3.9.23

Bản chất kép một cách kì lạ: Oppenheimer sau Hiroshima

BẢN CHẤT KÉP MỘT CÁCH KÌ LẠ: BI KỊCH OPPENHEIMER[1] SAU HIROSHIMA[2]

Oppenheimer: bài viết chọn lọc thứ 3

Le Grand Continent

Tháng 11 năm 1945. Chỉ mới qua vài tháng kể từ khi Little Boy (tên mật mã của quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima - ND) and Fat Man (tên mật mã của quả bom được thả xuống Nagasaki - ND) chạm đến đất Nhật - thay đổi bộ mặt thế giới. Tại Đại học Pennsylvania, trước cử tọa gồm các nhà khoa học và bác học, Oppenheimer cố gắng diễn đạt thành lời những gì đang bắt đầu xảy ra, phác họa một cách lộn xộn: một nhận thức luận, một chiến lược và một chính sách cho năng lượng nguyên tử. Tài liệu lưu trữ mới này của loạt bài mùa hè của chúng tôi nên được đọc như một bài phát biểu vừa nghiêm trọng vừa ngập ngừng cho phép chúng ta quay trở lại cội nguồn của bi kịch Oppenheimer. Phần đóng bình luận của chúng tôi trong bài của Oppenheimer dưới đây được in nghiêng.

---------------------------------------------------------------------------------

Le Grand Continent - Điều gì có thể tàn phá mọi thứ cũng có thể giải quyết mọi thứ - nếu các nhà khoa học và các quốc gia hợp tác được với nhau. Đây đại khái là thông điệp mà người phát minh ra bom nguyên tử tìm cách truyền đạt vào ngày 16 tháng 11 năm 1945 ở Philadelphia, tại Đại học Pennsylvania, trước Hội Triết học Hoa Kỳ/American Philosophical Society. Dưới dạng chưa hoàn thiện và phôi thai, tài liệu này là một bản tóm tắt các câu hỏi sẽ theo đuổi và ám ảnh ông trong suốt những năm ông đứng đầu Ủy ban Tư vấn Tổng hợp của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ.

Một thuật ngữ mà Oppenheimer không sử dụng – chúng ta còn đang ở thời tiền sử của suy ngẫm về những hệ lụy của nguyên tử – tuy nhiên lại xuyên suốt bài phát biểu của ông: kép. Bản chất tất yếu hai mặt của sức mạnh nguyên tử: một mặt, cung cấp năng lượng vô hạn bằng cách dồn nó dựa trên các lò phản ứng; mặt khác, nguy cơ tàn phá thế giới. Giọng điệu vừa nghiêm trọng vừa ngập ngừng của hội nghị này, diễn ra vài tháng sau vụ oanh tặc Hiroshima và Nagasaki, cho thấy “cha đẻ của bom nguyên tử” hoàn toàn ý thức rằng phát minh của mình đã thay đổi cuộc sống con người trên trái đất ngay từ lúc đấy. Tuy nhiên, trong bài phát biểu này, cũng như trong những bài khác, ông chọn cách thu nhỏ trọng tâm lại và nhìn vấn đề qua lăng kính về những hệ lụy của sự thay đổi hệ ý này đối với cách làm khoa học và khám phá khoa học. Trên nhiều phương diện, sự suy ngẫm này có thể được đọc như một nỗ lực gắn kết những khám phá ở Los Alamos – Oppenheimer chỉ rõ là về mặt kỹ thuật, chứ không phải khoa học – với lịch sử các khoa học ở Phương Tây. Đây là cách giúp chúng ta hiểu sự so sánh giữa kiến ​​thức về năng lượng nguyên tử và kiến ​​thức về hệ mặt trời.

Tuy nhiên, trong suốt bài thuyết trình của mình trước các thành viên của Hội Triết học Hoa Kỳ, một sự ngây thơ nhất định về sức mạnh của vũ khí lộ ra (“chiến tranh sẽ chấm dứt/wars will cease”), như thể Oppenheimer muốn thuyết phục bản thân rằng có một số điều tốt trong phát minh của ông. Do đó, văn bản bắt chéo, quyện vào nhau, một suy ngẫm có thể được mô tả một cách sỗ sàng như mang tính nhận thức luận về quả bom với lời kêu gọi “trách nhiệm tập thể” để chấm dứt chiến tranh. Tính nước đôi này, sự không thể có quyết định dứt khoát này, là một hằng số trong các bài viết về quả bom mà chúng tôi dịch và xuất bản trong loạt bài mùa hè của chúng tôi.

Hồ sơ bài lưu trữ này đặc biệt đáng chú ý vì niên đại của nó. Chỉ mới vài tháng sau Hiroshima và Nagasaki, và Oppenheimer tìm cách rút ra những bài học đầu tiên của việc nghiên cứu chiến tranh như một hiện tượng xã hội học. Theo ông, các vụ đánh bom tháng 8 đã xác định một “mô hình sử dụng” vũ khí nguyên tử: “một loại vũ khí gây hấn, bất ngờ và khủng bố”. Nhà phát minh quả bom cảnh báo: theo mô hình này, nếu bom (nguyên tử) được sử dụng lại, thì sẽ có hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn quả được sử dụng. Do đó nhất thiết phải làm cho chiến tranh không thể xảy ra.

Nhưng cuối cùng cũng có thể đọc tham luận dưới đây của Oppenheimer như một lời đáp trả - hay sự dự đoán trước một lời chỉ trích - cho những người phản đối các nhà khoa học đã đóng góp vào Dự án Manhattan vì đã, theo một cách nào đó, làm giảm giá trị của tiến bộ khoa học: “Tôi không tin rằng ta có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại trong một thế giới khi các công trình khoa học được sử dụng, nếu chúng được sử dụng một cách cố ý, cho những mục đích mà con người coi là xấu xa”. Không tự phủ nhận hay thay đổi ý kiến, J. Robert Oppenheimer ở ​​đây cố gắng nối kết việc phát minh quả bom với sự hiểu biết tốt hơn về thế giới mà nó đã mở ra.

-----------------------------------------------------------------

J. ROBERT OPPENHEIMER - Kính thưa các thành viên của Viện Hàn Lâm, các thành viên của Hội Triết Học,

Những lý do chính đáng mà các bạn chắc có lẽ đã có để muốn học hỏi từ tôi hôm nay - những gì mà hoàn cảnh có lẽ đã khiến tôi đủ tư cách để thảo luận với các bạn dựa trên kinh nghiệm của tôi - là cách thức chế tạo vũ khí nguyên tử. Bởi vì, đúng như chúng tôi đã thường xuyên và nghiêm túc phát biểu, các nghiên cứu khoa học mà chúng tôi đã phải thực hiện tại Los Alamos trong khuôn khổ các kỹ thuật được phát triển ở đó hầu như không dẫn đến những khám phá cơ bản. Ở đó, không có những hiểu biết mới quan trọng nào về bản chất của thế giới vật chất.

Tất nhiên, chúng tôi đã có nhiều bất ngờ. Chúng tôi đã học được rất nhiều về các hạt nhân nguyên tử và nhiều hơn nữa về sự vận hành của vật chất trong những điều kiện khắc nghiệt và chưa từng được biết - và một lượng đáng kể công việc của chúng tôi, về chất lượng và phong cách, xứng đáng với truyền thống tốt nhất của khoa học vật lý.

Đây không phải là một câu chuyện nhàm chán. Nó được ghi lại trong một cuốn sách hướng dẫn lớn gồm 15 tập, phần lớn trong số đó chúng tôi nghĩ sẽ được các nhà khoa học quan tâm - ngay cả khi họ không phải, do nghề nghiệp của mình, là những nhà chế tạo bom nguyên tử. Tôi rất sẵn lòng kể cho các bạn nghe một chút về nó. Tôi rất vui được giúp các bạn chia sẻ niềm tự hào của chúng tôi về tính thích đáng và tính bền vững của khoa học vật lý - di sản chung của chúng ta - đã đóng góp cho sự chế tạo loại vũ khí này vốn đã chứng tỏ giá trị của nó vào mùa hè này ở sa mạc New Mexico.

Điều gây ấn tượng với chúng ta ngày nay là sự đóng góp, kiến ​​thức, sức mạnh của khoa học vật lý, mà chúng tôi rất thiết tha với nền văn hóa, việc học tập và giảng dạy, đã trở nên quá nguy hiểm để chúng ta nói về nó, ngay cả trong những buổi họp này.

J. ROBERT OPPENHEIMER

Đây không phải là một câu chuyện nhàm chán nhưng tôi không thể kể nó cho các bạn ngày hôm nay. Sẽ quá nguy hiểm. Đây là điều mà Tổng thống, nhân danh nhân dân Hoa Kỳ, nói với chúng tôi. Và đó là điều mà nhiều người trong chúng ta, nếu buộc phải đưa ra quyết định này, cũng có thể kết luận như vậy.

Điều gây ấn tượng với chúng ta ngày nay là sự đóng góp, kiến ​​thức, sức mạnh của khoa học vật lý, mà chúng tôi rất thiết tha với nền văn hóa, việc học tập và giảng dạy, đã trở nên quá nguy hiểm để chúng ta nói về nó, ngay cả trong những buổi hội họp này. Đây là câu hỏi được đặt ra cho chúng ta ngày nay và là câu hỏi đi đến gốc rễ của khoa học là gì, giá trị của nó là gì. Chính câu hỏi này, một cách rụt rè, một phần và với ý thức sâu sắc về sự khó khăn và sự kém cỏi của bản thân, tôi phải cố gắng trả lời hôm nay.

Vấn đề này gần đây không quá quen thuộc với chúng ta. Bởi vì chúng ta không trải qua một tình huống quen thuộc. Nếu nó dường như thể hiện sự tương đồng với tình huống nảy sinh do sự ra đời của các loại vũ khí khác, với nhu cầu giữ bí mật nhất định xung quanh các cuộc thảo luận liên quan, chẳng hạn như súng và ngư lôi, thì sự tương tự này sẽ đánh lừa chúng ta. Có những tai biến xảy ra trong hoàn cảnh của chúng ta, những điều có vẻ như ngẫu nhiên dưới ánh sáng của lịch sử.

Vũ khí nguyên tử dựa trên các yếu tố ở biên giới của vật lý học. Sự phát triển của chúng gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của vật lý cũng như, trong mọi khả năng, với sự phát triển của khoa học sinh học và của nhiều kỹ thuật. Vũ khí nguyên tử được chế tạo bởi các nhà khoa học, ngay cả khi một số bạn nghĩ rằng đây là những nhà khoa học thường cống hiến cho việc khám phá những thứ khá thứ yếu.

Tốc độ của quá trình tiến hóa này, sự tham gia tích cực và cốt yếu của các nhà khoa học trong quá trình phát triển này, chắc chắn đã góp phần lớn vào nhận thức của chúng ta về cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt - thậm chí cả về cảm giác trách nhiệm của chúng ta trong việc giải quyết nó. Nhưng đây là những điều ngẫu nhiên.

Điều không phải ngẫu nhiên là chúng ta đã tạo ra một thứ gì đó, một vũ khí khủng khiếp nhất, đã thay đổi bản chất của thế giới một cách đột ngột và sâu sắc. Chúng tôi đã chế tạo ra một thứ gì đó, theo bất kỳ tiêu chuẩn nào của thế giới trong đó chúng ta đã lớn lên, là có hại. Khi làm như vậy, khi cho phép chế tạo vũ khí này, một lần nữa chúng ta lại đặt ra câu hỏi liệu khoa học có tốt cho con người không, có tốt không khi tìm hiểu thế giới, cố gắng hiểu, cố gắng kiểm soát nó, để góp phần mang lại cho thế giới con người tầm nhìn và quyền lực lớn hơn.

Chúng ta đã chế tạo ra một thứ gì đó, một thứ vũ khí khủng khiếp nhất, đã làm thay đổi bản chất của thế giới một cách đột ngột và sâu sắc.

J. ROBERT OPPENHEIMER

Bởi vì chúng tôi là những nhà khoa học, chúng tôi chỉ có thể trả lời những câu hỏi này bằng một tiếng “có” không thể lay chuyển. Chính niềm tin và cam kết của chúng tôi, hiếm khi được nêu lên một cách rõ ràng, thậm chí còn hiếm khi ít bị nghi ngờ hơn, rằng kiến ​​thức tự nó là một điều tốt. Kiến thức và sức mạnh phải đi kèm với câu trả lời của chúng tôi, những nhà khoa học.

Chúng ta có lẽ còn nhớ lại những ngày đầu tiên của khoa học vật lý trong nền văn hóa Phương Tây. Lúc đó, vật lý bị coi là một mối đe dọa sâu sắc đối với toàn bộ thế giới Cơ đốc giáo. Chúng ta còn nhớ đến thời gian gần đây của thế kỷ trước, khi một số người nhìn thấy mối đe dọa như vậy trong cách hiểu mới về mối quan hệ giữa con người và phần còn lại của thế giới sống. Thậm chí người ta có thể nhớ lại mối lo lắng của các nhà bác học về một số phát triển cơ bản trong vật lý - thuyết tương đối và thậm chí hơn thế nữa, nguyên tắc bổ sung và sự liên can to lớn của nó trong mối quan hệ giữa lẽ thường và khám phá khoa học, cả lời nhắc nhở miễn cưỡng, quen thuộc với Văn hóa Ấn Độ giáo nhưng khá xa lạ với văn hóa châu Âu, về những sự không tương hợp tiềm ẩn giữa quan niệm của con người và thế giới thực mà quan niệm này phải mô tả.

Nhớ lại lịch sử này, người ta có thể đặc biệt nghĩ đến những cuộc xung đột lớn của thời Phục hưng, bởi vì chúng phản ánh sự thật rằng khoa học là một phần của thế giới loài người; rằng trước đây khoa học thường tiêm nhiễm vào thế giới này những yếu tố bất ổn và thay đổi và rằng, nếu tình hình ngày nay nguy hiểm - và tôi tin là như vậy - chúng ta có thể nhìn về quá khứ để được trấn an rằng niềm tin của chúng ta vào giá trị của tri thức có thể thắng thế.

Bom nguyên tử không phải là một quan niệm mới hay một khám phá mới về thực tại. Đó là một điều rất bình thường trên một số phương diện, phù hợp với phần lớn khoa học tạo nên các phòng thí nghiệm và ngành công nghiệp của chúng ta. Nhưng nó sẽ thay đổi cuộc sống của con người như, suốt nhiều thế kỷ, kiến ​​thức về hệ mặt trời đã thay đổi cuộc sống của họ. Bởi vì trong thế giới của vũ khí nguyên tử, chiến tranh sẽ chấm dứt.

Và đó không phải là điều không quan trọng. Bản thân vũ khí nguyên tử không ra gì, như thế giới ngày nay đã biết, có lẽ với nỗi cay đắng hơn bao giờ hết, nhưng có lẽ, cuối cùng, còn có điều quan trọng hơn bởi những thay đổi, những sửa đổi căn bản, dù là chậm chạp, của các mối quan hệ giữa người, giữa các quốc gia và giữa các nền văn hóa mà điều này bao hàm.

Tôi tin rằng nó chỉ có thể giúp chúng ta nhận ra những vấn đề này là những vấn đề tương đối thiết yếu. Chúng ta sẽ không thể phục vụ chính mình, phục vụ sự nghiệp tự do và sự phát triển của khoa học, cũng như đồng loại của chúng ta, nếu chúng ta đánh giá thấp những khó khăn hoặc nếu, vì hèn nhát, chúng ta che giấu tính chất triệt để của cuộc xung đột và những vấn đề mà nó là cơ sở.

Trong suốt cuộc đời của chúng ta, vũ khí nguyên tử có thể là một vấn đề lớn hoặc nhỏ. Nhưng vũ khí này không thể là một niềm hy vọng nhỏ nhoi; chúng chỉ có thể là một niềm hy vọng lớn. Đôi khi những người nói về niềm hy vọng lớn và hứa hẹn lớn của lĩnh vực năng lượng nguyên tử không nói về hòa bình mà là về năng lượng nguyên tử và bức xạ hạt nhân.

Chắc hẳn, đây là một sự nhiệt tình chính đáng, một sự nhiệt tình mà tất cả chúng ta phải chia sẻ. Tính khả thi về mặt kỹ thuật của việc sản xuất lượng năng lượng hầu như không giới hạn từ các lò phản ứng hạt nhân có kiểm soát dường như rất chắc chắn, gần như chắc chắn. Và việc xây dựng các nhà máy điện để chứng minh những ưu điểm và hạn chế của loại năng lượng đó dường như không phải là điều xa vời, xét từ góc độ của nỗ lực kỹ thuật phải cung cấp.

Ta phải nhìn vào lịch sử để biết rằng những khả năng như vậy, theo thời gian, sẽ được coi là hữu ích; theo thời gian, chúng sẽ đóng một vai trò quan trọng - mặc dù chưa được hiểu đầy đủ - trong ngành công nghiệp và nền kinh tế của chúng ta. Sáng nay, các bạn đã nghe về một số vấn đề sinh học và y tế và việc sử dụng bức xạ từ các lò phản ứng này. Ngay cả các nhà vật lý cũng có thể tưởng tượng ra những điều hữu ích để làm với các neutron mà các lò phản ứng này cung cấp.

Và tất cả chúng ta, những người đã chứng kiến ​​sự phát triển của khoa học đều biết rõ rằng những gì chúng ta có thể nhận ra về những khả năng trong những lĩnh vực này chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì sẽ được khám phá khi chúng ta thực sự quan tâm đến nó.

Tuy nhiên, đối với tôi, có vẻ hơi sai lầm khi cho phép niềm tin của chúng ta - và, hãy cẩn thận, niềm tin của chúng ta là rất chính đáng - vào tương lai của các ứng dụng hòa bình của vật lý hạt nhân, làm chúng ta hoàn toàn xao nhãng với tính tức thời và hiểm họa của vũ khí nguyên tử. Sẽ không trung thực nếu làm như vậy, vì ngay cả khi hiểu rõ hơn về thế giới vật chất, ngay cả những bước phát triển tốt nhất trong các biện pháp trị liệu cũng phải không ngăn chúng ta quên rằng những vũ khí này nhằm mục đích hủy diệt trái đất.

Thậm chí sẽ không thiết thực lắm để quên được. Về mặt kỹ thuật, hoạt động của lò phản ứng và việc sản xuất vũ khí có mối liên hệ khá mật thiết với nhau. Bất cứ nơi nào có các lò phản ứng đang hoạt động, nơi đó có tiềm năng, nhưng không nhất thiết phải thuận tiện, sản xuất nguồn nguyên liệu cho vũ khí. Bất cứ khi nào vật liệu được chế tạo cho vũ khí, chúng cũng có thể được sử dụng cho các lò phản ứng rất phù hợp để nghiên cứu sự phát triển năng lượng.

Về mặt kỹ thuật, hoạt động của lò phản ứng và việc sản xuất vũ khí có mối liên hệ khá mật thiết với nhau. Bất cứ nơi nào có các lò phản ứng đang hoạt động, nơi đó có tiềm năng, nhưng không nhất thiết phải thuận tiện, sản xuất nguồn nguyên liệu cho vũ khí.

J. ROBERT OPPENHEIMER

Đối với tôi, dường như không thể tránh khỏi rằng, trong một thế giới sử dụng vũ khí nguyên tử, bóng tối của sự sợ hãi, bí mật, ép buộc và cảm giác tội lỗi đang đè nặng lên phần lớn vật lý hạt nhân, phần lớn khoa học. Các nhà khoa học nước này (Mỹ - ND) nhanh chóng hiểu ra điều này và tìm cách thoát khỏi nó. Tôi không nghĩ nỗ lực này có thể thành công trong một thế giới có vũ khí nguyên tử.

Có một loạt lập luận khác nhằm mục đích giảm thiểu tác động của vũ khí nguyên tử và do đó trì hoãn hoặc tránh những thay đổi căn bản trên thế giới, những thay đổi rốt cuộc không thể tránh khỏi, mà sự ra đời của vũ khí nguyên tử dường như đòi hỏi. Một số người cho rằng những vũ khí này không tệ hại đến thế.

Trước cuộc thử nghiệm ở New Mexico, đôi khi chúng tôi cũng nói như vậy – khi ghi nhận số dặm vuông và trọng tải tương đương cũng như xem xét những hình ảnh về một châu Âu bị tàn phá. Sau cuộc thử nghiệm, chúng tôi không còn nói điều này nữa. Một số trong các bạn chắc có lẽ đã thấy những bức ảnh về cuộc dội bom ở Nagasaki, những xà thép to lớn của các nhà máy bị uốn cong và phá hủy. Một số bạn có lẽ đã nhận thấy rằng các nhà máy bị phá hủy cách xa nhau hàng dặm. Một số bạn có lẽ đã nhìn thấy những bức ảnh của những người bị đốt cháy, hoặc nhìn vào đống vết tích của Hiroshima.

Quả bom Nagasaki có lẽ sẽ san bằng 15 kilômét vuông, hoặc hơn một chút, nếu có 15 kilômét vuông để bị san bằng. Và khi biết rằng dự án tiêu tốn hai tỷ đô la và chúng ta chỉ thả hai quả bom, thật dễ dàng để nghĩ rằng chúng phải rất tốn kém. Nhưng để thực hiện bất kỳ dự án vũ khí nguyên tử nghiêm túc nào mà không có yếu tố đổi mới nhỏ nhất ở cấp độ kỹ thuật và bằng cách chỉ làm điều tương tự như trước nay, chi phí ước tính có thể được chia cho một nghìn.

Nhưng vũ khí nguyên tử, ngay cả với những gì chúng ta biết ngày nay, có thể là rẻ. Ngay cả khi sử dụng những gì chúng ta biết cách làm ngày nay, không có bất kỳ điều gì mới nào, dù tối thiểu hay triệt để, vũ khí nguyên tử sẽ không làm nản lòng những người muốn phát triển nó.

Mô hình sử dụng vũ khí nguyên tử đã được xác định ở Hiroshima. Chúng là vũ khí gây hấn, bất ngờ và khủng bố. Nếu chúng được sử dụng lại, thì số lượng sử dụng các vũ khí nguyên tử có thể lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn. Phương thức phân phối chúng có thể khác và phản ánh những khả năng đánh chặn mới, cũng như những nỗ lực mới để ngăn chặn chúng. Và chiến lược sử dụng chúng có thể khác với chiến lược chống lại kẻ thù đã bị đánh bại về cơ bản.

Mô hình sử dụng vũ khí nguyên tử đã được xác định ở Hiroshima. Chúng là vũ khí gây hấn, bất ngờ và khủng bố. Nếu chúng được sử dụng lại, thì số lượng sử dụng các vũ khí nguyên tử có thể lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn.

J. ROBERT OPPENHEIMER

Nhưng điểm trung tâm là chúng là vũ khí của những kẻ xâm lược, và các yếu tố bất ngờ và khủng bố là bản chất nội tại của chúng như các hạt nhân có thể được phân ra. Một trong những đồng nghiệp của chúng tôi, một người hết lòng vì hạnh phúc con người và vì sự phát triển của khoa học, đã khuyên tôi cách đây không lâu rằng đừng quá nhấn mạnh nỗi lo ngại, hiện nay hay có thể, gây ra bởi vũ khí nguyên tử ở nơi công cộng.

Anh ấy, cũng như bất kỳ ai trong chúng ta, đều biết rằng chúng có thể còn khủng khiếp hơn thế nào. Anh nói, điều này có thể gây ra phản ứng dữ dội chống lại khoa học. Và có thể khiến người ta quay lưng lại với khoa học. Anh ấy không đến nỗi già và tôi nghĩ rằng những gì chúng ta nói hôm nay về vũ khí nguyên tử sẽ không mang lại nhiều thay đổi đối với anh ấy, hoặc đối với bất kỳ ai trong chúng ta nếu, trước khi chết, chúng ta sống đủ lâu để chứng kiến ​​một cuộc chiến tranh trong đó những loại vũ khí này sẽ được sử dụng.

Tôi nghĩ sẽ không hữu ích cho việc tránh một cuộc chiến như vậy nếu chúng ta cố gắng xóa bỏ giới hạn của nỗi kinh hoàng mới này mà chúng ta đã góp phần tạo ra trên thế giới. Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của tất cả mọi người, và có lẽ hơn thế nữa nhiệm vụ của các nhà khoa học chúng ta, bởi vì truyền thống của chúng ta là nhận ra và chấp nhận cái lạ và cái mới. Tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận sự thật khủng khiếp mới này như là một sự kiện và chấp nhận cùng với nó sự tất yếu của những biến đổi của thế giới sẽ tạo khả năng tích hợp những phát triển này vào cuộc sống của con người.

Chúng ta phải chấp nhận sự thật khủng khiếp mới này như là một sự kiện và chấp nhận cùng với nó sự tất yếu của những biến đổi của thế giới sẽ tạo khả năng tích hợp những phát triển này vào cuộc sống của con người.

J. ROBERT OPPENHEIMER

Tôi nghĩ, về lâu dài, chúng ta không thể bảo vệ khoa học khỏi mối đe dọa này đối với tâm trí mọi người và đối với sự trách móc khoa học, nếu chúng ta không công nhận mối đe dọa và sự trách móc này, và nếu chúng ta không giúp đỡ những đồng loại của chúng ta, bằng mọi cách thích hợp, xóa bỏ nguyên nhân của chúng; và nguyên nhân của chúng là chiến tranh.

Nếu tôi nhấn mạnh đến thế tầm quan trọng của hiểm họa này, không chỉ đối với khoa học mà còn đối với nền văn minh của chúng ta, đó là bởi vì tôi coi đó là niềm hy vọng lớn duy nhất của chúng ta, như một lý lẽ bổ sung chống lại chiến tranh. Giống như những lập luận đã luôn luôn tồn tại và ngày càng phát triển cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, đây không phải là lập luận duy nhất.

Vấn đề này, đòi hỏi sự kiểm tra quốc tế, giống như tất cả các vấn đề khác cũng có đòi hỏi như vậy, không phải là vấn đề duy nhất. Nhưng với tư cách là một mối đe dọa mới, rộng lớn đối với tất cả các dân tộc trên trái đất, đó là một điều mới, một điều mới khủng khiếp – với bản chất vừa có ích vừa nguy hiểm như trên – và trong mắt nhiều người trong chúng ta, nguy cơ mới này đã trở thành một thời cơ độc nhất vô nhị.

Mang lại những thay đổi này trong quan hệ giữa các quốc gia và các dân tộc thật là rất khó khăn. Tất cả những thay đổi đồng thời và phụ thuộc lẫn nhau về luật pháp, tinh thần, phong tục và quan niệm đều là cốt yếu. Không gì trong số những thay đổi này hoàn toàn là phải có trước những thay đổi khác để chấm dứt chiến tranh. Điều đó không chỉ là khó mà còn là không thể. Sẽ rất khó khăn trong những ngày sắp tới, khó khăn và đầy rẫy những sự chán nản và thất vọng, và điều này sẽ diễn ra rất chậm, nhưng không phải là không thể.

Nếu chúng ta nhận ra, như tôi nghĩ chúng ta nên, rằng điều này đối với chúng ta, trong thời đại của chúng ta, là vấn đề cơ bản của xã hội loài người, thì điều đó sẽ không phải là không thể. Đây là những cam kết rất quan trọng, mà tôi không muốn đánh giá quá thấp chiều sâu bởi vì chúng hàm ý rằng chúng ta trân trọng, trên hết, những điều gì chúng ta sẽ sống chết vì chúng. Mối liên kết chung của chúng ta với tất cả các dân tộc trên thế giới, trách nhiệm chung của chúng ta đối với một thế giới không có chiến tranh, niềm tin chung của chúng ta rằng, trong một thế giới đoàn kết như vậy, những điều chúng ta trân trọng — học tập, tự do và nhân loại — sẽ không bị mất đi.

Những lời này nghe có vẻ như là những lời tiên tri viễn vông, nhưng không phải vậy. Tránh chiến tranh nguyên tử là một điều rất thiết thực. Vì thừa nhận tình anh em của các dân tộc trên thế giới là một điều thiết thực. Đây là một điều thiết thực để nhận ra, như là một trách nhiệm chung, hoàn toàn xa vời với các giải pháp đơn phương, hiểm họa tuyệt đối chung mà vũ khí nguyên tử gây ra cho thế giới. Nhận ra rằng chỉ có thể thông qua cộng đồng trách nhiệm thì mới có hy vọng đối mặt với hiểm họa này.

Tránh chiến tranh nguyên tử là một điều rất thiết thực.

J. ROBERT OPPENHEIMER

Có thể hết sức thiết thực nếu cố gắng phát triển những thỏa thuận đó và tinh thần tin cậy lẫn nhau giữa các dân tộc cần thiết cho việc kiểm soát vũ khí nguyên tử. Có thể đây là một điều thiết thực khi coi đây là một thí điểm cho tất cả các thỏa thuận quốc tế cần thiết khác mà, nếu không có chúng, sẽ không có hòa bình.

Trong những đoạn văn này, giống như trước đây, có vẻ như Oppenheimer đang cố gắng phác họa mối liên hệ giữa sự thuận tiện và tính hữu ích của việc tìm kiếm một giải pháp chung. Đây là lý do tại sao chúng tôi dịch từ “practical” trong tiếng Anh thành “pragmatique” (thành “thiết thực” trong tiếng Việt - ND), từ này nên được hiểu ở đây theo nghĩa thông thường chứ không phải là ám chỉ đến chủ nghĩa thực dụng triết học của Câu lạc bộ siêu hình/Metaphysical Club Boston.

Vì đây là một lĩnh vực mới, ít bị cản trở hơn những lĩnh vực khác bởi những lợi ích riêng biệt hoặc bởi sức ỳ rộng lớn của chủ quyền quốc gia thuần túy trong nhiều thế kỷ. Đây là một lĩnh vực mới được sinh ra từ một ngành khoa học lấy cảm hứng từ những lý tưởng cao cả nhất của tình anh em quốc tế. Có vẻ hơi hão huyền và còn nguy hiểm nữa nếu hy vọng rằng các công trình nghiên cứu năng lượng nguyên tử và vũ khí nguyên tử có thể tiếp tục, như rất nhiều điều đã diễn ra trong quá khứ. Giống như việc chế tạo tàu chiến trên cơ sở quốc gia thuần túy và hẹp hòi, không có sự tin tưởng cơ bản giữa các dân tộc, không có sự hợp tác hoặc sự bãi bỏ thực tế rằng bằng cách này hay cách khác, những kho vũ khí nguyên tử riêng biệt và đáng ngờ này sẽ đóng góp cho hòa bình trên thế giới.

Đối với tôi, có vẻ như là cực kỳ hão huyền, và không thiết thực, khi hy vọng rằng các phương pháp đã từng thất bại thảm hại trong việc ngăn chặn chiến tranh trong quá khứ sẽ thành công khi đối mặt với hiểm họa lớn hơn nhiều này. Theo tôi, sẽ rất nguy hiểm nếu xem xét, trong thời kỳ hỗn loạn này, một giải pháp triệt để như là ít thiết thực hơn một giải pháp thông thường. Cũng sẽ rất nguy hiểm và chắc chắn sẽ là nguồn gốc của sự nản lòng bi thảm nếu hy vọng rằng một giải pháp triệt để có thể phát triển nhanh chóng, hoặc rằng sự phát triển của nó sẽ không có những xung đột và bất ổn nghiêm trọng nhất.

Những bước đầu tiên trong việc triển khai tiến trình quốc tế hóa trách nhiệm, trách nhiệm có lẽ trước hết là để tránh nguy cơ chiến tranh nguyên tử, chắc chắn sẽ rất khiêm tốn. Chắc chắn là tôi, một người không có kinh nghiệm cũng như kiến ​​thức, không phải là người tốt nhất để nói về những biện pháp đó có thể là gì.

Tuy nhiên, đây là điều mà Oppenheimer đang nghiên cứu từ năm sau trong Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ và công khai như trong bài báo trên tạp chí Foreign Affairs năm 1948, được dịch ở đầu loạt tài liệu lưu trữ này.

Nhưng có hai điều mà có lẽ chúng ta nên ghi nhớ và muốn nêu lên với tư cách là nhà khoa học. Thứ nhất, không chỉ về mặt chính trị mà cả về mặt kỹ thuật, lĩnh vực năng lượng nguyên tử là một lĩnh vực rất mới, đang tiến triển rất nhanh. Sẽ tốt hơn nếu nhấn mạnh đến tính chất tạm thời của bất kỳ sự sắp xếp nào mà trong tương lai có vẻ là phù hợp.

Thứ hai là bằng cách khuyến khích và vun đắp sự trao đổi giữa các quốc gia, chúng ta sẽ thấy không chỉ là cơ hội để tăng cường tình anh em giữa các nhà khoa học từ các quốc gia khác nhau, mà còn giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia về lợi ích và hoạt động của họ trong lĩnh vực khoa học nói chung, và trong các lĩnh vực liên quan đến năng lượng nguyên tử nói riêng.

Đó là một hình thức cụ thể và mang tính xây dựng, mặc dù có giới hạn, của những mối quan hệ hợp tác trên giữa các quốc gia vốn phải là mô hình của tương lai. Tôi xin nhắc lại, những nhận xét này không nhằm mục đích xác định hoặc làm cạn kiệt nội dung của các thỏa thuận quốc tế có thể hoặc phù hợp để được ký kết, cũng như không hạn chế chúng. Những nhận xét này được trình bày như những gợi ý xuất hiện một cách tự nhiên trong tâm trí của một nhà khoa học mong muốn làm được việc có ích. Nhưng chúng hoàn toàn không chạm vào những vấn đề cơ bản của nghệ thuật cai quản mà mọi thứ khác phụ thuộc vào.

Không có gì nhiều trong những từ trên có thể là mới đối với bất kỳ ai. Trong nhiều tháng nay, các nhà khoa học, cùng với nhiều người khác, đã quan tâm, thường theo những cách rất mù mờ, đến hoàn cảnh nguy kịch của vật lý hạt nhân và đến những nguy cơ chung hơn của chiến tranh nguyên tử.

Đối với tôi, dường như những phản ứng này của các nhà khoa học, vốn đã khiến họ gặp gỡ, nói chuyện, làm chứng, viết và tranh luận không ngừng, mang tính chung nhất đến mức phổ quát, phản ánh - một cách đúng đắn – ý thức về một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Đó là một cuộc khủng hoảng bởi vì không chỉ những sở thích và thị hiếu của các nhà khoa học đang gặp nguy hiểm, mà còn cả bản chất của niềm tin của họ, sự thừa nhận chung về giá trị, giá trị tuyệt đối của kiến ​​​​thức, quyền lực và sự tiến bộ của khoa học.

Dù động cơ và niềm tin cá nhân của nhà khoa học là gì đi nữa, nếu không có sự công nhận này của những người đồng loại về giá trị công việc của anh ta, thì, về lâu dài, khoa học sẽ lụi tàn. Tôi không tin rằng có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại trong một thế giới mà các công trình khoa học bị sử dụng nếu chúng bị sử dụng một cách cố ý cho những mục đích mà con người coi là xấu xa.

Trong một thế giới như vậy, sẽ chẳng ích lợi gì nếu cố gắng bảo vệ nhà khoa học trước những ràng buộc, những kiểm soát, một bí mật được áp đặt mà anh ta cho là không tương thích với tất cả những gì anh ta tin vào và trân trọng. Do đó, đối với tôi, dường như cần phải khám phá phần nào tác động của sự ra đời của vũ khí nguyên tử đối với đồng loại của chúng ta và những con đường có thể được mở ra để tránh thảm họa mà các vũ khí này báo trước.

Tôi tin rằng chỉ có một con đường duy nhất để làm việc trên, và niềm hy vọng cho tương lai của tất cả chúng ta nằm trong con đường này.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:« Une nature étrangement prométhéenne », Oppenheimer après Hiroschima“, Le Grand Continent, 1.8.2023.




Chú thích của người dịch:

[1] Julius Robert Oppenheimer (1904-1967), là một nhà vật lý người Mỹ xuất chúng, đặc biệt trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. Tuy bị nghi ngờ về những mối quan hệ với các giới tả khuynh, năm 1942, ông được đề cử làm giám đốc khoa học của Dự án Manhattan - dự án chế tao bom nguyên tử ở Căn Cứ Los Alamos – và với tư cách này ông được xem như “cha đẻ của bom nguyên tử”. Tuy nhiên sau đó, vào thời cao trào của phong trào Maccarthism, phong trao hữu khuynh cực đoan trong những năm 50 chủ trương việc truy nã và xét xử các thành phần tả khuynh, năm 1953, do thái độ bị đánh giá là mơ hồ của ông đặc biệt đối với các vũ khí nhiệt hạch và cuộc chiến tranh nguyên tử, ông đã bị tước quyền tiếp cận các tài liêu tối mật trong một buổi họp được biết đến như “vụ án Oppenheimer” gây nên sự công phẫn của các nhà khoa học khắp thế giới. Từ đó ông trở thành biểu tượng của lương tri của nhà khoa học đứng trước hiểm họa của một cuộc chiến tranh nguyên tử và chính sách của các lãnh đạo, đặc biệt của các nước lớn có vũ khí nguyên tử. Ông dành cuối đời ông cho nghiên cứu và giảng dạy ở Viện Nghiên Cứu Cao Cấp/Institute for Advanced Study (ND).

[2] “Bản chất kép/promethean (nhận định đầu tiên về phát biểu của Oppenheimer - Điều gì có thể tàn phá mọi thứ cũng có thể giải quyết mọi thứ) – một cách kỳ lạ (của nguyên tử), vừa là phương tiện cứu tinh của nhân loại khi mang lại nguồn năng lượng vô tận với những ứng dụng tốt cho cuộc sống của nhân loại trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt về y tế với những bức xạ …, vừa là công cụ của sự hủy diệt nhân loại và trái đất vì bom nguyên tử là “một vũ khí gây hấn, bất ngờ và khủng bố, khi bom nguyên tử lại được sử dụng (theo mô hình này, nếu bom (nguyên tử) được sử dụng lại, thì sẽ có hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn quả được sử dụng). Ám ảnh này đã theo đuổi Oppenheimer, người được xem như là phát minh ra bom nguyên tử trong suốt cuộc đời của ông với những thế đôi ngã giữa niềm tin về khoa học và sự sợ hãi thấy những phát minh khoa học bị sử dụng cho những mục đích xấu xa, giữa tính nhân văn và sự sợ hãi đứng trước những hệ quả của việc sử dụng bom nguyên tử - “Tôi không tin rằng ta có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại trong một thế giới khi các công trình khoa học được sử dụng, nếu chúng được sử dụng một cách cố ý, cho những mục đích mà con người coi là xấu xa”. Không tự phủ nhận hay thay đổi ý kiến, J. Robert Oppenheimer ở đây cố gắng nối kết việc phát minh quả bom với sự hiểu biết tốt hơn về thế giới mà nó đã mở ra”.

Nhân dịp này cũng nói thêm rằng Prométhée là một nhân vật trong huyền thoại cổ Hy Lạp, là con đẻ của thần thánh, chống lại các thần thánh bất tử, đã mang lại lửa cho nhân loại, trở thành ân nhân của nhân loại, nhưng cũng có thể là kẻ hủy diệt nhân loại vì lửa có thể tàn phá, hũy diệt mọi thứ trên trái đất, kể cả con người. Sau đó Promethee đã bị giam cầm và tra tấn trong một thời gian dài, những cuối cùng cũng được hội nhập lại vào thế giới của các vị thần thánh (xem nguyên văn tựa và tiểu tựa trong nguyên tác tại đường dẫn Nguồn ở cuối bài).

Print Friendly and PDF