16.7.15

Phỏng vấn Robert Skidelsky



Robert Skidelsky (1939-)

Phỏng vấn Robert Skidelsky

Robert Skidelsky sinh năm 1939. Ông học hết bậc trung học tại Jesus College, Oxford vào năm 1960, năm 1961 hoàn thành Master of Arts và Ph.D năm 1967 cũng tại Oxford. Ông là Research Fellow tại Nufield College Oxford (1965-68) và tại British Academy (1968-70) rồi giáo sư thỉnh giảng lịch sử tại đại học John Hopkins (1970-76), chủ nhiệm khoa lịch sử, triết học và nghiên cứu châu Âu của Polytechnic of North London (1976-78), giáo sư nghiên cứu quốc tế tại đại học Warwick (1978-90) và hiện là giáo sư kinh tế chính trị học tại đại học Warwick (từ 1990). Ông được phong hầu tước từ 1991.
Giáo sư Skidelsky là một trong những chuyên gia xuất sắc về Keynes và về giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến. Những quyển sách nổi tiếng của ông gồm: Politicians and the Slump, The End of the Keynesian Era (do ông chủ biên) (Macmillan, 1977), John Maynard Keynes, Vol I. Hopes Betrayed, 1883-1920 (Macmillan, 1983), John Maynard Keynes, Vol 2. The Economist as Saviour, 1920-1937 (Macmillan, 1992) và John Maynard Keynes, Vol 3. Fighting for Britain, 1937-1946 (Macmillan, 2000).
Những bài viết mới nhất là: “Keynes’s Political Legacy”, và “Some Aspects of Keynes the Man”, in O. F. Hamouda và J. N. Smithin (chủ biên), Keynes and Public Policy After Fifty Years, Vol. I, Economics and Policy (New York University Press, 1988), “Keynes and the State”, in D. Helm (ed.) The Economic Borders of the States (Oxford University Press, 1989).
Cuộc phỏng vấn giáo sư Skidelsky diễn ra trong văn phòng ông tại đại học Warwick ngày 9 tháng ba 1993.
Từ lúc nào giáo sư quyết định viết tiểu sử của Keynes?
Đó là kết quả của những công trình tôi làm trước đó về những năm giữa hai cuộc thế chiến. Bóng Keynes trùm lên những quyển sách trước của tôi và ông đã gợi ý cách tôi nhìn giai đoạn lịch sử này. Tôi nghĩ rằng đây là một nhân vật lí thú và nên viết một quyển sách về nhân vật này. Tôi đi đến kết luận đó sau khi đọc tiểu sử do Roy Harrod viết trong đó có nhiều điểm thiếu chính xác.
Cách kiến giải của giáo sư về cuộc đời và sự nghiệp của Keynes có khác một cách cơ bản với những cách của Harrod [1951] và Moggridge [1992] không?
Cách tiếp cận của tôi mang tính lịch sử hơn. Tôi nghĩ đó là khác biệt chính. Có một cách lịch sử và một cách kinh tế khi xem xét những hiện tượng. Không nên thử phân biệt quá cứng nhắc, nhưng các nhà kinh tế có xu hướng khái quát hoá trong lúc các nhà lịch sử lại quan tâm hơn đến điều đặc biết và điều bất ngờ... Thường các nhà lịch sử là những nhà viết tiểu sử tốt hơn các nhà kinh tế. Đối với rất nhiều nhà kinh tế, sự kiện chỉ là những dữ liệu chứ không phải là lịch sử chất liệu của cảm hứng. Họ xử lí lịch sử theo kiểu các nhà thống kê. Đó không phải là cách soi sáng lắm để hiểu cuộc đời và sự nghiệp của một con người.
Tại sao có nhiều cách hiểu khác nhau về Lí thuyết tổng quát của Keynes? Đó là điểm yếu hay điểm mạnh của sách này?
Lí do thứ nhất là vì tư duy của Keynes là một tư duy phong phú hơn là một tư duy có hệ thống. Ông ấy viết tiểu luận hay hơn là viết chuyên khảo. Ông luôn có đầy ý và không thật sự tập trung lâu vào một đề tài đặc biệt nào. Nhiều ý đến không ngừng nghỉ. Lí do thứ hai là trong công việc của ông luôn có một chiều kích luận chiến mạnh mẽ. Ông rất muốn đạt đến mục đích của mình. Cần phân biệt giữa luận chiến và lí thuyết và không bao giờ rõ là cái nào bắt đầu ở đâu và cái kia chấm dứt ở đâu. Keynes có xu hướng dành ưu tiên chỉ cho một phần lập luận của mình để đạt đến chắc chắn hơn một kết luận thực tiễn. Lí do thứ ba là tư tưởng của Keynes luôn cung cấp nhiều cấp độ đọc khác nhau. Điều này cho phép lựa chọn những gì người đọc ông thấy hợp với mình nhất. Và cũng giải thích vì sao có nhiều cách kiến giải đến như thế.
Giáo sư xem hình ảnh nhiều chiều kích này là một điểm mạnh?
Vâng, vì cuối cùng cái lâu dài là tính phong phú chứ không phải là tính chặt chẽ. Tính chặt chẽ là tạm thời hơn tính phong phú.
Nếu ta xét hành trình tri thức từ Tract đến Lí thuyết tổng quát, thì trong số những giáo huấn của Marshall, đâu là phần Keynes chối bỏ và đâu là phần ông ấy giữ lại?
Điều rõ ràng thừa hưởng của Marshall là phương pháp đặc biệt để xét đến thời gian. Trong rất nhiều bài viết, ông phân biệt rất rõ giữa ngắn hạn và dài hạn và điều này đặc biệt đến từ Marshall. Nhưng không nên coi điều này một cách quá cứng nhắc, vì Keynes giữ một thái độ cởi mở trong suốt cả Lí thuyết tổng quát về những gì liên quan đến phương pháp phân tích cần vận dụng do dự giữa việc qui chiếu về ngắn hạn và cách nhìn của mất cân bằng. Mặt khác có lẽ là ông không bao giờ xa cách quá đối với lí thuyết marshallian về doanh nghiệp. Keynes không đào sâu vấn đề và có lẽ vì thế mà ông không thật sự quan tâm đến cuộc cách mạng của cạnh tranh không hoàn hảo. Nghịch lí kì lạ này luôn mê hoặc tôi. Mặc dù là một người ngưỡng mộ Sraffa, ông không bao giờ tiếp thu hết chiều kích của cuộc cách mạng cambridgian, từ bài viết của Sraffa [1926] đến quyển sách của Robinson [1933]. Điều này một phần được giải thích là do ông vẫn còn là rất marshalian trong kinh tế học vi mô, đặc biệt là đối với những gì liên quan đến phân tích về cung, và cũng chắc là trên một vài điểm này ông cũng tối nghĩa như Marshall. Keynes tin vào một lí thuyết doanh nghiệp “kiểu thứ ba”, và giả định là suy tàn tự nhiên của doanh nghiệp luôn xảy ra trước khi các doanh nghiệp kịp xác lập một vị thế độc quyền trên thị trường. Dấu vết thứ ba của ảnh hưởng marshalian là ý không nên xem nhu cầu như những dữ kiện và rằng có một thứ tự của các nhu cầu. Nhưng ngược với Marshall, ông xem thứ tự này là do triết học chứ không phải tiến hoá ấn định. Thứ tư, Keynes đã lấy lại của Marshall phiên bản của lí thuyết định lượng về tiền tệ dựa trên cầu tiền mặt. Ông luôn nghĩ đến cầu tiền tệ theo cách trên chứ không theo cách của Fisher. Chính như thế mà ông đã viết Treatise on Money [1930] và cuối cùng là Lí thuyết tổng quát. Những di sản trên của Marshall là cực kì quan trọng. 
Giáo sư mô tả như thế nào quan điểm phương pháp luận của Keynes?
Tôi nghĩ rằng Keynes không bị những kiểm tra thực nghiệm quyến rũ mấy. Chắc ông sẽ không thích ý là có thể kiểm nghiệm bằng cách này hay cách khác các giả thiết và chắc chắn là không trong lĩnh vực những khoa học đạo đức hay xã hội. Thực ra, chính trên điểm này ông chống lại kinh trắc học. Ông nghĩ rằng điều thiết yếu là một lí thuyết phải phong phú và phù hợp với trực giác của chúng ta và những sự kiện có một vai trò lớn trong việc hình thành trực giác. Làm một nhà quan sát rất cảnh giác của thế giới hiện thực: đó phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà kinh tế. Nhưng sự kiện phải là những sự kiện thô, không pha tạp hay chưa được tiêu hoá trước. Nhà kinh tế hiện đại làm việc với những dữ kiện đã được sản xuất trước, các đường biểu diễn được vẽ rồi. Keynes ghét những dữ kiện kinh tế trình bày dưới dạng biểu đồ chính vì thế mà gần như ông không bao giờ sử dụng đến trong các bài viết. Vả lại biểu đồ duy nhất trong Lí thuyết tổng quát là do Harrod cung cấp. Ông luôn chuộng những dữ liệu thô. Chúng được dùng, không phải để kiểm tra những giả thiết, mà để đặt những giới hạn cho tầm hiệu lực của trực giác. Đối với ông, nếu các số liệu là hoàn toàn ngược lại với trực giác thì chắc rằng trực giác sai nhưng đây là một kiểm nghiệm đơn sơ và tức thì, và không có tí gì giống với một lí thuyết về kiểm tra thực nghiệm. Tôi không biết là ông ta sẽ nghĩ thế nào về luận điểm của Popper về sự kiểm sai. Có thể là ông sẽ quan tâm đến luận điểm này hơn.
Trong quá trình viết tiểu sử chi tiết của Keynes, giáo sư có khám phá được điều gì thật sự mới không?
Những bất ngờ, trong chừng mực có những bất ngờ, đến từ chính cách xử lí lịch sử, nhằm đặt lại một cách chu đáo tư tưởng của Keynes trong bối cảnh lịch sử và tiểu sử, và thậm chí đạo đức, và do đó chú ý nhiều đến những bài viết mang tính phù du nhất. Thường chính trong những trang viết này mà ta có thể quan sát tư duy đang hành động, ở bên lề sự việc. Tôi cho là những bài giảng của ông trong các niên khoá 1931-1933, một cách nào đó, là lí thú hơn chính ngay Lí thuyết tổng quát, vì ta có thể tìm thấy trong đó chất liệu ở dạng thô. Và ta hiểu rõ hơn từ bên trong bằng cách nào sự việc đã xảy ra. Trong lúc viết quyển Treatise on Probability, ông viết như sau cho Lytton Strachey: “Tôi đang biến đổi ý tưởng của tôi thành một chuyên luận hình thức hơn, và như thế sẽ làm mất hết tính độc đáo của tư tưởng mình, như cuộc sống đại học đòi hỏi”. Tất nhiên điều này không hoàn toàn đúng, và Lí thuyết tổng quát được xem là một quyển sách cách mạng lúc được xuất bản. Nhưng tôi nghĩ là một phần năng lượng dành cho việc sáng tạo đã mất đi.
Giáo sư viết rằng cảm hứng của Keynes là triệt để và chủ định của ông là bảo thủ. Bằng cách nào Keynes kết hợp hai yếu tố này?
John Kenneth Galbraith (1908-2006)
Cách trả lời tốt nhất là cách của Galbraith khi ông ấy nói rằng những ai là triệt để về mặt tiền tệ thường là những người bảo thủ về mặt xã hội. Nói cách khác, có một kiểu liệu pháp giả tạo chỉ nhằm duy nhất việc giữ vững những cấu trúc hiện tồn. Nếu bạn nghĩ rằng một số những học thuyết triệt để cạnh tranh nhau vào thời đại của Keynes, đặc biệt là học thuyết marxist, thì bạn buộc phải thừa nhận rằng, nếu so sánh, thì lí thuyết của Keynes là rất bảo thủ trật tự đã được thiết lập, và bảo thủ một cách có cân nhắc. Ông thường nói rằng nếu không chấp nhận những liệu pháp ôn hoà ông đề nghị, thì sớm hay muộn cũng phải chấp nhận những biện pháp khó chịu hơn. Tôi không nghĩ rằng lí thuyết của ông chỉ đơn thuần là một công cụ duy trì trật tự xã hội sẵn có, nhưng ông có mục tiêu này trong đầu. Ông cũng nghĩ rằng khi chấp nhận một vài thay đổi nhỏ, có thể làm dịu bớt nhiều những biến động và ổn định nền kinh tế. Ông đánh giá rằng điều này là khả thi nhờ việc hoàn thiện kinh tế học. Do đó đứng về mặt lí thuyết kinh tế, cuối cùng ông là một người triệt để. Nhưng trong những ghi chú kết luận của Lí thuyết tổng quát, ông lại cho rằng lí thuyết của mình là tương đối bảo thủ.
Keynes thật sự muốn nói điều gì khi nói đến việc xã hội hoá đầu tư?
Keynes là một người có thái độ chính trị, và đây là một trong những câu ông nói cho đảng Lao động. Điều này diễn ra vào thập niên 1920 khi ông nhắc đến sự tăng trưởng của những thể chế xã hội ngay chính trong lòng hệ thống tư bản. Vào cuối thập niên 1920, ông đã nghiêm chỉnh cho rằng phần lớn những doanh nghiệp không thực sự còn là những doanh nghiệp tư nhân, và một cách nào đó, đó là những doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa vì các nhà lãnh đạo quan tâm đến sự ổn định hơn là tối đa hoá lợi nhuận trong ngắn hạn. Các doanh nghiệp đạt đến một qui mô mà chính họ cũng bắt đầu có những động cơ và trách nhiệm tập thể. Vì thế có xu hướng là doanh nghiệp được những cá nhân có dáng dấp một quan chức cao cấp hay giáo sư đại học, hơn là một nhà doanh nghiệp năng động như Schumpeter, một cách lỗi thời, thích hình dung, lãnh đạo. Do đó tôi nghĩ là việc xã hội hoá đầu tư, trong nghĩa hẹp, chỉ là đơn giản một xu hướng của tiến hoá tự nhiên của chủ nghĩa tư bản nhằm đặt cơ sở cho lựa chọn đầu tư trên một tiêu chí xã hội. Tôi nghĩ đó cũng gần với quan điểm được Galbraith bảo vệ trong The New Industrial State [1967].
Giáo sư giải thích như thế nào việc phát triển rất nhanh của những tư tưởng keynesian, đặc biệt là ở Hoa Kì?
Có thật chăng là những tư tưởng này lan truyền nhanh chóng ở Hoa Kì? Trong giới đại học thì hình ảnh có nhiều tương phản hơn. Riêng đối với Harvard, thì không có gì phải nghi ngờ. Ai cũng biết cái trục Harvard-Washington. Một khi đã rõ là phương pháp keynesian có thể có dạng những cắt giảm thuế hơn là những chi tiêu công cộng thì phương pháp này cũng được các giới bảo thủ rộng rãi ủng hộ. Cũng có thể gán cho phương pháp này những cơ sở trọng cung. Điều này giải thích là đã có một phiên bản reaganian của Keynes trong những năm 1980. Những phiên bản của thập niên 1950 và 1960, dựa trên những khái niệm ổn định tự động có lẽ khiêm tốn hơn. Về phần mình, tôi nghĩ là Keynes đã ảnh hưởng đến chính sách New Deal của Roosevelt nhiều hơn là người ta thường công nhận, đặc biệt là trong thời gian đầu của chính sách này, giai đoạn trước Lí thuyết tổng quát. Nhưng, cũng như ở Anh, phương pháp keynesian chỉ thực sự thống trị với việc triển khai kinh tế thời chiến.
Giáo sư có phân biệt rõ ràng giữa công trình của Keynes và những đóng góp của các nhà keynesian không? Đặc biệt, giáo sư nghĩ thế nào về cách kiến giải của IS-LM?
Don Patinkin (1922-1995)
Phải luôn phân biệt giữa sự nghiệp đổi mới của một người tiên phong và sự nghiệp của những môn đồ của người đó. Tính phong phú, tính đơn giản và tính sắc bén của phiên bản nguyên thủy được thay đổi để thích nghi với diễn biến bình thường của sự việc. Keynes đã luôn luôn chú ý đến việc là một phần của lí thuyết của ông có thể được mô hình hoá, cho dù chính bản thân ông không dành nhiều thời gian cho việc này. Ông để lại việc này cho các người khác, đặc biệt là Hicks, nhưng cả Harrod và Meade. Những nhà kinh tế này qui tất cả về một tập hợp những phương trình đồng thời, dù cho cách tiếp cận này không trung thành với quan niệm của Keynes. Hicks quan tâm nhiều hơn đến các phương trình và sự nối kết của những nguyên nhân mà ông tìm cách lí giải. Ông đã tước đi tính độc đáo của Lí thuyết tổng quát, phổ cập hoá nó, và góp phần làm cho nó được biết đến rộng rãi, và đặt nền móng cho tổng hợp tân cổ điển. Đấy là một công tác giao tiếp công cộng tuyệt hảo, nhưng tôi không nghĩ rằng ông ấy đã nắm thực chất điều Keynes muốn nói. Vả lại Hicks đã công nhận điều này. Điều lí thú là phản ứng của Keynes trước cách kiến giải của Hicks. Tôi không đồng ý với Don Patinkin, nguời luôn cho rằng Keynes coi phiên bản của Hicks là cách kiến giải đúng của lí thuyết của ông. Quả thật là Keynes chưa bao giờ phê phán phiên bản của Hicks. Cảm giác của tôi, dù cho có vẻ lạ khi nói ra, là Keynes chưa bao giờ coi đó là điều lí thú và không thấy hết tầm quan trọng của nó. Ông đã không nói đó là một điều kì diệu, cũng không nói đó là điều kinh khủng, ông ấy chưa bao giờ phản ứng cả, và đó mới là điều nghịch lí. Trong lúc ông luôn chu đáo trả lời thư từ gởi cho ông, ông đã phải mất sáu tháng để trả lời cho Hicks: “Tôi không có điều gì để nói cả về vấn đề này”, trừ trên một hay hai tiểu tiết. Nhưng, theo tôi, ông không đánh giá Hicks là một nhà tư tưởng hàng đầu. Ông nói rằng Hicks là một nhà “bác học cosinus” giỏi. Điều này tất nhiên là không đúng. Trong Hicks có điều gì đó mà Keynes không thích vả lại Kaldor cũng thế. Một hôm Kaldor nói với tôi rằng Hicks không phải là một nhà kinh tế giỏi vì “một nhà kinh tế giỏi trước hết phải là một nhà văn đả kích giỏi. Hicks là một ông quan toà, ông cân nhắc mọi thứ và lựa một đường trung dung. Đó không phải là truyền thống của Adam Smith. Thế mà Keynes thuộc truyền thống này, và tôi cũng thế. Còn Hicks thì không”. Không có gì “kết” Keynes với Hicks, chính vì thế mà Keynes khá bàng quan với những gì Hicks làm.
John Hicks (1904-1989)
Trong Lí thuyết tổng quát, Keynes có cường điệu hoá quan niệm của các nhà cổ điển không?
Có. Không một nhà kinh tế cổ điển, cũng như không một đồng nghiệp nào của ông tin vào những điều mà Keynes cho rằng đó là quan niệm của họ. Robertson, và cả Hawtrey hay Hayek đều không phải là những nhà kinh tế cổ điển. Người duy nhất có thể là nhà kinh tế cổ điển là Pigou. Rõ ràng là Keynes đã có thành kiến. Ông đã gán những luận điểm cho các nhà kinh tế cổ điển trong lúc không một nhà kinh tế nào đồng thời với ông tin vào những luận điểm đó nữa. Tuy nhiên đó là những điều họ phải nghĩ để nhất quán với những gì họ nói. Keynes thách thức họ làm phù hợp những tiền đề với những kết luận của họ.
Nếu Lí thuyết tổng quát được viết vào 1926, phải chăng đã tránh được thảm hoạ kinh tế của thập niên 1930?
Không, tôi không nghĩ rằng Lí thuyết tổng quát có thể được xuất bản mười năm trước được. Cần phải có cơn đại khủng hoảng thì mới kết tinh thành bản cáo trạng cay độc chống các nhà kinh tế cổ điển và, vả lại cũng là chống cách vậnh hành của nền kinh tế. Những tác phẩm của Keynes đều là những phản ảnh trung thành của thời đại chúng. Cuốn Treatise on Money tóm tắt thập niên 1920 và không liên quan gì đến cơn đại khủng hoảng. Trong đó bàn đến mô hình một nền kinh tế mở khi một nước gặp phải một số khó khăn. Ngược lại Lí thuyết tổng quát là một cuốn sách về cuộc khủng hoảng thế giới, và do đó, không thể tránh được sự can thiệp của Nhà nước trong đời sống kinh tế. Nhưng dường như câu hỏi của bạn còn có nghĩa là: nếu ta được trang bị tốt hơn về mặt lí thuyết thì ta có thể chiến đấu một cách có hiệu quả hơn chăng? Thật ra, không chỉ cần một lí thuyết tốt hơn mà lí thuyết đó còn phải được chấp nhận, và đây là một điều hoàn toàn khác. Cảm tưởng của tôi là tất cả những lí thuyết kiểu keynesian, một cách ngược đời, bắt đầu yếu dần khi mọi sự trở nên thật sự khó khăn. Nói cách khác, mọi người đều là keynesian trong thập niên 1950 và 1960 khi không có khó khăn gì cả. Khi những khó khăn trở lại thì không tránh khỏi là học thuyết chính thống quay trở lại. Đây là một bí mật tâm lí: khi người ta chịu một áp lực mạnh và chung quanh là sôi động mạnh thì người ta bám víu vào những chân lí cũ nhất, chứ không vào những chân lí mới có.
Arthur Cecil Pigou (1877-1959)
Giáo sư có nghĩ rằng thiên hạ đã quá coi trọng hiệu ứng Pigou nhằm làm giảm đóng góp lí thuyết của Keynes không? Phải chăng chính Keynes đã cảm nhận ý này nhưng sau đó lại chối bỏ nó?
Điểm xuất phát là bình luận của Keynes trong thập niên 1920 về tác phẩm của Dennis Robertson, Banking Policy and the Price Level [1926] dưới mục “những thiếu hụt phái sinh”. Ông gợi ý cho Robertson hiệu ứng tiền mặt thực tế, cơ chế khiến cho tiết kiệm tăng để lập lại giá trị thực tế của tiền mặt bị lạm phát bào mòn. Tại sao Keynes không nghĩ rằng hiệu ứng có thể tác động trong chiều ngược lại khi có giảm phát? Tôi nghĩ câu trả lời là vì ông không lập luận với những khái niệm cân bằng. Tôi biết là Presley [1986] bảo vệ ý kiến ngược lại, nhưng lập luận của ông ấy không thuyết phục được tôi. Trong trường hợp hiệu ứng Pigou, tại sao Keynes lại không chấp nhận như một trường hợp để xem xét, rồi đơn giản sau đấy loại nó đi vì cho rằng không đáng kể hay quá yếu? Tôi không rõ. Keynes nhạy cảm hơn với những hậu quả làm xã hội nghèo đi hơn là những hiệu ứng điều chỉnh tự động của tiền mặt.
Trong chừng mực nào có thể nói đến cuộc cách mạng keynesian tại Vương quốc Anh và tại Hoa Kì sau cuộc thế chiến thứ hai? Giáo sư có nghĩ rằng Keynes sẽ tán thành những chính sách thường được tiến hành nhân danh ông không?
Rất khó bảo vệ ý cho rằng không có cuộc cách mạng. Tuy nhiên có một số nhà bình luận thuận theo ý này nhưng theo tôi cam kết duy trì một mức việc làm cao và ổn định là một điều mới mà các chính phủ trước đó chưa bao giờ làm. Họ đã làm gì để đạt mục đích này lại là một vấn đề khác. Nhưng họ đã có một kiểu cam kết, và ngay cả những nhà chính trị cũng bị những cam kết của họ ràng buộc. Tất nhiên, họ đã làm cam kết này trước thế chiến nếu họ có thể dựa trên một mô hình kinh tế khác và trên một kinh nghiệm nhất định về chính sách tài khoá, như sau thế chiến thứ hai. Do đó đã có một cuộc cách mạng keynesian trên bình diện thế giới, dù cho ở mỗi nước là mỗi khác. Mỗi nước đã lấy điều gì họ cho là tốt trong Keynes và thêm vào truyền thống riêng của mình.
Chừng mực nào tin tưởng được Keynes về kinh tế chính trị học? Những đóng góp của trường phái lựa chọn công cộng và của kinh văn về các chu kì chính trị-kinh tế phải chăng đã cho thấy hình ảnh một Keynes ngây thơ về chính trị?
Tôi không chia sẻ cách mô tả Keynes như thế. Bạn không thể nói một người là ngây thơ khi mà người này không sống trong giai đoạn được xem xét và không biết những sự kiện mới của giai đoạn đó. Đó không phải là một từ đúng để mô tả Keynes, và tôi nghĩ rằng những quan niệm chính trị của ông cũng chuyển biến nếu ông ấy sống đến những năm 1960 và 1970. Những tiền đề của lập luận của ông thích hợp với những thực tế của thời đại ông hơn là với những thực tế của các thời đại sau.
Milton Friedman (1912-2006)
Ngoài Keynes ra, theo giáo sư, ai là người đã có ảnh hưởng lớn nhất đến những phát triển kinh tế vĩ mô xuất hiện sau Lí thuyết tổng quát?
Không nghi ngờ gì, đó là Friedman. Vừa là như một người cạnh tranh với Keynes, vừa là như chính một bậc thầy tư tưởng. Việc Friedman xét lại Keynes đã dẫn đến cuộc cách mạng của những dự kiến duy lí. Cần phải hiểu rằng Friedman là một nhà kinh tế vĩ mô, và ở cương vị này ông chia sẻ với Keynes một số giả định trước về vai trò của kinh tế học vĩ mô trong việc ổn định các nền kinh tế. Friedman đã luôn đề cao Tract on Monetary Reform. Hayek là một nhà kinh tế lớn khác của thế kỉ hai mươi, nhưng Hayek không tin vào kinh tế học vĩ mô. Ông ta không cho rằng đó là một khoa học thật sự vì ông là nhà kinh tế cực đoan nhất trong số những nhà kinh tế ủng hộ phương pháp luận cá thể.
Robert Lucas (1937-)
Do tầm quan trong mà Keynes dành cho những dự kiến trong Lí thuyết tổng quát, theo giáo sư, ông ấy sẽ tiếp nhận như thế nào giả thiết về những dự kiến duy lí và tất cả những mô hình của các nhà cổ điển mới như Lucas?
Một lần nữa rất khó trả lời vì câu hỏi của bạn thực ra nhằm vào khoa học luận của Keynes. Điều này đưa ta quay về cuốn Treatise on Probability và về việc phải xem rằng những niềm tin là có duy lí hay không. Những dự kiến duy lí đôi lúc cũng chợt đến trong Keynes ví dụ, bạn có thể hình dung số nhân tĩnh từ khái niệm dự kiến duy lí vì người ta dự kiến hay chờ đợi những hiệu ứng tức thì nhưng nhìn chung không nghi ngờ gì là những dự kiến, đối với ông, chủ yếu là không chắc chắn.
David Laidler (1938-)
David Laidler [1992b] gần đây đã lưu ý đến việc các nhà kinh tế kém hiểu biết lịch sử. Ở cương vị nhà sử học và nhà kinh tế, ông có chia sẽ ý kiến này không?
Vâng, tôi cũng nghĩ thế, đặc biệt là vì những lí do tôi đã nêu trên. Các nhà kinh tế không phải là những sử gia tốt và tôi nghĩ điều này đặc biệt hiện rõ trong trườg hợp những nghiên cứu keynesian chỉ nhấn mạnh đến một cuốn sách duy nhất Lí thuyết tổng quát và chứng tỏ là họ không quan tâm đến việc nối kết với phần còn lại của tư tưởng Keynes và lịch sử của thời đại ông ấy. Một trong những rất ít nhà kinh tế hiểu được điều này, Axel Leijonhufvud [1968], đã coi trọng quyển Treatise on Money và đã cố gắng xây dựng một hình ảnh nằm giữa Treatise on MoneyLí thuyết tổng quát. Đây là một thử nghiệm rất lí thú. Nghiên cứu mới đã thật sự cố gắng nối kết những bài viết kinh tế cuối cùng của Keynes với những bài viết triết học trước đó của ông, nhưng lại theo một cách tiếp cận phản lịch sử kì lạ. Ví dụ, họ không xem Treatise on Money như là một tác phẩm trước 1914 trong khi một nhà lịch sử theo bản năng sẽ xếp ngay vào thời kì đó. Những nhà nghiên cứu mới này đơn giản đặt song song nó với Lí thuyết tổng quát, và khảo sát những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai văn bản. Lịch sử không phải là như thế. 
Axel Leijonhufvud (1933-)
Đâu là những yếu tố ngoài kinh tế ảnh hưởng nhất đến những quan niệm kinh tế của Keynes?
Tôi nghĩ là có ba yếu tố ngoài kinh tế chính. Thứ nhất là các nhà cổ điển mà ông ấy đã được học trong nhà trường. Ông đã thấm nhuần thế giới quan và phương pháp luận của họ. Trong những bài viết của ông, có rất nhiều ám chỉ đến những ngụ ngôn cổ điển. Thứ hai là thần học. Phần lớn ngôn ngữ của ông, và cách ông sử dụng nó, nặng chất thần học. Dù sao kinh tế học cũng là sự tiếp nối của thần học bằng cách giữ rất nhiều những đặc tính của thần học. Thứ ba là nghệ thuật. Đâu là mục đích của hoạt động kinh tế? Điều này hiện rõ trong những tiểu luận như “Cách nhìn kinh tế của cháu chúng ta”. Mĩ học đã ảnh hưởng đến quan niệm của ông về vai trò của kinh tế học. 
Alan Walters (1926-2009)
Sự chống đối mãnh liệt của các nhà trọng tiền Anh nổi tiếng, như Alan Walters và Patrick Minford đối với việc Vương quốc Anh gia nhập hệ thống tiền tệ châu Âu giống một cách kì lạ với những tiến công của Keynes chống Churchill trong thập niên 1920. Hai giai đoạn lịch sử này giống nhau chăng?
Về nhiều mặt, hai giai đoạn này có nhiều điểm giống nhau. Trong cả hai trường hợp, đồng bảng Anh là quá cao và không có sự chú ý đầy đủ đến quá trình điều chỉnh. Việc Keynes chống đối bản vị vàng dựa trên lập luận rất trọng tiền được ông phát triển trong Tract on Monetary Reform trong đó ông bàn đến một hệ thống trễ đối với những giá mới hay tỉ giá hối đoái. Nhưng tôi không nghĩ rằng Keynes là một người ủng hộ việc thả nổi các đồng tiền theo cách hiểu của các nhà trọng tiền của thập niên 1970. Ông muốn một hệ thống có phối hợp, và bạn đừng quên ông là một trong những kiến trúc sư chính của hệ thống Bretton Woods. Trong một thế giới không có sự kiểm tra vốn, khi mà hệ thống tài chính ít bị kiểm soát hơn thời của Keynes thì có thể giả định là ông sẽ cho rằng không thể đối đầu với những người đầu cơ và do đó hệ thống tỉ giá hối đoái cố định sẽ phải thất bại.
Mặc dù có cơn khủng hoảng của hệ thống keynesian, được rộng rãi công nhận trong thập niên 1970, một số những tư tưởng này hình như đang sống trở lại. Giáo sư giải thích điều này như thế nào? Giáo sư có thấy nổi lên một đồng thuận trong đó những tư tưởng keynesian có thể một lần nữa trở thành tiêu điểm của kinh tế học vĩ mô?
Vâng. Keynes nói hai điều mà theo tôi có một giá trị thường xuyên và phải nằm trong bất kì quan niệm nào về sự vận hành của các nền kinh tế. Thứ nhất, ông nhấn mạnh là bất trắc tạo nên mất ổn định. Đầu cơ là con lắc của các nền kinh tế và cách nó lúc lắc sinh ra bất ổn trên tất cả các thị trường. Thứ hai, ông nêu bật những tác động trên thu nhập, sản xuất và giá cả, chứ không chỉ riêng trên giá mà thôi. Hai ý này rất quan trọng và mọi hiểu biết hiện đại về tiến trình của các nền kinh tế cần phải tính đến chúng. Nếu bạn nghĩ rằng các nền kinh tế là bất ổn, rằng những cơn suy thoái thường là khá nặng và những hậu quả của chúng không tự chúng biến mất thì bạn sẽ dành một vai trò cho Nhà nước. Một số nhà kinh tế khác cho rằng Nhà nước không nên có một vai trò lớn, nhưng chỉ cần theo một vài qui tắc. Chính nơi đây mới thật là điểm tranh luận, và tôi đứng về phía Keynes. Điều này không có nghĩa là ta phải theo những chính sách Keynes chủ trương. Thời đại đã thay đổi và những chính sách mà ông ấy có thể khuyến nghị cũng thay đổi theo.
Nếu Keynes vẫn còn sống đến 1969, giáo sư có nghĩ rằng ông ấy sẽ được giải Nobel kinh tế đầu tiên không?
Ah [Cười]. Có thể nào trả lời khác hơn là vâng? [Cười nữa]

Thư mục

Galbraith, J. K. (1967), The New Industrial State, Boston, Mass.: Houghton Mifflin
Harrod, R. (1951), The Life of John Maynard Keynes, London: Macmillan
Keynes, J. M. (1921), A Treatise on Probability, London: Macmillan
Keynes, J. M. (1923), A Tract on Monetary Reform, London: Macmillan
Keynes, J. M. (1930), A Treatise on Money, London: Macmillan
Keynes, J.M. (1936), The General Theory of Employment, Interest and Money, London: Macmillan [bản dịch tiếng Việt: Lí thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994 - ND]
Laidler, D. E. W. (1992b), “Issues in Contemporary Macroeconomies”, in A. Vercelli and N. Dimitri (eds), Macroeconomies: A Survey of Research Strategies, Oxford, Oxford University Press
Leijonhuvud, A. (1968), On Keynesian Economics and the Economics of Keynes, London: Oxford University Press
Moggridge, D. (1992), John Maynard Keynes: An Economist’s Biography, London: Routledge
Presley, J. R. (1986), “J. M. Keynes and the Real Balance Effect”, The Manchester School, March
Robertson, D. H. (1926), Banking Policy and the Price Level, London: P. S. King
Robinson, J. (1933), The Economics of Imperfect Competition, London: Macmillan
Sraffa, P. (1926), The Laws of Returns Under Competitive Conditions, Economic Journal, December

Brian Snowdon, Howard Vane và Peter Wynarczyk

Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: La pensée économique moderne. Guide des grands courants de Keynes à nos jours, NXB Ediscience International, Paris, 1997 (bản dịch tiếng Pháp của Fabrice Mazerolle từ nguyên tác tiếng Anh là A Modern Guide to Macroeconomics. An Introduction to Competing Schools of Thought, NXB Edward Elgar Publishing Limited, Hants, UK, 1994).

Print Friendly and PDF