14.9.23

Hai thế kỷ của Trò Chơi địa chính trị Lớn đối với các cường quốc

HAI THẾ KỶ CỦA TRÒ CHƠI ĐỊA CHÍNH TRỊ LỚN ĐỐI VỚI CÁC CƯỜNG QUỐC

Taline Ter Minassian[*]

Một trung đoàn bộ binh Anh bị quân Afghanistan tấn công dưới chân núi.

“The Last Stand/Sự chống cự cuối cùng” của William Barnes Wollen (1898), mô tả Trung đoàn bộ binh số 44 của Anh bị người Afghanistan tấn công trong trận Gandamak, Afghanistan, năm 1842. Getty - DeAgostini, CC BY

--------------------------------------------------------------

Vào thế kỷ XIX, thuật ngữ “Trò Chơi Lớn” được Rudyard Kipling phổ biến rộng rãi chỉ sự cạnh tranh thuộc địa và ngoại giao đã khiến nước Anh thời đại Victoria đối đầu với nước Nga thời các Nga Hoàng ở vùng Caucase và ở vùng Trung Á – với Afghanistan, “nghĩa địa của các đế chế” ở trung tâm của bàn cờ. Khái niệm này ngày nay vẫn thường được sử dụng để mô tả các hoạt động phức tạp mà các cường quốc – hiện nay là nước Nga theo kiểu Putin, Trung Quốc hay thậm chí là Hoa Kỳ – đang tiến hành cũng trong khu vực này.

Taline Ter Minassian (1963-)

Trong tác phẩm mới của mình, “Sur l’Échiquier du Grand Jeu/Trên bàn cờ của Trò Chơi Lớn”, do Éditions Nouveau Monde xuất bản vào ngày 6 tháng 9 mà chúng tôi xin đăng dưới đây một đoạn trích, Taline Ter Minassian, giáo sư lịch sử Nga và vùng Caucase tại Viện quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO), vạch lại hai trăm năm của trò chơi địa chính trị này với những quy luật và giới hạn không ngừng biến động.

---------------------------------------------------------------------

“Khi mọi người đều chết, Trò Chơi Lớn kết thúc. Không phải trước đó. Hãy nghe tôi nói đến cuối…” Độc giả của Kim, tiểu thuyết của Kipling, sẽ hiểu rằng câu chuyện về Trò Chơi Lớn, bị điều khiển bởi một định mệnh địa chính trị không thể lay chuyển, sẽ không có hồi kết. Cũng giống như Chiến tranh Lạnh, Trò Chơi Lớn được nuôi dưỡng bởi những không gian đối đầu thực sự, nhưng cũng bởi những tham chiếu mang tính biểu tượng mang theo huyền thoại và huyền thuyết.

Trò Chơi Lớn, được khởi xướng vào đầu thế kỷ 19 bởi vấn đề to lớn là sự bảo vệ Ấn Độ thuộc Anh “càng xa càng tốt và với ít phương tiện nhất có thể”, đã được sửa đổi liên tục kể từ đó, di chuyển không gian của những căng thẳng trên một bàn cờ ngày càng rộng với những người tham gia trò chơi ngày càng đông. Hai thế kỷ của những cuộc hành trình dũng cảm, của những âm mưu đen tối được ấp ủ ở khu chợ Tabriz hay ở Bukhara, những cuộc phục kích và những chiến tích to lớn trên những vùng đá lổn nhổn ở Waziristan đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng trong năm cuộc chiến tranh liên tiếp ở Afghanistan, mà Anh, Liên Xô và Hoa Kỳ đành phải là phe thua cuộc.

Chèn

LegendesCartographie

Làm chủ thảo nguyên vào thế kỷ 18, người Nga lao vào cuộc chinh phục vùng Trung Á vào giữa thế kỷ XIX. Vì vậy, họ đối đầu với người Anh dọc theo một vòng cung từ vùng Caucase đến Tân Cương. “Trò Chơi Lớn” này của hai chủ nghĩa đế quốc sẽ là nguồn gốc gây căng thẳng.

Để thoát khỏi cơn chóng mặt mà việc đếm số người chết gây nên, chúng ta bị cám dỗ đi tìm nơi trú ẩn trong thời gian ngây thơ cũng là thời gian của sự vô tri. Chúng ta nghĩ đến William Moorcroft và mười nghìn trang tài liệu lưu trữ của ông đang ngủ yên trong kho sách của Cục Ấn Độ, phủ đầy những dòng chữ gây sốt bị xáo trộn bởi nhịp điệu lắc lư của con vật mà ông cưỡi, con yak hoặc con lạc đà. Chi tiết cảm động này chứa đựng tất cả sức mạnh gợi nhớ của Trò Chơi Lớn. Năm 1974, tại một ngôi làng nằm sâu trong vùng Hindu Kush, Garry Alder gặp một ông già đẹp trai với những nét cổ điển mà người cha nhớ là đã nghe nói rằng có một bác sĩ người Anh đi ngang đây đã phục hồi thị lực cho nhiều người mù. Ở những thung lũng xa xôi này, nơi ông đã thực hiện ca phẫu thuật đục thủy tinh thể, dân làng vẫn nhớ và Moorcroft thật sự đã trở thành một vị thần.

Lịch sử của Trò Chơi Lớn mới kể từ những năm 1990 có thể là chủ đề của cả một cuốn sách. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, thuật ngữ này đã lan rộng đến mức trở nên tầm thường, trong vô số tài liệu tham khảo, bài báo và đánh giá chuyên gia khác nhau về những căng thẳng và các vấn đề chính trị và kinh tế của vùng Trung Á và Nam Caucase. Một lần nữa, ý niệm này khơi dậy sự dè dặt nhất định trong cộng đồng học thuật Anglo-Saxon, những căng thẳng địa chính trị hiện nay được đánh giá trong những năm 2000 là có bản chất rất khác, đặc biệt là ở cấp độ kinh tế, so với những căng thẳng địa chính trị thời Trò Chơi Lớn cổ điển.

Một lập luận khác được đưa ra là sự thiếu vắng rõ ràng của một ý đồ của Phương Tây được phô trương trước sự không ngừng tái xuất của một số đặc tính của truyền thống của chủ nghĩa đế quốc của Nga hoặc Trung Quốc. Do đó có sự hoài nghi.

Recep Tayyip Erdoğan (1954-)
Richard Moore (1963-)

Trò Chơi Lớn mới có thực sự tồn tại không? Chỉ là một công thức hấp dẫn, một nhãn hiệu được dành cho các tít lớn, Trò Chơi Lớn mới không phải là một khái niệm “cứng” được xây dựng một cách nghiêm ngặt. Theo những người phê phán nó, nó chỉ là sự so sánh sai lầm của Trò Chơi Lớn cổ điển (mà sự tồn tại được thừa nhận thông qua nhận định này) và là sản phẩm của sự diễn giải quá lãng mạn về một thời đại đã qua. Tuy nhiên, Trò Chơi Lớn, cũ cũng như mới, về cơ bản là một phép ẩn dụ mang tính ngôn hành cho những căng thẳng địa chính trị và không phải là một khung để giải thích quan hệ quốc tế theo nghĩa hẹp.

Nó thường liên quan, như chúng ta đã thấy, đến khả năng chủ động của các tác nhân biệt lập dám dấn thân vào trung tâm của bàn cờ. “Nước Anh bắt đầu lại Trò Chơi Lớn”, tạp chí chiến lược Nga năm 2020 giật tít về việc bổ nhiệm người lãnh đạo mới của MI6 (Cục tình báo Anh – ND), Richard Moore. Gợi ý vai trò mà Vương quốc Anh có thể đã đóng với Thổ Nhĩ Kỳ khi Chiến tranh Karabakh lần thứ hai bùng nổ (27 tháng 9 - 10 tháng 11 năm 2020), bài viết tập trung vào hồ sơ của nhà ngoại giao này có trình độ đại học đến từ Oxford, thông thạo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và được biết đến là thân cận với Recep Tayyip Erdoğan.

“Cảm tưởng ngày càng tăng là “người đàn bà Anh (ám chỉ đế quốc Anh – ND)” đã tung ra một Trò Chơi Lớn mới sẽ không chỉ giới hạn ở vùng Caucase […]. Địa lý của các vấn đề được thảo luận trong chuyến thăm Ankara của Moore phản ánh một cách khá có ý nghĩa các kế hoạch hoành tráng của liên minh Anh-Thổ Nhĩ Kỳ. Và chúng tôi còn chưa đề cập đến Ukraine mà tổng thống, sau khi gặp cũng ông Moore này, đã đi thăm Erdoğan và viếng thăm vùng Trung Á.”

Từ những vụ đầu độc đến sự mất tích bí ẩn của các nhà tài phiệt hoặc các điệp viên nằm vùng, đến các hoạt động chiến tranh mạng và nhiều vụ hack khác nhau, chưa kể đến những giám định công khai của các cơ quan mật vụ Anh về những thất bại của quân đội Nga ở Ukraine, có rất nhiều ví dụ của cuộc chiến giữa các cơ quan mật vụ Anh-Nga trong hai thập kỷ vừa qua ở châu Âu cũng như trên địa bàn của Trò Chơi Lớn. Trên thực địa, những căng thẳng địa chính trị tái diễn cho đến khi đạt đến đỉnh điểm vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, ngày tung ra “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Nếu những xích mích thể hiện trên bàn cờ cổ điển, những căng thẳng địa chính trị tràn ra khỏi địa bàn cổ điển rất nhiều, trên một vòng cung đối đầu chạy từ Ukraine đến vùng Caucase, từ nay đối lập Nga với “phương Tây tập thể”.

Kể từ năm 2008, Nga đã tiến hành hoặc can thiệp vào một số cuộc chiến: Georgia (7-16 tháng 8 năm 2008), Syria (30 tháng 9 năm 2015), ký kết lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh (10 tháng 11 năm 2020) kết thúc bằng việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình và kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, cuộc can thiệp quân sự quy mô lớn được thực hiện đồng thời trên sáu mặt trận ở Ukraine.

Thật là rõ ràng: kể từ năm 2008, “vòng cung khủng hoảng”, một ý niệm kế thừa từ Rimland[**] nổi tiếng của các nhà lý thuyết địa chính trị, đã bị biến đổi, sau sự gia tăng căng thẳng không thể cưỡng lại, thành “vòng cung đối đầu” trực tiếp với NATO và phe Phương Tây. Nếu chúng ta thừa nhận sự tồn tại của một Trò Chơi Lớn mới, phạm vi địa lý của nó đã mở rộng đáng kể, từ vùng Trung Á, tức là từ “dãy Balkans của vùng Âu Á” theo công thức nổi tiếng của Zbigniew Brzezinski, đến bờ Biển Đen của Ukraine. Nhưng có một điều bất biến phải được thừa nhận: sự sụp đổ của Liên Xô đã để lại một khoảng trống ở khu vực lân cận Liên bang Nga, nơi các trò chơi quyền lực chính trị, kinh tế, quyền lực cứng và quyền lực mềm đã tràn vào.

Giống như vào đầu thế kỷ 19, Trung Á, vào đầu thế kỷ 21, đã trở thành “vùng trũng mềm” của Nga. Hiện thực hay ẩn dụ, Trò Chơi Lớn mới đang được triển khai ở vô số địa bàn. Chúng ta có thể kể lại một cách lộn xộn cuộc chiến tranh các ống dẫn của một “Lãnh thổ các ống dẫn/Pipelinistan” kéo dài từ Trung Á đến vùng Caucase đến vùng Baltic. Theo Washington Post, cuộc điều tra vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord-Stream 1 và 2 ngày 26/9/2022 không đưa ra kết luận thuyết phục nào về trách nhiệm của Nga. Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov không ngần ngại đổ lỗi cho cơ quan mật vụ Anh, khi tuyên bố rằng “cơ quan tình báo của chúng tôi có bằng chứng cho thấy cuộc tấn công được chỉ đạo và phối hợp bởi các chuyên gia quân đội Anh”.

Từ những “con đường tơ lụa mới” trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) đến dự án hành lang kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan (CPEC), từ Gwadar đến Kashgar xuyên qua dãy núi Himalaya, Trung Quốc đã trở thành cường quốc đang trỗi dậy trên bàn cờ của Trò Chơi Lớn mới, gây nên, về phía Nga, cuộc “xoay trục về phía Đông” nổi tiếng. Thật vậy, việc Nga chuyển hướng sang châu Á là một chính sách đa dạng hóa kinh tế và ngoại giao hướng tới Trung Quốc. Được Moscow chủ trương từ lâu, sự chuyển hướng này sẽ cho phép Nga hưởng lợi từ sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc trong khi vẫn cắt đứt quan hệ với châu Âu, trong bối cảnh bị trừng phạt sau cuộc chiến do Nga tiến hành ở Ukraine.

Được lưu giữ ở Texas, kho lưu trữ của George Crile cho thấy trước khi ông qua đời, ông đang thực hiện một dự án sách mới, phần tiếp theo của Kẻ thù của kẻ thù của tôi (hay Cuộc chiến của Charlie Wilson/My Enemy’s Enemy (ou Charlie Wilson’s War). Các vụ đánh bom của Mỹ ở Afghanistan và Soudan, Taliban ở Pakistan và Afghanistan, Bin Laden, Charlie Wilson, Gust Avrakotos, Milt Bearden... tiêu đề của các hồ sơ của dự án sách khơi gợi rất nhiều đến dự án mà George Crile sắp thực hiện.

Ông viết trong những phần ghi chú chuẩn bị cho cuốn sách của mình: “Giống như trong cuốn Cuộc chiến của Charlie Wilson, chúng ta sẽ tìm thấy những sự kiện không được ghi lại trước đây, tiết lộ những địa điểm kỳ lạ và khó có thể hình dung cũng như một lịch sử bí mật đã dẫn đến những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay. […] Nó sẽ cho phép người đọc nắm bắt được những bí ẩn thật đáng ngại xung quanh cuộc đối đầu nguy hiểm hơn bao giờ hết của nước Mỹ với Hồi giáo”. Những năm sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 thực sự đã mang lại một cảnh tượng làm vỡ mộng về hậu quả của liên minh thảm hại giữa CIA và cuộc thánh chiến (djihad) ở Afghanistan.

Cuộc săn lùng và sau đó là cuộc tấn công bằng trực thăng vào khu nhà kiên cố của Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan vào ngày 2 tháng 5 năm 2011, được Barack Obama và các cố vấn trực tiếp theo dõi từ Nhà Trắng, là một thành công ngoạn mục không có ngày mai. Thành phố Abbottabad nơi bin Laden ẩn náu nằm trên một trong những “con đường tơ lụa mới”.

Hiện nay, Abbottabad được nối liền với Đường cao tốc Hazara do Trung Quốc xây dựng, có sáu làn xe uốn lượn giữa những ngọn núi ở phía bắc Islamabad. Dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) được giới thiệu ở Pakistan như là “điều sẽ thay đổi cuộc chơi” trong Trò Chơi Lớn mới. Những hình ảnh về sự thất thủ đã được báo trước của Kabul và cuộc rút lui hỗn loạn của người Mỹ ngày 30 tháng 8 năm 2021, đã được truyền đi khắp thế giới. Và thế giới cũng đã lấy làm tiếc về sự bỏ rơi Afghanistan đã rơi lại vào tay Taliban. Kể từ đó, Kabul, bị các đại sứ quán phương Tây bỏ hoang, đã được tiếp quản bởi “nền ngoại giao thầm lặng” và đặc biệt thiết thực của Điện Kremlin. Một ván bài mới của Trò Chơi Lớn mới đã thật sự bắt đầu.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Deux siècles du Grand Jeu géopolitique pour les grandes puisances, The Conversation, 5.9.2023.




Chú thích:

[*] Nhà sử học, Giáo sư đại học, Giám đốc của Viện Quan sát các quốc gia hậu xô viết, Viện quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO)

[**] Lý thuyết Rimland (Rim chỉ các vùng bờ trong tiếng Anh), do Nicholas John Spykman, giáo sư về quan hệ quốc tế đại học Yale sáng tạo, là một khái niệm chiến lược chỉ các vùng bờ biển của vùng Âu Á, đặc biệt là các vùng ở phía Tây, phía Nam và phía Đông rất đông dân của lục địa. Theo Spykman, sự kiểm soát không gian này có một tầm quan trọng thiết yếu trong sự kiểm soát thế giới về mặt địa chính tri. Spykman hiểu khái niệm địa chính trị như là sự kế hoạch hóa chính sách an ninh và chiến lược của một nước tùy vào những yếu tố địa lý của mình (ND).

Print Friendly and PDF