Trần Hải Hạc
Đọc lại Tư bản (IV)
LƯU Ý CỦA TÁC GIẢ - DỊCH GIẢ
Trần Hải Hạc (1945-) |
Năm 2003, công trình nghiên cứu Pháp ngữ Relire Le Capital. Marx, critique de l’économie politique et objet de la critique de l’économie politique của Trần Hải Hạc ra mắt ở nhà xuất bản Page Deux (Lausanne, Thụy Sĩ) và gồm hai tập sách (t. 1, 397 trang; t. 2, 366 tr.). Từ đầu năm 2021, với nhan đề Đọc lại Tư bản. Marx, phê phán chính trị kinh tế học và đối tượng của phê phán chính trị kinh tế học, bản dịch tiếng Việt do tác giả tự thực hiện sẽ được công bố từng phần trên trang Phân tích kinh tế.
Phần thứ tư (IV) bao gồm các nội dung như sau:
Tiêu đề II: Vấn đề biểu hiện của giá trị và khái niệm về tiền tệ
Chương 3: Tính đối cực tiền tệ – hàng hóa
Mục lục
Xem các phần trước:
Do không có đầy đủ bản Việt ngữ các trước tác của Marx, dịch giả chọn sử dụng bản Pháp ngữ của các tác phẩm và tự chuyển ngữ. Trong thư mục, các văn bản của Marx được xếp theo thứ tự năm xuất bản tác phẩm gốc hoặc năm Marx biên soạn bản thảo, tiếp theo là nhan đề tiếng Việt của tác phẩm và quy chiếu của văn bản tiếng Pháp. Đặt ở phía sau mỗi chương, các chú thích trích dẫn tác phẩm của Marx gồm có tên của văn bản Việt ngữ và quy chiếu đến văn bản Pháp ngữ.
Khi chuyển ngữ một số thuật ngữ của Marx chưa được thông dụng, lần đầu chúng tôi kèm theo từ Pháp ngữ trong dấu ngoặc đơn, đồng thời phía sau đây chúng tôi gom các thuật ngữ đó trong một bảng đối chiếu Việt - Pháp. Khi cần thiết, chúng tôi bổ sung bảng thuật ngữ với những chú giải về chọn lựa cách chuyển ngữ.
THUẬT NGỮ VIỆT - PHÁP
Hình thái giá trị/Hình thái của giá trị (Forme valeur/Forme de la valeur). Trong lý luận về giá trị, Marx phân biệt “hình thái giá trị” (forme valeur) và “hình thái của giá trị” (forme de la valeur). Phạm trù hình thái giá trị chỉ giá trị với tính cách là hình thái xã hội, giá trị như là quan hệ xã hội lịch sử đặc thù. Phạm trù hình thái của giá trị (forme de la valeur) chỉ hình thái biểu hiện của giá trị hay hình thái hiện tượng của nó, tức hình thái tiền tệ của giá trị giá mà Marx còn gọi là “giá trị trao đổi” để phân biệt với “giá trị”. Sự phân biệt này không phải lúc nào cũng rõ ràng trong các văn bản của Tư bản, như trong ấn bản đầu tiên của Quyển I năm 1867, cho nên trong ấn bản 1875, tức phiên bản tiếng Pháp, Marx đã phải đính chính khi trình bày hình thái của giá trị hay giá trị trao đổi: “Nếu ở đoạn đầu chương này, theo cách nói thông thường, chúng tôi có nói: hàng hóa là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, thì xét theo nghĩa đen từng chữ, nói như vậy là sai. Hàng hóa là giá trị sử dụng hay đối tượng sử dụng, và là giá trị. Hàng hóa chỉ biểu hiện thành một vật hai mặt khi giá trị của nó có một hình thái hình tượng riêng, khác với hình thái tự nhiên của nó, tức hình thái giá trị trao đổi”[1]. Còn trong Bản thảo 1861-1863, để tránh hiểu sai, Marx phải cảnh báo người đọc: “Khi chúng tôi sử dụng từ giá trị mà không có chi tiết gì khác thì bao giờ cũng nên hiểu là giá trị trao đổi”[2].
Ngoài ra, thuật ngữ Đức ngữ “Werthform” mà Marx dùng để trình bày hình thái của giá trị ở Quyển I không được chuyển ngữ một cách thống nhất trong các ấn bản tiếng Pháp của bộ Tư bản. Trong ấn bản tiếng Pháp 1875 do chính tay Marx chỉnh sửa, thuật ngữ được dịch là “forme de la valeur”; còn trong ấn bản sau cùng của nhà xuất bản Editions Sociales năm 1983, nó được được dịch là “forme-valeur” làm cho khó phân biệt phạm trù hình thái giá trị với phạm trù hình thái của giá trị[3].
Thâu gồm (Subsomption) – Trong triết học Kant, “thâu gồm” (subsomption) là đưa một đối tượng vào khái niệm của nó, đưa cái cá biệt vào cái phổ quát, theo nghĩa đặt nó vào quy luật của cái phổ quát. Marx vay mượn khái niệm này để phân tích các quan hệ về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Trong Hệ tư tưởng Đức, ông phân tích “sự thâu gồm của những cá nhân vào những giai cấp nhất định”[4]. Bộ Tư bản triển khai lý luận về “sự thâu gồm lao động vào tư bản” theo đó, trong mối quan hệ với tư bản, lao động chỉ tồn tại như là hình thái của tư bản; lao động không tồn tại như là hoạt động thể lực và trí lực mà người lao động tiến hành trong mọi phương thức sản xuất, nó trỏ hoạt động đặc thù của người làm công trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là tạo nên giá trị thặng dư cho chủ tư bản. Theo nghĩa đó tư bản thâu gồm lao động như là hình thái của nó[5].
Trong các bản dịch tiếng Việt của nhà xuất bản Sự Thật, thuật ngữ Đức ngữ “Subsumtion” được chuyển ngữ là: “sự phụ thuộc” của những cá nhân vào những giai cấp nhất định (Hệ tư tưởng Đức), “sự lệ thuộc” của lao động vào tư bản (Tư bản, Quyển I) hay “sự phục tùng” của lao động đối với tư bản (Bản thảo kinh tế những năm 1861-1863) - tức chỉ nói lên một khía cạnh của nội dung khái niệm của Marx. Theo Trần Hữu Quang mà chúng tôi có tham khảo ý kiến, muốn diễn tả hết nội dung đó có lẽ cần tạo ra một từ mới như là “sự hàm nhiếp” (hàm: bao hàm; nhiếp: thu lấy) đã xuất hiện trong từ điển Trung Quốc. Tạm thời, chúng tôi sử dụng cách chuyển ngữ đơn giản của Bùi Văn Nam Sơn là “sự thâu gồm” trong bản dịch Phê phán lý tính thuần túy của Kant (nxb Văn học, 2004, tr. 1231).
Tính khách thể, tính vật (Objectalité) - Bản thân tác gỉa Tư bản gặp khó khăn khi chuyển ngữ thuật ngữ tiếng Đức “Gegenstandlichkeit” sang tiếng Pháp. Trong phiên bản Pháp ngữ 1875 của Quyển I do chính Marx kiểm tra việc dịch thuật, ông đã tránh né khó khăn trong Chương 1 bằng cách không chuyển ngữ mà dùng một thuật ngữ khác là “réalité” (hiện thực) để thay thế[6]. Trong các phiên bản Pháp ngữ về sau của Quyển I, các dịch giả đều chuyển ngữ “Gegenstandlichkeit” là “objectivité”[7] và gặp phải trở ngại là thuật ngữ này thường được dùng để chỉ “tính khách quan” đối lập với tính chủ quan (subjectivité).
Để khắc phục vấn đề đó, phiên bản Pháp ngữ mới nhất của Quyển I ở nxb Editions Sociales đã chọn thay “objectivité” bằng một từ tạo mới là “objectalité” để chỉ “tính vật” (le caractère d’objet)[8]. Trong khảo cứu việt ngữ này, chúng tôi đề nghị chuyển ngữ “Gegenstandlichkeit” là “tính vật” hay là “tính khách thể”.
Bề ngoài giả hình: Fausse apparence
Bó buộc giá trị thặng dư: Contrainte à la survaleur, à la plus-value
Bó buộc tiền tệ: Contrainte monétaire
Cái biểu đạt: Signifiant
Cái được biểu đạt: Signifié
Cái cụ thể hiện thực: Concret réel
Cái cụ thể trong tư duy: Concret de pensée
Cái phổ quát: Universel, généralité
Cái phổ quát cụ thể: Universel concret
Cái quy chiếu: Référent
Chỉ số hóa: Indexation
Cương vị lý luận: Statut théorique
Danh pháp: Nomenclature
Duy danh: Nominalisme
Duy hình thức: Formalisme
Duy kim loại: Métallisme
Duy lịch sử: Historicisme
Duy nhà nước: Etatisme
Duy thực thể: Substancialisme
Đè xẹp: Aplatissement
Đổi chác: Troc
Đúc tiền: Monnayage
Đặc quyền đúc tiền: Seigneuriage
Giống / loài: Genre, espèce
Hợp thức hóa: Validation
Hợp thức hóa giả: Pseudo-validation
Tiền-hợp thức hóa: Anté-validation
Tính loài: Générique
Ký hiệu học: Sémiologie
Lãnh trường lý luận: Champ théorique
Lao động ngang bằng: Travail égal
Phép làm cho lao động ngang bằng: Égalisation des travaux
Người mang quan hệ xã hội: Porteur du rapport social
Nhân loại luận: Anthropologisme
Phái sinh: Dérivation
Phân đôi: Dédoublement
Phép phân nhỏ: Fractionnement
Quá trình phát sinh: Genèse
Quan hệ bó buộc giá trị thặng dư: Contrainte à la survaleur, à la plus-value
Sản phẩm thước đo: Numéraire (theo nghĩa của kinh tế học)
Siêu cấu trúc: Métastructure
Sự bao phủ: Recouvrement
Theo ngôn từ hiện thực: En termes réels
Tiền đúc: Numéraire (theo nghĩa của Marx)
Thiết định: Poser; position
Tiền giả định: Présupposer; présupposition
Tính đẳng cầu: Isomorphie
Tính đồng chất: Homogénéité
Tính đồng nhất: Unité, homogénéité
Tính đồng đẳng: Homologie
Tính năng trao đổi: Echangeabilité
Tính năng trao đổi trực tiếp: Echangeabilité immédiate;
Tính hai chiều: Ambivalence
Tính nhập nhằng: Ambiguité
Tính quy định: Détermination
Tính thỏa dụng: Ophélimité
Tính thông ước: Commensurabilité
Vật đỡ quan hệ xã hội: Support du rapport social
Ý tưởng biến thành thực thể: Hypostase
* * *
Trần Hải Hạc
Đọc lại tư bản (IV)
Tiêu đề II:
VẤN ĐỀ BIỂU HIỆN CỦA GIÁ TRỊ VÀ KHÁI NIỆM VỀ TIỀN TỆ
Karl Marx (1818-1883) |
“Qua việc phân tích hàng hóa và đặc biệt là phân tích giá trị của hàng hóa, chính trị kinh tế học cổ điển chưa bao giờ rút ra được hình thái dưới đó hàng hóa trở thành giá trị trao đổi, và đó chính là một khuyết điểm chủ yếu của nó” - Marx nhận định[1]. Vì vậy, điều cần quan tâm là phân biệt rõ giá trị với giá trị trao đổi. Đây là hai khái niệm giải đáp những câu hỏi khác nhau. 1) Khái niệm về giá trị, hay “hình thái giá trị”, quy chiếu đến vấn đề giá trị như là hình thái xã hội của sản phẩm lao động; tức vấn đề tồn tại của giá trị với tư cách là đại biểu những quan hệ xã hội nhất định về sản xuất. 2) Khái niệm về giá trị trao đổi, hay “hình thái của giá trị”, quy chiếu đến vấn đề hình thái hiện tượng của giá trị; tức vấn đề biểu hiện của giá trị, hay phương thức biểu tượng cần thiết của nó[2]. Trong hai khái niệm ấy, hình thái chỉ phương thức tồn tại của những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và mâu thuẫn của chúng, cho nên phải hiểu sự phân biệt giữa “hình thái giá trị” và “hình thái của giá trị” như là hai cấp độ trừu tượng hóa khác nhau của phạm trù về giá trị[3].
Theo Marx, đè xẹp (aplatissement) các cấp độ phân tích là đặc trưng của các nhà kinh tế học “tầm thường” khi họ cho rằng không hề có giá trị ngoài giá trị trao đổi, nghĩa là không có giá trị mà chỉ có giá cả mà thôi: “Đối với họ, giá trị và lượng của giá trị không thể nào tồn tại ngoài hình thái biểu hiện bằng quan hệ trao đổi, nghĩa là trên thực tế, không thể tồn tại ngoài bảng giá biểu hàng ngày”[4]. Song chính trị kinh tế học “cổ điển” đâu có hành xử khác hơn đâu, khi nó “coi hình thái của giá trị là một cái gì không quan trọng hay là không có quan hệ mật thiết với bản chất của hàng hóa” - tức hàng hóa với tư cách là mâu thuẫn giá trị – giá trị sử dụng?[5] Các nhà kinh tế cổ điển không nhận ra giá trị trao đổi là hình thái của giá trị, bởi vì họ không có khả năng quan niệm giá trị như là hình thái, và điều này khiến ta nghi ngờ rằng họ - kể cả Ricardo - thật ra không có lý thuyết về giá trị, mà chỉ có một thuyết đo lường quan hệ trao đổi, tức một thuyết về giá trị trao đổi như là giá cả tương đối mà thôi. Theo Marx, điều mà Ricardo “không có khảo sát và hiểu biết, đó là thực thể của giá trị”[6]. Ở chỗ này, Marx vạch rõ “khác biệt” của ông với Ricardo là tác giả “chỉ quan tâm đến lao động với tư cách là thước đo lượng giá trị, do đó đã không tìm thấy mối tương quan giữa lý thuyết về giá trị và thực chất của tiền tệ”[7].
David Ricardo (1772-1823) |
Tất cả sự đối lập của thuyết Marx với thuyết Ricardo kết tinh trong cương vị của khái niệm về tiền tệ. Bởi đối với Ricardo, hình thái hàng hóa “không có gì quan trọng đối với sản phẩm”, lưu thông hàng hóa “chỉ khác với đổi chác sản phẩm về mặt hình thức mà thôi”, tiền tệ “chỉ là một phương tiện lưu thông mang tính chất hình thức”, và giá trị trao đổi “chỉ là một hình thái trong chốc lát (évanescent) của sự thay đổi vật chất”. Điều này đưa chúng ta luôn luôn đến tiền đề theo đó chủ nghĩa tư bản là một “phương thức sản xuất tuyệt đối”, không có mâu thuẫn và do đó không có khủng hoảng[8].
Đối với Marx, phê phán chính trị kinh tế học là làm rõ ra phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không chỉ bao hàm hàng hóa, mà cả tiền tệ như là hình thái đối cực của hàng hóa (Chương 3); mặt khác, tính chất bái vật của hàng hóa không chỉ biểu hiện trong hình thái về khách thể, mà cả trong hình thái về chủ thể tương liên với hình thái khách thể (Chương 4).
* * *
CHƯƠNG 3:
TÍNH ĐỐI CỰC TIỀN TỆ – HÀNG HÓA
Trong Chương 1 của Tư bản, Marx đề ra hai định nghĩa về hàng hóa: 1) Đầu tiên, hàng hóa một mặt là giá trị sử dụng và mặt khác là giá trị trao đổi. 2) Sau đó, hàng hóa là giá trị và giá trị sử dụng. Hai mệnh đề này, trái với điều người ta có thể nghĩ, không đồng nhất, không phải là một; đó cũng không phải là một sự bất nhất về thuật ngữ mà Marx quên không có, điều chỉnh. Mệnh đề kép ấy thật ra tương ứng với hai cấp độ trừu tượng hóa khác nhau trong phân tích hàng hóa: phạm trù giá trị đặc trưng cấp độ hình thái hàng hóa của sản phẩm lao động hay cấp độ của hàng hóa nói chung (marchandise en général); còn phạm trù giá trị trao đổi thì đặc trưng cấp độ phân tích hàng hóa cá biệt (marchandise singulière). Trong trình bày của Tư bản, bước chuyển từ cấp độ trừu tượng hóa thứ nhất sang cấp độ thứ hai được Marx gọi là phép “phân đôi” (dédoublement) hàng hóa thành hàng hóa và tiền tệ, hay còn mệnh danh nó là phép “chuyển hóa” (transformation) giá trị thành giá cả.
Tuy nhiên, hiện nay và nhân danh phê phán chính trị kinh tế học, một trào lưu đọc Marx - tự gọi là “phi chính thống” (hétérodoxe) - phản bác phân tích nói trên của Tư bản, vì cho rằng tiền tệ có trước hàng hóa, và chỉ có thể là tiên khởi so với hàng hóa. Nên chăng khái niệm về tiền tệ loại trừ mọi quy chiếu đến lao động trừu tượng. Với lập luận tương tự, giá trị trao đổi loại trừ giá trị; về mặt lô-gíc, khái niệm về giá cả loại bỏ khái niệm về giá trị.
Tiền tệ hay lao động trừu tượng? Khi phân tích hình thái của giá trị, mục đích của Marx là vạch rõ vì sao tiền tệ là biểu hiện thích ứng của giá trị với tư cách là sự vật hóa lao động trừu tượng. Sự phát sinh hình thái tiền tệ từ hình thái hàng hóa xác lập tiền tệ là hình thái đối cực của hàng hóa, nó lấy tính đối cực tiền tệ – hàng hóa làm thành hình thái chung của giá trị trao đổi. Cho nên Marx không định nghĩa tiền tệ là hàng hóa, cũng không phải là phi-hàng hóa, mà là mặt đối lập của hàng hóa. (Tiết 31)
Giá trị hay giá trị trao đổi? Trong trình bày của Tư bản, giá trị trao đổi, phân biệt với giá trị, có một cương vị kép: Giá trị trao đổi 1/ là tương quan trao đổi giữa hai hàng hóa, 2/ là hình thái của giá trị hàng hóa; và định nghĩa đầu - là định nghĩa duy nhất mà chính trị kinh tế học biết đến - giả định định nghĩa sau là định nghĩa đặc thù của Marx. Theo nghĩa đó, đặt vấn đề hình thái của giá trị là phê phán cách đặt vấn đề về giá trị tương đối của thuyết cổ điển về giá trị-lao động. (Tiết 32)
Giá cả hay giá trị? Đối với Marx, giá trị biểu hiện và đo lường không phải bằng lao động mà bằng tiền tệ, tức là qua hình thái giá cả của nó. Mâu thuẫn giữa giá trị và giá cả không có tính định lượng mà mang tính hình thái: giá trị chỉ tồn tại trong giá cả, nhưng giá cả chỉ biểu hiện giá trị dưới một hình thái che lấp nó, thậm chí nói lên điều ngược lại. Cho nên hàng hóa không phải là giá cả như nó là giá trị: hàng hóa “là” giá trị, nhưng nó “có” giá cả. (Tiết 33)
Tiết 31:
LAO ĐỘNG TRỪU TƯỢNG HAY/VÀ TIỀN TỆ
Là giá trị và giá trị sử dụng, hàng hóa chỉ biểu hiện ra như nó là, “vật hai mặt”, khi “giá trị của nó có một hình thái hiện tượng riêng, khác với hình thái tự nhiên của nó, đó là hình thái giá trị trao đổi; và nó không bao giờ có được hình thái ấy, nếu người ta lấy riêng nó ra mà xét”[9]. Xét riêng ra, một hàng hóa cá biệt chỉ là một vật có ích; nó không thể biểu hiện giá trị của nó trong bản thân nó. “Một hàng hóa không có thể biểu hiện giá trị của nó trong vật thể riêng của nó hay trong giá trị sử dụng của nó”[10]. Đó là vấn đề của hình thái hàng hóa: một mặt, giá trị phải biểu hiện trong hình thái của giá trị sử dụng, và điều ấy định nghĩa hình thái giá trị của sản phẩm lao động hay hình thái hàng hóa; mặt khác, một hàng hóa cá biệt không thể biểu hiện như là giá trị trong giá trị sử dụng riêng của nó, đó là mâu thuẫn của hình thái hàng hóa như là sự thống nhất của giá trị và giá trị sử dụng.
Hiện thực hai mặt của hàng hóa đòi hỏi giá trị của nó có một hình thái khác hình thái giá trị sử dụng của nó. Một hàng hóa chỉ có được hình thái ấy khi biểu hiện giá trị của nó trong hình thái giá trị sử dụng của một hàng hóa khác; tức là khi nó quan hệ với một hàng hóa khác mà nó dùng giá trị sử dụng làm hình thái biểu hiện cho giá trị của nó. “Việc hàng hóa, ở dạng tồn tại trực tiếp của nó với tư cách là giá trị sử dụng, không phải là giá trị, không phải là hình thái thích ứng của giá trị - điều đó đồng nghĩa với việc hàng hóa là hình thức thích ứng của giá trị với tư cách nó là một vật nào khác; hay với tư cách nó được so bằng với một vật khác nào đó; điều đó còn có nghĩa là giá trị có được hình thái thích ứng của nó trong một vật đặc thù khác biệt với các vật khác”[11]. Biểu hiện cần thiết của giá trị một hàng hóa trong hình thái giá trị sử dụng của một hàng hóa khác, đó là hình thái của giá trị hay giá trị trao đổi, “phương thức biểu tượng độc lập của giá trị chứa đựng trong hàng hóa”[12]. Các hàng hóa mang đến cho giá trị của chúng biểu hiện độc lập ấy trong tiền tệ: “Giá trị trở thành độc lập trong tiền tệ là sản phẩm của những mâu thuẫn chứa đựng trong hàng hóa giữa giá trị sử dụng và giá trị”.[13] Lý giải điều đó, đòi hỏi chúng ta xác lập: 1) Hình thái của giá trị với quan hệ đối cực giữa hình thái tương đối và hình thái vật ngang giá (§ 311). 2) Hình thái giá cả với quan hệ đối cực giữa hàng hóa và tiền tệ (§ 312). 3) Các hình thái của tiền tệ và quan hệ đối cực giữa tín dụng và tiền tệ (§ 313).
Từ đó, chúng ta có thể xem xét những khó khăn mà Marx gặp phải để khái niệm hóa tiền tệ như mặt đối lập của hàng hóa (§ 314), và tính cơ bản hai mặt của tiền tệ (§ 315).
§ 311 - Hình thái của giá trị và tính đối cực hình thái tương đối - hình thái vật ngang giá
Hãy cùng với Marx khảo sát hình thái của giá trị: 20 m vải = 1 cái áo. “Quan hệ ngang bằng này là quan hệ giá trị, và quan hệ ấy trước tiên là sự biểu hiện của giá trị”[14]. Ý nghĩa của nó là: giá trị của 20 m vải biểu hiện trong một cái áo. Trong mối quan hệ này, vải và áo có những vai trò hoàn toàn khác nhau: vải biểu hiện giá trị của nó bằng áo, và áo là vật dùng để biểu hiện giá trị của vải. Vậy thì áo không biểu hiện giá trị của nó và chỉ can dự trong phương trình của giá trị với tư cách là giá trị sử dụng, bằng hình thái vật chất của nó; trong khi vải chỉ biểu hiện giá trị của nó một cách tương đối, bằng cách để qua một bên giá trị sử dụng của nó. Như thế, hình thái của giá trị là một quan hệ “đối cực” giữa một hình thái tương đối - vải - và một hình thái vật ngang giá - áo[15]. Hẳn, nếu ta đảo ngược quan hệ ngang bằng, áo trở thành hình thái tương đối và vải hình thái vật ngang giá của giá trị của áo; nhưng điều thiết yếu là giữa hai hàng hóa, bao giờ cũng chỉ có một cái biểu hiện giá trị của nó, cái kia chỉ có mặt như là vật dùng để biểu hiện giá trị của hàng hóa thứ nhất.
Bởi vì hình thái của giá trị thiết lập quan hệ giữa hai vật không đồng chất, dấu ngang bằng ( = ) giữa hình thái tương đối và hình thái vật ngang giá chỉ có thể che lấp một sự khác biệt triệt để. Trong quan hệ 20 m vải = 1 cái áo, = không phải là dấu bằng nhau giữa giá trị của vải và giá trị của áo, mà là dấu biểu hiện giá trị của vải trong hình thái giá trị sử dụng của áo. Nói cách khác, “quan hệ giá trị” cấu thành hình thái của giá trị là một tương quan “ngang giá” chỉ theo nghĩa mà Marx xác định: “ngang giá, thật ra, là giá trị của một hàng hóa biểu hiện trong giá trị sử dụng của một hàng hóa khác”[16].
Phép phân tích hình thái của giá trị trong Tư bản cho thấy rằng: hai hàng hóa ngang bằng nhau không phải với tư cách là giá trị sử dụng, cũng không bằng nhau với tư cách là giá trị, mà chỉ ngang bằng nhau theo những điều kiện về hình thái nhất định.
Samuel Bailey (1791-1870) |
- Hai hàng hóa không ngang bằng nhau với tư cách là giá trị sử dụng, trái với điều Bailey và chính trị kinh tế học “tầm thường” nhầm tưởng, bởi họ chỉ thấy trong quan hệ giá trị một quan hệ về lượng giữa hai giá trị sử dụng: “Do quan sát hời hợt, không hiểu rằng trong phương trình của giá trị, vật ngang giá bao giờ cũng chỉ biểu hiện ra là số lượng đơn thuần của một vật có ích, cho nên Bailey như nhiều nhà kinh tế học trước và sau ông, đã nhầm lẫn. Họ chỉ thấy trong biểu hiện của giá trị một quan hệ đơn thuần số lượng” giữa những giá trị sử dụng khác nhau[17].
- Hai hàng hóa cũng không ngang bằng nhau với tư cách là giá trị, trái với điều Ricardo và chính trị kinh tế học “cổ điển” lầm tưởng, do họ chỉ thấy trong quan hệ giá trị một quan hệ giữa hai số lượng đồng chất: “Hàng hóa mà giá trị của nó ở dưới hình thái tương đối, thì bao giờ cũng được biểu hiện thành một số lượng giá trị, còn vật ngang giá thì trái lại không bao giờ như thế, bởi vì trong phương trình [của giá trị], vật ngang giá bao giờ cũng chỉ biểu hiện ra là số lượng của một vật có ích”[18].
- Hai hàng hóa ngang bằng nhau trong những điều kiện về hình thái thống nhất hai mặt đối lập, giá trị và giá trị sử dụng, lao động trừu tượng và lao động cụ thể, lao động xã hội và lao động tư nhân: “Giá trị sử dụng trở thành hình thái hiện tượng của mặt đối lập với nó, là giá trị; lao động cụ thể trở thành hình thái của mặt đối lập với nó, là lao động trừu tượng; lao động tư nhân trở thành hình thái của mặt đối lập với nó, là lao động dưới hình thái xã hội trực tiếp”[19]. Là hình thái của giá trị, giá trị trao đổi là hình thái qua đó giá trị biểu hiện trong mặt đối lập của nó, là giá trị sử dụng. Nói cách khác, giá trị trao đổi là hình thái vận động của mâu thuẫn giữa giá trị và giá trị sử dụng[20].
Hình thái của giá trị xác định tính chất của mối quan hệ mà nền sản xuất hàng hóa xác lập giữa giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa. Nó không liên hệ giá trị của hàng hóa với giá trị sử dụng riêng của nó. Nó cũng không liên hệ giá trị của một hàng hóa A nào đó với giá trị sử dụng riêng của một hàng hóa B. Trong biểu hiện giá trị của A dưới hình thái giá trị sử dụng của B, thì đó không phải là giá trị sử dụng của B tự nó, mà là giá trị sử dụng của B với tư cách là vật mang giá trị, tức một giá trị sử dụng hình thức. Và phủ định giá trị sử dụng riêng của B là điều kiện để xác định giá trị sử dụng hình thức của nó như là vật ngang giá.
1. Phép phân tích hình thái của giá trị cho chúng ta thấy theo nghĩa nào hình thái hàng hóa là một mâu thuẫn đối với Marx: theo nghĩa nào giá trị và giá trị sử dụng không đơn giản chỉ hai tính quy định khác nhau của hàng hóa, mà là hai mặt đối lập của nó. Trong Tiết 1 và 2 của Chương 1 Tư bản, hai mặt của hàng hóa được nêu lên trong tương quan bên ngoài của chúng, và hiện ra như là hai mặt loại trừ nhau: khi xem xét giá trị, người ta không kể đến giá trị sử dụng, và ngược lại, “các tính quy định mang tính đối lập và trừu tượng ấy không dung nhau”[21]. Phải bước vào động tác thứ hai của trình bày Chương 1, tức chỉ từ Tiết 3, nơi Marx phân tích hình thái của giá trị, thì mâu thuẫn của tính hai mặt ấy mới được xác lập, và lý giải vì sao giá trị, thay vì loại trừ giá trị sử dụng, phản chiếu lại trong nó - và ngược lại: “Thay vì không dung thứ nhau, các tính quy định mang tính đối lập của hàng hóa phản chiếu lại trong nhau”[22]. Ở đây, người ta mới nắm lấy rằng giá trị được khái niệm hóa không phải bằng cách loại trừ giá trị sử dụng, mà bằng cách thâu gồm giá trị sử dụng trong tính mâu thuẫn của nó với giá trị: “Lượng giá trị của hàng hóa chỉ có thể biểu hiện trong giá trị sử dụng của một hàng hóa khác, như là giá trị tương đối. Trái lại, hàng hóa có được hình thái của một giá trị sử dụng mang tính năng trao đổi trực tiếp, tức hình thái vật ngang giá, với tư cách là vật liệu trong đó một hàng hóa khác biểu hiện giá trị”[23].
2. Trong hình thái vật ngang giá, mâu thuẫn giữa giá trị và giá trị sử dụng hình như tan biến. Áo dường như tự nó là giá trị: chính giá trị sử dụng (của áo) biểu hiện giá trị, chính lao động cụ thể (về may áo) biểu hiện lao động trừu tượng, và chính lao động tư nhân (của người may áo) biểu hiện lao động xã hội. Có như vậy, dĩ nhiên không phải là do thuộc tính riêng biệt của nghề may áo, mà chỉ là do vai trò của áo trong biểu hiện giá trị của vải, hay nói cách khác là chỉ do chỗ đứng của áo trong quan hệ giá trị. Ở đây, sự phân biệt lao động cụ thể với lao động có ích mang tất cả ý nghĩa của nó: lao động cụ thể ở đây là “lao động của người may áo không được coi như là một hoạt động sản xuất đo lường bởi một mục đích, tức như là lao động có ích; với tư cách là một lao động nhất định, lao động của người may áo là một hình thái hiện thực hóa, một cách thức vật hóa lao động của con người không thôi”, tức là một hình thái hiện thực hóa lao động trừu tượng[24]. Đồng thời, việc phân biệt giá trị sử dụng của hàng hóa với tính hữu dụng của nó cũng trở nên rõ ràng: trong sự biểu hiện giá trị của vải, cái áo không được coi như một vật có ích cá biệt, mà như là một vật liệu trong đó giá trị được vật hóa: “Giá trị sử dụng hay vật thể của hàng hóa đóng ở đây một vai trò mới. Nó trở thành hình thái hiện tượng của giá trị hàng hóa, tức của mặt đối lập với nó”[25].
3. Là hình thái vận động của mâu thuẫn giá trị – giá trị sử dụng, bản thân giá trị trao đổi mang tính mâu thuẫn. Giá trị trao đổi chỉ giải đáp mâu thuẫn của hình thái hàng hóa bằng cách tái sản xuất nó thành mâu thuẫn giữa hình thái tương đối của giá trị và hình thái vật ngang giá: “Còn bị che lấp trong hàng hóa, sự đối lập bên trong giữa giá trị sử dụng và giá trị biểu hiện ở đây thành sự đối lập bên ngoài, thành một quan hệ giữa hai hàng hóa: một bên là hàng hóa cần biểu hiện giá trị, nó chỉ được coi như là giá trị sử dụng; bên kia là hàng hóa trong đó giá trị phải biểu hiện, nó chỉ được coi như là giá trị trao đổi”[26]. Nói cách khác, hình thái của giá trị thể hiện ra bên ngoài mâu thuẫn chứa đựng trong hàng hóa giữa giá trị sử dụng và giá trị, thành mâu thuẫn giữa hàng hóa ấy và vật ngang giá của nó.
§ 312 - Hình thái giá cả và tính đối cực hàng hóa – tiền tệ
Sở dĩ giá trị của hàng hóa phải có một hình thái vật hóa và tách biệt bản thân hàng hóa, là do những điều kiện cần để biểu hiện giá trị của hàng hóa, quy định. Đó là những điều kiện hình thành của khái niệm về lao động trừu tượng. “Những điều kiện cần phải có để biểu hiện giá trị của vải, có vẻ như tự mâu thuẫn với nhau. Một mặt thì phải biểu hiện giá trị đó như là sự thuần cô động lao động trừu tượng của con người, bởi vì xét về mặt giá trị thì hàng hóa không có hiện thực nào khác. Đồng thời, sự cô động đó lại phải mang hình thái của một vật rõ rệt khác với bản thân vải, và hình thái này, tuy là của tấm vải, nhưng lại là chung cho cả nó và một hàng hóa khác”[27]. Nói cách khác, giá trị của một hàng hóa, một mặt, phải mang hình thái vật hóa khác với hàng hóa ấy, tức là mang hình thái giá trị sử dụng của một hàng hóa khác; nhưng mặt khác, nó phải mang hình thái vật hóa giá trị sử dụng chung của hàng hóa đó và các hàng hóa khác. Quá trình phát triển các hình thái của giá trị khái niệm hóa điều nói trên.
- Hình thái I hay hình thái “ngẫu nhiên” của giá trị: Một hàng hóa biểu hiện giá trị của nó trong hình thái giá trị sử dụng của một hàng hóa khác vận hành như là vật ngang giá cá biệt. Giá trị của hàng hóa có được ở đây một hình thái khác và tách biệt bản thân hàng hóa ấy.
- Hình thái II hay hình thái “mở rộng” của giá trị: Một hàng hóa biểu hiện giá trị của nó trong hình thái giá trị sử dụng của tất cả các hàng hóa khác vận hành như là những vật ngang giá riêng biệt. Giá trị có được ở đây nhiều hình thái biểu hiện, tất cả đều khác với hàng hóa được xem xét.
- Hình thái III hay hình thái “chung” của giá trị: Tất cả các hàng hóa biểu hiện giá trị của chúng trong hình thái giá trị sử dụng của một hàng hóa độc nhất vận hành như là vật ngang giá chung. Giá trị mang ở đây một hình thái duy nhất, đồng nhất, vừa là chung cho tất cả hàng hóa và khác hình thái giá trị sử dụng của mỗi hàng hóa.
- Hình thái IV hay hình thái “tiền tệ”: Vật ngang giá chung ổn định trên một hàng hóa mà giá trị sử dụng tỏ ra thích hợp nhất để biểu hiện giá trị. Về mặt lịch sử, vàng đã cho tiền tệ hình thái vật chất thích ứng ấy. Giá trị đạt ở đây hình thái giá cả.
Với hình thái tiền tệ, giá trị tồn tại “ở ngoài hàng hóa và bên cạnh nó”. Sự tồn tại của tiền tệ “trở thành độc lập” đối với các hàng hóa, và giá cả hiện ra như là quan hệ “bên ngoài” của hàng hóa đối với tiền tệ: “Hàng hóa không phải là giá cả như nó là giá trị do thực thể xã hội của nó”. Theo như Marx nói, “hàng hóa là giá trị, nhưng nó có giả cả”[28]. Nhờ hình thái của giá trị, mỗi hàng hóa có được một hình thái tồn tại xã hội tách biệt hình thái tự nhiên của nó: hàng hóa biểu hiên dưới một hình thái vật hóa gồm có hai mặt, một hình thái “tự nhiên” về giá trị sử dụng và một hình thái “xã hội” về giá cả.
1. Hình thái của giá trị đưa đến bầu chọn trong thế giới hàng hóa một hàng hóa để giữ vai trò vật ngang giá chung. “Thế giới hàng hóa tự cho nó một hình thái giá trị tương đối, mang tính chung và thống nhất, bằng cách loại trừ khỏi hàng ngũ của nó một thứ hàng hóa duy nhất, thứ hàng hóa trong đó tất cả các hàng hóa khác biểu hiện chung giá trị của chúng. Hàng hóa được loại trừ này trở thành vật ngang giá chung”[29]. Loại ra khỏi thế giới hàng hóa, tiền tệ trở thành hình thái đối cực của hàng hóa và “chỉ tồn tại trong sự đối lập đó”[30]. Định nghĩa bởi tính đối cực hàng hóa – tiền tệ, khái niệm giá trị trao đổi loại bỏ khả năng các hàng hóa trao đổi trực tiếp với nhau: nó không cho phép quan niệm một quan hệ trao đổi hàng hóa – hàng hóa. “Bản thân hàng hóa loại trừ hình thái về tính năng trao đổi trực tiếp (échangeabilité immédiate)”[31]. Nói cách khác, không thể có hàng hóa nếu không có tiền tệ. Điều đó còn có nghĩa là các hàng hóa tức khắc mang hình thái tiền tệ.
Trong khái niệm của nó, giá trị trao đổi trái ngược với quan hệ đổi chác sản phẩm, với trao đổi hiện vật; nó khẳng định rằng các hàng hóa không thể trao đổi trực tiếp với nhau, và rằng mỗi hàng hóa có được hình thái về tính năng trao đổi trực tiếp trong mối tương quan với vật ngang giá chung. Khác với chính trị kinh tế học, Marx không hề du nhập tiền tệ trong một quan hệ trao đổi hàng hóa bước đầu có tính phi tiền tệ: hình thái tiền tệ cần thiết cho hàng hóa như là điều kiện hình thái của nó và là điều tiền giả định (présupposition) trong mọi trao đổi hàng hóa.
Đối với Marx, phê phán chính trị kinh tế học là phê phán luận điểm cho rằng hàng đổi hàng “là hình thức thích ứng của quá trình trao đổi hàng hóa, một hình thức chỉ có vài điều bất tiện về mặt kỹ thuật, và tiền tệ là biện pháp mà người ta khéo nghĩ ra để khắc phục những bất tiện ấy”. Theo Marx, “các nhà kinh tế học thường tìm nguồn gốc của tiền tệ trong những khó khăn bên ngoài mà trao đổi hiện vật gặp phải khi nó phát triển, nhưng họ lại quên rằng những khó khăn ấy là do sự phát triển của giá trị đẻ ra, tức do sự phát triển của lao động xã hội với tư cách là lao động chung tạo ra”; rằng tiền tệ không phải là “một công cụ thuần túy vật chất” mà là “biểu tượng của một quan hệ xã hội về sản xuất”[32]. Tiền tệ không phải là một công cụ thuận tiện của quan hệ xã hội: nó chính là hình thái của quan hệ xã hội.
2. Hình thái của giá trị không phải là một quan hệ trao đổi. Quan hệ biểu hiện giá trị của 20 m vải = 1 cái áo không hề có nghĩa rằng hai hàng hóa vải và áo trao đổi với nhau theo một tương quan số lượng nào đó, mà là vải biểu hiện giá trị cuả nó trong hình thái về giá trị sử dụng của áo, và áo - như Marx nhấn mạnh - “chỉ bước vào quan hệ này như là hình thái tồn tại của giá trị” của vải[33]. Sự biểu hiện giá trị của một hàng hóa trong hình thái giá trị sử dụng của một hàng hóa khác không hề giả định một sự trao đổi giữa hai hàng hóa ấy. Trái lại, sự trao đổi hàng hóa giả định sự tồn tại hình thái của giá trị, là hình thái về “tính năng trao đổi” (échangeabilité) của một hàng hóa, còn hình thái vật ngang giá là hình thái về “tính năng trao đổi trực tiếp” (échangeabilité immédiate) của hàng hóa. Điều đó lý giải vì sao, trong thứ tự trình bày của Tư bản, việc khảo cứu “quá trình phát sinh” (genèse) của tiền tệ (Chương 1 và 2) đến trước việc khảo cứu “lưu thông” (circulation) của hàng hóa (Chương 3): “Phải phát triển khái niệm về giá cả trước khi phát triển khái niệm về lưu thông”[34]. Marx vạch rõ điều này khi phân biệt phép chuyển hóa “trên ý niệm” (transformation idéelle) của hàng hóa thành tiền tệ với phép chuyển hóa “trên hiện thực” (transformation réelle) của nó, phép thứ hai tiền giả định phép thứ nhất: “Các hàng hóa chỉ được trao đổi với tiền tệ trong hiện thực, chuyển đổi thành tiền tệ thực thụ, sau khi chúng đã chuyển hóa trước đó thành tiền tệ trên ý niệm - tức là sau khi trở thành giá cả, sau khi mang tính quy định về giá cả. Như vậy, giá cả là tiền giả định của lưu thông tiền tệ, ngay cả khi việc hiện thực hóa giá cả hiện ra như là kết quả của lưu thông tiền tệ”[35].
Xem hình thái của giá trị như là một quan hệ trao đổi thực thụ là hệ quả của một cách đọc Hình thái I (hình thái ngẫu nhiên của giá trị) như là quan hệ đổi chác, trao đổi trực tiếp sản phẩm. Trong khi phân tích của Marx giải thích vì sao Hình thái I không hề mô tả một quan hệ trao đổi hiện vật: bởi nếu ta viết biểu hiện giá trị của một hàng hóa A trong hình thái giá trị sử dụng của hàng hóa B là “x hàng hóa A = y hàng hóa B”, thì trao đổi sản phẩm trực tiếp phải viết là “x vật có ích A = y vật có ích B”[36]. Thật thế, trong khi hình thái của giá trị chỉ một quan hệ một chiều giữa giá trị của một hàng hóa và giá trị sử dụng của một hàng hóa khác, thì đổi chác sản phẩm là một quan hệ hai chiều giữa hai vật có ích khác nhau. Và trong khi quan hệ trao đổi sản phẩm dựa trên sự ham muốn giá trị sử dụng của sản phẩm đối diện trong trao đổi, thì hình thái của giá trị không hề quan tâm đến giá trị sử dụng của hàng hóa trong đó nó biểu hiện giá trị. Theo Marx, trong quan hệ 20 m vải = 1 cái áo, “điều mà vải quan tâm trong giá trị sử dụng của cái áo, không phải là sự thoải mái, có nút gài hay thuộc tính có ích nào khác khiến áo là một giá trị sử dụng. Đối với vải, áo chỉ có môt công dụng: biểu hiện tính khách thể của giá trị của vải là cái gì khác tính khách thể của giá trị sử dụng của vải. Vải cũng sẽ đạt kết quả ấy nếu biểu hiện giá trị của nó trong thuốc a ngùy (assa-foetida), trong phân bắc bột (poudrette) hay trong xi đánh giày”[37]. Điều đó phân biệt hình thái ngẫu nhiên của giá trị (Hình thái I) với đổi chác sản phẩm[38]. Phải chăng Marx luôn luôn đã rõ ràng trên điểm này trong trình bày của Tư bản? Phải ghi nhận rằng nhiều độc giả Chương 1 không thấy sự khác biệt giữa biểu hiện của giá trị với trao đổi trực tiếp các sản phẩm[39].
3. Quá trình phát sinh tiền tệ qua các hình thái của giá trị, mang tính lý luận chứ không phải lịch sử. Cách đọc duy lịch sử (historiciste) đồng nhất hóa các Hình thái I, II, III, IV với quá trình phát triển lịch sử của trao đổi đi từ hành vi nguyên thủy về đổi chác sản phẩm cho đến trao đổi bằng tiền tệ[40]. Nó có thể viện dẫn một số chỉ dẫn của Marx như: Hình thái I “chỉ tồn tại trong thực tiễn ở những thời đại nguyên thủy khi các sản phẩm của lao động chỉ biểu hiện thành hàng hóa trong những trao đổi ngẫu nhiên và lẻ tẻ”. Hay: Hình thái II “xuất hiện trong thực tế khi một sản phẩm của lao động, gia súc chẳng hạn, được trao đổi với các hàng hóa khác, không phải một cách ngoại lệ nữa mà đã thành tập quán rồi”[41]. Những chỉ dẫn này khá mơ hồ, bởi vì người ta không thấy được tính lịch sử của Hình thái I như là quan hệ biểu hiện giá trị của hàng hóa là gì, nếu hai vế của mối quan hệ chưa phải thật sự là hàng hóa. Tương tự, Hình thái II, trong đó tất cả hàng hóa đều vận hành như là những vật ngang giá riêng, không thể đại biểu cho một thời đại lịch sử hiện thực nào cả.
Susumu Takenaga |
Điều này hiện rõ ra ở Chương 2 (Bàn về trao đổi), nơi tác giả Tư bản nối tiếp phân tích về hình thái tiền tệ bằng những nhận xét về “quá trình phát triển lịch sử của trao đổi”. Trình bày của Marx nêu rõ “sự trao đổi trực tiếp các sản phẩm” (x vật có ích A = y vật có ích B) hoàn toàn khác biệt với hình thái ngẫu nhiên của giá trị (x hàng hóa A = y hàng hóa B) khi các sản phẩm xét đến không phải là hàng hóa, tức khi chí ít một phần các vật có ích không được sản xuất trong mục đích trao đổi[42]. Thật vậy, với sự chuyển hóa sản phẩm của lao động thành hàng hóa, sự trao đổi hàng hóa của hai vật có ích, ngay trong những thời đại kém phát triển nhất, luôn luôn bao hàm một vật thứ ba với tư cách là vật ngang giá chung: “Một hàng hóa thứ ba như thế, khi trở thành vật ngang giá cho các hàng hóa khác, thì có ngay hình thái vật ngang giá chung hay hình thái vật ngang giá xã hội, cho dù chỉ là trong phạm vi hẹp mà thôi”. Marx viết tiếp: “Hình thái chung ấy sinh ra và mất đi cùng với sự tiếp xúc xã hội nhất thời đẻ ra nó; và nó lần lượt và nhanh chóng gắn liền khi thì vào hàng hóa này, khi thì vào hàng hóa khác. Cho tới khi trao đổi đạt đến một trình độ phát triển nhất định, thì hình thái đó gắn liền chỉ với một loại hàng hóa riêng biệt, hay kết tinh lại dưới hình thái tiền tệ. (…) Khi trao đổi cứ dần dần phá vỡ những quan hệ thuần địa phương của nó, và giá trị của hàng hóa do đó cứ dần dần đại biểu cho lao động chung của con người, thì hình thái tiền tệ chuyển sang gắn vào những hàng hóa mà tính chất khiến chúng có khả năng đảm đương chức năng xã hội của vật ngang giá chung, tức chuyển sang gắn vào các kim loại quí”[43]. Như Susumu Takenaga có nhận xét, văn bản trên đây của Chương 2 cho thấy rằng quá trình phát triển lịch sử của vật ngang giá chung khác hoàn toàn với quá trình phát sinh của tiền tệ trong phân tích hình thái của giá trị. Về mặt lịch sử, các hàng hóa không hề biểu hiện giá trị của chúng lần lượt theo các Hình thái I, II, III và IV. Hình thái qua đó hàng hóa biểu hiện giá trị “ngay từ đầu” đã là hình thái vật ngang giá chung, còn quá trình lịch sử thì chỉ liên quan đến “độ phát triển và ổn định khác nhau” của vật ngang giá chung ấy[44].
Trái với một cách diễn giải phổ biến, quá trình lý luận về phát sinh tiền tệ trình bày ở Chương 1 Tư bản không phản ánh, cho dù là một cách trừu tượng, quá trình lịch sử về phát sinh tiền tệ mà Marx nói đến ở Chương 2. Quá trình lịch sử này không thuộc về phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa[45]: tiền tệ kim loại bằng vàng hay bạc là “di sản” của những phương thức sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa; “cho nên câu hỏi vì sao vàng hay bạc được dùng làm vật liệu cho tiền tệ, chứ không phải một hàng hóa khác, câu hỏi này - như Marx nói - không đặt ra trong khuôn khổ của hệ thống tư bản chủ nghĩa”[46]. Tuy nhiên, tác giả Tư bản ghi nhận “sự ăn khớp và giống nhau” giữa một số thuộc tính tự nhiên của vàng với tính cách là kim loại - như là tính đồng chất, tính lâu bền, tính chia được, tính dễ dát - với các tính vật chất mà vàng cần có trong chức năng xã hội về vật ngang giá chung[47]. Song, Marx nhấn mạnh rằng vàng là vật ngang giá chung, không phải vì những tính tự nhiên ấy, mà là do một quyết định của xã hội: “Vật ngang giá chung đó chỉ có thể là kết quả của một hành vi xã hội”[48]. Việc lẫn lộn vàng-kim loại với vàng-tiền tệ sinh ra bái vật về vàng: “Bởi vì nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phải kết tinh của cải dưới hình thái một vật đơn nhất và biến nó thành bái vật, cho nên vàng và bạc là hiện thân thích hợp của của cải đó”. Theo nghĩa đó, có thể hiểu rằng: “Bản chất của vàng và bạc không phải là tiền tệ, nhưng tiền tệ, về bản chất, là vàng và bạc”[49].
4. Các Hình thái I-II-III-IV là trình tự của những thời điểm lý luận trong sự thành hình của tiền tệ như là biểu hiện thích ứng của lao động trừu tượng. Đối tượng của trình tự này là tính quy định của khái niệm về lao động trừu tượng – cụ thể. Khởi điểm trình bày của Marx là tính bất định của lao động trừu tượng khi nó được quan niệm một cách thuần phủ định: “Lao động của con người không thôi, tiêu phí sức lao động của con người, hẳn tất cả đều có thể xác định, nhưng tự nó không mang tính quy định nào cả. Lao động của con người không thôi chỉ hiện thực hóa, chỉ vật hóa khi sức lao động của con người được tiêu phí dưới một hình thức nhất định, như là lao động nhất định”[50]. Lao động trừu tượng được xác định bởi phép làm cho các lao động ngang bằng, tức là phép làm ngang bằng các sản phẩm lao động mà hình thái của giá trị hiện thực hóa.
- Hình thái ngẫu nhiên của giá trị “20 m vải = 1 cái áo” (Hình thái I) làm cho lao động chứa đựng trong vải ngang bằng với lao động chứa đựng trong áo. Với tính cách là vật ngang giá cá biệt, áo được coi như “vật thể giá trị” của vải, hiện thân của lao động con người không có phân biệt, của lao động con người không thôi. Nói cách khác, một lao động cụ thể nhất định - lao động của người may áo - có được ở đây “hình thái ngang bằng” với lao động chứa đựng trong vải[51].
- Với hình thái mở rộng của giá trị (Hình thái II), các loại lao động chứa đựng trong các vật ngang giá riêng có được hình thái ngang bằng với lao động chứa đựng trong vải. “Các loại lao động cụ thể và có ích nhất định, chứa đựng trong vật thể khác nhau của hàng hóa từ nay được coi như là các hình thái hiện thực hóa hay hình thái hiện tượng riêng biệt của lao động con người không thôi”[52].
- Qua hình thái chung của giá trị (Hình thái III), “kết hợp thế giới của các hàng hóa với vải [như là vật ngang giá chung] thì lao động dệt vải, một loại lao động riêng biệt và cụ thể, từ nay được coi là hình thái hiện thực hóa chung và trực tiếp toàn bộ lao động trừu tượng của con người, tức của tiêu phí sức lao động chung của con người. Hơn nữa, đó chính là lý do mà lao động tư nhân chứa đựng trong vải được coi là lao động dưới một hình thái trực tiếp xã hội, tức là dưới hình thái ngang bằng với tất cả các lao động khác[53]”.
- Để đạt đến hình thái tiền tệ (Hình thái IV), còn có điều bất định cuối cùng cần giải tỏa: đó là hình thái vật ngang giá chung có thể thuộc về bất cứ hàng hóa nào. Trong bước chuyển từ hình thái giá trị chung sang hình thái tiền tệ, Chương 1 Tư bản xác định vật ngang giá chung là một “độc quyền xã hội” và phải “được xã hội chính thức công nhận”. Chương 2 nói rõ thêm rằng “vật ngang giá chung chỉ có thể là kết quả của một hành vi xã hội” mà Marx mô tả như sau: “Một hàng hóa đặc biệt được hành vi chung của các hàng hóa khác tách biệt ra và được dùng để cho các hàng hóa khác đó biểu thị giá trị. (…) Từ đấy, vai trò vật ngang giá chung là chức năng xã hội đặc thù của hàng hóa đã được tách biệt ra. Và hàng hóa này trở thành tiền tệ”[54].
Đọc lại phân tích của Marx về hình thái của giá trị trong các Chương 1 và 2 cho ta thấy rằng các hình thái của giá trị là những hình thái làm cho lao động ngang bằng, tức xác lập hình thái lao động trừu tượng – cụ thể. Quá trình phát sinh của tiền tệ chỉ là quá trình lý luận qua đó lao động trừu tượng khách thể hóa, vật hóa trong vàng với tư cách là vật ngang giá chung. Quá trình lý luận đó xác định rằng phương thức tồn tại của lao động trừu tượng, hiện thực cụ thể của nó, chính là tiền tệ.
§ 313 - Các hình thái của tiền tệ và tính đối cực tín dụng – tiền tệ
Phép phân tích các hình thái của giá trị cho phép Marx xác lập tiền tệ là vật ngang giá chung của các hàng hóa và, với danh nghĩa ấy, là phương thức biểu hiện và đo lường giá trị của thế giới hàng hóa. Khảo sát này cần được bổ sung bởi phân tích các hình thái của tiền tệ gắn với những chức năng của nó là: tiêu chuẩn giá cả (étalon des prix), phương tiện lưu thông (moyen de circulation), cất trữ giá trị (réserve de valeur), phương tiện thanh toán (moyen de règlement).
- Trong chức năng tiêu chuẩn giá cả, tiền tệ là đơn vị tính toán (unité de compte) mang tính quốc gia: một trọng lượng vàng cố định được xác định làm đơn vị đo lường giá cả, nghĩa là đo lường những số lượng vàng nhất định. Tiền tệ kế toán này chỉ là tiền tệ trên ý niệm và mang tính thuần quy ước. Việc xác định tiêu chuẩn giá cả (étalonnage) là thẩm quyền của nhà nước: “Một mặt vì có tính thuần quy ước và mặt khác vì cần được xã hội hợp thức hóa, cho nên cuối cùng kim lượng của tiền tệ do luật pháp quy định”[55].
- Trong chức năng phương tiện lưu thông, tiền tệ (T) cho phép hàng hóa (H) lưu thông qua các thao tác về bán (H – T) và mua (T – H), hình thành chu trình H – T – H. Chức năng này đòi hỏi chuyển hóa vàng thành tiền đúc (numéraire) hay tiền mặt, và việc đúc tiền (monnayage) hay phát hành tiền là thẩm quyền của nhà nước. “Ấn định giá của tiền đúc, cũng như kỹ thuật đúc tiền, thuộc thẩm quyền của nhà nước. Tiền tệ với tính cách là tiền đúc, cũng như với tính cách là tiền kế toán, mang tính chất địa phương và tính chất chính trị”[56]. Việc đúc tiền (với đặc lợi của quyền đúc tiền [seigneuriage]), và sự lưu thông hàng hóa (với sự hao mòn của tiền đúc), đưa đến tách biệt sự tồn tại chức năng của tiền đúc với sự tồn tại kim loại của nó, khiến tiền đúc trở thành ký hiệu của tiền tệ. Cho nên xã hội có thể phi vật chất hóa tiền tệ và thay thế nó bằng ký hiệu: sự phi vật chất hóa ấy trở nên hoàn toàn với tiền giấy lưu hành bắt buộc (cours forcé). Hình thái của tiền tệ, ở đây, là tiền tệ tượng trưng.
- Trong chức năng cất trữ giá trị, tiền tệ được rút ra khỏi lưu thông hàng hóa để tích trữ: đó là hình thái gọi là “kho tàng” (trésor) của tiền tệ, là tiền tệ mà người ta ham muốn với tư cách là tiền tệ tự nó, tức như là hiện thân của giá trị. Với hành vi tích trữ tiền tệ, quyền lực xã hội của tiền tệ được trao vào tay của tác nhân tư nhân: “Quyền lực xã hội trở thành quyền lực riêng của tư nhân”[57].
- Trong chức năng phương tiện thanh toán, tiền tệ cho phép trả các khoản nợ: như là thanh toán hàng hóa mua chịu. hay là trả thuế, trả địa tô, trả tiền lương. Chức năng này, cũng như chức năng cất trữ, đòi hỏi tiền tệ phải tồn tại thực tế, và tiền tệ tự nó là đối tượng của cầu. Cần thiết để kết toán trái quyền (créance) với món nợ (dette), tiền tệ với tư cách là phương tiện thanh toán là “kết quả cuối cùng của quá trình trao đổi”: tiền tệ hiện ra “như là hiện thân cá thể của lao động xã hội, như là sự tồn tại độc lập của giá trị trao đổi, là hàng hóa tuyệt đối”, nhưng ở bên trong của lưu thông hàng hóa, chứ không phải ở bên ngoài như là hình thái kho tàng[58].
Sự can dự của trái quyền vào lưu thông hàng hóa tạo nên dự đoán chi trả phương tiện thanh toán: nó cho phép nhà sản xuất hàng hóa mua (T – H) trước khi bán (H – T), người bán trở thành chủ nợ, người mua thành người mắc nợ. Đấy là xuất xứ của tiền tệ tín dụng - được tác giá Tư bản mô tả ở Quyển III Phần 5 - như là một hệ thống nối khớp ba cấp độ tiền tệ: 1) hối phiếu thương mại; 2) tín dụng ngân hàng; 3) tiền tệ nhà nước. Các hối phiếu được ngân hàng thương mại tiền tệ hóa: bằng cách chiết khấu hối phiếu, ngân hàng ứng cho các nhà sản xuất hàng hóa những phương tiện thanh toán dưới hình thức tiền tệ ngân hàng. Được mỗi ngân hàng thương mại phát hành với tính cách tư, tiền tệ tín dụng chỉ hoạt động như là phương tiện thanh toán trong quan hệ giữa các khách hàng của cùng một ngân hàng. Chứ nó không phải là phương tiện thanh toán trong quan hệ với các ngân hàng khác, bởi những ngân hàng khác này sẽ yêu cầu tiền tệ pháp định do Ngân hàng trung ương phát hành. Trong hệ thống tín dụng, Ngân hàng nhà nước có nhiệm vụ đảm bảo tính chuyển đổi của các tiền tệ ngân hàng: bằng cách tái chiết khấu các hối phiếu, Ngân hàng trung ương ứng cho các ngân hàng thương mại những phương tiện thanh toán chính thức cần thiết để khép kín hệ thống các phương tiện thanh toán mà các ngân hàng phát hành với tính cách tư[59].
Đằng sau mối tương quan giữa tiền tệ ngân hàng và tiền tệ trung ương là mối quan hệ giữa hàng hóa và tiền tệ. Đặc tính của sản xuất hàng hóa là lao động có tính tư nhân phải chứng tỏ tính xã hội của nó, và việc hợp thức hóa các sản phẩm của lao động tư nhân như là phân số của lao động xã hội, hợp thức hóa ấy thể hiện thành một bó buộc gọi là “bó buộc về tiền tệ” (contrainte monétaire): theo đó hàng hóa nhất thiết phải chuyển hóa thành tiền tệ. Đây không phải là sự chuyển hóa trên ý niệm của hình thái giá cả, mà là một sự chuyển hóa hiện thực thành tiền tệ, được thực hiện trong lưu thông hàng hóa. Và nó có thể thành công hay không: Marx gọi đó là “bước nhảy hiểm nghèo” (saut périlleux) của hàng hóa sang tiền tệ trong thao tác H – T, sẽ hợp thức hóa hay không sản phẩm lao động như là hàng hóa[60]. Nếu không, hàng hóa bị ế có nghĩa rằng không thể xã hội hóa lao động tư nhân, và nhà sản xuất tư nhân thất bại trong “đánh cuộc về hàng hóa” (pari marchand). Những hàng hóa sản xuất ra mà không bán được, không “hiện thực hóa” được, gây đứt đoạn trong dây chuyền H – T – H. Mặt khác, tiền tệ đưa đến tách biệt thao tác bán H – T với thao tác mua T – H: chỉ cần một nhà sản xuất hàng hóa đã thao tác bán nhưng lại không mua - bởi tiền không bắt buộc phải chuyển hóa ngay thành hàng -, là có thể xảy ra phản ứng dây chuyền không hiện thực hóa những hàng hóa. Trường hợp này xảy ra với tiền tệ trong chức năng cất trữ. Cũng như nó xảy đến với tiền tệ trong chức năng phương tiện thanh toán: chỉ cần một tác nhân mắc nợ nhưng không thanh toán nợ đã đến hạn là có thể khởi động phản ứng dây chuyền không trả nợ. Với ý nghĩa đó, theo Marx, tính đối cực hàng hóa – tiền tệ “bao hàm khả năng xảy ra khủng hoảng”[61].
Tín dụng cho phép nới lỏng mối liên hệ giữa hàng hóa và tiền tệ, bằng cách trì hoãn chế tài của xã hội, nhưng nó không thể xóa bỏ quy tắc theo đó lao động mang tính tư nhân phải được xã hội hợp thức hóa: tức quy tắc trao đổi hàng hóa lấy tiền tệ. Thật vậy, khi ngân hàng thương mại cấp tín dụng (ứng phương tiện thanh toán của ngân hàng) cho một nhà sản xuất hàng hóa, nó dự đoán hàng hóa được hợp thức hóa trong trao đổi: ngân hàng đánh cuộc rằng hàng hóa sẽ bán được và, với số tiền bán ra, nhà sản xuất hàng sẽ hoàn lại tiền mà ngân hàng ứng trước (hồi lưu của tiền tệ tín dung). Theo nghĩa đó, ngân hàng thương mại tiến hành điều mà Suzanne de Brunhoff gọi là sự “tiền-hợp thức hóa có tính tư nhân của lao động tư nhân” (anté-validation privée de travaux privés), và chịu trách nhiệm hoàn toàn về điều đó[62]. Một cuộc khủng hoảng về hiện thực hóa hàng hóa sẽ mang hình thức của giảm phát: hàng hóa mất giá, tiền tệ tín dụng mất chất lượng tiền tệ, hệ thống ngân hàng mất khả năng chi trả[63].
1. Nếu ngân hàng thương mại có khả năng quay sang Ngân hàng trung ương với tư cách là cấp cho vay cuối cùng, đặc biệt trong trường hợp tiền tệ lưu hành bắt buộc, việc xã hội hóa lao động tư nhân mang hình thái của tính năng chuyển đổi tiền tệ ngân hàng sang tiền tệ trung ương (và Ngân hàng trung ương áp đặt một mức chi phí khả biến bằng cách ấn định lãi suất tiền tệ). Sự chuyển đổi tín dụng thành tiền tệ có nghĩa là xã hội hợp thức hóa những dự đoán của các ngân hàng thương mại và của các nhà sản xuất tư nhân: tuy nhiên, ngay cả khi Ngân hàng trung ương chấp nhận phát hành phương tiện thanh toán, đó vẫn là một “sự hợp thức hóa giả của xã hội đối với những lao động tư nhân” (pseudo-validation sociale des travaux privés), bởi nó không hề gạt bỏ nguy cơ hàng hóa không hiện thực hóa được. Sự hợp thức hóa của xã hội chỉ thực thụ khi mọi trái quyền được hiện thực hóa. Một cuộc khủng hoảng về hiện thực hóa sẽ biểu hiện ở đây qua việc tiền tệ mà nhà nước phát hành bị mất giá, tức là hình thức của lạm phát. Như vậy, trong mọi trường hợp, các cuộc khủng hoảng tiền tệ nhắc nhở tín dụng tính chất tư nhân của nó, tức quan hệ đối cực của tín dụng với tiền tệ.
2. Phần trình bày trong Quyển III Tư bản còn chỉ rằng tiền tệ tín dụng, một mặt, có xu hướng thay thế tiền tệ-vàng, và sự bành trướng của nó độc lập với dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương (phân tích của Marx ở đây đối lập với Ricardo và nguyên lý “Currency principle”)[64]. Mặt khác, tác giả Tư bản nhấn mạnh rằng sự thay tiền tệ-vàng bằng tiền tín dụng không thể xóa bỏ quy tắc theo đó tiền tệ thương mại và tiền tệ ngân hàng phải có tính năng chuyển đổi, và sự cần thiết ấy trở thành tuyệt đối khi có khủng hoảng. “Trong khủng hoảng, ta thấy nảy ra đòi hỏi: tất cả các hối phiếu, các chứng khoán, các hàng hóa đều phải đổi được cùng lúc thành tiền tệ ngân hàng, rồi toàn bộ tiền tệ ngân hàng này lại phải đổi được thành vàng”[65]. Lý do là vì “đại bộ phận hối phiếu ấy đại biểu cho các thao tác mua và bán thực sự mà khối lượng vượt xa nhu cầu của xã hội, và rốt cuộc đó là cơ sở của mọi cuộc khủng hoảng”; hay là vì “đồng thời còn có một số lượng lớn các thương phiếu ấy chỉ đại biểu cho những vụ kinh doanh đầu cơ, bây giờ lộ rõ mặt thật của chúng và vỡ ra như những bong bóng”[66]. Cho nên mâu thuẫn của tiền tệ tín dụng ở chỗ nó phủ nhận tiền tệ-vàng trong khi nó không thể thoát khỏi tiền tệ-vàng. Một cách ẩn dụ, Marx bàn về mối quan hệ của tiền tệ tín dụng mang tính “Tin lành” với tiền tệ-vàng có tính “Công giáo”, quan hệ trong đó “hệ thống tín dụng không hề giải phóng được khỏi cơ sở của hệ thống tiền tệ, cũng như đạo Tin lành không hề giải phóng khỏi đạo Công giáo”[67].
Điều đó còn có nghĩa rằng không thể loại bỏ mâu thuẫn ấy bằng cách thay đổi chế độ tiền tệ. Thay chế độ bản vị vàng bằng một chế độ tiền tệ không chuyển đổi được thành vàng chỉ có nghĩa là Ngân hàng trung ương - tức nhà nước - được giao thẩm quyền tổ chức khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng bằng cách quy định các điều kiện về phát hành tiền tệ trung ương và về chuyển đổi các tiền tệ ngân hàng. Thật thế, điều phân biệt tiền tệ chuyển đổi được thành vàng với tiền tệ lưu hành bắt buộc là: trong trường hợp thứ nhất, ngân hàng thương mại là cấp gánh mối tương quan tín dung và một cách gián tiếp mối tương quan H – T thay cho người chủ nợ ban đầu; còn trong trường hợp thứ hai, Ngân hàng trung hương là cấp cuối cùng gánh mối tương quan ấy[68]. Cho nên hai chế độ tiền tệ ấy chỉ khác nhau ở các quy tắc (về phát hành tiền tệ trung ương và về chuyển đổi tiền tệ ngân hàng) pháp điển hóa mối quan hệ giữa Ngân hàng trung ương và các ngân hàng cấp hai. Nói cách khác, đó là hai hình thái đặc thù nối khớp tiền tệ nhà nước với tiền tệ phát hành với tư cách tư nhân.
Michel Aglietta (1938-) |
André Orléan (1950-) |
3. Mối quan hệ đối cực hàng hóa – tiền tệ không chỉ bao hàm một quá trình xã hội hợp thức hóa hàng hóa. Nó còn bao gồm một tính chính đáng của tiền tệ trong việc đại biểu giá trị. Tiền tệ có được tính chính đáng ấy do xuất phát từ một quá trình bầu chọn và loại trừ khỏi thế giới hàng hóa - như phân tích của Marx về các hình thái của giá trị đã cho thấy. Quá trình ấy do nhà nước tiến hành thông qua các hành vi xác lập tiểu chuẩn giá cả và đúc tiền - như phân tích của Marx về lưu thông hàng hóa đã xác định. Đồng thời, Marx nhấn mạnh rằng, trong chức năng cất trữ giá trị, “tiền tệ trao, dưới hình thái một vật, quyền lực của xã hội vào tay của tư nhân, và họ sử dụng quyền lực ấy với tư cách cá nhân”[69]. Các tác nhân tư nắm giữ quyền lực xã hội, tạo nên “tính hai mặt” (dualité) hay “tính hai chiều” (ambivalence) của tiền tệ - theo như Michel Aglietta và André Orléan trình bày -, khiến cho tính chính đáng của tiền tệ có thể bị đặt lại thành vấn đề[70]. Điều này xảy đến khi khủng hoảng tiền tệ mang hình thức lạm phát với xu hướng chuyển hóa tất cả tiền tệ ra thành hàng hóa: sự mất tín nhiệm đưa đến khước từ tiền tệ pháp định, mà thể hiện là hành vi “chỉ số hóa” (indexation) theo đó các tác nhân tự sử dụng một vật khác với những thuộc tính của tiền tệ (đơn vị kế toán, cất trữ giá trị). Hiện tượng ngược lại xảy ra khi khủng hoảng tiền tệ mang hình thức giảm phát với xu hướng chuyển hóa tất cả tài sản (hàng hóa, chứng khoán) ra thành tiền tệ. “Vì tín tưởng tính chất xã hội của sản xuất, người ta mới coi hình thái tiền tệ của sản phẩm như là một cái gì nhất thời và thuần trên ý niệm, chỉ đơn giản là một biểu tượng. Nhưng khi tín dụng bị lung lay (…) thì, chỉ hôm trước hôm sau, mọi của cải thực tế phải thực sự được chuyển hóa ngay thành tiền đúc, thành vàng và bạc - là một điều vô lý nhưng tất yếu mà bản thân hệ thống đẻ ra”[71]. Trong khi hàng hóa và chứng khoán mất giá và trở thành vô giá trị, cái mà các tác nhân tìm kiếm trong tiền tệ không phải là đơn vị kế toán hay tiền đúc mà chính là tư cách giá trị trao đổi trở thành độc lập, tư cách vật ngang giá chung hiện hữu khách quan, tư cách vật chất hóa của cải trừu tượng, tóm lại, đó là hình thái dưới đó tiền tệ là đối tượng tích trữ”[72]. Như vậy, quá trình xã hội hóa lao động tư nhân dao động giữa hai hinh thái đối cực về khủng hoảng, lạm phát và giảm phát, tùy theo cơ quan được ký thác tính chính đáng của tiền tệ - Ngân hàng trung ương - thực thi bó buộc về tiền tệ một cách ít hay nhiều chặt chẽ. Trong mọi trường hợp, theo Marx, chính các tác nhân nắm giữ tiền tệ như là cất trữ giá trị - những tác nhân mà hành vị “không có qui tắc, cũng không có chừng mực” - thúc đẩy khủng hoảng xảy ra[73].
§ 314 - Tiền tệ hay mặt đối lập của hàng hóa
Carlo Benetti |
Jean Cartelier (1942-) |
Phép phân tích tiền tệ của Marx là đối tượng phê phán về mặt lô-gích của Carlo Benetti và Jean Cartelier. Đối với hai tác giả của Marchands, salariat et capitalistes, quá trình phát sinh tiền tệ như là vật ngang giá chung là một “sự thất bại”, bởi không thể suy diễn Hình thái III (hình thái chung của giá trị) từ sự phát triển của các Hình thái I (hình thái ngẫu nhiên) và II (hình thái mở rộng). Cho nên xác lập vàng là vật ngang giá chung (Hình thái IV) chỉ là một “hành vi cưỡng bức về lý luận” (coup de force théorique) của Marx[74]. Luận điểm phê phán kết hợp ba điều: 1) bản thân Marx thừa nhận trong Tư bản sự thất bại của quá trình cấu thành Hình thái III; 2) nguồn gốc thất bại ấy là sự cấu thành Hình thái I từ giả định là vật ngang giá có tính chất hàng hóa; 3) bãi bỏ giả thuyết này có nghĩa là từ bỏ các khái niệm về lao động trừu tượng, thậm chí về giá trị. Chúng ta hãy xem xét lập luận mà hai tác giả đề ra.
1. Để làm cở sở cho luận điểm của mình, Benetti và Cartelier trích dẫn hai văn bản của Tư Bản trong đó Marx bàn về sự cấu thành Hình thái III bằng cách đảo ngược Hình thái II. Văn bản thứ nhất trích dẫn phiên bản đầu tiên năm 1867 của Chương 1 Quyển I, trong đó tác giả Tư bản xem xét việc áp dụng Hình thái II cho tất cả các hàng hóa, khiến mỗi hàng hóa biểu hiện - bằng một loạt phương trình - giá trị của nó trong hình thái giá trị sử dụng của tất cả hàng hóa khác. Việc “đảo ngược” các loạt phương trình ấy đưa đến chỗ “mỗi hàng hóa đối lập hình thái tự nhiên của mình với tất cả các hàng hóa khác với tư cách là vật ngang giá chung”. Kết quả là vật ngang giá chung không thể hình thành được, bởi “tất cả mọi hàng hóa đều loại tất cả hàng hóa khác khỏi hình thái vật ngang giá chung và, do đó, chúng tự loại mình ra khỏi biểu tượng lượng giá trị của chúng mà xã hội công nhận”[75].
Văn bản thứ hai, trích từ Chương 2 (Bàn về trao đổi), lặp lại rõ hơn chứng minh nói trên: “Đối với mỗi người sở hữu hàng hóa, bất cứ hàng hóa nào khác cũng đều là một vật ngang giá riêng biệt đối với hàng hóa của minh; vì vậy, hàng hóa của hắn là vật ngang giá chung cho tất cả mọi hàng hóa khác. Nhưng vì mọi người trao đổi đều ở vào cùng trường hợp như vậy, nên không có hàng hóa nào lại là vật ngang giá chung cả, và giá trị tương đối của hàng hóa không có một hình thái chung nào làm cho các hàng hóa có thể so sánh với nhau với tính cách là những số lượng giá trị. Tóm lại, trong mối quan hệ với nhau, đó không phải là những hàng hóa, mà là những sản phẩm đơn thuần hay những giá trị sử dụng”[76]. Theo Benetti và Cartelier, chính Marx đã nêu lên “phê phán triệt để nhất” đối với phân tích của ông về hình thái của giá trị, bởi - theo lời của tác giả Tư bản - Hình thái III đưa đến chỗ “tất cả các hàng hóa có thể trở nên vật ngang giá cho tất cả hàng hóa khác (…), đó không còn là hàng hóa mà chỉ đơn thuần là những sản phẩm”[77].
Điều rõ ràng, theo chúng tôi, là cách diễn giải Tư bản ở đây là sai nghĩa. Điều mà Marx giải thích trong hai văn bản được trích dẫn là vì sao Hình thái III không thể là một Hình thái II đảo ngược; tức là tại sao đảo ngược Hình thái II không phải là quá trình loại trừ các hàng hóa ra khỏi hình thái vật ngang giá. “Hình thái III đem lại cho toàn bộ các hàng hóa môt biểu hiện của giá trị tương đối mang tính chung và đồng nhất, bởi vì và trong chừng mực nó loại tất cả các hàng hóa ra khỏi hình thái vật ngang giá, mà chỉ trừ một hàng hóa thôi” - và đó chỉ có thể là “kết quả của một quá trình xã hội khách quan”. Hình thái III làm rõ ra là hình thái của giá trị không thể là một quá trình cá nhân và chủ quan - như các Hình thái I và II có thể khiến ta nghĩ đến. Thật vậy, trong Hình thái II, “việc loại trừ có thể là một quá trinh thuần chủ quan của người sở hữu vải chẳng hạn, khi nó ước tính giá trị của vải bằng nhiều hàng hóa khác. Trái lại, một hàng hóa chỉ ở vào hình thái vật ngang giá chung (Hình thái III) bởi vì và trong chừng mực, với tư cách là vật ngang giá, bản thân nó bị tất cả các hàng hóa khác loại ra [khỏi thế giới hàng hóa]. Việc loại trừ ở đây là một quá trình khách quan, không tùy thuộc vào hàng hóa bị loại trừ”[78].
Nói cách khác, sự cấu thành Hình thái III không thể là do mỗi người sở hữu hàng hóa đảo ngược các phương trình của Hình thái II để hàng hóa của mình trở thành một vật ngang giá của tất cả các hàng hóa khác. Bởi nó sẽ đưa đến tình trạng mỗi hàng hóa ở vào hình thái có thể trao đổi được với tất cả các hàng hóa khác, tức là sự phủ định của hình thái hàng hóa[79]. Do đó, trong các văn bản trích dẫn nói trên, Marx không hề mô tả - như Benetti và Cartelier tưởng tượng - “tình trạng xảy ra trong Hình thái III”, mà ông mô tả tình trạng sẽ xảy đến nếu mỗi người sở hữu hàng hóa chỉ đảo ngược Hình thái II của nó: tức nếu hình thái của giá trị là một quá trình cá nhân thay vì là một quá trình xã hội. Marx chỉ nêu lên Hình thái II “đảo ngược” để cho thấy là nó không cấu thành Hình thái III[80]: nói cách khác, để chỉ rằng không thể quan niệm quá trình phát sinh tiền tệ như thế đó[81]. “Vật ngang giá chung ấy chỉ có thể là kết quả của một hành vi xã hội”, “một hành vi chung” - Marx nhấn mạnh[82].
2. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét “sai lầm” của tác giả Tư bản. Theo Benetti và Cartelier, nó ở ngay khởi điểm phân tích hình thái của giá trị, khi Marx cấu trúc Hình thái I từ hai giả thuyết: một mặt, hình thái của giá trị là một “trao đổi thực thụ” (échange effectif); mặt khác, đó là một “liên hệ phản xạ” (relation réflexive) giả định rằng vật ngang giá là một hàng hóa. Song hai giả thuyết này lại không tương hợp: về mặt lô-gích, phép trao đổi loại trừ tính phản xạ. Giả thuyết thứ hai ấy khiến hình thái của giá trị là một phép “đổi chác sản phẩm” (troc), là điểm xuất phát của thuyết cổ điển về giá trị[83]. Phân tích tương quan trao đổi đòi hỏi từ bỏ tính phản xạ: Hình thái I “x hàng hóa A = y hàng hóa B” không đối chiếu hai hàng hóa A và B, nó đối chiếu A là một hàng hóa và B là tiền tệ, nghĩa là không phải hàng hóa[84].
Ngược lại với cách đọc nói trên, chúng tôi sẽ xác lập là hình thái của giá trị không căn cứ trên giả thuyết về trao đổi thực thụ, nó cũng dựa vào giả thuyết về tính phản xạ.
a) Liên hệ hai hàng hóa A và B, Hình thái I “x hàng hóa A = y hàng hóa B” không biểu tượng một sự trao đổi giữa A và B, mà biểu tượng hình thái dưới đó hàng hóa A có thể trao đổi hay có tính năng trao đổi (échangeable), trong khi B là hình thái của tính năng trao đổi trực tiếp (échangeabilité immédiate) của hàng hóa A. Tất cả phân tích của Marx căn cứ trên sự phân biệt hình thái của tính năng trao đổi với trao đổi thực thụ, tức giữa sự chuyển hóa trên ý niệm (transformation idéelle) và sự chuyển hóa hiện thực (transformation réelle) của hàng hóa thành tiền tệ: “Tiền tệ chỉ làm lưu thông các hàng hóa đã chuyển hóa trên ý niệm thành tiền tệ, không chỉ trong đầu của con người cá biệt mà cả trong biểu tượng của xã hội”. Marx còn nhấn mạnh rằng “sự chuyển hóa thành tiền tệ trên ý niệm và sự chuyển hóa trong hiện thực không có cùng quy luật”[85]. Là quá trình chuyển hóa trên ý niềm của hàng hóa thành tiền tệ hay, hay nói cách khác là quá trình cấu thành hình thái giá cả của hàng hóa, sự phân tích hình thái của giá trị là phân tích hình thái của tính năng trao đổi, chứ nó không phải là phân tích trao đổi thực thụ[86]. Bởi vì tính quy định hình thái của giá trị hàng hóa có trước lưu thông của hàng hóa, cho nên đặt câu hỏi Hình thái I là phép trao đổi hàng hóa hay phép đổi chác hàng là vô nghĩa. Cần nhắc rằng, đối với Marx, “hàng hóa không trao đổi với hàng hóa trong chừng mực nó trao đổi với tiền tệ”. Phép đổi chác hàng “không biết đến cái khác biệt đặc thù giữa hàng hóa và tiền tệ”: nó là quan điểm của chính trị kinh tế học, theo đó “không có gì khác biệt giữa tiền tệ và hàng hóa”[87].
b) Xem xét giả thuyết thứ hai về tính phản xạ cho thấy phương cách Benetti và Cartelier cấu trúc lại lô-gích các hình thái của giá trị. Quả đó là tái cấu trúc, bởi Benetti và Cartelier thừa nhận rằng Hình thái I, như Marx khái niệm hóa nó, là một liên hệ đối cực (relation polaire), tức về mặt hình thức không có tính phản xạ và vì thế không phải là một liên hệ tương đương (relation d’équivalence). Tuy nhiên, vì thiết định vật ngang giá là hàng hóa, cho nên về mặt lô-gíc, hình thái của giá trị mà Marx thiết kế mang tính phản xạ. Thật ra, điều mà hai tác giả gọi là “tính phản xạ” chỉ là tính đối xứng (symétrie) của mối liên hệ[88].
Phải chăng có thể đọc hình thái của giá trị như một liên hệ tương đương theo lô-gích hình thức?[89] Xác định trong tập hợp các hàng hóa {A, B, C…}, hình thái của giá trị khi đó phải có tính phản xạ (A = A), tính đối xứng (nếu A = B thì B = A) và tính bắc cầu (nếu A = B và B = C thì A = C). Song không thể hiểu tính “ngang giá” (équivalence) trong Tư bản theo nghĩa tính “tương đương” (équivalence) của lô-gíc hình thức, mà phải hiểu nó theo ý nghĩa thật đặc thù của Marx: “Tính ngang giá thật ra là giá trị của một hàng hóa biểu hiện ra trong giá trị sử dụng của một hàng hóa khác” [1859, tr. 17]. Hiểu như vậy, hình thái của giá trị là một hình thái đối cực, một mối liên hệ do đó không tính phản xạ, không tính đối xứng, không tính bắc cầu.
- Hình thái của giá trị không có tính phản xa, theo nghĩa A = A không phải là một hình thái của giá trị. “Vì không có hàng hóa nào có thể lấy bản thân mình làm vật ngang giá của chính mình được, mà cũng không thể lấy hình thái tự nhiên của mình làm hình thái giá trị của bản thân mình được, nên nó phải lấy một hàng hóa khác làm vật ngang giá của nó, tức là lấy giá trị sử dụng của hàng hóa ấy làm hình thái giá trị của nó”[90]. Hình thái của giá trị cũng không mang tính phản xã, theo nghĩa nó liên hệ hai hàng hóa quan niệm như là những nhân tố đồng chất của cùng một không gian. Vấn đề đối với Marx không phải là biểu hiện giá trị của một hàng hóa như là giá trị tương đối; mà là biểu hiện giá trị của một hàng hóa trong giá trị sử dụng của một hàng hóa khác: đó là khác biệt giữa cách đặt vấn đề hình thái của giá trị và cách đặt vấn đề giá trị tương đối.
- Hình thái của giá trị không có tính đối xứng, theo nghĩa A = B và B = A là hai biểu hiện của giá trị “không những khác nhau mà còn đối lập nhau”[91]. Biểu hiện A = B chỉ bề ngoài có tính đối xứng. Một cách cơ bản, nó là phi đối xứng, bởi cấu trúc của nó “phân phối các tính quy định của giá trị và của giá trị sử dụng một cách đối cực trên các hàng hóa”[92]. Hình thái I chỉ xác lập mối liên hệ của hai hàng hóa bằng cách loại trừ một hàng hóa khỏi hình thái vật ngang giá và loại trừ hàng hóa còn lại khỏi hình thái tương đối của giá trị. Sự phát triển của tính phi đối xứng này dẫn đến Hình thái III trong đó “thế giới hàng hóa có một hình thái tương đối mang tính chất xã hội và tính chất chung, bởi vì và trong chừng mực tất cả hàng hóa trong thế giới đó bị loại ra khỏi hình thái vật ngang giá hay hình thái của tính năng trao đổi trực tiếp. Ở chiều ngược lại, hàng hóa ở hình thái vật ngang giá chung bị loại ra khỏi hình thái tương đối của giá trị của thế giới hàng hóa”[93].
- Hình thái của giá trị cũng không có tính bắc cầu: cho rằng B = A và C = A là những biểu hiện của giá trị, điều đó không hề bao hàm rằng B = C hay C = B cũng là biểu hiện của giá trị. “Bởi vì tất cả hàng hóa [B, C…] được phản ánh như lượng giá trị trong cùng một hàng hóa [A] duy nhất, chúng phản ánh nhau như lượng giá trị. Nhưng hình thái tự nhiên của hàng hóa như là vật có ích chỉ được hàng hóa khác quan tâm theo đường vòng ấy (par ce détour); chứ một cách trực tiếp, hình thái tự nhiên của các hàng hóa [B, C…] đó không được coi là hình thái hiện tượng của giá trị”[94].
Hình thái của giá trị, do vậy, không thể là một “liên hệ tương đương”, và phân tích quá trình phát sinh của tiền tệ không thuộc về phép “lô-gích hình thức”[95].
Sự phát sinh của tiền tệ thuộc về phép phân tích hình thái, và câu hỏi của Benetti và Cartelier về cương vị hàng hóa hay không của tiền tệ cần được đặt vào khuôn khổ của phân tích ấy. Theo lập luận của Benetti và Cartelier, “vật ngang giá chung không thể là hàng hóa”[96]: sự thất bại của quá trình phát sinh tiền tệ cho thấy rằng, nếu tiền tệ là hàng hóa, thì không hàng hóa nào có thể tồn tại cả; chỉ có những sản phẩm đơn thuần mà thôi, cho nên vấn đề tiền tệ không đặt ra. Nếu hai tác giả nói đúng thì có nghĩa là Marx, theo thuyết Ricardo, đã thiết kế quan hệ hàng hóa – tiền tệ một cách đơn giản như là quan hệ hàng hóa – hàng hóa[97]. Song, như chúng ta biết, không hề có điều đó, và phân tích của Marx về hình thái của giá trị nhắm khái niệm hóa tiền tệ trong mối tương quan đối lập với hàng hóa, “theo phương thức phản đề” (antithétique)[98]. Song, trình bày của Tư bản đôi khi tạo nhầm lẫn giữa vàng-hàng hóa và vàng-tiền tệ. Trong khi lô-gích phân tích của Marx đòi hỏi phải có sự phân biệt rõ ràng: vàng là hàng hóa, nhưng không còn là hàng hóa khi nó trở thành tiền tệ, bởi định nghĩa của tiền tệ chính là mặt đối lập của hàng hóa. Từ lúc được bầu chọn làm vật ngang giá chung, vàng từ bỏ cương vị hàng hóa của nó. Vàng để qua một bên giá trị của nó - do không còn phải tỏ ra là có giá trị -, cũng như nó để qua một bên giá trị sử dụng riêng của nó như là kim loại, để nhận lãnh chức năng đại biểu giá trị của hàng hóa. Điều đó có nghĩa là vàng-tiền tệ bị loại trừ khỏi hàng ngũ của hàng hóa. Trái lại, mỗi khi nó từ bỏ chức năng đại biểu giá trị, vàng trở lại hàng ngũ của hàng hóa với giá trị và giá trị sử dụng riêng của nó (điều đó xẩy ra khi người sở hữu tiền đúc quyết định mang đi đúc lại thành vàng; hoặc nếu là tiền giấy thì là mang đến Ngân hàng trung ương chuyển đổi thành vàng). Theo nghĩa đó, có sự tồn tại đồng thời của vàng-tiền tệ và của vàng-hàng hóa.
Những sự nhập nhằng trong trình bày của Tư bản cần được nêu bật và giải tỏa. Nói đến giá trị sử dụng của vàng, Marx phân biệt rõ một bên là “giá trị sử dụng riêng của nó như là hàng hóa - chẳng hạn, khi vàng làm nguyên liệu dùng để sản xuất xa xỉ phẩm, để bịt răng sâu, v.v…”; và một bên là “giá trị sử dụng hình thức mà chức năng xã hội đặc thù của vàng sản sinh ra”: làm “vật chất cho các lượng giá trị của hàng hóa biểu hiện ra về mặt xã hội”, tức là “làm hình ảnh cụ thể cho lao động trừu tượng”[99]. Song, mặt khác, cách trình bày khiến người ta nghĩ rằng vàng-tiền tệ kiêm cả hai giá trị sử dụng nói trên, trong khi đó là hai giá trị sử dụng tất nhiên loại trừ lẫn nhau[100]. Trong chừng mực tiền tệ chỉ có một giá trị sử dụng hình thức và không còn giá trị sử dụng riêng như là hàng hóa, tiền tệ không còn là hàng hóa nữa. “Có thể nói rằng tiền tệ - như là phương tiện lưu thông [nhưng cũng có thể nói: trong các chức năng khác] - không còn là hàng hóa (một hàng hóa cá biệt) trong chừng mực (…) nó không còn thỏa mãn một nhu cầu nào khác và trực tiếp cả”[101].
Liên quan đến vấn đề giá trị, cách trình bày nặng tính nước đôi hơn. Một mặt, Marx thiết đinh - nhưng không xác định theo thủ tục cụ thể nào - rằng: trái với lao động tư nhân sản xuất ra hàng hóa, lao động tư nhân sản xuất ra vật ngang giá chung là, dưới hình thái có ích của nó, lao động mang tính xã hội trực tiếp. Nói cách khác, lao động tư nhân sản xuất vật ngang giá chung không tham gia phạm trù về lao động trừu tượng, nó không sản sinh ra giá trị và không phải là đối tượng hợp thức hóa của thị trường. Mặt khác, Marx viết rằng tiền tệ không có giá cả, nhưng có giá trị. Tiền tệ không có giá cả trong chừng mực nó bị gạt ra khỏi “hình thái tương đối chung của giá trị”, do nó không thể “làm vật ngang giá cho bản thân nó được”. Muốn có được giá trị của tiền tệ, ta phải “đọc ngược Hình thái III” để giá trị của nó biểu hiện một cách tương đối bằng “cái chuỗi dài vô tận của các hàng hóa khác”. Cho nên “hình thái tương đối mở rộng của giá trị hay Hình thái II” xuất hiện như là hình thái đặc thù trong đó vật ngang giá chung biểu hiện giá trị của nó. Khi đọc ngược danh mục giá cả các hàng hóa, ta có được “lượng giá trị của tiền tệ biểu hiện trong tất cả các hàng hóa có thể và tưởng tượng được”[102]. Trong một đoạn văn khác ta có thể đọc: “Như mọi hàng hóa, tiền tệ chỉ có thể biểu hiện lượng giá trị riêng của nó, một cách tương đối, trong những hàng hóa khác. Giá trị của bản thân nó là do thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra nó quyết định, và giá trị này biểu hiện trong lượng của bất cứ hàng hóa nào khác cũng đòi hỏi cùng một thời gian lao động”[103].
Khó có thể chối cãi rằng các mệnh đề trên đây gây ra vấn đề. Trước hết, như mọi hình thái của giá trị, Hình thái III không có tính đối xứng, cho nên không thể “đọc ngược” nó: theo nghĩa đó, đảo ngược Hình thái III không thể cho Hình thái II. Bởi, cũng như “tất cả hàng hóa (…) đều bị gạt ra khỏi hình thái vật ngang giá chung”[104], vật ngang giá (cho dù là chung, đặc biệt hay cá biệt) bị gạt ra khỏi hình thái tương đối (cho dù có tính chung, mở rộng hay ngẫu nhiên). Với tư cách là vật ngang giá chung, tiền tệ biểu hiện giá trị của hàng hóa, nhưng bản thân nó không có giá trị cần phải biểu hiện. “Dưới hình thái vật ngang giá, một hàng hóa chỉ có mặt như là lượng đơn thuần của một vật chất nào đó bởi vì lượng giá trị của nó không được biểu hiện” - Marx nói rõ[105]. Và nhấn mạnh: “Cần phải nói rằng hình thái vật ngang giá của một hàng hóa không chứa đựng bất cứ tính quy định nào về lượng giá trị”[106]. Cho nên phải nói rằng tiền tệ không có giá cả, mà cũng không có giá trị, và cái mà người ta gọi là “giá trị của tiền tệ” thật ra là giá trị mà nó đại biểu. Tiền tệ không có giá trị, nhưng nó có sức mua biểu hiện khi ta đọc ngược danh mục giá cả của hàng hóa.
3. Theo luận điểm của Benetti và Cartelier, tiền tệ không chỉ “ở ngoài” phạm trù hàng hóa, nó còn là tiền-giả định lô-gích của phạm trù hàng hóa. Muốn hiểu hàng hóa là gì, phải “tiền-giả định một hình thái tồn tại của xã hội có trước về mặt lô-gích”, và hình thái xã hội đặc thù ấy chính là tiền tệ [Benetti và Cartelier, sđd., tr. 156]. Điều này có nghĩa là ta không thể suy tiền tệ ra từ khái niệm hàng hóa. Ngược lại, hàng hóa phải suy ra từ khái niệm tiền tệ, và khái niệm này chỉ có thể là đối tượng của một định đề. Điều đó đưa hai tác giả đến chỗ bác bỏ khái niệm về lao động trừu tượng. Theo họ, quá trình phát sinh tiền tệ thất bại là do vị trí mà Marx trao cho lao động trong lý thuyết về giá trị: bởi vì tác giả Tư bản “trao tính phổ quát cho lao động, không còn chỗ cho cái phổ quát khác là tiền tệ”, cho nên Marx phải “đẩy” tiền tệ ra ngoài thì mới “đưa” lao động vào phân tích phạm trù về hàng hóa. Khi Benetti và Cartelier gạt bỏ khái niệm về vật ngang giá chung như là hàng hóa “độc quyền” (exclusive), họ nhắm phạm trù về lao động trừu tương – cụ thể, tức định nghĩa của hàng hóa như là sự thống nhất hai mặt đối lập giá trị – giá trị sử dụng.
Luận điểm của Benetti và Cartelier tham gia vào trào lưu đọc Marx mệnh danh là “phi chính thống” mà đặc tính là xu hướng quy giá trị vào hình thái xã hội của nó[107]. Đó là một cách đọc mang tính duy hình thức, đảo ngược một xu hướng lâu năm thống trị cách lý giải Tư bản, là quy giá trị vào thực thể xã hội của nó[108]. Tuy nhiên, xét cho cùng, cách đọc duy hình thức, cũng như cách đọc duy thực thể, đều vấp phải cùng một vấn đề: không thông hiểu phân tích về hình thái thì không thể nắm bắt mối tương quan giữa lao động trừu tường và tiền tệ. Bởi không thực thể nào mà không có hình thức, cũng như không hình thức nào mà không có thực thể: đó là hai mặt của phê phán chính trị kinh tế học mà Marx vạch ra khi ông cho rằng: “Ở phía ngược lại, người ta thấy hình thành trở lại một học thuyết tân-trọng thương, nhìn thấy trong giá trị chỉ có hình thái xã hội, hay nói cách khác chỉ thấy bề ngoài của nó không có thực thể”[109].
Cần nhắc lại rằng đối tượng phân tích hình thái của giá trị chính là khái niệm về lao động trừu tượng, một khái niệm chỉ được xác định hoàn toàn với phương thức tồn tại của nó: là tiền tệ, được định nghĩa trong mối tương quan đối cực với thế giới hàng hóa. Vì thế, có thể cho rằng phê phán phi chính thống nêu lên một vấn đề giả khi nó đặt Marx trước thế phải chọn lựa giữa lao động trừu tượng hay tiền tệ - trong khi đó là một tính quy định hình thái. Hay, khi phê phán phi chính thống đặt ra câu hỏi về việc có trước về mặt lô-gích của tiền tệ hay của hàng hóa - trong khi đó là một mối tương quan đối cực.
Do đâu mà có lời trách cứ Marx đã quan niệm hàng hóa “ở ngoài” tiền tệ? Có lẽ do phương thức trình bày của Chương 1 Tư bản khi, trong bước mở đầu, nó bàn về hàng hóa mà không có tiền tệ - phạm trù này chỉ được đưa vào phân tích trong bước thứ hai bàn về hình thái của giá trị. Xin nhắc lại rằng đó là hai mặt của động tác phân tích hàng hóa.
- Động tác thứ nhất phân tích hàng hóa (Tiết 1 và 2) đi từ phạm trù giá trị trao đổi sang phạm trù giá trị để định nghĩa hình thái hàng hóa như là sự thống nhất giá trị và giá trị sử dụng, hay là “hàng hóa nói chúng” (marchandise en général)[110]. Ở đây, Marx “xem xét các hàng hóa với tư cách là “giá trị không thôi” (valeur sans plus) bằng cách để qua một bên các quan hệ trao đổi của chúng, tức là hình thái dưới đó các hàng hóa hiện ra như là giá trị trao đổi”[111]. Trong chừng mực phép phân tích không xét đến giá trị trao đổi, vấn đề của tiền tệ không đặt ra ở chỗ này. Hay chính xác hơn, như Marx nói rõ, hàng hóa với tư cách là giá trị đồng hóa với tiền tệ: “với tư cách là giá trị, hàng hóa là tiền tệ”[112].
- Động tác thứ hai của phân tích hàng hóa (Tiết 3 và 4) đi từ phạm trù giá trị sang phạm trù giá trị trao đổi để định nghĩa hàng hóa như là sự thống nhất giá trị trao đổi và giá trị sử dụng. Ở đây, Marx xem xét các hàng hóa cá biệt và chỉ tồn tại trong mối tương quan đối cực với tiền tệ là “hàng hóa chung”, “hàng hóa phổ quát” (marchandise générale)[113].
Georg Hegel (1770-1831) |
Động tác hai mặt của phân tích hàng hóa còn được Marx mô tả như là “sự phân đôi, sự nhị hóa (dédoublement, redoublement) hàng hóa thành hàng hóa và tiền tệ” [1875, t. 1, tr. 97; 1890, tr. 99]. Đó cũng là phép phân nhỏ hình thái hàng hóa (hàng hóa nói chung) thành những hàng hóa cá biệt mà tính thống nhất được đảm bảo bởi tiền tệ (hàng hóa phổ quát). Phương thức trình bày này theo kiểu Hegel không khỏi gây nên những vấn đề diễn giải - như chúng ta đã thấy với phạm trù về lao động trừu tượng khi phân tích của nó bị giới hạn vào hai tiết đầu của Chương 1. Song, khi chương này được đọc với động tác phân tích hai mặt của nó thì không thể nói, như Benetti và Cartelier, rằng cách tiếp cận hàng hóa của Marx giả định một sự tồn tại độc lập của hàng hóa đối với tiền tệ. Trái lại, cả Chương 1 chứng tỏ hàng hóa không thể tồn tại nếu không có tiền tệ: hàng hóa và tiền tệ chỉ có thể tồn tại đồng thời. Marx nhấn mạnh điều này khi cho rằng: “Cùng với sự chuyển hóa chung của các sản phẩm lao động thành hàng hóa, thì hàng hóa cũng chuyển hóa thành tiền tệ”[114]. Còn điều mà Marx gọi là phép “phân đôi” hàng hóa (nói chung) thành hàng hóa (cá biệt) và tiền tệ thì nó chỉ trỏ bước chuyển phân tích giá trị từ một cấp độ trừu tượng hóa sang một cấp độ khác.
So với phân tích của Marx thì lý luận của Benetti và Cartelier tự đặt mình tức khắc ở cấp độ của các hàng hóa cá biệt, và không biết đến cấp độ phân tích giá trị nào khác hơn là giá trị trao đổi, cấu thành bởi quan hệ hàng hóa – tiền tệ. Điều mà hai tác giả xóa bỏ trong lý luận của Marx chính là sự phân biệt về khái niệm giữa giá trị và giá trị trao đổi, mà thiếu vắng nó thì không thể tư duy sự thống nhất của giá trị – giá trị sử dụng, của lao động trừu tương – cụ thể và, do đó, của quá trình phát sinh tiền tệ[115]. Tiền tệ không còn là đối tượng của thuyết về giá trị: thuyết này vì vậy hiện ra như là “một phép phân tích hiện vật” (analyse réelle), là sự phủ định của “phép phân tích tiền tệ” (analyse monétaire)[116]. Từ sự phế phán này, quan điểm của hai tác giả là tiền tệ chỉ có thể là một cái gì có trước thế giới hàng hóa. Tuy nhiên, đối diện với định đề về tiền tệ này của Benetti và Cartelier, chúng ta có thể tự hỏi với Marx rằng: có chăng định đề ấy lý thuyết hóa một “bề ngoài giả hình” (fausse apparence) gắn với hình thái của giá trị - theo đó “một hàng hóa tựa như không trở thành tiền tệ vì các hàng hóa khác dùng nó để biểu hiện giá trị lẫn cho nhau; trái lại, hình như các hàng hóa này dùng nó để biểu hiện giá trị của mình, vì nó là tiền tệ”[117]. Tương tự như Marx nhận xét: “Người này sở dĩ làm vua chỉ vì những người khác tự cho mình là thần dân, và hành động theo tư cách đó. Trái lại, những người này tin rằng họ là thần dân vì người ấy là vua”[118].
Chính quá trình chuyển hóa giá trị thành giá cả tạo nên sự đảo nghịch trong nhận thực mối quan hệ của hàng hóa và tiền tệ. “Một mặt, trong giá cả, hàng hóa quan hệ với tiền tệ như là với cái gì bên ngoài nó; mặt khác, bản thân hàng hóa được thiết định trong ý niệm như là tiền tệ, bởi tiền tệ có một hiện thức tách biệt nó”[119]. Bởi vì hình thái giá cả làm cho tiền tệ hiện ra như một cái gì bên ngoài hàng hóa, cho nên hàng hóa hiện ra như là hình thái của tiền tệ. “Với tư cách là giá cả, tất cả hàng hóa, dưới những hình thái khác nhau, là những đại biểu của tiền tệ, trong khi trước đó tiền tệ, với tư cách là giá trị trở thành độc lập, là đại biểu duy nhất của các hàng hóa”[120]. Phân tích hình thái của giá trị không chỉ cho thấy tiền tệ làm cho giá trị của hàng hóa trở nên độc lập, nó còn lý giải rằng quá trình này biến mất đi trong kết quả của nó, hình thái giá cả, và cho thấy điều ngược lại. Không có gì ngạc nhiên khi tự đặt mình tức khắc ở cấp độ mà tiền tệ được cho trước thế giới hàng hóa, tức cấp độ của hình thái giá cả, người ta có thể cho rằng: tiền tệ không biểu hiện “một cái gì gọi là giá trị” cả; tiền tệ không đại biểu “cho gì cả, ngoài nó”; ý niệm về giá trị sinh ra từ “tưởng tượng của xã hội”; giá trị chỉ là “sự phóng chiếu” lên hàng hóa của tính tiền tệ của chúng, chứ không phải ngược lại[121]. Chí ít đó là những gì hiện ra khi ta nhìn quá trình chuyển hóa của giá trị từ kết quả của nó.
§ 315 - Tính hai mặt của tiền tệ
Phải thừa nhận rằng cách đọc phi chính thống biểu lộ một vấn đề thật mà văn bản về hình thái của giá trị, đặc biêt là Hình thái III, đặt ra. Hình thái chung của giá trị, theo Marx, không hình thành bằng cách đảo ngược Hình thái II mà đòi hỏi một quá trình xã hội khả dĩ bầu chọn một hàng hóa vào vai trò vật ngang giá chung, và loại trừ ra khỏi vị trí đó tất cả các hàng hóa khác. Quá trình này, như chúng ta biết, phân biệt các Hình thái III và IV với các Hình thái I và II, là những hình thái xuất hiện như là quá trình mang tính “tư nhân”[122]. Những hình thái đầu tiên I và II “biểu hiện giá trị một hàng hóa nào đó hoặc bằng một hàng hóa khác hoặc bằng một chuỗi nhiều hàng hóa khác. Cứ mỗi lần như thế, ta có thể nói rằng đó là việc riêng của mỗi hàng hóa tự định cho nó một hình thái giá trị, và nó làm được việc ấy mà không cần các hàng hóa khác xen vào. Đối với hàng hóa đó thì các hàng hóa khác này đóng một vai trò thuần thụ động về vật ngang giá. Trái lại, hình thái chung của giá trị tương đối chỉ xuất hiện như là sự nghiệp chung của toàn bộ các hàng hóa”[123]. Lý do là vì không một hàng hóa nào có thể tự bầu chọn mình làm vật ngang giá chung và tự nó loại trừ các hàng hóa khác. “Phải là một hành vì xã hội mới có thể biến một hàng hóa nhất định thành vật ngang giá chung” - Marx nhấn mạnh[124].
Tuy nhiên, trình bày của Chương 1 Tư bản không xác định rõ hơn tính chất của quá trình xã hội qua đó một hàng hóa giành “độc quyền xã hội” đại biểu giá trị[125]. Đó không thể là kết quả tự nhiện của sự phát triển trao đổi hàng hóa giữa các tác nhân tư - như người đọc có thể nghĩ đến căn cứ trên mệnh đề như: “Tiền tệ là một sản phẩm xã hội tự nó sinh ra từ những quan hệ mà các cá nhân thiết lập trong lưu thông”[126]. Về mặt lô-gích, tiền tệ không thể là kết quả phát triển của những quan hệ hàng hóa, bởi các hàng hóa mang tức khắc tính tiền tệ[127]: đó là, như chúng ta biết, phê phán của Marx đối với các nhà kinh tế học tìm cách suy diễn tiền tệ từ sự phát triển của quan hệ trao đổi trực tiếp các sản phẩm, đổi chác hàng hóa.
Mệnh đề nói trên của Marx nhắm thuyết duy danh, theo đó tiền tệ có tính đơn thuần quy ước và thuần ký hiệu, là kết quả của “cái gọi là thỏa thuận phổ quát của con người ta”, là “sản phẩm tùy tiện của ý nghĩ con người”[128]. Theo Marx, “sự tồn tại của vàng như là ký hiệu của giá trị và tách rời khỏi thực thể của bản thân vàng - sự tồn tại ấy phát sinh từ bản thân quá trình lưu thông chứ không phải là do quy ước hay sự can thiệp của nhà nước mà có”[129]. Đúng ra thì phê phán chính trị kinh tế học của Marx bao gồm cả hai chủ thuyết về tiền tệ:
- thuyết tiền tệ duy danh (nominalisme), với phiên bản duy nhà nước (étatisme), cho rằng tiền tệ không có liên quan đến hàng hóa; nó phủ nhận nguồn gốc hàng hóa của tiền tệ.
- thuyết tiền tệ duy kim loại (métallisme) và khái quát hơn, thuyết tiền tệ-hàng hóa (monnaie-marchandise), khẳng định rằng tiền tệ là hàng hóa mà không nhận thấy sự đối lập[130]; nó giả định rằng vàng-tiền tệ có một giá trị, là giá trị của vàng-hàng hóa[131].
Từ sự phê phán hai mặt này, có thể nói rằng tiền tệ không phải là hàng hóa, cũng không phải là phi-hàng hóa[132]. Chúng tôi cũng không định nghĩa tiền tệ như là “cựu-hàng hóa” (ex-marchandise)[133] hay “hàng hóa giả tưởng” (marchandise fictive)[134]. Tiền tệ, theo Marx nói, là “hàng hóa phản đề” (marchandise antithétique)[135], theo nghĩa nó là mặt trái của hàng hóa (contraire de la marchandise), tức là tiền tệ vừa không thể tách ra khỏi hàng hóa, vừa là cực đối lập của nó. Do đó, quá trình phát sinh của tiền tệ và quá trình phát sinh của hàng hóa là hai mặt của cùng một vấn đề[136].
Như thế có thể xác định rằng “hành vi xã hội” qua đó một hàng hóa đạt đến chức năng vật ngang giá chung chỉ có thể là hành vi của nhà nước với tư cách là đại diện của xã hội. Tiền tệ, do đó, là một hình thái mang tính thể chế, thuộc về chủ quyền của nhà nước. Và nếu có “hành vi cưởng bức” trong quá trình phát sinh của tiền tệ thì đó là hành vi của nhà nước, là cấp quyền lực khả dĩ áp đặc sự độc quyền đại biểu giá trị của vàng. Tính chất cơ bản nhà nước của quá trình bầu chọn-loại trừ (élection-exclusion) cấu thành vật ngang giá chung có nghĩa là tiền tệ căn cứ trên bạo lực có tính thể chế; hay nói cách khác, chủ quyền về chính trị cấu thành chủ quyền về tiền tệ[137].
Trong văn bản ban đầu của Góp phần phê phán chính trị kinh tế học, Marx xác định rằng quyền lực của vật ngang giá có cùng phạm vi với quyền lực của nhà nước trung ương: “Quyền lực của vật ngang giá chung (…) tương ứng với quyền lực chung, đồng nhất mà chế độ quân chủ chuyên chế có năng lực thực thi ở mọi nơi trên lãnh thổ của nó” - quyền lực ấy gắn liền với năng lực áp đặt tiền tệ như là “phương tiện thanh toán chung” thuế khóa[138]. Marx cũng ghi nhận tính đẳng cấu (isomorphie) gắn liền quan hệ hàng hóa – tiền tệ với quan hệ xã hội – nhà nước: việc giá trị của hàng hóa trở nên độc lập trong tiền tệ “cần phải được quyền lực của xã hội trở nên độc lập - tức nhà nước - đảm bảo”[139]. Marx nhận xét tương tự rằng vàng-hàng hóa trở thành vàng-tiền tệ qua việc xác định tiểu chuẩn giá cả và việc đúc tiền, là những hành vi thuộc về độc quyền của nhà nước xác lập đơn vị tính toán và tiền đúc: “Khi vàng bạc (hay hàng hóa nào khác) phát triển thành thước đo giá trị và phương tiện lưu thông (cho du dưới hình thức vật chất hay hình thức ký hiệu thay thế), nó trở thành tiền tệ mà xã hội không phải làm gì, độc lập với ý chí của nó”[140]. Và Marx nhấn mạnh rằng tiền đúc “chỉ có giá trị, khi nào đằng sau nó có quyền lực của nhà nước”[141].
1. Ấn định giá chính thức của vàng (một trọng lượng vàng nào đó chuyển đổi thành số lượng tiền đúc nhất định) là thể thức cụ thể qua đó sản phẩm của một lao động cụ thể - vàng - được hợp thức hóa bằng một quyết định của nhà nước - đại diện cho xã hội -, và như vậy được công nhận là vật ngang giá chung[142]. Cần làm rõ thêm ở đây những trình bày tĩnh lược của Marx về lao động cụ thể sản xuất ra vật ngang giá chung: như chẳng hạn khi Chương 1 Tư bản viết rằng lao động sản xuất vàng trở thành hình thái của lao động “trực tiếp” xã hội và biểu hiện ra “trực tiếp” trong một sản phẩm có tính năng trao đổi với tất cả các hàng hóa[143]. Từ “trực tiếp” ở đây có nghĩa: không qua trung gian của thị trường, không thông qua thể thức trao đổi của sản phẩm lao động. Thật vậy, lao động sản xuất vàng trở thành lao động xã hội do quyết định của xã hội, của nhà nước: đấy là thể thức về xác định tiểu chuẩn của giá cả và về đúc tiền qua đó vàng-hàng hóa trở thành vàng-tiền tệ, tức một sản phẩm có thuộc tính thể chế về tính năng trao đổi trực tiếp.
Cần nhấn mạnh rằng tiền tệ hóa vàng không phải là một hành vi trao đổi: người mang vàng đến Ngân hàng trung ương không hề bán nó mà chuyển đổi nó thành tiền mặt[144]. Thao tác ấy có thể mang hình thái đúc tiền và trong trường hợp này vàng vẫn ở trong tay của người sở hữu nó; trong trường hợp Ngần hàng trung ương giữ lấy vàng thì sẽ phát hành những chứng chỉ đưới hình thức tiền giấy. Trong mọi trường hợp, đúc vàng thành tiền (monnayage) bao hàm đặc quyền về đúc tiền (seigneuriage), khiến vàng đúc, hay những chứng chỉ vàng, bao giờ cũng tương ứng với một trọng lượng vàng thấp hơn trọng lượng vàng thoi mang đến[145]. Khác với hành vi trao đổi hàng hóa là một quan hệ hàng ngang giữa tác nhân tư với nhau, hành vi đúc vàng thành tiền là một quan hệ hàng dọc giữa tác nhân tư và Ngân hàng trung ương. Trong trường hợp của tiền tệ tín dụng, hành vi tiền tệ hóa trái quyền tư nhân tiến hành qua thể thức chiết khấu của ngân hàng thương mại và tái chiết khấu ở cấp sau cùng của Ngân hàng trung ương.
2. Không thể quy quan hệ hàng hóa vào tương quan trao đổi hàng hóa giữa tác nhân tư với nhau: các tương quan này chỉ cấu thành một trong hai cực của quan hệ hàng hóa; cấu thành cực thứ hai là tương quan của tác nhân tư với nhà nước, là mối tương quan thiết chế vật ngang giá chung. Như thế, nền sản xuất hàng hóa được cấu thành một cách đối cực bởi phép phân quyền tư nhân của hàng hóa và phép tập quyền nhà nước của tiền tệ. Người ta có thể ngạc nhiên là tác giả Tư bản, sau khi vạch rõ tính đối cực hàng hóa – tiền tệ (và hình thái phái sinh của nó là tính đối cực tín dụng – tiền tệ), đã không khái niệm hóa tính đối cực giữa tác nhân tư và nhà nước, là tính đối cực cấu thành thị trường[146].
Mặt khác, tiền tệ còn có đặc tính là đối tượng được mọi người chấp nhận. Điều đó có nghĩa là không có chủ quyền về tiền tệ nếu tiền tệ không có tính chính đáng, tức nếu các tác nhân tư không tin tưởng rằng định chế phát hành tiền tệ có năng lực đảm bảo sự ổn định tiền tệ[147]. Tính chinh đáng của tiền tệ được Marx gọi theo quy ước - tuy không triển khai nó - là “tín dụng quốc gia” hay “tín dụng của nhà nước”[148]. Biểu hiện của nó là độ tín nhiệm của tác nhân tư vào tiền tệ với tư cách là phương tiện cất trữ giá trị: “trạng thái tín nhiệm” đó tùy thuộc vào mức lãi suất, tức vào giá của tiền tệ[149].
Với tư cách là quan hệ xã hội, tiền tệ chỉ trỏ một hiện thực hai mặt là: 1) một quyền lực của tính chủ quyền, qua đó nhà nước áp đặt tiền tệ cho các tác nhân tư; 2) sự tín nhiệm của các tác nhân trao đổi hàng, tạo nên tính chính đáng của tiền tệ do nhà nước phát hành. Vì thế, không thể quy tiền tệ chỉ vào tính quy định xã hội, tập quyền và nhà nước của nó: tiền tệ không thể tồn tại ngoài tính quy định tư nhân, phân quyền và hàng hóa của nó. Do tính chất hai mặt này, cho nên tiền tệ một cách cơ bản có tính hai chiều, vừa là xã hội vừa là tư nhân, vừa là tập quyền vừa là phân quyền, vừa là nhà nước vừa là hàng hóa. Ở đây, có thể nói rằng tính nhập nhằng (ambiguité) trong những trình bày về tiền tệ của Marx thường là biểu hiện của tính hai chiều (ambivalence) đó chưa được khái niệm hóa thỏa đáng[150].
3. Giữa cách đọc Tư bản mà chúng tôi triển khai ở đây và cách đọc gọi là phi chính thống, không phải không có những nét tương đồng, tuy nhiên sự bất động tập trung vào điểm lý luận cơ bản của Marx là tính đối cực giữa tiền tệ và hàng hóa. Do quan niệm tiền tệ theo cách đặt vấn đề duy danh, phân tích phi chính thống bác bỏ mọi quy chiếu đến hàng hóa, và xác lập tiền tệ trên nền tảng duy nhất của nhà nước. Với quan điểm ấy, tiền tệ là một quan hệ xã hội tách biệt với thế giới hàng hóa, và nhà nước là một thực thể bên ngoài thị trường. Từ đó, người ta không thể nắm bắt rằng tiền tệ là cực khác của thế giới hàng hóa, rằng nhà nước vừa ở bên trong và bên ngoài thị trường. Cách đọc phi chính thống căn cứ trên một lập luận ngụy biện: xuất phát từ nhận xét rằng tiền tệ là một đối tượng xã hội được hợp thức hóa bên ngoài thị trường - một nhận xét chính xác -, nó suy diễn rằng tiền tệ nhất thiết có trước hàng hóa - một suy diễn không đúng. Hay, nói cách khác, và để dùng lại phép loại suy về mối quan hệ nhà vua – thân dân mà Marx sử dụng để trình bày quan hệ tiền tệ – hàng hóa: nhà vua không thể tồn tại mà không có thần dân, cũng như thần dân không thể tồn tại mà không có nhà vua. Tương tự như vậy, tiền tệ và hàng hóa làm tiền đề cho nhau. Không cái nào tồn tại trước cái nào[151].
Ngược lại, cách đọc Tư bản tự cho là chính thống, do theo cách đặt vấn đề duy kim loại của tiền tệ-hàng hóa, căn cứ vào một lập luận ngụy biện đối xứng: vàng-tiền tệ nhất thiết phải có giá trị và nó trùng lặp với giá trị của vàng-hàng hóa, nếu không thì tiền tệ sẽ không có mối quan hệ với hàng hóa[152]. Cách đọc này không thể nắm bắt điều chính yếu mà quan hệ đối cực tiền tệ – hàng hóa bao hàm: là tiền tệ không hề có giá trị.
Ở đây, cần nhân mạnh thêm một lần nữa rằng - bởi điều đó không phải lúc nào cũng hiển nhiên khi đọc văn bản của Tư bản: điều mà phân tích của Marx về hình thái của giá trị phải xác lập là một khái niệm phi duy kim loại về tiền tệ kim loại. Trong chế độ bản vị vàng, không phải là vàng-kim loại mà là vàng đúc thành tiền mới là tiền tệ. Nói cách khác, điều xác định chế độ tiền tệ kim loại không phải là thể nền vật chất của nó, mà là thủ tục đúc tiền, tức chuyển đổi kim loại thành đồng tiền lưu thông hợp pháp[153]. Nói khái quát hơn, điều phân biệt các chế độ tiền tệ khác nhau không phải là việc phi vật chất hóa của tiền tệ - như người ta thường nói -, mà là phương thức đúc tiền đặc thù của mỗi chế độ, tức là một quan hệ xã hội: mối quan hệ nối kết những tác nhân tư với định chế phát hành tiền tệ.[154]
4. Phân tích hình thái của giá trị, Marx phân tích quá trình phát sinh lô-gích của tiền tệ trong tương quan đối cực của nó với thế giới hàng hóa. Đó không phải là quá trình phát sinh lịch sử của tiền tệ bởi, như chúng ta đã thấy, tiền tệ tồn tại trước khi có nền sản xuất hàng hóa: về mặt lịch sử, tiền tệ có trước hàng hóa - chứ không phải ngược lại. Bàn về tiền tệ kim loại bằng vàng và bạc, Marx nói rõ là “quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa nắm lấy trước hết lưu thông kim loại như là một cơ thể sẵn sàng vận động mà nó thừa kế”[155]. Trong những hình thái sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa, tiền tệ vẫn thuộc về chủ quyền của nhà nước, nhưng nhà nước ấy không đối diện với những tác nhân trao đổi hàng hóa: theo nghĩa đó, tiền tệ không nhất thiết gắn với hàng hóa và nó có thể biểu tượng một trật xã hội khác hơn là thế giới hàng hóa[156]. Chẳng hạn, với tư cách là phương tiện thanh toán, tiền tệ có thể “hiện diện độc lập với lưu thông hàng hóa”, và Marx ghi nhận rằng trong các thế giới cổ đại và phong kiến, “cuộc vận động đấu tranh giải cấp mang hình thái trước tiên của đấu tranh không ngừng lặp lại giữa người chủ nợ và người mắc nợ”. Theo nghĩa đó, Chương 3 Tư bản nhận xét rằng “mối quan hệ tiền tệ giữa chủ nợ và mắc nợ trong hai thời kỳ trên chỉ là phản ảnh bề ngoài của những mâu thuẫn sâu hơn[157]”.
Tất nhiên, khi Tư bản phân tích mối quan hệ đối cực giữa tiền tệ và hàng hóa, thì đấy là tiền tệ như là phạm trù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tính lô-gích đồng thời của tiền tệ và hàng hóa, có nghĩa là phân tích của Marx về tiền tệ không đơn giản là sự triển khai đơn giản của khái niệm về hàng hóa. Như đã ta đã thấy, quá trình phát sinh của vật ngang giá chung cần đến một hành vi của xã hội và đại diện của nó là nhà nước: sự hình thành của tiền tệ đòi hỏi một tương quan chiều dộc và tập quyền, tức là một quan hệ xã hội khác hơn là tương quan đơn giản chiều ngang và phân quyền của những tác nhân trao đổi hàng hóa với nhau; nó bao hàm những hình thái có tính chế và quy ước, đảm bảo tính hai mặt của tiền tệ, là tính chủ quyền và tính chính đáng. Thật thế, vấn đề không chỉ là xác định sự tồn tại của vật ngang giá chung, mà còn là xác lập một “hình thái ngang giá chung được xã hội công nhận” như Marx đã nhấn mạnh[158], nhưng không có triển khai khi trình bày các Hình thái III và IV[159]. Đó là điều mà người ta không phải bao giờ cũng nắm được khi đọc Tư bản, vì hình thức Marx dùng để trình bày các hình thái của giá trị ít hay nhiều chịu ảnh hưởng của Hegel[160]: do vậy mà quá trình phát sinh của tiền tệ thường được diễn giải như là sự tự phát triển (auto-développement) của hàng hóa. Và đó chính là một giới hạn quan trọng về trình bày của Tiết 3 Chương 1.
Vì đã không làm rõ ra những điểm nêu trên đây, phân tích về hình thái của giá trị không đạt hoàn toàn mục tiêu mà Marx đặt ra cho nó: là lý giải “làm sao một hàng hóa trở thành tiền tệ”[161]. Và chính thiếu sót này là chỗ tựa của những cách đọc cho rằng lý luận mácxít về tiền tệ là một phân tích duy kim loại thuộc quan niệm về tiền tệ-hàng hóa;[162] hay chí ít là một phân tích lỗi thời lý thuyết hóa một chế độ tiền tệ kim loại không còn lưu hành trong chủ nghĩa tư bản đương đại[163].
Tiết 32:
GIÁ TRỊ VÀ / HAY GIÁ TRỊ TRAO ĐỔI
Cũng như mối quan hệ giá trị - giá trị sử dụng, vấn đề tương quan giữa giá trị và giá trị trao đổi là một điểm nút trong diễn giải lý luận mácxít về giá trị. Trước tiên, có thể nhận xét rằng, trên bình diện thuật ngữ, việc phân biệt khái niệm giá trị và khái niệm giá trị trao đổi chỉ xuất hiện từng bước trong các văn bản của Marx. Vắng mặt cho đến Góp phần phê phán chính trị kinh tế học, sự phân biệt khái niệm xuất hiện đầu tiên trên Quyển I Tư bản xuất bản lần thứ nhất, và được xác định rõ hơn mỗi lần tái bản sau đó. Nhưng đây không chỉ là vấn đề thuật ngữ, bởi - ở Marx - nó bao giờ cũng là chỉ dấu khó khăn liên quan đến cái được biểu đạt[164]. Quả vậy, sự chỉnh sửa thuật ngữ, xảy đến giữa Góp phần phê phán và Tư bản, tương ứng với việc Marx điều chỉnh cách đặt vấn đề giá trị của mình. Sự đổi mới của Tư bản không chỉ ở chỗ nó xây dựng một khái niệm về giá trị tách biệt với khái niệm giá trị trao đổi, mà còn ở chỗ Marx xây dựng lại khái niệm về giá trị trao đổi như là hình thái của giá trị, tách bạch với giá trị trao đổi hiểu như là quan hệ trao đổi. Nói cách khác, đặc điểm phân tích của Tư bản là cương vị hai mặt của giá trị trao đổi: quan hệ trao đổi và hình thái của giá trị. Để vạch rõ diều này, chúng ta cần đối chiếu trình bày của Chương 1về hàng hóa trong Tư bản với Chương 1 về hàng hóa trong Góp phần phế phán[165]. (§ 321)
§ 321 - Từ “Góp phần phê phán” đến “Tư bản”: quy chế hai mặt của giá trị trao đổi
Phép trình bày của Tư bản khởi đi từ hàng hóa như nó trực tiếp hiện ra, tức là “hàng hóa cá biệt”, “cá thể”, định nghĩa như là sự thống nhất của giá trị sử dụng và giá trị trao đổi[166]. Ở đây, giá trị trao đổi được xác định như là quan hệ trao đổi: “giá trị trao đổi, trước hết, hiện ra như là một quan hệ về số lượng, là một tỷ lệ trao đổi lẫn nhau giữa những giá trị sử dụng thuộc loại khác nhau”[167]. Đó là phương trình nổi tiếng: “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” (1 quarteron de froment = a kilogramme de fer) của Tiết 1. Bởi định nghĩa của hàng hóa cá biệt bao hàm mối quan hệ của nó với các hàng hóa khác, khái niệm giá trị trao đổi đặt ra vấn đề của khả năng thiết lập một tương quan giữa các hàng hóa, tức vấn đề của cái gì chung, của tính đồng nhất của hàng hóa: “Cái chung ấy, biểu hiện trong quan hệ trao đổi hay trong giá trị trao đổi, chính là giá trị của hàng hóa”[168].
Sự thống nhất của giá trị với giá trị sử dụng (xã hội) định nghĩa hình thái hàng hóa. Nhưng một hàng hóa riêng biệt không hiện ra như là hàng hóa bởi, giá trị của nó không biểu hiện trong hình thái về giá trị sử dụng của nó. “Lấy một hàng hóa riêng ra, ta có thể lật đi lật lại mãi mà vẫn không thể nắm được nó với tư cách là một vật có giá trị”[169]. Cho nên khái niệm giá trị đặt ra vấn đề về biểu hiện của nó, tức là vấn đề hình thái của giá trị hay là giá trị trao đổi. Trình bày của Marx không vì vậy quây lại khởi điểm của nó, bởi giá trị trao đổi ở đây không phải định nghĩa như là quan hệ định lượng theo đó hai giá trị sử dụng trao đổi với nhau, mà là quan hệ biểu hiện giá trị của một hàng hóa trong hình thái về giá trị sử dụng của hàng hóa khác. Đấy là phương trính “20 m vải = 1 cái áo” của Tiết 3. Hình thái của giá trị đưa đến loại vật ngang giá chung ra khỏi thế giới hàng hóa, và cấu thành quan hệ đối cực hàng hóa – tiền tệ như là hình thái chung của giá trị trao đổi.
Kết quả là khái niệm giá trị trao đổi, trong Tư bản, có cương vị hai mặt. Một mặt, giá trị trao đổi là quan hệ trao đổi giữa hai hàng hóa và đó là nghĩa duy nhất mà chính trị kinh tế học biết đến. Mặt khác, giá trị trao đổi, theo nghĩa đặc thù mácxít, là hình thái của giá trị. Giá trị trao đổi theo nghĩa thứ hai này quy định giá trị trao đổi trong nghĩa thứ nhất: tính quy định quan hệ trao đổi của hai hàng hóa giả định về mặt lô-gích tính quy định hình thái của giá trị của hàng hóa. Một cách tương liên, khái niệm hàng hóa trong Tư bản có một định nghĩa hai mặt. Trong tồn tại cá biệt và trực tiếp của nó, hàng hóa theo định nghĩa của chính trị kinh tế học, là giá trị trao đổi và giá trị sử dụng. Với tư cách là hình thái của sản phẩm lao động, hàng hóa, theo định nghĩa đặc thù macxít, là sự thống nhất hai mặt đối lập của giá trị với giá trị sử dụng. Định nghĩa thư nhất giả định về mặt lô-gích định nghĩa thứ hai. Về mặt phân tích, hình thái hàng hóa phân đôi giữa hàng hóa cá thể và tiền tệ.
Cũng như Tư bản, khởi điểm của Góp phần phế phán là những hàng hóa cá biệt (“mỗi hàng hóa riêng biệt”)[170]. Nhưng sau vài đoạn văn chung nói về giá trị sử dụng và giá trị trao đổi của hàng hóa, hai văn bản ấy của Marx tách biệt nhau[171].
Adolph Wagner (1835-1917) |
1. Trong trình bày năm1859, phân tích của Marx dừng lại ở hàng hóa cá biệt và không khảo cứu tính thống nhất của hàng hóa. Tác giả Góp phần phê phán ngừng lại ở giá trị trao đổi mà không thấy cần thiết phải tạo nên khái niệm về giá trị. Kết quả là sự đồng hóa “thực thể của giá trị trao đổi” với lao động trừu tượng, tức là một sự lẫn lộn khái niệm giữa giá trị và lao động trừu tượng[172]. Điều mà, về sau, tác giả Tư bản sẽ phê phán: “Tôi không hề nói đến ‘thực thể xã hội chung của giá trị trao đổi’, trái lại tôi nói rằng các giá trị trao đổi (giá trị trao đổi chỉ tồn tại khi chí ít có hai hàng hóa) biểu tượng một cái gì chung của các hàng hóa, và hoàn toàn độc lập với giá trị sử dụng (tức hình thái tự nhiên) của chúng, đó là giá trị” - Marx viết trong Ghi chú bên lề sách Bàn về chính trị kinh tế học của Adolph Wagner. “Cho nên tôi không hề nói rằng ‘thực thể xã hội chung của giá trị trao đổi’ là lao động; và bởi vì, trong một phần đặc biệt, tôi bàn chi tiết về hình thái của giá trị, tức sự phát triển của giá trị trao đổi, sẽ thật kì lạ nếu quy hình thái của giá trị ấy vào một “thực thể xã hội chung” là lao động”[173]. Đấy là tự phê bình của tác giả Góp phần phê phán, đồng thời là phê phán chính trị kinh tế học khi nó quy, một cách tùy tiện, giá trị trao đổi vào lao động”. Điều đó cũng lý giải những khó khăn (“sự trừu tượng hóa hiện thực”), thậm chí là ngõ cụt (“lao động trung bình”, “giản đơn”) của việc khái niệm hóa lao động trừu tượng trong trình bày 1859[174].
Khi dừng lại ở cấp độ phân tích của hàng hóa cá biệt - định nghĩa bởi giá trị trao đổi của nó -, Marx không thể trình bày trong văn bản 1859 một khái niệm về hàng hóa thích ứng với đối tượng của nó: cả ở cấp độ của hàng hóa nói chung mà định nghĩa đòi hỏi khái niệm về giá trị (tách biệt với giá trị trao đổi), lẫn ở cấp độ của hàng hóa cá biệt mà định nghĩa giả định khái niệm về hình thái của giá trị (tách biệt với quan hệ trao đổi).
2. Bởi vì thiếu vắng một khái niệm về giá trị tách biệt khái niệm về giá trị trao đổi, cho nên trình bày của Góp phần phê phán không thể sản sinh khái niệm về hình thái của giá trị. Một mặt, trình bày 1859 thiết định rằng giá trị trao đổi của một hàng hóa biểu hiện trong một lượng nhất định về giá trị sử dụng của một hàng hóa khác. Nhưng đồng thời nó lại cho rằng “tất cả giá trị sử dụng đều là những vật ngang giá theo những tỷ lệ trong đó các giá trị sử dụng ấy chứa đựng những lượng giống nhau về thời gian lao động tiêu phí đã được vật hóa”[175]. Ở đây, thuộc tính vật ngang giá, thay vì chỉ trao cho một vế trong hình thái của giá trị, được trao cho cả hai vế, cho nên mối tương quan trở thành đối xứng: “Trong chừng mực hai sản phẩm này biểu tượng một số lượng bằng nhau về thời gian lao động chung, và do đó là những vật ngang giá của mọi giá trị sử dụng chứa đựng cùng số lượng thời gian lao động, cho nên chúng là những vật ngang giá đối với nhau”[176]. Hay, như Marx viết về sau trong Tư bản, “vật ngang giá khi đó chỉ có nghĩa: một vật gì đó mà đại lượng bằng nhau”.
Khái niệm về hình thái của giá trị chính là sự phê phán quan niệm đó về vật ngang giá, cũng là quan niệm của chính trị kinh tế học: nếu ta trình bày tương quan 20 m vải = 1 cái áo “mà nói rằng 20 m vải và 1 cái áo là những vật ngang giá hay là hai giá trị cùng đại lượng, chúng ta không hề biểu hiện giá trị của một hàng hóa trong giả trị sử dụng của hàng hóa kia. Không có hàng hóa nào ở vào hình thái vật ngang giá cả” - Marx tự phê trong văn bản 1867[177].
Trong trình bày của Góp phần phê phán, vật ngang giá chung được định nghĩa bởi toàn bộ các biểu hiện của giá trị trao đổi của một hàng hóa mà vật ngang giá là những giá trị sử dụng của các hàng hóa khác. Đó là chuổi của tổng số đầy đủ các phương trình qua đó một hàng hóa biểu tượng giá trị trao đổi của nó trong những lượng về giá trị sử dụng của tất cả hàng hóa khác: “Chỉ trong tổng số các phương trình này, tức là chỉ có trong toàn thể tương quan trỏ các tỷ lệ khác nhau theo đó một hàng hóa nào đó có thể trao đổi với các hàng hóa khác, thì hàng hóa đó mới có được biểu hiện đầy đủ của nó là vật ngang giá chung”. Điều xảy ra cho một hàng hóa tất nhiên cũng xẩy ra cho tất cả các hàng hóa khác, cho nên mỗi hàng hóa đều là vật ngang giá chung của các hàng hóa khác. “Với tư cách là giá trị trao đổi, mỗi hàng hóa đồng thời là một hàng hóa có đặc quyền làm thước đo chung cho giá trị trao đổi của tất cả các hàng hóa khác; đồng thời, nó cũng chỉ là một trong chuổi tổng số các hàng hóa trong đó mỗi hàng hóa khác trực tiếp biểu hiện giá trị của mình”[178]. Hình thế mà chúng ta đạt đến không tương ứng với bất cứ hình thái nào của giá trị trong Tư bản: không phải là Hình thái III của vật ngang giá chung, cũng không phải là Hình thái II của những vật ngang giá riêng. Thật vậy, phép phân tích hình thái của giá trị trong Tư bản - như chúng ta đã thấy - là sự phê phán cách thiết kế vật ngang giá chung ấy và nền tảng của nó là tính đối xứng của tương quan ngang giá: bởi nếu quả như thế thì “không có hàng hóa nào là vật ngang giá chung cả”, và kết quả là không có hàng hóa nào tồn tại cả, chỉ có “những sản phẩm đơn thuần hay những giá trị sử dụng” mà thôi[179].
3. Vả chăng, trong Góp phần phế phán, Marx ý thức khuyết điểm về biểu hiện của giá trị trao đổi nói trên, là quy nạp một tính năng trao đổi trực tiếp hàng hóa với nhau. Marx phải viết rằng “biểu hiện của giá trị trao đổi đó chỉ có tính chất lý luận chừng nào hàng hóa được quan niệm chỉ trong tư duy như là một lượng nhất định thời gian lao động chung đã vật hóa”[180]. Nói cách khác, khuyết điểm của văn bản 1859 trong phân tích biểu hiện của giá trị trao đổi là nắm lấy hàng hóa một cách phiến diện, một chiều. Cho nên Marx phải nối tiếp nó bằng phân tích quá trình trao đổi, là quá trình cho phép nắm bắt tính hai mặt của hàng hóa, vừa là giá trị trao đổi, vừa là giá trị sử dụng. Bởi đó là nơi thắt nút và giải quyết những mâu thuẫn giữa giá trị trao đổi và giá trị sử dụng của hàng hóa. Phép phân tích hàng hóa đối mặt ở đây với một “vòng luẩn quẩn” theo đó hiện thực hóa giá trị trao đổi của hàng hóa giả định hiện thực hóa giá trị sử dụng của nó, và ngược lại[181]: “Muốn biểu hiện như là giá trị trao đổi, là lao động chung đã vật hóa, thì hàng hóa trước tiên phải được bán đi với tư cách là giá trị sử dụng, tìm được người mua, trong khi ngược lại, muốn bán hàng hóa với tư cách là giá trị sử dụng thì hàng hóa phải tồn tại như là giá trị trao đổi”. Hay nói cách khác: “Hàng hóa phải bước vào quá trình trao đổi với tư cách là thời gian lao động đã vật hóa, [trong khi] bản thân sự vật hóa thời gian lao động của những cá nhân như là lao động chung lại chỉ là kết quả của quá trình trao đổi mà thôi”. Vòng luẩn quẩn này có nghĩa không thể có trao đổi trực tiếp hàng hóa – hàng hóa, mà quá trình trao đổi đỏi hỏi “có một hàng hóa đặc biệt biểu hiện trực tiếp thời gian lao động được vật hóa”; hay nói cách khác, nó đòi hỏi rằng “thời gian lao động cá thể, được vật hóa trong một hàng hóa đặc biệt, lại trực tiếp mang tính chất của cái chung”[182].
Sau khi xác lập sự cần thiết của tiền tệ trong quá trình trao đổi, Góp phần phê phán lý giải sự hình thành của nó qua phạm trù về vật ngang giá chung đã định nghĩa trước đây: một hàng hóa đặc biệt tự khẳng định là vật ngang giá chung qua toàn bộ các phương trình biểu hiện giá trị trao đổi của nó trong giá trị sử dụng của tất cả các hàng hóa khác. Người ta chỉ cần đảo ngược toàn bộ các phương trình thì hàng hóa ấy trở thành vật ngang giá chung “nhờ tác động của tất cả mọi hàng hóa khác đối với nó” - Marx chỉ viết như thế chứ không có gì rõ hơn: “Để phương thức tồn tại của một hàng hóa đặc biệt, với tư cách là vật ngang giá chung, từ chỗ là một sự trừu tượng hóa thuần túy trở thành một kết quả xã hội của bản thân quá trình trao đổi, thì chỉ cần đảo ngược các vế trong loạt phương trình trên”[183]. Tiền tệ ở đây là kết quả của một sự đảo ngược mang tính thuần hình thức, căn cứ trên tính đối xứng của giá trị trao đổi với tư cách là quan hệ trao đổi; tiền tệ không phải là kết quả, như trong trình bày của Tư bản, của một quá trình loại trừ căn cứ trên tính đối cực của giá trị trao đổi với tư cách là hình thái của giá trị. Chính là quan hệ đối cực này - như chúng ta đã xét - không cho phép đảo ngược một cách thuần hình thức hình thái của giá trị (đặc biệt là Hình thái II); và cũng chính nó cho phép xác lập vật ngang giá chung như là hàng hóa bị loại ra khỏi thế giới hàng hóa. Trong Góp phần phê phán, hẵn không có gì ngăn cản người ta đảo ngược các phương trình khi chúng mang tính đối xứng; nhưng về mặt lô-gích, không có gì ngăn cản các hàng hóa khác cũng đồng thời là đối tưởng của sự “đảo ngược” mô tả ở trên. Người ta có thể lặp lại ở đây những nhận định phê phán của Benetti và Cartelier đối với trình bày của Tư bản nhưng chỉ xác đáng đối với văn bản 1859: đó là sự thất bại của quá trình loại vật ngang giá chung ra khỏi thế giới hàng hóa, và sự cấu thành >của tiền tệ bằng một hành vi cưỡng bức về lý luận[184].
Những điều trên đây đưa chúng ta đến các nhận định như sau:
- Vì thiếu vắng một khái niệm về giá trị tách biệt khái niệm về giá trị trao đổi, cho nên trình bày của Góp phần phê phán không thể xác lập cương vị hai mặt của giá trị trao đổi: luôn luôn có sự lẫn lộn giữa biểu hiện giá trị trao đổi của một hàng hóa trong giá trị sử dụng của một hàng hóa khác, với quan hệ trao đổi của hai hàng hóa ấy.
- Văn bản 1859 không thể đề ra khái niệm về vật ngang giá chung trong biểu hiện của giá trị trao đổi, và phải cầu đến quá trình trao đổi để có thủ tục thay thế: việc phân biệt quan hệ chỉ có tính “lý luận” - trong “tư duy” - của các hàng hóa (biểu hiện của giá trị trao đổi) với quan hệ “hiện thực” của các hàng hóa (quá trình trao đổi) chỉ là hệ quả của sự thiếu sót trong khái niệm về biểu hiện giá trị trao đổi[185]; cho nên nó không liên quan gì đến sự phân biệt của Tư bản giữa sự chuyển hóa “trên ý niệm” (hình thái của giá trị) và sự chuyển hóa “hiện thực” (trao đổi thực thụ) của hàng hóa thành tiền tệ.
- Trong Góp phần phê phán, tiền tệ là lời giải của mâu thuẫn giá trị trao đổi - giá trị sử dụng định nghĩa hàng hóa; trong Tư bản, tiền tệ và hàng hóa cấu thành quan hệ đối cực định nghĩa giá trị trao đổi.
Chúng ta có thể hiểu vì sao Marx “thấy cần thiết phải viết lại từ đầu” thuyết trình năm 1859, bởi - như ông đã thừa nhận - “thuyết trình thứ nhất này có gì đó khiếm khuyết, đặc biệt trong phân tích về hàng hóa”[186]: đó là tính bất định của khái niệm về giá trị trao đổi (hiểu như là quan hệ trao đổi) và, một cách tương liên, tính bất định của khái niệm về vật ngang giá (trao một cách đối xứng cho cả hai vế của giá trị trao đổi). Tính không thích đáng của các khái niệm về hàng hóa và tiền tệ đến từ đó. Sự chỉnh lý khái niệm trong thuyết trình 1867 có hai mặt: một mặt, tác giả Tư bản tạo dựng khái niệm về giá trị, định nghĩa như là hình thái của sản phẩm lao động; mặt khác, Marx tạo dựng khái niệm về hình thái của giá trị, khởi đi từ Hình thái I: bởi “hình thái đơn giản nhất của hàng hóa, trong đó giá trị của một hàng hóa chưa được biểu hiện như là quan hệ với tất cả các hàng hóa khác, mà chỉ được biểu hiện như là khác hình thái tự nhiên của bản thân nó - [Hình thái I ấy] chứa đựng tất cả bí mật của hình thái tiền tệ, và do đó chứa đựng manh nha bí mật của các hình thái tư sản của sản phẩm lao động”. Đó chính là “điều khó khăn” trong phân tích mà Marx công nhận đã “né tránh” trong thuyết trình 1859[187].
Đi từ Góp phần phê phán sang Tư bản, người ta nắm bắt được nền tảng khái niệm của Marx khi phê phán chính trị kinh tế học: 1) Sự phân biệt giá trị - gia trị trao đổi, mà ta không thể lẫn lộn với phép phân biệt giá trị tuyệt đối - giá trị tương đối (§ 322). 2) Cương vị hai mặt của giá trị trao đổi, khiến ta không thể lẫn lộn phân tích quan hệ trao đổi [“1góc tạ lúa mì = a kg sắt”] với phân tích hình thái của giá trị [“20 m vải = 1 cái áo”] (§ 323).
§ 322 - Giá trị tuyệt đối và giá trị tương đối
Tên của Paul-Dominique Dognin gắn với bản dịch Pháp ngữ của Chương 1, Quyển I Tư bản, các lần xuất bản đầu tiên (1867) và sau cùng (1890), là những văn bản làm rõ tầm quan trọng của sự phân biệt giá trị và giá trị trao đổi trong lý luận của Marx: là điểm chỉnh lý trọng yếu mà Tư bản tiến hành so với Góp phần phế phán, và cũng là điểm điều chỉnh liên tục của Marx mỗi lần tái bản của Quyển I[188]. Tuy nhiên, diễn giải mà Dognin đề ra lại khá hạn chế, do tác giả không nắm bắt hai cấp độ của định nghĩa hàng hóa (hàng hóa cá biệt và hàng hóa nói chung), cũng như động tác trình bày hai mặt của Chương 1 (đi từ giá trị trao đổi như là quan hệ trao đổi sang đến giá trị; rồi đi từ giá trị trở sang giá trị trao đổi như là hình thái của giá trị). Dừng lại ở định nghĩa “chỉnh lý” của hàng hóa như là sự thống nhất giá trị - giá trị sử dụng (hàng hóa nói chung), và cho rằng định nghĩa hàng hóa như sự thống nhất giá trị trao đổi – giá trị sử dụng là sai sót, Dognin nêu lên nhũng “sai sót chưa được chỉnh lý” mỗi khi định nghĩa này về hàng hóa xuất hiện trong văn bản của Marx[189].
Song song, Dognin phế phán việc phân biệt giá trị và giá trị trao đổi với lý lẽ - trở nên cổ truyền từ Samuel Bailey: là sự đối lập giữa “tuyệt đối luận triệt để của giá trị” với “tương đối luận triệt để không kém của giá trị trao đổi”[190]. Chính tính đối lập này tạo ra sự nhập nhằng trong lý luận về giá trị của Marx. Bởi vì giá trị chỉ khẳng định được qua thị trường - tức qua “toàn bộ những trao đổi thực thụ” -, cho nên Marx chỉ có thể rơi vào “một sự mâu thuẫn nội tại trầm trọng” khi ông cho rằng: “Không phải sự trao đổi quy định số lượng giá trị của một hàng hóa, mà trái lại chính số lượng giá trị của hàng hóa quy định các quan hệ trao đổi”[191]. Vả lại, chính Marx viết rằng: “Chỉ trong trao đổi sản phẩm lao động với nhau thì các sản phẩm mới đạt tính khách thể xã hội ngang bằng của giá trị, tách biệt với tính khách thể vật chất thiên hình van trạng của vật sử dụng”. Mệnh đề này, theo Dognin, chất vấn tác giả Tư bản: “Nếu sản phẩm đạt tính khách thể của giá trị, tức đạt tới giá trị không thôi, chỉ qua trung gian của của trao đổi, tức qua giá trị trao đổi”, làm sao Marx có thể cho rằng giá trị trao đổi chỉ là hình thái hiện tượng của giá trị? Làm sao có thể khẳng định rằng số lượng giá trị quy định trao đổi thay vì là trao đổi quy định số lượng giá trị?[192]
1. Phê phán của Dognin đặt vấn đề của tương quan giữa giá trị, giá trị trao đổi và trao đổi: giá trị trao đổi phải chăng là do giá trị thoạt tiên quy định, trước khi có trao đổi, hay nó là sản phẩm, kết quả của trao đổi? Trước hết, cần định nghĩa “trao đổi” là gì và phân biệt hai nghĩa của thuật ngữ này trong các văn bản của Marx[193]. Một mặt, đó là trao đổi hiểu như là một hình thái xã hội nhất định về sản xuất, một hình thái về quá trình tái sản xuất xã hội, theo nghĩa Marx viết: “Việc trao đổi sản phẩm với tư cách là hàng hóa là một phương pháp nhất định để trao đổi lao động, để cho lao động của mỗi người phụ thuộc lao động của những người khác, là một phương thức nhất định về lao động xã hội và sản xuất xã hội”[194]. Mặt khác, đó còn là trao đổi hiểu như là một thời điểm riêng biệt trong quá trình tái sản xuất xã hội, tách bạch thời điểm về sản xuất hiểu theo nghĩa hẹp: với nghĩa thứ hai này, Marx phê phán những nhà kinh tế học quan niệm rằng “đại lượng của giá trị là sản phẩm của trao đổi”[195]. Trong Tư bản, Marx định nghĩa khái niệm về giá trị là tính năng trao đổi của hàng hóa, còn khái niệm về giá trị trao đổi là hình thái của tính năng trao đổi hàng hóa. Tác giả Tư bản đề ra hai phạm trụ này độc lập với “toàn bộ các trao đổi thực thụ”, theo như trình tự trình bày của Tư bản Phần I cho thấy: Marx xử lý vấn đề giá trị và giá trị trao đổi của hàng hóa (ở Chương 1 và 2) trước khi khảo sát sự lưu thông của hàng hóa (ở Chương 3). Thật vậy, lưu thông của hàng hóa giả định sự hình thành của giá trị và giá trị trao đổi, đặc biệt là sự chuyển hóa “trong ý niệm” của hàng hóa thành tiền tệ dưới hình thái của giá cả: “Giá trị hàng hóa biểu hiện ở giá cả của hàng hóa trước khi hàng hóa đi vào lưu thông, chứ giá trị đó không phải là kết quả của lưu thông[196]”. Đó là vì “một hàng hóa sẽ trao đổi được với một hàng hóa khác khi nó có một hình thái làm cho nó xuất hiện như là giá trị”, tức là khi giá trị của nó có một hình thái tách biệt giá trị sử dụng của nó, là hình thái giá trị trao đổi[197]. Cho nên, nói rằng hàng hóa đạt đến tính khách thể của giá trị, không có nghĩa - theo như Dognin đọc - là nó có “giá trị không thôi”; mà là giá trị của hàng hóa có một hình thái vật hóa tách biệt vật sử dụng của nó, là hình thái độc lập của tiền tệ, tức là hình thái giá cả. Sự chia tách giữa tính khách thể của giá trị và tính khách thể của giá trị sử dụng không phải là kết quả của trao đổi, mà có trước đó - như là Marx viết trong văn bản mà Dognin chỉ trích dẫn có phần đầu: “Việc chia tách sản phẩm lao động ra thành vật có ích và vật có giá trị được mở rộng ra trong thực tiển khi trao đổi đã trở nên khá rộng rãi và quan trọng đến mức là các vật có ích được sản xuất ra nhằm để trao đổi, khiến tính giá trị của các vật đó được coi trọng ngay khi sản xuất ra các vật ấy[198]”.
Chỉ là ảo ảnh khi cho rằng sự so sánh hai hàng hóa trong trao đổi cho phép xác lập tương quan trao đổi của chúng, bởi vì hàng hóa đi vào quá trình trao đổi với tư cách là giá trị trao đổi, tức khắc với hình thái giả cả, do vậy đã được gian tiếp so sánh với nhau qua tiền tệ - Marx nói rõ: “Khi giá trị của tất cả mọi hàng hóa đều được biểu hiện thành những giá cả bằng tiền, thì tôi có thể so sánh chúng; trên thực tế, chúng đã được so sánh rồi”. Vì vậy, “tỷ lệ theo đó hai hàng hóa trao đổi nhau không quyết định giá trị của chúng, mà giá trị của chúng quyết định tỷ lệ theo đó chúng trao đổi với nhau”[199]. Marx nhấn mạnh: Trong chừng mực “các hàng hóa đi vào quá trình trao đổi với tư cách là hàng hóa có giá cả nhất định, (…) không gì sai lầm hơn là cho rằng trong quá trình lưu thông, vàng và hàng hóa đi vào quan hệ về đổi chác trực tiếp, và do đó giá trị tương đối của vàng và hàng hóa đã được xác định qua việc trao đổi của chúng với tư cách đơn giản là hàng hóa. (…) Số lượng vàng để đổi lấy hàng hóa trong quá trình lưu thông không phải do trao đổi quyết định: trái lại, sự trao đổi do giá cả của hàng hóa quyết định, nghĩa là do giá trị trao đổi tính bằng vàng của hàng hóa quyết định[200]”.
Giá trị là kết quả hay là điều kiện của trao đổi? Vấn đề không đặt ra khi mà quan hệ trao đổi hàng hóa là một quan hệ có tính tiền tệ; hay nói cách khác: khi Tư bản xác lập sự tồn tại của tiền tệ từ quá trình phát sinh hình thái của giá trị, chứ không phải - như chính trị kinh tế học - từ quá trình trao đổi trực tiếp hàng hóa với nhau[201].
Điều mà Dognin không nắm bắt được khi đọc Tư bản, đó là sự khác biệt giữa hình thái của giá trị và quan hệ trao đổi, mà thiếu sự phân biệt này thì không thể có định nghĩa giá trị trao đổi như là hình thái hiện tượng của giá trị. Còn nếu trong thực tế, giá trị không hiện ra như là quyết định giá trị trao đổi, mà là do giá trị trao đổi quyết định, thì đó chỉ là hiệu ửng đảo ngược cố hữu của hình thái giá trị. “Tính chất bí hiểm” của hình thái giá trị - như chúng ta đã biết - là: lao động xã hội “mang hình thái một quan hệ xã hội giữa các sản phẩm của lao động”; tính chất ngang bằng của nó “mang hình thái giá trị của sản phẩm lao động”; thời gian của nó “mang hình thái lượng giá trị của sản phẩm lao động”[202].
2. Vấn đề đối lập giữa “giá trị tuyệt đối” và “giá trị tương đối” đã được Marx bàn đến trong lời bình về sự đối lập giữa Ricardo với Bailey[203]. Bảo vệ một quan điểm tương đối luận (relativiste) về giá trị trao đổi, Bayley trách Ricardo đã biến hóa giá trị trao đổi của hàng hóa - mà tính chất chỉ có thể là tương đối (tương quan của hai vật) - thành một giá trị tuyệt đối, nội tại của hàng hóa. Marx bác bỏ phê bình ấy của Bailey: “Sẽ hoàn toàn sai nếu từ đó cho rằng giá trị của hàng hóa từ một cái gì tương đối biến thành một cái gì tuyệt đối. Ngược lại. Với tư cách là giá trị sử dụng, hàng hóa hiện ra như là một caí gì độc lập. Với tư cách là giá trị, nó hiện ra trái lại như là một cái gì tương đối, quy định bởi mối quan hệ của nó với thời gian lao động xã hội cần thiết, ngang bằng, giản đơn”. Đúng ra, chính là Bailey “đã biến giá trị thành cái gì tuyệt đối, thành thuộc tính của các vật, thay vì chỉ coi nó là cái gì tương đối, là mối quan hệ của các vật với lao động xã hội[204]”. Vì vậy mà người ta không thể nói đến “một tuyệt đối luận triệt để” về giá trị.
Người ta cũng không thể nói đến “một tương đối luận không kém triệt để” về giá trị trao đổi. Theo Marx, Bailey cũng không thấy rằng: “Tính tương đối của khái niệm về giá trị không hề mất đi vì hàng hóa, với tư cách là giá trị trao đổi, chỉ là những biểu hiện tương đổi của thời gian xã hội; và cấu thành tính tương đối ấy không chỉ là mối tương quan của các hàng hóa trao đổi với nhau, mà còn là mối tương quan của tất cả hàng hóa đối với lao động xã hội với tư cách là thực thể của chúng[205]”. Tính “tuyệt đối” của “giá trị tương đối” và tính “tương đối” của “giá trị tuyệt đối” nói trên khiến cho sự phân biệt giá trị tuyệt đối - giá trị tương đối không xác đáng để lý giải việc phân biệt giá trị - giá trị trao đổi[206]. Cho nên Marx đã phê phán sự phân biệt về thuật ngữ ấy đến từ Ricardo: ”Giá trị tương đối của một hàng hóa là một điều phi nghĩa vì ý niệm về giá trị tuyết đối là một điều phi lý[207]. Nếu thử xem từ về giá trị tương đối che đậy cái gì thì người ta sẽ thấy: “Giá trị tương đối có nghĩa, thứ nhất là đại lượng giá trị khác với chất lượng làm nên giá trị không thôi. Tuy nhiên giá trị này không vì vậy mà có tính tuyệt đối. Thứ hai, giá trị tương đối có nghĩa là: giá trị của một hàng hóa được biểu hiện ra trong giá trị sử dụng của một hàng hóa khác. Đây là một biểu hiện có tính tương đối của giá trị hàng hóa, tức là thông qua mối quan hệ của nó với loại hàng hóa trong đó giá trị của nó được biểu hiện (…); muốn biểu hiện giá trị của một hàng hóa một cách tuyệt đối - cho dù là trong mối quan hệ của nó không phải với thời gian lao động mà với những hàng hóa khác - thì phải biểu hiện giá trị của hàng hóa đó trong một loạt vô tận những phương trình với tất cả mọi hàng hóa khác. Đó sẽ là biểu hiện tuyệt đối của hình thái tương đối của giá trị; biểu hiện tuyệt đối của giá trị hàng hóa sẽ là biểu hiện của nó trong thời gian lao động, và qua biểu hiện tuyệt đối ấy nó sẽ được biểu hiện như là một cái gì tương đối, nhưng trong mối quan hệ tuyệt đối nhờ đó nó là giá trị[208]”.
Đối với Marx, mối quan hệ giá trị - giá trị trao đổi không thể phân tích theo thuật ngữ giá trị tuyệt đối và giá trị tương đối mà theo thuật ngữ giá trị - hình thái của giá trị, trong đó hình thái của giá trị không hề đồng nhất với giá trị tương đối: hình thái của giá trị không đơn giản là mối quan hệ giá trị giữa hai hàng hóa, nó là mối quan hệ đối cực giữa hình thái tương đối của giá trị và hình thái vật ngang giá. Do không có khả năng phân tích hình thái, thuyết Ricardo về giá trị-lao động thiết lập giữa giá trị và lao động một mối tương quan hoàn toàn bên ngoài, nên phải chịu sự phê phán - hoàn toàn chính đáng của Bailey - là có tính chất siêu hình[209]. Marx nhận xét: “Sở dĩ các môn đồ của Ricardo chỉ có thể trả lời Bailey một cách thô thiển và không dứt khoát được, chỉ là vì họ không tìm thấy ở bản thân Ricardo điều gì giúp họ hiểu mối quan hệ bên trong giữa giá trị với hình thái của giá trị, tức là giá trị trao đổi[210]”.
Hình thái của giá trị trong Tư bản là một nghịch lý ở chỗ cái gì “tuyệt đối”, là giá trị, hiện ra như một cái gì “tương đối”, là giá trị trao đổi - Dognin viết. Thật ra, nghịch lý của hình thái của giá trị, nếu có, ở chỗ giá trị, cái tương đối, biểu hiện trong giá trị trao đổi như là cái tuyệt đối - Marx nhận xét. Thật vậy, giá trị “không hề là cái gì tuyệt đối” và không thể quan niệm nó “như là một thực thể”; song, trong hình thái của giá trị, bởi vì “giá trị trở thành độc lập trong tiền tệ” (autonomisation de la valeur dans l’argent), cho nên nó hiện ra như là một cái gì tuyệt đối, “tồn tại độc lập với hàng hóa”, từ đó mà giá trị hiện ra như là một thực thể “đi qua một loạt quá trình, trong đó nó tự duy trì, đi ra khỏi bản thân nó và quay trở về bản thân nó với một số lượng lớn hơn[211]”. Cái “giá trị trở thành độc lập” (valeur promue à l’autonomie) này quả là một “nghich lý của ngôn ngữ”, nhưng nó biểu hiện một “nghịch lý của hiện thực”, là hiện thực của giá trị như là hình thái[212].
§ 323 - “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” đối chiếu với “20 m vải = 1 cái áo”
Các tranh luận gần đây về thuyết tân cổ điển và thuyết Sraffa đã đưa các nhà kinh tế học đến nghiên cứu điều kiện có thể của diễn ngôn bàn về lượng hàng hóa. Từ đó, một số tác giả đã phát hiện lại phân tích của Marx về tính thông ước của hàng hóa và đo lường giá trị. Dựa vào phân tích trong Tư bản, Alvaro Cencini và Bernard Schmitt nêu lên sai lầm của các thuyết kinh tế học xác định mối quan hệ tương đương (rapports d’équivalence) của các hàng hóa từ quá trình trao đổi. “Vấn đề đầu tiên của phân tích kinh tế là đo lường sản phẩm” - hai tác giả thiết định[213]. Do sản phẩm bao gồm những vật không đồng chất, xác định mối quan hệ của sản phẩm trong trao đổi đòi hỏi xác lập trước tiên tính thông ước của chúng. Theo hai tác giả, việc tìm kiếm đơn vị đo lường sản phẩm đã đưa Marx đến trình bày thuyết “giá trị-lao động” xác lập “tính tương đương (équivalence) giữa giá trị và lao động đo lường nó”. Do nằm trong cùng một lĩnh trường đo lường, cho nên các sản phẩm có thể so sánh được và trao đổi với nhau. Cencini và Schmitt đề ra “ba khái niệm về giá trị trao đổi”: giá trị trao đổi với tính cách là thước đo giá trị, giá trị trao đổi như là tương quan của các sản phẩm trước khi trao đổi, và giá trị trao đổi xác định trong trao đổi sản phẩm trên thị trường. Tính tương đương của sản phẩm với lao động xã hội quyết định quan hệ tương đương giữa các sản phẩm, mối quan hệ ấy chi phối quan hệ trao đổi giữa các sản phẩm, và trao đổi này chỉ có thể là giữa những vật tương đương. Trên cơ sỏ đó, hai tác giả phê phán thuyết tân cổ điển và thuyết Sraffa, không phải vì các thuyết ấy không biết đến tính thông ước, mà vì chúng thiết lập nó trong quan hệ trao đổi: các thuyết đó xác lập mối liên hệ tương đương của các sản phẩm qua trao đổi của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, trao đổi không thể tạo nên tính tương đương giữa những vật thể. Trong phương trình 1 góc tạ lúa mì = a kg sắt, “hoặc sắt và lúa mì cùng thuộc một không gian đo lường trước khi được trao đổi; hoặc mối liên hệ trao đổi không phải là một liên hệ tương đương[214]”.
I. Song, cách đọc Tư bản của Cencini và Schmitt vấp phải giới hạn của mọi diễn giải thuyết mác xít về giá trị như là một thuyết về trao đổi trong đó mối quan hệ tương đương giữa các sản phẩm căn cứ trên tính thông ước của lao động, còn được gọi là thuyết giá trị-lao động. Nói cách khác, cách đặt vấn đề giá trị được quy vào vấn đề giá trị-thước đo: “Giá trị-thước đo là nền tảng của mọi liên hệ giữa các sản phẩm[215]”.
1. Đây là một sự giản lược hóa lý luận của Marx bởi phân tích của tác giá Tư bản về những điều kiện làm cho hàng hóa ngang bằng nhau - như chúng ta xem xét ở trên - thực ra phức tạp hơn, và không thể quy vào việc xác định mối liên hệ tương đương của các sản phẩm trong cùng một không gian về đo lường. Chúng ta cần nhấn mạnh nó một lần nữa. Làm cho hàng hóa ngang bằng đòi hỏi phải xác định tính thông ước của hàng hóa, nhưng đó là điều kiện cần chứ không đủ. Marx chỉ rõ điều ấy khi ông viết rằng chỉ lý giải vấn đề thông ước không cho phép xác lập khái niệm về giá trị: nó chỉ đề ra tính trừu tượng hóa của giá trị mà thôi. “Khi chúng ta nói rằng các hàng hóa với tư cách là giá trị chỉ là lao động con người kết tinh lại, phân tích của ta quy hàng hóa thành cái trừu tượng giá trị, nhưng chúng ta không cho chúng hình thái của giá trị tách biệt hình thái tự nhiên của vật có ích[216]”. Khái niệm giá trị vẫn bất định do thiếu qui định về hình thái[217].
Thật vậy, quan hệ hệ tương đương của hàng hóa dựa trên tính thông ước về lao động không đủ để xác lập tính năng trao đổi của hàng hóa. Marx chỉ ra điều đó bằng cách phê phán tính bất định của quan hệ tương đương căn cứ trên cái trừu tượng hóa giá trị. Giữa hai hàng hóa, “tương đương chỉ có nghĩa là: một cái gì đại lượng giống nhau, hai vật ấy trước đó đã ngầm quy trong đầu chúng ta thành cái trừu tượng giá trị. (…) Làm như thế, chúng ta không biểu hiện giá trị của hàng hóa trong giá trị sử dụng của hàng hóa kia. Giữa hai hàng hóa đó, không có hàng hóa nào là đặt ở vị trí hình thái ngang giá” - tức không có hàng hóa nào mang hình thái của tính năng trao đổi trực tiếp[218]”. Với cách đặt vấn đề hình thái của giá trị, Marx thay thế khái niệm về tương đương (équivalent) như là đại lượng cùng giá trị bằng khái niềm về vật ngang giá (équivalent) như là hình thái - hình thái của tính thống nhất hai mặt đối lập giá trị – giá trị sử dụng. Khuyết điểm của cách đặt vấn đề về giá trị-thước đo biểu lộ ở chỗ nó không có thể đề ra hình thái về tính năng trao đối của một hàng hóa (hình thái của giá trị) với hình thái về tính năng trao đổi trực tiếp (hình thái vật ngang giá). Từ đó, giá trị mang tính bất định, do nó đơn giản bị quy thành một lượng lao động xã hội. Hẳn với mối liên hệ tương đương người ta có thể xác định quan hệ về giá trị của các hàng hóa. Nhưng nếu thiếu vắng hình thái của tính năng trao đổi, mối liên hệ tương đương không làm sao cấu thành quan hệ trao đổi hàng hóa. Cencini và Schmitt có trích dẫn phân tích của Marx về hình thái của giá trị và quá trình phát sinh của tiền tệ, nhưng luôn luôn để quy nó vào phân tích giá trị-thước đo: “Mọi quan hệ trao đổi của các hàng hóa là, một cách cơ bản, quan hệ về đo lường của chúng[219]”. Cho nên khi đọc Tư bản, hai tác giả dều bỏ qua một bên các quy định về hình thái của quan hệ trao đổi để chỉ giữ lấy những quy định về số lượng; hay nói cách khác, họ kiềm hãm lý luận của Marx trong cách đặt vấn đề của Ricardo về giá trị tương đối và thước đo[220]. Ba khái niệm về giá trị trao đổi của họ cho thấy họ tiếp cần vấn đề giá trị như thế nào: mối quan hệ trao đổi xác lập trên thị trường quy chiếu đến mối liên hệ tương đương giữa các sản phẩm, và mối liên hệ này thì quy chiếu đến phép đo lường các sản phẩm bằng lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra chúng. Marx đã chỉ rõ điều mà cách tiếp cận đó không nhìn thấy: “Trong biểu hiện đơn giản của hình thái tương đối của giá trị (Hình thái I), nếu chúng ta chỉ xem xét quan hệ về định lượng, ta chỉ thấy những quy luật (…) về sự vận động của giá trị tương đối, và các quy luật này đều căn cứ trên việc đại lượng giá trị của các hàng hóa do thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra chúng quyết định. Nhưng khi chúng ta xét đến quan hệ giá trị của hai hàng hóa về mặt định tính, ta phát hiện trong biểu hiện đơn giản của giá trị bí mật về hình thái của giá trị và, do đó, mầm mống của bí mật của tiền tệ[221]. Điều mà ba khái niệm về giá trị trao đổi của Cencini và Schmitt bỏ qua, chính là giá trị trao đổi như là hình thái đối cực giá trị – giá trị sử dụng; hay nói cách khác, đó là tính đối cực hàng hóa – tiền tệ như là hình thái chung của giá trị trao đổi. Vả lại, người ta còn có thể nhận xét ở hai tác giả sự vắng mặt rất có ý nghĩa của phân biệt thuật ngữ giữa giá trị và giá trị trao đổi.
2. Việc quy phân tích về giá trị của Marx thành một lô-gích đơn giản về thước đo đưa Cencini và Schmitt đến phát hiện một “sai lầm về lô-gích” giữa thước đo của sản phẩm bằng lao động với thước đo của nó bằng tiền tệ[222]. Lập luận mà họ nêu lên gồm hai điểm.
Điểm đầu tiên liên quan đến tính thông ước của các sản phẩm và đặt vấn đề về tính thông ước của lao động sản xuất ra chúng: do các loại lao động không hề đồng nhất, sự đồng nhất hóa lao động trong lao động trừu tượng đòi hỏi phải quy lao động phức tạp thành lao động giản đơn, là đơn vị thước đo chung của lao động. Nhưng do không quy được lao động phức tạp thành lao động giản đơn, Marx đã qui chiếu tính quy định lao động giản đơn đến tính quy định giá trị của sản phẩm lao động - tức ông lập luận trong vòng luẩn quẩn[223]. Theo Cencini và Schmitt, đó là lý do vì sao phải từ bỏ thước đo lao động bằng đơn vị thời gian, là một quan niệm về giá trị tuyệt đối. Và phải chọn thước đo lao động bằng đơn vị tiền lương, bởi “chỉ có lương tiền tệ mới cho phép đồng nhất hóa lao động[224]”.
Song - và đó là điểm thư hai -, việc đo lao động bằng lương tiền tệ đòi hỏi phải xét lại khái niệm về tiền tệ của Marx. Phải bác bỏ cương vị hàng hóa của tiền tệ, nếu không lập luận lại sẽ rơi vòng luẩn quẩn: hàng hóa được đo bằng lao động, còn lao động thì được đo bằng lương tiền tệ, nếu tiền tệ cũng là hàng hóa, thì người ta sẽ đo một hàng hóa bằng một hàng hóa khác, và hàng hóa này sẽ phải đo bằng hàng hóa khác, v.v… “Để tránh vòng luẩn quẩn, phái từ bỏ quan niệm vật chất về tiền tệ. Khi đó, tiền tệ không còn là hàng hóa, vòng lẩn quẩn mới bị phá vỡ. Lao động trở thành nguồn gốc duy nhất của giá trị trao đổi, cho dù thước đo của nó là tiền lương trả cho người lao động”. Cho nên, đối với Cencini và Schmitt, giá trị phải được quan niệm như một liên hệ tương đương giữa hàng hóa và tiền tệ, mà tiền tệ này “không có giá trị”; tức là một quan hệ giữa các hàng hóa với “một phi-hàng hóa”[225]. Chúng ta hãy xét lại hai điểm nói trên.
a) Đúng là việc quy lao động phức tạp thành lao động giản đơn là một vấn đề giả, hay chí ít là một vấn đề được đặt sai.[226] Vả chăng, đối với Marx, việc phân biệt lao động phức tạp với lao động giản đơn mang nhiều tính “hão huyền”[227]. Và tác giả Tư bản đã chuyển hướng vấn đề của lao động phức tạp - lao động giản đơn sang một vấn đề khác là: quy các loại lao động khác nhau thành “cùng một loại lao động thông thường duy nhất, là lao động sản xuất ra vàng hay bạc[228]”. Nói cách khác, độc giả Tư bản được hướng đến khảo cứu hình thái của giá trị và quá trình phát sinh của tiền tệ như là biểu tượng của lao động trừu tượng.
Ở đây, có thể nhận xét rằng “giải pháp” mà Cencini và Schmitt đưa ra, là đồng thể hóa lao động bằng tiền lương, nhắm thay thế lý luận của Marx về lao động trừu tượng và biểu tượng tiền tệ của nó[229]. Gạt bỏ phân tích về hình thái của giá trị, hai tác giả không thể nắm lấy mối tương quan giữa thước đo lao động và thước đo sản phẩm, mà Marx gọi là “thước đo nội tại” (mesure immanente) và “thước đo bên ngoài” (mesure extérieure) của giá trị. Họ không thể hiểu được rằng phép làm cho lao động ngang bằng mang hình thái của giá trị các sản phẩm, rằng việc đo lao động bằng thời gian của nó biểu hiện bằng đại lượng của giá trị các sản phẩm; và do đó, biểu hiện trong việc đo giá trị các hàng hóa bằng tiền tệ[230].
Còn có thể nhận xét rằng giải pháp đo lường các loại lao động khác nhau về chất với tiền lương mà Cencini và Schmitt chủ trương, thật ra là giải pháp của Ricardo[231]: một giải pháp mà Marx đã từng chấp nhận trong Sự khốn cùng của triết học[232], nhưng đã dứt khoát gạt bỏ trong Tư bản[233] để xây dựng khái niệm về lao động trừu tường – cụ thể.
b) Bàn đến cương vị của tiền tệ thì đúng là nó không thể là hàng hóa và cũng không thể có giá trị. Đó là hệ quả của quá trình xác lập hình thái của giá trị, song Cencini và Schmittt không thể nắm bắt điều ấy vì họ quy phân tích về giá trị của Marx thành một phân tích đơn giản về tính tương đương và thước đo. Người ta không thể hiểu khác hơn cách họ diễn giải hình thái của giá trị: “Tính tương đương giữa tiền tệ và sản sản phẩm là hệ quả của các chi phí sản xuất. (…) Đó là do chi phí sản xuất của tiền tệ và của sản phẩm ngang nhau”; cho nên “trao đổi giữa tiền tệ và sản phẩm là trao đổi giữa chi phí sản xuất tiền tệ và chi phí sản xuất của hàng hóa, tức là trao đổi giữa hai giá trị-chi phí[234]”. Điều mà hai tác giả khong thấy trong phân tích của Marx là mối quan hệ đối cực khiến tiền tệ không phải là hàng hóa, cũng không phải là phi-hàng hóa, mà là mặt trái của hàng hóa.
Một hệ quả là sự vật chất hóa của tiền tệ trong một hàng hóa cá biệt, và sự phi vật chất hóa của nó khiến “tiền tệ không biểu tượng bất cứ hàng hóa cá biệt nào”, là hai quá trình không hề tương phản, như Cencini và Schmitt nghĩ[235]. Thật thế, quá trình phát sinh của tiền tệ - như chúng ta đã xét - là một qua trình chọn lựa - loại trừ: chọn lựa một hàng hóa cá biệt làm nhiệm vụ vật ngang giá chung, và theo nghĩa đó “vật chất hóa” tiền tệ; và loại trừ vật ngang giá chung ra khỏi thế giới các hàng hóa cá biệt, và theo nghĩa đó “phi vật chất hóa” tiền tệ. Chúng ta có thể liên hệ tính hai mặt vật chất hóa - phi vất chất hóa ấy với sự phân biệt vàng-hàng hóa với vàng-tiền tệ: nếu quả là vàng-tiền tệ không còn vận hành với tư cách là một hàng hóa, vàng-hàng hóa vẫn là một thể nền vật chất cần thiết, đặc biệt trong chức năng dự trữ giá trị của tiền tệ[236]. Chúng ta cần phân biệt phân tích này của Marx với thuyết duy kim loại, là thuyết đồng nhất hóa hoàn toàn tiền tệ với thể nền vật chất của nó, từ đó vàng-tiền tệ có một giá trị do giá trị của vàng-hàng hóa quyết định. Chúng ta cũng cần phân biệt phân tích của Marx với thuyết duy danh nghĩa, là thuyết chủ trương phi vất chất hóa hoàn toàn tiền tệ, khiến nó không còn quy chiếu đến bất cứ hàng hóa nào cả: tiền tệ trở thành ở đây một ký hiệu đơn thuần, mang tính thuần túy quy ước[237].
Cách Cencini và Schmitt diễn giải Chương 1 Tư bản tiêu biểu cho một cách đọc khá phổ biến, cần được phản biện: đó là một cách đọc cắt cụt Chương 1, coi hai tiết đầu tiên là nội dung chủ yếu của phân tích về giá trị của Marx; hai tiết còn lại, đặc biệt Tiết 3 về hình thái của giá trị, chỉ được đọc như là phụ lục bổ sung chứng cứ, thậm chí như là trang trí biện chứng pháp[238]. Nói cách khác, nội dung chính của lý luận mác xít nằm trong phân tích phương trình “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” của Tiết 1; phương trình “20 m vải = 1 cái áo” phân tích ở Tiết 3 được coi như là đồng nhất về mặt cương vị lý luận. Trong cách đọc của chúng tôi, cượng vị của hai phương trình không những khác nhau, mà “20 m vải = 1 cái áo” là sự vượt bỏ phê phán (dépassement critique) của “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt”. Điều này hiện rõ ngay từ trình bày Hình thái I. Khảo sát của tương quan ngang bằng 20 m vải = 1 cái áo bắt đầu giống nhau với khảo sát của tương quan ngang bằng 1 góc tạ lúa mì = a kg sắt, bằng vấn đề về tính thông ước: tương quan ngang bằng “giờ cũng bao hàm rằng vải và áo, với tư cách là đại lượng giá trị, đều là những biểu hiện của cùng một đơn vị, của những vật cùng chất. Vải = áo, đó là cơ sở của phương trình[239]”. Song sự giống nhau bị phá hủy ngay với nhận xét là, trong tương quan ngang bằng “của hai hàng hóa có tính chất bằng nhau, có bản chất đồng nhất như thế, hai hàng hóa ấy lại không giữ vai trò như nhau trong phương trình đó[240]”. Duy chỉ có giá trị của vải là được biểu hiện và dưới hình thái giá trị sử dụng của áo. Mối tương quan ngang bằng không kết nối những nhân tố “cùng chất”, bởi một bên là một vật đơn thuần, bên kia là hiện thân thuần túy của giá trị. Đó là mối quan hệ của những tính quy định đối lập nhau của hàng hóa.
Như vậy có một sự khác nhau triệt để về cượng vị giữa các phương trình của Tiết 1 và Tiết 3. Phương trình “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” có nghĩa: giá trị của 1 góc tạ lúa mì = giá trị của a kg sắt; nó là một mối liên hệ tương đương căn cứ vào tính thông ước về lao động trừu tượng, và bao hàm: thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất 1 góc tạ lúa mì = thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất a kg sắt. Còn trong phương trình “20 m vải = 1 cái áo”, dấu hiệu “=” không phải là dấu hiệu ngang bằng về giá trị; nó là dấu hiệu thống nhất của các mặt đối lập giá trị – giá trị sử dụng, và có nghĩa là: hình thái về giá trị của vải = hình thái về giá trị sử dụng của áo. Hai phương trình do đó không đặt nền tảng trên cùng một không gian. Điều làm cho phương trình “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” khả thể là sự tồn tại của một không gian về giá trị thuần nhất, đã hủy bỏ giá trị sử dụng; đó là không gian của lao động trừu tương, được thiết lập bằng cách loại trừ lao động cụ thể. Trong khi điều làm cho phương trình “20 m vải = 1 cái áo” khả thể là sự tồn tại của không gian được cấu trúc một cách đối cực bởi giá trị và giá trị sử dụng; đó là không gian đối cực lao động trừu tượng – lao động cụ thể, hay nói cách khác không gian của hàng hóa như là mâu thuẫn.
Sự khác biệt của hai phương trình là do cượng vị hai mặt của giá trị trao đổi. Tương quan ngang bằng “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” chỉ một quan hệ giá trị, và tương ứng với định nghĩa của giá trị trao đổi như là quan hệ về định lượng qua đó những giá trị sử dụng loại khác nhau trao đổi với nhau. Trong khi đó, tương quan ngang bằng “20 m vải = 1 cái áo” không chỉ đơn thuần là một quan hệ giá trị: nó chỉ trỏ trước tiên một biểu hiện của giá trị, hình thái vận động của mâu thuẫn giá trị – giá trị sử dụng. Sự phân biệt cương vị của hai phương trình này tương ứng với một sự đảo ngược phép phân tích. Khởi đầu khảo sát của Hình thái I, hình thái của giá trị [20 m vải = 1 cái áo] dường như có cơ sở là quan hề giá trị [1 góc tạ lúa mì = a kg sắt]. Bây giờ thì hình thái của giá trị [20 m vải = 1 cái áo] lại là cơ sở của quan hệ giá trị [1 góc tạ lúa mì = a kg sắt]. Quả vậy, quan hệ giá trị giá định biểu hiện của giá trị, và để xác lập tương quan 1 góc tạ lúa mì = a kg sắt, cần phải xác lập trước đó biểu hiện của giá trị lúa mì và sắt. Nói cách khác: nếu 1 góc tạ lúa mì = x đơn vị tiền tệ, và nếu a kg sắt = x đơn vị tiền tệ, thì 1 góc tạ lúa mì = a kg sắt. Đối tượng phân tích hình thái của giá trị, theo Marx, là phát hiện biểu hiện của giá trị “ẩn nấp” trong quan hệ giá trị[241]. Thật thế, phương trình 1 góc tạ lúa mì = a kg sắt che giấu đi một phần các vấn đề mà phép làm cho hàng hóa ngang bằng đặt ra, bởi khi tính thông ước đã xác định thì giá trị chỉ còn là một vấn đề định lượng. Chỉ phân tích định tính tương quan 20 m vải = 1 cái áo mới cho phép thấu hiểu rằng phép làm cho hàng hóa ngang bằng không thể tóm lại trong tương quan ngang bằng về giá trị, không thể rút lại thành một liên hệ tương đương của các hàng hóa, như Cencini và Schmitt tin rằng. Bằng phân tích hình thái của giá trị, Marx cho thấy là các hàng hóa chỉ trở thành ngang bằng nhau qua phương thức đặc thù của tính đại biểu (représentation): hàng hóa trở nên ngang bằng trong những điều kiện về hình thái qui định bởi sự thống nhất của các mặt đối lập giá trị – giá trị sử dụng, lao động trừu tượng – lao động cụ thể, tức là trong điều kiện mang hình thái của tính năng trao đổi trực tiếp. Cho nên độc giả Tư bản cần đặc biệt chú ý đến phân tích nhờ đó Marx xác lập tính đối cực hàng hóa – tiền tệ như là hình thái chung của giá trị trao đổi.
Böhm-Bawerk (1851-1914) |
Một lần nữa, cách đọc của Cencini và Schmitt chứng tỏ rằng người ta không thấu hiểu lý luận về giá trị của Marx là do không biết đến động tác phân tích kép cấu trúc hóa Chương 1 Tư bản. Trong trường hợp của hai tác giả này, là do họ nhầm phương trình “20 m vải = 1 cái áo” của Tiết 3 là một mối tương quan đặc thù mácxít (hình thái của giá trị) với phương trình “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” của Tiết 1 là mối tương quan duy nhất mà chính trị kinh tế học biết đến và phân tích (quan hệ giá trị); hay nói cách khác, điều mà họ không thấy là thuyết về giá trị như hình thái (20 m vải = 1 cái áo) là sự vượt bỏ phê phán của thuyết giá trị-lao động (1 góc tạ lúa mì = a kg sắt). Khuyết điểm của phương trình này là xác lập tính thông ước của hàng hóa, tức thực thể của giá trị, từ một sự ngang bằng căn cứ trên một quan hệ đơn phương và bên ngoài, quan hệ của các hàng hóa với lao động. Như chúng ta đã thấy ở trên, thuyết giá trị-lao động vướng mắc vào một phê phán kép: 1) do nó loại trừ giá trị sử dụng (phản bác của Bohm-Bawerk); 2) do nó quy nạp một thực thể có tính tự nhiên (phản bác của Castoriadis). Các khuyết điểm đó được giải tỏa trong phân tich hình thái của giá trị do căn cứ trên tính hai mặt đối lập của hàng hóa giá trị – giá trị sử dụng, lao động trừu tượng – lao động cụ thể. Chỉ có phương trình “20 m vải = 1 cái áo” mới cho phép xác định một hàng hóa cá biệt: thật vậy, nó biểu hiện rằng vải là “1) giá trị sử dụng (vải), 2) giá trị trao đổi (một vật ngang bằng với áo) tách biệt giá trị sử dụng ấy, 3) sự thống nhất của hai vật khác biệt ấy và dó đó là hàng hóa”[242].
Điều này dẫn chúng ta trở về định nghĩa hàng hóa cá biết trong những đoạn văn khởi đầu Chương 1 Tư bản. Định nghĩa ấy tương ứng với bề ngoài trực tiếp của hàng hóa - theo Marx - là giá trị sử dụng và là giá trị trao đổi, mà giá trị trao đổi này là tương quan theo đó một hàng hóa trao đổi với các hàng hóa thuộc loại khác nhau[243]. Tuy nhiên, điều quá rõ ràng ở đây là khía cạnh giá trị trao đổi của hàng hóa không hề hiện ra “trước hết” như là quan hệ giữa hai hàng hóa với nhau, mà là quan hệ giữa một hàng hóa và tiền tệ. Nắm một cách trực tiếp, hàng hóa là giá trị sử dụng và là giá cả. Cho nên, ngay khởi điểm của Tư bản, định nghĩa hàng hóa mà Marx vận dụng gây ra vấn đề. Và, đối với nhiều nhà bình luận, chính khởi điểm ấy cho thấy rằng Marx tư duy hàng hóa mà không có tiền tệ, và quan niệm giá trị trao đổi như là quan hệ đổi chác. Nếu quả là khởi điểm của trình bày Chương 1 gây khó khăn diễn giải cho người đọc, song không hề có sự nhập nhằng khi chúng ta không giới hạn trình bày của Marx vao khởi điểm của nó.
Bởi không thể nghi ngờ rằng “hiện tượng trực tiếp” mà Marx đề ra để phân tích chính là giá cả, tức mối quan hệ của hàng hóa với tiền tệ, chứ không phải mối quan hệ giữa hai hàng hóa, thật ra chỉ là quan hệ giữa giá cả của chúng mà thôi. “Một hàng hóa cá biệt, với tư cách là hàng hóa cá biệt, không thể biểu hiện thời gian lao động chung, hoặc nó chỉ có thể biểu hiện thời gian lao động ấy trong phương trình của nó với hàng hóa dùng làm tiền tệ, tức trong giá cả bằng tiền của nó. Nhưng khi đó, giá trị của hàng hóa (H) bao giờ cũng được biểu hiện trong một số lượng nhất định của giá trị sử dụng của hàng hóa (T) làm chức năng tiền tệ. Hiện tượng trực tiếp là như vậy[244]”. Thật thế, giá trị trao đổi hiện ra như là quan hệ trao đổi hàng hóa chỉ trong chính trị kinh tế học và, với tư cách đó, là đối tượng của phê phán chính trị kinh tế học do Marx tiến hành khi phân tích hình thái của giá trị[245].
Vả lại, Tiết 3 (Hình thái của giá trị) của Chương 1 Tư bản bắt đầu bằng một lời đính chính của Marx giải tỏa mọi tính nước đôi nếu có. “Thực ra thì chúng ta xuất phát từ giá trị trao đổi hay quan hệ trao đổi của hàng hóa, để lần mò ra vết tích giá trị của hàng hóa ẩn nấp trong đó. Bây giờ chúng ta phải trở lại nói về cái hình thái của giá trị mà ta thấy lúc đầu. Mỗi người, ngay khi không biết gì đi nữa, thì cũng biết rằng các hàng hóa có một hình thái giá trị chung nổi bật lên một cách rõ ràng so với những hình thái tự nhiên của chúng: đó là hình thái tiền tệ”. Đối tượng của phân tích hình thái của giá trị chính là điều mà chính trị kinh tế học luôn luôn bỏ qua: sự cấu thành của hình thái tiền tệ “mà ai nấy đều thấy” nhưng vẫn là một “bí ẩn”[246].
Tiết 33:
GIÁ TRỊ VÀ / HAY GIÁ CẢ
Chức năng thứ nhất của vật ngang giá chung - theo Tiết 1 “Thước đo giá trị” của Chương 3 Tư bản - là “cung cấp cho toàn bộ hàng hóa cái vật chất trong đó các hàng hóa biểu hiện giá trị của mình thành những đại lượng có cùng tên, có tính chất đồng nhất và có thể so sánh với nhau về mặt số lượng. Vậy là nó giữ chức năng thước đo chung của giá trị”[247]. Thế nhưng ở Tiết 1 bàn về “Lượng của giá trị” của Chương 1, tác giả Tư bản hình như đã nêu và giải đáp câu hỏi: Làm thế nào đo giá trị của một hàng hóa? “Đo bằng số lượng ‘thực thể cấu thành giá trị’ chứa đựng trong đó, bằng số lượng lao động. Bản thân số lượng lao động thì đo bằng thời gian lao động, và thời gian lao động lại đo bằng những phần của thời gian như giờ, ngày, v.v…”[248]. Như vậy thì các hàng hóa đo giá trị của mình bằng tiền tệ hay bằng lao động? Hai lời giải này trùng hợp nhau chăng? Tương phản nhau chăng? Hay tương ứng với những cấp độ phân tích khác nhau của hàng hóa? Trước tiên, cần nêu lên diễn giải sai lầm cho rằng giá trị biểu hiện bằng lao động trừu tượng, và được đo bằng thời gian lao động. Trái ngược lại, chính là lao động trừu tượng biểu hiện dưới hình thái của giá trị, và việc đo thời gian lao động biểu hiện dưới hình thái của lượng giá trị. Còn giá trị thì biểu hiện bằng tiền tệ, và việc đo lường giá trị thì biểu hiện bằng số lượng vật ngang giá chung. Điều đó có nghĩa rằng người ta chỉ có thể nắm lấy giá trị dưới hình thái giá cả của nó, và không có cách đo giá trị nào khác hơn là qua hình thái của nó. (§ 331)
Một phần của những tranh luận dai dẳng liên quan đến vấn đề gọi là phép chuyển hóa giá trị thành giá cả sản xuất phụ thuộc vào việc lý giải câu hỏi về thước đo giá trị. Nó sẽ cho thấy rằng việc chuyển hóa của giá trị thành giá cả xẩy ra ngay ở các chương đầu tiên của Quyển I Tư bản, và phải được phân biệt rõ ràng với vấn đề Marx đặt ra ở Quyển III và liên quan đến sự chuyển hóa không phải của giá trị thành giá cả, mà của giá trị trao đổi, tức giá cả, thành giá cả sản xuất. (§ 332)
§ 331 - Thước đo nội tại và thước đo bên ngoài của giá trị
Có thể giải thích những sự lẫn lộn trong vấn đề thước đo giá trị là do phần trình bày của Quyển I Tư bản tương đối ngắn gọn, và ở đây Marx hướng dẫn độc giả sang văn bản của Góp phần phê phán[249]. Quả là vấn đề được Marx bàn cãi sâu hơn trong văn bản 1859, các bản thảo ban đầu 1857-1858 và các bản thảo 1861-1863 (Các học thuyết về giá trị thặng dư).
1. Trong Các học thuyết về giá trị thặng dư, Marx bàn về những phê phán của Samuel Bailey chống lại thuyết giá trị-lao động của Ricardo. Đối với Marx, Bailey “có công” làm rõ, qua lời phản bác của ông, “sự lẫn lộn giữa thước đo giá trị biểu hiện trong tiền tệ (…) với thước đo nội tại và thực thể của giá trị”[250]. Thước đo “nội tại” hay “bên trong” quy lượng giá trị vào thực thể của nó: theo Marx, thuật ngữ này cho phép phân biệt thước đo giá trị và thước đo thực thể của giá trị, tức là lao động trừu tượng. Do đó, “thước đo nội tại” không hề liên quan đến vấn đề thước đo giá trị mà liên quan đến vấn đề tính thông ước của hàng hóa. Marx vạch rõ điều này khi phê phán thuyết của Ricardo cho rằng “các vật được đo lường (…) là kết quả của lao động, do đó lao động là thước đo chung nhờ đó người ta có thể xác định giá trị thực của các vật, cũng như giá trị tương đối của chúng”. Theo Marx, luận điểm của Ricardo chỉ nói một điều: “Chỉ vì lao động là yếu tố chung của các hàng hóa, chỉ vì tất cả hàng hóa đều là những biểu hiện của cùng một yếu tô chung, cho nên lao động là thước đo của chúng”[251]. Điều mà Ricardo không hiểu khi lý giải vấn đề thước đo giá trị, đó là “mối liên hệ giữa giá trị, thước đo nội tại của nó bởi thời gian lao động và sự cần thiết của một thước đo bên ngoài của giá trị các hàng hóa”: tác giả của Những nguyên lý chính trị kinh tế học và thuế khóa “lẫn lộn thước đo nội tại ấy của giá trị với thước đo bên ngoài của nó, là tiền tệ”[252]. Marx nêu rõ lý do: “Cái mà Ricardo không nghiên cứu - đó là hình thái đặc thù trong đó lao động tự biểu hiện ra là yếu tố chung của các hàng hóa. Cho nên ông không hiểu được tiền tệ là gì. Vì vậy mà, ở Ricardo, sự chuyển hóa của hàng hóa thành tiền tệ hiện ra như một cái gì thuần hình thức, không thâm nhập sâu vào cốt lõi của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa”[253].
Ngược lại, theo Marx, thì Bailey không hiểu gì về vấn đề tính thông ước của hàng hóa và thước đo nội tại của chúng, khi ông cho rằng : “Có một khác biệt thật quan trọng (mà Bailey không thấy) giữa thước đo giá trị (theo nghĩa tiền tệ) và ‘nguyên nhân của giá trị’. Nguyên nhân của giá trị biến những giá trị sử dụng thành giá trị. Thước đo bên ngoài của giá trị đã giả định sự tồn tại của giá trị. Vàng chẳng hạn có thể dùng làm thước đo giá trị của bông chỉ khi nào vàng và bông với tư cách là giá trị, có một yếu tố chung khác với bản thân hai vật đó. Nguyên nhân của giá trị là thực thể của giá trị và vì vậy cũng là thước đo nội tại của giá trị”[254]. Phân tích này của Marx, chúng ta tìm thấy trong Chương 3 Tư Bản nhưng đã cởi bỏ ngôn từ triết học. “Không phải tiền tệ làm cho hàng hóa có tính thông ước. Ngược lại. Chính vì tất cả hàng hóa, với tư cách là giá trị, đều là lao động vật hóa của con người, và vì vậy có tính thông ước, cho nên toàn bộ hàng hóa mới có thể đo giá trị của chúng trong một hàng hóa đặc thù duy nhất, và qua đó biến hàng hóa này thành thước đo chung của chúng, thành tiền tệ”[255].
2. Trong Góp phần phê phán và các Bản thảo 1857-1858, Marx đề cập đến vấn đề thước đo giá trị qua phê phán thuyết tiền tệ-lao động của trường phái chủ nghĩa xã hội theo kiểu Ricardo. Các tác giả trường phái này nghĩ rằng họ có thể tránh được sự chuyển hóa giá trị thành giá cả nhờ sử dụng tiền tệ bằng thời gian lao động. “Thời gian lao động đã là thước đo nội tại của giá trị, tại sao lại có một thước đo bên ngoài khác bên cạnh nó?” - họ tự hỏi. Chẳng hạn, thay vì nói rằng hàng hóa này bằng một once vàng, thì tại sao lại không nói thẳng rằng hàng hóa ấy bằng x thời gian lao động vật hóa trong một once vàng? - các tác giả đó đề xướng, “tưởng rằng họ đã làm một điều vĩ đại khi thiết định đồng nhất thức ấy và đòi hỏi giá cả hàng hóa phải được biểu thị bằng thời gian lao động”[256]. Điều mà họ quên rằng là giá trị của một hàng hóa không thể biểu hiện bằng thời gian lao động, bởi không ai có thể trực tiếp đo lường lao động - không phải của một nhà sản xuất cá thể nào đó đã tiêu phí, mà của toàn thể xã hội đã tiêu phí để sản xuất ra một vật có ích nhất định[257]. Thật vậy, thời gian có thể trực tiếp đo bằng đơn vị lao động (“giờ, ngày, v.v.”) chỉ có thể là thời gian lao động cụ thể, chứ không phải là thời gian lao động trừu tượng. Bởi vì trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, những lao động khác nhau chỉ đạt được tính quy định xã hội dưới hình thái của lao động trừu tượng – cụ thể, thông qua phép làm cho các sản phẩm lao động ngang bằng với vật ngang giá chung, cho nên giá trị của hàng hóa biểu hiện và được đo không phải bằng lao động mà bằng tiên tệ.
“Sự cần thiết phân biệt tiền tệ với thời gian gian lao động đặt ra chính vì lượng thời gian lao động cần biểu hiện không phải trong một sản phẩm trực tiếp và cá biệt, mà trong một sản phẩm phổ quát và làm trung gian, trong một sản phẩm cá biết với tư cách là sản phẩm ngang bằng và có thể chuyển đổi với các tất cả các sản phẩm khác có cùng thời gian lao động; tức là thời gian lao động chứa đựng không phải trong một hàng hóa, mà trong tất cả các hàng hóa cùng lúc và, vì ly do đó, là chứa đựng trong một hàng hóa cá biệt đại biểu cho tất cả hàng hóa khác” - Marx nhận xét. Và nhấn mạnh: “Thời gian lao động tự nó không thể trực tiếp là tiền tệ (đòi như vậy là đòi hỏi mọi hàng hóa đều là tiền tệ của bản thân) chính vì, trong hiện thực thời gian lao động bao giờ cũng chỉ tồn tại trong những sản phẩm cá biệt (với tư cách là vật): với tư cách là vật phổ quát, nó chỉ có thể tồn tại tượng trưng, và do đó, là tồn tại trong một hàng hóa cá biệt thiết định như là tiền tệ”. Thế nên chỉ tiền tệ mới có thể tự khẳng định là “thực thể phổ quát của giá trị”, và bởi vì “tiền tệ là thời gian lao động với tư cách là vật phổ quát, hay là sự vật hóa của thời gian lao động phổ quát, của thời gian lao động với tư cách là hàng hóa phổ quát”[258]. Bởi vì giá trị chỉ tồn tại dưới hình thái tiền tệ, không có cách nào đo giá trị khác hơn là qua hình thái của nó. Đó là mệnh đề cơ bản mà ta tìm thấy trong Chương 3 Tư bản: “Như là thước đo giá trị, tiền tệ là hình thái hiện tượng cần thiết của thước đo nội tại của giá trị hàng hóa, tức là của thời gian lao động”[259].
3. Cuối cùng, những sự lẫn lộn của các nhà bình luận Tư bản giữa thước đo nội tại bằng thời gain lao động và thước đo bên ngoài bằng tiền tệ là do họ phân tích thước đo giá trị độc lập với hình thái của giá trị. Đó là vì phân tích của họ dừng ở các công thức đã dẫn của Tiết 1 Chương 1, theo đó đại lượng giá trị của một hàng hóa được “đo” bằng số lượng lao đông mà nó chứa đựng. Một mệnh đề chỉ lộ rõ ý nghĩa khi đối chiếu với các công thức của Tiết 4, theo đó “việc đo lao động bằng thời gian của nó tự biểu tượng (se représenter) trong đại lượng của giá trị sản phẩm lao động”; hay “việc đo tiêu phí sức lao động bằng thời gian mang hình thái (prendre la forme) đại lượng giá trị của các sản phẩm lao động”[260]. Nói cách khác, không phải là đại lượng giá trị được đo bằng thời gian lao động, mà là thước đo thời gian lao động “mang hình thái” đại lượng của giá trị, “tự biểu tượng” trong đại lượng của giá trị. Hơn thế, trong phân tích hình thái của giá trị, thước đo giá trị trở nên độc lập đối với tính thông ước mà nó giả định: thước đo giá trị chỉ tùy thuộc vật ngang giá chung mà nó là chức năng. “Vàng biến thành thước đo giá trị chỉ vì tất cả hàng hóa đều lấy vàng để định giá trị của chúng”. Nếu thay vì vàng mà lúa mì hay đồng là vật ngang giá chung, các hàng hóa sẽ biểu hiện giá trị của chúng bằng lúa mì hay bằng đồng dưới hình thái giá cả tính bằng lúa mì hay giá cả tình bằng đồng, khi đó - Marx viết - “lúa mì hay đồng sẽ trở thành thước đo của giá trị”[261]. Thước đo giá trị như vậy là do hình thái của giá trị quyết định. Nói cách khác, giá trị được đo qua hình thái của nó. Hay như Marx nhấn mạnh, “thước đo giá trị các hàng hóa bao giờ cũng quy chiếu đến sự chuyển hóa giá trị thành giá cả”[262].
§ 332 - Sự chuyển hóa giá trị thành giá cả
Là thước đo giá trị, tiền tệ - theo tác giả Tư bản - “được dùng để chuyển hóa giá trị thành giá cả”[263]. Marx còn nhận xét: “sự chuyển hóa giá trị thành giá cả (…) là một quá trình qua đó giá trị của tất cả hàng hóa có được một hình thái độc lập và đồng nhất, hay qua đó các giá trị ấy <được biểu hiện như là những lượng của cùng một lao động xã hội”[264]. Ý nghĩa của sự chuyển hóa giá trị thành giá cả, trình bày ở Quyển I Tư bản, đã bị hoàn toàn che khuất bởi những tranh luận về phép gọi là chuyển hóa giá trị thành giá cả sản xuất của Quyển III. Sự lẫn lộn giữa hai quá trình đó đã đưa một số tác giả đến kết luận rằng sự chuyển hóa mà Marx nêu lên ở Quyển III không thể có được về mặt lô-gích, vì giữa giá trị và giá cả không có tính thông ước. Chứng minh của họ khởi đi từ việc “hiệu chỉnh” các công thức của Quyển III, do Ludwig von Bortkiewicz khơi màn và được triển khai về sau trên cơ sở của học thuyết Sraffa về giá cả sản xuất. Hiệu chính ấy nhắm thiết kế, trong ngôn từ của đại số tuyến tính, hai hệ thống - “hệ giá trị” và “hệ giá cả” -, rồi luận bàn về sự tồn tại của một thuật toán chuyển hóa cho phép đi từ không gian của giá trị sang không gian của giá cả. Tuy nhiên, chính cách thức thiết kế hai hệ thống ấy bao hàm kết luận của cuộc bàn luận: theo đó “tương quan giá trị / giá cả là một ý niệm vô nghĩa” - như Carlo Benetti và Jean Cartelier viết[265].
I. Hãy xem xét thiết kế đó một cách ngắn gọn. Khởi điểm mô tả đầu vào về hàng hóa và đầu vào về lao động của các ngành sản xuất khác nhau. Từ các dữ liệu ấy, biểu hiện trong ma trận A của các hệ số kỹ thuật (đại lượng vật lý của mỗi hàng hóa sử dùng trong các ngành để sản xuất một đơn vị hàng hóa), và vectơ L của các hệ số lao động trực tiếp (số lượng giờ lao động tiêu phí để sản xuất một đơn vị hàng hóa), người ta có thể thiết kế hai hệ thống, một mặt là hệ thống về giá cả sản xuất và mặt khác là hệ thống về giá trị[266]. Nếu p chỉ vectơ về giá cả sản xuất, w tiền công của giờ lao động và r tỷ suất lợi nhuận chung, thì hệ giá cả sản xuất được viết như sau: p = (A. p + L. w) (1 + r). Với n hàng hóa thì hệ gồm n + 2 ẩn số (p, w, r) cho n phương trình độc lập. Có thể giải hê thống này với một phương trình bổ sung cho tiền công của giờ lao động w. Ta có thể xác định tiền công theo phương pháp của Michio Miroshima, bằng cách ấn định chuẩn về tiêu dùng của người lao động: w = d. p, trong đó vectơ d chỉ giỏ hàng tiêu dùng của người lao động. Khi đó, chỉ cần chọn một hàng hóa - bất cứ hàng nào - làm thước đo giá cả thì chúng ta có được một hệ thống về giá cả tương đối.
Mặt khác, nếu v chỉ vectơ giá trị, người ta có thể thiết kế hệ giá trị: v = A. v + L. Tương ứng với n hàng hóa, hệ này xác định n đại lượng lao động biểu hiện như là phân số lao động của toàn xã hội (L = 1): v = (I – A)⁻¹ L, trong đó I là ma trận đơn vị.
Kết quả mà chúng ta đạt đến, theo nhận định của Gilbert Abraham-Frois và Edmond Berrebi, là hai hệ “tách biệt”, hai không gian “rời nhau”, vì các giá cả biểu hiện trong một hàng hóa được lấy làm thước đo, trong khi các giá trị biểu hiện bằng thời gian lao động. Tính không thông ước giữa hai không gian khiến hai hệ không thể so sánh được. Cho nên không thể kiểm tra đẳng thức kép cơ bản mà Marx nếu lên: các đại lượng tổng gộp bằng giá trị và bằng giá cả, cũng như các đại lượng tổng gộp về giá trị thặng dư và về lợi nhuận, “không có cùng đơn vi đo lường, không có tính thông ước”[267].
Người ta có thể thử xác lập một tính thông ước bằng cách biểu hiện các giá cả bằng lao động theo phương pháp của Piero Sraffa, tức bằng cách quy giá cả thành những lượng lao động mang tính thời gian (travail daté). Đối với một hàng hóa a, giá cả pₐ= Lₐ₁. w (1 + r) + Lₐ₂. w (1 + r)² + Lₐ₃. w (1 + r)³…, trong đó Lₐ₁ là lượng lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra hàng hóa a, Lₐ₂ là lượng lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra phương tiện sản xuất mà Lₐ₁ sử dụng, Lₐ₃ là đầu vào lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất phương tiện sản xuất mà Lₐ₂ sử dụng, v.v. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là tính chất của các lượng lao động L có mặt trong hệ giá cả và trong hệ giá trị. Nếu nó mô tả những điều kiện kỹ thuật về sản xuất, L đại biểu cho những lượng lao động cụ thể, cũng như A đại biểu cho những lượng giá trị sử dụng: đó là những “hệ số công nghệ”[268]. Nhưng mặt khác, người ta luôn luôn thiết định rằng đó là lao động đồng nhất, trong khi tính chất của lao động cụ thể là lao động không đồng chất[269]. Nhìn lại hệ giá cả p = (A. p + L. w) (1 + r) thì chúng ta thấy các lượng lao động cụ thể chỉ đồng nhất hóa khi được nhân với tiền công của giờ lao động; nói cách khác, chỉ khi nào ta đồng hóa lao động trừu tượng với tiền công (w. L) thì lao động cụ thể mới có thể đồng nhất. Do đó, phương pháp của Sraffa quy giá cả thành những lượng lao động mang tính thời gian thật ra chỉ là quy giá cả thành những lượng tiền công mang tính thời gian[270]. Trái lại, trong hệ giá trị v = (I – A)⁻¹ L, L chỉ có thể là lao động đồng chất trừu tượng: nó không thể là lao động cụ thể, có tính chất kỹ thuật. Cho nên những lượng lao động hiện diện trong hai hệ dưới biểu tượng L thật ra có tính chất hoàn toàn khác nhau: trong hệ giá cả đó là những lượng lao động cụ thể mà tiền công của ngành sản xuất đặt mua, còn hiện diện trong hệ giá trị chỉ là những lượng lao động trừu tượng. Quả như Benetti và Cartelier nhận định, phương pháp quy giá cả thành lượng lao động của Sraffa không cho phép xác lập một tính thông ước của hai hệ: giữa lao động mang tính thời gian của hệ giá cả và lao động trừu tượng của hệ giá trị, “không hệ có tính thông ước”[271].
Tóm lược một cách mĩa mai cuộc tranh luận về vấn đề của phép chuyển hóa được hiệu chỉnh theo phương pháp Sraffa, Paul Samuelson đã có thể viết rằng: “Đúng hơn, phải nói rằng đó là ‘vấn đề của sự so sánh và đối lập giữa các giải pháp về giá trị và về giá cả loại trừ lẫn nhau’, thay vì là ‘vấn đề của sự chuyển hóa’”[272]. Đối với các tác giả theo lý luận giá trị của Marx, đồng thời chấp nhận việc “hiệu chỉnh” phép chuyển hóa, sự thất bại nói trên được lý giải bởi tính không xác đáng của vấn đề mà tác giả Tư bản nêu lên ở Quyển III, do Marx ở đây còn bị giam cầm trong lô-gích về giá cả sản xuất của Ricardo. Marx đã vận dùng thuyết Ricardo về giá cả sản xuất trong khi không thể dung hòa nó với thuyết mácxít về giá trị - Gilles Dostaler viết: “Có một sự mâu thuẫn ở Marx, không phải giữa lý luận giá trị của Quyển I và lý luận của Quyển III, mà là mâu thuẫn giữa lý luận giá trị của Quyển I với phiên bản Ricardo của lý luận giá trị ở Quyển III”[273]. Trái lại, theo chúng tôi, cần lật ngược câu hỏi, để tự hỏi xem có phải hiệu chỉnh theo Sraffa mới là sai lầm; chính xác hơn, phải chăng việc hiểu đỉnh theo Sraffa đã giam cầm những tác giả chấp nhận nó trong lô-gích chính trị kinh tế học của Ricardo. Trên điểm này, người ta phải công nhân rằng, trong ý đồ “thế tục hóa kinh tế học mácxit”, Samuelson chí ít đã thẳng thắng khi công khái nói rằng quan điểm của ông là “theo Sraffa, tức là một quan điểm tiền mácxít”[274].
1. Thật vậy, từ Bortkiewwicz cho đến Morishima, tất cả các hiệu chỉnh công thức chuyển hóa của Quyển III Tư bản đều có điểm chung là không hề biết rằng, trong phép gọi là chuyển hóa giá trị thành giá cả sản xuất, các “giá trị” và “giá cả sản xuất” đều có cương vị giá trị trao đổi, hay nói cách khác, đều là giá cả, tức là những biểu hiện có tính tiền tệ. Tất cả các hiệu chỉnh đều vận dụng một công thức giá trị xác lập không phải bằng tiền tệ mà bằng lao động trừu tượng. Điều đó có nghĩa là các hàng hóa đối diện nhau với tư cách là giá trị, là các hàng hóa trao đổi trực tiếp với nhau - tiền tệ chỉ can dự để tiền tệ hóa một quan hệ hàng đổi hàng, một quan hệ đổi chác sẵn có. Thiết kế một hệ thống giá trị biểu hiện và do lường bằng đơn vị lao động, dù là trừu tượng, là một điều sai lầm cơ bản xét theo quan điểm của Marx - như Pierre Salama đã vạch rõ[275]. Trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, “người ta chỉ sản xuất ra để trao đổi, hay hơn nữa chỉ sản xuất ra qua trao đổi. Nếu gạch bỏ tiền tệ, ta sẽ thụt lùi về một giai đoạn sản xuất thấp hơn (tương ứng với đổi chác), hoặc ta sẽ tiến đến một giai đoạn cao hơn, ở đó giá trị trao đổi không còn là thuộc tính hàng đầu của hàng hóa, bởi vì lao động chung mà nó đại biểu đã mất đi tính chất lao động tư nhân, cho nên không cần đến một vật làm trung gian để đạt đến tính xã hội”[276]. Như vậy có một sự hiểu nhầm từ khởi điểm: giá trị không hề biểu hiện bằng lao động trừu tường và không hề đo bằng thời gian lao động. Trái lại, chính là lao động trừu tượng biểu hiện dưới hình thái của giá trị, và chính là việc đo thời gian lao động biểu hiện dưới hình thái đại lương của giá trị. Còn giá trị thì tự biểu hiện trong tiền tệ, và đại lượng của giá trị được đo bằng lượng vật ngang giá giá chung[277].
Bởi vì lao động trừu tượng không hề tồn tại như là lao động trừu tượng, nó không thể là thước đo của giá trị: lao động trừu tượng chi tồn tại qua biểu tượng thể chế hóa của nó trong tiền tệ, qua đó thế giới hàng hóa biểu hiện và đo các giá trị. Khi Marx nói rằng giá trị của hàng hóa nào đó là một số once vàng hay môt số giờ lao động nào đó, điều ấy không có nghĩa là thời gian lao động đo giá trị của hàng hóa: đại lượng giá trị được đo bằng once vàng với tư cách là đại biểu cho thời gian lao động xã hội cần thiết. Nói cách khác, thời gian lao động xã hội cần thiết xác định đại lượng giá trị theo nghĩa nó biểu hiện ở trong đó. Và số lượng vật ngang giá chung, trong đó giá trị tự biểu hiện và đo đại lượng của nó, cấu thành giá trị trao đổi của hàng hóa[278].
Bởi vì hàng hóa chứ không phải lao động được trao đổi, giá trị tự biểu hiện và đo bằng vật ngang giá chung, chứ không phải bằng lao động. Cho nên quan niệm về giá trị-lao động, tìm cách biểu hiện và đo giá trị bằng lao động, quan niệm đó căn cứ trên một sự đồng hóa sai lầm giá trị với thực thể của nó là lao động trừu tượng. Vả chăng, nếu có vấn đề về tính thông ước, thì nó chỉ đặt ra trong hệ giá trị mà các phương trình cộng giá trị trao đổi [Av] với lao động trừu tượng [L], tức là những cái không đồng nhất vì thuộc những cấp độ trừu tượng hóa khác nhau. Có sự nhầm lẫn ở đây giữa tính thông ước của hàng hóa qua lao động trừu tượng với thước đo của giá trị là một chức năng của vật ngang giá chung. Sai lầm này ở chỗ người ta không biết đến vấn đề hình thái của giá trị, mà chỉ đặt ra vấn đề thước đo của nó, tức không hiểu rằng giá trị được đo qua hình thái của nó.
Khảo cứu “sơ đồ giá trị” của Quyển III với ngôn từ lao động, thay vì ngôn từ giá trị trao đổi, là hiểu sai phạm trù giá trị trao đổi của Marx; hay nói cách khác, là không hiểu hàng hóa và tiền tệ là gì. Các hàng hóa với tư cách là giá trị chỉ có thể đối diện với nhau với tư cách là giá trị trao đổi, và hình thái tiền tệ “là hình thái đầu tiên làm cho các hàng hóa quan hệ với nhau như là giá trị, bằng cách làm cho các hàng hóa xuất hiện đối với hàng hóa khác như là giá trị trao đổi”[279]. Trao đổi hàng hóa vốn là trao đổi có tính tiền tệ, không bao giờ là trao đổi hiện vật, cho nên giá trị nhất thiết biểu hiện bằng đơn vị tiền tệ và không bao giờ bằng đơn vị lao động. Đó không phải là môt sự khác biết chỉ về danh nghĩa thước đo, bởi “khi biểu hiện giá trị bằng thời gian lao động, thay vì bằng sự vật hóa nhất định của thời gian lao động ấy, như vàng hay bạc chẳng hạn”, người ta xóa bỏ - theo Marx - “sự khác biệt và mâu thuẫn có thực giữa giá cả và giá trị”, tức là xóa bỏ “tất cả khủng hoảng, tất cả khuyết tật của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa”[280]. Đó chính là điều mà trường phái chủ nghĩa xã hội theo Ricardo chủ trương, do họ tưởng rằng có thể tránh được sự chuyển hóa giá trị thành giá cả bằng cách biểu hiện giá trị trực tiếp bằng lao động.
Không thể có hàng hóa nếu không có tiền tệ, cũng như không thể có giá trị nếu không có giá cả, cho nên sơ đồ gọi là giá trị, tức khắc, là một sơ đồ giá cả. Sự chuyển hóa giá trị thành giá cả nằm ngay trong định nghĩa của giá trị trao đổi. Chứ không chỉ xẩy ra, như trong mọi “hiệu chỉnh”, khi xác lập sơ đồ giá cả sản xuất. Khi bàn về giá trị mà bỏ qua giá trị trao đổi như là một cái gì thuần hình thức, các hiệu chỉnh sơ đồ của Marx thật ra bất xuất phát từ cách tiếp cận giá trị của Ricardo. “Lập luận của Ricardo là đơn giản như sau: các sản phẩm trao đổi nhau theo số lượng lạo động vật hóa mà chúng chứa đựng. Một ngày lao động bao giờ cũng trao đổi với một ngày lao động. Đó là điều giả định trước. Sản phẩm tự nó là giá trị trao đổi, và sự trao đổi chỉ cho nó một hình thái thuần hình thức”[281]. Hiệu chỉnh sơ đồ mácxít là, đi theo Ricardo, cho rằng “giá trị trao đổi chỉ là một hình thái thoáng qua của quan hệ sản phẩm đổi sản phẩm”. Marx chỉ rõ nguồn gốc của sai lầm này: nếu “sự chuyển hóa hàng hóa thành tiền tệ hiện ra như là cái gì hoàn toàn hình thức” lý do là vì, theo chân Ricardo, người ta không phân tích “hình thái đặc thù trong đó lao động biểu hiện tính thống nhất của hàng hóa”[282]. Do đó, người ta không thế nắm lấy “mối liên hệ giữa thứ lao động [tạo ra giá trị] và tiền tệ, tức là không hiểu rằng lao động ấy nhất thiết phải biểu hiện dưới hình thái tiền tệ”. Cho nên người ta hoàn toàn không hiểu “mối liên hệ giữa tính quy định giá trị trao đổi bởi thời gian lao động với việc nhất thiết quá trình hàng hóa phải đi đến sự hình thành của tiền tệ”[283]. Chính do không hiểu biết điều ấy mà có những hệ giá trị thiết kế bằng ngôn từ lao động.
2. Chúng ta cũng tìm thấy sự không thông hiểu và sai lầm đó trong hệ giá cả được thiết kế bằng ngôn từ “hiện thực” (en termes réels) thay vì ngôn từ tiền tệ. Trên cơ sở trao đổi hiện thực các sản phẩm với nhau, hệ giá cả xác định “giá cả tương đối” (prix relatif) bằng cách tự cho một “sản phẩm thước đo” (numéraire). Cho dù là vàng được chọn làm sản phẩm thước đo ấy như trong phân tích của Bortkiewicz, nó không hề có cương vị của tiền tệ: đó chỉ là tiền tệ hóa những trao đổi hiện thực, chứ không phải là một hình thái của giá trị - như Salama có nhận xét[284]; nói cách khác, đó là một tiền tệ thuần danh nghĩa, chứ không phải là vật ngang giá chung. Việc quy tiền tệ thành một sản phẩm thước đo, và quy các giá cả có tính tiền tệ thành giá cả tương đối, là đặc tính của các hiệu chỉnh sơ đồ chuyển hóa của Marx. Nó đi ngược lại hoàn toàn với phân tích của tác giả Tư bản, theo đó trao đổi hàng hóa nhất thiết là trao đổi có hình thái tiền tệ, cũng như giá cả hàng hóa nhất thiết là giá cả mang tính tiền tệ. Điều này bao hàm rằng không bao giờ có thể trực tiếp thiết lập giá cả tương đối, bởi nó luôn luôn là kết quả của tương quan giữa giá cả mang tính tiền tệ. Cho nên, đối với tư duy Marx, không có gì xa lạ hơn là việc thiết kế một hệ giá cả tương đối với một tiền tệ-sản phẩm thước đo.
Đó là một thiết kế thuộc về thuyết Ricardo, theo nghĩa nó thiết định rằng tiền tệ là một hàng hóa mà không cần biết tiền tệ và hàng hóa phân biệt nhau như thế nào. Cũng như Ricardo, những tác giả của nó quy tiền tệ vào chức năng duy nhất là làm trung gian trong lưu thông. Trong chừng mực tiền tệ chỉ là một hàng hóa, họ xử lý quan hệ hàng hóa – tiền tệ như là một quan hệ hàng hóa – hàng hóa. “Ở đây thể hiện cái tiền đề sai lầm của Ricardo cho rằng, vì tiền tệ được dùng làm phương tiên lưu thông, cho nên nó được trao đổi như là hàng hóa để lấy hàng hóa”[285]. Phân tích của Marx khác hẵn - như Suzanne de Brunhoff đã nhận xét -, bởi tác giả Tư bản trình bày tiền tệ trong tư cách nó khác biệt và đối lập với hàng hóa: quá trình phát sinh của tiền tệ từ hàng hóa, như chúng ta biết, là một quá trình chọn lựa - loại trừ, chọn lựa vật ngang giá chung trong thế giới hàng hóa, đồng thời loại trừ nó ra khỏi thế giới đó[286]. Bởi, nếu như Ricardo quan niệm, tiền tệ chỉ là một hàng hóa, khi ấy “mọi hàng hóa đều trực tiếp là tiền tệ”, như trường phái của chủ nghĩa xã hội theo Ricardo đã tưởng tượng[287]. Nhưng khi đó, không còn là trao đổi hàng hóa nữa, “các hàng hóa đối với nhau không giữ vai trò hàng hóa, mà là những sản phẩm đơn thuần hay là những giá trị sử dụng”[288]. Trong chừng mực phạm vi của nó là trao đổi hiện thực thì cách đặt vấn đề về giá cả tương đổi với tiền tệ-sản phẩm thước đo là sự phủ định của hàng hóa và của tiền tệ.
Như vậy thì cả hệ giá cả lẫn hệ giá trị mà các cuộc hiệu chỉnh thiết kế đều không tương ứng với các phạm trù mácxít của sơ đồ chuyển hóa[289]. Trước hết, có sự nhầm lẫn giữa hai vấn đề, là câu hỏi về mối tương quan giá trị - giá cả với câu hỏi về mối tương quan giá trị - giá cả sản xuất. Vấn đề về chuyển hóa giá trị thành giá cả được xử lý trong Tư bản ngay từ Chương 1 của Quyển I, và nó liên quan đến bước chuyển của phân tích hàng hóa từ giá trị sang giá trị trao đổi, tức là sự phân đôi (dédoublement) của hình thái hàng hóa (hay hàng hóa nói chung) thành hàng hóa cá biệt và tiền tệ. Vấn đề gọi là phép chuyển hóa giá trị thành giá cả sản xuất của Quyển III liên quan đến việc chuyện hóa không phải của giá trị mà của giá trị trao đổi, tức của giá cả, khi phân tích của tư bản chuyển từ cấp độ của tư bản nói chung sang cấp độ của tư bản cạnh tranh[290]. Nói cách khác, nếu phép chuyển hóa của Quyển III quả đối chiếu hai không gian thì đó không phải giá trị và giá cả, mà là hai không gian giá cả: giá trị trao đổi định nghĩa ở cấp độ của tư bản nói chung, và giá trị trao đổi định nghĩa ở cấp độ của tư bản cạnh tranh[291]. Bởi vì phép chuyển hóa liên quan đến gia trị trao đổi, tức là những đại lượng tức khắc có tính tiền tệ, cho nên vấn đề gọi là “tính không thông ước” (incommensurabilité) của hai không gian, như nó được nêu ra, trở thành một vấn đề giả[292].
Mặc khác, việc hiệu chỉnh sơ đồ chuyển hóa của Marx đưa đến thiết kế những sơ đồ giá trị lẫn giá cả bằng ngôn từ hiện thực; hay nói cách khác, theo lời của Marx, nó dẫn đến biến hàng hóa thành sản phẩm: “Ở đây thứ nhất, hàng hóa, trong đó có sự đối lập giữa giá trị trao đổi và giá trị sử dụng, chỉ biến thành một sản phẩm đơn giản (một giá trị sử dụng), còn việc trao đổi hàng hóa thì do đó đơn giản biến thành đổi chác sản phẩm lấy sản phẩm, chỉ trao đổi giá trị sử dụng mà thôi. Chúng ta bị đẩy lùi lại không những trước khi có nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà ngay cả trước khi có nền sản xuất hàng hóa giản đơn. (…) Khi ấy, một cách nhất quán, người ta coi tiền tệ là một thứ trung gian để trao đổi sản phẩm, chứ không phải là một hình thái tồn tại cơ bản và tất yếu của hàng hóa - là cái nhất định phải tự biểu hiện ra với tư cách là giá trị trao đổi, là lao động xã hội chung. Khi biến hàng hóa thành giá trị sử dụng đơn thuần (thành sản phẩm), người ta xóa bỏ thực thể của giá trị trao đổi, khi ấy người ta cũng có thể dễ dàng phủ định tiền tệ với tư cách là một hình thái độc lập thiết yếu trong quá trình chuyển hóa của hàng hóa, đối với hình thái của hàng hóa ban đầu - đúng hơn, người ta không chỉ có thể mà cần phải phủ định tiền tệ”[293]. Như vậy, việc “hiệu chỉnh” Marx dựa trên sự hiểu biết của Ricardo về giá trị trao đổi, do đó coi hàng hóa và tiền tệ như là những hình thái không cần thiết, tức là ở ngoài cương vị hình thái của chúng[294].
II. Chỉ xét vấn đề hình thái của giá trị, ở đây[295], cho thấy rằng việc không chuyển hóa được giá trị thành giá cả sản xuất, thật ra, không do sơ đồ do Marx thiết định, mà do việc hiệu chỉnh nó. Việc phê phán tính không thông ước giữa giá trị và giá cả không có liên quan gì đến phân tích của Marx, mà liên quan tới sự hiệu chỉnh của nó theo thuyết tân-Ricardo của Sraffa. Đó là điều mà Morishima không hiểu, khi ông trách tác giả Tư bản đã “thường xuyên lẫn lộn một đại lượng bằng ngôn từ giá cả với đại lượng tương ứng bằng ngôn từ giá trị, mặc dù rõ ràng giá cả và giá trị không có cùng chiều kích; giá cả được đo bằng từ tiền tệ hay một hàng hóa nào khác dùng làm sản phẩm-thước đo, trong khi giá trị được đo bằng từ thời gian lao động”. Vì vậy mà đối với Morishima, sự chuyển hóa bao hàm một phép “chuẩn hóa” giá cả để nó có chiều kích đồng nhất với giá trị. Tác giả đề nghị đo giá cả bằng “ngôn từ lao động” để có thể so sánh với giá trị. Giá cả của hàng hóa i bằng từ lao động, pi,w = pi / wi, biểu hiện đại lượng lao động mà hàng hóa i có thể đặt mua (travail commandé); “giá cả pi,w và giá trị vi đều cả hai được đo bằng từ lao động, cho nên những mệnh đề về sự bằng nhau hay không bằng nhau của chúng trở nên có ý nghĩa”[296]. Chúng ta có thể nhận xét thêm rằng, nếu quả tính không thông ước giữa giá trị trao đổi và giá cả sản xuất là một vấn đề giả, thì không hề có vấn đề chuẩn hóa giá cả. Mặt khác, cũng không thể chấp nhận phản biện của Benetti và Cartelier cho rằng không hề có tính thông ước giữa lao động trừu tượng và lao động làm công (hay lao động đặt mua). Đối với Marx, lao động trưu tượng chỉ vật hóa trong tiền tệ, và tiền công chỉ có thể mang tính tiền tệ. Và nếu đúng là tiền tệ vật hóa một lượng lao động trừu tượng ít hơn lượng lao động mà nó có thể đặt mua với một tỷ suất bóc lột nhất định, thì vẫn có một tính tỷ lệ giữa lao động trừu tượng vật hóa và việc đo lường nó bằng từ lao động đặt mua[297].
Gérard Duménil là một tác gia đã bác bỏ lập luận về tính không thông ước giữa giá trị và giá cả sản xuất, cho rằng nó lẫn lộn phép chuyển hóa của Quyển III với sự chuyển hóa của Quyền I. Ông nhận xét rằng Marx không hề đợi đến quyển thứ ba của Tư bản để đặt vấn đề tương quan của giá trị và giá cả: ngay ở quyển thứ nhất, phạm trù giá cả đã xuất hiện với tư cách là hình thái của giá trị. Duménil triển khai một cách đọc phép chuyển hóa ở Quyển III như là sự chuyển hóa giá trị thành “giá trị điều chỉnh” (valeurs péréquées) mà biểu hiện tiền tệ là giá cả sản xuất - theo sơ đồ như sau[298]:
Giá trị ——[điều chỉnh ]——› Giá trị điều chỉnh
│
Giá cả sản xuất
Diễn giải này dường như chỉ khác biệt về hình thức với diễn giải của chúng tôi, mà sơ đồ có thể được trình bay như sau:
Giá trị
│
Giá cả ——[điều chỉnh]——› Giá cả sản xuất
Thật ra, sự khác nhau giữa hai sơ đồ trên không chỉ là hình thức. Nó gắn với lựa chọn mà Duménil đặt ra giữa lập luận bằng ngôn từ tiền tệ và lập luận bằng ngôn từ lao động hay, đúng hơn, với giá cả tính theo tiền công (prix salariaux), tương tự như là Morishima. Cho rằng quan niệm về tiền tệ-hàng hóa của Marx đã “lỗi thời”, Duménil chọn lập luận với giá cả tính theo tiền công, vì nó cho phép đo giá cả “với cùng đơn vị đo đầu vào về lao động, tức bằng giờ lao động”[299]. Tuy nhiên, phải nhận xét rằng việc Dumenil đối lập giá cả có tính tiền tệ với giá cả tính theo tiền công không mấy xác đáng, bởi giá cả tính theo tiền công là giá cả tương đối, tức là - theo Marx - nó tiền giả định giá cả có tính tiền tệ.
Theo Duménil, trong sơ đồ về phép chuyển hóa của Quyển III, Marx tính các giá cả sản xuất bằng giờ lao động[300]. Nhà bình luận viện dẫn một đoạn văn của Tư bản theo đó, “nói về tư bản khả biến, thì tiền công nhật bình quân bao giờ cũng bằng giá trị mới sản xuất ra trong số giờ mà công nhân phải dành để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt cần thiết. Nhưng bản thân số giờ đó bị xuyên tạc, vì giá cả sản xuất những tư liệu sinh hoạt ấy chênh lệch với giá trị của chúng”[301]. Đối với Dumenil, điều này xác nhận rằng “đúng là giá cả sản xuất, theo Marx, được đo bằng giờ lao động”, và “trong tất cả lập luận này thì tiền công, giá trị và giá cả sản xuất đều hiểu theo đơn vị đó”[302]. Theo chúng tôi, mệnh đề của Marx mà Dumenil quy chiếu không hề mang ý nghĩa như thế: tác giả Tư bản không hề chỉ dẫn rằng giá cả sản xuất, và cả giá trị nữa, được đo bằng giờ lao động. Marx nói rằng tiền công bình quân đại biểu cho một số giờ lao động xã hội không có thay đổi trong phép chuyển hóa, nhưng sự chệnh lệch của giá cả sản xuất các hàng tiêu dùng mà công nhân mua sắm so với giá trị của chúng, xuyên tạc số giờ lao động tương ứng với tiền công bình quân[303]. Cho dù từ “giá trị” mà Marx dùng ở đây không được chính xác - thay vì là “giá trị trao đổi” (hay giá cả) -, không thể nghi ngờ rằng sơ đồ chuyển hóa của Quyển III liên quan đến những đại lượng có tính tiền tệ. Xuất phát từ đẳng thức giữa giá cả sản xuất của toàn thể hàng hóa và “tổng gia trị” của chúng, Marx nói rõ: “Trên thực tế, đó là biểu hiện tiền tệ của tổng số lượng lao động - cả lao động quá khứ lẫn lao động mới thêm vào - chứa đựng trong những hàng hóa”[304]. Nói chung, mỗi khi tác giả Tư bản khảo cứu giá trị hàng hóa theo sơ đồ C + V + M, ông luôn luôn nhắc rằng đó là những đại lượng có tính tiền tệ[305]. Đặc biệt trong Quyển I, Marx cảnh báo độc giả: “Khi chúng tôi dùng từ giá trị mà không nói rõ hơn thì phải hiểu là giá trị trao đổi”[306]. Đó cũng là trường hợp của sơ đồ gọi là chuyển hóa giá trị thành giá cả sản xuất, trong đó “giá trị” phải được hiểu là “giá trị trao đổi”, tức “giá cả”[307].
III. Mọi sự lẫn lộn với vấn đề về phép chuyển hóa của Quyển III đã được giải tỏa, chúng ta có thể xem xét hai khía cạnh sau cùng của sự chuyển hóa giá trị thành giá cả mà Marx khảo cứu ở Quyển I. Ở Chương 3, tác giả Tư bản không chỉ ghi nhận có một “sự không nhất trí về lượng” mà còn nêu lên một “mâu thuẫn tuyệt đối”[308].
1. Trong chừng mực giá cả không phải là giá trị, mà là hình thái biểu hiện tiền tệ của giá trị, nó “bao hàm khả năng có sự không nhất trí về lượng giữa giá cả và lượng của giá trị”: thật vậy, giá cả có thể biểu hiện “hoặc chính ngay giá trị của hàng hóa, hoặc một mức giá cao hay thắp hơn thu được khi bán hàng hóa này trong những hoàn cảnh nhất định” - Marx viết tuy không xác định các “hoàn cảnh” ấy[309]. Một văn bản trong những Bản thảo 1857-1858 cho phép làm rõ điều đó: “Giá cả khác với giá trị không chỉ như danh nghĩa khác với hiện thực, không chỉ do tên gọi của vàng hay bạc, mà còn vì giá trị hiện ra như là quy luật vận động của giá cả”. Giữa giá cả và giá trị “không có đẳng thức” mà “luôn luôn là bất đẳng thức”. Đó là vì, ở đây, Marx xem xét phạm trù về giá cả thị trường là một giá bất cân bằng, trừ khi có trùng hợp ngẫu nhiên giữa cung và cầu của xã hội. Chính là thông qua sự vận động của giá cả thị trường mà tính quy định của giá trị bởi thời gian lao động xã hội cần thiết trở thành một thực tế. Giá trị vẫn “rất hiện thực” nếu ta thừa nhận rằng nó là “lực vận động và nguyên lý kích hoạt những dao động của giá cả hàng hóa trong một thời kỳ nhất định”[310].
Marx nhấn mạnh rằng cách biệt giữa giá cả và đại lượng giá trị là một khả năng “nằm ngay trong bản thân hình thái giá cả”; và thay vì là một khuyết điểm, sự “nhập nhằng” ấy làm cho hình thái này thích ứng với một phương thức sản xuất mà quy tắc chỉ khẳng định như là quy luật bình quân và mù quáng của tính không quy tắc”[311]. Sự chênh lệch nhau về số lượng thật ra là sự khác biệt giữa những hình thái của giá trị. Nó hiện ra như sự “không nhất trí về lượng” bởi các tính quy định về hình thái - của giá cả thị trường (prix de marché) và giá cả điều tiết nó (prix régulateur) - chưa được Marx triển khai ở cấp độ này của trình bày Tư bản[312].
2. Trong khi giá trị biểu hiện thành giá cả, thì hình thái giá cả có thể biểu hiện một cái gì khác hơn là giá trị. “Hình thái giá cả không những bao hàm khả năng có sự không nhất trí về lượng giữa giá cả và với lượng của giá trị, nghĩa là giữa lượng của giá trị và biểu hiện tiền tệ của chính ngay nó, mà hình thái giá cả còn có thể che giấu một mâu thuẫn tuyệt đối, đến nổi giá cả hoàn toàn không biểu hiện giá trị nữa, tuy tiền tệ chỉ là hình thái giá trị của hàng hóa”. Giá cả là một hình thái trong đó những quan hệ xã hội khác hơn là giá trị có thể biểu hiện. “Đứng về mặt hình thức mà nói, một vật có thể có giá cả mà không có giá trị. Ở đây, giá cả trở thành một biểu thức tưởng tượng”[313]. Điều này sẽ hiện rõ ra phía sau đây[314].
* * *
THƯ MỤC
Tác phẩm của Marx
(xếp theo thứ tự năm xuất bản văn bản gốc hoặc năm Marx biên soạn bản thảo, tiếp đến là nhan đề tiếng Việt của tác phẩm và quy chiếu của văn bản tiếng Pháp được sử dụng trong công trình nghiên cứu này)
1835-1874: Thư từ trao đổi Marx - Engels / Correspondance Marx – Engels, Editions Sociales, 1971-1989, 12 t.
1841-1861: Tác phẩm III. Triết học / Œuvres III. Philosophie, Gallimard, 1982.
1843a: Phê phán triết học pháp quyền của Hegel / Critique du droit politique hégelien, Editions Sociales, 1975.
1843b: Về vấn đề Do Thái / “A propos de la Question juive”, in Œuvres III. Philosophie, Gallimard, 1982.
1844: Bản thảo 1844 / Manuscrits de 1844, Editions Sociales, 1972.
1844-1881: Tác phẩm II. Kinh tế / Œuvres II. Economie, Gallimard, 1972.
1845: Gia đình thần thánh (viết cùng với Engels) / La Sainte Famille (avec Engels), Editions Sociales, 1972.
1845-1895: Những lá thư viết về bộ Tư bản (viết cùng với Engels) / Lettres sur Le Capital (avec Friedrich Engels), Editions Sociales, 1972.
1846: Hệ tư tưởng Đức (viết cùng với Engels) / L’idéologie allemande (avec Friedrich Engels), Editions Sociales, 1976.
1847: Sự khốn cùng của triết học / Misère de la philosophie, Editions Sociales, 1968.
1847-1893: Tác phẩm I. Kinh tế / Oeuvres I. Economie, 1977.
1848: Tuyên ngôn đảng cộng sản (viết cùng với Engels) / Manifeste du parti communiste (avec Friedrich Engels), Editions Sociales, 1972.
1848-1849: Nhật báo Neue Rheinische Zeitung / La Nouvelle Gazette Rhénane, t. 3, Editions Sociales, 1963-1971.
1849/1865: Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận / Travail salarié et capital & Salaire, prix et profit, Editions Sociales, 1969.
1850: Đấu tranh giai cấp ở Pháp / Les luttes des classes en France, Editions Sociales, 1970.
1852: Ngày 18 tháng Sương mù của Louis Bonaparte / Le 18 Brumaire de Louis Bonaparte, Editions Sociales, 1969.
1857-1858: Bản thảo 1857-1858 / Manuscrits de 1857-1858, Editions Sociales, 1980, 2 t.
1859a: Góp phần phê phán chính trị kinh tế học / Contribution à la critique de l’économie politique, Editions Sociales, 1957.
1859b: Louis Napoleon và Ý / “Louis Napoleon and Italy”, New York Daily Tribune 29.8 1859.
1861-1863: Bản thảo 1861-1863 / Manuscrits de 1861-1863, Editions Sociales, 1980.
1862-1863: Các học thuyết về giá trị thặng dư / Théories sur la plus-value, Editions Sociales, 1974-1976, 3 t.
1862-1895: Những lá thư viết cho Kugelmann (viết cùng với Engels) / Lettres à Kugelmann (avec Engels), Editions Sociales, 1971.
1864: Chương VI, Tư bản, Quyển I. Bản thảo 1863-1867 / Le Chapitre VI, Le Capital, Livre I. Manuscrits 1863-1867, Les Editions Sociales, 2010.
1864-1865: Tư bản, Quyển III / Le Capital, Livre III, Editions Sociales, 1965-1967, 3 t.
1867/1890a: Chương 1 của bộ Tư bản (bản tiếng Đức xuất bản lần thứ nhất và lần thứ tư) / “Le Chapitre 1 du Capital”, 1e et 4e éditions allemandes, in Paul-Dominique Dognin (ed), Les sentiers escarpés de Karl Marx, Editions du Cerf, 1977, 2 vol.
1870-1878: Tư bản, Quyển II / Le Capital, Livre II, Editions Sociales, 1968, 2 t.
1871: Cuộc nội chiến ở Pháp / La guerre civile en France, Editions Sociales, 1971.
1875: Tư bản, Quyển I (phiên bản tiếng Pháp) / Le Capital, Livre I, édition française, Editions Sociales, 1962, 3 t.
1879-1880: Ghi chú bên lề sách Bàn về chính trị kinh tế học của Adolphe Wagner / “Notes marginales sur le Traité d’économie politique d’Adolphe Wagner”, in Le Capital, Livre II, Editions Sociales, 1976, p. 459-484.
1890: Tư bản, Quyển I (bản tiếng Đức xuất bản lần thứ tư) / Le Capital, Livre I, 4e édition allemande, Editions Sociales, 1983.
Các tác phẩm khác
ABRAHAM-FROIS Gilbert, BERREBI Edmond, Théorie de la valeur, des prix et de l’accumulation, Economica, 1976.
ABRAHAM-FROIS Gilbert, BERREBI Edmond, Rente, rareté, surprofits, Economica, 1980.
AGLIETTA Michel, “L’ambivalence de l’argent”, Revue francaise d’économie, été 1988.
AGLIETTA Michel, FOUET Monique, “Régulation du capitalisme en longue période”, in M. AGLIETTA, C. SAUTTER (ed), Quatre économie dominantes sur longue période, INSEE, 1978.
AGLIETTA Michel, ORLEAN André, La violence de la monnaie, PUF, 1982.
AGLIETTA Michel, ORLEAN André (ed), La monnaie souveraine, Odile Jacob, 1998.
ALTHUSSER Louis, “Avertissement aux lecteurs du Capital”, in K. MARX, Le Capital, Livre I, Garnier-Flammarion, 1969.
ALTHUSSER Louis, “Idéologie et appareils d’Etat”, La Pensée, juin 1970.
ALTHUSSER Louis, Lénine et la philosophie, Maspéro, 1972.
ALTHUSSER Louis, Réponse à John Lewis, Mapéro, 1973.
ALTHUSSER Louis, “Avant-propos”, in G. DUMENIL, Le concept de loi économique dans Le Capital, Maspéro, 1978.
AMIN Samir, VERGOPOULOS Kostas, La question paysanne et le capitalisme, Anthropos, 1974.
ANDRE Christine, DELORME Robert, L’Etat et l’économie. Un essai d’explication de l’évolution des dépenses publiques en France 1870-1980, Seuil, 1983.
ANDREFF Wladimir, Profits et structures du capitalisme mondial, Calmann-Lévy, 1976.
ARENA Richard, FROESCHLE Claude, TORRE Dominique, “Gravitation et reproductibilité”, in C. BIDARD (ed), La gravitation, Université Paris X, Cahiers de la RCP Systèmes de prix de production n˚ 2-3, nov. 1984.
ARTHUR Chris, “Dialectic of the value-form”, in D. ELSON, Value. The representation of labour in capitalism, CSE Books, 1979.
Auteur collectif, “Valeur, prix et réalisation”, Critique de l’économie politique, janv-mars 1977.
AZOUVI Alain, “Progrès technique et rapports de production: de la théorie à l’enquête”, Critiques de l’economie politique n˚ 10, jan.-mars, 1980.
BACKHAUS Hans Georg, “Dialectique de la forme de la valeur”, Critiques de l’économie politique, oct.-déc. 1974.
BALIBAR Etienne, “Sur les concepts fondamentaux du matérialisme historique”, in ALTHUSSER et al., Lire Le Capital, Maspéro, t. 2. 1969,
BALIBAR Etienne, Cinq études du matérialisme historique, Maspéro, 1972.
BALIBAR Etienne, “A nouveau sur la contradiction”, in CERN, Sur la dialectique, Editions Sociales, 1977.
BALIBAR Etienne, La philosophie de Marx, La Découverte, 1993.
BALIBAR Etienne, LEFEBVRE Jean-Pierre, “Plus-value ou survaleur”, La Pensée n˚ 197, fév. 1978.
BANAJ Jairus, “From commodity to capital: Hegel’s dialectic in Marx’s Capital”, in D. ELSON (ed), Value. The representation of labour in capitalism, CSE Books, 1979.
BARBIER Maurice, La pensée politique de Karl Marx, L’Harmattan, 1992.
BARRERE Christian, KEBABJIAN Gérard, WEINSTEIN Olivier, Lire la crise, PUF, 1983.
BARTHELEMY Denis, “Valeur et travail paysan”, Cahiers d’économie politique n˚ 6, 1977.
BARTHELEMY Denis, Propriété foncière et fonds-entreprise. Le cas de l’agriculture, Economica, 1984.
BARTHELEMY Denis, “Entre la proprieté foncière et l’entreprise, l’exploitation agricole”, in J.L. GUIGOU (ed), La propriété foncière, Economica, 1984.
BAUDRILLARD Jean, Pour une critique de l’économie politique du signe, Gallimard, 1972, 1972.
Jean Baudrillard (1929-2007) |
BAUDRILLARD Jean, Le miroir de la production, Casterman, 1973.
BECKER James, Economie politique marxiste, Economica, 1980.
BENETTI Carlo, Valeur et répartition, Maspéro - PUG, 1974.
BENETTI Carlo, “La question de la gravitation du prix de marché dans la Richesse des nations”, Cahiers d’économie politique n˚ 6, 1981.
BENETTI Carlo, “Economie monétaire et économie de troc: la question de l’unité de compte commune”, Economie appliquée n˚ 1, 1985.
BENETTI Carlo, “A propos de l’analyse simmelienne de la légitimité monétaire”, in J.M. BALDER, L. GILLARD (ed), Simmel et les normes sociales, L’Harmattan. 1936.
BENETTI Carlo et al., Economie classique, économie vulgaire, Maspéro-PUG, 1975.
BENETTI Carlo, de BRUNHOFF Suzanne, CARTELIER Jean, “Elements pour une critique marxiste de P. Sraffa”, Cahiers de l’économie politique n˚ 6, 1976.
BENETTI Carlo, CARTELIER Jean, “Profit et exploitation: le problème de la transformation des valeurs en prix de production”, in BENETTI Carlo et al., Economie classique, économie vulgaire, Maspéro - PUG, 1975.
BENETTI Carlo, CARTELIER Jean, Marchands, salariat et capitalistes, Maspéro - PUG, 1980.
BENETTI Carlo, CARTELIER Jean, “Mesure invariable des valeurs et théorie ricardienne de la marchandise”, in BENETTI Carlo et al., Marx et l’économie politique, Maspero - PUG, 1977.
BERTHOMIEU Claude, “La théorie de la rente et le système des prix de production”, in LATAPSES, Etudes d’économie classique et ricardienne, PUF, 1982.
BERTHOUD Arnaud, Travail productif et productivité du travail chez Marx, Maspéro, 1974.
BETTELHEIM Charles, “Remarques théoriques’ in EMMANUEL, L’échange inégal, Maspéro, 1969.
BETTELHEIM Charles, Calcul économique et formes de propriété, Maspéro, 1970.
BETTELHEIM Charles, La lutte des classes en URSS, Maspéro - Seuil, t. 1, 1974.
BIDET Jacques, Que faire du Capital?, Klincksieck, 1985.
BIDET Jacques, “Socialisation et abstraction”, Cahiers d’économie politique n˚ 12, 1986.
BIDET Jacques, Théorie de la modernité suivi de Marx et le marché, PUF, 1990.
BIDET Jacques, Théorie générale, PUF, 1999.
BIDET Jacques, KOUVELAKIS Eustache (ed), Dictionnaire Marx contemporain, PUF, 2001.
BIHR Alain, L’économique fétiche, 1979.
BLANC Emmanuel, “Prendre l’outil et la parole”, Cahiers analyse, épistemologie, histoire n˚ 6, 1975.
BLAUG Mark, La pensée économique, Economica, 1981.
Paul Sweezy (1910-2004) |
BOHM-BAWERK Eugen von, “Karl Marx and the close of his system”, in P. SWEEZY (ed) Karl Marx and the close of his system by Eugen von Bohm-Bawerk, et Bohm-Bawerk’s critism of Marx by Rudolf Hilferding, Augustus Kelley, 1949.
BOMPARD J.P., POSTEL VINAY Gilles, “Etat et analyse de classe en agriculture au travers du problème foncier”, ACSES, Sur l’Etat, Contradictions, 1977.
BORELLY Rolande, Les disparités sectorielles des taux de profit, PUG, 1975.
BORTKIEWICZ Ladislaus von, “Value and price in the marxian system”, International Economic Papers n˚ 2, 1952.
BOYER-XAMBEU Marie-Thérèse, DELEPLACE Ghislain, GILLARD Lucien, “Vers une topologie des régimes monétaires”, Cahiers d’économie politique n° 18, 1990.
BROUSTE Pierre, La rente foncière chez Marx, mémoire DEA, Université Paris I, 1976.
BRUNHOFF Suzanne de, La monnaie chez Marx, Editions Sociales, 1973.
BRUNHOFF Suzanne de, La politique monétaire, PUF, 1973.
BRUNHOFF Suzanne de, Etat et capital, Maspéro - PUG, 1976.
BRUNHOFF Suzanne de, Les rapports d’argent, Maspéro - PUG, 1979.
BRUNHOFF, Suzanne de, “Valeur de la force de travail, salaire et intervention de l’Etat”, in B. BOUREILLE et al., Réexamen de la théorie du salariat, PUL, 1981.
CARTELIER Jean, “Valeur ou enrichissement: le dilemne de l’économie politique, ACCES n˚ 1, mars 1978.
CARTELIER Jean, “Echange inégal et théorie des prix de production”, Cahier d’analyse économique n˚ 1, 1975.
CARTELIER Jean, “Théorie de la valeur ou hétérodoxie monétaire: les termes d’un choix”, Economie appliquée n˚ 1, 1985.
CARTELIER Lysianne, “Contribution à l’étude des rapports entre Etat et travail salarié”, Revue économique n° 1, janvier 1980.
CASTORIADIS Cornelius, La société bureaucratique, UGE, 1973.
CASTORIADIS Cornelius, Capitalisme moderne et révolution, UGE, 1979.
CASTORIADIS, Cornelius, Les carrefours du labyrinthe, Seuil, 1978.
CAVAILHES Jean, Les réponses des marxistes à la question agraire, INRA, document de recherche n˚ 16, mars 1981.
CENCINI Alvaro, SCHMITT Bernard, La pensée de Karl Marx, Castella, 1976-1977, 2 vol.
CHEVALIER Jean-Marie, L’économie industrielle en question, Calmann-Levy, 1977.
CHIAVELLI Alain, RAINELLI Michel, “Uniformisation des taux de profit et hypothèse sectorielle”, Cahiers d’economie politique n˚ 4, 1977.
COLETTI Lucio, De Rousseau à Lénine, Gordon et Breach, 1974.
COLETTI Lucio, Le marxisme et Hegel, Champ Libre, 1976.
COLETTI Lucio, Politique et philosophie, Galilée, 1975.
CORIAT Benjamin, Science, technique et capital, Seuil, 1976.
COULOMB Pierre, “Propriété foncière et mode de production capitaliste”, Etudes rurales n˚ 51, 1973.
DALLEMAGNE Jean-Luc, L’économie du Capital, Maspéro, 1978.
DELAUNAY Jean-Claude, “La forme valeur de la production”, La Pensée n˚ 183, oct. 1975.
DELEPLACE Ghislain, “Biens à double destination et polarisation des taux de profit: une analyse sectorielle”, Cahiers d’économie politique n˚ 2, 1975.
DELEPLACE Ghislain, Théorie du capitalisme: une introduction, Maspéro - PUG, 1979.
DELEPLACE Ghislain, “Marché et concurrence chez Marx”, Cahiers d’économie politique n˚ 6, 1981.
DELEPLACE Ghislain, “Sur quelques difficultés de la théorie de la monnaie - marchandise chez Ricardo et Marx”, Economie appliquée n°1, 1985.
DELEPLACE Ghislain, Histoire de la pensée économique, Dunod, 1999.
DELILEZ Jean-Pierre, Les monopoles, Editions Sociales, 1970.
DENIS Henri, L’ “économie” de Marx, PUF, 1980.
DESQUIER-DESJARDIN Denis, “Rente absolue et économie du déséquilibre chez Karl Marx”, communication au colloque sur La rente, Université Paris X, 1983.
DIATKINE Daniel, “La terre existe-t-elle? Le statut de la terre dans la théorie des prix de production de P. Sraffa”, Cahiers d’économie politique n˚ 5, 1979.
DOBB Maurice, Political economy and capitalism, Routledge et Kegan, 1940.
DOBB Maurice, Theory of value and distribution since Adam Smith, Cambridge University Press, 1975.
DOBB Maurice, “The Sraffa system and critique of the Neo-classical theory of distribution”, in E. Hunt, J. SCHWARTZ (ed), A critique of economic theory, Penguin Books, 1972.
DOGNIN Paul Dominique, Les sentiers escarpés de Karl Marx, t. 2, Edition du Cerf, 1977.
DOSTALER Gilles, Valeur et prix, Maspero - PUG, 1978.
DOSTALER Gilles, Marx, la valeur et l’économie politique, Anthropos, 1978.
DRAPER Hal, Karl Marx’s theory of revolution, Monthly Review Press, 1977-1989, 4 t.
DRUGMAN Bernard, “Travail, force de travail et salariat: au-delà de l’économie politique du capital, in Jean-Paul GAUDEMAR (éd.), Réexamens de la théorie du salariat, PUL, 1981.
DRUGMAN Bernard, “Le concept du rapport salarial: genèse, enjeu et perspectives”, Cahiers de l’ IREP-Développement n°4, 1983.
DRUGMAN Bernard, “Travail, force de travail et salariat: au-delà de l’économie politique du capital”, in B. BOUREILLE et al., Réexamen de la théorie du salariat, PUL, 1981.
DUMENIL Gérard, Le concept de loi économique dans le Capital, Maspéro 1978.
DUMENIL Gérard, De la valeur aux prix de production, Economica, 1980.
DUMENIL Gérard, LEVY Dominique, La dynamique du capital. Un siècle d’économie américaine, PUF, 1996.
DUMONT Louis, Homo aequalis, Gallimard, 1985.
ELSON Diane, “The value theory of labour”, in D. ELSON (ed), Value. The representation of labour in capitalism, CSE Books, 1979.
ELSTER Jon, Karl Marx. Une interprétation analytique, PUF, 1989.
EMMANUEL Arghiri, L’échange inégal, Maspéro, 1969.
EMMANUEL Arghiri, La dynamique des inégalités, Anthropos, 1965.
ENGELS Friedrich, Anti-Duhring, Editions Sociales, 1971.
ENGELS Friedrich, L’origine de la famille, de la propiété privée et de l’Etat, Editions sociales, 1972.
ENGELS Friedrich, Préface, in K. MARX, Le Capital, Livre III, t. 1, Editions Sociales, 1965.
ENGELS Friedrich, “La contribution à la critique de l’économie politique de Karl Marx. Deuxième article”, in K. MARX, F. ENGELS, Textes sur le méthode de la science economique, Editions Sociales, 1974.
ENGELS Friedrich, La question paysanne en France et en Allemagne, Editions Sociales, 1956.
ESTABLET Roger, “Présentation du plan du Capital”, in L. ALTHUSSER, et al., Lire Le Capital IV, 1973.
EVRARD Philippe, HASSAN Daniel, VIAU Claude, “Petite agriculture et capitalisme”, Cahiers d’économie politique n˚ 4, 1977.
FACCARELLO Gilbert, Travail, valeur et prix, Anthropos, 1983.
FACCARELLO Gilbert, “Karl Marx et la critique de l’économie politique: Le purgatoire du temps présent” et “Les controverses autour du Capital: les débats autour de la loi de la valeur”, in Alain BERAUD, Gilbert FACCARELLO (ed.), Nouvelle histoire de la pensée économique, t. 2, La Découverte, 2000.
FAURE Claude, Agriculture et capitalisme, Anthropos, 1978.
FAUSTO Ruy, “Althusserisme et anthropologisme”, L’Homme et la société, juil.-déc. 1976.
FAUSTO Ruy, “Abstraction réelle et contradiction: sur le travail abstrait et la valeur”, Critiques de l’économie politique, janv.-mars 1978.
FAUSTO Ruy, Recherches sur la formation et la portée de la dialectique dans l’oeuvre de Marx, thèse Université Paris I, 1988.
FAUSTO Ruy, Marx: logique et politique, Publisud, 1986.
FAUSTO Ruy, “La dialectique du Capital et ses implications: éthique et marxisme, communication au colloque Marx, Université Paris X, 1997.
FOWLEY Ducan, “The value of money, the value of labor power, and the marxiann transformation problem”, Review of Radical Political Economics, t. 14, n˚ 2, 1982.
GAREGNANI Pierangelo, “La théorie classique de la répartition et le problème de la transformation chez Marx”, in G. DOSTALER (ed), Un échiquier centenaire, La Découverte - PUQ, 1985.
GIANNOTTI José Arthur, Origines de la dialectique du travail, Aubier Montaigne, 1971.
GROSSMAN Henrik, Marx, l’économie classique et le problème de la dynamique, Champ libre, 1975.
GUIBERT Bernard, Genèse et image de la division de la production, thèse Université Paris I, 1977, 2 vol.
GUIBERT Bernard, “Les ravages logiques”, Critiques de l’économie politique n˚ 13, 1980.
GUICHARD Jean-Paul, “L’identité de nature des deux formes de rente différentielle et la difficulté de leur prise en compte dans le modèle néo-ricardien”, in C. BIDARD (ed), La rente, Economica, 1987.
GUICHARD Jean-Paul, “La rente différentielle intensive, expression d’un processus d’intensification des cultures”, in LATAPSES, Etudes d’économie classique et néo-ricardienne, PUF, 1982.
GUIGOU Jean-Louis, La rente foncière, Economica, 1982.
GUTELMAN Michel, Structures et réformes agraires, Maspéro, 1974.
HEGEL Georg W.F., Encyclopédie des sciences philosophiques, I. La science de la logique, Vrin, 1970.
HEGEL Georg W.F., Principes de la philosophie du droit, Vrin, 1975.
HENRY Michel, Marx, Gallimard, 1976, 2 vol.
HILFERDING Rudolf, “Bohm-Bawerk’s criticism of Marx”, in P. SWEEZY (ed), Karl Marx and the close of his system by Eugen von Bohm-Bawerk, et Bohm-Bawerk’s criticism of Marx by Rudolf Hilferding, Augustus Kelley, 1949.
HILFERDING Rudolf, Le capital financier, Editions de Minuit, 1970.
HILFERDING Rudolf, “Monnaie et marchandise”, Cahiers d’économie politique n°13, 1987.
HIMMELWEIT Susan, MOHUN Simon, “La réalité de la valeur” in G. DOSTALER (ed), Un échiquier centenaire, La Découverte - PUQ, 1985.
HOLLOWAY John, PICCIOTO Saul, State and capital: a marxist debate, E. Arnold, 1978.
HOLLOWAY John, PICCIOTO Saul, “Etat et capital: le débat allemand sur la dérivation de l’Etat”, Critiques de l’économie politique n˚ 10, 1980.
HURIOT Jean-Marie, “Rente différentielle et rente absolue. Un réexamen”, in P.H. DERYCKE (ed) La rente fonciere urbaine, Etudes foncières, 1984.
ITOH Makoto, La crise mondiale, EDI, 1987.
JACOT Henri, “Le capital financier comme forme(s) du capital, Issues, 1979, n˚ 3.
JORLAND Gérard, Les paradoxes du capital, Odile Jacob, 1995.
JOSHUA Isaac, La face cachée du Moyen-âge. Les premiers pas du capital, La Brèche, 1988.
KANT Immanuel, Phê phán lý tính thuần túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, nxb Văn học, 2004.
KAUTSKY Karl, La question agraire, Giard et Brière, 1900.
KAUTSKY Karl, Le marxisme et son critique Bernstein, Stock, 1900.
KAY Geoffrey, “Why labor is the starting point of Capital”, in D. ELSON (ed), Value. The representation of labour in capitalism, CSE Books, 1979.
KLIMOVSKY Edith, La rente dans la théorie de la valeur et des prix, thèse Université Paris X, 1981.
KORSCH Karl, Karl Marx, Champ libre, 1971.
KOSIK Karel, La dialectique du concret, Maspéro, 1978.
LAURE Vincent, “A propos de la transformation des valeurs en prix de production”, in C. BIDARD et al., Valeur et prix, PUL, 1982.
LAURE Vincent, “Prix de monopole et sur-profits: l’analyse marxiste”, in C. BIDARD et al., Valeur et prix, PUL, 1982.
LATOUCHE Serge, Le projet marxiste, PUF, 1975.
LAUTIER Bruno, “L’objet du rapport salarial”, communication au colloque Formes de mobilisation salariale et théorie du salariat, Université de Picardie, 1985.
LAUTIER Bruno, TORTAJADA Ramon, “La force de travail comme marchandise particulière”, in ACSES, Sur l’Etat, Contradictions, 1977.
LAUTIER Bruno, TORTAJADA Ramon, Ecole, force de travail et salariat, Maspéro - PUG, 1978.
LAUTIER Bruno, TORTAJADA Ramon, “Monnaie, financement et rapport salarial”, Cahiers d’économie politique n˚ 9, 1984.
LEBAS Christian, “Prix de production individuel et prix de production de marché, Cahiers Analyse, Epistémologie, Histoire, n˚ 6, 1975.
LEBAS Christian, C. MERCIER, “La valeur de marché et la théorie de la valeur, Cahiers Analyse, Epistemologie, Histoire, n˚ 6, 1975.
LEFORT Claude, Les formes de l’histoire, 1978.
LENINE Vladimir Illitch, Oeuvres complètes, t. 38, Editions du Progrès, 1971.
LENINE Vladimir Illitch, Karl Marx et sa doctrine, Editions Sociales, 1953.
LENINE Vladimir Illitch, Programme agraire de la social-démocratie dans la première révolution russe de 1905-1907, Editions du Progrès, 1967.
LENINE Vladimir Illitch, “Nouvelles données sur le développement du capitalisme dans l’agriculture”, in Oeuvres complètes, Editions du Progrès, t. 22.
LEONARD Jean, WEINSTEIN Olivier, “Uniformisation - différentiation des taux de profit: éléments pour une réinterprétation”, Cahiers d’économie politique n˚ 4. 1977.
LINHART Robert, Lénine, les paysans, Taylor, Seuil, 1976.
LIPIETZ Alain, Le tribut foncier urbain, Maspéro, 1974.
LIPIETZ Alain, Le capital et son espace, Maspéro, 1977.
LIPIETZ Alain, “Les mystères de la rente absolue. Commentaires sur les incohérences d’un texte de Sraffa”, Cahiers d’économie politique n˚ 5, 1979.
LIPIETZ Alain, Crise et inflation, pourquoi?, Maspéro, 1979.
LIPIETZ Alain, “Retour au problème de la transformation des valeurs en prix de production”, Cahiers d’économie politique n˚ 7, 1982.
LIPIETZ Alain, Le monde enchanté, La Découverte, 1983.
LIPIETZ Alain, “Le débat sur la valeur: bilan partiel et perspectives partiales”, in B. CHAVANCE (ed), Marx en perspective, EHESS, 1985.
LUXEMBURG Rosa, Introduction à l’économie politique, UGE, 1973.
LUXEMBURG Rosa, L’accumulation du capital, Oeuvres IV, Maspéro, 1972.
MACHEREY Pierre, “A propos du processus d’exposition du Capital”, in L. ALtHUSSER et al., Lire Le Capital, IV, Maspéro, 1973.
MAGALINE A. D., Luttes de classes et dévalorisation du capital, Maspéro, 1975.
MALER Henri, Convoiter l’impossible, Albin Michel, 1995.
MANDEL Ernest, Traité d’économie marxiste, Julliard, 1964.
MANDEL Ernest, Le troisième âge du capitalisme, UGE, 1976, 3 vol.
MAROUANI Abraham, “A propos du chapitre premier du Capital. L’importance décisive de la dialectique”, Cahiers du CERM n˚ 153, 1978.
MARSHALL Alfred, Principes d’économie poltique, Gordon et Breach, 1971.
MARTIN Catherine, “Demande et formation des prix dans le théorie classique: le débat entre Ricardo et Malthus”, Cahiers d’économie politique n˚ 7, 1982.
MASSARAT Mohssen, “Crise de l’énergie ou crise du capitalisme”, n˚ 21, juil.-sept. 1975. Critiques de l’économie politique.
MATHIAS Gilberto, SALAMA Pierre, L’Etat surdéveloppé, La Découverte, 1983.
MATTICK Paul, Marx et Keynes, Gallimard, 1969.
MATTICK Paul, “Henryk Grossmann, théoricien de l’accumulation et de la crise”, in H. GROSSMANN, Marx, l’économie politique classique et le problème de la dynamique, Champ libre, 1975.
MAUCOURANT Jerôme, “Polanyi, lecteur de Marx”, Actuel Marx n˚ 9, 2000.
MAUNOURY Jean-Louis, “Théorie marxiste de la valeur et normes sociales de valorisation”, Cahiers d’économie politique n˚ 9, 1984.
MAURISSON Patrick, “Prix d’offre et égalisation des taux de profit: essai sur la formation des prix chez Marx”, Cahiers d’économie politique n˚ 6, 1981.
MAURISSON Patrick, “Système des prix normaux, rapport salarial et révision des schémas marxistes de la transformation”, in G. DOSTALER (ed), Un échiquier centenaire, La Decouverte - PUQ, 1985.
MEEK Ronald, Studies in the labour theory of value, Laurence and Wishart, 1973.
MESTRE Jean-Etienne, “Terre, rente et difficulté de production”, Cahiers d’economie politique n˚ 5, 1979.
MIAILLE Michel, L’Etat du droit, Maspéro - PUG, 1978.
MOLLARD Amédée, Paysans exploités, PUG 1978.
MORISHIMA Michio, Marx’s economics, Cambridge UP, 1973.
MORISHIMA Michio, CATEPHORES G., Valeur, exploitation et croissance, Economica, 1981.
NAPOLEONI Claudio, “Valeur et exploitation: la théorie économique de Marx et au-delà”, Cahiers d’économie politique n˚ 33, 1998.
NASSISI, Anna-Maria, “Marx et Bortkiewicz sur la rente absolue”, in C. BIDARD, La rente, Economica, 1987.
NETTER Maurice, “Critiques de quelques thèses relatives aux concepts économiques de Karl Marx”, in BOUREILLE et al., Réexamen de la théorie du salariat, PUL, 1981.
NETTER Maurice, “Valeurs, prix et secteurs de péréquation des taux de profit”, in C. BIDARD et al., Valeur et prix, PUL, 1982.
NIKITINE P., Principes d’économie politique, Editions du Progrès, 1966
O.C.B., L’étude du Capital, O.C.B., 1979.
ORLEAN André, “L’origine de la monnaie”, Revue du MAUS n˚ 14, 1991.
ORLEAN André, “Réflexion sur la notion de légitimité monétaire, l’apport de Simmel”, in J.M. BALDER, L. GILLARD (ed), Simmel et les normes sociales, L’Harmattan, 1996.
PALLOIX Christian, “Le procès de travail: du fordisme au néo-fordisme”, La Pensée n˚ 185, fev. 1976.
PALLOIX Christian, Procès de production et crise du capitalisme, Maspéro - PUG, 1977.
PALLOIX Christian, De la socialisation, Maspéro, 1981.
PARETO Vilfredo, Les systèmes socialistes, Giard et Brière, vol. 2, 1903.
PASUKANIS Evgeny, La théorie générale du droit et le marxisme, EDI, 1970.
PEREZ Manuel, “Valeur et prix: un essai de critique des propositions néo-ricardiennes”, Critiques de l’économie politique, janv.-mars 1980.
POLANYI Karl, La grande transformation, Gallimard, 1983.
POLANYI Karl, “Marx on corporativism”, Archiv Karl Polanyi 1934-1946, box 6, Institut Karl Polanyi d’économie politique.
POSTEL-VINAY Gilles, La rente foncière dans la capitalisme agricole, Maspéro, 1974.
POTIER Jean-Pierre, Lectures italiennes de Marx, PUL, 1986.
POUCH Thierry, Les économistes francais et le marxisme. Apogée et déclin d’un discours critique (1950-2000), PUR, 2001.
RANCIERE Jacques, “Le concept de crititique et la critique de l’économie politique des Manuscrits de 1844 au Capital”, in L. ALTHUSSER et al., Lire Le Capital, III, Maspéro, 1973.
REBOUL Claude, “Déterminants sociaux de la fertilité des sols”, Actes de la recherche en sciences sociales n˚ 17-18, nov. 1977.
REGNAULT Henri, La contradiction foncière, thèse Université Paris IX, 1975.
REGNAULT Henri, “Rente foncière et transformation des valeurs en prix”, in P. H. DERYCKE (ed), La rente foncière urbaine, Etudes foncières, 1984.
RENAULT Emmanuel, “Marx et les critiques de l’économie politique”, Marx Actuel n˚ 27, 2000.
REY Pierre-Philippe, Les alliances de classes, Maspéro, 1973.
REY Pierre-Philippe, “Quelques remarques sur l’article de P. Bonte”, La Pensée n˚ 171, oct. 1973.
REY Pierre-Philippe, Colonialisme, néo-colonialisme et transition au capitalisme, Maspéro, 1971.
REY Pierre-Philippe, Le capitalisme négrier, Maspero, 1976.
RICARDO David, Principes de l’économie politique et de l’impôt, Flammarion, 1992.
RICARDO David, “Valeur absolue et valeur d’échange”, Cahiers d’économie politique n˚ 2, 1975.
ROBINSON Joan, Essai sur l’économie de Marx, Dunod, 1971.
ROBINSON Joan, “Un réexamen de la théorie de la valeur”, in G. FACCARELLO, P. LAVERGNE (ed), Une nouvelle approche en économie politique? Essai sur Sraffa, Economica, 1977.
ROBINSON Joan, EATWELL John, L’économique moderne, Ediscience - McGraw Hill, 1976.
RONCAGLIA Alessandro, “Production des marchandises par des marchandises, critique et dépassement de la méthode marginaliste”, in G. FACCARELLO, P. LAVERGNE (ed), Une nouvelle approche en économie politique? Essai sur Sraffa, Economica, 1977.
ROLAND Gérard, La valeur d’usage chez Karl Marx, Editions Université de Bruxelles, 1985.
ROSANVALLON Pierre, Le capitalisme utopique, Seuil, 1979.
ROSDOLSKY Roman, La genèse du Capital chez Karl Marx, Maspéro 1976.
ROSENBERG D.I., Giới thiệu quyển I Tư bản của Các Mác, Sự Thật, 1969.
ROSENBERG D.I., Giới thiệu quyển III Tư bản của Các Mác, Sự Thật, 1972.
ROUBINE Isaak, Essais sur la théorie de la valeur, Maspéro, 1978
RUBIN Isaac, “Abstract labour and value in Marx’s system”, Capital and Class n˚ 5, 1978.
SAGNOL Marc, “Des Grundrisse au Capital. Sur la modification du plan du Capital, La Pensée n˚ 228, juil.-aout 1982.
SALAMA Pierre, Sur la valeur, Maspéro, 1975.
SALAMA Pierre, “A nouveau sur la transformation des valeurs en prix de production”, Cahiers d’économie politique n˚ 3, 1976.
SALAMA Pierre, “Valeur, prix de production: une approche différente”, in G. DOSTALER, Un échiquier centenaire, La Découverte - PUQ, 1985.
SALAMA Pierre, “Etat et capital. L’Etat capitaliste comme abstraction réelle”, Critique de l’économie politique n° 7-8, 1979.
SALAMA Pierre, VALIER Jacques, Une introduction à l’économie politique, Maspéro, 1973.
SALAMA Pierre, TRAN Hai Hac, Introduction à l’économie de Marx, La Découverte, 1992.
SAMUELSON Paul, “The ‘transformation’ from marxian ‘values’ to ‘competitive prices’: a process of rejection and replacement”, Proceeding of National Academy of Sciences, LXVII, 1970.
SAMUELSON Paul, Economics: winds of change, McGraw-Hill, 1973.
SAMUELSON Paul, “Reply on marxian matters”, Journal of Economic Literature, 1973.
SCHUMPETER Joseph, Histoire de l’analyse économique, Gallimard, 1983, vol. 2.
SCIALOM Laurence, “Evaluation, échange versus paiement, un commentaire”, in J. M. BALDER, L. GILLARD, Simmel et les normes sociales, L’Harmattan, 1996.
SCOTT Allen, “Land use and commodity production”, Regional Science and Urban Economics, 1976, vol. 6, in J. L. GUIGOU, La rente fonciere, Economica, 1982.
SERVOLIN Claude, “L’absoption de l’agriculture dans le mode de production capitaliste”, in Y. TAVERNIER, M. GERVAIS, C. SERVOLIN (ed), L’univers politique des paysans dans la France contemporaine, A. Colin, 1972.
SEVE Lucien, Structuralisme et dialectique, Editions Sociales, 1984.
SEVE Lucien, Une introduction à la philosophie marxiste, Editions Sociales, 1980.
SIFI, “Internationalisation du capital et processus productif: une approche critique”, Cahiers d’économie politique n˚ 1, 1974.
SIMMEL Georg, Philosophie de l’argent, PUF, 1987.
SRAFFA Piero, Production de marchandises par des marchandises, Dunod, 1977.
STEEDMAN Ian, “Heterogeneous labor, money wages and Marx’s theory”, in B. CHAVANCE, Marx en perspective, EHESS, 1985.
STEEDMAN Ian, “Ricardo, Marx et Sraffa”, in G. DOSTALER, Un échiquier centenaire, La Découverte - PUQ, 1985.
SWEEZY Paul, The theory of capitalist development, Modern Reader, 1968.
SWEEZY Paul, Le capitalisme moderne, Seuil, 1976.
TAKENAGA Susumu, Valeur, formes de la valeur et étapes dans la pensée de Marx, Peter Lang, 1985.
TERRAIL Jean-Pierre, “Fétichisme de la marchandise et idéalisme des besoins”, in J. DECAILLOT et al., Besoins et mode de production, Editions Sociales, 1976.
TERRAIL Jean-Pierre, “La logique du technologique”, La Pensée n˚ 197, fev. 1978.
TEXIER Jean, “Sur la détermination en dernière instance”, in CERM, Sur la dialectique, Editions Sociales, 1977.
THERET Bruno, “Rapports de production et forces productives. La nécessité d’un retour a Marx”, Critiques de l’économie politique n˚ 1, oct.-dec. 1977.
THERET Bruno, Régimes économiques de l’ordre politique, PUF, 1992.
THERET Bruno, WIEVIORKA Michel, Critique de la théorie du capitalisme monopoliste d’Etat, Maspéro, 1978.
TOMBAZOS Stavos, Le temps dans l’analyse économique. Les catégories du temps dans Le Capital, Editions Société des saisons, 1994.
TOPALOV Christian, Le profit, la rente et la ville, Economica, 1984.
TORTAJADA Ramon, “Marchandise, valeur et force de travail”, in BOUREILLE et al., Réexamen de la théorie du salariat, PUL, 1981.
TRẦN HẢI HẠC, “Etat et capital dans l’exposé du Capital”, in Antoine Artous, Tran Hai Hac, Jose Luis Solis Gonzalez, Pierre Salama, Nature et forme de l’Etat capitaliste, Editions Syllepse et M. Editeur, 2015. Bản tiếng Việt: Nhà nước và tư bản trong trình bày của bộ Tư bản, www.phantichkinhte123.com.
TRẦN HẢI HẠC, “Introduction de 1857, travail abstrait et ‘travail en général’”, Variations, Printemps 2005.
TRONTI Mario, Ouvriers et capital, Christian Bourgois, 1977.
TUTIN Christian, Rente foncière, valeur et formation des espaces urbains, thèse Université Paris I, 1978.
TUTIN Christian, “Rente foncière et gravitation des prix agricoles”, in C. BIDARD (ed), La gravitation, Cahiers de la RCP Systèmes de prix de production n˚ 2-3, Université Paris X, 1984.
TUTIN Christian, “Rente foncière et aménagement spatial: les théories de la rente ont-elles un objet?’, P. H. DERYCKE, La rente foncière urbaine, Etudes foncières, 1984.
TUTIN Christian, “Propriété des villes et propriété des champs”, in J. L. GUIGOU (ed), La propriété foncière, Economica, 1984.
VADEE Michel, Marx, penseur du possible, Méridien - Klincksieck, 1992.
VALIER Jacques, Le parti communiste francais et le capitalisme monopoliste d’Etat, Maspéro, 1976.
VILLE Philippe, VROEY Michel de, “Salaire et marché du travail chez Marx et Keynes: orthodoxie ou hétérodoxie?”, Cahiers d’économie politique n˚ 10-11, 1985.
VINCENT Jean-Marie, “La domination du travail abstrait”, Critiques de l’économie politique n˚ 1, oct.-déc. 1977.
VINCENT Jean-Marie, Critique du travail, PUF, 1987.
VINCENT Jean-Marie, Un autre Marx. Après les marxismes, Page Deux, 2001.
VINCQ Jean-Louis, “Valeur, rente et accentuation des rapports marchands en agriculture”, Cahiers d’economie politique n˚ 4, 1977.
VOLKOV M. (ed), Dictionnaire d’économie politique, Editions du Progrès, 1983.
VROEY Michel de, “Marchandise, société marchande, société capitaliste. Un réexamen de quelques définitions”, Cahiers d’économie politique n° 9, 1984.
VROEY Michel de, “La théorie marxiste de la valeur, version travail abstrait. Un bilan critique”, in G. DOSTALER, Un échiquier centenaire. Théorie de la valeur et formation des prix, La Découverte - PUQ,1985.
VROEY Michel de, “La théorie du salaire de Marx. Une critique hétérodoxe”, Revue économique n˚ 3, mai 1985.
WEINSTEIN Olivier, “Egalisation des taux de profit et mobilité du capital”, Cahiers d’économie politique n˚ 2, 1975.
WICKSELL K., Lectures on political economy, Roudledge and Kegan, 1934.
WICKSTEED Philip, “Das Kapital: a criticism”, in The common sense of political economy, A.M. Kelley, 1950.
WYGODSKY W.S., Vị trí cuốn ‘Các học thuyết về giá trị thặng dư’ trong di cảo kinh tế của Các Mác, nxb Khoa học xã hội, 1971.
YAFFE David, “Valeur et prix dans Le Capital de Marx”, Critiques de l’économie politique n˚ 20, avril-juin 1975.
* * *
MỤC LỤC
Tập I
LỜI NÓI ĐẦU
LỜI DẪN NHẬP
Phần thứ nhất: HÀNG HÓA NHƯ LÀ HÌNH THÁI CỦA SẢN PHẨM LAO ĐỘNG
Tiêu đề I: VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA GIÁ TRỊ VÀ KHÁI NIỆM VỀ LAO ĐỘNG TRỪU TƯỢNG
Chương 1: LAO ĐỘNG TRỪU TƯỢNG - CỤ THỂ
Tiết 11: Lao động trừu tượng và lao động cụ thể, lao động xã hội và lao động tư nhân
§ 111: Tính đối lập giữa lao động tư nhân và lao động xã hội
§ 112: Tính che phủ lao động tư nhân - lao động cụ thể, lao động xã hội - lao động trừu tượng
§ 113: Tính xã hội và sự xã hội hoá các cá nhân tư
Tiết 12: Lao động trừu tượng – cụ thể, lao động sinh lý và lao động có ích
§ 121: Định nghĩa vật chất - kỹ thuật về lao động cụ thể
§ 122: Định nghĩa thực định về lao động trừu tượng
Tiết 13: Lao động trừu tượng, lao động nói chung và sự trừu tượng hóa hiện thực
§ 131: Lao động trừu tượng như là sự thật thực tiễn
§ 132: Lao động trừu tượng như là lao động tha hóa
§ 133: Lao động trừu tượng như là phổ quát cụ thể
Tiết 14: Lao động trừu tượng, lao động xã hội và lao động ngang bằng
§ 141: Lao động trừu tượng như là phạm trù lô-gíc
§ 142: Lao động trừu tượng như là phạm trù siêu hình
§ 143: Bàn về Chương 1, Quyển I bộ Tư bản
Chương 2: HÌNH THÁI GIÁ TRỊ CỦA SẢN PHẨM LAO ĐỘNG
Tiết 21: Tính khách thể xã hội và hình thái vật chất của giá trị
§ 211: Giá trị như hình thái vật hóa của xã hội
§ 212: Giá trị như hình thái xã hội của một vật
§ 213: Tính khách thể và tính vật chất
Tiết 22: Giá trị và giá trị sử dụng
§ 221: Sự phân biệt giữa tính hữu dụng và giá trị hữu dụng
§ 222: Sự thống nhất của giá trị và giá trị hữu dụng
Tiêu đề II: VẤN ĐỀ BIỂU HIỆN CỦA GIÁ TRỊ VÀ KHÁI NIỆM VỀ TIỀN TỆ
Chương 3: TÍNH ĐỐI CỰC TIỀN TỆ – HÀNG HÓA
Tiết 31: Lao động trừu tượng và/hay tiền tệ
§ 311: Hình thái của giá trị và tính đối cực hình thái tương đối – hình thái vật ngang giá
§ 312: Hình thái giá cả và tính đối cực hàng hóa – tiền tệ
§ 313: Các hình thái của tiền tệ và tính đối cực tín dụng – tiền tệ
§ 314: Tiền tệ hay mặt đối lập của hàng hóa
§ 315: Tính hai mặt của tiền tệ
Tiết 32: Giá trị và/hay giá trị trao đổi
§ 321: Từ Góp phần phê phán kinh tế chính trị học đến Tư bản
§ 322: Giá trị tuyệt đối và giá trị tương đối
§ 323: “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” đối chiếu với “20 m vải = 1 cái áo”
Tiết 33: Giá trị và/hay giá cả
§ 331: Thước đo nội tại và thước đo bề ngoài của giá trị
§ 332: Sự chuyển hóa giá trị thành giá cả
Chương 4: SỰ SÙNG BÁI HÌNH THÁI GIÁ TRỊ
Tiết 41: Hình thái khách thể và hình thái chủ thể
§ 411: Hình thái khách thể và sùng bái
§ 412: Hình thái hàng hóa của tính cá thể
§ 413: Sùng bái và tha hóa
Tiết 42: Bàn về Phần 1, Quyển I bộ Tư bản
Phần thứ hai: HÀNG HÓA VỚI TÍNH CÁCH LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯ BẢN
Tiêu đề I: VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ VÀ KHÁI NIỆM VỀ SỨC LAO ĐỘNG
Chương 5: TƯ BẢN NHƯ QUAN HỆ HÀNG HÓA VỀ BÓC LỘT
Tiết 51: Sự phân chia thế giới hàng hóa giữa sản phẩm của tư bản và sức lao động
§ 511: Giá trị như là quan hệ bó buộc lao động thặng dư
§ 512: Sức lao động như là hàng hóa ảo
Tiết 52: Quan hệ trao đổi như là hình thái quan hệ giai cấp
§ 521: Quan hệ hàng hóa và quan hệ tư bản chủ nghĩa
§ 522: Hình thái giá trị và nội hàm giai cấp
Chương 6: TƯ BẢN NHƯ LÀ QUAN HỆ SẢN XUẤT VÀ SỨC SẢN XUẤT
Tiết 61: Sự vật thể hóa tư bản trong sức sản xuất
§ 611: Thâu gồm hình thức và bó buộc tiền tệ về lao động thặng dư
§ 612: Thâu gồm hiện thực và bó buộc kỹ thuật về lao động thặng dư
Tiết 62: Tính hai mặt của sức sản xuất do tư bản phát triển
§ 621: Phủ định tư bản như là xu thế của tư bản
§ 622: Tính đối kháng và phi đối kháng của mâu thuẫn tư bản
§ 623: Sức lao động, khái niệm đặc thù của người lao động tự do
CHÚ THÍCH
Tập II
Tiêu đề II: VẤN ĐỀ BIỂU HIỆN CỦA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ VÀ KHÁI NIỆM VỀ TỶ SUẤT LỢI NHUẬN CHUNG
Chương 7: PHÉP CHUYỂN HÓA NHƯ LÀ BƯỚC CHUYỂN PHÂN TÍCH TƯ BẢN TỪ CẤP ĐỘ TRỪU TƯỢNG HÓA NÀY SANG CẤP ĐỘ KHÁC
Tiết 71: Quan hệ giai cấp và quan hệ liên tư bản
§ 711: Sản xuất hàng hóa đơn giản và sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa
§ 712: Tư bản nói chung và tư bản số nhiều
Tiết 72: Tỷ suất lợi nhuận chung và tỷ suất lợi nhuận bình quân
§ 721: Tỷ suất lợi nhuận bình quân như là bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận theo giá trị thị trường
§ 722: Tỷ suất lợi nhuận bình quân như là bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận theo giá cả thị trường
§ 723: Cương vị kép của tỷ suất lợi nhuận chung: hình thái chuyển hóa của tỷ suất giá trị thặng dư và tỷ suất lợi nhuận bình quân
Chương 8: PHÉP CHUYỂN HÓA NHƯ BƯỚC PHÁT TRIỂN HÌNH THỨC CỦA GIÁ TRỊ SANG CẤP ĐỘ TƯ BẢN SỐ NHIỀU
Tiết 81: Tỷ suất lợi nhuận chung và tỷ suất lợi nhuận không ngang bằng
§ 811: Tỷ suất lợi nhuận chung và những hình thái cạnh tranh
§ 812: Tỷ suất lợi nhuận chung và phân khúc tư bản
Tiết 82: Giá cả sản xuất và quy luật giá trị
§ 821: Phép chuyển hóa và bóc lột
§ 822: Hai đẳng thức của phép chuyển hóa
§ 823: Giá cả sản xuất và lao động xã hội cần thiết
Phần thư ba: HÀNG HÓA VỚI TÍNH CÁCH LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯ BẢN CÁ BIỆT
Tiêu đề I: VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA LỢI NHUẬN SIÊU NGẠCH
Chương 9: SIÊU LỢI NHUẬN NỘI NGÀNH VÀ LIÊN NGÀNH
Tiết 91: Giá cả sản xuất chung, giá cả sản xuất cá biệt và siêu lợi nhuận cá biệt
§ 911: Giá cả sản xuất và giá cả thị trường
§ 912: Giá cả sản xuất chung và giá cả sản xuất cá biệt
§ 913: Giá cả sản xuất chung và giá trị thị trường
Tiết 92: Giá cả sản xuất chung, giá cả thị trường và siêu lợi nhuận thị trường
§ 921: Tính chất của lao động xã hội cần thiết
§ 922: Giá cả thị trường xoay quanh giá cả sản xuất
§ 923: Tỷ suất lợi nhuận chung, siêu lợi nhuận thị trường và siêu lợi nhuận cá biệt
Tiêu đề II: VẤN ĐỀ CHUYỂN ĐỔI LỢI NHUẬN SIÊU NGẠCH THÀNH ĐỊA TÔ
Chương 10: ĐỊA TÔ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA
Tiết 101: Sở hữu đất đai và tư bản
§1011: Sở hữu đất đai như là quan hệ phân phối tư bản chủ nghĩa
§ 1012: Sự thâu gồm sở hữu đất đai vào tư bản
§ 1013: Địa tô tuyệt đối, sở hữu ruộng đất và giai cấp xã hội
Tiết 102: Vấn đề ruộng đất và quy luật giá trị
§ 1021: Địa tô tư bản chủ nghĩa và khớp nối các phương thức sản xuất
§ 1022: Sự thâu gồm lao động vào tư bản trong nông nghiệp và sự bóc lột lao động nông dân
§ 1023: Đối tượng của Phần 6 Quyển III Tư bản
Chương 11: KHÁI NIỆM VỀ ĐỊA TÔ CHÊNH LỆCH
Tiết 111: Lĩnh vực nông nghiệp và sự xác định giá cả sản xuất
§ 1111: Khả năng về lợi nhuận dưới chuẩn bình quân trong nông nghiệp
§ 1112: Khả năng về địa tô chênh lệch âm
Tiết 112: Đất nông nghiệp và tính màu mỡ
§ 1121: Tính màu mỡ gọi là tự nhiên và màu mỡ kinh tế
§ 1122: Tính màu mỡ gọi là tự nhiên và màu mỡ nhân tạo
§ 1123: Ruộng đất như là hàng hóa ảo và sự chuyển đổi siêu lợi nhuân cá biệt thành địa tô chênh lệch
Chương 12: KHÁI NIỆM VỀ ĐỊA TÔ TUYỆT ĐỐI
Tiết 121: Giải pháp lý luận năm 1862
§ 1211: Địa tô trên khoảng đất tồi nhất
§ 1212: Cấu thành hữu cơ của tư bản nông nghiệp và sở hữu ruộng đất
§ 1213: Địa tô tuyệt đối như khoản dư của giá trị trao đổi trên giá cả sản xuất
§ 1214: Tình trạng thị trường và sự hiện thực hóa địa tô
Tiết 122: Đặt lại vấn đề địa tô tuyệt đối
§ 1221: Khoản trừ trên giá trị trao đổi hay khoản dư trên giá cả sản xuất
§ 1222: Địa tô tuyệt đối hay địa tô độc quyền
§ 1223: Địa tô nội sinh hay địa tô ngoại sinh
§ 1224: Tính chất của địa tô tuyệt đối và phương thức xác định nó
LỜI KẾT
CHÚ THÍCH
THƯ MỤC
MỤC LỤC
Nguồn: Tác giả - dịch giả Trần Hải Hạc gởi trực tiếp cho PTKT.
Chú thích: LƯU Ý CỦA TÁC GIẢ - DỊCH GIẢ [1]
Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 74]. [2]
Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 15]. [3]
Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 53]. [4]
Hệ tư tưởng Đức [1846, ấn bản tiếng Pháp sau cùng năm 2014 của nxb Editions Sociales, tr. 195, 197]. Trong các ấn bản trước của nhà xuất bản này, “subsumtion” còn được chuyển ngữ tiếng Pháp là “subordination” (sự phụ thuộc) [ấn bản 1967, tr. 62]. [5]
Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 571]. Chương VI. Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, ấn bản tiếng Pháp sau cùng năm 2010 của nxb Editions Sociales, tr. 30]. Trong ấn bản trước đó của nxb UGE, “subsumtion” còn được chuyển ngữ tiếng Pháp là “soumission” (sự phục tùng) [ấn bản 1971, tr. 191]. [6]
Tư bản, Quyển 1, bản 1875 [1875, t.1, tr. 62]. [7]
Chương 1 của bộ Tư bản, bản 1867 [1867/1890a, tr. 53, bản in 1977 nxb Cerf]. Tư bản, Quyển 1, bản 1890 [1890, tr. 54, bản in 1983 nxb Editions Sociales]. [8]
Tư bản, Quyển 1, bản 1890 [1890, tr. xii và 51, bản in 2016 nxb Editions Sociales]. Tiêu đề II: VẤN ĐỀ BIỂU HIỆN CỦA GIÁ TRỊ VÀ KHÁI NIỆM VỀ TIỀN TỆ [1] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 83]. [2] Chúng
tôi phân biệt ở đây vấn đề “tồn tại” (existence) của giá trị với vấn đề “biểu
hiện” (expression) của giá trị hay “phương thức tồn tại” (mode d’existence) của
nó, “hình thái hiện tượng” (forme phénoménale) của nó. Nói cách khác, phạm trù tồn
tại sử dụng ở đây không phải là phạm trù “tồn tại” (existence) của Hegel dùng để
chỉ “hiện tượng” (phénomène) đối lập với “bản chất” (essence). [3] Chính
là đề nhấn mạnh sự phân biệt giữa câu hỏi về sự tồn tại của giá trị và câu hỏi
về sự biểu hiện của nó, cho nên để chỉ sự biểu hiện của giá trị, chúng tôi
không dùng từ ngữ “hình thái-giá trị” (forme-valeur) mà bản tiếng Pháp của Quyển
I Tư bản xuất bản lần thứ tư đề xuất [1890,
tr. 53]. Chúng tôi giữ lại từ ngữ “hình thái của giá trị” (forme de la valeur)
của phiên bản Pháp ngữ do Marx hiệu đính [1875, 1, tr. 62]. [4] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 85]. [5] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 83]. [6] Ghi chú
bên lề sách Bàn về chính trị kinh tế học của Adolph Wagner [1879-1880, tr. 477]. [7] Ghi chú
bên lề sách Bàn về chính trị kinh tế học của Adolph Wagner [1879-1880, tr. 462]. [8] Các học
thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863,
t. 2, tr. 629]. Chương 3: TÍNH ĐỐI CỰC TIỀN TỆ – HÀNG HÓA [9] Tư bản, Quyển
I, bản 1890 [1890, tr. 69]; bản 1875 [1875, t. 1, tr. 74]. [10] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 59]. [11] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858,
t. 2, tr. 284-285]. [12] Ghi chú
bên lề sách Bàn về chính trị kinh tế học của Adolph Wagner [1879-1880, tr. 471]. [13] Các học
thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863,
t. 3, tr. 154]. Chúng tôi chỉnh sửa từ “giá trị trao đổi” thành “giá trị”.
Xem phía sau Tiết 32. [14] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 121]. [15] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 115]. [16] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 17] (chúng tôi chỉnh sửa từ “giá trị trao đổi” thành “giá trị”). [17] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 70]. [18] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 70]. [19] Tư bản, Quyển
I, bản 1890 [1890, tr. 64 và 67]. [20] Jean-Pierre Terrail, “Fétichisme et idéalisme
des besoins”, trong Jean Decaillot et al., Besoins
et mode de production, nxb Editions Sociales 1977, tr. 25-67. [21] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 57]. [22] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 59]. [23] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 63]. [24] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 57]. [25] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 59]. [26] Chương 1, Tư bản, bản 1890
[1867/1890a, tr. 204]. [27] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 65]. [28] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858,
t. 1, tr. 126 và 128] (chúng tôi chỉnh sửa từ “giá trị trao đổi” thành “giá trị”). [29] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 159]. [30] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 98]. [31] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 85]. [32] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 28-29]. [33] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 64]. [34] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858,
t. 1, tr. 125]. [35] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858,
t. 1, tr. 132]. [36] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 98]. [37] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 57]. [38] Trong một đoạn văn đối chiếu hình thái
đơn giản hay ngẫu nhiên của giá trị với tương quan đổi
chác, Quyển I Tư bản xuất bản lần đầu
tiên viết: tương quan đổi chác giả định sự trùng hợp của hai biểu biểu hiện của
giá trị (20 m vải = 1 cái áo và quan hệ ngược lại)
“tuy là hai quan hệ có tính đồng thời nhưng lại tách biệt”, bởi “trong biểu hiện
của giá trị, một hàng hóa không bao giờ mang cả hai hình thái [hình thái tương
đối và hình thái vật ngang giá], ngay cả trong trương hợp này” (Chương 1, Tư bản, bản
1867 [1867/1890a, tr. 117]). [39] Văn bản đặt ra nhiều vấn đề diễn giải nhất
là đoạn văn sau cùng trong trình bày Hình thái II và giải thích “sự đảo ngược”
Hình thái II thành Hình thái III. Ngưới ta đọc rằng: “Nếu người có vải đem đổi
vải lấy nhiều thứ hàng hóa khác và do đó biểu hiện giá trị của vải bằng một loạt
nhiều thứ như vậy, thì những người có các hàng hóa khác phải đổi các hàng hóa
đó với vải và biểu hiện giá trị của các hàng hóa của mình bằng một hàng hóa độc
nhất là vải. Như vậy, nếu ta đảo ngược thứ tự cái chuỗi 20 m vải = 1 cái áo,
hay = 10 livre chè, hay = v.v…, nghĩa là nếu ta biểu hiện cái ngược lại vốn nằm
sẵn trong đó, thì ta sẽ có: hình thái chung của giá trị” (Tư bản, Quyển I, bản 1875
[1875, t. 1, tr. 77]. Trong đoạn văn này, kết hợp quan hệ biểu
hiện của giá trị với quan hệ trao đổi các hàng hóa, Marx dường như lý giải Hình
thái III bằng phép đảo ngược Hình thái II mà cơ sở là sự trao đổi trực tiếp của
các hàng hóa với nhau. Nhưng nếu quả như vậy thì vấn đề hình thái của giá trị bị
thủ tiêu, như Susumu Takenaga có nhận xét [Valeur,
forme de la valeur et étapes de la pensée de Marx, nxb Peter Lang 1985, tr.
151]. Thật ra, như chúng ta sẽ thấy ở phía sau, quan điểm của Marx là không thể
đơn giản thiết kế Hình thái III bằng phép đảo ngược Hình thái II. [40] Đó là trường hợp của Lenin [Karl Marx et sa doctrine, nxb Editions
Sociales 1953, tr. 20-21]. [41] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 78]. Marx đã ghép những “chỉ dẫn nhỏ” ấy trong
lần xuất bản thứ hai Quyển I Tư bản
nhằm cũng cố phân tích có tính khái niệm của mình với những nhận định mang tính
lịch sử, có lẽ là theo gợi ý của Engels (Thư Engels gửi Marx ngày 16.6 1867 [1845-1895: Những
lá thư viết về bộ Tư bản, tr. 160]). Thật ra, như Jacques Bidet nhấn mạnh
[Que faire du Capital?, nxb
Klincksieck 1985, tr. 201], hai chỉ dẫn nhỏ nói trên là những vật thể xa lạ
trong một ngữ cảnh cơ bản có tính khái niệm. [42] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 97-98]. [43] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 99]. [44] S. Takenaga, sđd, tr. 187-188. [45] Trên điểm này, cách đọc của chúng tôi
khác với diễn giải của Takenaga, theo đó quá trình phát triển lô-gích các hình
thái của giá trị chỉ gồm có những Hình thái I-II-III, trong khi Hình thái IV
“không có cùng tính chất”: bởi nó là một sự phát triển mang tính thuần lịch sử
không thuộc phân tích các hình thái của giá trị ở Chương 1 Tư bản, mà thuộc quá trình phát sinh của tiền tệ về mặt lịch sử ở
Chương 2 (S. Takenaga, sđd, tr. 173). Trong cách đọc của chúng tôi, Hình thái
IV vẫn thuộc quá trình phát sinh của tiền tệ về mặt lý luận của Chương 1: nó
tương ứng với sự việc xác lập vật ngang giá chung trong một “hàng hóa tiền tệ”
được xã hội công nhận (Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 82]), tức
là được nhà nước chứng nhận và được các tác nhân tư chấp nhận (do đó bao hàm những
hình thái thể chế và hình thái quy ước - xem phía sau mục § 315).
Vả lại, trong những nhận định về “quá trình phát triển lịch sử của trao đổi” ở
Chương 2, Marx chỉ nếu một vài hình thái tiền tệ được sử dụng trong những xã hội
tiền tư bản chủ nghĩa: đó không phải là quá trình phát sinh của tiền tệ về mặt
lịch sử mà việc trình bày, theo Marx, sẽ vượt quá lĩnh trường lý luận của Tư bản. [46] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 204]. Xem thêm tr. 115. [47] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 100]. Xem thêm Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 115-116]. [48] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 97]. [49] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 117]. [50] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 55]. [51] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 129-131 và 135]. [52] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 151]. [53] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 157]. [54] Chương 1, Tư bản, bản 1867 [1867/1890a,
tr. 100]. [55] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 109]. [56] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 75]. [57] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 149]. [58] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 104-105]. Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 155]. [59] “Sự phát triển của tiền tệ với tư cách
là phương tiện thanh toán chung đi đôi với sự phát triển của lưu thông ở một mức
cao hơn, thực hiện qua những trung gian và cấu thành một hệ thống đặt dưới sự
kiểm soát của xã hội” (Góp phần
phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 184]). “Ngân hàng
trung ương là mấu chốt của hệ thống tín dụng” (Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 2,
tr. 232]). [60] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 115]. [61] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 122]. “Chừng nào tính chất xã hội của lao động
còn thể hiện ra như là sự tồn tại dưới hình thái tiền tệ của hàng hóa, và do đó
như là một vật tồn tại ở bên ngoài của sản xuất thực tế, chừng đó không thể
tránh được những cuộc khủng hoảng tiền tệ” (Tư bản,
Quyển III [1864-1865,
t. 2, tr. 177]). [62] Suzanne de Brunhoff, Etat et capital, nxb Maspéro-PUG, 1976,
tr. 109. [63] “Trong thời kỳ khủng hoảng, lúc tín dụng
bị thu hẹp lại hoặc hoàn toàn không còn nữa, tiền tệ đột nhiên đối diện một
cách tuyệt đối với tất cả hàng hóa với tư cách là phương tiện thanh toán độc nhất
và là phương thức tồn tại thật sự của giá trị. Do đó các hàng hóa nói chung đều
bị giảm giá, đều khó khăn chuyển đổi thành tiền tệ, thậm chí không sao chuyển đổi
thành tiền được”. Tuy nhiên - Marx nhận xét -, “làm cho tiền tín dụng giảm mất
giá trị (chứ chưa nói đến việc làm cho tiền tín dụng bị mất hết thuộc
tính tiền tệ của nó - một điều thuần túy tưởng tượng) sẽ làm lung lay tất cả
các quan hệ hiện có. Cho nên người ta đã hy sinh giá trị hàng hóa để bảo đảm sự
tồn tại huyền thuyết và độc lập của giá trị mà tiền tệ là hiện thân” (Tư bản,
Quyển III [1864-1865,
t. 2, tr. 177]). [64] Trước câu hỏi “nền sản xuất tư bản chủ
nghĩa có thể tồn tại hay không, trong kích thước hiện tại của nó, nếu không có
hệ thống tín dụng?” - Marx trả lời dứt khoát: “Tất nhiên là không! Nó sẽ vấp phải
ngay vào những giới hạn của sản xuất kim loại” (Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 1, tr. 321]). [65] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 2,
tr. 234]. [66] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 2,
tr. 151-152]. [67] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 2,
tr. 252]. [68] S. de Brunhoff, Les rapports d’argent, Maspéro-PUG, 1979, tr. 111-113. [69] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 182]. [70] Michel Aglietta, André Orléan, La violence de la monnaie, nxb PUF,
1982, tr. 46. [71] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 2,
tr. 233]. [72] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 184]. Và Marx
nhấn mạnh rằng “sự phát triển của tiền tệ với tư cách là phương tiện thanh toán
bao hàm mâu thuẫn ấy: giá trị trao đổi đã mang những hình thái độc lập với
phương thức tồn tại của nó như là tiền tệ, nhưng mặt khác phương thức tồn tại
này được thiết định là cuối cùng và duy nhất thích ứng”. [73] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 138]. [74] Carlo Benetti,
Jean Cartelier, Marchands, salariat et capitalistes, nxb Maspéro-PUG,
1980, tr. 153. [75] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 89]. [76] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 97]. [77] C. Benetti,
J. Cartelier, sđd, tr. 153. [78] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 80]. Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 163]. [79] Tất nhiên, như Marx viết, người ta vẫn
có thể tưởng tượng rằng tất cả mọi hàng hóa đều có tính năng trao đổi trực tiếp,
“cũng như người ta có thể hình dung rằng tất cả mọi người công giáo đều có thể
được đưa lên làm giáo hoàng cùng lúc” (Tư
bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t.
1, tr. 81]). [80] Có thể nhân xét thêm rằng, trong văn bản
Chương 1 Tư bản xuất bản lần thứ nhất
- mà Benetti và Cartelier trích dẫn -, phép đảo ngược Hình thái II không mang
ký hiệu Hình thái III và được ký hiệu là Hình thái IV, là trạng thái trong đó
“mọi hàng hóa đều loại trừ các hàng hóa khác ra khỏi hình thái vật ngang giá
chung”, tức là sự biểu hiện của giá trị không thể có được ở đây (Chương 1, Tư bản, bản
1867 [1867/1890a, tr. 87-89]). [81] Vấn đề đối với Marx - như chúng ta sẽ thấy
trong mục § 321 sau đây - là hiệu chỉnh phép trình bày tiền tệ của Góp phần phê phán chính trị kinh tế
học. Trong văn bản này, quả là vật ngang giá chung được thiết
lập bằng cách “lật ngược” những phương trình một cách hình thức. Chính là phân
tích đó bị Marx rõ ràng bác bỏ trong hai văn bản của Tư bản mà Benetti và Cartelier trích dẫn, cho dù vẫn còn tồn tại từ
ngữ nhập nhằng về “đảo ngược” (inversion) hay “lật ngược” (renversement). (Chương 1, Tư bản, bản 1867 [1867/1890a,
tr. 71]; Tư bản, Quyển
I, bản 1890 [1890, tr. 74] - đoạn văn đã chú giải ở phía trên). [82] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 97]. [83] C. Benetti, J. Cartelier, sđd., tr. 146 và 155. [84] C. Benetti, J. Cartelier, sđd., tr.154. [85] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858,
t. 1, tr. 125]. [86] Kết thúc trình bày của mình, Benetti và
Cartelier thừa nhân rằng Hình thái I “có thể có hai cách diễn giải”: hoặc Hình
thái I biểu tượng “một sự trao đổi đã thực hiện”, hoặc nó biểu tượng “sự chuyển
hóa trên ý tưởng của một vật thành tiền tệ, tức là giá cả lý tưởng” (sđd., tr. 162). Tuy nhiên diễn giải này vẫn
quy nạp một sự lẫn lộn giữa phân tích hình thái của giá trị và phân tích lưu
thông của hàng hóa. Tiểu luận của Philippe Verrier (“Valeur d’usage, rapport
d’échange et rapport capitaliste dans la théorie de Marx, Cahier d’économie politique n˚ 12, 1986, tr. 161 và tiếp theo) cho
thấy rõ điều đó. [87] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858,
t. 1, tr. 136]. [88] Xem Carlo Benetti, “Economie monétaire
et économie de troc: la question de l’unité de compte commune”, Economie appliquée, n˚1, 1985, tr.
91-97. [89] Xem Jean Cartelier, “Valeur et
enrichissement: le dilemme de l’économie politique”, ACCES, n˚1, 1978, tr. 28. [90] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 70]; Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 129]. [91] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 119]. [92] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học
[1859a, tr. 27] (chúng tôi chỉnh sửa “giá trị trao đổi” thành “giá trị”). [93] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 161]. [94] Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 79-81]. [95] Ngược lại với diễn giải của Alain Bihr [L’économique fétiche, nxb Le Sycomore,
1979, tr. 51]; hay của Stanley Moore [“The metaphyical argument in Marx’s
labour theory of value”, Cahiers ISMEA,
Supplément n˚ 140,
1963] mà Chris Arthur [“Dialectic
of the value form” trong Diane Elson (ed), Value:
The representation of labour in capialism, nxb CSE Books, 1979, tr. 71 và
tiếp theo] đã phê phán. [96] C. Benetti, J. Cartelier, sđd., tr.154. [97] Đó là cách đọc của Gilbert Faccarello
khi ông cho rằng các hình thái của giá trị có nghĩa là phân tích của Marx, “về
mặt lô-gích, chuyển từ quan hệ đổi chác sang quan hệ đối lập với đổi chác, tức
là trao đổi có tính tiền tệ”: thật vậy, trong Hình thái I, “sự trao đổi đầu
tiên không tiến hành theo phương thức H – T mà theo phương thức H – H’” [G.
Faccarello, “Marx et la critique de l’économie politique”, trong Alain Béraud,
Gilbert Faccarello, Nouvelle histoire de
la pensée économique, nxb La Découverte, 2000, t. 2, tr. 126]. [98] “Tính chất của hàng hóa loại trừ hình
thái về tính năng trao đổi trực tiếp (…) cho nên hình thái vật ngang giá chung
chỉ có thể phát triển theo phương thức phản đề” (Chương 1, Tư bản, bản 1867
[1867/1890a, tr. 85]). [99] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 100]. Trong Góp phần phê phán, Marx viết: mặc dù
vàng là “một giá trị sử dụng thực tế”, trong vàng-tiền tệ, “giá trị sử dụng của
nó chỉ tồn tại như là cái đỡ giá trị trao đổi, và do đó chỉ tồn tại như là giá
trị sử dụng thuần hình thức, không liên quan đến nhu cầu cá biệt thực tế nào cả”
(tr. 60). Song trong một đoạn văn khác, người ta có thể đọc: “Hàng hóa bị loại
ra khỏi hàng ngũ của hàng hóa, với tư cách là vật ngang giá chung, có một giá
trị sử dụng kép. Ngoài giá trị sử dụng cá biệt của nó với tư cách là hàng hóa
cá biệt, nó còn có một giá trị sử dụng chung” (tr. 25). Mệnh đề thứ hai này
không xác đáng về mặt lô-gích. [100] Dù sao thì không thể chấp nhận - với
Benetti và Cartelier - rằng Marx đã lẫn lộn giữa hai giá trị sử dụng: “nếu
không lẫn lộn giá trị sử dụng tự nhiên và giá trị sử dụng xã hội - hai tác giả
viết - thì không thể đi tìm giá trị sử dụng của vật ngang giá chung trong những
tính chất tự nhiên của nó (như Marx đã làm với vàng), mà phải tìm giá trị sử dụng
của vật ngang giá chung trong trong những tính chất suy ra từ hình thái xã hội
của hàng hóa” (C. Benetti, J. Cartelier, sđd.,
tr.149). Người ta tìm thấy lại ở đây sự không thấu hiệu khái niệm về giá trị
như là sự thống nhất của một thực thể xã hội và một hình thái vật chất (Xem
phía trên mục § 213). Cho nên hai tác giả đã không nắm được ý nghĩa của
Hình thái IV là hình thái xác lập - như chúng tã thấy - “tính tương hợp và loại
suy” (l’accord et l’analogie) giữa chức năng xã hội của vật ngang giá chung và
một hình thái vật chất là vàng. [101] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858,
t. 1, tr. 153]. Marx viết thêm: “Mặt khác, người ta có thể nói về tiền tệ rằng
nó chỉ còn là hàng hóa (hàng hóa phổ quát, hàng hóa chung), hàng hóa dưới hình
thái thuần túy của nó, dững dưng với cá tính tự nhiện của nó và dó đó với tất cả
các nhu cầu trực tiếp, không có quan hệ tự nhiên với một với một nhu cầu nhất định
nào đó. Người ta thấy ở đây tính đối lập giữa các hàng hóa cá biệt (với giá trị
sử dụng cá biệt của chúng) và tiền tệ mà Marx gọi là “hàng hóa phổ quát”,
“hàng hóa chung” (tương ứng với giá trị sử dụng chung). [102] Tư bản, Quyển
I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 81]; bản 1890 [1890, tr. 108].