29.9.23

Chủ nghĩa tư bản kìm nén điều gì?

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN KÌM NÉN ĐIỀU GÌ? MỘT QUAN ĐIỂM CỦA PHÁI JUNG

Lynn Parramore

Ngày 17 THÁNG SÁU 2022

HÀNH VI CON NGƯỜI

Carl Jung (1875-1961)

Việc hàng tỷ người sống trong nỗi bất an và bất công [khiến cho chủ nghĩa tư bản] hầu như không phải là một hệ thống duy lý.

Kinh tế học thể hiện bản thân nó như là một ngành khoa học duy lý liên quan đến các thước đo khách quan và những cách tiếp cận định lượng, song các nhà quan sát sắc sảo từ lâu đã nhận ra rằng nó tràn ngập các yếu tố ma mị, kỳ ảo, phi duy lý và vô thức. Điều đó khiến nó trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người nghiên cứu về tâm lý con người.

Các cuộc thảo luận đương thời về kinh tế học và tâm lý học chủ yếu tập trung vào kinh tế học hành vi, trong khi tâm phân học, nhánh vốn có vẻ như được dành riêng cho việc nâng cao khả năng nhận thức về vô thức, lại ít xuất hiện hơn trong các cuộc trò chuyện. Hơn nửa thế kỷ trước, các nhà tư tưởng như Norman O. Brown và Herbert Marcuse đã thu hút được sự chú ý rộng rãi khi đi sâu vào các ngóc ngách ẩn giấu và những động cơ vô thức của kinh tế học, nhưng từ những năm 1960, khi Sigmund Freud không còn được giới học thuật ưa chuộng nữa, thì các cách tiếp cận tâm phân đã bị gạt sang một bên hoặc bị đổi tên – mặc dù trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu khoa học gần đây ủng hộ khái niệm vô thức của Freud.

Ngày nay, khi vật lộn với các hệ thống kinh tế dường như ngày càng hủy hoại sự yên vui (wellbeing) của con người, có lẽ đã tới lúc chúng ta cần xem xét lại liệu tâm phân học có điều gì hữu ích để nói về khoa học buồn thảm hay không?

Tên của vị bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ Carl Jung, người bị ám ảnh bởi những mối quan tâm thần bí và chỉ một số ít người có thể hiểu được, có lẽ nghe có vẻ đặc biệt lạc lõng tại một hội nghị kinh tế. Nhưng trong cuốn Vì tình yêu với trí tưởng tượng: Các ứng dụng liên ngành của tâm phân học phái Jung của mình, nhà tâm phân học và giáo sư tâm lý học Michael Vannoy Adams cho thấy sự chú ý đặc biệt của Jung đối với các hình ảnh —khiến chúng trở nên có ý thức cũng như để hiểu được ý nghĩa và sức ảnh hưởng của chúng — có thể giúp chúng ta lượm lặt những gì nằm dưới cái bóng [mặt tối] của chủ nghĩa tư bản đương đại.

Khởi điểm [trong cuốn sách] của Adams là hình ảnh của Adam Smith về bàn tay vô hình, đại diện huyền thoại của lực lượng vô hình sắp xếp những hành động ích kỷ về kinh tế của các cá nhân thành những lợi ích tập thể. Theo góc nhìn của Adams, bàn tay vô hình không chỉ là ý tưởng then chốt trong kinh tế học, mà còn là “hình ảnh quan trọng nhất của 250 năm qua” – nó có vai trò tối quan trọng đối với chủ nghĩa tư bản giống như hình ảnh búa liềm đối với chủ nghĩa cộng sản vậy. Theo thuật ngữ phái Jung, nó là [hình ảnh] nguyên mẫu (archetypal). Adams khẳng định: “Chẳng có hình ảnh nào khác tràn ngập và chi phối thế giới hiện đại đến vậy.

Michael Vannoy Adams

Ông chỉ ra rằng so với các hình ảnh xưa giờ, bàn tay vô hình là một hình ảnh kỳ lạ. Bạn thực sự không thể nào hình dung nó. Tuy nhiên, như Adams nhắc nhở chúng ta, trước khi Smith dùng hình ảnh bàn tay vô hình, nó đã được lưu truyền từ rất lâu trong những công trình của các tác gỉa từ Homer đến Voltaire để chỉ các thế lực ma quái hoặc thần linh can thiệp vào những sự tình của con người. Các học giả văn chương lưu ý rằng vào khoảng thời gian mà Smith sử dụng nó, những bàn tay vô hình đã xuất hiện trong các tiểu thuyết Gothic để đóng sập các cánh cửa và tác động lên cốt truyện về con người. Adams chỉ ra một phiên bản đặc biệt gợi liên tưởng của bàn tay được trích dẫn trong cuốn Đam mê và Sở thích [The Passions and the Interests] của A.O. Hirschman – một bản vẽ lại về một bàn tay siêu nhiên, phi vật chất siết chặt trái tim con người dưới phương châm, “Affectus Comprime” hoặc, theo cách dịch của Hirschman, “Hãy kìm nén những đam mê!” (Repress the Passions). Một hình ảnh tâm phân, như chưa từng có.

Adam Smith (1723-1790)

Như Adams đã chỉ ra, khi Smith lần đầu tiên đề cập tới bàn tay ở một khảo luận về thiên văn học (trong một bài tiểu luận chưa được xuất bản khi ông còn sống nhưng có lẽ được viết trước năm 1758), đó là một hình ảnh thần thoại – bàn tay của Jupiter, vua của các vị thần, đang di chuyển các thiên thể trên bầu trời. Sau đó, bàn tay này trở thành bàn tay kinh tế, được đề cập đầu tiên trong cuốn Lý thuyết về những tình cảm luân lý [Theory of Moral Sentiments] xuất bản năm 1759 rồi sau đó một lần nữa trong cuốn Sự giàu có của các quốc gia [The Wealth of Nations] xuất bản năm 1776.

Smith hiểu bàn tay vô hình kinh tế như là sức ảnh hưởng khiến các cá nhân theo đuổi tư lợi sẽ thúc đẩy lợi ích chung mà bản thân họ cũng không nhận ra điều đó. Trong cuốn Lý thuyết về những tình cảm luân lý, khi phác thảo một trường hợp trong đó một chủ đất giàu có cuối cùng vô tình tạo ra công ăn việc làm cho những người lao động thông qua việc tiêu xài những món hàng xa xỉ, Smith minh họa rằng bàn tay giúp đỡ những người giàu có, bất chấp “những ham muốn vô độ” của họ, để chia sẻ một phần tài sản của họ với người nghèo. Sau này, trong cuốn Sự giàu có của các quốc gia, ông mô tả bàn tay [vô hình] trong một mục về giao thương, gợi ý rằng nó hướng dẫn các thương nhân và những nhà công nghiệp chế tạo hành động vì lợi ích của chính họ để vô tình sản sinh ra các kết quả tích cực cho tất cả mọi người.

Thế nên, bằng một ma thuật táo bạo nào đó, cái chạm của bàn tay vô hình đã biến tính vị kỷ thành một đức hạnh. Như Adams đã nói, điều này tạo nên một “sự đảo ngược luân lý” – một sự đảo lộn truyền thống lâu đời xem tính vị kỷ như là một trong những đặc điểm con người ít được mong muốn nhất. Theo cách Adams nhìn nó, tác động của sự đảo ngược này đối với những sự tình của con người là rất sâu sắc.

Qua lăng kính phân tích theo phái Jung của Adams, có thể thấy bàn tay vô hình đã xóa sạch tội. Dưới sức ảnh hưởng của nó, một người có thể cảm thấy vô tội khi hành động tham lam và đam mê điều mà trước đây người ta gọi là một trong bảy tội lỗi. Theo thuật ngữ phái Jung, điều xảy ra khi ta không nhận ra tội của mình thì ta có xu hướng chiếu nó lên những người khác như một cái bóng, cái tượng trưng cho những xung đột luân lý chưa được giải quyết của mình. Trong các hệ thống thị trường tự do, người nghèo bị quy trách nhiệm, đổ tội cho hoàn cảnh của họ và không hành động theo cách gia tăng của cải của họ. Người nghèo quy tội cho những hành động tư lợi của người giàu.

Adams lưu ý rằng bàn tay [vô hình] cũng đáp ứng một chức năng tôn giáo, cụ thể là nó đại diện cho thần thị trường, vị thần được các nhà kinh tế tôn thờ từ lâu. Ông coi vị thần này là deus absconditus – một vị thần, giống như hình tượng của Đức Ya-vê trong Kinh Thánh, được ẩn giấu và che đậy. Theo một nét nghĩa khác, deus absconditus là một vị thần vắng mặt khi con người gặp tình trạng bất ổn cùng cực. Hoặc một vị thần không thể biết hoặc không thể hiểu được. Chẳng hạn như, tại sao một bàn tay vô hình thậm chí còn cần thiết nếu hành vi vị kỷ tự nhiên sản sinh ra những kết quả có lợi cho xã hội?

Adams lưu ý rằng giống như Đức Ya-vê, hình ảnh của bàn tay vô hình ưu tiên cái vô hình hơn cái hữu hình, ưu tiên cái trừu tượng hơn cái hiện thân, và ưu tiên lý trí hơn các giác quan. Chức năng này dường như tràn ngập kinh tế học, nơi mà những nhà thực hành kinh tế học (practitioners) thường say mê các mô hình trừu tượng khiến họ tự bịt mắt trước những gì có thể dễ dàng nhìn thấy trong thực tại, đặc biệt là tình trạng nghèo đói và khổ đau của những người trần mắt thịt, tồn tại trên thế gian. Với tư cách là thần thị trường, bàn tay [vô hình] trở thành deus ex machina giống như một vị thần hạ xuống sân khấu trong các vở kịch cổ đại để quyết định kết quả chung cuộc của vở kịch, hay, chính theo nghĩa rộng này mà còn được dịch là, cơ chế đưa ra lời giải cho một vấn đề tưởng như nan giải. Bằng cách này, bàn tay vô hình thao túng nền kinh tế theo một cách thiêng liêng và máy móc. Dù vấn đề kinh tế là gì, dù gai góc tới đâu đi nữa, thì bàn tay vô hình vẫn là giải pháp duy nhất: TINA chẳng có giải pháp nào khác để thay thế cả (There Is No Alternative). Lên tiếng chống lại thần thị trường là nghi ngờ uy tín của bạn, là phạm tội dị giáo. Đối với những người tôn thờ bàn tay [vô hình], thị trường có sự khôn ngoan vô hạn để hành xử theo cách của nó.

Adams nhận xét rằng thần thị trường là một vị thần ganh tị, và giống như Đức Ya-vê, sẽ chẳng có vị thần nào khác trước vị thần này. Nếu chính phủ tìm cách can thiệp vào thị trường có tính thiêng và lòng nhân từ, thì chính phủ sẽ trở thành quỷ dữ. Theo Adams, hình ảnh này của thần thị trường cho phép các nhà kinh tế kìm nén sự trải nghiệm thực tế về các cuộc khủng hoảng kinh tế bằng cách cầu viện đến câu thần chú rằng sự can thiệp của chính phủ chẳng bao giờ là cần thiết. Vì thế, những điểm bất toàn của thị trường được xem như bị xoá sổ trong cõi mà Adams gọi là “vô thức kinh tế” (economic unconscious). Sự độc quyền của thần thị trường lấn át những hình ảnh khác, Adams cảnh báo, những hình ảnh có thể giúp định hướng cho chúng ta vươn tới những giá trị như tính không vị kỷ chẳng hạn.

Adams chỉ ra rằng khi loại bỏ sự cần thiết phải có sự điều tiết của chính phủ, bàn tay [vô hình] không cần tới bất kỳ trách nhiệm giải trình nào của con người đối với nền kinh tế cả. Cuối cùng, trong tầm nhìn cực đoan của chủ nghĩa tân tự do, mọi khía cạnh của xã hội loài người đều bị kìm kẹp trong bàn tay [vô hình], với việc tư nhân hóa mọi thứ từ y tế đến giáo dục. Thị trường khiến các chính phủ trở nên không cần thiết ngoại trừ việc bảo vệ những lợi ích của các nhà tư bản, điều này dẫn tới việc các tập đoàn và những cá nhân giàu có bỏ ra vô số tiền bạc để kiểm soát nhà nước và tăng cường quyền lực của họ. Bàn tay vô hình trong các thị trường không được kiểm soát dường như làm điều ngược lại với những gì Smith mô tả – dẫn đến hoạt động có xu hướng chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người.

Cũng như cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu những năm 2007-2008, đại dịch vi-rút corona đã làm mất uy tín của hệ tư tưởng của bàn tay vô hình, điều này cho thấy cách hoạt động vị kỷ không ngừng nghỉ và ác liệt chẳng những không sản sinh ra những lợi ích xã hội mà còn hủy hoại xã hội. Cuộc khủng hoảng Covid cho thấy sự xuống cấp của những dịch vụ công khiến các xã hội tư bản chủ nghĩa dễ bị tổn thương trước những gián đoạn và kém linh hoạt hơn như thế nào. Bàn tay hữu hình của chính phủ đã trở lại thông qua việc kích thích tài chính, trợ cấp cho người lao động thất nghiệp và chính sách tiền tệ. Đã xuất hiện tình trạng bội giáo, song điều đó không có nghĩa là thần thị trường đã bị đánh bại. Chứng kiến những cuộc tranh luận hiện tại đến từ nhiều đảng viên đảng Cộng hòa và gần đây là từ Jeff Bezos, ông đổ tội tình trạng lạm phát cao cho Kế hoạch Giải cứu người Mỹ của [tổng thống] Biden và các những đợt kiểm tra biện pháp kích thích của chính phủ, như thể những vấn đề về chuỗi cung ứng và các hoạt động độc quyền chẳng liên quan gì tới điều đó. Như thể niềm tin vào sự khôn ngoan của việc chẳng thể nghi ngờ thần thị trường không dẫn tới việc hàng tỷ người phải trải qua một cuộc sống túng thiếu và khốn khó.

Có rất nhiều cuộc nói chuyện về khả năng suy thoái kinh tế – có lẽ chúng ta cũng nên lo ngại về tình trạng kìm nén đang diễn ra. Vào năm 1957, Jung đưa ra lời cảnh báo về việc không nhận ra cái bóng và hiểu được hoạt động của vô thức:

“Người ta có thể coi dạ dày hay trái tim của mình là không quan trọng và đáng khinh bỉ, nhưng điều đó lại không ngăn được việc ăn quá nhiều hay làm việc quá sức, những tình trạng gây ra các hệ quả tác động lên toàn bộ con người. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng những sai lầm của tâm thức và các hệ quả của chúng có thể được loại bỏ chỉ bằng những từ đơn giản, vì đối với hầu hết mọi người, “tâm thức” chẳng có hệ trọng gì. Tuy nhiên, chẳng ai có thể phủ nhận rằng nếu không có tâm thức thì sẽ không có thế giới nào cả và càng chẳng thể có thế giới loài người. Hầu như mọi sự đều phụ thuộc vào tâm hồn của con người và những chức năng của nó. Nó xứng đáng với tất cả sự chú ý mà chúng ta có thể dành cho nó, đặc biệt là ngày nay, khi mọi người đều thừa nhận rằng sự thịnh vượng hay khốn khó của mai sau sẽ không được quyết định bởi sự tấn công của các loài động vật hoang dã hay bởi các thảm họa tự nhiên hay bởi sự nguy hiểm của các dịch bệnh trên toàn thế giới mà chỉ đơn giản bởi những thay đổi trong tâm thức của con người mà thôi.”

Nhà tâm phân học thời đầu Otto Gross, một cộng sự thân cận và cũng là người có ảnh hưởng tới Jung, cho rằng các cuộc điều tra về vô thức là nền tảng cần thiết cho bất kỳ hình thức của cách mạng hay sự khôi phục luân lý nào. Ông chỉ cho chúng ta biết về dự án giải phóng các giá trị bị kìm nén của sự tương trợ và hợp tác mà con người từ khi sinh ra đã có. Chỉ khi đấy, chúng ta mới có thể vẫy tay chào từ biệt bàn tay vô hình.

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Lynn Parramore

Lynn Parramore

Nhà phân tích nghiên cứu cao cấp

Chuyên viên phân tích nghiên cứu cao cấp, INET

Nguyễn Việt Anh dịch

Huỳnh Thị Thanh Trúc góp ý

Nguồn: Article What Does Capitalism Repress? A Jungian Perspective, Institute for New Economic Thinking, Jun 17, 2022.

---

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF