13.9.23

Từ Oppenheimer đến Milton Friedman: Trận chiến giữa các tư tưởng kinh tế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã định hình thế giới chúng ta như thế nào

TỪ OPPENHEIMER ĐẾN MILTON FRIEDMAN: TRẬN CHIẾN GIỮA CÁC TƯ TƯỞNG KINH TẾ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH LẠNH ĐÃ ĐỊNH HÌNH THẾ GIỚI CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO

Phải chăng Oppenheimer là một bộ phim dành cho thời đại chúng ta, nhắc nhở chúng ta về tình trạng căng thẳng, nguy hiểm và xung đột của Chiến tranh Lạnh cũ, trong khi một Chiến tranh Lạnh mới có nguy cơ bùng phát?

Bộ phim chắc chắn phù hợp với các cuộc xung đột quyền lực lớn ngày nay (giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc), mối lo ngại mới về vũ khí hạt nhân (sự đe dọa của Nga đối với Ukraine), và tình trạng căng thẳng ý thức hệ hiện nay giữa các hệ thống dân chủ và chuyên quyền.

Nhưng Chiến tranh Lạnh không chỉ dừng lại ở mối đe dọa từ bom. Đằng sau các nhà khoa học và các tướng lĩnh còn có nhiều tác nhân khác, trong số đó có các nhà kinh tế, những người cũng va chạm nhau gay gắt về các quan điểm điều hành nền kinh tế thời hậu chiến.

J. Robert Oppenheimer (1904-1967)

Nếu không có các hệ thống phân bổ của họ, các cơ chế tài trợ, sự tiến bộ công nghệ, sự sắp xếp tổ chức kinh tế và các chính sách tài khóa, thì không có cường quốc lớn nào lẫn các nước nhỏ nào có thể trang trải các chi phí quốc phòng hoặc vận hành nền kinh tế của mình.

Một trong những đồng nghiệp của J. Robert Oppenheimer, nhà toán học thiên tài người Hungary John von Neumann, không chỉ nghiên cứu về quả bom [nguyên tử thả xuống] Nagasaki ở Los Alamos, mà còn hướng tâm trí ông đến kinh tế học. Ông đã phát triển lý thuyết trò chơi dành cho các nhà kinh tế vốn đã được tổ chức RAND Corporation sử dụng để thử nghiệm các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu trước các cuộc tấn công trả đũa giai đoạn hai.

Von Neumann cũng đã phát triển kiến trúc máy tính dựa trên máy EDVAC cho phép mô phỏng các “trò chơi” kinh tế và hạt nhân này. Ông tiếp tục xây dựng mô hình kinh tế mở rộng nổi tiếng, chỉ ra cho thấy khả năng tăng trưởng động thông qua đầu tư.

Nhà toán học người Mỹ gốc Hungary John von Neumann làm chứng trước Ủy ban Năng lượng Nguyên tử của Quốc hội Hoa Kỳ, 1955. Getty Images

Gián điệp và hệ tư tưởng

Hoa Kỳ có một lợi thế tài chính rất lớn trong trò chơi này, nhưng lại không có cái gì theo cách riêng của mình. Đối thủ của Von Neumann là một thần đồng người Nga tên là Leonid Kantorovich. Người này đã sống sót sau cuộc vây hãm Leningrad và đã phát minh ra phương pháp quy hoạch tuyến tính để giúp các nhà máy Liên Xô chế tạo các máy bay chiến đấu hiệu quả hơn.

Leonid Kantorovich (1912-1986)
Klaus Fuchs (1911-1988)

Khi Kantorovich đề xuất mở rộng các kỹ thuật [quy hoạch tuyến tính] này cho toàn bộ nền kinh tế kế hoạch hóa của Liên Xô, ông đã bị các nhà tư tưởng Mác-xít phản đối, do đã sử dụng giá cả như một chỉ báo sự khan hiếm. Kantorovich đã thoát khỏi cảnh bị giam giữ và hành quyết, không giống như một số đồng nghiệp khác của ông. Nhưng ông bị chỉ định nghiên cứu dự án ENORMOZ, cuộc đua tuyệt vọng của Liên Xô nhằm chế tạo bom nguyên tử riêng của họ.

Trong bối cảnh này, Kantorovich đã có được những thông tin bị rò rỉ bởi điệp viên Liên Xô Klaus Fuchs từ phòng thí nghiệm của von Neumann ở Los Alamos. Hoạt động gián điệp như thế là đặc hữu của thời đó.

Thứ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Harry Dexter White, kiến trúc sư chính của thoả thuận Bretton Woods năm 1944 (sáng lập ra IMF và Ngân hàng Thế giới), đã cung cấp các bí mật của Hoa Kỳ cho Liên Xô. Có hơn 20 đồng nghiệp của White về Chính sách New Deal [Kinh tế Mới] trong chính quyền Mỹ thuộc các nhóm gián điệp Liên Xô.

Friedrich Hayek (1899-1992)

Trong kinh tế học cũng như trong quân sự, có những khác biệt rõ ràng về ý thức hệ: một số người như nhà kinh tế người Áo Friedrich Hayek, xem sự phân bổ của thị trường và các tín hiệu giá cả là cách duy nhất để phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả trong nền kinh tế hiện đại; còn một số người khác, như nhà kinh tế Marxist người Ba Lan Oskar Lange, thì lập luận rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kế hoạch hóa cũng có thể hoạt động hiệu quả – ít nhất là về mặt lý thuyết – bằng cách sử dụng các dữ liệu thường xuyên về tình trạng thiếu hụt và dư thừa.

Liên Xô đã sử dụng khá tốt hệ thống thứ hai để đáp ứng các nhu cầu quân sự trong Thế chiến thứ hai. Nhưng họ đã thất bại khi đối mặt với những yêu cầu dân sự phức tạp hơn sau này trong Chiến tranh Lạnh.

Paul Samuelson với cuốn sách giáo khoa kinh tế bán chạy nhất của ông, sau khi có công bố ông là người giành được giải thưởng Nobel kinh tế năm 1970. Getty Images

Chiến tranh học thuật

Những lập luận như trên đã được đưa ra ở vành đai Washington và ở Điện Kremlin. Nhưng có một số lập luận gay gắt nhất lại diễn ra trong hội trường thiêng liêng của giới học thuật.

Joan Robinson (1903-1983)
John M. Keynes (1883-1946)

Ví dụ, Joan Robinson, nhà kinh tế tài năng nhưng thất thường thuộc tầng lớp thượng của Cambridge, đã cố gắng viết lại kinh tế học Marxian nhưng cuối cùng lại cho ra một cái gì đó gần với học thuyết Keynes độngmột diễn giải về cách thức Lý thuyết tổng quát về việc làm, tiền tệ và tiền lãi (1935) của John Maynard Keynes có thể được mở rộng để dẫn đến tăng trưởng kinh tế.

Và trong 30 năm tiếp theo, bà đã tranh luận điều này với Paul Samuelson thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, người cũng đến từ một thị trấn thép khắc nghiệt, về việc liệu sự tái đầu tư lợi nhuận hay sự thặng dư giá trị lao động có là chìa khóa cho sự tăng trưởng năng động hay không.

Alan Bollard, Các nhà kinh tế trong thời Chiến tranh Lạnh, Một số ít nhà kinh tế đã chiến đấu trong cuộc chiến về tư tưởng như thế nào, Nhà xuất bản Đại học Oxford

Robinson, Samuelson và các nhà kinh tế khác được mô tả trong cuốn sách mới của tôi: Các nhà kinh tế trong thời Chiến tranh Lạnh: Một số ít nhà kinh tế đã chiến đấu trong cuộc chiến về tư tưởng như thế nào. Qua nhãn quan của họ, chúng ta thấy được cuộc chiến giữa các hệ tư tưởng kinh tế, các mục tiêu xã hội cạnh tranh, cuộc chiến về cơ chế phân bổ và nhiều quan điểm khác về những gì thúc đẩy nền kinh tế.

Ludwig Erhard (1897-1977)
Oskar Lange (1904-1965)

Đây là kinh tế học nhị phân, mặc dù đã có một số nỗ lực theo con đường trung dung, chẳng hạn như “nền kinh tế xã hội thị trường” đã được Bộ trưởng kinh tế Đức và nhà kỹ trị hút xì gà Ludwig Erhard xúc tiến vào cuối những năm 1940.

Sau nhiều thập kỷ bất đồng, chiến trường kinh tế có vẻ như đã được xác lập. Các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đang tụt hậu, nhưng đến năm 1970 sức mạnh tính toán mới (một phần công trình của von Neumann và Kantorovich) có vẻ như đã mang đến nhiều cơ hội mới.

Bị cuốn hút bởi khả năng tính toán của máy tính giúp định hướng một nền kinh tế, Oskar Lange đã viết ngay trước khi qua đời:

Thế vấn đề là gì? Thử đưa các phương trình đồng thời vào một máy tính điện tử và chúng ta sẽ có được lời giải trong vòng chưa đầy một giây.

Milton Friedman, người được trao giải thưởng Nobel và là cố vấn cho nhà độc tài Chile Augusto Pinochet. Getty Images

Máy tính và các cuộc đảo chính

Salvador Allende (1908-1973)
Stafford Beer (1926-2002)

Vòng đấu tiếp theo của trận chiến này sẽ diễn ra không phải ở châu Âu mà ở Chile, nơi vị tổng thống theo phe xã hội chủ nghĩa Salvador Allende đã thuê Stafford Beer, một cố vấn người Anh về quản trị, để thiết kế một công cụ mới cho chính sách kế hoạch hóa tập trung.

Ở Santiago, Allende đã xây dựng một trung tâm điều khiển trông giống như một trung tâm trong tương lai: một loạt những ghế bành với các máy điều khiển, các màn hình xếp thành vòng tròn và một hệ thống phần mềm tên là Cybersyn. Allende đã quốc hữu hóa 500 doanh nghiệp và đã kết nối chúng với trung tâm điều khiển bằng máy fax (điều trớ trêu là sử dụng mạng có dây của công ty ITT chịu ảnh hưởng của CIA).

Mỗi ngày, người điều khiển sẽ gửi fax đơn đặt hàng đến các nhà máy và nhận về thông tin về tình trạng thiếu hụt và dư thừa. Liệu hệ thống phân bổ dựa trên máy tính có thể cung cấp một giải pháp thay thế khả thi cho thị trường hay không?

Augusto Pinochet (1915-2006)

Chúng ta sẽ không bao giờ biết, bởi vì vào ngày 11 tháng 9 năm 1973, Tướng Augusto Pinochet đã thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, đánh bom dinh tổng thống, ám sát Allende và cử một đội lính trang bị súng có cắm lưỡi lê đến đâm thủng các màn hình trong phòng điều khiển, một cách có nghi thức.

Pinochet đã thành lập nội các riêng của ông, với đông đảo thành phần là các thành viên “Los Chicago Boys”, những sinh viên kinh tế được đào tạo tại Đại học Chicago về các chương trình của Quỹ đầu tư Ford và Rockefeller.

Một trong số các nhà kinh tế đó, Milton Friedman, sau này đã đến thăm Chile để tư vấn cho nhà độc tài Pinochet về kinh tế. Khi bị chỉ trích, Friedman đã trả lời:

Tôi không coi việc một nhà kinh tế đưa ra lời khuyên chuyên môn về kinh tế cho chính phủ Chile là điều xấu xa, cũng như tôi không coi việc một bác sĩ đưa ra lời khuyên chuyên môn về y tế cho chính phủ Chile để giúp đỡ trong một bệnh dịch y tế là điều xấu xa.

Alan Bollard (1951-)

Nhưng đó không phải là điều gây ra sự bất đồng duy nhất. Năm 1954, Oppenheimer thuộc cánh tả đã bị triệu tập ra trước Ủy ban Năng lượng Nguyên tử trong một phiên điều trần bí mật để làm chứng với cáo buộc có cảm tình với cộng sản. Von Neumann, thuộc cánh hữu, là người đầu tiên tổ chức một nhóm nhân chứng để bào chữa, mặc dù hoàn toàn không đồng tình với quan điểm chính trị của Oppenheimer.

Bất chấp mọi sự căng thẳng địa chính trị, ít nhất các nhà kinh tế ngày nay có thể tranh luận trong một môi trường ít thù địch hơn nhiều.

Tác giả

Alan Bollard

Giáo sư về Kinh tế, Te Herenga Waka - Đại học Victoria của Wellington

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: From Oppenheimer to Milton Friedman: how the Cold War battle of economic ideas shaped our world, The Conversation, ngày 09/08/2023.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF