17.9.23

Uông Huy (Wang Hui) và cánh tả mới

UÔNG HUY (WANG HUI) VÀ CÁNH TẢ MỚI

Những học thuyết ở Trung Quốc thời Tập Cận Bình/Hồi 17

Lãnh đạo Cánh Tả Mới của Trung Quốc và của tạp chí học thuật có ảnh hưởng nhất của đất nước, Wang Hui/Uông Huy là một tiếng nói nổi bật trong các diễn ngôn học thuật, văn hóa và chính trị ở Trung Quốc. Từng là một phái tư tưởng thể hiện sự chỉ trích đối với các cải cách kinh tế của Đảng, Cánh Tả Mới đã phần lớn từ bỏ quan điểm phê phán đối với Nhà nước để trở thành một ống loa khuếch đại cho tư tưởng của chế độ hiện tại. Để phản ánh sự thay đổi mô hình này, trong văn bản dưới đây Uông đề xuất một cách viết lại sự trỗi dậy của Trung Quốc - gần với đường lối của Đảng hơn nhiều.

DAVID OWNBY[*]

IMAGE © ZHANG KECHUN, “THE YELLOW RIVER”

David Ownby: Ngay cả khi ông từ chối danh hiệu này, Wang Hui/Uông Huy (, sinh năm 1959) vẫn được coi là nhà lãnh đạo Cánh Tả Mới của Trung Quốc. Là giáo sư ngôn ngữ và văn học Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, ông đã nghiên cứu về Lỗ Tấn 鲁迅 (1881-1936), nhà văn hiện đại nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Nhưng Uông cũng đã xuất bản về nhiều chủ đề, bao gồm lịch sử, triết học, địa chính trị và kinh tế, cũng như văn học, giống như các học giả hậu hiện đại dấn thân ở phương Tây. Lĩnh vực của ông, theo nghĩa rộng nhất, là “diễn ngôn”. Đã có bản dịch tiếng Anh một số tác phẩm chính của ông[1], nhưng vẫn còn nhiều tác phẩm cần được dịch, trong đó đặc biệt có tác phẩm bốn tập có ảnh hưởng nhiều của ông: Sự trỗi dậy của tư tưởng Trung Quốc hiện đại/The Rise of Modern Chinese Thought[2] (现代中国思想的兴起).

Uông Huy (1959-)

Cánh Tả Mới ra đời vào những năm 1990 như một hình thức chống lại chủ nghĩa tân tự do. Phần lớn sự phản kháng này hoàn toàn mang tính chất trí tuệ, được thúc đẩy bởi sự kiêu ngạo được nhận thức trong các tác phẩm như Sự kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng/The End of History and the Last Man của Francis Fukuyama, vốn cho rằng “chiến thắng” của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh có nghĩa là chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do đã chiến thắng, rằng không còn có lựa chọn nào khác cho nhân loại. Sự sỉ nhục càng trở nên thực tế hơn bởi các cuộc cải cách thị trường đang diễn ra của Trung Quốc trong những năm 1990, những cuộc cải cách đe dọa gạt bỏ di sản xã hội chủ nghĩa của đất nước để theo đuổi sự phát triển điên cuồng bằng mọi giá. Đối với nhiều người, “chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc” trông giống chủ nghĩa tư bản một cách kỳ lạ, vốn dường như gây nguy hiểm cho cả đảng, bị tha hóa bởi những cơ hội mới để kiếm tiền nhanh chóng, lẫn cho người dân, những người thường bị bỏ rơi bên lề đường.

Cánh Tả Mới là “mới” ở chỗ nó khác với “cánh tả” cũ hơn, bảo thủ hơn, chưa bao giờ thực sự tán thành chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình hay sự mở cửa ra phương Tây. Cánh Tả Mới - một biệt danh do các đối thủ theo chủ nghĩa tự do của họ chọn nhằm cố gắng làm mất uy tín của họ - ngược lại là hiện đại, thậm chí là hậu hiện đại và được quốc tế hóa. Hầu như tất cả các thành viên nổi bật của nhóm đã lợi dụng sự dấn thân của Trung Quốc vào thế giới để sang nghiên cứu ở phương Tây - thường là ở Hoa Kỳ - và họ đã bị thu hút bởi nhiều trào lưu lý thuyết phê bình phổ biến trong giới học thuật cánh tả của thời kỳ ấy: chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu thực dân, chủ nghĩa hậu cấu trúc — thường được rút gọn thành “chủ nghĩa hậu” ở Trung Quốc. Họ đã nhanh chóng chiếm lấy từ vựng này và áp dụng nó vào tình hình của Trung Quốc.

Antonio Gramsci (1891-1937)
James Meade (1907-1995)

Ba đặc điểm cơ bản đã xác định Cánh Tả Mới của Trung Quốc trong những năm 1990 và hầu hết những năm 2000. Trước hết, các đại diện của nó chống lại chủ nghĩa tân tự do, cả trong diễn ngôn bá quyền về “sự kết thúc của lịch sử” và trong thách thức mà nó tiêu biểu đối với di sản của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc ở cấp cơ sở. Thứ hai, các nhà tư tưởng Cánh Tả Mới đã rất sáng tạo trong việc tìm kiếm những khả năng mới trong các chuẩn mực xã hội chủ nghĩa, ở Trung Quốc và những nơi khác. Tất nhiên, nếu họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, thì họ cũng đã đọc lại Marx, Proudhon, John Stuart Mill, James Meade, Antonio Gramsci, Roberto Unger… và Mao Trạch Đông, trong nỗ lực gợi ý rằng các thế giới quan khác với chủ nghĩa tân tự do không chỉ đáng mong muốn mà còn có thể có. Các thử nghiệm quy mô lớn được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Bạc Hy Lai (薄熙来, b.1949) ở Trùng Khánh, vốn tuyên bố kết hợp sự phát triển nhanh chóng với việc phục vụ “người dân” - tức là những người kém may mắn hơn - vừa truyền cảm hứng cho vừa được truyền cảm hứng từ Cánh Tả Mới. Thôi Chi Nguyên (崔之元, sinh năm 1963), một thành viên nổi bật khác của Cánh Tả Mới, đã nghỉ việc với tư cách là nhà khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa để làm việc trong chính quyền Trùng Khánh. Cuối cùng, Cánh Tả Mới trong thời kỳ này thường thực sự chỉ trích kết quả của chính sách cải cách và mở cửa, tố cáo sự tham nhũng của cái mà họ coi là chủ nghĩa tư bản thân hữu và nhấn mạnh đến sự xói mòn không ngừng của các biện pháp bảo vệ người nghèo.

Chính vào thời điểm này, từ một giáo sư, Uông Huy đã nổi tiếng trở thành một trí thức của công chúng. Từ năm 1996 đến năm 2007, ông là biên tập viên của tạp chí văn học quan trọng nhất của Trung Quốc, Độc Thư (读书). Ông đã xuất bản về nhiều chủ đề đáng kinh ngạc, bao gồm cả văn học - với các bài báo về Lỗ Tấn[3] và Mao Thuẫn[4] - lịch sử - với các bài viết về Lương Khải Siêu[5] và Phong Trào 4-Tháng 5[6] - bản chất của Tính hiện đại của Trung Quốc - và tính hiện đại nói chung[7] - và bản sắc của châu Á[8], cũng như các vấn đề liên quan đến chương trình cải cách của Trung Quốc đương đại[9].

Tuy nhiên, danh tiếng của Uông không được nhất trí thừa nhận. Tất nhiên ông đã gây thù chuộc oán, và giọng điệu chỉ trích của ông trở nên sắc bén hơn sau những cuộc tranh luận gay gắt với những người theo chủ nghĩa tự do trong những năm 1990 và 2000. Ông bị buộc tội tự trao giải thưởng Độc Thư Trường Giang về Văn học năm 2000, vì ông là tổng biên tập của tạp chí đã trao giải[10]. Ông bị buộc tội đạo văn và kém uyên bác.

Văn bản được dịch ở đây[11] báo hiệu một bước tiến quan trọng trong tư tưởng của Uông Huy và của Cánh Tả Mới nói chung: trong thập kỷ qua, Cánh Tả Mới phần lớn đã từ bỏ phần lớn quan điểm phê phán của mình đối với kinh tế chính trị và đối với Nhà nước Trung Quốc và đã trở thành một loại cơ chế tiếp sức đơn giản cho chế độ hiện tại và các chính sách của nó. Quá trình này đã không diễn ra suôn sẻ. Như đã đề cập ở trên, Cánh Tả Mới đã bảo vệ mạnh mẽ mô hình Trùng Khánh, và khi Bạc Hy Lai mất quyền lực vào năm 2012, Uông Huy đã xuất bản một bài báo phê bình vạch trần các âm mưu của phe tân tự do đằng sau các sự kiện[12]. Văn bản dưới đây được xuất bản vào năm 2010, cho thấy rằng Uông đã giảng hòa với chế độ. Hai sự kiện khiến Uông thay đổi ý kiến là việc Trung Quốc vươn lên vị thế cường quốc - và sự suy giảm có thể nhận thấy của phương Tây - và việc Tập Cận Bình lên nắm quyền chủ tịch nước.

Sự vươn lên vị thế cường quốc của Trung Quốc đã mang lại một nội dung vững chắc cho khái niệm vốn một thời bị coi là kỳ quặc về “mô hình Trung Quốc”. Nếu mô hình Trung Quốc là hiện thực, thì quyền bá chủ của chủ nghĩa tân tự do, cũng như sự Đồng thuận Washington và trường phái Chicago về kinh tế thị trường không còn là những mô hình phổ quát nữa. Đối với Uông, đây là một sự thay đổi triệt để, một sự thay đổi hệ chuẩn, một thời khắc lịch sử. Hơn nữa, Tập Cận Bình dường như quyết tâm rằng chủ nghĩa xã hội sẽ vẫn là một yếu tố mấu chốt của giấc mơ Trung Quốc trong tương lai, ngay cả khi ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội của ông không được rõ ràng. Với những thay đổi này, việc bảo vệ Trung Quốc khỏi chủ nghĩa tân tự do không còn là mục tiêu chính của Uông, và văn bản của ông nên được đọc như là một nỗ lực để trình bày một cách hiểu mới về quá khứ, hiện tại và tương lai của Trung Quốc dưới ánh sáng của sự suy tàn của hiểm họa tân tự do.

Theo tôi, điều này giải thích giọng nghiêm trang kỳ lạ của văn bản của Uông, của những khoảng lặng và những chỗ ngắt của nó. Uông chân thành cố gắng tìm ra một cách nhìn mới về thế giới sau cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tân tự do. Tất nhiên, phần lớn nội dung của văn bản vẫn là sự tố cáo chủ nghĩa tân tự do, nhưng đó là bởi vì nó phải trình bày một câu chuyện mới về sự thành công của Trung Quốc trong bối cảnh của hệ chuẩn cũ.

Cường Thế Công (1967-)

Uông khẳng định, thành công của Trung Quốc phụ thuộc trên hết vào việc Trung Quốc đã giành được chủ quyền, điều đã cho phép Trung Quốc đi theo con đường riêng của mình, bất chấp áp lực từ các thế lực bá quyền cánh tả và cánh hữu. Jiang Shigong (Cường Thế Công) đưa ra lập luận tương tự trong cuốn sách Triết học và Lịch sử/Philosophie et histoire của mình. Thứ hai, tầm quan trọng của lý thuyết và thực tiễn. Ở đây, Uông khẳng định nguồn gốc Mác-xít và Maoít của mình, đồng thời nhấn mạnh rằng lịch sử chính trị của phong trào cộng sản ở Trung Quốc không thể được đọc như một lịch sử của một cuộc đấu tranh bè phái, mà là một loạt các cuộc tranh luận lý thuyết được giải quyết bằng “thực tiễn – một uyển ngữ để nói về Bước Đại nhảy vọt… Thứ ba, ở một cấp độ diễn ngôn khác, Uông nhắc lại Vương Thiếu Quang khi trích dẫn bằng chứng rằng giới lãnh đạo thời hậu Mao, sau khi tán tỉnh chủ nghĩa tân tự do, đã quay trở lại với nhân dân. Cụ thể, điều này đề cập đến một số cải cách thường gắn liền với thời Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo (2002-2013): ba vấn đề nông thôn, cải cách chăm sóc sức khỏe, cải cách hệ thống doanh nghiệp Nhà nước. Những biện pháp này cho thấy một cam kết xã hội chủ nghĩa đổi mới, và khi được kết hợp với kỹ năng mà chế độ đã chứng tỏ trong sự quản lý cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – cộng thêm vào trận động đất ở Mân Xuyên và các cuộc bạo động ở Tây Tạng — theo Uông, chúng mang lại hy vọng lớn về tương lai.

Uông duy trì tinh thần phê phán và từ chối công bố một hệ chuẩn mới táo bạo. Tuy đúng, những phê phán của ông đều quen thuộc. Trung Quốc cần rời xa nền kinh tế định hướng xuất khẩu và tạo ra một thị trường nội địa. Trung Quốc nên đặc biệt chú ý đến các vấn đề môi trường của mình, đây cũng là những vấn đề toàn cầu. Khi Uông hỏi “Trung Quốc nên có loại hình dân chủ nào?” giọng điệu của ông rất nghiêm túc. Từ lâu, ông đã cảnh báo rằng nền dân chủ tân tự do không dân chủ chút nào, nhưng tố cáo đối thủ là một chuyện, còn quảng bá mô hình của chính bạn lại là một chuyện khác. Khi hình dung lại quá khứ, hiện tại và tương lai của Trung Quốc dưới ánh sáng của sự thất bại của chủ nghĩa tân tự do, ông vẫn chưa biết sự cam kết của Cánh Tả Mới đối với nền dân chủ nên có hình thức cụ thể nào. Nhưng rõ ràng ông đã quyết định rằng ông sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trong các cơ quan của Đảng — bằng cách trở thành một thành viên trong đội ngũ của Tập Cận Bình — và thực hiện giấc mơ Trung Hoa từ bên trong.

Uông Huy: Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đã thách thức nhiều dự đoán. Kể từ năm 1989, sự sụp đổ của Trung Quốc đã được dự đoán nhiều lần, nhưng Trung Quốc đã không sụp đổ. Ngược lại, các lý thuyết sụp đổ đã sụp đổ. Chính vì vậy, người ta bắt đầu đi tìm lời giải thích tại sao Trung Quốc không những không sụp đổ mà còn tiếp tục phát triển. Trong quá trình cải cách và mở cửa, đã có nhiều cuộc tranh luận ủng hộ và chống lại cải cách, và những tranh luận này thường tập trung vào cách đánh giá các vấn đề liên quan đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa và thời kỳ cải cách. Ngày càng có nhiều người tin rằng, dù chúng ta đánh giá những thành tựu và khó khăn của thời kỳ xã hội chủ nghĩa và thời kỳ cải cách mở cửa như thế nào, nền kinh tế Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở của hai truyền thống này. Đồng thời, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay và những mâu thuẫn tích tụ trong một thời gian dài cũng chỉ ra rằng Trung Quốc không thể và không nên đơn thuần quay trở lại mô hình phát triển của quá khứ, chúng tôi muốn nói đến mô hình kinh tế kế hoạch hóa truyền thống hay mô hình duy phát triển mà mục đích duy nhất là tăng trưởng GDP. Chúng ta cần tìm một cách suy nghĩ mới về kinh nghiệm của Trung Quốc trong 60 năm qua.

Tính chất chủ quyền độc lập và ý nghĩa chính trị của nó

Trong các cuộc thảo luận về mô hình Trung Quốc, nhiều học giả nhấn mạnh đến sự ổn định trong quá trình phát triển của Trung Quốc, lập luận rằng không có cuộc khủng hoảng lớn nào. Điều này là không đúng. Trong ba mươi năm cải cách và mở cửa, cuộc khủng hoảng lớn nhất của Trung Quốc là cuộc khủng hoảng năm 1989. Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng lớn này, nhưng dấu vết của kết cục đáng tiếc này vẫn có thể được tìm thấy trong các lĩnh vực khác nhau. Cuộc khủng hoảng này còn có khía cạnh quốc tế, mặc dù nó mang tính chính trị chứ không phải kinh tế. Có thể coi cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc là khúc dạo đầu cho cuộc khủng hoảng ở Liên Xô và Đông Âu. Giống như Trung Quốc, các nước này cũng là các nước xã hội chủ nghĩa do các đảng cộng sản cai trị, vậy tại sao Trung Quốc không sụp đổ như họ? Những đặc điểm nào đã giữ cho Trung Quốc ổn định và thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc? Sau 30 năm cải cách, những điều kiện để thực hiện điều này đã thay đổi như thế nào? Nếu chúng ta muốn thảo luận về cách thức của Trung Quốc hoặc tính độc đáo của Trung Quốc, đây là câu hỏi đầu tiên chúng ta phải trả lời.

Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu có những nguyên nhân lịch sử phức tạp và sâu xa, bao gồm sự đối lập giữa chế độ quan liêu và quần chúng, chính sách của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và những khó khăn sinh kế của người dân do nền kinh tế khan hiếm gây ra, cùng những nguyên nhân khác. Để so sánh, khả năng tự đổi mới của hệ thống Trung Quốc đã chứng tỏ là mạnh hơn nhiều. Ngay cả sau những xung đột trong Cách Mạng Văn hóa, trong đó các quan chức cấp cao của Nhà nước và đảng bị Mao Trạch Đông đày đến làm việc và sinh sống ở cấp cơ sở của xã hội, Nhà nước đã thể hiện khả năng đáp ứng những nhu cầu của xã hội cấp cơ sở khi chính những quan chức này giành lại quyền lực vào cuối những năm 1970. Điều này không xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu. Nhưng ở đây tôi không muốn tham gia vào một cuộc thảo luận chi tiết về các nguyên nhân và hậu quả của những vấn đề này. Điểm chính của tôi là nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa hệ thống Trung Quốc với hệ thống của Liên Xô và Đông Âu, đó là Trung Quốc đã tìm kiếm con đường phát triển xã hội của mình một cách độc lập và tự chủ, và tạo ra vị thế chủ quyền độc nhất trên cơ sở này.

Trong hồi ký của mình, Egon Krenz (s. 1937), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản cuối cùng của Đông Đức cũ, giải thích nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đất nước sau năm 1989, đồng thời đề cập đến nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là những biến đổi nội bộ trong toàn bộ khối Liên Xô - Đông Âu do những thay đổi ở Liên Xô gây nên. Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà kinh tế phương Tây thường sử dụng khái niệm “quy tắc Brezhnev” để chế giễu “chủ quyền không đầy đủ” của các nước Đông Âu. Theo các từ ngữ của “Đồng thuận Washington”, các quốc gia Đông Âu không có chủ quyền hoàn toàn, mà nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô, do đó nếu Liên Xô có vấn đề gì, toàn bộ hệ thống Liên Xô-Đông Âu sẽ sụp đổ.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống chủ quyền quốc gia đã được khẳng định, nhưng trong thế giới lúc bấy giờ, rất ít quốc gia có chủ quyền thực sự. Điều này không chỉ đúng với các quốc gia thuộc khối Xô Viết mà còn đúng với các quốc gia thuộc liên minh phương Tây. Ở châu Á, chủ quyền của các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc trong cấu hình Chiến tranh Lạnh phải tuân theo chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ, có nghĩa là họ không phải là những quốc gia có chủ quyền hoàn toàn. Trong cấu hình của Chiến tranh Lạnh, cả hai bên đều là hệ thống các quốc gia đồng minh, và nếu bá quyền của một trong hai bên trải qua sự thay đổi hoặc chuyển đổi chính trị, thì các quốc gia khác nhất thiết sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc.

Vào cuối cuộc nội chiến ở Trung Quốc, CHND Trung Hoa được thành lập. Trong lịch sử ban đầu của CHND Trung Hoa, Trung Quốc đứng về phía xã hội chủ nghĩa trong hệ thống lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh, và cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Triều Tiên vào đầu những năm 1950 chỉ làm cho sự đối kháng giữa Mỹ và Trung Quốc và đồng mình của họ gia tăng. Trong thời kỳ này, đặc biệt là trong thời kỳ Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957), sự phát triển công nghiệp, sự tái thiết sau chiến tranh và vị thế quốc tế của Trung Quốc đều nhận được sự trợ giúp to lớn của Liên Xô, và ở một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể nói rằng Trung Quốc có mối quan hệ phụ thuộc đối với Liên Xô.

Tuy nhiên, giống như quá trình cách mạng Trung Quốc có con đường độc đáo của riêng mình, Trung Quốc cuối cùng cũng tìm kiếm con đường phát triển độc đáo của riêng mình. Từ giữa những năm 1950, Trung Quốc đã tích cực ủng hộ Phong trào Không liên kết, và sau đó Trung Quốc cũng đã phát triển những tranh chấp công khai với Liên Xô, không chỉ về các vấn đề chính trị, mà còn về kinh tế và quân sự, và dần dần thoát ly khỏi những gì mà một số học giả gọi là “quan hệ huyết thống” (宗主关系) với Liên Xô, xác lập vị thế độc lập của mình trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và trên thế giới.

Bất chấp sự phân chia của eo biển Đài Loan, đặc điểm chính trị của quốc gia Trung Quốc là có chủ quyền, độc lập và tự chủ cao, và các hệ thống kinh tế và công nghiệp quốc gia được hình thành dưới sự hướng dẫn của đặc điểm chính trị này cũng có tính độc lập và tự chủ cao. Nếu không có quyền tự chủ này như một điều kiện tiên quyết, thì rất khó hình dung con đường mở của và cải cách của Trung Quốc, và cũng rất khó hình dung số phận của Trung Quốc sau năm 1989. Khi bắt đầu quá trình cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã có một nền kinh tế quốc dân độc lập tự chủ làm tiền đề cho cải cách. Cải cách của Trung Quốc có logic nội bộ của riêng nó; đó là cuộc cải cách tự chủ, cải cách năng động chứ không thụ động, hoàn toàn khác với các “cuộc cách mạng màu” khác nhau ở Đông Âu, Trung Đông và bối cảnh phức tạp của chúng.

Sự phát triển của Trung Quốc không chỉ khác với các nền kinh tế phụ thuộc ở châu Mỹ Latinh, mà còn khác với mô hình Đông Á được thể hiện qua kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan – cho dù rằng khi xét về vai trò của Nhà nước, chính sách công nghiệp của chính phủ và vài chiến lược phát triển nhất định, có sự tương đồng và tác động qua lại. Nhưng trên quan điểm chính trị, điều kiện tiên quyết cho cải cách của Trung Quốc là tự lực, trong khi ở một mức độ lớn, sự phát triển của các quốc gia này có thể được coi là phụ thuộc - sự khác biệt với châu Mỹ Latinh là các mối quan hệ phụ thuộc trong Chiến tranh Lạnh đã trở thành điều kiện tiên quyết chính trị cho sự phát triển.

Bản chất chủ quyền tương đối độc lập và đầy đủ này được tạo ra từ thực tiễn của một chính đảng, và đó là một đặc điểm nổi bật của nền chính trị thế kỷ XX. Bất chấp bao nhiêu sai lầm về mặt lý thuyết hay thực tiễn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phạm phải, việc chống chủ nghĩa đế quốc và cuộc tranh luận sau đó với Liên Xô là nền tảng dẫn đến chủ quyền của Trung Quốc, và về những vấn đề đó, người ta không thể đưa ra phán quyết hạn chế dựa trên những chi tiết nhỏ. Thông qua tranh luận cởi mở với Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc đầu tiên thoát khỏi quan hệ dòng họ giữa hai đảng, sau đó là quan hệ dòng họ giữa hai nước, do đó trở thành một mô hình độc lập mới.

Nói cách khác, gốc rễ của chủ quyền này là chính trị, một sự độc lập chính trị cụ thể được phát triển trong quá trình quan hệ giữa các đảng phái chính trị và những tiến bộ chính trị, và được thể hiện trong các lĩnh vực Nhà nước và kinh tế, trong số những lĩnh vực khác. Thật khó để hiểu ý nghĩa của sự độc lập và tự chủ từ các khái niệm thông thường về chủ quyền. Trong lịch sử chủ nghĩa thực dân, các khái niệm thông thường về chủ quyền có thể không liên quan đến sự độc lập và tự chủ; ví dụ, các quốc gia đã ký các hiệp ước bất bình đẳng, theo quan điểm của luật pháp quốc tế, là các quốc gia có chủ quyền, nhưng sự chủ quyền này không liên quan gì đến sự độc lập và tự chủ. Trên thực tế, sự tan rã dần của cấu hình cực kỳ phân cực trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh gắn liền với sự chỉ trích liên tục của Trung Quốc và cuộc đấu tranh chống lại cấu hình lưỡng cực này; nếu Trung Quốc không nhập cuộc, khả năng Hoa Kỳ và Liên Xô dấn thân vào một sự phản kháng trực tiếp sẽ lớn hơn nhiều.

Trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa, những cuộc khảo sát của Trung Quốc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và những thử nghiệm cải cách của nước này đã tạo ra đủ loại sai lầm, vấn đề và thậm chí là kết quả bi thảm, nhưng trong suốt những năm 1950, 1960 và 1970, chính phủ Trung Quốc và đảng chính trị Trung Quốc đã liên tục điều chỉnh chính sách của họ. Những sự điều chỉnh này không bị các thế lực bên ngoài định hướng mà chủ yếu là những sự tự điều chỉnh dựa trên những vấn đề gặp phải trong thực tiễn. Với tư cách là một cơ chế để một đảng chính trị điều chỉnh quỹ đạo của mình, các cuộc tranh luận lý luận, nhất là tranh luận lý luận công khai, đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tự điều chỉnh mà đảng và dân tộc đã dấn thân vào. Do thiếu cơ chế dân chủ trong ĐCSTQ, các cuộc đấu tranh về đường lối thường có thể biến thành các cuộc tranh giành quyền lực được thúc đẩy bởi các cuộc tấn công tàn nhẫn, nhưng những nhân tố này không thể làm lu mờ ý nghĩa lịch sử của các cuộc tranh luận về đường lối hay lý thuyết.

Từ viễn tưởng này, chúng ta cần xem xét lại một số cách lý giải phổ biến về thời kỳ Cải cách, chẳng hạn như ý kiến ​​cho rằng cải cách không có kế hoạch hoặc chiến lược định trước, rằng chúng ta “ dò đá qua sông”. Điều này rõ ràng là đúng, nhưng trên thực tế, việc không có khuôn mẫu định sẵn là đặc điểm riêng biệt của toàn bộ cuộc cách mạng Trung Quốc, và Mao Trạch Đông đã phát biểu về điều này trong “Về mâu thuẫn”. Chúng ta dựa vào điều gì khi không có hình mẫu? Chúng ta dựa vào tranh luận lý luận, vào đấu tranh chính trị, vào thực tiễn xã hội. Đó là cái mà chúng tôi gọi là “từ thực tiễn đến thực tiễn”.

Nhưng kết luận của Mao về thực tiễn tự nó là lý thuyết; thực tiễn không thể không có những tiền đề và định hướng. Nếu không có những định hướng giá trị cốt lõi, chúng ta sẽ không biết mình đi đâu khi “ dò đá qua sông”. Trong “Về thực tiễn”, Mao Trạch Đông trích một đoạn văn của Lênin: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Việc sáng tạo và phát huy lý luận cách mạng vào những thời điểm then chốt cũng có vai trò quyết định. Khi có việc cần phải làm (bất kể là gì) mà không có chương trình, phương pháp, kế hoạch hoặc chính sách, thì cách để hành động nhằm quyết định một chương trình, phương pháp, kế hoạch hoặc chính sách có tầm quan trọng quyết định. Khi chính trị, văn hóa, kiến ​​trúc thượng tầng, v.v. cản trở sự phát triển của cơ sở kinh tế, thì chính trị, văn hóa là yếu tố trung tâm, trở thành cái quyết định nhất.

© Zhang Kechun, “The Yellow River”

Trong quá trình cách mạng và cải cách của Trung Quốc, tranh luận lý thuyết đã đóng một vai trò rất quan trọng. Nguồn gốc của các lý thuyết liên quan đến cải cách nằm trong các ý tưởng liên quan đến nền kinh tế hàng hóa xã hội chủ nghĩa, tức là chúng được phát triển từ các cuộc thảo luận về các khái niệm như hàng hóa, nền kinh tế hàng hóa, quy luật giá trị và pháp luật tư bản, cũng như chúng đã được thực tiễn xã hội chủ nghĩa nhào nặn. Thảo luận về vấn đề quy luật giá trị nổi lên vào những năm 1950 với việc xuất bản các bài tiểu luận của Tôn Dã Phương (孙冶方, 1908-1983) và Cố chuẩn (顾准, 1915-1974), trong bối cảnh rộng lớn hơn của sự chia rẽ Xô-Trung và sự phân tích của Mao Trạch Đông về những mâu thuẫn bên trong chủ nghĩa xã hội Trung Quốc. Vấn đề này lại trở thành chủ đề trung tâm trong các cuộc tranh luận nội bộ của Đảng vào giữa những năm 1970.

Tôn Dã Phương (Sun Yefang) là một nhà kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc đã khuyến khích cải cách thị trường từ rất lâu trước khi Đảng rốt cuộc thực hiện những cải cách đó. Gu Zhun là một nhân vật chính trong sự phát triển của ngành kế toán ở Trung Quốc trong thời kỳ Cộng hòa, sau đó chuyển sang chủ nghĩa Mác và cuối cùng là chủ nghĩa tự do kinh tế khi ông bị bỏ tù vì đã nói ra những gì ông nghĩ vào những năm 1950. Di cảo của những nhật ký trong tù của ông được xuất bản vào những năm 1990, minh họa cho việc ông “tái tạo” các nguyên tắc của nền kinh tế tự do, đã gây chấn động [Bình luận của Le Grand Continent].

Khi không có những cuộc tranh luận lý thuyết như vậy, rất khó hình dung những cải cách tiếp theo đã có thể được phát triển theo logic của quy luật giá trị, phân phối theo lao động, nền kinh tế hàng hóa xã hội chủ nghĩa và thậm chí cả nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, các cuộc tranh luận về con đường phát triển tiếp theo không còn giới hạn như trong quá khứ, trong các cuộc tranh luận trong nội bộ các đảng, nhưng tầm quan trọng của các cuộc tranh luận lý thuyết đối với việc điều chỉnh đường lối chính trị vẫn rất quan trọng. Nếu không có sự chỉ trích và phản kháng đối với chủ nghĩa duy phát triển thuần túy tập trung vào GDP từ trong nước và ở bên ngoài trong giới học giả vào những năm 1990, thì việc nghiên cứu mô hình phát triển khoa học mới 科学发展模式 [16] đã không bao giờ có trong chương trình nghị sự.

Với “chủ nghĩa duy phát triển”, Uông Huy đề cập đến một quan điểm tân tự do về sự tăng trưởng kinh tế nhấn mạnh vào sự phát triển. Mô hình phát triển khoa học mới đã được chính quyền ĐCSTQ thông qua vào tháng 10 năm 2005, tại cuộc họp của Hội nghị lần thứ năm của Ủy ban Trung ương khóa 16, và là một sự điều chỉnh đối với “chủ nghĩa phát triển mù quáng” [Bình luận của Le Grand Continent].

Vào những năm 1990, sau sự thay đổi trong cấu trúc chính trị của Trung Quốc, các cuộc tranh luận trong các câu lạc bộ trí thức Trung Quốc đã thay thế phần nào chức năng của các cuộc tranh luận nội bộ trước đây của đảng về đường lối, và đã có tác động quan trọng đến các điều chỉnh chính sách quốc gia về vấn đề tam nông () của những năm 1990, về cải cách y tế (疗改革/y liệu cải cách) sau năm 2003, về cuộc cải cách các doanh nghiệp công (国企改革/quốc xí cải cách) và quyền lao động (劳动权利/ lao động quyền lợi) năm 2005, và về lý thuyết, tuyên truyền và các phong trào xã hội liên quan đến bảo vệ môi trường.

Ngày nay, người ta thường coi dân chủ là một cơ chế điều chỉnh, nhưng trên thực tế, tranh luận lý thuyết hay tranh luận về đường lối của đảng cũng là những cơ chế điều chỉnh, cơ chế điều chỉnh cho ĐCSTQ. Do không có các cơ chế dân chủ trong ĐCSTQ, trong lịch sử của thế kỷ XX, các cuộc tranh luận về đường lối của đảng thường gây nên bạo lực và chủ nghĩa độc đoán, và chúng ta nên suy nghĩ kỹ về điều này, nhưng sự chỉ trích về bạo lực vốn là đặc trưng của cuộc đấu tranh nội bộ đảng không nên dẫn chúng ta đến chỗ phủ nhận đấu tranh lý thuyết hay đấu tranh về đường lối của đảng, bởi vì trên thực tế, các cuộc đấu tranh về đường lối của đảng đóng vai trò như một cơ chế giúp chúng ta loại bỏ chủ nghĩa độc đoán và tìm ra con đường tự sửa sai. Khẩu hiệu “thực tiễn là phép thử duy nhất của chân lý” khẳng định tầm quan trọng tuyệt đối của thực tiễn, nhưng bản thân vấn đề cơ bản này lại mang tính lý thuyết, và chúng ta chỉ có thể hiểu được tầm quan trọng của khẩu hiệu này khi nắm bắt được tầm quan trọng của tranh luận lý thuyết.

Tính năng động của nông dân

Trong những cuộc đấu tranh cách mạng đầu tiên hay trong thời kỳ xây dựng và cải cách xã hội chủ nghĩa, những hy sinh, những đóng góp của giai cấp nông dân đều rất to lớn, tinh thần năng động, sáng tạo của họ rất ấn tượng. So với các nước khác thuộc Thế giới thứ ba, trong thế kỷ XX, việc huy động xã hội nông thôn Trung Quốc và những cải cách tổ chức xã hội nông thôn là một cuộc cách mạng và chưa từng có. Tiếp nối cuộc cách mạng và cải cách ruộng đất, toàn bộ trật tự nông thôn đã được tổ chức lại một cách triệt để.

Thời kỳ cải cách nông thôn lâu dài và mãnh liệt này đã tạo ra ba kết quả quan trọng: trước hết, giai cấp nông dân đã đạt được một ý thức chính trị vững vàng; ngay cả ở Đông Âu hay Liên Xô, chúng ta hiếm khi chứng kiến ​​cuộc đấu tranh vũ trang và cách mạng ruộng đất lâu dài như vậy. Nếu không có bối cảnh này, việc huy động nông dân dài hạn với quan hệ ruộng đất là cốt lõi cuộc cải cách, đã không thể thực hiện được. So với nhiều nước xã hội chủ nghĩa và hậu xã hội chủ nghĩa, giá trị của sự bình đẳng đã ăn sâu vào trái tim của người dân Trung Quốc hơn.

Thứ hai, nếu chúng ta thực sự muốn hiểu mối quan hệ giữa các phong trào xã hội chủ nghĩa Trung Quốc và các phong trào nông dân, chúng ta cũng phải hiểu vai trò của đảng cách mạng Trung Quốc. Việc thành lập ĐCSTQ là sản phẩm của phong trào cộng sản quốc tế, nhưng điều khác biệt là nhiệm vụ chính của đảng xã hội chủ nghĩa này là huy động nông dân, và thông qua sự huy động nông dân tạo ra một chính sách mới và một xã hội mới. Sau ba mươi năm cách mạng vũ trang và đấu tranh xã hội, đảng này đã gắn bó với các phong trào xã hội ở mức cơ bản nhất, tính chất quần chúng và khả năng tổ chức, vận động của đảng rất khác so với các đảng ở các nước xã hội chủ nghĩa của Đông Âu.

Các phương tiện truyền thông và các nhà bình luận ngày nay thường quy sự thành công hay thất bại của cuộc cách mạng Trung Quốc cho nhân vật tiêu biểu này hay nhân vật tiêu biểu kia, và quên thảo luận một cách đầy đủ về chính quá trình cách mạng. Và vì những phản ánh về bạo lực xảy ra trong cuộc cách mạng, họ bỏ qua hoặc thậm chí còn phủ nhận rằng quá trình này đã tạo ra một cơ thể xã hội mới. Để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trong một xã hội gồm chủ yếu là nông dân, chúng ta phải hết sức coi trọng tính năng động chủ quan, ý chí chủ quan của những người lãnh đạo, nhưng chỉ xem xét khía cạnh này làm cho chúng ta không thể hiểu được lịch sử.

Đối mặt với chủ nghĩa tân tự do, so với các xã hội khác, xã hội Trung Quốc đã mạnh mẽ hơn trong việc đòi bình đẳng và bài trừ tham nhũng, và vì lý do này, các tầng lớp thấp kém đã đảm nhiệm vai trò của một lực kèm hãm và đối trọng mạnh mẽ. Tình hình này khác với tình hình đầu những năm 1990, khi một số quốc gia nhanh chóng phát triển theo hướng một chế độ do một thiếu số cai trị, và lý do của sự phát triển này không chỉ liên quan đến quốc gia hay Đảng, mà còn phải được giải thích dưới góc độ của các lực xã hội. Cuối thế kỷ XX, những vấn đề liên quan đến vấn đề tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) và đến lao động di cư, như cách giải quyết vấn đề quan hệ thành thị - nông thôn trong nền kinh tế thị trường, hay cách giải quyết vấn đề ruộng đất như thế nào, đã trở thành lại chủ đề thảo luận ở Trung Quốc đương đại. Do mức độ phụ thuộc cao của kinh tế nông thôn vào kinh tế đô thị và quá trình thương mại hóa, nhiều nông dân đã di cư, trở thành tầng lớp công nhân mới ở thành thị, và giai cấp nông dân trước đây bắm rễ vào quan hệ ruộng đất ở nông thôn bị biến thành nguồn lao động giá rẻ cho các vùng ven biển và cho công nghiệp và thương mại đô thị. Quá trình này có mối quan hệ sâu sắc với cuộc khủng hoảng đương đại ở các vùng nông thôn.

Vai trò của Nhà nước

Một yếu tố mấu chốt khác để hiểu Trung Quốc thời kỳ cải cách là hiểu bản chất của Nhà nước Trung Quốc và sự biến đổi của nó. Như nhiều nhà sử học đã chứng minh, Đông Á có truyền thống lâu đời và phong phú về quốc gia và các quan hệ quốc gia. Ví dụ, Giovanni Arrighi (1937-2009) lập luận trong cuốn sách gần đây của ông, Adam Smith ở Bắc Kinh, rằng: “Trong bối cảnh các quốc gia dân tộc và hệ thống các quốc gia, nền kinh tế quốc dân không phải là phát minh của phương Tây… Trong suốt thế kỷ 18, thị trường quốc gia quan trọng nhất trên thế giới không phải ở châu Âu mà là ở Trung Quốc”. Sau đó, ông phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đương đại, đặc biệt là sức thu hút vốn nước ngoài của nó, và khẳng định rằng “Sức hấp dẫn chính của Trung Quốc đối với vốn nước ngoài không phải là nguồn nhân lực dồi dào giá rẻ….mà là chất lượng cao của lực lượng lao động này về mặt y tế, giáo dục và năng lực tự quản lý, gắn với sự mở rộng nhanh chóng năng lực sản xuất của nền kinh tế quốc dân Trung Quốc. Theo quan niệm của Arrighi, Adam Smith không phải là người đi đầu trong việc tạo ra trật tự của thị trường, mà là một nhà tư tưởng với những ý tưởng sâu sắc về bản chất của sự điều tiết của Nhà nước đối với thị trường. Theo hướng phân tích này, nhà kinh tế học Diêu Dương (Yao Yang 姚洋)của Đại học Bắc Kinh (sinh năm 1964), trong một bản tóm tắt về các điều kiện làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, đã lập luận rằng một chính phủ trung lập hoặc một Nhà nước trung lập là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của các cuộc cải cách của Trung Quốc.

Năng lực Nhà nước là vấn đề quan trọng trong bối cảnh đổi mới. Tôi có hai nhận xét để bổ sung cho những gì Arrighi và Yao Yang đã nói. Quan điểm của Arrighi được xây dựng dựa trên một câu truyện trong đó các thị trường nội địa Trung Quốc và châu Á có truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, nếu không có cuộc cách mạng Trung Quốc và sự tái tổ chức của nó về các mối quan hệ xã hội, thật khó để tưởng tượng rằng “thị trường quốc gia” truyền thống sẽ tự động biến thành một thị trường quốc gia mới. Những nỗ lực của cuối nhà Thanh nhằm xây dựng một lực lượng quân sự và một hệ thống thương mại nhờ vào sức mạnh Nhà nước, và những nỗ lực cải cách ruộng đất không mệt mỏi sau cuộc cách mạng năm 1911 đã tạo ra một thị trường quốc gia khác với thị trường truyền thống, được định hình một cách mới trong nước và trong quan hệ với nước ngoài.

Khi chỉ trích “Kế hoạch phát triển quốc gia” của Tôn Trung Sơn, Lenin đã chỉ ra rằng cuộc cách mạng nông nghiệp và một chương trình quốc gia mới với những nét nhấn xã hội chủ nghĩa hoặc phúc lợi chung sẽ đáp ứng các điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nông nghiệp. Khi thảo luận về bản chất của Nhà nước Trung Quốc hiện đại, chúng ta không thể tách nó ra khỏi các điều kiện tiên quyết của quan hệ đất đai do cách mạng Trung Quốc mang lại và sự thay đổi cương vị của giai cấp nông dân. Ví dụ, có những người chỉ trích cuộc thử nghiệm Đại nhảy vọt, nhưng hiếm khi họ lưu ý rằng chính thí nghiệm này là kết quả của những thay đổi liên tục trong quan hệ đất đai ở Trung Quốc hiện đại. Một mặt, nền kinh tế tiểu nông của dòng họ, gia đình đã chấm dứt, mặt khác, tài sản gia đình, dòng họ, quan hệ lãnh thổ được tổ chức lại thành một hệ thống quan hệ xã hội mới. Cải cách làng xã là cải cách hệ thống công xã, nhưng đồng thời cũng được xây dựng trên cơ sở các quan hệ xã hội do kinh nghiệm này tạo ra. Những cải cách làng xã đầu tiên được thực hiện theo sáng kiến ​​của Nhà nước, một phong trào cải cách đòi hỏi nhiều nỗ lực nhằm quản lý và điều chỉnh giá cả các sản phẩm nông thôn. Phong trào cải cách này trên thực tế đã kế thừa nhiều yếu tố, và sự phát triển của nền công nghiệp thành thị hướng tới các doanh nghiệp thành thị diễn ra theo một logic không phải là logic của chủ nghĩa tân tự do.

Về chủ đề này, chúng ta có thể tham khảo cuốn sách của Barry Naughton, Chinese Institutional Innovation and Privatization from below, The American Economic Review 84.2, May 1994, đặc biệt các trang 266-270 [Bình luận của Le Grand Continent]..

Còn về lập luận của Yao Yang rằng lịch sử cách mạng hiện đại và chủ nghĩa xã hội đã tạo ra một chính phủ trung lập, điều kiện tiên quyết cho điều đó thực ra không phải là tính trung lập. Thực tiễn xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc được dành cho việc tạo ra một Nhà nước đại diện cho lợi ích chung của đa số người dân, và điều kiện tiên quyết cho điều này là sự đoạn tuyệt với quan niệm cho rằng Nhà nước hoặc chính phủ bị gắn liền với những lợi ích riêng tư. Về mặt lý thuyết, thực tiễn này của Nhà nước xã hội chủ nghĩa được tạo ra bởi sự sửa đổi sớm lý thuyết Mác-xít, và các văn bản như “Về mười mối quan hệ lớn” và “Về việc xử lý đúng đắn những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân của Mao Trạch Đông đã tạo thành cơ sở lý luận mới này về Nhà nước. Vì Nhà nước xã hội chủ nghĩa đảm nhận sứ mệnh đại diện cho lợi ích của đa số, nên trong điều kiện thị trường, nó tự do hơn các hình thức Nhà nước khác trong quan hệ với các nhóm lợi ích. Chỉ theo nghĩa này, chúng ta mới có thể mô tả nó như một Nhà nước trung lập.

© Zhang Kechun, “The Yellow River”

Đây là yếu tố then chốt tạo nên thành công của các cuộc cải cách đầu tiên và là cơ sở tạo nên tinh chính đáng của các cuộc cải cách. Nếu không có điều kiện tiên quyết này, các tầng lớp xã hội khác nhau sẽ khó tin rằng cải cách do Nhà nước thúc đẩy đại diện cho lợi ích của các tầng lớp này. Hơn nữa, thuật ngữ chuyên môn “trung lập” che đậy nội dung thực sự của nó, cụ thể là đặc tính phổ quát của các lợi ích do Nhà nước đại diện được xây dựng trên cơ sở cách mạng Trung Quốc và thực tiễn xã hội chủ nghĩa. Ít nhất là trong giai đoạn đầu tiên của cuộc cải cách, tính chính đáng của chương trình bắt nguồn chính từ thực tế là các lợi ích do Nhà nước xã hội chủ nghĩa đại diện mang tính phổ quát.

Khó có thể định nghĩa bản chất của Nhà nước Trung Quốc bằng một công thức duy nhất bởi bên trong nó chứa đựng nhiều truyền thống. Trong quá trình cải cách, người ta thường sử dụng các nhãn hiệu như “cải cách” và “chống cải cách”, “tiến bộ” và “bảo thủ”, để mô tả những mâu thuẫn và đấu tranh giữa các truyền thống này, trên quan điểm của lịch sử của các xu hướng phát triển, những căng thẳng, đối trọng và mâu thuẫn giữa các truyền thống cũng đã đóng vai trò quan trọng. Trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã chứng kiến ​​hai lực lượng, thậm chí là nhiều hơn, nuôi dưỡng lẫn nhau, cũng như sự thăng hoa của cánh “cực tả” và cánh “cực hữu”; khi cuộc cải cách thị trường trở thành xu hướng chủ đạo, nếu không có sự kèm hãm và đối trọng của thế lực xã hội chủ nghĩa trong Nhà nước, đảng và mọi lĩnh vực xã hội, thì Nhà nước đã bị các nhóm lợi ích độc quyền chiếm lĩnh. Vào giữa những năm 1980, có những lời kêu gọi tư nhân hóa, nhưng trước sự phản kháng mạnh mẽ từ giới học giả và từ bên ngoài, ý tưởng thiết lập cơ chế thị trường đã thắng thế. Đây là chìa khóa cho phép Trung Quốc cưỡng lại liệu pháp sốc kiểu Nga.

Nói cách khác, vốn xã hội được tích lũy trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa đã tạo thành một cái phanh đối với chính sách xã hội vào thời điểm chuyển đổi then chốt này. Ngay cả theo hướng này, chúng ta cũng khó có thể định nghĩa những lực lượng phê phán này là đối lập với cách mạng. Trên thực tế, trong các cuộc tranh luận về ý thức hệ nổ ra vào những năm 1990, chúng ta có thể tìm thấy một hiện tượng tương tự. Sự phê phán chủ nghĩa duy phát triển cuối cùng đã kích thích sự xuất hiện của những ý tưởng liên quan đến sự phát triển khoa học hoặc các loại hình phát triển khác. Sự nhất trí lên án của xã hội Trung Quốc và khả năng chống tham nhũng của nó cũng là một động lực thúc đẩy sự cải cách hệ thống. Tính trung lập của Nhà nước nảy sinh từ sự tương tác lẫn nhau giữa các lực lượng không trung lập nói trên.

Có nhiều bài học có thể được rút ra từ cuộc cải cách, chẳng hạn như tài năng và chiến lược con người, cải cách giáo dục và các chính sách và biện pháp kinh tế khác, nhưng tôi cảm thấy rằng những điểm nêu trên là cơ bản và vì lý do này, chúng thường bị bỏ qua. Những điểm này nằm trong số những nét độc đáo nhất của trải nghiệm Trung Quốc trong thế kỷ XX.

Những thay đổi trong cấu trúc chủ quyền

Trong những điều kiện mới của toàn cầu hóa, khu vực hóa và thương mại hóa, tất cả những điều kiện nêu trên đang đứng trước một thách thức quan trọng: cơ sở của các quan hệ xã hội, các hoạt động kinh tế và các chủ thể chính trị đang có những thay đổi. Nếu chúng ta không nắm bắt được những điều kiện lịch sử mới và chiều hướng vận động của chúng thì sẽ khó có được những cơ chế, chính sách mới hiệu quả. Để hiểu được những thay đổi này, chúng ta phải thêm một vài nhận xét về một số xu hướng mới của thế giới đương đại.

Thứ nhất, với xu thế toàn cầu hóa, chủ quyền truyền thống hiện đang phải chịu một sự biến đổi lớn. Quá trình toàn cầu hóa hiện nay được thể hiện theo hai cách cơ bản. Đầu tiên là sự toàn cầu hóa các dòng vốn xuyên quốc gia dẫn đến sự sản xuất, tiêu dùng và các chuyển động vốn xuyên quốc gia, lôi kéo nhiều người di cư vào mối quan hệ phụ thuộc vào thị trường thông qua thương mại và đầu tư được tạo ra và những mối nguy hiểm đi kèm với nó. Cách thứ hai bao gồm các cơ quan điều tiết quốc tế mới được thành lập để quản lý và ứng phó với các dòng vốn xuyên quốc gia và những mối nguy hiểm của chúng, chẳng hạn như WTO, Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc gia hoặc khu vực khác. Loại toàn cầu hóa thứ nhất giống một lực lượng phi chính phủ hơn, trong khi loại thứ hai là một cơ chế được thiết kế để điều phối và kiểm soát lực lượng phi chính phủ này, và cả hai đều hoạt động đồng thời.

Tiếp nối những thay đổi lớn này, hình thức chủ quyền Nhà nước tất yếu cũng tiến hóa: trong bối cảnh các dòng di chuyển vốn toàn cầu, từ đầu những năm 1980, nền kinh tế Trung Quốc dần dần chuyển sang phương thức định hướng xuất khẩu, sản xuất xuyên quốc gia đã biến Trung Quốc thành “ công xưởng của thế giới”, hoàn toàn khác với quan hệ trước đây giữa lao động và tư bản, đồng thời kéo theo sự thay đổi dưới hình thức của các quan hệ mới giữa các vùng ven biển và các vùng nội địa, giữa thành thị và nông thôn. Với sự mở cửa dần của hệ thống tài chính, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã nhảy vọt để trở thành dự trữ lớn nhất thế giới và nền kinh tế trở nên phụ thuộc rất nhiều vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ. Ý tưởng về “Chimerica” có thể bị phóng đại, nhưng do sự chuyển đổi của nền kinh tế quốc gia tương đối độc lập thành một nền kinh tế có sự phụ thuộc đáng kể - vào thị trường bên ngoài - thuật ngữ này vẫn mang một thông điệp mạnh mẽ.

“Chimerica” là một khái niệm do nhà sử học Niall Ferguson đặt ra để chỉ mối quan hệ kinh tế cộng sinh và phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chúng ta có thể tham khảo tác phẩm chính của ông The Ascent of Money: A Financial History of the World của ông, Allen Lane, 2008 [Bình luận của Le Grand Continent].

Trong bối cảnh các cơ quan điều tiết mới, Trung Quốc đã gia nhập WTO và các hiệp định và hiệp ước quốc tế khác, đồng thời tích cực tham gia vào các tổ chức khu vực, đến mức khó có thể thảo luận về cấu trúc chủ quyền của Trung Quốc theo quan điểm truyền thống. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại đã tiết lộ rằng gốc rễ của cuộc khủng hoảng nằm chính ở mối đe dọa đối với quyền tự chủ xã hội, nói cách khác, một cuộc khủng hoảng ở bất cứ đâu cũng có thể trở thành cuộc khủng hoảng của chính chúng ta. Và chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng bằng cách đơn thuần sử dụng các công cụ chủ quyền cũ (chẳng hạn như khi các thực tiễn thương mại quốc tế của Trung Quốc bị cáo buộc là bán phá giá, trợ cấp hoặc theo chủ nghĩa bảo hộ đặc biệt, Trung Quốc không thể giải quyết vấn đề bằng cách đơn thuần sử dụng chủ quyền quốc gia, mà thay vào đó phải thông qua sự hòa giải qua trung gian quốc tế); nguy cơ của một dự trữ ngoại hối cao cũng không thể giải quyết bằng công cụ chủ quyền quốc gia, mà cũng phải thông qua các hiệp ước và sự bảo vệ quốc tế; các bệnh truyền nhiễm và cách phòng ngừa hiện nay cũng là vấn đề quốc tế). Hợp tác quốc tế là sự lựa chọn tất yếu. Chính vì vậy, trong điều kiện toàn cầu hóa, trong các mạng lưới quốc tế rộng mở, làm thế nào định hình một hình thức chủ quyền tự trị mới là một vấn đề mới đòi hỏi phải tham khảo lịch sử và cần được suy nghĩ lại.

Sau đó, không chỉ trong lĩnh vực toàn cầu hóa, mà cả trong nước, bản chất của Nhà nước cũng thay đổi. Mô tả đơn giản Trung Quốc như một “quốc gia có chủ quyền cực kỳ mạnh” hơi quá thường xuyên có nghĩa là nhầm lẫn mặt tích cực với mặt tiêu cực. Ngược lại với Nga, các cuộc cải cách của Trung Quốc đã không trải qua liệu pháp sốc và khả năng định hướng nền kinh tế của Nhà nước vẫn còn khá mạnh mẽ. Hệ thống tài chính Trung Quốc tương đối ổn định, vì Trung Quốc chưa hoàn toàn đi theo con đường tân tự do; đất đai ở Trung Quốc chưa được tư nhân hóa - mặc dù đất đai có thể dễ dàng đổi chủ để đáp ứng nhu cầu thị trường - điều này không chỉ tạo cơ sở để duy trì giá trị của xã hội nông thôn Trung Quốc ở một mức thấp, mà còn cho phép các tổ chức quốc gia sử dụng tài nguyên đất đai để khởi xướng và thúc đẩy việc cấp chứng chỉ đất đai.

Các chứng chỉ đất đai gắn liền với Cành Tả Mới và được coi là phương tiện đền bù cho nông dân về đất đai mà không ai ưa, cho phép họ di cư đến các thành phố và cho phép Nhà nước tái cấu trúc khu vực nông thôn. Xem Cui Zhiyuan, “Partial Intimations of the Coming Whole: The Chongqing Experiment in the Light of the Theory of Henry George, James Meade, and Antonio Gramsci”, Modern China, 37.6, 2011, pp. 646-660 [Bình luận của Le Grand Continent].

Tất cả những chủ đề này đều liên quan đến năng lực Nhà nước và ý nghĩa của nó. Nhà nước Trung Quốc phải gánh vác trách nhiệm của mình như tích cực giải quyết khủng hoảng nông thôn, xây dựng lại hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường đầu tư cho giáo dục, cải cách hệ thống giáo dục. Trên các mặt trận này, chính phủ Trung Quốc cần chuyển đổi tư thế của mình từ một chính phủ phát triển sang một chính phủ phúc lợi xã hội, một sự chuyển đổi cũng sẽ buộc nền kinh tế Trung Quốc không còn quá phụ thuộc vào xuất khẩu và hướng tới một nền kinh tế định hướng theo nhu cầu trong nước.

Khả năng thực hiện các chính sách xã hội tích cực này sẽ không chỉ phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước. Sau 30 năm cải cách và nỗ lực của những người thúc đẩy cải cách thị trường, các cơ quan Nhà nước đã tham gia sâu vào các hoạt động của thị trường đến mức không còn thích hợp để mô tả các cơ quan và bộ ngành khác nhau của Nhà nước là “trung lập”. Nhà nước không hành động đơn lẻ mà hòa nhập vào cơ cấu xã hội và trong mối quan hệ với các nhóm lợi ích. Vấn đề tham nhũng hiện nay không chỉ là vấn đề tham nhũng của cá nhân cán bộ mà còn liên quan đến các chính sách xã hội, chính sách kinh tế và vấn đề tư lợi.

Ví dụ, sự phát triển của nền công nghiệp và của các dự án năng lượng có hàm lượng carbon cao thường bị một số nhóm lợi ích chi phối hoặc thậm chí nắm độc quyền. Những nỗ lực ngăn chặn các nhóm này thông qua chính sách công bao gồm các cuộc thảo luận công khai, các phong trào phúc lợi và các truyền thống khác nhau trong nội bộ Nhà nước và đảng. Ví dụ, vào cuối những năm 1990, cuộc tranh luận lớn về “tam nông” đã dẫn đến sự điều chỉnh chính sách nông thôn quốc gia; năm 2003, cuộc khủng hoảng SARS đã làm nảy sinh một cuộc tranh luận lớn về hệ thống chăm sóc sức khỏe và dẫn đến những thay đổi; năm 2005, cuộc tranh luận về cuộc cải cách hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước và phong trào lao động quy mô lớn đã dẫn đến một loạt chính sách liên quan; những lời kêu gọi từ bên trong hệ thống Nhà nước đòi hỏi chấm dứt tham nhũng và kỷ luật nghiêm minh của đảng đã tạo động lực cho các phong trào chống tham nhũng. Nhưng các mối quan hệ lợi ích trong nước và quốc tế đã thâm nhập vào guồng máy của Nhà nước ở một mức độ chưa từng có, đến mức ngay cả quá trình soạn thảo luật, vấn đề làm thế nào để đảm bảo rằng Nhà nước và các chính sách công đại diện cho lợi ích rộng lớn chứ không phải lợi ích của các nhóm lợi ích thiểu số, đã trở thành một vấn đề cấp bách.

Toàn bộ chính sách này mà chế độ Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo theo đuổi báo hiệu một mối quan tâm mới của Nhà nước đối với các sinh kế cơ bản của người dân [Bình luận của Le Grand Continent].

© Zhang Kechun, “The Yellow River”

Thay đổi trong cấu trúc chủ quyền

Một cuộc thảo luận về Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề phát triển các cơ chế dân chủ. Các cuộc thảo luận về vấn đề Nhà nước Trung Quốc phải đối mặt với một nghịch lý cơ bản: một mặt, so với chính phủ của nhiều quốc gia khác, năng lực của chính phủ Trung Quốc được công nhận rộng rãi, bằng chứng là việc huy động viện trợ cho hậu quả của trận động đất ở Vấn Xuyên (汶川大地震) xảy ra vào tháng 5 năm 2008, sự xây dựng nhanh chóng các kế hoạch giải cứu thị trường sau cuộc khủng hoảng tài chính, việc tổ chức thành công Thế vận hội Olympic 2008 và hiệu quả của các chính quyền địa phương khác nhau về phát triển tổ chức và giải quyết khủng hoảng - tất cả đều chỉ ra những lợi thế đặc biệt của năng lực Nhà nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, mặt khác, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân nói chung hài lòng với thành tích của chính phủ, nhưng thực tế vẫn là, ở một số khu vực và vào những thời điểm nhất định, mâu thuẫn giữa công chức và người dân rất gay gắt, và rằng năng lực thực thi chính sách của các cấp chính quyền cũng như mức độ lương thiện của họ thường bị nghi ngờ. Vấn đề thiết yếu nhất là những loại mâu thuẫn này thường gây ra một cuộc khủng hoảng về tính chính đáng. Ngược lại, ở một số quốc gia, ngay cả khi năng lực Nhà nước yếu kém và chính phủ hoạt động kém hiệu quả, khi nền kinh tế tụt hậu và các chính sách xã hội thiếu gắn kết, vẫn không xảy ra khủng hoảng chính trị mang tính hệ thống. Vấn đề này có mối liên hệ mật thiết với nền dân chủ như nguồn gốc của tính chính đáng chính trị.

Vào những năm 1980, vấn đề dân chủ dường như khá đơn giản. Sau 20 năm vận động dân chủ, một mặt, dân chủ vẫn là nguồn gốc quan trọng nhất của tính chính đáng chính trị; mặt khác, việc đơn thuần du nhập các phương pháp dân chủ phương Tây vào khu vực châu Á trong những năm 1980 và 1990 dường như ít hấp dẫn hơn. Sau cuộc khủng hoảng của các nền dân chủ mới và sự cạn kiệt của các “cuộc cách mạng màu”, các phong trào dân chủ ở Đông Âu, Trung Đông và các khu vực khác đã suy yếu sau năm 1989.

Đồng thời, ở các nền dân chủ phương Tây và Thế giới thứ ba - như Ấn Độ - khoảng trống dân chủ đang trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Cuộc khủng hoảng dân chủ có mối liên hệ mật thiết với các điều kiện của trào lưu hàng hóa hóa và toàn cầu hóa:

• Hình thức dân chủ chính trị chủ yếu thời hậu chiến là chế độ nghị viện đa đảng hoặc lưỡng đảng, nhưng trong điều kiện thương mại hóa, các đảng chính trị dần mất đi khả năng đại diện cho nhân dân mà chúng có trong thời kỳ trước, và để giành được phiếu bầu của nhân dân, các giá trị chính trị của các đảng chính trị ngày càng trở nên mơ hồ, dẫn đến sự lu mờ của nền dân chủ đại diện, ngoại trừ trên danh nghĩa.

• Mối quan hệ giữa dân chủ và Nhà nước trong điều kiện toàn cầu hóa cũng đứng trước một thách thức: do các quan hệ kinh tế ngày càng vượt ra ngoài khuôn khổ của nền kinh tế quốc dân truyền thống, và do đó thoát khỏi sự kiểm soát của Nhà nước, các quốc gia đều phải định hình các cuộc dàn xếp chính trị của mình phù hợp với các yêu cầu của hệ thống quốc tế;

• Sau sự biến đổi của các đảng chính trị thành các nhóm lợi ích, hay thậm chí là sự xuất hiện của các nhóm độc quyền, các nền dân chủ hình thức dần dần trở thành các cấu trúc chính trị bị ngắt kết nối với các cấp cơ sở trong xã hội của chúng, do đó các yêu cầu của các nhóm bị tước đoạt không còn được đại diện trong chính trường, khiến các nhóm này phải dùng đến các biện pháp bảo vệ phi chính phủ — chẳng hạn như sự trỗi dậy của Mao Trạch Đông ở Ấn Độ. Trong những điều kiện này, không chỉ nền dân chủ hình thức, mà đôi khi ngay cả chính Nhà nước cuối cùng cũng trở nên trống rỗng về nội dung ở nhiều nơi.

Vì quá trình bầu cử phụ thuộc vào một lượng lớn tiền và quyền lực tài chính, nên ở các quốc gia dân chủ khác nhau, có những hình thức tham nhũng hợp pháp và bất hợp pháp về các cuộc bầu cử, làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với các cuộc bầu cử.

Về sự trỗi dậy của Mao Trạch Đông ở Ấn Độ, người ta có thể tham khảo một cách hữu ích: Tilak P. Gupta, “Maoism in India: Ideology, Program and Military Struggle”, Economic and Political Weekly (Tuần báo Kinh tế và Chính trị) 41.29 (22-28 tháng 7 năm 2006), trang 3172-3176 [Bình luận của Le Grand Continent].

Điều này không có nghĩa là giá trị của nền dân chủ đã biến mất. Vấn đề đặt ra là: chúng ta cần loại dân chủ nào và nên có hình thức nào? Làm thế nào chúng ta có thể làm cho nền dân chủ không chỉ là một hình thức trống rỗng mà có được một nội dung thực sự?

Hệ thống chính trị Trung Quốc cũng đang trải qua những thay đổi quan trọng, một trong số đó là sự thay đổi về bản chất của Đảng. Vào những năm 1980, mục tiêu của cuộc cải cách chính trị là tách rời Đảng và chính quyền. Sau những năm 1990, nó không còn là một khẩu hiệu phổ biến nữa, và trong thực tiễn cụ thể và sự sắp xếp thể chế, sự đoàn kết giữa Đảng và chính phủ đã trở thành một hiện tượng thường được quan sát hơn. Tôi gọi đây là sự ổn định của Đảng.

Nguồn gốc của xu hướng này đáng để được phân tích sâu. Theo lý thuyết chính trị truyền thống, một đảng chính trị đại diện cho lợi ích của quần chúng, và thông qua các cuộc đấu tranh và tranh luận trong quốc hội, nói cách khác thông qua nền dân chủ mang tính thủ tục, điều này trở thành lợi ích chung của Nhà nước, sự thể hiện ý chí tối cao của công chúng. Ở Trung Quốc, hệ thống hợp tác đa đảng do ĐCSTQ lãnh đạo cũng dựa trên tính chất đại diện của các đảng phái. Nhưng trong điều kiện của xã hội thị trường, khi các cơ quan Nhà nước tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế, các ngánh khác nhau của chính phủ cuối cùng sẽ trà trộn vào các lợi ích riêng biệt, và “Nhà nước trung lập” của thời kỳ đầu đổi mới hiện đang biến đổi.

Mặc dù Trung Quốc thường được gọi là “quốc gia độc đảng”, nhưng trên thực tế có một số đảng chính trị hợp pháp nhỏ, hầu hết là tàn dư của thời kỳ Cộng hòa. Tuy nhiên, không đảng nào trong số này có quyền lực thực sự [Bình luận của Le Grand Continent].

Vì Đảng có thể giữ một khoảng cách nhất định với hoạt động kinh tế, nên Đảng có thể, từ vị trí “trung lập” tương đối tự chủ, thể hiện ý chí của xã hội. Ví dụ, các hoạt động chống tham nhũng chủ yếu dựa vào các cơ chế của Đảng để được thực thi một cách hiệu quả. Kể từ những năm 1990, ý chí dân tộc về cơ bản hình thành thông qua các mục tiêu của Đảng, như trường hợp của “Ba đại diện”, “xã hội hài hòa” hay “sự phát triển khoa học”. Những khẩu hiệu này không còn thể hiện trực tiếp tính chất đại biểu đặc biệt của Đảng mà trực tiếp bênh vực quyền lợi của toàn dân. Theo nghĩa này, Đảng đã trở thành cái hạt nhân bên trong của chủ quyền.

Tuy nhiên, việc ổn định Đảng bao gồm hai thách thức. Trước hết, nếu ranh giới giữa Đảng và Nhà nước bị xóa bỏ hoàn toàn, thì lực lượng hay cơ chế nào có thể đảm bảo rằng Đảng sẽ không – cũng như Nhà nước – bị lợi ích của xã hội thị trường nắm bắt? Ngoài ra, tính đại diện phổ cập của Đảng truyền thống - bao gồm cả tính trung lập của các nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên - đã đạt được thông qua các giá trị chính trị rõ ràng của nó, và nếu Đảng tĩnh, điều đó có nghĩa là các giá trị chính trị của Đảng bị suy yếu và biến đổi.

Nếu việc xây dựng một “quốc gia trung lập” gắn liền với các giá trị chính trị của một chính đảng, thì trong điều kiện mới, đâu là cơ chế bảo đảm để Trung Quốc duy trì tính đại diện của mình? Tiếng nói của người dân sẽ được thể hiện như thế nào trong không gian công cộng? Làm thế nào để thực hiện việc điều chỉnh đường lối, chính sách cơ bản của Nhà nước, của Đảng thông qua quyền tự do ngôn luận thực sự, các cơ chế tham vấn, sự trao đổi thường xuyên giữa cán bộ và nhân dân? Làm thế nào để hấp thụ rộng rãi sức mạnh quốc gia và quốc tế để tạo ra một loại hình dân chủ rộng rãi nhất? Đây là những câu hỏi không thể tránh khỏi trong các cuộc thảo luận về quá trình tự cải tổ của Đảng.

Khi chúng ta nghĩ về vấn đề cải cách chính trị ở Trung Quốc, chúng ta phải xem xét những câu hỏi này để hình dung ra con đường dân chủ của Trung Quốc. Cụ thể, tôi cho rằng có ba khía cạnh cần xem xét:

Thứ nhất, trong thế kỷ 20, Trung Quốc đã trải qua một cuộc cách mạng lâu dài và rất sâu sắc, và nhu cầu của xã hội Trung Quốc về công bằng và bình đẳng xã hội là rất mạnh mẽ; làm thế nào để biến lịch sử và truyền thống này thành những đòi hỏi dân chủ trong điều kiện hiện nay? Nói cách khác, thế nào là đường lối quần chúng hay nền dân chủ quần chúng trong thời đại mới?

Thứ hai, ĐCSTQ là một đảng chính trị rộng lớn đã trải qua những thay đổi to lớn, và ngày càng tiếp thu các cơ chế của Nhà nước. Làm thế nào để hệ thống này xung quanh Đảng dân chủ hơn? Làm thế nào, khi vai trò của Đảng thay đổi, bảo đảm rằng Nhà nước có thể đại diện cho lợi ích chung? Thứ ba, làm thế nào, trên cơ sở xã hội, chúng ta có thể tạo ra các hình thức chính trị mới cho phép xã hội đại chúng đạt được năng lực chính trị và vượt qua các xu hướng “phi chính trị hóa” xuất hiện từ quá trình thương mại hóa tân tự do? Trung Quốc là một xã hội mở, nhưng công nhân, nông dân và công dân bình thường thiếu không gian và các biện pháp bảo vệ thích đáng cho sự tham gia vào không gian công cộng. Trung Quốc nên làm thế nào để tiếng nói và yêu cầu của xã hội được biểu đạt trong bối cảnh chính sách của Nhà nước và từ đó hạn chế khả năng độc quyền và các nhu cầu về vốn – đây mới là mấu chốt của vấn đề. Tự do cho vốn hay tự do cho xã hội; có một sự khác biệt lớn.

Sự “phi chính trị hóa” chính trị là một chủ đề mà Uông Huy đã nhấn mạnh từ một thời gian rồi. Nó đề cập đến quá trình mà quyền lực kỹ trị thay thế cuộc tranh luận chính trị thực sự với những thiệt hại đối với nền dân chủ và tính chất đại diện. Xem: Wang Hui, “Depoliticized Politics, from East to West”, New Left Review, 41 (2006), pp. 29-45 [Bình luận của Le Grand Continent].

Đây đều là những vấn đề cụ thể, nhưng chúng chứa đựng những mầm mống của những câu hỏi lý thuyết quan trọng, chẳng hạn: Đâu là phương hướng cải cách chính trị ở Trung Quốc trong điều kiện toàn cầu hóa và thương mại hóa? Làm thế nào, trong điều kiện mở cửa, chúng ta có thể quan niệm về tính tự chủ của xã hội Trung Quốc? Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu về dân chủ, tầm quan trọng phổ quát của cuộc khảo sát này là hiển nhiên.

Cuộc khủng hoảng tài chính và cuối những năm 1990

Chúng tôi sẽ xem các thành tích của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính như một cách để quan sát các cuộc khủng hoảng mà Trung Quốc phải đối mặt. Các chuyên gia Trung Quốc có quan điểm về khủng hoảng tài chính khác với những ai ở các xã hội khác. Một cuộc tranh luận trong nhiều cuộc tranh luận: xét đến cùng, chúng ta đang nói về khủng hoảng tài chính hay khủng hoảng kinh tế? Tất nhiên, cả hai luôn được liên kết với nhau, nhưng ở cấp độ lý thuyết, sự khác biệt là rất quan trọng.

Sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, hầu hết các phân tích trên các phương tiện truyền thông đều tập trung vào cuộc khủng hoảng thế chấp mạo hiểm của Mỹ và đầu cơ tài chính, nhưng một số nhà kinh tế chính trị học, chẳng hạn như Robert Brenner (sinh năm 1943), cũng chỉ ra rằng đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính thông thường hay vấn đề của những sản phẩm tài chính phái sinh, mà đúng hơn nó có nguồn gốc từ một cuộc khủng hoảng kinh tế do sản xuất thừa gây ra. Mối quan hệ giữa các khủng hoảng tài chính và các khủng hoảng kinh tế đáng được nghiên cứu. Nếu nó chỉ đơn giản là vấn đề về các sản phẩm tài chính phái sinh, thì đó là vấn đề đầu cơ quá mức và thiếu quy định hiệu quả. Nếu nó là khủng hoảng kinh tế thì có nghĩa đó là khủng hoảng cơ cấu của chủ nghĩa tư bản chứ không phải chỉ của một số người đầu cơ; đó là một cuộc khủng hoảng được tạo ra bởi các vấn đề về tư liệu sản xuất.

Robert Paul Brenner là một giáo sư lịch sử kinh tế người Mỹ nghiên cứu dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác. Ông được biết đến với những luận điểm về nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản và đặc biệt là cuộc tranh luận được châm ngòi bởi phân tích của ông về quá trình chuyển đổi từ chế độ phong kiến ​​sang chủ nghĩa tư bản [Bình luận của Le Grand Continent].

Trong thực tế, cả hai cuộc khủng hoảng liên kết với nhau. Cuộc khủng hoảng tài chính không thể không liên quan đến tất cả các phương tiện sản xuất. Tình hình của Trung Quốc khác với tình hình của Mỹ ở chỗ, đối với Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng tập trung vào nền kinh tế thực, cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế. Ngược lại, ở Trung Quốc, tiêu dùng vẫn còn rất thấp, và mặc dù kế hoạch kích thích của chính phủ và cắt giảm thuế đã duy trì tăng trưởng kinh tế, nhưng khi không có cải cách kinh tế mang tính cơ cấu làm tăng nhu cầu trong nước bằng cách tăng an sinh xã hội và bình đẳng xã hội, thì có thể tạo ra một làn sóng sản xuất thừa mới.

Như trong lĩnh vực tài chính, các vấn đề được liên kết mật thiết với nhau. Ví dụ, dự trữ ngoại tệ lớn của Trung Quốc và sự an toàn của trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ mà Trung Quốc đã mua là nguyên nhân gây lo ngại. Sự xuất hiện của vấn đề này, cộng vào mối liên hệ của nó với sự phụ thuộc nặng nề của nền kinh tế Trung Quốc vào xuất khẩu và vị thế bá chủ của đồng đô la Mỹ, một nhân tố đóng góp khác, là sự dấn thân của các nhà đầu cơ quốc tế vào đầu cơ tài chính về sự tăng giá của đồng Nhân Dân Tệ trong tường lai. Khủng hoảng của nền kinh tế thực song hành với khủng hoảng tài chính, không thể được phân chia rạch ròi.

Một cuộc tranh luận khác là liệu cuộc khủng hoảng hiện tại mang tính chu kỳ hay cấu trúc. Hiện nay, một lần nữa, có vẻ như cả hai được liên kết với nhau. Khủng hoảng chu kỳ là khủng hoảng có thể tự quay trở lại tình trạng trước khủng hoảng; nếu nó mang tính cấu trúc, điều này có nghĩa là nó sẽ không thể quay trở lại cấu trúc trước đây của nó mà không gặp khó khăn lớn, và sẽ có một sự thay đổi về mặt cấu trúc. Nhìn vào mọi thứ bây giờ, tình hình kinh tế đã được cải thiện, điều này có thể khiến chúng ta nghĩ rằng cuộc khủng hoảng là theo chu kỳ, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là cấu trúc sẽ trở lại tư thế trước đây.

Chẳng hạn, liệu hệ thống tài chính có thể trở lại mô hình của thời kỳ đỉnh của chủ nghĩa tân tự do hay không? Trong quá trình ứng phó với khủng hoảng, các cơ cấu tài chính Mỹ và châu Âu bị quốc hữu hóa mạnh mẽ, chính phủ của tất cả các nước can thiệp ồ ạt vào nền kinh tế và lĩnh vực tài chính, và mặc dù các chính phủ bắt đầu điều chỉnh các kế hoạch phục hồi và rút khỏi ngân hàng, vẫn khó có khả năng lĩnh vực tài chính sẽ trở lại mô hình ban đầu.

© Zhang Kechun, “The Yellow River”

Một ví dụ khác, do khủng hoảng môi trường, vấn đề tài nguyên thiên nhiên và nhu cầu khôi phục các quan hệ xã hội đã bị phá hủy trong giai đoạn phát triển trước đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã tạo ra một kiểu cách phát triển cướp bóc khó duy trì, và chắc chắn chúng ta sẽ phải tăng đáng kể mức bồi thường xã hội của người lao động trung bình và dần dần cải thiện hệ sinh thái và môi trường. Gần đây, Mỹ đã nêu vấn đề nóng lên của khí quyển và tiết kiệm năng lượng, và các vấn đề môi trường dần trở thành chủ đề quan trọng của chính trị quốc tế, trong khi ở Trung Quốc, một số người nhận xét rằng nó chứa đựng trong đó vấn đề về chủ nghĩa đế quốc mới. Sử dụng các vấn đề môi trường để gây áp lực lên các nước thế giới thứ ba và cho phép các nước tiên tiến trốn tránh trách nhiệm của mình là điều đang thực sự xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những tác động phổ quát của biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu là một vấn đề nghiêm trọng và tác động của nó đang thể hiện nhanh chóng. Các vấn đề như sự tan chảy của các chỏm băng ở hai cực, sự biến mất của các vùng đất ngập nước, tiến trình sa mạc hóa ở một số vùng, sự ô nhiễm nghiêm trọng các sông hồ, sự thiếu hụt nguồn nước, có nghĩa là lối sống hiện tại của chúng ta không thể duy trì được. Trong bài viết của mình, Văn Giai Quân (Wen Jiajun, 文佳筠), người đã nghiên cứu những vấn đề này trong một thời gian dài, đã nêu lên các ví dụ về máy nước nóng năng lượng mặt trời và hầm khí sinh học nông thôn để minh họa việc Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, công nghệ than sạch đã dần dần chiếm vị trí hàng đầu trong thời gian gần đây và năng lượng gió cũng đang phát triển nhanh chóng - mặc dù một số người chỉ trích điều này, cho rằng những phát triển gần đây đã chứng kiến ​​những nỗ lực không được kiểm soát. Nhưng vấn đề là chủ nghĩa duy phát triển và chủ nghĩa duy tiêu dùng vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến mô hình phát triển của Trung Quốc, điều này nhanh chóng chuyển thành áp lực môi trường.

Văn Giai Quân từng là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh. Cô là một chuyên gia về các vấn đề toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu [Bình luận của Le Grand Continent].

Trên quan điểm này, nền kinh tế định hướng xuất khẩu phải thay đổi. Thứ nhất, để tránh những rủi ro kinh tế dài hạn và kích thích nhu cầu trong nước nhằm thay đổi sự phụ thuộc quá sâu vào xuất khẩu của chúng ta, cần tạo ra sự thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế; thứ hai, trong điều kiện của thị trường thế giới, việc cải thiện sản phẩm xuất khẩu cũng là một phương thức ứng phó với cơ cấu kinh tế toàn cầu hóa mới và là sự lựa chọn cần thiết để chuyển hóa tình trạng cạn kiệt quá mức của nguồn lao động trong nước và của tài nguyên thiên nhiên; thứ ba, với sự suy giảm dần của vị thế của nền kinh tế Hoa Kỳ, trong một thời gian dài, phải có một sự chuyển đổi đáng kể trong quan hệ kinh tế toàn cầu, một sự chuyển đổi phải được phản ánh trong quan hệ kinh tế ở Trung Quốc.

Ví dụ, những thay đổi về giá trị của đồng đô la Mỹ và việc tăng cường giá trị của Nhân dân tệ trong kế toán quốc tế, cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của nó trong thương mại địa phương, v.v. tất cả sẽ dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu kinh tế. Những thay đổi này có thể không phải là những thay đổi thường xuyên và mang tính chu kỳ, mà là những thay đổi mang tính tổng quát và cấu trúc. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng nếu không có những điều chỉnh về cơ cấu, chúng ta có thể sớm gặp phải một cuộc khủng hoảng cơ cấu khác, nhất là khi tình trạng dư thừa năng lực tiếp tục tạo ra sự bất ổn thông qua hệ thống tài chính và các vấn đề xã hội khác. Để đối phó với khủng hoảng kinh tế, chúng ta chắc chắn phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống an sinh xã hội, nâng cao trình độ của các dự án môi trường và khuyến khích nâng cấp liên tục nền kinh tế, xây dựng lại mối quan hệ hữu cơ và hòa bình giữa thành phố và nông thôn, tu sửa và phát triển các mối quan hệ xã hội bị phá hủy bởi chủ nghĩa duy phát triển mù quáng. Không có vấn đề nào trong số này là ngắn hạn; tất cả đều là những vấn đề cơ cấu dài hạn.

Trên quan điểm lịch sử, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn, các hệ thống xã hội và tư tưởng xã hội đều trải qua những thay đổi tương ứng. Bên cạnh các chính sách xã hội mới do khủng hoảng kinh tế tạo ra, chiến tranh, cách mạng và các phong trào xã hội cũng là sản phẩm phụ của các cuộc khủng hoảng. Mô hình cũ của các phong trào xã hội quy mô lớn – như phong trào nông dân, phong trào công nhân hay đấu tranh giai cấp – dường như đã thay đổi hình thái, và mặc dù có những cuộc chiến tranh giới hạn, nhưng không có chiến tranh như hai cuộc chiến tranh thế giới; các cuộc chiến tranh giới hạn đã không tạo ra các cuộc cách mạng hỗn loạn của thế kỷ 20, mà là các hình thức phản kháng mới.

Ở Trung Quốc, các cuộc xung đột do cuộc cải cách doanh nghiệp Nhà nước đã kéo dài nhiều năm do thiếu giải pháp hiệu quả cho vấn đề. Một số nhóm lợi ích và chính quyền cấp thấp hơn đã thúc đẩy các kế hoạch tư nhân hóa, dẫn đến các cuộc đấu tranh xã hội và bạo lực gần đây. Những sự khác biệt khu vực, những sự phân chia giữa thị trấn và nông thôn, và sự chia rẽ giàu nghèo đã làm nảy sinh những mâu thuẫn ngày càng tăng trong dân chúng, và sự trả thù xã hội mù quáng đã thay thế mô hình của các phong trào xã hội của thời kỳ trước.

Trên quan điểm chính trị, mối quan hệ giữa các khủng hoảng kinh tế và các thay đổi chính trị là không rõ ràng. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, kế hoạch thúc đẩy bảo hiểm y tế của Tổng thống Obama ít nhất đã thể hiện một xu hướng của cánh tả, bất kể nó thành công hay thất bại, nhưng kết quả cuối cùng không để lại nhiều chổ cho sự lạc quan. Ở châu Âu, chính trị đang chuyển sang cánh hữu, thể hiện qua các cuộc bầu cử của Sarkozy, Merkel và Berlusconi. Đảng Lao động Anh đang rối loạn, ngoài thực tế là nó không thể quyết định mình theo cánh tả hay cánh hữu. Các sự cố gần đây ở Bắc Triều Tiên và Iran cho thấy các vấn đề chính trị khu vực vẫn tiếp diễn. Làm thế nào để phân tích những thay đổi quan trọng trên nền này? Điều quan trọng nhất không phải là thay đổi một nhà lãnh đạo cao cấp, bởi vì ngay cả khi một người nào đó có vẻ tiến bộ nắm quyền lực, thì cũng khó có thể nói người đó có thể đóng vai trò gì trên trường quốc tế.

Một thay đổi quan trọng khác có thể được quan sát thấy trong quan hệ khu vực. Những chuyển đổi trong quan hệ khu vực và quan hệ quyền lực toàn cầu là những quá trình dài hạn, nhưng khủng hoảng kinh tế là một sự kiện nổi bật. Trên quan điểm của lịch sử chủ nghĩa tư bản, tất cả các cuộc khủng hoảng lớn trong quá khứ đều dẫn đến những thay đổi trong quan hệ quyền lực. Ví dụ, vị trí bá chủ của Mỹ dần dần được xác lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và của Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cấu trúc của Chiến tranh Lạnh là kết quả của hai bá quyền cạnh tranh này. Với sự trỗi dậy của hai bá quyền này, hệ thống bá quyền cũ chắc chắn đã suy tàn.

Ngày nay, chúng ta không còn ở thời đại của chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa thực dân đơn thuần, và chúng ta phải phân tích sự biến đổi của các mối quan hệ chính trị khu vực mới và các mối quan hệ quyền lực. Ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính đã không làm lung lay sâu quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ, nhưng bá quyền này đã bị suy yếu và sự suy giảm của nó sẽ là một quá trình lâu dài. Khi Hillary Clinton đến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo (温家宝, sinh năm 1942) đã thành thật bày tỏ “mối quan ngại” của mình đối với sự an toàn của các tài sản của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Mối quan tâm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là có thật, bắt nguồn từ mối quan hệ phụ thuộc về kinh tế. Nhưng nhìn từ bên ngoài, việc các nhà lãnh đạo của một quốc gia đang phát triển bày tỏ mối quan ngại của họ với một nhà lãnh đạo Mỹ về quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ một cách trực tiếp như vậy là điều không thể nào xảy ra mười năm trước. Nếu niềm tin của Trung Quốc vào đồng đô la Mỹ dao động, và nếu Trung Quốc dũng cảm thay đổi mối quan hệ phụ thuộc với Mỹ, thì điều này chắc chắn sẽ có tác động lâu dài đến vị thế bá chủ của Mỹ.

Trước cuộc khủng hoảng, cuộc cải cách hệ thống tài chính của Trung Quốc có xu hướng theo chủ nghĩa tân tự do, nhưng trong cuộc khủng hoảng, các ngân hàng của Trung Quốc đã trở thành ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất thế giới và hệ thống ngân hàng của Trung Quốc cũng trở thành một hệ thống ngân hàng tương đối ổn định. Nói cách khác, hệ thống kinh tế - tài chính trực tiếp lấy Mỹ và châu Âu làm trung tâm hiện đang bị đặt thành vấn đề. Liệu nền kinh tế Trung Quốc có mô hình riêng của nó hay không là một chủ đề được tranh luận sôi nổi vào lúc này, nhưng cuộc tranh luận này là kết quả của những nghi ngờ về các mô hình cũ và các bá quyền cũ, và đây là lý do tại sao sự nhiệt tình đối với mô hình Trung Quốc thường lớn hơn ở những nơi khác bên ngoài Trung Quốc.

© Zhang Kechun, “The Yellow River”

Trong nhiều thế kỷ qua, trung tâm quyền lực thế giới đã thay đổi nhiều lần, nhưng vẫn ở phương Tây. Lần này thì khác, bởi vì trong khi Châu Âu và Châu Mỹ đối mặt với những thách thức mạnh mẽ, vị trí của Châu Á và đặc biệt là Trung Quốc đã thay đổi. Hoa Kỳ đã là một bá quyền quan trọng trong một thời gian dài, nhưng Hoa kỳ không còn là một bá quyền tuyệt đối, và sẽ tiếp tục một sự suy tàn tất yếu. Về lâu dài, sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng lớn đến thế giới. Điều cần lưu ý là những thay đổi không chỉ xảy ra ở Trung Quốc; gần đây, Hội nghị BRIC lần thứ 2 và Hội nghị sáu nước Thượng Hải được tổ chức gần nhau và cả hai đều bày tỏ tầm nhìn của mình về sự toàn cầu hóa. Trong các cuộc đàm phán của hội nghị BRIC, các cuộc tranh luận và chia rẽ khá quan trọng, nhưng ý chí thách thức trật tự cũ là rõ ràng. Tỷ lệ thương mại của Trung Quốc được tính bằng Nhân dân tệ ngày càng lớn và tầm quan trọng của hiện tượng này không chỉ giới hạn ở hai đối tác thương mại mà còn đối với toàn thế giới, và là một thách thức đối với quyền bá chủ hiện có.

Shanghai Six là một bước trong quá trình phát triển của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một diễn đàn tập hợp một số quốc gia Á-Âu để tạo điều kiện thảo luận về các chiến lược và các mối quan tâm chung [Bình luận của Le Grand Continent].

Với sự chuyển hướng phát triển kinh tế sang khu vực Thái Bình Dương hoặc Đông Á, các mối quan hệ quyền lực toàn cầu hiện đang trải qua những thay đổi về cấu trúc. Ngay cả trong điều kiện khủng hoảng, tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, nhưng trong bối cảnh toàn cầu, nó vẫn ở mức cao. Sự tăng trưởng kinh tế này là một yếu tố tích cực trong nền kinh tế thế giới, ngay cả khi sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần mang lại nhiều vấn đề cho việc điều chỉnh cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc không phải là một hiện tượng cá biệt; so với các khu vực khác, toàn bộ Đông Á đang phát triển nhanh chóng và hội nhập kinh tế của khu vực này cũng diễn ra nhanh chóng. Sự trỗi dậy của Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc và Đông Á trong toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ làm thay đổi cục diện của thế giới thứ ba truyền thống và sẽ góp phần tạo ra một thế giới đa cực. Cuộc khủng hoảng tài chính này là một tín hiệu, không phải là một sự điều chỉnh thông thường, mà là một mắt xích trong một sự chuyển đổi cơ cấu rộng lớn hơn.

Điều đặc biệt thú vị cần lưu ý là cấu trúc quyền lực bá quyền thế giới cũ không chỉ là một bá quyền kinh tế thuần túy và một cấu trúc kinh tế, mà còn đi kèm với một tập hợp các quan hệ chính trị, xã hội và giá trị văn hóa. Hiện tại, những điều chỉnh cơ cấu kinh tế đang được tiến hành, trong khi những thay đổi về văn hóa và chính trị đòi hỏi nhiều sáng tạo hơn. Những khuôn mẫu mới, những quan hệ xã hội mới không tự nhiên xuất hiện mà phải do con người tạo ra. Nếu những biến đổi cấu trúc do cuộc khủng hoảng này gây ra chỉ là những biến đổi của các quan hệ khu vực, thì chúng chẳng khác gì những thay đổi trong quan hệ bá quyền. Câu hỏi thực sự cần được tranh luận ngày nay là: Trung Quốc hiện nay chiếm giữ vị trí quốc tế nào? Trung Quốc mong muốn loại quan hệ xã hội nào? Loại văn hóa chính trị nào? Nói cách khác, chúng ta phải suy nghĩ về cuộc khủng hoảng kinh tế và mối quan hệ của nó với nền chính trị mới và nền văn hóa mới. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Trung Quốc đã trải qua Phong trào Văn hóa Mới, điều cũng dẫn đến việc tạo ra một nền chính trị mới. Tương tự như vậy, bây giờ chúng ta phải tra cứu về mối quan hệ giữa khủng hoảng tài chính và chính trị.

Tiếp nối sự tăng trưởng kinh tế của mình, Trung Quốc đã tìm cách mở rộng hợp tác quốc tế và thị trường của mình. Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi và các khu vực khác đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận và sự khó chịu ở phương Tây. Người ta tự hỏi liệu Trung Quốc, trước sự toàn cầu hóa kinh tế, không những có thể tạo ra một con đường phát triển khác mà còn có thể tránh đối xử với phần còn lại của thế giới theo cách khác với phương Tây không?

Đây là một thách thức đáng kể. Trung Quốc từng có truyền thống quốc tế chủ nghĩa và rất quan tâm đến hoàn cảnh của Thế giới thứ ba, và thanh danh của Trung Quốc ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh cũng như ở phần còn lại của Thế giới thứ ba tiếp tục được hưởng lợi từ truyền thống này. Những truyền thống này có thể tiếp tục hữu ích trong điều kiện hàng hóa hóa và toàn cầu hóa không? Chủ nghĩa tư bản về bản chất là bành trướng; các yêu cầu về tài nguyên của nó cũng tăng mạnh, cho dù ở một quốc gia hay trên phạm vi toàn cầu. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng các truyền thống quốc tế hiện đại của Trung Quốc phải được cập nhật - không phải chủ nghĩa quốc tế nhằm xuất khẩu cách mạng, mà là một chủ nghĩa thực sự quốc tế quan tâm và tôn trọng sự tồn tại, sự phát triển và các quyền xã hội của các nước thuộc Thế giới thứ ba, đồng thời tìm kiếm con đường dẫn đến hòa bình, dân chủ và phát triển chung trong khuôn khổ toàn cầu. Nếu chúng ta từ bỏ việc phân tích cấu trúc của quyền bá chủ toàn cầu, thì không thể phân tích sâu sắc và chính xác về vị trí trên thế giới của Trung Quốc.

Các vấn đề về vị thế quốc tế gắn với những thay đổi trong những quan hệ trong nước. Trung Quốc muốn phát triển loại văn hóa kinh doanh và văn hóa chính trị nào? Trung Quốc sẽ khác bá quyền Mỹ như thế nào? Trung Quốc nên khác với chủ nghĩa tư bản nguyên thủy. Thị trường đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa và chính trị, nhưng chúng ta không thể để logic thị trường trở thành logic thống trị. Từ quan điểm của cấu trúc kinh tế, vị trí của người lao động nên được cải thiện đáng kể, và hệ sinh thái và môi trường tự nhiên nên được cải thiện. Xa lánh việc nhấn mạnh vào các mối quan hệ chính trị và kinh tế là điều hiếm khi được thảo luận. Cuộc khủng hoảng cấu trúc hiện nay là cuộc khủng hoảng của mô hình thống trị cũ, và đã đến lúc tạo ra một mô hình chính sách mới.

Những năm 1990 đã qua. Năm 2008 là một tín hiệu. Trong những năm gần đây, quá trình hậu 1989 có dấu hiệu kết thúc, mặc dù sự kiện này vẫn giữ một tầm quan trọng nhất định. Nhưng quá trình này đã kết thúc vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng đánh dấu thực tế là đường lối kinh tế tân tự do gặp phải một thách thức đáng kể trên toàn thế giới. Ở Trung Quốc, quá trình này diễn ra sau một loạt sự kiện, từ bạo loạn ở Tây Tạng — diễn ra vào tháng 3 năm 2008 — đến trận động đất ở Tứ Xuyên, đến Thế vận hội Bắc Kinh và cuối cùng là cuộc khủng hoảng tài chính. Xã hội Trung Quốc có cách hiểu khác biệt của mình về vị trí của mình trên thế giới toàn cầu hoá và cơ chế quản lý rủi ro của Trung Quốc đã thể hiện theo cách khác. Ở các xã hội phương Tây, các cuộc thảo luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc đã diễn ra từ lâu, nhưng trong cuộc khủng hoảng, người ta chợt nhận ra rằng Trung Quốc là một chủ thể kinh tế cần phải đối đầu, đứng thứ hai sau Hoa Kỳ, và là nước thể hiện một sự tự tin tương ứng đã phát triển nhanh hơn dự kiến.

David Ownby

Sự thay đổi này thật ấn tượng, và ở một mức độ nào đó là sản phẩm của sự tình cờ, nhưng không phải ngẫu nhiên. Vấn đề rất có thể là xã hội Trung Quốc vẫn chưa điều chỉnh được vị thế mới của mình trong xã hội quốc tế; những mâu thuẫn tích lũy của xã hội Trung Quốc trong quá trình thương mại hóa và những rủi ro phát sinh trong quá trình toàn cầu hóa cũng chưa từng có. Như một đề xuất, hãy nói rằng ý nghĩa thực sự của cụm từ “cuối những năm 1990” là tìm kiếm một kiểu chính trị mới, một con đường mới và một hướng đi mới.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Wang Hui et la nouvelle gauche“, Le Grand Continent, 12/10/2022.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Ví dụ xem Wang Hui, China’s New World Order (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2003); Wang Hui The End of Revolution: China and the Limits of Modernity (Londres: Verso, 2009); Wang Hui, The Politics of Imagining Asia, ed. Theodore Huters (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011); Wang Hui, China from Empire to Nation-State (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2014); chi tiết hơn xem, https://ccr.ubc.ca/wang-hui/

[2] (Beijing: Shenghuo, Dushu, Xinzhi Sanlian Shudian: 2005).

[3] “20纪初期的文化冲突与鲁迅的文化哲学, “中国社会科学 1989年第2

[4] 关于<子夜>的几个问题, “中国现代文学研究丛刊,1989年第1

[5] 梁启超的科学观及其与道德, 宗教之关系,” 学人 2辑,1992

[6] “‘赛先生在中国的命运中国现代思想中的科学概念及其运用,” 学人 7辑,1992

[7] 当代中国的思想界状况与现代性问题,” 天涯 1997年第5期

[8] 亚洲想象的谱系, “视界 第8, 2002.

[9] 改制与中国工人阶级的历史命运, “天涯, 2006年第1 ; “去政治化的政治、霸权的多重构成与六十年代的消失, “台湾社会研究季刊200612月,第六十四期;开放时代2007年第2.

[10] Xem Barmé, Geremie R. et Gloria Davies, Have We Been Noticed Yet? Intellectual Contestation and the Chinese Web, dans Edward Gu et Merle Goldman, eds, Intellectuals Between State and Market. (New York: Routledge, 2004): 75-108.

[11] , “中国崛起的经验及其面临的挑战,” 文化纵横 (Beijing Cultural Review), 2010.2: 24-35.

[12] “The Rumor Machine: Wang Hui on the Dismissal of Bo Xilai”, London Review of Books, 34.9 (10 mai 2012): 13-14.



[*] David Ownby là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á và khoa lịch sử tại Đại học Montreal, nơi ông giảng dạy từ năm 1994. Nghiên cứu của ông tập trung vào lịch sử tôn giáo ở Trung Quốc hiện đại và đương đại cũng như vị trí của giới trí thức đương đại ở Trung Quốc.

Print Friendly and PDF