8.5.25

Narasimha, người Bà La Môn có con gái yêu một người thuộc đẳng cấp hạ tiện (intouchable)

BÚT KÝ ẤN ĐỘ

NARASIMHA, NGƯỜI BÀ LA MÔN CÓ CON GÁI YÊU MỘT NGƯỜI THUỘC ĐẲNG CẤP HẠ TIỆN (INTOUCHABLE)

Tác giả: François-Xavier Croisy 

Ga xe lửa Ấn Độ - tranh vẽ bằng mực của tác giả

Sự lựa chọn của một cô gái vấp phải những định kiến và danh dự của một người cha cố chấp. Do đó, mối quan hệ của họ sẽ bị đảo lộn.

Narasimha là một người thuộc đẳng cấp Bà La Môn. Tên ông có nghĩa là “Nhân Sư” trong tiếng sanscrit, là hoá thân thứ tư của thần Vishnu. Tuy nhiên, Narasimha không phải là giáo sĩ, kỹ sư, luật sư cũng không phải là giáo sư hay chủ ngân hàng, vốn là những nghề truyền thống của người Bà La Môn, đẳng cấp cao nhất tại Ấn Độ. Ông không hành nghề trí thức, chỉ là một người lao động chân tay, một thợ mộc thủ công. Vâng, Narasimha đúng là một người Bà La Môn, nhưng là một người Bà La Môn làm một nghề của đẳng cấp vaishya (đẳng cấp thứ ba gồm tầng lớp nông dân, thợ thủ công và thương nhân -ND-). Điều này là có thể được và không đến nỗi làm ô danh lắm vì những người vaishya là đẳng cấp (varna) thứ ba, vốn là những người cuối cùng có thể nghe kinh Vệ Đà linh thiêng và được sinh ra hai lần. Vậy Narasimha là thợ mộc và tôi đã có dịp gặp ông vì chính ông đã làm nhiều đồ nội thất cho căn hộ của tôi ở Delhi.

Thực ra, Narasimha làm việc cho Kashmiri Shahnoor là một người bạn của tôi, cô ấy có một chuỗi cửa hàng bán các loại khăng quàng Pashima và cũng muốn trang trí nội thất – thảm, đồ gỗ, vải và màn, vật dụng bằng giấy bồi v.v.. Tóm lại, tất cả những gì cần có cho khách hàng hạng sang của Delhi, người Ấn Độ là chính, nhưng cũng có người nước ngoài, nhất là các toà đại sứ. 

Shahnoor làm việc với một tốp thợ thủ công và Narasimha là thợ mộc của cô. Do đó tôi đã gặp ông ấy nhiều lần tại văn phòng của Shahnoor, dưới tầng hầm ở Jaipur Estate, Nizamuddin East, là một khu phố của New Delhi. Dáng người trung bình, ăn mặc giản dị, màu xám hoặc đen, Narasimha có một gương mặt có phần thiếu linh động, một cái nhìn lim dim với mắt phải hơi lườm lườm. Ông không nói nhiều, hoàn toàn không biết tiếng Anh, và lại càng biết ít hơn về hệ thống đo lường mét.

NHỮNG CUỘC THẢO LUẬN SỐNG GIÓ

Những cuộc thảo luận giữa Shahnoor và Narasimha thật là đặc biệt. Shahnoor là chủ, cô thường làm việc dựa trên một danh mục các mẫu theo phong cách neo-victorian, và giao cho Narasimha cái ‘mẫu”, là vật cần sao chép lại với các số đo. Điều này thường mất thì giờ, vì người thợ thường lắc đầu để tỏ ý rằng ông ta không hiểu hoặc điều đó là không thể được. Hoặc là cả hai. Khi đó Shahnoor nổi giận và Narasimha thì phật lòng. Phải có nhiều cuộc thảo luận sóng gió trước khi người thợ mộc thừa nhận rằng ông ta không phải là “sếp” và chấp nhận việc đặt hàng. Cho dù ngay cả khi ông ta không thực sự hiểu điều ông phải làm. Điều này sẽ gây ra những cuộc thảo luận tương tự ở giai đoạn tiếp theo. 

Không thực sự yêu chuộng phong cách neo-victorian, tôi phải giải thích kỹ điều tôi muốn. Tôi vẽ các hình – mặt trước, mặt đứng, mặt cắt và phối cảnh – để Shahnoor và Narasimha hiểu đúng. Tôi cũng phải đổi các kích cỡ từ centimét sang inch. Ví dụ để làm một cái giường bằng gỗ hồng Madagascar, một bục nhỏ để chơi đàn xita hay còn là một tủ đựng giàn âm thanh bằng gỗ tếch. Một hôm, tôi còn yêu cầu làm một cái giường có mùng, và cuối cùng giường đã được đưa đến sau sáu tháng, sau ba lần lặp lại khó khăn. Cái giường rất đẹp, nhưng quá cao và hơi dài. Và tiếp đến là kích cỡ của cái mùng bằng vải lanh mộc – một việc cuối cùng tối cần thiết để hoàn tất – đã làm cho Narasimha bạc vài sợi tóc, ông suýt bỏ cuộc nhiều lần. Ông cũng đã hoàn thành tốt công việc cho căn hộ của tôi. Sau một thời gian, tôi không còn cần đến những dịch vu xuất sắc của ông nữa và do đó tôi chỉ còn thỉnh thoảng gặp ông.

CON GÁI TÔI KHÔNG CÒN LÀ CON GÁI TÔI NỮA!

Một hôm, Shahnoor thấy Narasimha đến văn phòng của cô mà không có hẹn trước, vẻ mặt u sầu, ngang bướng và khó chịu hơn bình thường rất nhiều. Ông ta bước vào, vừa sịt mũi vừa càu nhàu, gập người về phía trước, bước đi như một con rối bị trật khớp, khóc lóc, cái nhìn ngây dại. Với một tiếng kêu như nghẹt thở, ông ngồi xuống ghế mà Shahnoor vừa mời. Hơi ngạc nhiên nhưng vì biết rõ người Bà La Môn này, Shahnoor hỏi ông:

– Có chuyện gì vậy Narasimha? Ông bị bệnh à?

– Không, thưa bà. 

– Vậy thì ông gặp chuyện gì? 

– Một tai hoạ lớn thưa bà.

– Sao, ông bị trộm hả? Hay tai nạn? 

– Không, thưa bà.

– Vậy thì cái gì?

– Là Aditi, con gái tôi.

– Sao, Aditi à?

– Aditi, Aditi không còn là con gái tôi nữa!

– Là thế nào, nó không còn là con gái ông nữa?

– Aditi, Aditi, con gái tôi đã ra đi với một người dalit (một người thuộc đẳng cấp hạ tiện)! Thật không thể chấp nhận được! 

Shahnoor có một động tác lùi lại. Cô xuất thân từ một gia đình vùng Kashmir thuộc tầng lớp thượng lưu, gia đình truyền thống nhưng có tính quốc tế, rộng mở với thế giới, cô cố thuyết phục Narasimha.

– Nếu Aditi yêu chàng trai ấy thì tại sao không? Dù sao, xã hội của chúng ta đã tiến triển, hôn nhân giữa các đẳng cấp được cho phép và khá phổ biến. Cái chính là hạnh phúc của cô ấy!

– Không thưa bà, tôi không thể chấp nhận điều ấy!

– Nhưng Narasimha, cuối cùng tương lai của cô ấy là quan trọng. Cô phải được tự do lựa chọn.

– Không thưa bà, tôi không thể chấp nhận. Điều đó là không thể. Aditi không còn là con gái tôi nữa, tôi không chấp nhận gặp tên khốn nạn đó. Chúng nó hãy biến đi!

Shahnoor cố gắng bằng mọi cách để xoa dịu ông ta, nhưng không có kết quả. Narasimha trở về nhà cũng tuyệt vọng như khi ông đến. Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt. Một năm sau, Narasimha trở lại Jaipur Estate vì có một cuộc họp liên quan đến công trường. Và lần này, ông tỏ ra niềm nở, vui vẻ, hầu như hân hoan. Ngạc nhiên về sự tương phản với cuộc nói chuyện lần trước, Shahnoor hỏi Narasimha:

– Này Narasimha, ông có vẻ khá hơn nhiều. Hãy kể cho tôi nghe, ông có tin vui há?

– Vâng thưa bà, dạ tốt rồi ạ, cám ơn bà.

– Tin gì, Aditi đã trở về?

– Vâng thưa bà, nó trở về từ Bihar thăm chúng tôi, không có tên dalit đáng nguyền rủa của nó.

– À! tốt rồi, ông đã tiếp nhận nó như là con gái ông!

– Vâng thưa bà, và chúng tôi đã cho nó kết hôn với một người Bà La Môn trẻ!

–Sao??!!

– Vâng, chúng tôi đã thừa dịp này. Nói thật, chúng tôi đã sắp đặt một đám cưới trước khi nó ra đi. Do vậy, khi nó trở về, chúng tôi chỉ cần khởi động lại sự việc. Và đã thành công, chúng tôi đã tổ chức một đám cưới tốt đẹp. Đó là một chàng thanh niên đúng mực, anh ta là Bà La Môn, da sáng, có một công việc đàng hoàng và kiếm sống tốt, anh ta xuất thân từ một gia đình danh giá và của hồi môn cũng vừa phải. Chúng tôi rất hài lòng.

– Và Aditi đã chấp nhận?

– Vâng, nó không có sự chọn lựa!

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC CỦA ADITI

Một năm sau, Narasimha trở lại văn phòng của Shahnoor. Lần này, ông ta lại thất vọng, vừa lê tới vừa đi khập khiễng, tuôn ra những tiếng sôi bụng kinh khủng, quằn quại trên ghế như một người bị động kinh. Shahnoor lo lắng hỏi:

– Sao vậy Narasimha, lại có chuyện gì nữa? Ông có vẻ rất tệ.

– À! Thưa bà, đã hết cả rồi, tôi chết mất.

– Sao lại chết, tôi nghĩ là chưa đâu?

– Ồ! Thật mà, tôi chết rồi, tôi không còn con gái tôi nữa.

– Sao, nhưng tôi tưởng là ông đã hài lòng vì đã cho Aditi kết hôn với một người cùng đẳng cấp với ông?

– Vâng, nhưng… nhưng… tiêu hết cả rồi!

– Nhưng sao, tiêu hết cả rồi là như thế nào?

– Vâng, Aditi đã trở lại thăm chúng tôi từ Uttar Pradesh nơi nó sống với người chồng Bà La Môn của nó. Nhưng không có chồng nó vì anh ta làm việc ở Lucknow.

– Vâng, rồi sao?

– Thế thì, nó ở lại với chúng tôi chừng 15 ngày. Và rồi tôi đã đưa nó tới ga xe lửa New Delhi (New Delhi Railway Station) để đi Lucknow nơi chồng nó ở.

New Delhi Railway Station NDRS là một trong những ga lớn nhất Ấn Độ, ga này phục vụ toàn miền Bắc Ấn Độ từ New Delhi. Mỗi ngày hơn một nửa triệu hành khách tụ về đó để lên 250 chuyến tàu từ 16 bến tàu khác nhau.

– Rồi sao nữa?

– Thế là tôi đã đưa nó đến tận bến tàu đi Lucknow.

– Rồi sao nữa?

– Nó leo lên tàu.

– Và sao nữa?

– Tôi chào từ biệt nó và bắt đầu quay lưng lại. Bỗng nhiên, từ phía bên kia tàu, nó nhảy xuống đường tàu. Và nó đã nhảy lên bến khác, nơi đó có thằng chết tiệt dalit của nó đang đợi nó. Chúng nó vừa rời đi vừa chạy cho kịp bắt một chuyến tàu khác, tàu đi Bihar.

Về tác giả:

François-Xavier Croisy sinh ở châu Á và đã sống ở đó chừng mươi năm trong thời thơ ấu (Nhật Bản, Việt Nam), ông đã theo đuổi nghiệp kinh doanh và di chuyển giữa châu Âu, châu Phi và Ấn Độ, ông đã sống và làm việc ở Ấn Độ trong chừng hai mươi năm. Các bút ký Ấn Độ của ông bắt nguồn từ những chuyến đi và gặp gỡ ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ từ năm 2000 đến 2015. Mỗi lá thư kể một trải nghiệm cá nhân liên quan đến một khía cạnh của xã hội Ấn Độ. Các phác thảo và tranh vẽ kèm theo các bút ký này do tác giả thực hiện vì ông cũng là hoạ sĩ.

Ga xe lửa New Delhi – Bức vẽ màu nước của tác giả

NHỮNG NGƯỜI BÀ LA MÔN LÀ AI?

Những người Bà La Môn thuộc đẳng cấp cao nhất trong số bốn đẳng cấp còn gọi là varna (các màu sắc) vốn tạo thành kết cấu của xã hội Ấn Độ từ hàng nghìn năm nay. Lúc đầu, đó là các giáo sĩ phụ trách các nghi lễ hiến tế, họ có đặc quyền và bổn phận phải học và dạy các văn bản kinh Vệ Đà. Một cách tổng quát hơn, họ phải là hiện thân của “dharma”, nghĩa là trật tự xã hội và trật tự vũ trụ, và làm cho các đẳng cấp khác phải tôn trọng dharma. Kết quả là từ ngàn xưa những người Bà La Môn là những người được học tập, những người có kiến thức, đó là những trí thức có đặc quyền của Ấn Độ. Tự muôn đời, người Bà La Môn liên minh với đẳng cấp thứ hai là kshatriyas là những chiến binh đã cung cấp các rajas [từ gốc sanskrit có nghĩa là vị vua hay người lãnh đạo -ND-], các vua và chiến binh quý tộc của Ấn Độ. Thuộc về đẳng cấp Bà La Môn là thần quyền và sự duy trì trật tự vũ trụ, thuộc về đẳng cấp kshatriyas là quyền thế tục và chiến tranh. Các đẳng cấp khác không làm gì khác ngoài phục tùng và khúm núm làm việc, không được phản đối. Chính là với luật của “dharma” mà mỗi người phải cống hiến cho thế giới từ vị trí của mình, không ra ngoài hoàn cảnh ra đời của mình: có rất ít các cuộc cách mạng ở Ấn Độ.

Ta nhận ra người Bà La Môn trong đời sống hàng ngày nhờ vào những điểm gì? Có ba dấu hiệu.

Cái tên. Có hàng trăm cái tên Bà La Môn ở Ấn Độ nhưng nếu bạn gặp một người mang tên Sharma, Roy, Tagore, Iyer, Mishra, Trivedi, Varma hay còn là Pandey, Shukla, Goswami, Pillai, v.v., bạn sẽ biết người này là Bà La Môn. Ở Ấn Độ, người ta đoán biết đẳng cấp của người đối thoại qua cái tên của họ.

Nghề nghiệp. Ngoài hoạt động lúc đầu của họ là giáo sĩ ở các đền thờ, trong đời sống dân sự người Bà La Môn chiếm độc quyền các vị trí luật sư, quan toà, kỹ sư, giáo sư đại học, nhà nghiên cứu, chuyên viên tin học, kế toán, chủ ngân hàng và cũng là chính trị gia – mặc dù ngày nay các thành viên của các đẳng cấp khác có thể tham gia các ngành nghề này. Người Bà La Môn đã để lại những tên tuổi lớn trong cuộc chiến đấu giành độc lập của Ấn Độ. Ta có thể kể Jawaharlal Nehru là một người Bà La Môn vùng Kashmir, Mangal Pandey, người đã hy sinh trong vụ nổi dậy năm 1857, hay còn là Subhas Chandra Bose, người anh hùng vùng Bengale trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của nước Anh trước khi ông bị lạc lối đi theo Đức Quốc xã và kết thúc đời mình một cách bi thảm trong một tai nạn máy bay.

Người Bà La Môn cũng để lại những nhân vật danh tiếng trong thế giới kinh doanh, nhất là trong công nghệ. Narayana Murthy, người thành lập Infosys, Satya Nadella hiện là chủ của Microsoft, Sundar Pichai, tổng giám đốc Google, họ là những người Bà La Môn đã thành công xuất sắc trong dharma - quy luật tự nhiên - của chủ nghĩa tư bản thế giới! 

Dây vải. Dấu hiệu thứ ba này khó thấy hơn. Có thể nhận ra một người Bà La Môn qua sợi dây vải họ quấn từ vai qua thân, dây vải mà duy nhất chỉ có họ có quyền quấn, khác với dấu chấm trên trán (tika) của tất cả người Ấn Độ. 

Có bao nhiêu người Bà La Môn? Để ước lượng số này trong dân số Ấn Độ - ước lượng của cá nhân tôi - trước hết cần phân biệt người theo Ấn Độ giáo chiếm chừng 80% dân số Ấn Độ (1,160 tỷ), các tôn giáo khác chiếm 20% trong đó có 14,5% là người theo Hồi giáo (210 triệu), trên tổng dân số Ấn Độ là 1,450 tỷ, từ nay vượt hơn Trung Quốc. Tiếp theo, trong những người theo Ấn Độ giáo, ba đẳng cấp cao chiếm 18% tổng dân số Ấn Độ. Các đẳng cấp thấp hơn (Other Backward Castes - OBC -), đẳng cấp Scheduled Castes (SC, Intouchables) và Schheduled Tribes (ST, dân số bộ lạc) chiếm 62% tổng dân số Ấn Độ! Người Bà La Môn có lẽ chiếm 4% dân số, nghĩa là 58 triệu, gần bằng một nước Pháp, hơn cả số người theo đạo Thiên Chúa với khoảng 3% là 44 triệu.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: Narisimha, le brahmane dont la fille aimait un intouchable”, Asialyst, 1.4.2025.

Print Friendly and PDF