15.9.23

Maroc: những trận động đất cũng làm thần linh run sợ

MAROC: NHỮNG TRẬN ĐỘNG ĐẤT CŨNG LÀM THẦN LINH RUN SỢ

THỜI LUẬN. Trận động đất rất mạnh xảy ra ở vùng Haut Atlas sẽ có những dư chấn đối với diễn biến của nền văn minh của chúng ta, giống như thảm họa động đất đã tàn phá Lisbonne năm 1755.

Tác giả: Arthur Chevallier[*]

con người bị choáng váng bởi sự bất lực của mình. Nhận thức này còn dữ dội hơn vào những thời kỳ thuận lợi cho khoa học và tiến bộ. Vững tin là đã hiểu, nghĩa là thống trị được, nhân loại vốn thảnh thơi huýt sáo, và không dự trù cơ hội tự vệ, bị chao đảo.

Động đất ở Maroc, mà hậu quả thảm khốc, to lớn, sẽ có những dư chấn không lường trước đối với diễn biến trí tuệ của nền văn minh của chúng ta, tốt đẹp hơn cũng như tồi tệ hơn; và sau đó cảm nhận của chúng ta về sự khác biệt đã thay đổi. Có thể sẽ cần viết ra một câu chuyện về tư tưởng bắt nguồn từ những tai biến tự nhiên.

Năm 1755, Thời đại Khai sáng rực rỡ bị một màn che mờ. Sáng ngày 1 tháng 11, một trận động đất có lẽ với cường độ 9 độ Richter, tàn phá Lisbonne, một thành phố giàu có, thịnh vượng, gây ra ba đợt sóng thần và một cơn bão lửa trong suốt 5 ngày. Có những vùng khác bị tai họa: miền nam Tây Ban Nha, bờ bên kia của Địa Trung Hải là Maroc, ở đó thảm họa đã làm 10.000 người chết. Tổng cộng, và cho dù những ước đoán có khác nhau, có lẽ là gần 100.000 người đã chết trong tai họa này.

Một cuộc điều tra những người sống sót

Bá tước de Pombal, mà ta có thể xem là thủ tướng của vương quốc Bồ Đào Nha, tổ chức việc cứu trợ và điều phối việc tái thiết một cách quyết liệt. Vượt qua thử thách này là không đủ. Pombal muốn hiểu rõ, đã ra lệnh tổ chức một cuộc điều tra những người sống sót và những nhân chứng, họ phải trả lời một loạt các câu hỏi, và những câu trả lời này tạo thành cơ sở cho một sự phục dựng tai họa, về mặt tinh thần và khoa học. Đó là một giai đoạn mang tính quyết định của địa chấn học với tư cách là một ngành học thuật.

Trái đất cũng đã làm các thần linh run sợ. Trận động đất đã làm gián đoạn sự phô trương một thế kỷ XVIII hân hoan, đang đuổi Thượng Đế đi, một cách diễn dịch dài dòng ý của Didier Le Fur. Trong khi thước đo của mọi thứ phải được xây dựng trên những kiến thức chặt chẽ nhất, rằng một niềm tin tỏa sáng chạm đến các ông vua chuyên chế và các nhà văn, vốn tin vững chắc rằng họ đang thực hiện một bước ngoặt có tính quyết định trong lịch sử các tiến bộ, thì một biểu hiện độc đoán ngu xuẩn nhất, tàn bạo nhất, bất công nhất tấn công vào một nền văn minh được xác tín là tinh hoa nhất.

Bị chấn động, Voltaire viết cho một người bạn của ông: “Đó, thưa ông, một hiện tượng vật lý rất tàn bạo. Ta sẽ rất bối rối để phỏng đoán các quy luật vận động nào tạo ra những tai họa khủng khiếp đến thế trong một thế giới tốt đẹp nhất trong mọi thế giới khả dĩ; đồng loại của chúng ta, cả trăm ngàn con người chăm chỉ, bỗng chốc bị nghiền nát trong môi trường sống đông đúc của chúng ta, và chắc hẳn là một nửa đã bỏ mạng trong những nỗi âu lo không diễn tả được, mà ta không thể kéo họ ra khỏi đống đổ nát. […]. Trò chơi của đời sống con người là một trò chơi thật buồn thảm của sự ngẫu nhiên!”

Ông không bỏ qua một cơ hội nói lời cay độc đối với giới tăng lữ: ”Những nhà thuyết giáo sẽ nói gì, nhất là khi lâu đài dị giáo vẫn còn đứng vững? Tôi lấy làm hài lòng rằng ít nhất các linh mục quan tòa dị giáo cũng bị đè nát như những người khác. Điều đó phải dạy cho con người không được hành hạ con người nữa […].”

Cái bóng của Thượng Đế

Voltaire (1694-1778)

Tác giả của Siècle de Louis XIV - Thế kỷ của Louis XIV - bị tác động lâu dài bởi tai họa động đất, đến mức ông dành cho nó một chương trong các chương của tác phẩm Candide - Chàng ngây thơ -. Rousseau không bao giờ ở xa. Trong một cuộc bút chiến, người cau có nổi tiếng nhất của thế kỷ XVIII (Rousseau - ND) trách cứ thuyết định mệnh của Voltaire, và ông không bao giờ dè sẻn một sự ngạo mạn đến mức bệnh hoạn, chỉ ra những trách nhiệm của con người đối với tai họa: người Bồ Đào Nha là thủ phạm vì đã chọn sai địa điểm các ngôi nhà, v.v.. Ông còn lao vào một lập luận lừa mị mà có vẻ như thật để cuối cùng ông nhắc lại rằng trong số các nạn nhân có lẽ đã có những người không đáng tin cậy lắm. Phải là say sưa với sự độc ác mới có những ý tưởng như vậy.

Như người ta thường nói, kỷ nguyên Ánh sáng không phải là một thời kỳ đã rủ bỏ những điều mê tín; người ta tin vào sự tiến bộ nhưng cũng tin vào số mệnh, tin vào Thượng Đế, tóm lại là tin vào số phận mà các cá nhân chỉ có một ảnh hưởng tương đối. Cái bóng của Thượng Đế đã từng bao trùm. Tác động của trận động đất ở Lisbonne không liên quan đến một hiện tượng có lẽ là bất hợp lý trong một thời đại lý tính, mà đơn giản hơn đó là một tai họa lớn trong một thế kỷ được mang sứ mệnh hoàn thành hạnh phúc.

Arthur Chevallier (1990-)

Nỗi buồn đã không được xóa tan, nhưng một niềm tin được chia sẻ, một sự thoải mái lan tỏa, một năng lượng chung tỏa lên châu Âu. Đó là một sự nhắc nhớ lại thực tại và là một trở lực tàn nhẫn đối với chủ nghĩa lạc quan. Trong bài thơ Poème sur le désastre de Lisbonne – Bài thơ về tai họa của Lisbonne- (Paris, 1756) của mình, Voltaire thừa nhận điều này khi viết: Quel crime, quelle faute ont commis ces enfants/Sur le sein maternel écrasés et sanglants?/Lisbonne, qui n'est plus, eut-elle plus de vices/Que Londres, que Paris, plongées dans les délices?/Lisbonne est abîmée, et l'on danse à Paris.”- Tạm dịch: “Những đứa trẻ này đã phạm tội lỗi gì mà bị đè nát và đẫm máu trên vú mẹ?/ Lisbonne, nay không còn nữa, đã có những tật xấu gì nhiều hơn Luân Đôn, Paris đang đắm chìm trong những lạc thú?/ Lisbonne bị tàn phá, và ta nhảy múa ở Paris.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Maroc: les séismes font aussi trembler les esprits”, Le Point, 12.9.2023




Chú thích:

[*] Arthur Chevallier, sinh năm 1990, là sử gia và phụ trách xuất bản của nhà xuất bản Passés composés. Ông là ủy viên của cuộc triển lãm “Napoléon” (2021), do Bảo tàng Grand Palais và Công viên khoa học La Villette tổ chức. Ông đã viết nhiều sách nói về di sản chính trị và văn hóa của Napoléon Bonaparte và của Premier Empire (Đệ nhất Đế chế Pháp): Napoléon raconté par ceux qui l'ont connu (Grasset, 2014 ) - Napoléon qua lời kể của những người đã biết ông ta, Napoléon sans Bonaparte (Cerf, 2018) - Napoléon không có Bonaparte -, Napoléon et le bonapartisme (Que sais-je?, 2021) - Napoléon và chủ nghĩa bonaparte, Le Cahier rouge des femmes de Napoléon (Grasset, 2022) - Sách đỏ về những người phụ nữ của Napoléon -.

Print Friendly and PDF