Lí thuyết tổng quát về việc làm
J. M. Keynes
[...] Tôi quan tâm nhiều đến những ý tưỏng cơ bản tương đối đơn giản đặt nền móng cho lí thuyết của tôi hơn là những dạng đặc biệt tôi đã dùng để gói ghém chúng. Và ở thời điểm này của cuộc thảo luận tôi không hề muốn định hình những dạng ấy. Nếu những ý tưởng cơ bản và đơn giản ấy trở nên quen thuộc và được chấp nhận thì thời gian và kinh nghiệm cùng với sự cộng tác của nhiều bộ óc sẽ tìm ra cách tốt nhất để biểu đạt chúng. [...]
I.
Phân tích của Ricardo thường được công nhận là liên quan đến điều ngày nay ta gọi là cân bằng dài hạn. Đóng góp của Marshall chủ yếu là đã ghép thêm vào đó nguyên lí cận biên và nguyên lí thay thế cùng với việc xem xét sự chuyển dịch từ một vị thế cân bằng dài hạn sang một vị thế cân bằng dài hạn khác. Song cũng giống như Ricardo, ông đã giả định rằng số lượng các nhân tố sản xuất được sử dụng là cho trước và vấn đề là xác định cách thức sử dụng chúng và số tiền tương đối trả cho chúng. Edgeworth và giáo sư Pigou, và sau họ là những tác giả đương đại đã tinh tế hóa và cải tiến lí thuyết này bằng cách xem xét là những đặc trưng khác nhau của những hàm cung các nhân tố sản xuất tạo nên những hiệu ứng gì, những gì sẽ xảy ra trong điều kiện độc quyền và cạnh tranh hoàn hảo, trong chừng mực nào lợi thế xã hội và lợi thế cá nhân trùng khớp với nhau, việc trao đổi trong một hệ thống mở đặt ra những vấn đề gì đặc biệt, và những vấn đề tương tự. Nhưng giống như những người đi trước, các tác giả hiện đại này vẫn xét một hệ thống trong đó trị giá các nhân tố sử dụng là cho trước và những sự kiện thích đáng khác ít nhiều được biết một cách chắc chắn. Điều này không có nghĩa rằng họ xét đến một hệ thống không thừa nhận sự đổi thay hay ngay cả một hệ thống ngay từ đầu loại trừ khả năng những dự kiến sẽ tỏ ra là sai lầm. Nhưng ở bất kì thời điểm nào thì những sự kiện và dự báo đều được giả định là cho trước dưới một dạng nhất định và tính toán được; và rủi ro, dù được thừa nhận và không được quan tâm hơn nữa, được giả định là có thể tính toán một cách chính xác thể theo phép tính bảo hiểm. Phép tính xác suất, tuy chỉ bị ngầm ám chỉ, được giả định là có khả năng quy bất trắc về một vị thế tính toán được như thể đó là một tình trạng chắc chắn. Điều này giống với phép tính Bentham về nhọc nhằn và vui thú, thuận lợi và bất lợi, qua đó triết lí của Bentham giả định rằng phép tính này chi phối hành vi đạo đức của con người.
Tuy nhiên thật ra ta thường có một ý niệm mơ hồ về những hệ quả trực tiếp của hành động chúng ta, nếu không kể đến những hệ quả tức thì nhất. Đôi lúc chúng ta chẳng quan tâm mấy đến những hệ quả xa xôi của hành động, cho dù với thời gian và do ngẫu nhiên chúng trở nên quan trọng hơn. Nhưng đôi lúc ta lại quan tâm đến những hệ quả trong dài hạn này hơn là đến những hệ quả tức thì. Trong tất cả những hoạt động của con người chịu nỗi quan tâm xa vời này thì hoạt động quan trọng nhất là hoạt động có tính kinh tế, tức là việc tích lũy của cải. Mục đích của việc tích lũy là sản xuất ra kết quả hoặc kết quả tiềm tàng ở một thời điểm xa hơn hay đôi lúc ở một thời điểm lùi xa mãi trong tương lai. Vì thế do hiểu biết của chúng ta về tương lai là bấp bênh, mơ hồ và không chắc chắn nên việc ứng dụng các phương pháp của lí thuyết kinh tế cổ điển đối với của cải là không thích hợp. Lí thuyết này có thể là rất tốt cho một thế giới mà các sản phẩm kinh tế tất yếu được tiêu dùng một thời gian ngắn sau khi được sản xuất. Nhưng tôi gợi ý rằng lí thuyết này cần phải được tu chỉnh nhiều nếu muốn ứng dụng nó vào một thế giới trong đó sự tích lũy của cải cho một thời điểm bất định trong tương lai là một yếu tố quan trọng. Và vai trò tương đối của sự tích lũy của cải này càng quan trọng bao nhiêu thì việc tu chỉnh lí thuyết càng thiết yếu bấy nhiêu.
Cho phép tôi giải thích là khi nói đến hiểu biết đầy “bất trắc” tôi không chỉ muốn phân biệt giữa điều biết được một cách chắc chắn với điều có khả năng xảy ra. Trong nghĩa này trò chơi cò quay, cũng như triển vọng trúng số độc đắc không phải là một trò chơi bất trắc. Hay như kì vọng sống chỉ là hơi tí bất trắc. Ngay cả thời tiết cũng chỉ chút ít bất trắc. Từ này được tôi dùng trong nghĩa là khả năng xảy ra chiến tranh châu Âu là đầy bất trắc hay giá đồng và lãi suất trong hai mươi năm tới, sự lỗi thời của một phát minh hay vị thế của những người có sở hữu tư nhân trong hệ thống xã hội năm 1970 là đầy bất trắc. Về những vấn đề này ta không có cơ sở khoa học để xác định bất kì lập luận xác suất nào cả. Đơn giản là ta không biết. Tuy nhiên sự cần thiết phải hành động và ra quyết định buộc chúng ta ở cương vị con người thực tiễn cố gắng hết sức vượt qua khó khăn này để ứng xử giống như khi phải ứng xử nếu ta có trong tay một chuỗi tính toán tốt kiểu Bentham về những kì vọng lợi thế và bất lợi, mỗi loại nhân với xác suất thích hợp đang chờ được cộng lại với nhau.
Trong điều kiện ấy ta phải ứng xử cách nào để khỏi làm mất mặt con người kinh tế thuần lí? Nhằm mục đích này ta đã sáng tạo ra một loạt những phương thức trong đó có ba kĩ thuật quan trọng là:
1. Ta giả định rằng, cho đến nay, hiện tại là một người hướng dẫn có ích đến tương lai, điều mà sự xem xét trung thực kinh nghiệm của quá khứ đã cho thấy. Nói cách khác, ta gần như mù tịt về viễn tượng những thay đổi trong tương lai và không biết gì cả về tính chất của những thay đổi này.
2. Ta giả định rằng trạng thái dư luận hiện tồn, như được thể hiện qua các giá và tính chất của sản xuất hiện tại, đặt cơ sở trên sự tổng hợp đúng đắn những kì vọng về tương lai; nhờ thế ta có thể chấp nhận hiện trạng này trừ khi và cho đến lúc có điều gì mới và có ý nghĩa hiện lên trong bối cảnh chung.
3. Do hiểu rằng đánh giá cá nhân của bản thân là không có giá trị nên ta cố gắng dựa trên sự đánh giá của thiên hạ vì có lẽ họ được thông tin tốt hơn. Nghĩa là ta cố gắng theo ứng xử của đa số hay của bình quân của đa số. Tâm lí một xã hội trong đó mỗi cá nhân cố gắng bắt chước người khác dẫn đến điều mà ta có thể gọi chính xác là một đánh giá qui ước.
Thế mà một lí thuyết thực tiễn về tương lai đặt cơ sở trên ba nguyên tắc trên có những đặc tính nổi bật. Đặc biệt là do cơ sở không vững chắc như vậy nên nó thường chịu những đổi thay bất ngờ và dữ dội. Cách thực hành yên ấm và bất động, có tính chắc chắn và an toàn đột nhiên gãy đổ. Không được báo trước, những nỗi lo sợ và hi vọng mới sẽ hướng dẫn hành vi con người. Mãnh lực của việc mất ảo tưởng có thể đột ngột áp đặt một qui ước mới cho cơ sở đánh giá. Tất cả những kĩ thuật đẹp đẽ và tinh vi này, được thiết kế cho một văn phòng hội đồng quản trị trang trí hoành tráng và một thị trường được điều tiết suông sẻ, có khả năng sụp đổ. Trong mọi thời đại, những nỗi lo sợ mơ hồ cũng như những niềm hi vọng không kém mơ hồ và vô lí chưa bao giờ thực sự lắng hẳn mà nằm đâu đó ở dưới bề mặt.
Có thể bạn đọc cảm thấy là cuộc điều tra có tính triết học về hành vi của con người có phần xa vời với lí thuyết kinh tế đang bàn luận. Nhưng tôi nghĩ là không phải vậy. Cho dù hành vi của chúng ta trên thị trường có đúng theo như lí thuyết thì lí thuyết mà chúng ta nghĩ ra để nghiên cứu hành vi ấy không thể nào quy phục những thần tượng của thị trường. Tôi tố cáo lí thuyết kinh tế cổ diển tự bản thân nó đã là một trong những kĩ thuật đẹp đẽ và tinh vi nhằm cố gắng xử lí hiện tại tách rời với việc chúng ta biết rất ít về tương lai.
Rất có thể một nhà kinh tế cổ điển sẵn sàng chấp nhận điều này. Nhưng ngay cả trong trường hợp này đi nữa tôi nghĩ rằng anh ta không nhận thấy bản chất chính xác của sự khác biệt giữa lí thuyết và thực tiễn được anh trừu tượng hoá và tính chất những sai lầm mà điều này có thể dẫn anh đến.
Đặc biệt đây là trường hợp khi anh ta xử lí tiền tệ và tiền lãi. Bước đầu tiên của chúng ta là phải làm sáng tỏ các chức năng của tiền tệ.
Ai cũng biết là tiền tệ phục vụ hai mục đích chính. Như là một phương tiện tính toán, tiền tệ làm cho các cuộc trao đổi trở nên dễ dàng mà không cần thiết phải hiện ra như một đồ vật có thực chất. Về điểm này đây là một sự thuận tiện không có ý nghĩa hoặc ảnh hưởng thực tế. Thứ nhì tiền là một dự trữ của cải. Người ta nói với chúng ta chính xác như thế mà không có lấy một nụ cười mỉa mai trên môi. Nhưng trong thế giới của kinh tế học cổ điển, quả là điên rồ khi đưa tiền tệ vào! Vì một đặc tính được công nhận của tiền như là một dự trữ của cải là nó sinh sôi nẩy nở trong lúc tất cả các hình thức dự trữ của cải khác đều mang lại lãi hay lợi nhuận. Có ai ở bên ngoài bệnh viện tâm thần lại mong muốn giữ tiền như một phương tiện dự trữ của cải?
Một phần vì có căn cứ hợp lí, một phần vì theo bản năng, mong muốn của chúng ta giữ tiền như một dự trữ của cải là một phong vũ biểu về cường độ tín nhiệm của chúng ta đối với những tính toán và qui ước của chúng ta về tương lai. Ngay cả khi cảm tính ấy đối với tiền là theo tập quán hay bản năng thì, nói một cách hình tượng, nó vẫn tác động ở chiều sâu của động cơ chúng ta. Nó phát huy tác dụng vào những lúc mà các qui ước cao nhất và mong manh nhất đã yếu đi. Việc nắm giữ tiền trong hiện tại ru ngủ nỗi lo lắng của chúng ta. Và tiền thưởng mà ta đòi hỏi để từ bỏ tiền tệ là độ đo nỗi lo lắng đó.
Ý nghĩa của đặc tính trên của tiền tệ thường ít được chú ý và trong chừng mực nó được đề cập tới thì bản chất chủ yếu của hiện tượng bị mô tả sai lạc. Vì điều gây ra sự chú ý là số lượng tiền được tích trữ, điều được coi là quan trọng do giả định rằng nó có ảnh hưởng trực tiếp, theo tỉ lệ đến mức giá thông qua vận tốc lưu thông của tiền tệ. Nhưng số lượng tích trữ chỉ có thể bị biến đổi nếu, hoặc là tổng lượng tiền thay đổi, hoặc là số lượng của thu nhập hiện hành dưới dạng tiền tệ thay đổi (nói một cách rộng) trong lúc những biến động của độ tin cậy có khả năng tạo ra những ảnh hưởng hoàn toàn khác, nói rõ ra là làm thay đổi không phải là trị giá tích trữ nhưng là trị giá của tiền thưởng để khuyến khích người ta đừng tích trữ. Và những biến đổi của sự khuyến khích tích trữ hay như tôi đã gọi là trạng thái của sự ưa thích thanh khoản trước hết ảnh hưởng đến lãi suất chứ không phải đến giá cả; bất kì hiệu ứng nào khác trên giá cả là kết quả của tác động dây chuyền từ biến động của lãi suất.
Một cách tổng quát đó là lí thuyết của tôi về lãi suất. Rõ ràng rằng như các sách số học đã viết, lãi suất là thước đo tiền thưởng cần phải trả để khuyến khích người ta giữ của cải mình dưới những dạng khác hơn là tiền mặt. Tổng lượng tiền và trị giá tiền cần thiết cho việc lưu thông để phục vụ những giao dịch thương mại (chủ yếu phụ thuộc vào mức thu nhập danh nghĩa) ấn định trị giá số tiền dư còn lại không hoạt động, tức là để tích trữ. Lãi suất là nhân tố điều chỉnh ở cận biên cung và cầu qũy tiền.
Bây giờ sang bước thứ hai của lập luận. Người sở hữu của cải một khi đã được khuyến khích không nắm giữ của cải mình dưới dạng tiền để tích trữ vẫn còn hai khả năng để lựa chọn. Anh ta có thể cho vay tiền theo lãi suất hiện hành hoặc có thể mua một loại tài sản tư bản nào đó. Rõ ràng là ở thế cân bằng cả hai khả năng này cũng phải cho người đầu tư cận biên cùng một lợi thế. Điều này xảy ra là do những thay đổi của giá danh nghĩa của các tài sản so với giá danh nghĩa của các khoản cho vay. Giá của các tài sản biến động cho tới lúc, khi tính đến những lợi tức tương lai và những yếu tố ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhà đầu tư - như sự ngờ vực và bất trắc, những lời khuyên vụ lợi và không vụ lợi, thời trang, qui ước và bất kì điều gì khác bạn muốn -, các sản phẩm này dường như cung cấp được một lợi thế ngang bằng nhau cho nhà đầu tư cận biên đang lưỡng lự giữa một loại đầu tư này hay loại đầu tư khác.
Đó là tác động thứ nhất của lãi suất, được số lượng tiền và khuynh hướng tích trữ ấn định, trên giá cả của tài sản tư bản. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa rằng lãi suất là nhân tố duy nhất ảnh hưởng đến các giá này. Ý kiến về những triển vọng lợi tức cũng chịu những biến động mạnh mẽ vì những lí do đã nêu, ấy là cơ sở mong manh của những ý kiến này. Chính những ý kiến này cùng với lãi suất ấn định giá các tài sản tư bản.
Nay đến bước thứ ba của lập luận. Thông thường, có khả năng tái sản xuất những sản phẩm tư bản trong một thời gian ngắn. Qui mô chúng được tái sản xuất tất nhiên tùy thuộc vào quan hệ giữa chi phí sản xuất ra chúng và giá cả mà người ta chờ đợi chúng sẽ đạt đến trên thị trường. Do đó nếu lãi suất cùng với những ý kiến về những triển vọng lợi tức làm cho mức giá của tài sản tư bản được nâng lên thì khối lượng của đầu tư hiện hành (nghĩa là giá trị sản lượng những tài sản tư bản mới sản xuất) sẽ tăng lên; mặt khác, nếu những ảnh hưởng trên làm giảm giá của tài sản tư bản thì khối lượng đầu tư hiện hành cũng giảm theo.
Và không có gì ngạc nhiên khi đầu tư được ấn định bằng cách trên phải biến động nhiều, từ thời điểm này sang thời điểm khác. Vì đầu tư phụ thuộc vào hai loại đánh giá về tương lai mà không một loại đánh giá nào có thể dựa trên những nền tảng vững chắc hoặc thích hợp: trên khuynh hướng tích trữ và trên những quan niệm về triển vọng lợi tức của tài sản tư bản. Và cũng không có lí do gì để giả định rằng những biến động của một nhân tố nào có xu hướng bù trừ cho những biến động của một nhân tố khác. Khi có một cái nhìn bi quan hơn về những triển vọng lợi tức thì không có lí do gì để cho khuynh hướng tích trữ phải giảm bớt. Thật vậy, đã trở thành gần như là một qui tắc là khi có những điều kiện làm cho một nhân tố trở thành trầm trọng thì nhân tố kia cũng trầm trọng theo luôn. Vì những tình huống làm nảy sinh những quan niệm bi quan cũng là những tình huống thích hợp cho việc gia tăng khuynh hướng tích trữ. Yếu tố tự điều chỉnh duy nhất của hệ thống chỉ xuất hiện muộn hơn trong một giai đoạn sau và trong một chừng mực không xác định được. Nếu một suy giảm của đầu tư dẫn đến, trên tổng thể, một suy giảm của tổng sản lượng thì kết quả có thể là (do nhiều nguyên nhân hơn là vì một nguyên nhân duy nhất) một sụt giảm của số tiền cần thiết cho sự lưu thông tích cực. Điều này sẽ thải ra một số lượng tiền lớn hơn dành cho lưu thông tiêu cực đáp ứng khuynh hướng tích trữ ở một mức thấp hơn mức lãi suất, làm nâng giá tài sản tư bản lên, kéo theo việc mở rộng qui mô đầu tư và trong một chừng mực nhất định tái lập mức tổng sản lượng.
Đến đây là xong chương đầu của lập luận, ấy là khả năng biến động của qui mô đầu tư do những lí do hoàn toàn khác (a) với những lí do ấn định khuynh hướng tiêu dùng cá nhân từ một thu nhập nhất định và (b) với những điều kiện vật chất của năng lực kĩ thuật để hỗ trợ cho sản xuất, vốn cho đến nay thường được giả định là có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả cận biên của tư bản.
Mặt khác, nếu hiểu biết của ta về tương lai là tính toán được và không chịu những thay đổi bất ngờ thì sẽ là chính đáng để giả định rằng đường ưa thích thanh khoản vừa ổn định vừa rất không co dãn. Trong trường hợp này, một suy giảm nhỏ của thu nhập danh nghĩa sẽ làm lãi suất giảm mạnh, có thể là đủ mạnh để đẩy sản xuất và việc làm đến mức tối đa[*]. Trong những điều kiện đó thì có thể giả định một cách hợp lí rằng toàn bộ tài nguyên sẵn có đều được sử dụng bình thường và những điều kiện mà lí thuyết chính thống đòi hỏi được thỏa mãn.
II.
Một khác biệt nữa giữa tôi với lí thuyết truyền thống liên quan đến niềm tin hiển nhiên của lí thuyết này rằng không cần thiết phải xây dựng một lí thuyết về cung cầu của sản xuất, nhìn như một tổng thể. Liệu một biến động của đầu tư, do những lí do vừa được mô tả, có ảnh hưởng gì đến cung và cầu nhìn một cách tổng thể và do đó đến qui mô của sản lượng và việc làm? Lí thuyết truyền thống trả lời như thế nào câu hỏi trên? Tôi tin rằng nó hoàn toàn không có câu trả lời vì chưa bao giờ nghĩ đến một vấn đề như thế. Trong hơn một trăm năm, lí thuyết cầu thực tế, tức cầu của sản lượng tổng thể đã hoàn toàn không được chú ý.
Câu trả lời của riêng tôi bao hàm nhiều nhận định mới. Tôi cho là cầu thực tế gồm hai thành phần: chi tiêu cho đầu tư mà cách ấn định vừa được trình bày và chi tiêu cho tiêu dùng. Vậy điều gì chi phối trị giá tiêu dùng? Chi tiêu cho tiêu dùng chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập. Khuynh hướng tiêu dùng (theo cách gọi của tôi) của nhân dân chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như sự phân phối thu nhập, thái độ đối với tương lai trong những thời kì bình thường, và lãi suất - tuy với khả năng là trong một chừng mực ít hơn. Nhưng, nói chung định luật tâm lí phổ biến có lẽ là khi tổng thu nhập tăng thì chi tiêu dành cho tiêu dùng cũng tăng song trong một mức độ ít hơn. Đây là một kết luận hoàn toàn hiển nhiên. Điều này đơn giản là ta có thể nói rằng một gia tăng của thu nhập sẽ được chia thành tiêu dùng và tiết kiệm theo một tỉ lệ này hay một tỉ lệ khác và khi thu nhập của chúng ta gia tăng thì rất ít khả năng rằng hệ quả của điều này là ta sẽ chi tiêu ít hoặc tiết kiệm ít hơn trước. Định luật tâm lí này là vô cùng quan trọng cho sự phát triển tư tưởng tôi và theo tôi nó là cực kì cơ bản cho lí thuyết cầu thực tế được trình bày trong quyển sách của tôi. Nhưng cho đến nay hiếm có ai phê phán hoặc bình luận nào đặc biệt chú ý đến định luật này.
Có thể rút ra một kết luận tuy không quen thuộc nhưng quan trọng từ nguyên lí cực kì hiển nhiên trên. Thu nhập do các doanh nghiệp tạo ra một phần từ sản xuất cho đầu tư và một phần từ sản xuất cho tiêu dùng. Trị giá của cho tiêu dùng tùy thuộc vào trị giá của thu nhập được hình thành như trên. Do đó trị giá hàng tiêu dùng được trả cho các doanh nghiệp để sản xuất tùy thuộc vào trị giá hàng đầu tư mà họ sản xuất ra. Ví dụ, nếu công chúng có thói quen chi tiêu 9/10 thu nhập vào hàng tiêu dùng và nếu chi phí sản xuất hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp cao hơn 9 lần chi phí sản xuất hàng đầu tư của họ thì một phần nhất định của các sản phẩm hàng tiêu dùng không thể bán được ở giá bảo đảm hoàn vốn. Vì trị giá hàng tiêu dùng trên thị trường sẽ cao hơn 9/10 tổng thu nhập của công chúng và do đó sẽ vượt quá cầu hàng tiêu dùng mà theo giả định chỉ bằng 9/10. Bởi thế các doanh nghiệp sẽ chịu lỗ cho đến khi họ giảm sản lượng hàng tiêu dùng xuống một trị giá không vượt quá 9 lần trị giá sản lượng hàng đầu tư.
Tất nhiên công thức [quan hệ giữa đầu tư và tiêu dùng- ND] không quá đơn giản như trong minh hoạ trên. Tỉ lệ thu nhập mà công chúng quyết định tiêu dùng không phải là một hằng số và trong trường hợp tổng quát nhất còn có nhiều nhân tố thích đáng khác can dự vào. Nhưng, bao giờ cũng có một công thức ít nhiều kiểu này kết nối sản lượng hàng tiêu dùng mà việc sản xuất là có lời với sản lượng hàng đầu tư. Tôi đã chú ý đến quan hệ này trong quyển sách của tôi dưới nhan đề số nhân. Việc gia tăng của tiêu dùng, tự bản thân nó, có xu hướng kích thích, theo kiểu trên, thêm đầu tư chỉ củng cố lập luận của tôi.
Việc sản xuất hàng tiêu dùng ở mức có lãi cho doanh nghiệp phải được nối bằng một công thức kiểu như trên với sản lượng hàng đầu tư tùy thuộc vào những giả thiết mà tính chất là đơn giản và đương nhiên. Đối với tôi, kết luận vượt ra ngoài mọi cuộc tranh luận. Tuy nhiên những hệ quả của kết luận vừa không quen thuộc vừa có tầm quan trọng có thể là lớn.
Có thể tóm tắt lí thuyết như sau: với một tâm lí nhất định của công chúng, về mặt tổng thể, mức sản xuất và việc làm phụ thuộc vào đầu tư. Tôi phát biểu như vậy không phải vì đầu tư là nhân tố độc nhất mà tổng sản lượng phụ thuộc vào, nhưng trước một hệ thống phức tạp, thường được coi là causa causans [nguyên nhân gây hiệu ứng - ND] nhân tố nào có xu hướng biến động đột ngột và lớn nhất. Một cách toàn diện hơn, tổng sản lượng phụ thuộc vào xu hướng tích lũy, vào chính sách tiền tệ của cơ quan quản lí tiền tệ do tác động của nó đến khối lượng tiền, vào trạng thái tin tưởng về những triển vọng lợi tức của tài sản tư bản, vào khuynh hướng chi tiêu và vào những nhân tố xã hội ảnh hưởng đến mức lương danh nghĩa. Nhưng trong tất cả những nhân tố này thì những nhân tố quyết định tỉ suất đầu tư là không đáng tin cậy nhất vì chúng chịu ảnh hưởng của những quan niệm của chúng ta về tương lai, một tương lai mà chúng ta biết rất ít.
Bởi thế điều tôi cung cấp là một lí thuyết giải thích tại sao sản lượng và việc làm lại phụ thuộc đến thế vào những biến động. Lí thuyết này không cung cấp những liều thuốc có sẵn nhằm tránh các biến động này và những biện pháp gìn giữ sản lượng và việc làm ở mức tối ưu và ổn định. Song nói một cách chính xác, đây là một lí thuyết về việc làm vì nó giải thích tại sao, ở bất kì trường hợp nào, việc làm lại ở một mức như thế. Tất nhiên tôi không chỉ quan tâm đến việc chẩn đoán mà cũng còn chú ý đến việc trị liệu và tôi đã dành nhiều trang trong quyển sách để bàn về việc này. Nhưng tôi cho rằng những gợi ý của tôi về điều trị mà tôi công nhận là chưa được xây dựng hoàn chỉnh thuộc về một bình diện khác với việc chẩn đoán. Không nên coi đây là những gợi ý đầy đủ và dứt khoát vì chúng phụ thuộc vào đủ loại giả thiết và nhất là phụ thuộc vào những điều kiện đặc thù ở mỗi thời điểm. Nhưng những lí do chính làm tôi từ bỏ lí thuyết truyền thống có nguồn gốc sâu xa hơn. Chúng có tính tổng quát cao và có ý nghĩa dứt khoát hơn.
Vì thế, tôi xin tóm tắt dưới đây những lí do chính khiến tôi chia tay với lí thuyết ấy:
1. Lí thuyết chính thống giả định rằng hiểu biết của chúng ta về tương lai thuộc một loại rất khác với hiểu biết mà trong thực tế chúng ta đang có. Việc duy lí hóa sai trái này tuân thủ những qui tắc của phép tính Bentham. Giả thiết về một tương lai có thể dự báo được bằng phép tính đưa đến một cách kiến giải không đúng những nguyên lí ứng xử mà yêu cầu hành động buộc chúng ta phải lựa chọn và dẫn đến việc đánh giá thấp những nhân tố tiềm ẩn như trạng thái hoài nghi tuyệt đối, bấp bênh, hi vọng và sợ hãi. Kết quả thu được là một lí thuyết sai lầm về lãi suất. Quả đúng rằng những điều kiện để những lợi thế của việc lựa chọn giữa cho vay và nắm giữ tài sản tư bản đều bằng nhau đòi hỏi lãi suất phải bằng với hiệu quả cận biên của tư bản. Nhưng điều này không báo cho ta biết là ở mức nào thì sự cân bằng này mới thành hiện thực. Lí thuyết chính thống cho là hiệu quả cận biên của tư bản ấn định mức cân bằng. Nhưng hiệu quả cận biên của tư bản phụ thuộc vào giá của tài sản tư bản và bởi vì chính giá này lại ấn định tỉ suất của đầu tư mới nên ở trạng thái cân bằng nó ứng với một mức thu nhập danh nghĩa duy nhất. Do đó hiệu quả cận biên của tư bản không được xác định trừ khi biết được mức thu nhập danh nghĩa. Trong một hệ thống mà thu nhập danh nghĩa có khả năng biến động, lí thuyết chính thống còn thiếu một phương trình để hệ thống có được lời nghiệm. Không nghi ngờ gì nữa lí do khiến lí thuyết chính thống không khám phá được thiếu sót này là tại vì lí thuyết ấy luôn mặc nhiên giả định rằng thu nhập là cho trước tức là ở mức tuơng ứng với việc sử dụng hết tất cả nguồn lực sẵn có. Nói cách khác, lí thuyết này ngầm giả định rằng chính sách tiền tệ sẽ giữ làm sao cho lãi suất ở mức tương thích với toàn dụng lao động. Vì thế lí thuyết này không xử lí trường hợp tổng quát khi việc làm có khả năng biến động. Do đó, thay vì hiệu quả cận biên của tư bản ấn định lãi suất thì đúng ra là (dù đây chưa phải là một trình bày đầy đủ về trường hợp tổng quát) chính lãi suất ấn định hiệu quả cận biên của tư bản.
2. Đến nay lí thuyết chính thống có thể khám phá ra khiếm khuyết trên nếu nó đã không bỏ ngõ sự cần thiết về một lí thuyết tổng thể của cung và cầu. Tôi nghi ngờ là có nhiều nhà kinh tế hiện đại chấp nhận định luật Say theo đó cung tạo ra chính cầu của nó. Nhưng họ không ý thức được là họ đã ngầm giả định định luật này. Vì thế mà định luật tâm lí ẩn sau số nhân đã không được chú ý đến. Người ta không nhận thấy là trị giá hàng tiêu dùng khiến doanh nghiệp có lời khi sản xuất ra mặt hàng này là một hàm của trị giá hàng đầu tư mà doanh nghiệp có lời khi sản xuất chúng. Điều này theo tôi có thể giải thích bằng giả định ngầm rằng mọi người chi tiêu toàn bộ thu nhập bằng cách mua hàng tiêu dùng hoặc mua những tài sản tư bản mới được sản xuất, một cách gián tiếp hay trực tiếp. Nhưng một lần nữa, trong khi các nhà kinh tế thuộc thế hệ trước tin hẳn vào điều này thì tôi nghi ngờ là có nhiều nhà kinh tế hiện đại thật tình tin điều ấy. Họ đã từ bỏ những ý tưởng cũ mà không ý thức được hệ quả của việc đó.
Nguyễn Đôn Phước dịch.
Nguồn: “The General Theory of Employment”, Quaterly Journal of Economics, vol. 51, pp. 209-223
[*] Khi giáo sư Viner buộc tội tôi là đã gán cho sự ưa thích thanh khoản “một tầm quan trọng quá đáng” chắc là ông muốn nói rằng tôi quá thổi phồng tính bất ổn và độ co dãn của ưa thích thanh khoản. Nhưng nếu ông ấy đúng thì như đã nói ở trên một suy giảm nhỏ của thu nhập danh nghĩa sẽ làm lãi suất giảm mạnh. Tôi cho rằng kinh nghiệm cho thấy điều ngược lại.↩