6.5.25

Ba cách mà Đức Giáo hoàng Francis ảnh hưởng đến phong trào khí hậu toàn cầu

BA CÁCH MÀ ĐỨC GIÁO HOÀNG FRANCIS ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHONG TRÀO KHÍ HẬU TOÀN CẦU

Các đại diện người bản địa của các cộng đồng Amazon cùng Đức Giáo hoàng Francis tại vườn Vatican. Godong/Alamy Stock Photo

Tin về sự qua đời của Đức Giáo hoàng Francis đã được Vatican công bố. Lần đầu tiên tôi gặp cố Giáo hoàng Francis tại Vatican là sau một hội nghị có tên Cứu lấy Ngôi nhà chung của chúng ta và Tương lai của Sự sống trên Trái đất vào tháng 7 năm 2018. Các đồng nghiệp và tôi cảm nhận được điều gì đó trọng đại đang diễn ra tại trung tâm của giáo hội.

Vào thời điểm đó, tôi đang hỗ trợ thành lập viện nghiên cứu Laudato Si' mới tại Jesuit Hall thuộc Đại học Oxford. Viện này được đặt tên theo thông điệp năm 2015 của giáo hoàng (một lá thư gửi các giám mục phác thảo chính sách của giáo hội) về biến đổi khí hậu.

Sứ mệnh của viện này bắt nguồn từ tầm nhìn lấy cảm hứng từ tôn giáo của Đức Giáo hoàng về hệ sinh thái toàn diện [integral ecology] – một phương pháp tiếp cận đa ngành giải quyết các vấn đề xã hội và sinh thái về bình đẳng và khủng hoảng khí hậu.

Xuất thân từ Argentina, Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, đã tận mắt chứng kiến ​​Amazon bị tàn phá và hoàn cảnh khốn khổ của những cộng đồng nghèo nhất Nam Mỹ. Mối quan tâm của ngài về công lý cho các cộng đồng dễ bị tổn thương và bảo vệ hành tinh luôn đi đôi với vai trò lãnh đạo tôn giáo.

Trong bức thư đầu tiên của mình, Laudato Si', ngài kêu gọi tất cả mọi người, không chỉ người Công giáo, hãy chú ý nhiều hơn đến sự mong manh của cả hành tinh và con người. Điều chúng ta cần không gì khác hơn là một cuộc cách mạng văn hóa, ngài viết. Là một nhà thần học, tôi nhận ra rằng ngài đã truyền cảm hứng cho sự thay đổi đáng kể theo ba cách chính.

1. Tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu

Không phải ngẫu nhiên mà Đức Giáo hoàng Francis đã ban hành Laudato Si' tại thời điểm quan trọng hồi năm 2015, trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc, Cop21, tại Paris. Một tông huấn tiếp theo, hay tuyên bố chính thức, Laudate Deum, đã được ban hành vào tháng 10 năm 2023, ngay trước một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu khác của Liên hợp quốc, Cop28 tại Dubai.

Liệu các quyết định tại những cuộc họp toàn cầu này có thay đổi nhờ ảnh hưởng của Đức Giáo hoàng Francis không? Rất có thể. Trong Laudate Deum, Đức Giáo hoàng Francis đã thể hiện cả sự khích lệ lẫn đôi chút thất vọng về những thành tựu của các thỏa thuận quốc tế cho đến nay.

Ngài chỉ trích sự yếu kém của chính trị quốc tế và tin rằng Cop21 đại diện cho một “thời khắc quan trọng” vì thỏa thuận này liên quan đến tất cả mọi người.

Sau Cop21, ngài chỉ ra rằng hầu hết các quốc gia đã không thực hiện được thỏa thuận khí hậu Paris vốn kêu gọi hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức dưới 2°C. Ngài cũng chỉ ra sự thiếu giám sát các cam kết và cả sự trì trệ chính trị sau đó. Ngài đã nỗ lực hết sức trong việc dùng vị thế nổi bật của mình để buộc quyền lực phải chịu trách nhiệm.

Thúc đẩy nhận thức đạo đức chung về nhu cầu hành động theo cách có trách nhiệm với sinh thái, cả trong chính trị quốc tế và ở cấp địa phương là điều mà các giáo hoàng trước đây, Giáo hoàng John Paul II và Giáo hoàng Benedict XVI từng thực hiện. Nhưng, những nỗ lực của Giáo hoàng Francis còn vươn xa hơn bằng cách kết nối rộng rãi hơn với các phong trào cơ sở.

2. Bằng cách ủng hộ người bản địa

Cop28 đánh dấu lần đầu tiên gần 200 quốc gia đồng ý chuyển đổi ra khỏi nhiên liệu hóa thạch. Sự can thiệp của Giáo hoàng Francis có khả năng đã giúp thúc đẩy cục diện đi đúng hướng như mong muốn.

Sự nhấn mạnh của ngài vào việc lắng nghe người bản địa có thể đã ảnh hưởng đến những cuộc tụ họp này. So với các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu trước đây, Cop28 có thể được cho là đã mở ra cơ hội lắng nghe tiếng nói của người bản địa.

Tuy nhiên, người dân bản địa vẫn thất vọng về kết quả của Cop28. Một tông huấn ít được biết đến của Giáo hoàng Francis, Querida Amazonia, có nghĩa là "Amazon yêu dấu", đã được công bố vào tháng 2 năm 2020.

Tông huấn là kết quả từ những cuộc đối thoại của ngài với các cộng đồng Amazon và đã giúp đưa quan điểm của người bản địa vào vòng chú ý. Những quan điểm đó đã giúp định hình giáo huấn xã hội Công giáo trong thông điệp Fratelli Tutti, có nghĩa là "tất cả anh chị em", được công bố vào ngày 3 tháng 10 năm 2020.

Đối với nhiều người sống ở các nước đang phát triển, nơi các ngành công nghiệp khai thác như dầu khí hoặc khai khoáng đang lan tràn, sự tàn phá đất đai đi kèm với các mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Giáo hoàng Francis đã ủng hộ những người bảo vệ môi trường bản địa, nhiều người trong số họ đã được truyền cảm hứng để hành động nhờ đức tin mạnh mẽ của mình.

Ví dụ, Cha Marcelo Pérez, một linh mục bản địa sống ở Mexico, đã bị những kẻ buôn ma túy sát hại ngay sau khi cử hành thánh lễ vào ngày 23 tháng 10 năm 2023 như một phần của cái giá phải trả cho việc bảo vệ quyền của người dân và đất đai của họ.

Dù 196 nhà bảo vệ môi trường đã bị sát hại trên toàn thế giới vào năm 2023, Giáo hoàng Francis vẫn tiếp tục đấu tranh thay mặt cho những người bị gạt ra lề xã hội cũng như cho môi trường.

Bàn thờ tưởng niệm Cha Marcelo Perez ở San Andres Larrainzar. Ảnh: Araceli Te llez Haro

3. Bằng cách truyền cảm hứng cho hoạt động

Tôi đã nói chuyện với các nhà hoạt động khí hậu có niềm tin tôn giáo từ nhiều nền tảng giáo hội khác nhau ở Vương quốc Anh như một phần của dự án nghiên cứu đa ngành về tôn giáo, thần học và biến đổi khí hậu có trụ sở tại Đại học Manchester. Đáng chú ý nhất, khi chúng tôi hỏi hơn 300 nhà hoạt động đại diện cho sáu nhóm hoạt động khác nhau rằng ai có ảnh hưởng lớn nhất lên quyết định tham gia vào hành động vì khí hậu của họ, 61% trong số đó nhắc tên Giáo hoàng Francis là người có ảnh hưởng chính.

Trên quy mô lớn hơn, Laudato Si' đã tạo ra phong trào Laudato Si' điều phối hoạt động vì khí hậu trên toàn cầu. Phong trào này có 900 tổ chức Công giáo cũng như 10.000 người được gọi là "người truyền động lực" Laudato Si', tất cả đều là đại sứ và lãnh đạo trong cộng đồng của họ.

Ảnh chụp các đối tác của viện nghiên cứu Laudato Si và cộng sự giáo hội Tomás Insua đang gặp Đức Giáo hoàng Francis để thảo luận về tiến trình đại kết của Lễ Sáng Tạo. Nguồn: Trung tâm Laudato Si' Assisi.

Đồng môn giáo hội của viện chúng tôi, Tomás Insua, sinh sống tại Assisi, Ý, là người tiên phong trong việc xây dựng phong trào Laudato Si' toàn cầu này. Viện chúng tôi tổ chức một số cuộc gặp gỡ liên tôn quy tụ mọi người từ các hệ phái khác nhau và hy vọng khuyến khích tín đồ suy nghĩ và hành động với ý thức về khí hậu cao hơn.

Không ai biết ai sẽ là vị giáo hoàng kế tiếp. Trong bối cảnh chính trị đang rối ren và sự thờ ơ ngày càng tăng của các nhà hoạt động chính sách trong việc giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu, chúng ta chỉ có thể hy vọng vị giáo hoàng mới sẽ phát huy dựa trên di sản của Đức Thánh Cha Francis và gây ảnh hưởng lên sự thay đổi chính trị theo hướng tốt đẹp, từ tuyến đầu của các phong trào cơ sở cho đến những tham vọng toàn cầu cao nhất.

Tác giả

Celia Deane-Drummond 

Celia Deane-Drummond

Giáo sư Thần học, Giám đốc Viện nghiên cứu Laudato Si', Campion Hall, Đại học Oxford

Tuyên bố công khai

Celia Deane-Drummond không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Three ways Pope Francis influenced the global climate movement, The Conversation, April 21, 2025.

Print Friendly and PDF