MỘT TRĂM NGÀY CỦA DONALD J. TRUMP: ĐO LƯỜNG CƠN ĐỊA CHẤN CỦA MỘT CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG ĐẾ CHẾ
(bản đồ, biểu đồ, số liệu chính)
Trong 100 ngày, Donald Trump là vị tổng thống gây xáo trộn nền kinh tế của đất nước mình và của thế giới nhiều nhất - gần như hoàn toàn thông qua quyền hành pháp và bằng cách tiêu diệt Nhà nước pháp quyền.
Ông cũng là người ít được lòng dân nhất và dành hơn một phần tư thời gian để chơi golf.
Một nghiên cứu gồm 10 điểm nhằm hiểu và định lượng chính sách của ông vượt ra ngoài cảnh tượng phá hoại được dàn dựng từ Nhà Trắng.
Tác giả: Marin Saillofest
Nhà nghiên cứu và phân tích địa chính trị trong Nhóm Nghiên Cứu Địa Chính Trị của LE GRAND CONTINENT
1 - Donald Trump là vị tổng thống ít được lòng dân nhất trong 70 năm qua
Uy tín của Trump đã giảm dần ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai. Từ mức trung bình 49% cho đến đầu tháng 2, con số này đã giảm xuống còn 43,3% ý kiến tán thành vào thứ Ba, ngày 29 tháng 4.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew được tiến hành từ ngày 7 đến ngày 13 tháng 4, sau thông báo về mức thuế “có đi có lại” vào ngày 2 tháng 4 và sự sụp đổ sau đó của thị trường chứng khoán toàn cầu, đã cho thấy rằng người Mỹ chỉ trích nhiều nhất cách cai trị của Trump và chương trình nghị sự về thương mại và thuế quan của ông.
Tỷ lệ tán thành nhiệm kỳ của Trump
![]() |
Biểu đồ: Le Grand Continent • Nguồn: G. Elliott Morris. (Xem biểu đồ động tại đây) |
Trong khi phần lớn đảng viên Cộng hòa vẫn ủng hộ chương trình nghị sự kinh tế của Trump và kỳ vọng các “điều kiện” kinh tế sẽ được cải thiện, thì tỷ lệ đó đã giảm 8 phần trăm từ tháng 2 đến tháng 4.
Theo dữ liệu thăm dò do nhà phân tích độc lập G. Elliott Morris tổng gộp, mức độ ủng hộ ròng của Trump (tỷ lệ người trả lời cho biết họ “tán thành” nhiệm kỳ của ông, trừ đi tỷ lệ người cho biết họ “không tán thành”) là - 9,7 vào ngày thứ 98 của nhiệm kỳ (thứ Ba, ngày 29 tháng 4) — so với - 8,9 vào cùng thời điểm năm 2017. Như vậy, từ ngày 20 tháng 1 năm 2025, Trump là tổng thống Hoa Kỳ ít được lòng dân nhất kể từ năm 1953.
Các cuộc biểu tình và tuần hành ở Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 4 năm 2025
Trong khuôn khổ của phong trào phản đối Trump “Đừng động vào/Hands Off!”
![]() |
Biểu đồ: Le Grand Continent • Nguồn: Hands Off! (Xem biểu đồ động tại đây) |
Vào ngày 5 tháng 4, phong trào phản đối Trump lớn đầu tiên, “Hands Off!”, đã tổ chức hơn 1.100 cuộc biểu tình và sự kiện trên khắp Hoa Kỳ, lên án “sự chiếm lấy quyền lực vô liêm sĩ nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ” và “cuộc tấn công toàn diện vào chính phủ, nền kinh tế và các quyền cơ bản của chúng ta” do Trump, Elon Musk “và những bộ hạ tỷ phú của họ với sự giúp đỡ của Quốc hội” dàn dựng. Về phần mình, Đảng Dân chủ mà tiếng nói vẫn chưa được nghe thấy, đang phải vật lộn để tìm ra một nhân vật có khả năng truyền tải thông điệp của đảng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026.
Từ ngày 20 tháng 1 năm 2025, Trump là tổng thống Hoa Kỳ ít được lòng dân nhất kể từ năm 1953.
2 - Trong 100 ngày Trump đã sử dụng quyền hành pháp nhiều hơn bất kỳ vị tổng thống nào khác
Kể từ tháng 1 năm 2025, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 chứng kiến Đảng Cộng hòa giành được Thượng viện, chức tổng thống và giữ quyền kiểm soát Hạ viện, Đảng Cộng hòa đã có được ba thành tựu: kiểm soát cả ba quyền lực tạo cho tổng thống không gian đáng kể để thực hiện chương trình nghị sự của mình.
Các đạo luật ban hành trong 100 ngày đầu tiên
![]() |
Biểu đồ: Le Grand Continent • Nguồn: U.S. Congress (Xem biểu đồ động tại đây) |
Tuy nhiên, kể từ khi trở lại nắm quyền vào ngày 20 tháng 1, Donald Trump gần như hoàn toàn dựa vào quyền hành pháp để lãnh đạo. Trong 100 ngày đầu tiên tại Nhà Trắng năm nay, Trump chỉ ký năm đạo luật, trong đó chỉ có một đạo luật (Đạo luật Laken Riley) tạo ra những thay đổi đáng kể đối với luật pháp của Hoa Kỳ, trong lãnh vực nhập cư.
Trong số bốn dự luật khác được ký, ba dự luật nhằm chấm dứt các quy định được thiết lập dưới thời Joe Biden, và một đạo luật cho phép duy trì tài trợ liên bang cho đến hết năm tài chính mà không mang lại bất kỳ bổ sung đáng kể nào so với luật ngân sách thường niên trước đây.
Kết quả là, Donald Trump là vị tổng thống ký ít luật nhất trong 100 ngày đầu tiên kể từ ít nhất năm 1953, dưới thời Dwight Eisenhower. Trong cùng thời kỳ, ông cũng phê chuẩn số luật ít hơn sáu lần so với nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Các sắc lệnh của Tổng thống được ký trong 100 ngày đầu tiên
![]() |
Dữ liệu được cập nhật vào ngày 29 tháng 4 năm 2025. Biểu đồ: Le Grand Continent • Nguồn: The Federal Registry, Maison-Blanche. (Xem biểu đồ động tại đây) |
Song song đó, Trump đã ký 142 sắc lệnh hành pháp (executive orders) từ ngày 20 tháng 1 đến thứ Ba 29 tháng 4, ngày thứ 99 của nhiệm kỳ thứ hai, nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ. Kỷ lục trước đó thuộc về Roosevelt, được một số nhà tư tưởng thân Trump như Curtis Yarvin coi là “nhà lãnh đạo điều hành” cuối cùng mà đất nước từng biết đến. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước, Joe Biden phải mất hơn 3,5 năm mới đạt được cùng số lượng tương tự (tháng 9 năm 2024).
Donald Trump là vị tổng thống ký ít luật nhất trong 100 ngày đầu tiên kể từ ít nhất năm 1953, dưới thời Dwight Eisenhower.
3 - Trump gây ra sự sụt giảm lớn nhất trên thị trường chứng khoán kể từ những năm 1970
Trump, người từng hứa hẹn một “sự bùng nổ chưa từng có” trong chiến dịch tranh cử tổng thống nếu đắc cử, đã chứng kiến S&P 500 giảm hơn 8% kể từ lễ nhậm chức của ông vào ngày 20 tháng 1, đây là mức giảm tệ nhất của thị trường chứng khoán đối với một tổng thống Hoa Kỳ kể từ Gerald Ford năm 1974. Sự sụt giảm này đang khiến cả những tác nhân ở Phố Wall và các nhà tài trợ lớn của Đảng Cộng hòa cũng như cử tri Đảng Cộng hòa lo ngại, những người có kế hoạch tiết kiệm hưu trí bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hiệu suất của các thị trường.
Thông báo của Donald Trump vào thứ Tư, ngày 2 tháng 4, về việc áp dụng thuế quan đối với phần lớn thế giới đã gây ra sự hoảng loạn chưa từng có trên thị trường chứng khoán kể từ đại dịch vi-rút corona. Ngày 7 tháng 4, các thị trường Châu Á ghi nhận mức giảm mạnh: -8,7% trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, -7% ở Singapore, -6% tại Nhật Bản, -5,5% tại Trung Quốc, -4,2% tại Malaysia, -4,1% tại Úc, -3,6% tại Philippines và -3,5% tại New Zealand. Vào đầu tháng 4, tỷ phú người Mỹ Bill Ackman – một người ủng hộ nhiệt thành của Trump – đã cảnh báo rằng nếu không có tín hiệu nào cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng tạm dừng việc thực hiện các mức thuế quan mới này, “chúng ta đang tiến vào một mùa đông kinh tế hạt nhân mà chúng ta đã tự gây ra”. Sự bất ổn do các thông báo thương mại của Trump gây ra trên các thị trường cũng tác động nghiêm trọng đến thị trường tiền mã hóa, vốn đã được hưởng lợi đáng kể từ chiến thắng của người thuộc đảng Cộng hòa này. Vào tháng 12, Bitcoin đã vượt qua mốc tượng trưng 100.000 đô la lần đầu tiên, trước khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào ngày Trump nhậm chức, ngày 20 tháng 1. Kể từ đó, tài sản kỹ thuật số này đã mất gần một phần năm giá trị. Diễn tiến giá đồng Bitcoin Biểu đồ: Le Grand Continent • Nguồn: Investing. (Xem biểu đồ động tại đây) Vào thứ Tư, ngày 30 tháng 4, một Bitcoin được giao dịch ở mức 94.500 đô la, giảm 16,1% so với mức đỉnh điểm của hơn ba tháng trước (109.228 đô la). Bất chấp các thông báo của chính quyền Trump nhằm khuyến khích đầu tư vào tiền điện tử, giá Bitcoin vẫn đang chật vật để trở lại mức trước ngày nhậm chức. Xu hướng này không bị đảo ngược khi Trump ký lệnh hành pháp vào ngày 6 tháng 3 thiết lập sự thành lập “kho dự trữ chiến lược” tiền mã hóa, hay khi tổ chức này ra mắt vào ngày hôm sau của “Hội nghị thượng đỉnh Nhà Trắng về Tài sản kỹ thuật số” đầu tiên. Kể từ khi Trump nhậm chức, Bitcoin đã mất gần một phần năm giá trị. 4 - D.O.G.E của Elon Musk gây ra sự gia tăng chi tiêu của liên bang - trái ngược với việc cắt giảm ngân sách mà ông muốn đạt được Chức năng của cơ quan mới, Bộ Hiệu quả Chính phủ (D.O.G.E.), được Trump công bố vào thứ Ba, ngày 12 tháng 11, có phạm vi hoạt động rất rộng, rộng đến mức Trump nói rằng nó có khả năng trở thành “Dự án Manhattan của thời đại chúng ta”. Đặc biệt D.O.G.E. được giao nhiệm vụ là “phá vỡ bộ máy quan liêu của chính phủ, xóa bỏ các quy định quá mức, giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang”.
Vai trò trung tâm của Elon Musk trong chính quyền liên bang thông qua D.O.G.E. đã tỏ rõ là một chiến lược bị cử tri thách thức trong những tuần gần đây. Musk đã không cắt giảm được chi tiêu liên bang, nhưng việc sa thải bừa bãi và việc phá vỡ chính phủ một cách tàn bạo đã góp phần đáng kể vào sự suy giảm uy tín của tổng thống. Tính đến ngày 11 tháng 4 năm 2025, D.O.G.E. của Elon Musk tuyên bố đã tiết kiệm cho chính phủ Hoa Kỳ 150 tỷ đô la. Vì không thể xác định được các hợp đồng bị Musk hủy có thực sự mang lại khoản tiết kiệm hay không, Bộ Tài chính đã từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể về tác động của D.O.G.E., nên có thể cho rằng chính quyền Hoa Kỳ đã tăng đáng kể chi tiêu đến mức vượt xa số tiền tiết kiệm mà Musk và nhóm của ông đã thực hiện. Tổng chi tiêu của chính phủ liên bang Hoa Kỳ Biểu đồ: Le Grand Continent • Nguồn: The Hamilton Project. (Xem biểu đồ động tại đây) Theo số liệu chính thức, vào tháng 3 chi tiêu liên bang đã tăng 8% so với cùng thời điểm năm ngoái, thậm chí còn cao hơn so với tháng trước. Chính phủ Hoa Kỳ đã chi 611 tỷ đô la vào tháng 3 năm 2025, bao gồm 104 tỷ đô la chỉ riêng cho khoản nợ, so với 89 tỷ đô la vào cùng thời điểm năm ngoái. Musk đã không cắt giảm được chi tiêu liên bang, nhưng việc sa thải bừa bãi và việc phá vỡ chính phủ một cách tàn bạo đã góp phần đáng kể vào sự suy giảm uy tín của tổng thống. Một phần sự gia tăng chi tiêu của Mỹ cũng được thúc đẩy bởi chính D.O.G.E. Việc sa thải và tuyển dụng lại hàng nghìn công chức - đôi khi chỉ cách nhau vài ngày - đi kèm với chi phí hành chính đáng kể được phản ánh trong chi tiêu của Nhà nước. Hơn nữa, việc các nhân viên liên bang tiếp tục được trả lương đến hết năm tài chính để đổi lấy việc tự nguyện nghỉ việc có khả năng làm tăng chi phí tiền lương trong năm nay. Tương tự như vậy, việc D.O.G.E. khuyến nghị sa thải hàng chục nghìn nhân viên của Sở Thuế vụ (IRS) sẽ dẫn đến thiệt hại hơn 500 tỷ đô la tiền thuế liên bang. Trong cuộc thăm dò mới nhất của Washington Post-ABC News-Ipsos công bố hôm thứ Ba, ngày 29 tháng 4, chỉ có 35% người Mỹ nói rằng họ tán thành “cách Elon Musk thực hiện nhiệm vụ của mình trong chính quyền Trump”, trong khi hơn đa số (57%) không tán thành. Việc sa thải và tuyển dụng lại hàng nghìn công chức - đôi khi chỉ cách nhau vài ngày - đi kèm với chi phí hành chính đáng kể được phản ánh trong chi tiêu của chính phủ. 5 - Thuế quan của Trump sẽ làm giảm đáng kể thương mại toàn cầu và làm tăng nguy cơ suy thoái ở Hoa Kỳ Theo một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và công ty vận tải DHL, khi xét đến bốn thông số cơ bản: sự lưu thông của tiền tệ, con người, thông tin và hàng hóa, thì toàn cầu hóa vẫn ở mức kỷ lục vào năm 2024. Tuy nhiên, việc Trump trở lại nắm quyền và áp dụng thuế quan đối với phần lớn các nước trên thế giới dự kiến sẽ dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong thương mại toàn cầu vào năm 2025. Trong báo cáo thường niên được công bố vào thứ Tư, ngày 16 tháng 4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm nay - có thể lên tới 0,8% nếu Trump quyết định áp dụng lại mức thuế quan “có đi có lại” của mình. Theo tổ chức này, sự suy giảm của các vụ giao dịch có liên quan trực tiếp đến chính sách thuế quan của chính quyền Trump. Trong dự báo ban đầu, không tính đến thuế quan của Trump, tổ chức này dự kiến khối lượng giao dịch hàng hóa sẽ tăng 2,7%, thấp hơn một chút so với mức tăng được ghi nhận vào năm 2024 (2,9%). Các quyết định của Trump cũng tác động đến dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ, gây ra những tác động tiêu cực đến một số nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Vào tháng 1, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 3,3% trong năm 2025 và 2026 (+0,1% so với tháng 10 năm 2024), đặc biệt là nhờ triển vọng tích cực của Hoa Kỳ. Trong bản cập nhật mới nhất, tổ chức này đã điều chỉnh dự báo xuống còn 2,8% cho năm nay và 3% cho năm sau. Xác suất nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái trong năm nay hiện ở mức gần 40%, tăng so với mức 25% trong bản cập nhật tháng 1. Với mức giảm 0,9 điểm vào năm 2025, nền kinh tế Mỹ sẽ là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự thay đổi của động thái kể từ khi Donald Trump trở lại nắm quyền. Hơn nữa, thuế quan dự kiến sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn – dự phóng về mức tăng giá đã được điều chỉnh lên 3% (cao hơn 1 điểm so với dự báo hồi tháng 1). Dù dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, IMF vẫn tin rằng chúng ta có thể tránh được kịch bản suy thoái cho năm 2025 và 2026. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cảnh báo rằng khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái trong năm nay hiện ở mức gần 40%, so với 25% trong bản cập nhật tháng 1. 6 - Khi tấn công vào bộ máy liên bang, Trump làm giảm tác động của Hoa Kỳ trên thế giới Trump và các đồng minh của ông tin rằng “việc điều chỉnh nhân sự là chưa đủ” mà cần phải “tái cấu trúc hoàn toàn” tổ chức quyền hành pháp bằng cách bố trí tại Nhà Trắng, các bộ và cơ quan liên bang những công chức hoàn toàn tán đồng dự án của Trump. Do đó Trump đã chọn những thành viên trung thành để thành lập chính quyền của mình, đưa Pete Hegseth vào vị trí người đứng đầu Bộ Quốc phòng - người không có kinh nghiệm trước đó khả dĩ có thể biện minh cho việc được bổ nhiệm - cựu Thống đốc Nam Dakota Kristi Noem vào vị trí người đứng đầu Bộ An ninh Nội địa - một nhân vật tương đối mới trong phong trào Trumpist, người đã xây dựng danh tiếng bằng cách tham gia vào “cuộc chiến văn hóa” giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến - và nhà lý thuyết âm mưu và nhà hoạt động chống vắc-xin Robert F. Kennedy Jr. vào vị trí người đứng đầu Bộ Y tế. Ngoài những quan chức này, những người đã được Thượng viện phê chuẩn, Trump cũng đã trao quyền ảnh hưởng đáng kể cho một số cố vấn bên ngoài, từ Elon Musk với tư cách là người đứng đầu D.O.G.E cho đến đặc phái viên của Trump về Trung Đông là Steve Witkoff mà phạm vi hoat động cũng bao gồm các cuộc đàm phán về Ukraine và Gaza. Trump đã tấn công USAID, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Bộ Giáo dục, nơi Bộ trưởng Linda McMahon được giao nhiệm vụ giải thể để lách tránh Quốc hội, và hiện dường như đang theo đuổi sự cải cách toàn diện Bộ Ngoại giao, cơ quan giám sát bộ máy ngoại giao Hoa Kỳ. Trump và các đồng minh của ông tin rằng “việc điều chỉnh nhân sự là chưa đủ” mà cần phải “tái cấu trúc hoàn toàn” tổ chức quyền hành pháp bằng cách bố trí tại Nhà Trắng, các bộ và cơ quan liên bang những công chức hoàn toàn tán đồng dự án của Trump. Theo một thông tư do giám đốc Cục Ngân sách và Kế hoạch (BP) của Bộ Ngoại giao, Douglas Pitkin, và cựu giám đốc Văn phòng Hỗ trợ nước ngoài Pete Marocco, người đã rời nhiệm sở vào Chủ Nhật, ngày 13 tháng 4, soạn thảo, ngân sách của bộ có thể giảm từ 54,4 tỷ đô la một năm hiện nay xuống còn 28,4 tỷ đô la vào đầu năm tài chính 2026, bắt đầu từ ngày 1 tháng 10. Sự cắt giảm mạnh mẽ này sẽ dẫn đến việc xóa bỏ hàng chục cơ sở ngoại giao, bao gồm các lãnh sự quán quan trọng: Lyon, Marseille, Rennes, Bordeaux và Strasbourg ở Pháp, Florence ở Ý, Düsseldorf và Leipzig ở Đức và Edinburgh ở Scotland. Nhân sự được triển khai tới Trung tâm Hỗ trợ Ngoại giao ở Bagdad, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Mogadiscio, Somalie và các lãnh sự quán ở Montréal và Halifax, Canada sẽ bị cắt giảm xuống mức tối thiểu. Là một phần trong nỗ lực giải thể USAID của chính quyền Trump, thông tư nội bộ này cũng khuyến nghị chấm dứt sự đóng góp vào ngân sách của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, OECD và NATO. Trong Bộ Ngoại giao, Marocco là một trong những người chủ chốt đứng sau việc đóng cửa USAID. 7 - Trump đã thực hiện một phần ba các khuyến nghị của Dự án 2025 – bằng cách tiến xa hơn nữa Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump đã nhiều lần lánh xa Dự án 2025, một văn kiện có tính chương trình do Heritage Foundation chủ trì với sự hợp tác của hàng chục tổ chức bảo thủ và một số tổ chức cực đoan. Theo đài quan sát, được nhà báo độc lập Adrienne Cobb tiếp liệu và cập nhật, Donald Trump đã thực hiện 97 trong số 312 biện pháp của Dự án 2025 do Cobb liệt kê và 62 biện pháp đang trong quá trình thực hiện. Chính quyền Cộng hòa đã thực hiện nhiều biện pháp tại Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp, cắt giảm đáng kể nhân sự liên bang bằng cách sa thải các viên chức và tạm thời ngừng tuyển dụng, cũng như tại Nhà Trắng.
Nếu Trump tôn trọng và triển khai “tinh thần” của Dự án 2025, ông cũng đã đi xa hơn so với tài liệu này ở một số lĩnh vực. Việc rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, chấm dứt các sáng kiến DEI trong chính quyền liên bang, cấm các vận động viên chuyển giới tham gia các đội thể thao nữ, bắt buộc các cơ quan và sở ban ngành liên bang sử dụng giới tính sinh học của cá nhân trong tài liệu của họ và triển khai “chính sách gây sức ép tối đa” đối với Iran đều là các biện pháp được Heritage khuyến nghị. Tuy nhiên, thay vì chỉ cung cấp tiền bồi thường cho các nhân viên CIA để đổi lấy đơn từ chức, Trump đã mở rộng lời đề nghị này cho toàn bộ chính quyền liên bang. Tương tự như vậy, tổng thống đã cam kết giải thể toàn bộ USAID, mặc dù Dự án 2025 chỉ khuyến nghị “điều chỉnh lại viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ phù hợp với lợi ích quốc gia và các nguyên tắc quản trị tốt của Hoa Kỳ”. Nếu Trump tôn trọng và triển khai “tinh thần” của Dự án 2025, ông cũng đã đi xa hơn so với tài liệu này ở một số lĩnh vực. 8 - Chính quyền Trump khiến Hoa Kỳ trở thành điểm đến ngày càng kém hấp dẫn đối với khách du lịch, tác động đến nền kinh tế Mỹ Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, số lượng du khách quốc tế đến Hoa Kỳ từ bên ngoài Bắc Mỹ đã giảm 11,6% vào tháng 3 so với năm 2024. Đối với Mexico, mức giảm thậm chí còn đáng kể hơn: -23% so với cùng thời điểm năm ngoái. Tháng trước, có chưa đến 1,5 triệu khách du lịch Canada vượt biên giới bằng ô tô, giảm 31,9% so với tháng 3 năm 2024. Diễn biến về số lượng du khách quốc tế đến Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2025 Không có dữ liệu cho Canada. So sánh cùng thời điểm (%). Bản đồ: Le Grand Continent • Nguồn: U.S. International Trade Administration. (Xem biểu đồ động tại đây) Theo các dự phóng mới nhất của Tourism Economics, xu hướng này có thể sẽ tác động lâu dài đến nền kinh tế du lịch Hoa Kỳ vào năm 2025. Trong dự báo mới nhất vào ngày 3 tháng 4, trung tâm nghiên cứu dự kiến lượng khách du lịch dự kiến đến Hoa Kỳ trong năm nay sẽ giảm 9,4% (tương ứng với lượng khách du lịch ít hơn gần 7 triệu so với năm 2024). Chi tiêu của khách du lịch có thể sẽ giảm 5%, gây thiệt hại ròng 9 tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ. Hơn một phần ba khoản mất mát này (3,4 tỷ) là do lượng khách du lịch Canada giảm (-20,2% trên cả năm). Nếu không tính đến sự suy giảm trong du lịch quốc tế do đại dịch vi-rút corona, số lượng khách du lịch đến Hoa Kỳ sẽ trở lại mức của năm 2011-2012. Ngoài tác động đến hình ảnh và quyền lực mềm của Hoa Kỳ, sự suy giảm lượng du lịch quốc tế đến Hoa Kỳ cũng có khả năng dẫn đến mất hàng chục nghìn việc làm. Cơ quan Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ước tính cứ 40 chuyến thăm quốc tế sẽ tạo ra một việc làm tại Hoa Kỳ. Dựa trên dự báo của Tourism Economics, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể mất tới 170.117 việc làm trong năm nay với lượng du khách giảm 9,4%. Biểu đồ: Le Grand Continent • Nguồn: U.S. International Trade Administration. (Xem biểu đồ động tại đây) Nhiệm kỳ thứ hai của Trump diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với ngành du lịch Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ đăng cai một số sự kiện quốc tế lớn vào cuối thập kỷ này, bao gồm Ryder Cup vào tháng 9 năm 2025, FIFA World Cup vào mùa hè năm 2026 và Thế vận hội mùa hè 2028 tại Los Angeles. Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ/ U.S. Travel Association dự đoán những sự kiện này sẽ thu hút 40 triệu du khách quốc tế và mang lại 95 tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Với Trump, số lượng khách du lịch đến Hoa Kỳ dự kiến sẽ trở lại mức của năm 2011-2012. 9 - Cuộc chiến chống lại người nước ngoài đang làm thay đổi sâu sắc Nhà nước pháp quyền trong nền dân chủ Hoa Kỳ Kể từ khi Trump nhậm chức, số lượng người vượt biên trái phép từ biên giới với Mexico đã giảm đáng kể so với những năm trước. Vào tháng 3, Đội Biên phòng Hoa Kỳ/United States Border Patrol đã bắt giữ 7.181 người nhập cư bất hợp pháp vượt biên giới, giảm 95% so với tháng 3 năm 2024. Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định đã trục xuất hơn 149.000 người nhập cư bất hợp pháp kể từ ngày 20 tháng 1. Ngoài việc tăng cường các nguồn lực quân sự của Hoa Kỳ được triển khai tại biên giới và lắp thêm dây thép gai, chính quyền Trump đã triển khai một loạt các biện pháp nhằm can ngăn người di cư vượt biên giới: đóng ứng dụng CBP One cho phép họ đặt lịch hẹn với chính quyền và do đó giảm thời gian chờ đợi, khôi phục các thủ tục bảo vệ người di cư (chính sách “Ở lại Mexico”/“Remain in Mexico”, bị một thẩm phán chặn vào ngày 16 tháng 4), chấm dứt các chương trình ân xá có điều kiện theo chương trình đoàn tụ gia đình đối với một số đơn xin thị thực nhập cư của người Cuba, Guatemala, Haiti, Colombia và Salvador, đóng cửa các văn phòng lưu động ở Mỹ Latinh, v.v.. Vào thứ Hai, ngày 28 tháng 4, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã công bố một dự luật cho phép chính quyền áp dụng mức phạt 1.000 đô la đối với bất kỳ ai xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Nếu được thực hiện, biện pháp này có khả năng vi phạm Nghị định thư năm 1967 về Quy chế của Người tị nạn, đã được Hoa Kỳ phê chuẩn. Những lo ngại tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico Biểu đồ: Le Grand Continent • Nguồn: U.S. Customs and Border Protection. (Xem biểu đồ động tại đây) Theo nguồn tin do tờ New York Times được tham khảo, Donald Trump cũng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao lập danh sách các quốc gia mà công dân có thể sớm bị áp dụng lệnh hạn chế nghiêm ngặt hoặc lệnh cấm hoàn toàn việc đi đến Hoa Kỳ. Danh sách này có thể thay đổi trước khi được triển khai, cho thấy lập trường cứng rắn hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump đã nhắm mục tiêu vào công dân của bảy quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) trong một sắc lệnh mà sau này thường được gọi là “Lệnh cấm người Hồi giáo/Muslim Ban” trong tuần đầu tiên ông ở Nhà Trắng. Lần này, tổng thống có thể mở rộng đáng kể các hạn chế đối với việc tiếp cận lãnh thổ Hoa Kỳ, vì ba danh mục do Bộ Ngoại giao lập ra hiện bao gồm tổng cộng 43 quốc gia. Danh sách tạm thời các quốc gia bị cấm tiếp cận lãnh thổ có khả năng được chính quyền Trump thứ hai thiết lập Bản đồ: Le Grand Continent • Nguồn: The New York Times. (Xem biểu đồ động tại đây) Việc thắt chặt chính sách nhập cư của chính quyền Trump cũng nhắm vào những người có quy chế hợp pháp, thông qua thị thực du học, thị thực tạm thời hoặc khách du lịch đến Hoa Kỳ trong thời gian ngắn. Vào ngày 29 tháng 1, chín ngày sau khi trở lại nắm quyền, Donald Trump đã ký một sắc lệnh tổng thống yêu cầu chính quyền của ông “thực hiện các bước bổ sung để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái” tại Hoa Kỳ. Dựa trên sắc lệnh hành pháp trước đó được ký trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2019, tổng thống Hoa Kỳ đã cam kết sẽ nhắm mục tiêu cụ thể vào những sinh viên quốc tế tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine tại các trường đại học ở Hoa Kỳ. Trong một tài liệu được công bố ngay vào hôm sau nêu rõ phạm vi của các hành động được dự kiến, Trump tuyên bố: “Đối với tất cả những người nước ngoài thường trú đã tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ thánh chiến, chúng tôi cảnh báo các bạn: vào năm 2025, chúng tôi sẽ tìm thấy các bạn và chúng tôi sẽ trục xuất các bạn. Tôi cũng sẽ nhanh chóng hủy bỏ thị thực du học của tất cả những người ủng hộ Hamas tại các trường đại học, những nơi đã bị chủ nghĩa cực đoan xâm chiếm hơn bao giờ hết.” Việc thắt chặt chính sách nhập cư của chính quyền Trump cũng nhắm vào những người có quy chế hợp pháp. Viện dẫn một điều khoản của Đạo luật Di trú và Quốc tịch năm 1952, cho phép bộ trưởng ngoại giao trục xuất một công dân nước ngoài nếu các hoạt động mà công dân nước ngoài đó dự định thực hiện có khả năng “gây hậu quả nghiêm trọng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”, chính quyền Trump đã cố gắng trục xuất ngay từ bây giờ một nhà hoạt động ủng hộ Palestine và là sinh viên tại Đại học Columbia, Mahmoud Khalil. Nhiều sinh viên quốc tế khác đang cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ hoặc đã hết hạn thời gian lưu trú tại Hoa Kỳ đã trở thành mục tiêu của chính quyền Hoa Kỳ vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine, được tổ chức thường xuyên tại các trường đại học kể từ tháng 10 năm 2023. Tỷ lệ giam giữ trên 100.000 dân (2022) Ngoại trừ các nước nhỏ và các nước đảo Biểu đồ: Le Grand Continent • Nguồn: World Prison Brief (WPB) Chính quyền Trump cũng trục xuất “người nước ngoài là kẻ thù” đến El Salvador, bất chấp lệnh cấm do thẩm phán liên bang Washington James E. Boasberg ban hành, người đã ra lệnh tạm dừng lệnh trục xuất vài giờ trước đó Kilmar Ábrego García, bị Trump trục xuất “nhầm” và bị giam giữ trong nhà tù khổng lồ của Bukele, vẫn đang ở El Salvador. Một số khách du lịch và học giả nước ngoài cũng bị chính quyền giam giữ sau khi nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Ví dụ, một nữ du khách xứ Wales đã bị còng tay và đưa đến một trung tâm giam giữ ở Tacoma, Washington, và một công dân Đức đã bị bắt giữ tại cửa khẩu biên giới San Ysidro vào cuối tháng 1 sau khi cố gắng đi từ Tijuana, Mexico đến Los Angeles. Các nhà chức trách nghi ngờ cô muốn đến Hoa Kỳ để làm nghề xăm hình bất hợp pháp, dựa trên các thiết bị cô mang theo. 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump được đánh dấu bằng nhiều hành vi vi phạm trắng trợn Nhà nước pháp quyền, từ việc trục xuất Kilmar Ábrego García cho đến việc chính quyền liên bang chặn việc giải ngân các khoản tiền do Quốc hội phân bổ (ước tính khoảng 430 tỷ đô la), nhưng cũng bởi các cuộc tấn công vào tính độc lập của quyền tư pháp, đáng chú ý nhất là vụ các đặc vụ FBI bắt giữ bà Thẩm phán Hannah Dugan vào ngày 25 tháng 4 với cáo buộc được cho là đã giúp một người nhập cư không có giấy tờ thoát khỏi lệnh bắt giữ. Dưới thời Pam Bondi, Bộ Tư pháp cho biết họ sẽ điều tra “bất kỳ viên chức địa phương nào không hợp tác với cơ quan liên bang trong lãnh vực nhập cư”. Ngoài những vụ bắt giữ và trục xuất này, cách diễn giải rất rộng của chính quyền Trump về một số điều khoản nhất định của Hiến pháp là kết quả của một chiến lược có chủ đích nhằm thử nghiệm giới hạn của Học thuyết về một nền hành pháp thống nhất. Học thuyết này, được các nhà luật học và nhà lập hiến bảo thủ ủng hộ và phát triển qua nhiều năm, cho rằng Hiến pháp trao cho tổng thống quyền kiểm soát gần như tuyệt đối đối với chính quyền liên bang. Theo cách đọc này, chủ yếu dựa trên cách giải thích Điều II (của Hiến Pháp Hoa Kỳ - ND), quyền lực của cơ quan hành pháp sẽ cao hơn quyền lực của Quốc hội - và không nên tuân theo các quyết định của tòa án. Vào tháng 2, Phó Tổng thống J.D. Vance đã công bố trên X: “Thẩm phán không được phép kiểm tra quyền lực chính đáng của cơ quan hành pháp.” Theo danh sách do Trường Luật Đại học New York thiết lập, tính đến ngày 29 tháng 4, các quyết định của Trump đã dẫn đến 210 vụ kiện. Nhà Trắng hy vọng rằng một số vụ việc này sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao và sẽ dẫn đến những phán quyết theo chiều hướng Học thuyết về một nền Hành pháp Thống nhất - qua đó sẽ cung cấp cơ sở hiến pháp cho việc thực thi quyền lực của Trump. 10 - Trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống tập trung vào hành pháp, Trump đã dành 24 ngày để chơi golf Trong khi Trump đã biến đổi sâu sắc chính quyền liên bang, nền chính trị Hoa Kỳ và thách thức cán cân thương mại toàn cầu chỉ trong vòng ba tháng, ông cũng đã dành nhiều thời gian chơi golf hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Ví dụ, tính đến ngày 30 tháng 4, tổng thống Mỹ đã dành 24 trong số 100 ngày để chơi golf. Tổng thống đảng Cộng hòa sở hữu nhiều bất động sản ở Florida, bang New York, New Jersey và Washington, D.C., nơi ông thường chơi golf với các thành viên trong gia đình (như cháu gái Kai, một golf thủ thuộc đội đại học Miami Hurricanes, hay con trai Don Jr.), các thành viên Quốc hội (đặc biệt là Lindsey Graham), các thành viên chính quyền của ông hay các nhà lãnh đạo nước ngoài. Các khu phức hợp giải trí và sân golf của Donald Trump Không phải là hiếm khi các tổng thống Mỹ rời Nhà Trắng vào cuối tuần để trở về thành phố cư trú của họ. Trong nhiệm kỳ của mình, Joe Biden vẫn duy trì thói quen hình thành trong những năm ở Thượng viện, đó là đi tàu hỏa về Wilmington, Delaware, cách Washington 160 km, nhiều lần một tuần. Cùng với việc củng cố quyền hành pháp của mình, Trump dành nhiều thời gian chơi golf hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Với những chuyến đi lại thường xuyên giữa thủ đô liên bang và nơi cư trú chính của ông tại Mar-a-Lago, Florida, Trump quay trở lại với những thói quen đã hình thành trong nhiệm kỳ đầu tiên. Từ năm 2017 đến năm 2021, ngày làm việc của tổng thống đảng Cộng hòa trung bình kéo dài 6,03 giờ giữa cuộc hẹn đầu tiên và cuối cùng, khiến ông trở thành tổng thống kém năng suất nhất kể từ ít nhất là Franklin D. Roosevelt. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, 60% thời gian làm việc của Donald Trump được dành cho “thời gian điều hành”, tức là khoảng thời gian dành cho các chương trình truyền hình, đọc báo và gọi điện thoại. Hiệu suất của các chỉ số chứng khoán chính sau Ngày Giải phóng, theo quốc gia Vào thời điểm mở cửa thị trường chứng khoán đối với Châu Âu vào thứ Hai, ngày 7 tháng 4, vào thời điểm đóng cửa thị trường ở Á Châu và đóng của đối với Châu Mỹ. Bản đồ động: Le Grand Continent • Nguồn: Investing, Bloomberg. (Xem biểu đồ động tại đây) Đáng chú ý là vào ngày 2 tháng 4, sau khi công bố “thuế quan đối ứng”, Trump đã bay đến Florida để nghỉ cuối tuần tại dinh thự Mar-a-Lago của mình. Tối hôm đó, ông đã tham dự bữa tiệc tối với các nhà lãnh đạo của LIV Golf, một giải đấu golf chuyên nghiệp được tài trợ bởi quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia đã từng tổ chức một số cuộc thi đấu trên các sân golf của tổng thống Mỹ. Cùng lúc đó, chỉ số S&P 500 sụp đổ, cũng như các thị trường chứng khoán trên phần lớn thế giới. Phạm Như Hồ dịch Nguồn: “Les cent jours de Donald J. Trump: mesurer le séisme d’une présidence impériale (cartes, graphiques, chiffres clés”, Le grand continent, 30.4.2025.Biểu đồ: Le Grand Continent