ĐIỀU CÁNH HỮU ĐÃ HIỂU SAI VỀ ADAM SMITH
John Kay, 1790. Wikiwand |
Chúng ta nên rút ra điều gì từ Adam Smith? Có lẽ bạn nghĩ rằng ta đã làm rõ vấn đề
này xong, vì ông ấy chỉ viết hai cuốn sách và đã 300 năm kể từ ngày ông ra đời. Nhưng
không hề. Ai cũng muốn kéo nhà triết học và kinh tế học người Scotland về
phe mình. Ngoài Chúa Giê-su, khó mà nghĩ ra còn ai có thể thu hút những
cách giải thích hoàn toàn khác biệt như vậy.
Một phần là vì chúng ta thực sự biết rất ít về
người đàn ông này. Smith giám sát việc đốt tất cả các bài viết chưa công bố
của mình khi ông nằm trên giường bệnh – một thông lệ vào thời điểm đó, nhưng để
giải quyết các cuộc tranh luận bất tận thì không hữu ích mấy.
Những gì chúng ta biết là Adam Smith ra đời ở
thị trấn Kirkcaldy trên bờ biển phía Đông Scotland. Cha ông là một thẩm
phán đã qua đời ngay trước khi ông được sinh ra. Smith dường như là một đứa
trẻ rất uyên bác, hiếm khi người ta thấy ông không cầm sách trên tay.
Một trải nghiệm thuở thiếu thời liên quan đến khu chợ ở thị trấn dường như đã ảnh hưởng đến ông. Một số chủ đất được miễn thuế cầu đường và phí gian hàng ở chợ do Kirkcaldy là một thị trấn hoàng gia. Điều này tạo cho họ lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ, và chàng trai trẻ Smith thì không đồng tình với chuyện này.
Sinh ra và lớn lên ở Kirkcaldy. Ảnh: Mark Sunderland |
Ông rời mẹ năm 14 tuổi để theo học triết học đạo đức tại Đại học
Glasgow, trước khi hoàn thành nghiên cứu sau đại học về siêu hình học tại
Balliol College Oxford. Sau đó, ông dành cả đời để nghiên cứu, giảng dạy
và viết về các lĩnh vực triết học, thần học, thiên văn học, đạo đức học, luật học
và kinh tế chính trị. Phần lớn sự nghiệp của Adam Smith là dành cho công
việc học thuật ở Edinburgh và Glasgow, mặc dù ông cũng có thời gian làm gia sư
riêng ở Pháp và London.
Của cải của các dân tộc
Hai cuốn sách mà Smith đã xuất bản khi còn sống là Lý thuyết về những
tình cảm đạo đức (1759) [The Theory of Moral Sentiments] và cuốn sách được biết
đến rộng rãi hơn của ông, Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của
cải của các dân tộc (1776) [An Enquiry into the Nature and Causes of the Wealth
of Nations]. Cuốn thứ hai, một văn bản dài 700 trang dài dòng và rối rắm
được xuất bản trong hai tập, đã được thực hiện trong 17 năm.
Toàn bộ hai tập sách. |
Hệ tư tưởng kinh tế thống trị thời bấy giờ được gọi là chủ nghĩa trọng thương. Nó xem giá trị kinh tế đơn giản là lượng vàng mà một quốc gia sở hữu để mua hàng hóa mà quốc gia đó cần. Chủ nghĩa trọng thương ít quan tâm đến việc hàng hóa được sản xuất như thế nào – dù là đầu vào vật chất hay động lực của con người.
Nhưng đối với Smith, động lực là trung tâm của hành vi kinh tế. Ông
xem nó như một chất bôi trơn đa năng mang lại lợi ích chung cho tất cả:
Không phải vì lòng nhân từ của người bán thịt, người nấu bia hay người
làm bánh mà chúng ta có được bữa tối, mà đó là vì họ quan tâm đến lợi ích của
chính họ.
Những quan sát của Smith về cách tổ chức phân công lao động để tăng
năng suất vẫn là một trong những đóng góp lâu dài nhất của ông cho kinh tế học. Cải
thiện năng suất vẫn được coi là chén thánh giúp các quốc gia trở nên giàu có
hơn. Chẳng hạn, Larry Fink, người đứng đầu công ty đầu tư khổng lồ
BlackRock, vừa mới lập luận rằng trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện năng suất.
Vấn đề gây tranh luận
Theo giám đốc của Viện Adam Smith, Của cải của các dân tộc là một
văn bản chiết trung – thậm chí là một văn bản “không thể hiểu thấu đáo được”.
Smith lập luận rằng chế độ nô lệ và chế độ phong kiến là xấu còn tăng trưởng kinh tế và giúp người dân thoát
nghèo là tốt.
Ông nghĩ lương cao và lợi nhuận thấp là tốt. Ông cũng cảnh báo trước
những thứ như chủ nghĩa thân hữu [cronyism], tham nhũng chính trị do các công
ty gây ra, chủ nghĩa đế quốc, bất bình đẳng và bóc lột người lao động. Khi
quan sát Công ty Đông Ấn Anh, vốn là một Amazon thời bấy giờ và sau đó là một số
công ty khác, Smith thậm chí còn cảnh báo về việc các công ty bành trướng quá lớn
đến nỗi chúng không thể thất bại.
Những người thuộc cánh hữu trong cuộc tranh luận thường trích dẫn cụm từ
“bàn tay vô hình” của Smith từ quyển Của cải của
các dân tộc để ủng hộ thế giới quan của họ. Được mượn từ vở kịch Macbeth của
Shakespeare, cụm từ này thực sự chỉ xuất hiện một lần trong toàn bộ văn bản. Đó
là phép ẩn dụ về cách một thị trường “tự do” mang người mua và người bán lại với
nhau một cách kỳ diệu mà không cần sự tham gia của chính phủ.
Trong thời gian gần đây, “bàn tay vô hình” có ý nghĩa hơi khác một
chút. Những người ủng hộ thị trường tự do của Trường phái Chicago như Milton Friedman và George Stigler xem nó
như một phép ẩn dụ về giá cả, điều mà họ coi là tín hiệu cho những gì nhà sản
xuất muốn sản xuất và người mua muốn mua. Bất kỳ sự can thiệp nào từ chính
phủ về mặt kiểm soát giá hoặc các quy định sẽ làm biến dạng cơ chế này và do đó
nên tránh (sự can thiệp).
Milton Friedman đã sửa lại tư duy của Smith cho hợp với chủ nghĩa tân tự do. Roger Tillberg/Alamy |
Ronald Reagan và Margaret Thatcher là môn đệ của
lối tư duy này. Trong một bài phát biểu năm 1988 nhằm khuyến khích người
dân của mình hãy biết ơn vì sự thịnh vượng mà thương mại tự do mang lại, Tổng
thống Reagan lập luận rằng
Của cải của các quốc gia “lúc nào cũng phơi bày sự điên rồ của chủ nghĩa bảo hộ”.
Tuy nhiên, những người ở cánh tả cũng tìm thấy ở
Smith nhiều điều phù hợp với mình. Họ thường trích dẫn mối quan tâm của
ông đối với người nghèo trong tác phẩm Lý thuyết về những tình cảm đạo đức:
Mặc dù khuynh hướng ngưỡng mộ và gần như tôn thờ
những người giàu có và nắm quyền lực, và coi thường, hoặc, ít nhất, bỏ mặc những
người có hoàn cảnh nghèo khó và bần cùng, là cần thiết để thiết lập và duy trì
sự phân biệt giữa các tầng lớp và trật tự xã hội, nhưng đồng thời, cũng là
nguyên nhân lớn nhất và phổ biến nhất dẫn đến sự băng hoại về những tình cảm đạo
đức của chúng ta.
Năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã trích dẫn
Smith trong một bài phát biểu để ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu của Hoa Kỳ:
Những người tạo ra thực phẩm, quần áo và chỗ ở
cho toàn thể nhân dân nên nhận được một phần trong sản phẩm lao động của chính
họ để tự lo liệu được chuyện ăn, mặc và ở của bản thân.
Các chính phủ và sự lạm dụng
Vậy làm sao để vẹn cả đôi đường? Sự thật
là bài viết của Smith có đủ các ý tưởng và sự không nhất quán để cho phép tất cả
các bên thiên vị những nguồn tham khảo theo yêu cầu. Nhưng một lập luận mà
tôi thấy thuyết phục, đã được nhà kinh tế học Mariana Mazzucato đưa
ra,
đó là nhiều người trong số những người ủng hộ những chính sách tự do kinh doanh
[laissez-faire] đã hiểu sai khái niệm của
Smith về thị trường tự do.
Điều này liên quan đến một sự thật là Smith viết ở thời điểm Công ty
Đông Ấn Anh chịu trách nhiệm cho một con số đáng kinh ngạc – 50% thương mại thế
giới. Công ty này hoạt động theo một đặc quyền hoàng gia công nhận độc quyền
thương mại của Anh ở toàn bộ khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Nó thậm
chí còn có quân đội riêng.
Hoàng đế Mughal Shah Alam chuyển giao quyền thu thuế đối với Bengal, Bihar và Orissa cho Công ty Đông Ấn Anh, Benjamin West 1765. Wikimedia, CC BY |
Smith đang trình bày một tầm nhìn thay thế cho nền kinh tế Vương quốc
Anh, trong đó các công ty độc quyền do nhà nước cấp phép như vậy được thay bằng
các công ty cạnh tranh với nhau trong một thị trường “tự
do”. Sự đổi mới và cạnh tranh sẽ tạo ra việc làm, giữ giá cả ở mức thấp và
giúp giảm mức độ nghèo đói khủng khiếp ở thành thị vào thời điểm đó. Đây
là chủ nghĩa tư bản. Và cuối cùng, Smith đã được chứng minh là đúng.
Tuy nhiên, Mazzucato lập luận rằng khi Smith nói về thị trường tự do,
ông không có ý là tự do nằm ngoài sự can thiệp của nhà nước, mà đúng hơn là tự
do khỏi tô [rent] và không bị khai thác từ hệ thống. Trong thế giới ngày
nay, ví dụ tương đương về kiểu khai thác phong kiến như vậy được cho là giống
cách các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Amazon, Apple và Meta đang thúc đẩy
các quốc gia cạnh tranh với nhau để giảm thiểu các quy định và nghĩa vụ thuế của
họ.
Điều này nghe có vẻ không giống với loại thị trường “tự do” mà Smith đã
hình dung. Chẳng hạn, ông ấy có thể sẽ cổ vũ cho vụ kiện chống độc quyền của EU nhằm vào Google. Những người tin rằng Smith
không thấy nhà nước có vai trò gì trong việc quản lý nền kinh tế nên tự ngẫm lại
về việc ông đã trải qua những năm cuối đời như thế nào – làm người thu thuế.
Tác giả:
Conor O'Kane |
Giảng viên cao cấp về Kinh tế, Đại học Bournemouth
Tuyên bố công khai
Conor O'Kane không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.
Huỳnh
Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: What the right gets wrong about Adam
Smith, The Conversation, Jun
15, 2023.
-----
Bài có liên quan:
- Adam
Smith như thể bạn chưa bao giờ đọc ông
- Kỷ
niệm 300 năm ngày sinh của Adam Smith
- Adam Smith, người cha của chủ nghĩa tư bản tự do