internet đã giúp cho người Trung Quốc tăng cường sức mạnh cho tiếng nói chính trị của họ. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn còn là chế độ độc đảng.

Giang Trạch Dân (1926-)
Hồ Cẩm Đào (1942-)

Sự liên tục (độc đảng) này, cho thấy một thay đổi cơ bản trong thực tế chính trị ở Trung Quốc. Với cái chết của Đặng Tiểu Bình, chính sách “người hùng” đã chấm dứt. Dưới nhiệm kỳ của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc không còn được cai trị bởi một vị lãnh đạo có uy tín nổi trội nữa. Theo nghĩa này, chính trị Trung Quốc ngày nay đã khác hẳn thời Mao và Đặng. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã không nắm được ý nghĩa của sự thay đổi chính trị này. Họ không có nhiều cố gắng để xây dựng thể chế thích ứng Trung Quốc với một thực tế chính trị mới.

Sự kết hợp giữa một chính sách tự do hóa kinh tế nhanh chóng và một nền chính trị không thay đổi đã làm nhiều người nghĩ rằng nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc là do nhà nước lãnh đạo, một chế độ tư bản chủ nghĩa chuyên chế, mà nhiều người cho rằng sẽ mong manh và không bền. Khi nào và như thế nào Trung Quốc sẽ chọn con đường dân chủ? Và liệu Đảng có thể đứng vững sau công cuộc dân chủ hóa, là những câu hỏi lớn về tương lai chính trị của Trung Quốc.

Trong cuốn sách của chúng tôi, sẽ trình bày một cái nhìn khác. Nó cung cấp một cách chẩn bệnh khác về sự yếu kém của nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc. Trung Quốc đã phát triển một thị trường mạnh mẽ cho hàng hóa, nhưng nó còn thiếu một thị trường tự do cho tư tưởng.

Một thị trường cho tư tưởng giúp chúng ta có một cách suy nghĩ khác về tương lai chính trị của Trung Quốc. Lập luận của chúng tôi chủ yếu dựa vào hai lý do: Thứ nhất, sự cạnh tranh đa đảng không hoạt động được nếu nó không được xây dựng và được đưa vào kỷ luật bởi một thị trường tự do về tư tưởng. Nếu không có thị trường này, nền dân chủ sẽ bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích, và bị suy yếu bởi sự chuyên chế của đa số. Sự thành công của dân chủ chủ yếu dựa vào thị trường tư tưởng, cũng giống như sự tư nhân hóa phụ thuộc vào thị trường vốn.

Thứ hai, sự cạnh tranh đa đảng chưa từng hiện hữu ở Trung Quốc. Thực thế, từ “đảng” trong chữ Trung Quốc có một hàm nghĩa tiêu cực mạnh mẽ trong cách suy nghĩ truyền thống của người Trung Quốc. “Thành lập băng đảng để phục vụ quyền lợi riêng tư” đã bị tố cáo là làm hại tới mục tiêu chính trị, đó là “Dưới hạ giới, mọi sự là của chung”. Trái lại, thị trường tư tưởng có gốc rễ sâu xa trong cách suy nghĩ truyền thống của người Trung Quốc: “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” (Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua bàn). Câu này đã được trân trọng từ thời Khổng Tử. Theo ý chúng tôi, một thị trường cho tư tưởng hứa hẹn một giải pháp tiệm tiến, có thể chấp nhận được trong việc xây dựng lại nền chính trị Trung Quốc, dựa trên các nguyên tắc bao dung, công bằng và khiêm tốn.

Adam Smith (1723-1790)

Trong 35 năm qua, Trung Quốc đã đi theo chủ nghĩa tư bản, không phải chỉ trên bình diện kinh tế. Sách “Lý thuyết về tình cảm đạo đức”[4] (The Theory of Moral Sentiments) đã có hàng chục bản dịch sang tiếng Hoa. Quyển sách này đã chinh phục tâm trí của Ôn Gia Bảo. Lời gửi gắm của Adam Smith đã vang lên trong lòng người Trung Quốc, bởi vì nó có nhiều ái lực với lối suy nghĩ truyền thống ở Trung Quốc về kinh tế và xã hội. Một hệ quả đáng ngạc nhiên của sự chuyển đổi Trung Quốc qua chủ nghĩa tư bản là Trung Quốc đã tìm ra con đường trở lại với nguồn gốc văn minh của họ.

“Tìm kiếm chân lý trong thực tế” là lời giáo huấn cổ truyền ở Trung Quốc, mà Đặng Tiểu Bình đã có lần diễn nghĩa sai lạc là “Tinh túy của chủ nghĩa Mác”. Nhưng còn có nhiều thực tế vẫn bị che đậy ở Trung Quốc vì thị trường tự do cho tư tưởng chưa hiện hữu ở đây. Chúng tôi hơi lạc quan với cẩn trọng là trong vài thập kỷ sắp tới, sẽ có thị trường tư tưởng ở Trung Quốc, cũng giống như họ đã đi theo thị trường hàng hóa trong quá khứ gần đây.

Trong lúc nền kinh tế hiện đại của chúng ta ngày càng dựa trên tri thức, phúc lợi do sự tự do trao đổi tư tưởng rất lớn; và nếu bãi bỏ nó, thiệt hại sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Sự chọn lựa của Trung Quốc về lịch sử của họ, và toàn cầu hóa làm cho chúng tôi tin rằng chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc, chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình dài của nó, sẽ có nhiều cái khác lạ. Đó là điều đáng mừng cho Trung Quốc, mà cũng cho Phương Tây và mọi người khác. Nó cũng đáng mừng cho nền kinh tế thị trường toàn cầu. Ngày nay, sự đa dạng sinh quyển đã được công nhận là cần thiết cho sự duy trì môi trường tự nhiên. Sự đa dạng thể chế cũng có vai trò tương tự, giúp cho xã hội loài người thêm sức bền bỉ. Chủ nghĩa tư bản sẽ mạnh mẽ hơn nữa nếu nó không còn là độc quyền của Phương Tây, mà được phát triển ở nhiều xã hội với những hệ thống văn hóa, tôn giáo, lịch sử, chính trị khác nhau. Trong lúc mậu dịch hàng hóa trong thị trường toàn cầu làm cho chiến tranh trở nên quá tốn kém; một thị trường toàn cầu về tư tưởng, có thể thích nghi và phát triển trên những vấn đề có va chạm tư tưởng, sẽ giúp chúng ta tránh xa sự va chạm giữa các nền văn minh.

 Ronald Coase & Ning Wang

Nguồn: Trung Quốc đã trở thành nước tư bản thế nào, rosetta.vn, 13 Tháng Tám, 2023.


Chú thích của dịch giả

[1] Cải cách kinh tế của Trần Vân, vẫn cố duy trì phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, mặc dù có hé mở tự do hoạt động cho khu vực tư nhân. Trần Vân là người đỡ đầu cho Thủ tướng Lý Bằng, chống lại Triệu Tử Dương trong vụ Thiên An Môn 1989.

[2] Các khu vực cốt lõi của kinh tế xã hội chủ nghĩa là khu vực nhà nước, công nghiệp nặng, nông nghiệp hợp tác hóa và công xã; Còn khu vực vùng biên (margines- khu vực phụ, không quan trọng dưới con mắt nhà nước) là nông nghiệp tư nhân, công nghiệp nhẹ, tư doanh,…

[3a] Cạnh tranh khu vực: Cạnh tranh giữa các địa phương ở Trung Quốc.

[3b] Nền kinh tế tầm cỡ: nền kinh tế sản xuất lớn.

[4] Sách của Adam Smith, xuất bản năm 1759, được Smith dùng làm cơ sở về triết học, tâm lý học, xã hội học cho những sách sau này của ông.

Print Friendly and PDF