27.9.23

Các nhà khoa học cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ thực thi các SDG

CÁC NHÀ KHOA HỌC CẦN LÀM GÌ ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC THI CÁC SDG

Shirin MalekpourCameron AllenAmbuj SagarImme ScholzÅsa PerssonJ. Jaime MirandaTherese BennichOpha Pauline DubeNorichika KanieNyovani MadiseNancy ShackellJaime C. MontoyaJiahua PanIbrahima HathieSergey N. BobylevJohn Agard & Kaltham Al-Ghanim

Việc đào sâu vào lý do tại sao các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG) lại khó đạt được, và chỉ ra cho các nhà hoạch định chính sách những lộ trình để theo đuổi, sẽ giúp ích cho hành tinh và cứu sống nhiều sinh mạng.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm mục đích chấm dứt nghèo đói, cải thiện sức khỏe và giáo dục, đồng thời đảm bảo phương thức sống bền vững. Nguồn: Jose Luis Gonzalez/Reuters

Năm nay (2023) đánh dấu nửa chặng đường của các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (United Nations Sustainable Development Goals – SDG), đã được thống nhất vào năm 2015, sẽ đạt được vào năm 2030. Là một nhóm các nhà khoa học độc lập được Liên Hợp Quốc chỉ định để đánh giá tiến độ và đề xuất cách tiến tới, chúng tôi có một thông điệp mạnh mẽ: thế giới đang đi chệch hướng để đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số 17 SDG và không thể trông đợi vào thay đổi tự phát.

Với tốc độ tiến triển hiện tại, thế giới sẽ không xóa được đói nghèo, chấm dứt nạn đói hoặc cung cấp nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người vào năm 2030 – chỉ mới là một số khát vọng trung tâm của SDG. Thay vào đó, vào cuối thập kỷ này, thế giới của chúng ta sẽ có 575 triệu người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ, 600 triệu người phải đối mặt với nạn đói và 84 triệu trẻ em và thanh niên không được đến trường[1]. Nhân loại sẽ vượt qua mốc 'an toàn' 1,5 °C theo thỏa thuận khí hậu Paris về mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Và với tốc độ hiện tại, sẽ phải mất 300 năm mới đạt được bình đẳng giới[2].

Các nhà lãnh đạo toàn cầu phải hành động ngay để loại bỏ những rào cản và đẩy nhanh tiến độ. Đây là trọng tâm của Báo cáo Phát triển Bền vững Toàn cầu (Global Sustainable Development Report – GSDR) của chúng tôi, được công bố trong tuần này, trước Hội nghị Thượng đỉnh SDG ở Thành phố New York dưới sự bảo trợ của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đánh giá khoa học độc lập này được thực hiện bốn năm một lần, bao gồm các cuộc tham vấn toàn cầu để thu thập quan điểm giữa các khu vực và tổng hợp bằng chứng khoa học từ nhiều lĩnh vực. Nó đã được bình duyệt bởi 104 nhà nghiên cứu có chuyên môn trong các lĩnh vực từ thịnh vượng con người và kinh tế đến lương thực, năng lượng, đô thị và tài nguyên thiên nhiên.

Nguồn: Chú thích 3

Trong số 36 mục tiêu SDG được đánh giá trong GSDR để cung cấp bản tóm tắt về tiến độ[3], chỉ có hai mục tiêu đi đúng hướng tính đến năm 2023, đó là quyền truy cập vào mạng di động và sử dụng internet (xem 'SDGs Midway – Bản tóm tắt tiến độ'). Trong đó có 14 mục tiêu thể hiện tiến triển 'khá tốt', với các mục tiêu có thể đạt được nếu tăng cường nỗ lực. 12 mục tiêu cho thấy có sự tiến triển hạn chế hoặc không có tiến triển, bao gồm cả vấn đề nghèo đói, nước uống sạch và bảo tồn hệ sinh thái. Và 8 mục tiêu được đánh giá là vẫn đang xấu đi: giảm phát thải khí nhà kính, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và số lượng người bị tạm giữ chưa tuyên án; tăng cường tăng trưởng kinh tế, độ bao phủ vắc-xin, đánh bắt cá bền vững và an ninh lương thực; và ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài.

Vẫn có một số điểm sáng: nhận thức cộng đồng ngày càng tăng, một số cam kết của chính phủ và doanh nghiệp trong việc đạt được SDG và các cuộc thảo luận chính trị xung quanh chúng. Nhưng những điều này hầu như không có mấy tác động cụ thể. Cho đến nay, không có thay đổi sâu sắc nào về các thể chế và luật pháp[4], bối cảnh đầu tư và các nguồn lực cũng không thay đổi đáng kể. Ngay cả những tiến triển khiêm tốn như giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cải thiện các mục tiêu bình đẳng giới cũng bị chậm lại hoặc đảo ngược trong những năm gần đây.

Mặc dù các cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực như đại dịch COVID-19 và chiến tranh ở Ukraine cũng góp phần vào chuyện đấy, nhưng phân tích của chúng tôi cho thấy rằng việc thiếu tiến bộ phần lớn này là kết quả trực tiếp của việc các chính phủ không hành động. Nguồn lực tài chính không đủ và năng lực hành chính yếu kém đã cản trở tiến triển ở nhiều quốc gia. Những thói quen và lối sống đã thâm căn cố đế được thúc đẩy bởi các chiến dịch tiếp thị tinh vi khiến việc thay đổi những hành vi hướng tới ăn uống, di chuyển và các mô hình tiêu dùng bền vững trở nên khó khăn. Các khoản đầu tư hiện tại vào vốn, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đã tạo ra sự phản kháng từ những giới có thế lực và khiến hành động về khí hậu trở nên nhạy cảm về mặt chính trị.

Việc lùi thời hạn lại một hoặc hai thập kỷ sẽ chẳng ích gì – theo quỹ đạo hiện tại, các dự đoán bằng mô hình cho thấy rằng thế giới sẽ không đạt được bất kỳ SDG nào ngay cả vào năm 2050[5]. Phản ứng cần phải là cam kết mạnh hơn và tăng cường nỗ lực. Việc đạt được SDG không chỉ đòi hỏi những đổi mới thích hợp; mà cần những chuyển đổi toàn diện mang tính hệ thống trong các lĩnh vực từ cách quản lý nước đến cách trồng trọt lương thực. Điều quan trọng là các nhà khoa học phải hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và những người khác trong việc xem xét lại các thể chế, hệ thống và thực thi. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh có ba lĩnh vực ưu tiên: loại bỏ các rào cản tiến bộ; xác định con đường chuyển đổi; và cải thiện quản trị.

Xác định các phương pháp tiếp cận phù hợp để loại bỏ các rào cản tiến bộ chủ chốt

Để phá vỡ tình trạng bế tắc, các nhà khoa học cần tìm ra điều gì đang cản trở những thay đổi trên toàn hệ thống ở những địa điểm và lĩnh vực khác nhau, đồng thời xác định các cách nhanh chóng vượt qua những trở ngại này. Hầu hết các nghiên cứu về những động lực của các chuyển đổi cho đến nay đều tập trung vào một số lĩnh vực, chẳng hạn như năng lượng, và phần lớn là ở các quốc gia có thu nhập cao. Các bài học này rất khó chuyển giao cho các nước có thu nhập thấp và trung bình (low- and middle-income countries – LMIC) hoặc sang các mục tiêu khác, chẳng hạn như giáo dục, đói nghèo hoặc đa dạng sinh học.

Nhiều công cụ tạo điều kiện cho sự thay đổi đã được biết đến rộng rãi. Ví dụ, đầu tư của chính phủ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như các trợ cấp và khuyến khích những công nghệ và hoạt động bền vững, đã làm giảm đáng kể chi phí năng lượng tái tạo; ví dụ, giá pin mặt trời đã giảm 100 lần. Nhưng điều này mất đến bốn thập kỷ. Nếu thế giới muốn đẩy nhanh tiến độ, các chính phủ cần đóng vai trò tích cực hơn, bằng cách kích thích đổi mới, định hình thị trường và điều tiết hoạt động kinh doanh. Chính xác cần làm thế nào thì còn phụ thuộc vào các bối cảnh địa phương.

Giảm các mối nguy về môi trường, chẳng hạn như ô nhiễm không khí, cũng có lợi cho sức khỏe con người. Ảnh: Beawiharta/Reuters

Ví dụ, về mặt chính trị, việc chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 ở các nền kinh tế dựa trên dịch vụ, như Thụy Sĩ và Singapore, có thể khả thi hơn về mặt chính trị so với các nền kinh tế có nhiều tài sản dựa trên nhiên liệu hóa thạch như Úc và nhiều quốc gia Trung Đông. Chính phủ các nước LMIC có thể sẵn sàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch nếu nó mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn với nguồn năng lượng giá rẻ, nhưng có thể họ thiếu tài chính, cần có sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng hoặc các thể chế cần thiết để biến điều đó thành hiện thực.

Mỗi quốc gia và lĩnh vực sẽ cần một cách tiếp cận phù hợp để điều hướng những chuyển đổi lớn như vậy. Để giúp họ, các nhà nghiên cứu nên chứng minh đâu là những hướng đi tối ưu để tạo ra những thay đổi nhanh chóng và bền vững về công nghệ, chính sách và hành vi. Lý tưởng nhất là sự kết hợp các biện pháp can thiệp sẽ củng cố lẫn nhau để tạo ra sự thay đổi tích cực trên nhiều SDG.

Ví dụ, để chuyển xã hội hướng tới chế độ ăn uống lành mạnh cả cho hành tinh[6], một trong các cách tiếp cận có thể là các chính phủ đầu tư trước tiên vào R&D để phát triển các loại thực phẩm thay thế hiệu quả về mặt chi phí, sau đó sử dụng tiền công để mua chúng và triển khai các biện pháp thúc đẩy thị trường và các chiến dịch nâng cao nhận thức để khuyến khích sử dụng và tăng cường tính khả thi về mặt thương mại. Họ cũng nên dùng các biện pháp can thiệp vào thị trường như thuế và các quy định để nhanh chóng mở rộng quy mô áp dụng.

Nghiên cứu về điểm bùng phát tích cực cũng cần được khai thác và mở rộng. Ví dụ, việc làm cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió đạt được mức giá ngang bằng với năng lượng nhiên liệu hóa thạch đã làm thay đổi các khuyến khích đầu tư sang năng lượng ít carbon – vốn sẽ chiếm khoảng 90% đầu tư vào sản xuất điện vào năm 2023. Người ta biết ít hơn về các điểm bùng phát trong các lĩnh vực khác. Các yếu tố ngoài chi phí cần được hiểu rõ hơn – các giải pháp cần hấp dẫn hơn về tính năng, độ tin cậy, khả năng tiếp cận và thu hút về mặt văn hóa.

Ví dụ, các quốc gia như Na Uy đã thành công đẩy mạnh điểm bùng phát dựa trên ngang bằng về giá cho xe điện thông qua các khoản trợ cấp có mục tiêu, bao gồm miễn thuế và các chi phí khác[7]. Sự thành công của các biện pháp này còn phụ thuộc vào khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng thu phí để cải thiện độ tin cậy và khả năng tiếp cận. Thị phần xe điện chạy pin ở Na Uy đã tăng từ dưới 1% năm 2010 lên gần 80% vào năm ngoái.

Mười hai trong số 36 mục tiêu SDG có rất ít hoặc không có tiến bộ trong đánh giá gần đây, bao gồm cả mục tiêu cung cấp nước uống an toàn cho tất cả mọi người. Ảnh: Zuma/eyevine

Việc thay đổi sẽ gặp những trở ngại liên tục. Việc sử dụng xe điện có thể bị đình trệ nếu thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoặc ngừng hỗ trợ chính sách do phản ứng dữ dội từ các nhà sản xuất ô tô không thích thay đổi. Các chính sách nghiêm ngặt hơn như loại bỏ dần ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch hoặc các nhà máy điện đốt than có thể vấp phải sự phản đối từ các nhóm lợi ích đầy quyền lực. Các công nghệ và sách lược mới trong một lĩnh vực SDG có thể có mặt trái ở những lĩnh vực khác. Ví dụ, việc khai thác các khoáng chất thiết yếu để sản xuất pin gây tổn hại đến môi trường và sự suy giảm việc làm trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch có thể ảnh hưởng đến sinh kế ở một số cộng đồng.

Các nhà nghiên cứu cần nghiên cứu các cách tạo động lực cho các biện pháp can thiệp cứng rắn hơn, vượt qua sự phản kháng đối với sự thay đổi và quản lý các tác dụng phụ tiêu cực. Điều này sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn từ các nhà tài trợ, cơ quan nghiên cứu và nhà xuất bản để thúc đẩy và giới thiệu nghiên cứu về SDG, đặc biệt là nghiên cứu các mục tiêu còn chậm trễ, chẳng hạn như bình đẳng và môi trường, cũng như cách thúc đẩy tiến bộ trong các nước LMIC.

Tìm con đường khả thi và hiệu quả về mặt chi phí

Mặc dù quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm và năng lượng bền vững đã được đề cập rất nhiều trong nghiên cứu gần đây, nhưng vẫn còn rất ít thông tin về các lộ trình chính sách nhằm đạt được tất cả các SDG cùng một lúc. Các nhà hoạch định chính sách cần hướng dẫn thực tế về các biện pháp can thiệp hiệu quả về mặt chi phí cũng như quản trị sự đánh đổi.

Các mô hình đã cho thấy việc giải quyết đồng thời các SDG có thể có lợi ra sao, đặc biệt là về năng lượng, kinh tế, khí hậu và đất đai, những lĩnh vực với các mô hình phức hợp đã được phát triển tốt. Ví dụ, nhiều SDG có thể đạt được vào năm 2050 thông qua hành động giàu tham vọng hơn[5]. Điều này sẽ bao gồm một hỗn hợp các biện pháp can thiệp, chẳng hạn như giá carbon, phân phối lại doanh thu từ carbon để giảm nghèo, tăng nguồn cung cấp năng lượng sạch trong khi loại bỏ than, bắt buộc sử dụng xe điện, chuyển đổi sang chế độ ăn uống bền vững, bảo vệ các điểm nóng đa dạng sinh học, và cải thiện hiệu quả trong việc tưới tiêu và sử dụng phân bón.

Đối với các mục tiêu phát triển con người, việc tăng cường đầu tư vào các chính sách xã hội sẽ hữu ích[8]. Ví dụ, việc tăng gấp đôi ngân sách cho y tế công cộng, phúc lợi xã hội, giáo dục, R&D và cơ sở hạ tầng cùng với những cải thiện trong quản trị có sự tham gia [participatory governance] và kiểm soát tham nhũng, đến năm 2030, có thể giúp thêm 124 triệu người thoát nghèo và giảm bớt 113 triệu người bị suy dinh dưỡng.

Các nhà nghiên cứu cần kiểm tra các phản hồi, sự phối hợp và những đánh đổi để giúp đưa ra các chiến lược chặt chẽ nhằm tận dụng tốt nhất các nguồn lực sẵn có và quản lý các tác động ngoài ý muốn. Ví dụ, đầu tư vào y tế và giáo dục có thể cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân và thu nhập của chính phủ, nhưng cũng có thể làm tăng tiêu dùng và do đó làm tăng nhu cầu tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Các chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng thường tìm cách giảm lượng khí thải, đảm bảo an ninh năng lượng, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả cũng như tạo việc làm, nhưng chúng cũng cần phải giải quyết những rủi ro tiềm ẩn mới trong các chuỗi cung ứng và sử dụng đất.

Việc đẩy mạnh năng lượng sạch hỗ trợ nhiều mục tiêu SDG. Ảnh: Chandan Khanna/AFP qua Getty

Việc xác định những điểm tối ưu, nghĩa là đạt được lợi ích lớn nhất bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí nhất, sẽ giúp sử dụng các nguồn lực một cách thận trọng nhất có thể. Một nghiên cứu mô hình hóa ở Tanzania[9] cho thấy trợ cấp cho quang điện sẽ thúc đẩy tiến bộ về năng lượng sạch với mức giá phải chăng, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu khác – chẳng hạn như giáo dục nhờ cho phép sinh viên học lâu hơn, cho sức khỏe nhờ giảm ô nhiễm không khí từ nhiên liệu rắn và hành động về khí hậu nhờ giảm khí thải.

Các nhà hoạch định chính sách muốn có thông tin chi tiết trên toàn quốc về các hành động và chi phí. Ví dụ, mô hình hóa ở Australia[10] cho thấy có thể đạt được thành tựu nhanh chóng đối với 52 chỉ tiêu SDG bằng cách đi theo lộ trình kinh tế xanh. Điều này sẽ bao gồm đầu tư thêm 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm để cải thiện hiệu quả sử dụng nước và năng lượng, đồng thời hỗ trợ nông nghiệp bền vững và giao thông, năng lượng tái tạo và bảo vệ đa dạng sinh học. Lộ trình này có thể được tài trợ thông qua thuế tiêu dùng. Ngoài đầu tư xanh, việc chi thêm 2,5% GDP mỗi năm cho y tế, giáo dục, các nghiên cứu và trợ cấp xã hội, cùng với các chính sách giải quyết bất bình đẳng, sẽ thúc đẩy tiến độ trung bình về SDG lên 70% vào năm 2030. Thay vì chỉ đạt 42% nếu các chính phủ chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Tuy nhiên, có nhiều khó khăn khi chuyển các bài toán phân tích thành tư vấn chính sách vì các nghiên cứu không phải lúc nào cũng có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách và các phương pháp cũng như kết quả có thể vẫn ở cấp độ quá cao hoặc trừu tượng hoặc không liên kết với các thủ tục chính sách. Một cách để thu hẹp khoảng cách này là đưa các phân tích SDG vào các đánh giá hiện có về các cải cách chính sách lớn, luật mới hoặc các chương trình lớn hoặc đầu tư công. Ví dụ, các hướng dẫn được thông qua ở Đan Mạch yêu cầu các dự thảo luật mới của chính phủ phải được sàng lọc và đánh giá để ước tính những hậu quả của chúng đối với việc đạt được các mục tiêu SDG.

Chính phủ và doanh nghiệp nên xem xét lại cơ cấu và quy trình của mình (quy định, lập ngân sách, lập kế hoạch và kiểm toán) để xác định các lĩnh vực cần phân tích SDG. Các hệ thống quốc gia cũng cần được tăng cường, đặc biệt là ở các nước LMIC – ví dụ, bằng cách thành lập các văn phòng điều phối liên chính phủ và các đơn vị chuyên gia để tạo ra, tổng hợp và gói gọn các bằng chứng chuyên môn[11].

Tăng cường quản trị và trách nhiệm giải trình

Tiến trình SDG phụ thuộc vào tính hiệu quả của các quy trình quản trị, nhưng trên phạm vi rộng. Hơn nữa, SDG không có tính ràng buộc về mặt pháp lý và mọi quốc gia, khu vực cũng như các bên liên quan khác đều tham gia theo cách riêng của mình. Vô số quy trình đã xuất hiện, bao gồm Đánh giá quốc gia tự nguyện (Voluntary National Reviews – VNR) và Đánh giá địa phương tự nguyện, để theo dõi và báo cáo tiến độ thực hiện SDG. Những đánh giá này được chính quyền quốc gia hoặc địa phương thực hiện nhằm báo cáo tiến độ và chia sẻ kinh nghiệm, thành công và các bài học thu được trong việc thực hiện SDG.

VNR được trình bày hằng năm tại Diễn đàn Chính trị Cấp cao của Liên Hợp Quốc về Phát triển Bền vững tại Thành phố New York, nơi xem xét các cam kết SDG và cung cấp diễn đàn để các quốc gia chia sẻ những cách làm tốt nhất. Nhưng trách nhiệm giải trình từ các chính phủ vẫn yếu kém – sự ủng hộ chính trị thấy rõ với SDG thường không được chuyển thành các quy trình chính sách công mang tính chiến lược, đặc biệt là về ngân sách dài hạn và đầu tư. Ví dụ, đánh giá ngân sách quốc gia ở 74 quốc gia cho thấy chỉ có 13 quốc gia đã tích hợp SDG vào các hạng mục hoặc phân bổ ngân sách[12]. Hiệu quả của các quy trình, chính sách và chiến lược SDG cũng nhận được rất ít xác thực khoa học.

Tiến trình đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu thực tế đã đi thụt lùi. Ảnh: Caren Firouz/Reuters

Các nhà khoa học cần phát triển các tiêu chí để đánh giá tác động của các quy trình quản trị SDG khác nhau. Các chính sách, quy trình và chương trình cần chuyển từ 'thích ứng' – tương đương từ vẽ thêm các mục tiêu SDG cho các chiến lược hiện có – sang 'có tính chuyển đổi', tức các chuẩn mực và cấu trúc được thiết kế lại để phù hợp với những đầu ra SDG[13]. Có khả năng hành động mạnh mẽ hơn sẽ xảy ra nếu SDG được tích hợp hoàn toàn vào việc lên kế hoạch chiến lược, các quy trình lập pháp và lập ngân sách. Ví dụ, Mexico và Colombia đã liên kết ngân sách quốc gia của họ với SDG để cải thiện độ ăn khớp giữa chi tiêu với kết quả. Điều này tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu đánh giá xem liệu các phương pháp tiếp cận như vậy có mang lại những cải tiến rõ rệt hay không.

Các nhà nghiên cứu cũng nên cung cấp hướng dẫn để nâng cao trách nhiệm giải trình – ví dụ, bằng cách cung cấp những hiểu biết sâu sắc có tính hệ thống và theo thực nghiệm về việc thiết kế các cơ chế trách nhiệm giải trình quốc gia hiệu quả cho SDG. Tuy chúng phụ thuộc nhiều vào bối cảnh cụ thể nhưng các cuộc điều tra của quốc hội, các cơ quan kiểm toán hoặc các tổ chức nhân quyền có thể được dùng để đánh giá mức độ thỏa đáng của việc thực thi và đưa ra các khuyến nghị. Các quốc gia cũng có thể đưa các mục tiêu này vào quá trình làm luật hoặc thêm chúng vào nhiệm vụ của các tổ chức độc lập đang thực hiện báo cáo và sáng kiến sẵn có.

Ví dụ, các cơ quan kiểm toán tối cao quốc gia ở Hà Lan, Litva và Tanzania đã đánh giá và đưa ra khuyến nghị cho chính phủ của họ về khả năng sẵn sàng thực hiện SDG. Phần Lan sử dụng một số cơ chế nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình, bao gồm ủy ban phát triển nhiều bên về phát triển bền vững và hội đồng công dân hằng năm về phát triển bền vững, đồng thời cũng phát triển phương pháp áp dụng SDG cho tất cả các cuộc kiểm toán quốc gia có liên quan. Việc phổ biến cho đại chúng về các mục tiêu cũng có thể làm tăng sự quan tâm của chính phủ và trách nhiệm giải trình xã hội.

Nếu không hành động nhanh chóng, kế hoạch đầy tham vọng mà thế giới đã ký kết vào năm 2015 sẽ thất bại. Các nhà khoa học, các thể chế và nhà tài trợ phải làm phần việc của mình để cứu SDG – cũng như cứu lấy hành tinh và xã hội loài người.

Nature 621, 250-254 (2023)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-023-02808-x

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: What scientists need to do to accelerate progress on the SDGs, Nature, Sep 13, 2023.


Chú thích:

[1] United Nations. The Sustainable Development Goals Report 2023: Special Edition, Towards a Rescue Plan for People and Planet (United Nations, 2023). Google Scholar 

[2] UN Women. Progress on the Sustainable Development Goals: The Gender Snapshot 2022 (United Nations, 2022). Google Scholar 

[3] IGS. Global Sustainable Development Report (GSDR) 2023. (United Nations, 2023). Google Scholar

[4] Biermann, F. et al. Nature Sustain. 5, 795–800 (2022). Article Google Scholar

[5] Sörgel, B. et al. Nature Clim. Change 11, 656–664 (2021). Article Google Scholar 

[6] FOLU. Accelerating the 10 Critical Transitions (Food and Land Use Coalition and Global Systems Institute, 2021). Google Scholar

[7] SystemIQ. The Breakthrough Effect: How to trigger a cascade of tipping points to accelerate the net zero transition (SystemIQ, 2023). Google Scholar

[8] Hughes, B. B. et al. Pursuing the Sustainable Development Goals in a World Reshaped by COVID-19 (Pardee Center for International Futures and United Nations Development Programme, 2020). Google Scholar

[9] Collste, D., Pedercini, M. & Cornell, S. E. Sustain. Sci. 12, 921–931 (2017). Article PubMed Google Scholar

[10] Allen, C., Metternicht, G., Wiedmann, T. & Pedercini, M. Nature Sustain. 2, 1041–1050 (2019). Article Google Scholar

[11] Global Commission on Evidence to Address Societal Challenges. The Evidence Commission Report (McMaster Health Forum, 2022). Google Scholar

[12] Sachs, J. et al. Sustainable Development Report 2023: Implementing the SDG Stimulus (SDSN/Dublin University Press, 2023). Google Scholar

[13] Cuesta-Claros, A., Malekpour, S., Raven, R. & Kestin, T. Earth Syst. Govern. 17, 100186 (2023). Article Google Scholar

Print Friendly and PDF