14.7.15

John Richard Hicks, nhà kinh tế của các nhà kinh tế

John Hicks (1904-1989)

John Richard Hicks, nhà kinh tế của các nhà kinh tế

Là người khởi xướng sự tổng hợp tân cổ điển, John Hicks đã tạo ra nhiều công cụ phân tích hiện vẫn rất thông dụng, đặc biệt là mô hình IS-LM.
John Richard Hicks đã tham gia gần như vào tất cả các lĩnh vực của lý thuyết kinh tế.
Người ta nói, một cách chính xác, rằng John Hicks là "nhà kinh tế của các nhà kinh tế." Ông viết rất ít cho công chúng, ông rất ít được biết đến so với Keynes, Hayek và Friedman. Nhưng ảnh hưởng của ông là ảnh hưởng quan trọng nhất trong số ảnh hưởng của các nhà kinh tế thế kỷ trước. Ông đã tạo ra nhiều công cụ phân tích chiếm lĩnh các trang sách giáo khoa, trong mọi lĩnh vực lý thuyết, cả về kinh tế học vĩ mô lẫn kinh tế học vi mô. Không có "trường phái Hicks", nhưng các nhà kinh tế thuộc mọi xu hướng đều đã gặp ông trên đường, thường không nhận ra ông, và đều chịu ảnh hưởng của ông. Họ đã vay mượn những công cụ phân tích mà nhà sư phạm ngoại hạng này đã phát triển trong một sự nghiệp đặc biệt phong phú.
Bản thân cũng là người dị ứng với việc tự giam hảm trong một trường phái tư tưởng, John Hicks xê dịch một cách dễ dàng trong mọi trường phái, mà không cần đến la bàn. Ông từng nói: "Tôi có đầu óc quá cởi mở để là một người theo trường phái Áo; bởi vì tôi là người theo thuyết Marshall cởi mở và là người theo thuyết Ricardo và là người theo thuyết Keynes, và có lẽ cũng là một thành viên của trường phái Lausanne"[*]. Việc biết rõ nhiều thứ tiếng đã giúp ông nghiên cứu, từ những năm 1920, nhiều công trình của Walras, Pareto và các nhà lý thuyết thuộc trường phái Áo, lúc bấy giờ chưa được biết đến ở Anh và Hoa Kỳ. Ông cũng phát hiện, trước các nhà lý thuyết khác, các công trình của những nhà kinh tế Thụy Điển, đặc biệt là Myrdal. Ông đã biết tiến hành một tổng hợp, mà thoạt nhìn ít có khả năng làm được, giữa những dòng tư tưởng trên và truyền thống Marshall, trước khi tham gia trực tiếp vào cuộc cách mạng Keynes.
Trong suốt cuộc đời của mình, Hicks không ngừng tự đặt lại vấn đề và đổi hướng, cả về mặt chính trị lẫn lý thuyết, khiến cho những người thân của ông bối rối. Ông không lùi bước trước những lời tự phê nghiêm khắc, rồi một ngày cho rằng cuốn sách đầu tiên của ông là "thứ rác rưởi" và hối tiếc người ta đã trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, cho mình vì cuốn Giá trị và tư bản, mà từ nay ông xem như là một sai lầm thời trẻ. Ông cũng hối tiếc phải chia sẻ giải thưởng với Kenneth Arrow, không phải vì phải chia tiền thưởng (ông đã tặng khoản tiền thưởng ấy cho thư viện của trường London School of Economics), mà bởi vì sự kiện này nhấn mạnh đến những đóng góp chung của họ vào lý thuyết cân bằng chung mà tính thích đáng của nó ngày nay bị ông đặt thành vấn đề.
Chia sẻ ngay từ đầu sự nghiệp tư tưởng của trường phái tự do cực đoan của các đồng nghiệp từ trường London School of Economics, đặc biệt là tư tưởng của Hayek, Hicks xa lánh dần vào những năm 1930 để tham gia trường phái Keynes. Ở đó ông để lại dấu ấn như là một trong những nhân vật chính trong việc khởi xướng tổng hợp tân cổ điển, một tổng hợp sẽ chiếm ưu thế như là dòng tư tưởng chủ đạo trong thời kỳ hậu chiến. Nhưng ông cũng giữ khoảng cách đối với trường phái tân cổ điển chính thống. Khi trước đây ông ký tên tác giả là "J.R. Hicks", thì từ nay ông ký tên "John Hicks", tự cho mình là người cháu phi tân cổ điển của một người "chú" tân cổ điển, người mà kể từ bây giờ không được ông dành nhiều sự kính trọng nữa. Tuy nhiên, chính công trình của người chú mới có ảnh hưởng nhiều nhất và mang lại cho ông giải thưởng "Nobel", vì "những đóng góp tiên phong của ông vào lý thuyết cân bằng chung và lý thuyết phúc lợi".

Sự ra đời của kinh tế học vi mô hiện đại

Hicks bắt đầu sự nghiệp của mình như là một nhà kinh tế lao động, cho thấy cách thức, trong một thị trường cạnh tranh, tiền công được xác định bởi cung và cầu như thế nào. Trong cuốn Lý thuyết tiền công, ông đề xuất quan niệm mới về "độ co dãn thay thế", để phân tích các quyết định của các doanh nghiệp trong việc lựa chọn sử dụng tư bản và lao động. Trong một bài báo nổi tiếng viết cùng với nhà toán học R.G.D. Allen năm 1934, A Reconsideration of the Theory of Value” (Xem lại lý thuyết giá trị), ông đưa đường bàng quan vào trong phân tích giá trị, và chỉ ra bằng cách nào người ta có thể suy ra một đường cầu dốc xuống. Ông giải thích cách tách bạch hiệu ứng của một sự thay đổi giá của một hàng hóa thành một hiệu ứng thu nhập, tương ứng với một mức độ hài lòng tổng thể của người tiêu dùng, và một hiệu ứng thay thế, thể hiện sự thay thế sản phẩm này bằng sản phẩm khác.
Value and Capital (Giá trị và tư bản) phát triển phân tích kinh tế học vi mô bằng cách đề xuất một mô hình cân bằng chung lấy cảm hứng từ Walras và được minh họa bằng hình học. Hicks phân tích tính ổn định của một hệ thống đa trao đổi. Nghiên cứu của ông được nối dài bằng một phân tích động, đưa vào khái niệm cân bằng tạm thời, giúp tính đến dự kiến của các tác nhân. Cách tiếp cận của Hicks, giới thiệu những ý tưởng của Walras và Pareto trong giới học thuật Anglo-Saxon, sẽ được nhanh chóng áp đặt trong giới học thuật nói chung.
Trong nhiều bài viết, Hicks áp dụng các phương pháp phân tích của ông vào lý thuyết phúc lợi, được Pigou khởi xướng. Một lần nữa, ông phát triển những công cụ phân tích sẽ thống trị lãnh vực điều tra này trong thời hậu chiến: ước lượng thu nhập xã hội, định nghĩa và đo lường thặng dư của người tiêu dùng, kiểm định sự bù đắp.

Tiền tệ, Keynes và kinh tế học vĩ mô

Từ đầu những năm 1930, Hicks đặt lại vấn đề của giả thiết về tính trung lập của tiền tệ. Ông cáo buộc lý thuyết tân cổ điển chuẩn đã không thành công trong việc tích hợp một cách hài hòa tiền tệ, những dự kiến và sự bất trắc. Trong bài "A Suggestion for Symplifying the Theory of Money (Một gợi ý về việc đơn giản hóa lý thuyết tiền tệ)" (1935) - một trong những bài viết mà ông tự hào nhất đến cuối đời - ông giới thiệu những ý tưởng không phải không giống với những ý tưởng mà Keynes đã phát triển cùng lúc đó, đặc biệt là ý tưởng về sở thích thanh khoản. Cuốn sách cuối cùng của ông, được xuất bản sau khi ông mất, viết về lý thuyết tiền tệ, được đề cập dưới góc độ lịch sử.
Một năm sau khi General Theory of Employment, Interest and Prices (Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ) của Keynes được xuất bản, Hicks đề xuất, trong bài "Mr Keynes and the Classics (Ông Keynes và các nhà kinh tế học cổ điển)", một sự hình thức hoá đại số được minh họa bằng một sơ đồ hình học, từ nay được biết đến dưới tên gọi là "IS-LM". Bài viết năm 1937 đó là một trong những bài viết nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất trong kinh văn của thế kỷ XX. Hicks tìm cách chỉ ra rằng, còn lâu mới là một "lý thuyết tổng quát", mô hình của Keynes, bên cạnh mô hình cổ điển, là một trường hợp đặc biệt của một mô hình tổng quát hơn để xác định đồng thời lãi suất và thu nhập. Trong hệ tọa độ Descartes, trục tung tượng trưng cho lãi suất và trục hoành tượng trưng cho mức thu nhập, đường IS, có độ dốc âm, biểu trưng cho những điểm cân bằng trên thị trường hàng hóa, và đường LM, có độ dốc dương, biểu trưng cho những điểm cân bằng trên thị trường tiền tệ. Do đó, mô hình IS-LM, tổng hợp của Keynes và Walras cho thấy làm thế nào hai thị trường được kết nối với nhau. Vì vậy, để đặc trưng phiên bản này của học thuyết Keynes, người ta đã đặt ra khái niệm "tổng hợp tân cổ điển".
Chính qua mô hình trên, được phát triển bởi nhiều người kế thừa của Hicks, như Hansen, Lerner và Samuelson, mà các thế hệ sinh viên được tiếp cận với lý thuyết của Keynes. Hơn nữa, nó cũng giúp họ tránh khỏi phải đọc cuốn General Theory (Lý thuyết tổng quát). Mô hình IS-LM cũng đã được sử dụng, vào thời hoàng kim của chủ nghĩa Keynes, để dự đoán những hiệu ứng của các chính sách tài khóa và tiền tệ. Bản thân Hicks, vào thời điểm khủng hoảng của chủ nghĩa Keynes và sự thăng hoa của chủ nghĩa trọng tiền, trở thành một trong những nhà phê phán tỉnh táo nhất và dữ dội nhất chính mô hình của mình. Ông tự cáo buộc đã đưa ra một phiên bản nghèo nàn và thu hẹp của lý thuyết của Keynes, trong đó thời gian, sự bất trắc và những dự kiến bị loại trừ.

Nhà kinh tế tổng quát vĩ đại cuối cùng

Trong một sự nghiệp lâu dài chỉ bị gián đoạn bởi cái chết, vào lúc mà ông hoàn tất cuốn sách cuối cùng, Hicks tham gia gần như vào tất cả các lĩnh vực của lý thuyết kinh tế, đặc biệt là lý thuyết tăng trưởng, các cuộc khủng hoảng và tư bản, kinh tế học quốc tế và lịch sử tư tưởng kinh tế. Ông chưa bao giờ ngừng phát triển những khái niệm mới, chẳng hạn như khái niệm "thanh ngang", giữa hai con đường tăng trưởng, hay mô hình về giá cố định (fixprice) và về giá linh hoạt (flexprice).
Hicks không phải là một nhà lý thuyết thuần túy. Ông cũng quan tâm đến những vấn đề chính sách kinh tế, thuế khóa và phát triển. Cùng với vợ, ông đi đây đi đó rất nhiều, đặc biệt trong những năm 1950, ở những nước mà người ta gọi là thế giới thứ ba, làm cố vấn. Những công trình của ông cũng mở rộng vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế học. Suốt cuộc đời, Hicks bị cuốn hút bởi sử học, cũng giống như bố ông là một nhà báo. Năm 1969, ông công bố cuốn A Theory of Economic History (Một lý thuyết về lịch sử kinh tế học), và mười năm sau đó, cuốn Causality in Economics (Nhân quả trong kinh tế học), một sự đột nhập vào lĩnh vực triết học, một lãnh vực mà ông cũng vẫn luôn quan tâm. Trong những tác phẩm trên, cũng như trong cuốn sách cuối cùng của ông, được xuất bản sau khi ông mất, ông đề xuất một một suy nghĩ rộng rãi và đa ngành về các mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường, của các thể chế và của các ý tưởng và kiến ​​thc.

John Richard Hicks qua vài năm tháng

1904: sinh ra ở Warwick, Vương quốc Anh.
1922-1926: học tại Đại học Oxford.
1926: tốt nghiệp triết học, chính trị và kinh tế.
1926-1935: dạy học tại trường London School of Economics.
1932: The Theory of Wages (Lý thuyết tiền công).
1935: kết hôn với Ursula Webb, một nhà kinh tế, cùng với bà ấy đã xuất bản nhiều công trình về thuế khóa.
1935-1938: dạy học tại Đại học Cambridge.
1938-1946: giáo sư tại Đại học Manchester.
1939: Value and Capital (Giá trị và tư bản).
1942: được bầu là thành viên của Viện hàn lâm Anh. The Social Framework (Khung xã hội).
1946-1965: giáo sư tại Đại học Oxford.
1950: A Contribution to the Theory of the Trade Cycle (Một đóng góp cho lý thuyết về chu kỳ thương mại).
1956: A Revision of Demand Theory (Xem lại lý thuyết về cầu).
1959: Essays in World Economics (Các tiểu luận về kinh tế học trên thế giới).
1960-1962: chủ tịch Hội hoàng gia kinh tế học.
1964: được phong tước hiệp sĩ.
1965: Capital and Growth (Tư bản và tăng trưởng).
1967: Critical Essays in Monetary Theory (Các tiểu luận phê phán về lý thuyết tiền tệ).
1969: A Theory of Economic History (Một lý thuyết về lịch sử kinh tế học).
1972: nhận giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển, để tưởng nhớ Alfred Nobel, cùng với Kenneth Arrow.
1973: Capital and Time (Tư bản và thời gian).
1974: The Crisis in Keynesian Economics (Khủng hoảng trong kinh tế học keynesian).
1977: Economic Perspectives (Các triển vọng kinh tế).
1979: Causality in Economics (Thuyết nhân quả trong kinh tế học).
1989: qua đời, trong khi ông vẫn là người rất hoạt động trên lãnh vực nghiên cứu và viết sách. A Theory of Money Market (Một lý thuyết về thị trường tiền tệ).

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Hicks
Collected Essays on Economic Theory, Basil Blackwell, 3 vol., 1981-1983.
The Economics of John Hicks, Basil Blackwell, 1984.
Valeur et capital, Dunod, 1981.
Une théorie de l’histoire économique, Le Seuil, 1973.
Le temps et le capital, Economica, 1975.
La crise de l’économie keynésienne, Fayard, 1988.
Monnaie et marché, Economica, 1991.
Những tác phẩm viết về Hicks
John Hicks: une œuvre multi-dimensionelle”, Cahiers d’économie politique no 39, 2001.
The Legacy of Hicks: his Contributions to Economic Analysis, Harald Hagemann và Omar Hamouda (chủ biên), Routledge, 1994.
John Hicks: the Economist’s Economist, Omar Hamouda, Basil Blackwell, 1993.
Hicks: his Contributions to Economic Theory and Application, K. Puttaswamaiah (chủ biên), Transaction, 2001.
Sir John Hicks: Critical Assessments, John Cunningham Wood et Ronald N. Woods (chủ biên), Routledge, 4 vol., 1989.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “John Richard Hicks, l'économiste des économistes” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.




[*] Trong tác phẩm Time, Uncertainty and Disequilibrium (Thời gian, sự bất trắc và sự mất cân bằng), Rizzo MJ (chủ biên), Lexington, 1979, trang 63.

Print Friendly and PDF