28.9.23

Làm thế nào để đối phó với các tạp chí khoa học săn mồi?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI CÁC TẠP CHÍ KHOA HỌC SĂN MỒI?

Tác giả: François Massol

Giám đốc nghiên cứu sinh thái học, Đại học Lille

Hệ thống công bố khoa học đang bị áp lực: truy cập các công bố phải là tự do và miễn phí, nhưng công bố lại có một chi phí. Về mặt lịch sử, các độc giả chịu chi phí này. Từ nay về sau, chi phí thường do tác giả chịu, tạo điều kiện cho độc giả được truy cập miễn phí, ví dụ năm 2019, tất cả mọi người đều được đọc miễn phí 31% trong tổng số các bài báo khoa học được công bố. Chi phí, thường được thanh toán với công quỹ, có thể lên đến trên 10.000 euro cho mỗi bài báo. Thị trường béo bở này,với tỷ suất lợi nhuận có thể lên đến 40%, đã khiến một số nhà khoa học không còn chấp nhận cho các nhà xuất bản lợi dụng một công việc trí tuệ mà họ không tài trợ và không trả thù lao.

Đồng thời, hệ thống đánh giá theo quy ước của các nhà khoa học, chủ yếu được xây dựng dựa trên các công bố nói chung và trên các tạp chí có chỉ số trích dẫn cao nói riêng, (IF - impact factor -, tương ứng với số trung bình mỗi năm các trích dẫn các bài báo của một tạp chí được công bố hai năm trước đó), bị đặt lại vấn đề từ khi có Tuyên bố đánh giá nghiên cứu San Francisco (DORA - The Declaration on Research Assessment -). DORA là một tuyên bố tập thể quốc tế, khởi thủy được xây dựng trong một buổi họp thường niên của Hội sinh học tế bào Mỹ (The American Society for Cell Biology) năm 2012, và dần dần được phê duyệt bởi các đại học và cơ quan nghiên cứu, ví dụ như CNRS (Centre national de la recherche scientifique - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp -) và CEA (Commissariat à l’énergie atomique et aux énergies alternatives - Ủy ban Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế Pháp -) ở Pháp.

Xung đột của hai sự thay đổi này dẫn đến những câu hỏi mới

·         Những biến đổi này có tác động gì đối với chất lượng của khoa học?

·         Ta có thể thuyết phục việc dùng công quỹ cho các công bố học thuật không?

Sự xuất hiện các tạp chí săn mồi

Sự chuyển tiếp hiện nay từ hệ thống người đọc-trả tiền qua hệ thống tác giả- trả tiền được đi kèm theo sự xuất hiện những nhà xuất bản khoa học được cho là “săn mồi”. Phát triển các phương pháp tiến hành thương mại mạnh bạo, nhất là thông qua nhiều số đặc biệt, mục tiêu chính của họ là “làm ra lợi nhuận” bằng cách áp đặt các phí xuất bản cao quá mức (article-processing charges hay APC – phí xử lý bài báo -), chứ không phải để phát huy một nền khoa học có chất lượng tốt.

Thật vậy, quy trình đánh giá các bài báo nơi đây thường là xoàng (thời hạn đánh giá ngắn, người đánh giá ít năng lực), có khi là không có, dẫn đến một sự ô nhiễm nặng nề nội dung đánh giá bởi những kết quả kiểm chứng tồi, thậm chí không được kiểm chứng. Năm 2015, đã có đến một phần năm các sản phẩm khoa học toàn cầu được xuất bản bởi các nhà xuất bản săn mồi.

Một hiệu ứng phụ là niềm tin của các nhà khoa học vào các quy trình đánh giá của những người bình duyệt bị xói mòn, mặc dù quy trình đó là vững vàng và đã qua thử thách từ hơn một thế kỷ nay.

Gốc rễ của vấn đề là một vòng lẩn quẩn: các nhà nghiên cứu lao vào một cuộc đua tranh điên cuồng để công bố, và bản thân những người đánh giá sẵn có, không được thù lao cho công việc đánh giá này và chính họ cũng phải công bố, họ trở thành một nguồn lực hạn chế.

Khi các tạp chí định kỳ truyền thống cố gắng rất vất vả để thu hút được những người đánh giá có năng lực và sẵn thì giờ, thì các báo săn mồi chấp nhận những người đánh giá ít năng lực, và để đổi lấy sự hạ giá phí xử lý bài báo trong tương lai, họ viết những báo cáo ngắn xác nhận việc chấp nhận bài báo một cách nhanh nhất. Cắt nguồn cung cấp những người đánh giá và từ chối nộp các công trình cho các các tạp chí săn mồi, hoặc là do quyết định cá nhân, hoặc là quyết định tập thể, sẽ giúp chống lại được sự xuất hiện và sự phát triển các nhà xuất bản săn mồi này.

Nhưng đã có ý chí đi theo hướng này chưa? Thừa nhận những sai trái của hệ thống săn mồi này tất nhiên là chậm, đặc biệt là khi ta đã đóng góp một phần lớn vào đó.

Thật khó để xác định tính chất săn mồi của một nhà xuất bản và do đó một số tạp chí sẽ chọn chỗ đứng trong một vùng xám, cận kề ranh giới của sự săn mồi. Hơn nữa, nếu mục tiêu của các tạp chí săn mồi trên hết là lợi nhuận, thì biểu giá phí xử lý bài báo không phải là một điều kiện đủ để đánh giá một tạp chí là săn mồi – các phí xử lý bài báo gắn với các hội trí thức uyên bác không vì lợi nhuận (société savante à but non lucratif) có khi cao, nhưng họ dùng tất cả hay một phần của phí này để phát triển sứ mệnh của họ mà lợi ích xã hội đã được xác nhận.

Ngăn chặn xuất bản săn mồi cũng phải qua một sự đánh giá khác hoạt động của các nhà khoa học, bằng cách rời khỏi cách đánh giá quá định lượng hiện nay, vì nó chủ yếu dựa trên số lượng bài báo và chỉ số trích dẫn các tạp chí (một thước đo dựa trên độc giả chứ không phải dựa trên chất lượng của bài báo).

Một lời kêu gọi tập thể cho những cách thực hành tốt hơn

DORA và lời kêu gọi Paris về đánh giá nghiên cứu đang theo hướng này khi đề nghị chấm dứt sử dụng chỉ số trích dẫn IF, cũng như số lượng các công bố như là những thước đo chính yếu của đánh giá. Do đó, các cơ quan của Pháp, trong đó có CNRS, INRAE (Institut national de recherche pour l’agriculture, l’alimentation et l’environnement), ANR (Agence nationale de la recherche) và Hcéres (Haut Conseil de l’évaluation de la recherche et de l’enseignement supérieur), yêu cầu không phải danh sách đầy đủ các sản phẩm, mà là một danh sách tuyển chọn mà người được đánh giá mong muốn nêu ra, với lời giải thích chi tiết các ưu điểm, ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của tuyển chọn này trong dự án của mình. Sự thay đổi cách đánh giá này, đơn giản để thực hiện, giúp hạn chế một cuộc chạy đua để có những công bố hời hợt và tốn kém. Những sáng kiến cải cách hệ thống đánh giá học thuật nở rộ tại các nước khác, ví dụ như ở Hà LanCanada, hay còn là ở quy mô châu Âu với liên minh CoARA (Coalition for Advancing Research Assessment).

Tất nhiên, ít có khả năng các nhà nghiên cứu đồng thời là người đánh giá các hồ sơ hay dự án của đồng nghiệp lại loại bỏ các chỉ báo như IF hay các chỉ báo khác, nhất là khi việc đánh giá vốn tốn rất nhiều thời gian nếu đánh giá nghiêm túc, lại rất ít có giá trị đến thế với tư cách là một hoạt động trong việc đánh giá các nhà nghiên cứu. Nhưng điều đáng làm là kết hợp đánh giá số lượng và chất lượng với các tiêu chí khác như giá của phí xử lý bài báo, các lợi nhuận và việc sử dụng chúng, tính bền vững về kỹ thuật số, tính minh bạch của các đánh giá hay tính tái lập các kết quả nghiên cứu đã được công bố.

Các ủy ban đánh giá các nhà nghiên cứu, ví dụ ở cấp quốc gia là Hội đồng quốc gia các đại học và Ủy ban quốc gia nghiên cứu khoa học, phải tiếp nhận các tiêu chí mới này, làm rõ và công khai chúng. Họ cũng nên có quyết định về các nhà xuất bản săn mồi hay săn mồi một phần, hay như cách của hội nghị các Khoa trưởng khoa Y, về các nhà xuất bản không săn mồi.

Các định chế trên phải tiếp nhận một cách nhanh chóng nhất vấn đề khớp nối giữa các mô hình công bố và đánh giá các nhà nghiên cứu, để khỏi bị qua mặt bởi các nhà xuất bản vì có thể chính các nhà xuất bản đề nghị cả những công cụ đánh giá hay làm thay đổi luật chơi.

Trong bối cảnh khan hiếm người đánh giá hiện nay, các tạp chí có chỉ số trích dẫn cao và đắt tiền dựa vào uy tín để được xem là người đánh giá. Một đòn bẩy cho phép tấn công vào tình trạng này sẽ là sự bảo đảm rằng những “hàng chữ của lý lịch” liên quan đến việc đánh giá các bản thảo không nên được đánh giá cao bởi các ủy ban đánh giá hoạt động của các nhà nghiên cứu dựa vào uy tín của tạp chí đắt tiền. Bằng cách đó, một cách tiên nghiệm, một nhà khoa học sẽ quan tâm hơn đến đánh giá cho mọi tạp chí mà họ cho là có chất lượng, chứ không phải ưu tiên cho những tạp chí dẫn đầu về chỉ số trích dẫn.

Như vậy, ta sẽ làm cạn kiệt nguồn cung cấp số người đánh giá cho các tạp chí này; lúc đó những người đánh giá này sẽ sẵn sàng tham gia các tạp chí cũng nghiêm túc nhưng ít tốn kém hơn. Hơn nữa, một quy trình đánh giá minh bạch (nghĩa là công khai) sẽ giúp nâng cao giá trị của các đánh giá, và giúp cho các ủy ban đánh giá về chất lượng sự tham gia của các nhà khoa học vào quy trình này.

Chống lại việc tiền tệ hóa công bố khoa học, cần phải tách yêu cầu cấp thiết được truy cập tự do khỏi hệ thống các công bố được truy cập tự do với phí xử lý bài báo bắt buộc: các nhà khoa học phải làm cho các công bố của mình được truy cập tự do, nhưng không phải trả tiền cho việc ấy. Việc sử dụng các nền tảng văn bản không qua đánh giá để giúp cho các công trình truy cập được có thể là một lựa chọn. Điều này có thể tạo điều kiện gài bẫy những nhà xuất bản săn mồi bằng trò lập luận gây ấn tượng mạnh của chính họ (“làm cho một công bố được truy cập không hạn chế”). Vây việc còn lại là nghĩ ra những mô hình thay thế, như Peer Community In (một tổ chức phi lợi nhuận của các nhà nghiên cứu cung cấp miễn phí việc bình duyệt, khuyến nghị và công bố các bài báo khoa học cho truy cập mở – ND), đề nghị một hệ thống đánh giá minh bạch, nghiêm ngặt và miễn phí từ những bài báo được đưa lên các máy chủ được truy cập tự do.

Những hành động của chúng ta, thông qua việc chọn lựa một sự hỗ trợ công bố hay mô hình đánh giá của chúng ta, nằm trong một bối cảnh chính trị quốc gia và châu Âu đôi lúc lại là mâu thuẫn: một số cơ sở gợi ý cho các nhà nghiên cứu nên tránh các phí xử lý bài báo đồng thời khuyên nên cho truy cập tự do đối với các công bố được xuất ra từ các đơn vị nghiên cứu của họ. Những sáng kiến khác, như việc sáng tạo Open Research Europe của Liên minh châu Âu, ngầm tiết lộ tầm quan trọng của các vận động hành lang bởi vì các dự án châu Âu có thể từ việc này công bố truy cập tự do cho tất cả các kết quả của họ trên các tạp chí cụ thể (ad hoc) và được Liên minh châu Âu tài trợ. Truyền lệnh cho một “nền khoa học mở” phải là nên khuyến khích sử dụng các nền tảng văn bản không qua đánh giá. Mệnh lệnh này không nên là một lý lẽ để biện minh cho việc công bố trên các tạp chí có phí xử lý bài báo, thường là săn mồi. Nói cách khác: chúng ta không hy sinh chất lượng cho sự tôn thờ truy cập tự do, và các nền tảng văn bản kỹ thuật số không qua đánh giá đang có sẵn cho việc này.

Tới phiên chúng ta, những nhà nghiên cứu, lật lại nhận định của Yves Gingras để chứng minh rằng chúng ta có khả năng có những hành động tập thể. Với một vài quy tắc về sư phạm và một hệ thống nâng cao giá trị nhiều mặt của chất lượng của các tạp chí khoa học, chúng ta có thể ngăn chặn hiện tượng các nhà xuất bản săn mồi.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: “Comment faire face aux revues scientifiques prédatrices?”, The Conversation, 14.9.2023.


Các tác giả liên kết với bài báo này: Loïc Bollache (Université de Bourgogne), Denis Bourguet (INRAE), Antoine Branca (Université Paris-Saclay), Christopher Carcaillet (EPHE-PSL), Julie Crabot (Université Clermont-Auvergne), El Aziz Djoudi (Brandenburgische Technische Universität), Elisabeth Gross (Université de Lorraine), Philippe Jarne (CNRS & Université de Montpellier), Béatrice Lauga (Université de Pau et des Pays de l’Adour), Joël Meunier (CNRS & Université de Tours), Jérôme Moreau (Université de Bourgogne), Mathieu Sicard (Université de Montpellier), Julien Varaldi (Université Claude Bernard-Lyon 1)

Print Friendly and PDF