16.5.25

‘Yêu thương chính mình’ trông có vẻ vị kỷ. Nhưng nếu làm đúng, thì nó ngược với chứng ái kỷ

‘YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH’ TRÔNG CÓ VẺ VỊ KỶ. NHƯNG NẾU LÀM ĐÚNG, THÌ NÓ NGƯỢC VỚI CHỨNG ÁI KỶ

Nguồn ảnh: Bart Larue/Unsplash

Nhà tâm phân học Carl Jung từng nói: “Yêu thương con người thật của bạn, tức yêu thương chính bạn, cũng giống như bạn đang ôm lấy một thanh sắt nóng đỏ rực”.

Một số người có thể cho rằng thế hệ mạng xã hội này dường như không phải vật lộn với lòng yêu thương chính mình. Nhưng liệu phong trào hãy-nhìn-vào-tôi-đây (look-at-me-ism) dễ dàng tìm thấy trên các kênh TikTok và Instagram có phải là kiểu yêu thương chính mình mà ta cần để phô trương không?

Ngôn ngữ của tâm lý học tích cực có thể – và thường được – được sử dụng cho đủ mọi kiểu tự tôn chính mình, cũng như cho các chiến lược tiếp thị phi đạo đức.

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý học nhấn mạnh rằng yêu thương chính mình chẳng giống với hành xử vị kỷ. Có một ranh giới rõ ràng giữa các hình thức yêu thương chính mình lành mạnh và phù hợp, với các hình thức yêu thương ác độc hay chứng ái kỷ. Nhưng làm sao ta phân biệt được chúng?

Vào năm 2023, các nhà nghiên cứu Eva Henschke và Peter Sedlmeier đã thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn với các nhà trị liệu tâm lý và những chuyên gia khác về câu hỏi thế nào là lòng yêu thương chính mình. Họ đã kết luận rằng lòng yêu thương chính mình có 3 đặc điểm chính: chăm sóc chính mình |self-care|, chấp nhận chính mình |self-acceptance| và giao tiếp với chính mình |self-contact| (dành sự chú ý cho bản thân mình).

Nhưng khi xã hội ngày càng đề cao chủ nghĩa cá nhân, liệu ta có đang dành quá nhiều sự chú ý cho bản thân mình hay không?

Nguồn ảnh: Polina Kovaleva/Pexels

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng yêu thương chính mình chẳng giống với hành xử vị kỷ. 

Triết học và lòng yêu thương chính mình

Các triết gia và những chuyên gia về tâm lý học đều đã suy xét lòng yêu thương chính mình theo hướng đạo đức học.

Nhà nghiên cứu tâm lý học Lê Minh Tiết [黎明薛 – Li Ming Xue] và các đồng nghiệp của cô, khi khám phá khái niệm về lòng yêu thương chính mình trong văn hóa Trung Quốc, tuyên bố rằng “các triết gia phương Tây tin rằng lòng yêu thương chính mình là một đức hạnh”. Song đây lại là một sự khái quát hóa quá rộng.

Theo triết gia Razvan Ioan, trong truyền thống Ki-tô giáo và nhiều triết học châu Âu, lòng yêu thương chính mình bị lên án như là một đặc tính gây hại dữ dội.

Mặt khác, nhiều đại triết gia Ki-tô giáo, cố gắng hiểu lời chỉ dẫn yêu tha nhân như chính mình, thừa nhận một số hình thức yêu thương chính mình là mang tính đức hạnh. Để yêu tha nhân như chính mình, có vẻ như bạn phải yêu thương chính mình.

Trong bối cảnh triết học phương Tây, cô [Lê Minh] Tiết và các đồng nghiệp khẳng định, lòng yêu thương chính mình liên quan đến các quyền cá nhân – “xã hội nói chung chỉ phục vụ mục đích thúc đẩy hạnh phúc của cá nhân”.

[Chân dung của] Aristote. Nguồn ảnh: Francesco Hayez/Phòng triển lãm Accademia Venice

Họ cho rằng quan niệm cá nhân chủ nghĩa này, theo hướng coi bản thân là trung tâm của lòng yêu thương chính mình có thể bắt nguồn từ các triết gia Hy Lạp cổ đại. Đặc biệt là từ Aristotle. Nhưng Aristotle lại nghĩ rằng chỉ những người có đức hạnh nhất, tức những người mang lại lợi ích cho xã hội xung quanh họ, mới nên yêu thương chính mình. Bằng cách tạo ra sự nối kết này, ông đã né việc đánh đồng giữa lòng yêu thương chính mình với sự coi bản thân là trung tâm.

Ông lập luận rằng ta nên yêu thương chính mình không phải vì sự tự phụ mà vì năng lực làm điều thiện hảo của mình. Vậy thì Aristotle có đưa ra những căn cứ đậm tính nguyên tắc nào để phân biệt giữa hình thức đúng đắn và hình thức không đúng đắn của lòng yêu thương chính mình hay không?

Đọc thêm: Tiểu luận ngày thứ sáu: 3 cách để triết học có thể giúp ta hiểu về tình yêu thương

Tiêu chuẩn quá cao chăng?

Aristotle có thể đặt ra tiêu chuẩn quá cao. Nếu chỉ những người có đức hạnh nhất mới cố gắng yêu thương chính mình, điều này sẽ va chạm trực diện với ý tưởng cho rằng lòng yêu thương chính mình có thể giúp ta cải thiện và có đức hạnh hơn – như các triết gia Kate Abramson và Adam Leite đã lập luận.

Nhiều nhà tâm lý học cho rằng lòng yêu thương chính mình rất quan trọng để có được sự nhận biết về chính mình một cách tử tế và giàu lòng trắc ẩn, yếu tố cần thiết để vượt qua những trạng thái mà ở đó sự tự phê phán chính mình hóa thành vũ khí [gây tổn thương cao], như chủ nghĩa hoàn hảo lâm sàngnhững rối loạn ăn uống.

Nói rộng ra, một số người cho rằng lòng trắc ẩn với chính mình là cần thiết để hỗ trợ những sự thấu nhận [insight] trung thực về hành vi của chính bạn. Họ tin rằng chúng ta cần phản tư chính mình một cách ấm áp và đầy lòng trắc ẩn để tránh thái độ phòng vệ đi kèm với nỗi sợ bị xét đoán – ngay cả khi ta đang tự đứng ra xét đoán chính mình.

Chính vì lý do này, một hình thức yêu thương chính mình giàu lòng trắc ẩn thường là cần thiết để làm theo lời khuyên của Socrates “hãy biết về chính mình”, triết gia Jan Bransen cho hay. Lòng yêu thương chính mình một cách tích cực, dưới góc nhìn này, có thể giúp ta trưởng thành hơn với tư cách là con người.

Lòng yêu thương chính mình một cách tích cực có thể giúp ta trưởng thành hơn với tư cách là con người. Nguồn ảnh: Nashua Volquezyoung/Pexels

Lòng yêu thương chính mình là ‘sai lầm và ngớ ngẩn’

Nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng bạn cần yêu thương chính mình để trưởng thành. Triết gia quá cố Oswald Hanfling hoài nghi sâu sắc về ý tưởng này. Trên thực tế, ông lập luận rằng khái niệm yêu thương chính mình là sai lầm và ngớ ngẩn. Ý tưởng của ông chủ yếu bị các triết gia về tình yêu thương bác bỏ, song việc chỉ ra các triết gia này sai ở đâu có thể hữu ích.

Khi bạn yêu ai đó, ông nói, bạn sẵn sàng hy sinh những lợi ích của riêng mình để mang lại lợi ích cho người mình yêu. Nhưng ông nghĩ rằng ý tưởng hy sinh những lợi ích của riêng mình là vô nghĩa – điều này cho thấy, ông kết luận, chúng ta chẳng thể yêu thương chính mình.

Ông viết:

Tôi có thể hy sinh sự thỏa mãn tức thời vì phúc lợi của mình trong tương lai, như trong trường hợp bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, trong trường hợp này, động cơ của tôi không phải là tình yêu thương mà là sự tư lợi cho mình. Điều tôi bộc lộ khi bỏ thuốc lá chẳng phải là mức độ yêu thương chính mình, mà là sự am hiểu rằng những lợi ích lâu dài của việc bỏ thuốc lá có thể vượt quá sự thỏa mãn hiện tại khi cứ tiếp tục hút thuốc lá.

Chúng ta thường có những lợi ích xung đột lẫn nhau (hãy nghĩ tới một người đang đau đầu khi lựa chọn giữa 2 con đường sự nghiệp khác nhau) – và chẳng có gì lạ khi phải hy sinh vài lợi ích nhất định để đổi lấy những lợi ích khác.

Đây không chỉ là vấn đề hy sinh những khát khao ngắn hạn để đạt được cái lợi dài hạn, mà là vấn đề hy sinh thứ gì đó có giá trị để đổi lấy lợi ích tối hậu của bạn (hay, bạn hy vọng như vậy).

Đọc thêm: Yêu thương là gì? Trong văn hóa đại chúng, yêu thương thường được mô tả là sự sẵn lòng hy sinh, nhưng các triết gia cổ đại lại có cái nhìn khác

Lòng trắc ẩn với chính mình

Hanfling không suy xét đến vai trò của lòng yêu thương chính mình. Mặc dù ta có thể hiểu rằng làm điều gì đó là vì những lợi ích của mình (ví dụ, hàn gắn lại mối quan hệ với người mà mình bất hòa), nhưng ta có thể cần một thái độ giàu lòng trắc ẩn và cởi mở với bản thân để nhận ra điều gì là vì những lợi ích tốt nhất của mình.

Ta cũng có thể cần trắc ẩn với chính mình để thừa nhận những thất bại của mình – để ta có thể vượt qua thái độ phòng vệ và thấy rõ tại sao ta lại thất bại trong việc thỏa mãn những lợi ích này.

Trong bối cảnh này, sự chấp nhận chính mình không có nghĩa là cho phép bản thân không quan tâm đến các lợi ích của những người xung quanh, cũng không có nghĩa là biện minh cho những khiếm khuyết của mình là “có giá trị” thay vì khắc phục chúng.

Yêu thương chính mình, như được các nhà tâm lý học đương đại thúc đẩy, có nghĩa là hãy đứng trong mối quan hệ trắc ẩn với chính mình. Và chẳng có điều gì mâu thuẫn về ý tưởng này.

Cũng giống như ta gắng phát triển mối quan hệ mang tính hỗ trợ, tử tế với những người mà ta quan tâm – và cũng giống như điều này không can hệ tới việc chấp thuận thiếu phê phán mọi điều họ làm – lòng yêu thương chính mình một cách trắc ẩn không có nghĩa là từ bỏ sự phê phán có giá trị với mình.

Trên thực tế, lòng trắc ẩn với chính mình có tác dụng ngược lại. Nó thúc đẩy sự thoải mái với kiểu đánh giá chính mình đậm chất phê phán, thứ giúp ta trưởng thành – từ đó giúp ta gia tăng khả năng phục hồi [tinh thần] (resilience) cho bản thân mình hơn. Nó cũng tạo ra điều ngược với lòng say mê bản thân đậm chất ái kỷ.

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ

Ian Robertson

Ứng viên Tiến sĩ |PhD Candidate| (tham gia vào các vai trò giảng dạy tại các trường Macquarie & Wollongong), tại Đại học Wollongong

Phát biểu công khai

Ian Robertson không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài báo này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: ‘Self-love’ might seem selfish. But done right, it’s the opposite of narcissism, The Conversation, Feb 11, 2024.

Print Friendly and PDF