29.3.17

Chủ nghĩa duy lý cổ điển



Khoa học kỹ thuật và văn hoá ‒ 2

CHỦ NGHĨA DUY LÝ CỔ ĐIỂN 

Hàn Thuỷ
Vì phần đầu bài này đã xa (xem DÐ số 37, 1.95), xin nhắc lại: Lần trước đã điểm qua sự hình thành khoa học và kỹ thuật (KHKT) tại Âu châu thời kỳ 'tiền Galilei', và hứa sẽ tiếp theo bằng phần bàn về bản sắc văn hoá và khoa học kỹ thuật. Sở dĩ như vậy vì, sau khi đã có dàn bài và thu thập tạm đủ tài liệu, tưởng rằng có thể viết ngắn; nhưng hoá ra tài bất cập chí, viết ngắn khó hơn viết dài; đành phải xin đăng dần thành nhiều kỳ theo dòng lịch sử. Lần này (phần hai) xin giới thiệu tóm tắt những đặc thù cuả tinh thần KHKT cổ điển, đã hình thành trong hai thế kỷ 17 và 18. Tiếp theo là phần ba: ảnh hưởng hỗ tương của các cuộc cách mạng KHKT, cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng chính trị trong hai thế kỷ 18 và 19. Sau cùng sẽ đề cập tới những khủng hoảng trong khoa học kỹ thuật hiện đại kể từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay, cũng như giới thiệu một vài nghiên cứu so sánh KHKT Ðông phương và Tây phương. Qua cái nền lịch sử quá ngắn ngủi đó người viết bài chỉ có tham vọng xới lên một số câu hỏi trong mối liên hệ phức tạp giữa KHKT và bản sắc văn hoá.
1. Ánh sáng thiên khải rơi xuống trần gian
René Descartes (1596-1650)
Denis Diderot (1713-1784)
Cho tới thế kỷ 17 người châu Âu coi hiểu biết của con người là thiên khải, một đặc ân từ Thượng đế ban xuống. Tới Descartes, ông tin rằng lý trí con người (la raison) là do một khả năng được Thượng đế cấy vào phần xác, để rồi từ đó con người có thể tìm hiểu tự nhiên qua cố gắng cuả bản thân. Nghĩa là, nói như một ẩn dụ quen thuộc, Thượng đế không cho con người mỗi ngày một con cá, mà ban cho hắn cái cần câu. Như thế là một thay đổi cơ bản trong nhận thức, đưa đến thay đổi cơ bản trong chương trình hành động cuả con người; vì hắn chỉ có thể dựa vững chắc vào khả năng tư duy của mình. "Tôi suy tưởng, vậy thì tôi hiện hữu", mệnh đề triết học đã làm chảy biết bao nhiêu mực, nhắc lại ở đây chỉ để khẳng định một khiá cạnh: kể từ Descartes con người đã được gắn liền với khả năng tư duy của nó. Hiểu biết do con người đạt được bằng cách vận dụng cái lý tính đó ông gọi là "ánh sáng tự nhiên" (lumière naturelle) và theo ông, ngay cả sự hiện hữu cuả Thượng đế, vấn đề thần học cơ bản, cũng có thể được minh chứng bằng ánh sáng tự nhiên.
Thế kỷ sau, thế kỷ 18, cũng được gọi là thế kỷ ánh sáng. Chính vì sau những phát kiến khoa học kỹ thuật vô cùng hiệu quả so với quá khứ, các nhà khoa học và triết học như d'Alembert, Diderot và những người làm nên bộ bách khoa toàn thư Pháp, đã đam mê đến tuyệt đối thứ ánh sáng duy lý làm tỏ rạng thế giới tự nhiên đó.
1.1. Từ Copernic tới Galilei
d'Alembert (1717-1783)
Nicolas Copernic (1473-1543)
Nhưng thế nào là thế giới tự nhiên? trong truyền thống Tây phương trước Copernic, thế giới lý tưởng của chân thiện mỹ là nơi trú ngụ của các vì tinh tú bên trên mặt trăng (monde supra lunaire), nghĩa là tuy rất xa xôi nhưng nhìn thấy được, nghĩa là có thật, hiện hữu, hiện hữu một cách sắt đá không khác gì đất, nước, khí và lửa trong thế giới phàm tục, thế giới ở dưới mặt trăng (monde sub-lunaire). Chuyển động của các vì sao thể hiện lý tính tuyệt đối, bất biến, có chu kỳ đều đặn; hiểu biết về cái thế giới lý tưởng đó là cách để hiểu thế giới phàm tục đầy nhập nhằng và nhiễu loạn. Vì thế đối với các học giả Âu tây từ thượng cổ, tìm hiểu chuyển động của tinh tú là vấn đề vô cùng quan trọng, vòm trời cao vừa là thế giới của thần linh và của những hiện tượng thần bí có ảnh hưởng tới vận mệnh con người, vừa là thế giới toán học. Ðó có lẽ là những điểm dị đồng giữa Ðông và Tây cổ đại; đồng, vì bộ môn thiên văn học (astronomie) ở Ðông phương và Tây phương đều xuất phát từ những quan sát bầu trời và phát hiện những liên hệ thực sự tới khí hậu, mùa màng, và khởi đầu cũng đều đồng nghĩa với toán số tử vi (astrologie); dị, vì trong truyền thống tranh luận dân chủ của Hy Lạp, sự đòi hỏi những giải thích duy lý rất cao đã sớm đưa lại những sản phẩm tuyệt vời cuả trí tuệ, như những giả thiết khác nhau về vũ trụ, dựa trên lý luận toán học. Có gì vô tích sự (trong khung cảnh của hai nghìn năm trước) và khó khăn hơn những tranh luận về nguồn gốc và hình thái vũ trụ? nhưng cũng không gì cao đẹp, hùng vĩ và vô vị lợi hơn thế. Chỉ đếm số sách viết về vũ trụ học trong những năm gần đây đủ thấy truyền thống đó vẫn ảnh hưởng sâu đậm trong khoa học và văn hoá Tây phương.
Giordano Bruno (1548-1600)
Khi Copernic (1473-1543) truyền bá lại thuyết “trung tâm là mặt trời” có từ thời Hy Lạp (Aristarque de Samos, 275 trước Công nguyên ), và cho trái đất cùng một vai trò như những hành tinh khác xoay quanh mặt trời, thì đã ngấm ngầm phá bỏ cái thế giới thần linh nhìn thấy được ở bên trên mặt trăng rồi, nhưng ông mới chỉ dám nói đó là một giả thuyết để tiện bề tính toán. Tác phẩm chủ yếu “về quỹ đạo của các thiên thể” in xong khi Copernic đang ốm nặng, ông chỉ được cầm quyển sách trong tay vài giờ trước khi chết. Thuyết Copernic gây ra một cuộc bàn cãi náo nhiệt và lâu dài trong các đại học-tu viện, người ủng hộ thuyết này mạnh mẽ và phát triển tới cùng là Giordano Bruno (1548-1600). Ông bị xử án thiêu sống vì nhiều lần phản bác các giáo điều, trong đó có tội lỗi lớn nhất là dám nói rằng thế giới tự nhiên là vô tận, không có trung tâm, trong đó không những trái đất mà cả mặt trời và các hành tinh khác đều không có gì đặc biệt, có vô số mặt trời và vô số hành tinh, nghĩa là đi xa hơn Copernic rất nhiều. Năm 1616, tức là 16 năm sau khi xử hoả thiêu Bruno và 73 năm sau khi Copernic qua đời, giáo hội mới chính thức kết án thuyết Copernic, cấm Galilei (1564-1642) truyền dạy thuyết này. Khi ấy Galilei đã là một học giả được giới quý tộc và giáo sĩ, kể cả giáo hoàng, trọng thị. Mặc dù bị cấm, Galilei vẫn viết sách bảo vệ thuyết Copernic, năm 1933, nghĩa là 17 năm sau lệnh cấm, Galilei bị xử phải quỳ gối tuyên bố từ bỏ thuyết trái đất quay quanh mặt trời. Tương truyền rằng ngay khi đứng dậy ông lại lẩm bẩm nói "thế nhưng nó vẫn quay!".
Galileo Galilei (1564-1642)
Người ta hay cho rằng trong quá khứ thiên chúa giáo bảo thủ và cứng nhắc tới dã man, vì đàn áp tư tưởng; thực ra hệ thống quyền lực gồm vua chúa và nhà thờ từ trung cổ qua thời phục hưng không phải là một thể thống nhất, do đó dù sao cũng chấp nhận tranh luận, người tài tuy đa truân lang bạt nhưng vẫn có đất dung thân. Và phải nói, đối với trí thức, giáo hội đã sử dụng bạo lực một cách thận trọng như khoảng thời gian dài đấu tranh tư tưởng chung quanh thuyết Copernic cho thấy; mặc dù cần tương đối hoá theo vận tốc thông tin của thời chưa có điện, sách in hiếm và đắt, chỉ truyền từ nơi này tới nơi khác theo hành lý trên lưng con lừa của các giáo sĩ (nghèo. Tâm huyết ở đâu và thời nào cũng nghèo, chứ còn thiếu gì những giáo sĩ ngồi xe bốn ngưạ. Xem phim 'le nom de la rose'[*]; lời bàn của người đánh máy). Dĩ nhiên như thế không có nghĩa là không sai lầm và không độc đoán, nhưng người ta có thể nghĩ là những vị đã phán xét Galilei hay Bruno thực sự tin vào những kết án của họ, vì các phiên toà đều công khai, và chính vì thế nhìn chung lại giáo điều đã biết lùi từng bước trước lý luận khoa học. Những trường hợp như Bruno và Galilei không nhiều lắm, nghĩa là cả về tuyệt đối lẫn tương đối nhà thờ thời ấy rất nhân đạo và cởi mở so với Staline, Mao và vân vân. Cũng có thể rút ra thêm một kinh nghiệm lịch sử khác: mặc dù phương tiện truyền tin chỉ là cái lưng con lừa cũng không thể ngăn cấm sự truyền bá tư tưởng, nếu chúng tự có sức thuyết phục.
1.2. Từ Galilei tới Descartes và Newton
Isaac Newton (1643-1727)
Roger Bacon (1214–1292)
Năm 1609 khi Galilei sáng chế viễn vọng kính và chiếu lên khảo sát các thiên thể thì đã mặc nhiên nhập hai thế giới chia cách bởi mặt trăng làm một thế giới duy nhất. Toán học không phải là ngôn ngữ của các thiên thần, mà chính là ngôn ngữ tiềm ẩn sâu kín cuả thế giới tự nhiên. Thế giới tự nhiên có những quy luật phổ quát cuả nó, viết bằng ngôn ngữ toán học, và muốn khám phá những quy luật này phải quan sát và thí nghiệm. Quan điểm cuả Galilei thực ra không khác những lời dạy từ thế kỷ 13 cuả Roger Bacon (1210-1292), nhưng có lẽ lúc ấy quá sớm. Bacon là giáo sĩ tại Oxford và Paris, đã bị treo bút và cấm dạy học nhiều năm vì truyền bá Aristote. Cuộc cách mạng nhận thức tiếp diễn qua Descartes (1596-1650) với phương pháp hình học phân tích (géométrie analytique), cho phép mô tả bằng toán học sự chuyển động của các vật thể cuả thế giới tự nhiên trong không gian - vô tận - ba chiều. Cái mà sau này hậu thế gọi là "hệ thống toạ độ cuả Descartes" chính là một sáng tạo của nhà toán học lớn thời Hy Lạp Apollonios de Pergè (cuối thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, tác giả cuả những đường cong ellipse, parabole và hyperbole do chính ông đặt tên), được Descartes phát triển trở lại. Niềm tin cuả Descartes vào khả năng con người có thể dùng phương pháp phân tích duy lý để đi từ nhìn rõ tới hiểu rõ thế giới tự nhiên, và sau đó đi từ hiểu rõ tới làm chủ thiên nhiên, được biểu lộ qua một mệnh đề quá nổi tiếng khác, trong tác phẩm luận thuyết về phương pháp (discours de la méthode): "... khiến cho con người trở thành người chủ và chủ sở hữu của tự nhiên" - rendre l'homme maître et possesseur de la nature - Câu này có thể được coi là tuyên ngôn và chương trình hành động cuả khoa học kỹ thuật cho đến giữa thế kỷ 20, với quá nhiều thành công. Khiến cho con người nhiều khi bỏ quên sự tỉnh táo nghi ngờ triết học nằm ở điểm khởi đầu của luận thuyết về phương pháp.
Gottfried Leibniz (1646-1716)
Với đồng hồ để đo thời gian và hệ thống toạ độ để đo không gian, thế giới dưới con mắt các học giả thời ấy quả đã sáng rõ như “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, khác trước nhiều lắm. Vũ trụ quan, phương pháp luận cũng như những quy luật cơ học tuy chưa hoàn chỉnh cuả Galilei và Descartes mở đường cho những khám phá và phát minh toán lý sâu sắc hơn của Leibniz (1646-1716) và Newton (1642-1727), để đi đến bộ môn cơ học thuần lý về sau này, một trong những nền tảng vững chắc nhất cuả sức mạnh kỹ thuật Tây phương. Về mặt khoa học tự nhiên, trong suốt hai thế kỷ sau người ta coi như sự tìm hiểu thế giới về cơ bản đã chấm dứt khi Newton tìm ra qui luật vạn vật hấp dẫn (công bố năm 1687), và chứng minh tính cách tuyệt đối phổ quát của nó, từ quả táo tới mặt trời mặt trăng và các hành tinh. Ðể áp dụng quy luật này vào cơ học của các thiên thể cũng như 'điạ thể’, Newton đã sáng tạo phương pháp toán học giải tích, vi phân; đồng thời và độc lập với Leibniz, nhưng các ký hiệu ngày nay dùng là của Leibniz vì tiện lợi hơn.
2. Tinh thần duy lý trong khoa học cổ điển
Hãy tạm dừng ở cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 để nhìn chung lại. Tinh thần khoa học Tây phương kể từ khi khám phá trở lại Aristote, qua giai đoạn sùng bái, tới giai đoạn vượt qua Aristote, rồi tới đỉnh cao muôn trượng Newton... có những đặc điểm gì mới? Trong di sản Hi Lạp những gì đã đào thải và những gì còn lại? Có thể tóm gọn như sau:
· Toán học được giữ lại và phát triển vượt bực, cả toán học và tinh thần thực nghiệm đều được tôn trọng, nâng cao và hỗ trợ lẫn nhau trong các nghiên cứu cơ học.
· Cơ học của Aristote và Ptolémé bị đánh đổ và thay bằng cơ học của Newton trong một khung cảnh tiến bộ kỹ thuật thường trực, vừa hỗ trợ, vừa đặt yêu cầu, vừa đưa vào sử dụng ngay những thành tựu lý thuyết. Nói cho cùng thì việc toán học hoá cơ học, tức là chuyển động của các vật thể (vô sinh, hay nhìn dưới khiá cạnh vô sinh) trong không gian là việc dễ nhất, cho nên thành công đầu tiên.
· Trong thế kỷ 18 các bộ môn khác, với các đối tượng phức tạp hơn như hoá học, sinh học, y học, nhân văn và xã hội bắt đầu được hình thành và xây dựng theo những mô hình chịu ảnh hưởng nặng của cái nhìn cơ học.
2.1. Thuyết phục và chứng minh
Khái niệm chứng minh (démonstration) nảy sinh từ nền dân chủ Hy Lạp. Nói vậy có nghĩa không ai ngoài người Hy Lạp tìm hiểu rõ ràng thế nào là chứng minh, điều mà trước đó hay cùng thời ở các nơi khác con người vận dụng một cách không có ý thức, và vì thế cũng không toàn hảo. Có lẽ vì dân chủ nên cần thuyết phục nhau bằng ngôn từ, và sự thuyết phục cao cả nhất là tôn trọng nhu cầu đi tìm sự thực cuả người đối thoại. Ðó là khoảng cách từ các nhà biện luận vô danh ở Athènes tới triết gia Socrates: với Socrates biện luận không còn để chinh phục người khác mà để bắt buộc mỗi người thoả mãn lý trí của bản thân, để mỗi người tự tìm ra sự thực "connais toi toi même, hãy tự biết mình". Sau này Aristote phân biệt rất rõ ràng sự thuyết phục (persuasion) tức là làm cho người khác nghe theo mình bằng đủ mọi cách, và sự chứng minh (démonstration) trong đó những nguyên tắc của logic phải được tuân thủ chặt chẽ từng bước một. Mặc dầu môn luận lý học hình thức (logique formelle) ngày nay có nhiều phát triển phức tạp, các quy tắc sơ đẳng do Aristote nêu ra, như nguyên tắc đồng nhất (A chính là A), tam đoạn luận (Socrates là người, làm người ai cũng phải chết, vậy thì Socrates cũng sẽ phải chết)... vẫn là những nguyên tắc cơ bản về lý luận, vẫn nằm trong cơ sở cuả máy tính điện tử. Một khám phá vĩ đại nữa của Aristote là nhận thấy rằng dù có chặt chẽ tới đâu thì cái mắt xích đầu tiên của chuỗi lý luận cũng là cái không thể chứng minh, chỉ có thể hy vọng nêu lên những chân lý đơn giản và bao quát nhất mà mọi người cùng chấp nhận trước khi bước vào cuộc 'phiêu lưu của trí tuệ'. Euclide là người đã tuân thủ phương pháp luận của Aristote trong toàn bộ trước tác toán học của ông, vì thế đã xây dựng được một công trình của lý trí đứng sừng sững trong hơn hai ngàn năm không một vết mờ, sẽ vĩnh viễn hữu ích trong nhiều hoạt động kỹ thuật cụ thể, và vĩnh viễn được chấp nhận như những mẫu mực của lý luận toán học. Thiên tài của Euclide thể hiện qua nhiều mặt: Ghi lại có hệ thống, theo thứ tự từ thấp đến cao, một cách sáng sủa và chặt chẽ, những hiểu biết toán học trong thời đại ông sống, trong đó có những chứng minh độc đáo của bản thân ông; nhiều chứng minh đẹp tuyệt vời. Nhưng cái làm cho Euclide thực sự thành 'vạn đại vi sư' là hệ thống các định đề hình học của ông: tóm gọn chân lý về đường thẳng, mặt phẳng, không gian trong vài câu ai cũng thấy hiển nhiên không cần chứng minh; rồi từ đó Euclide không hề phạm sai lầm lý luận nào hay viện dẫn bất cứ chân lý nào khác. Thiên tài ở chỗ biết rằng phải như thế, và như thế là đủ. Lý tưởng của khoa học cho đến nay vẫn là “giản dị hoá mọi sự đến hết mức có thể, mà không đi quá” (Einstein).
2.2. Không gian, thời gian, và vật chất
Euclide (?-366 TCN)
Với Aristote, vạn vật của đời thường nếu gọi là hiện hữu thì phải chiếm một thể tích nào đó trong cái mà ông gọi là "không gian nền", espace substrat. Nghiên cứu những hình thể lý tưởng mà người ta có thể khái quát hoá từ những vật thể của đời thường như điểm, đường thẳng, mặt phẳng... chính là đối tượng của hình học, và bước đầu tiên của hình học lại là phải khái quát hoá cái không gian nền, nơi cư trú của vạn vật. Trong nghĩa ấy, những nhà toán học Hy Lạp mà đỉnh cao là Euclide phải được hiểu như những nhà vật lý học lý thuyết (không tự giác) đầu tiên, vì đối với họ không gian toán học và không gian là một. Từ Aristote chỉ có trực giác cụ thể không gian nền là nơi cư trú của vạn vật, qua Euclide với bộ môn hình học, tới toán học của Descartes, Newton... không gian chúng ta đang sống ngày càng được hiểu rõ. Nhưng chỉ với Einstein, người ta mới nhận thức được rõ ràng rằng cấu trúc của không gian là một vấn đề vật lý lý thuyết cơ bản.
Ánh sáng mà Descartes và Newton thắp lên trong thế kỷ 17 ngày càng tỏ rạng trong suốt thế kỷ 18, và ảnh hưởng sâu đậm trong triết học, văn hoá, đời sống kinh tế xã hội từ đó cho tới nay. Nhưng đó là một mảng vấn đề lớn ở đây chưa thể đề cập. Chỉ muốn cùng bạn đọc thử dùng tưởng tượng đặt mình vào vị thế của người 'quân tử' (gentilhomme) có học của khoảng nửa đầu thế kỷ 18, trước các đảo lộn kinh tế xã hội, để xét xem, về mặt khoa học tự nhiên, đâu là những xác tín vững vàng:
  • Trái đất tròn, và trái đất quay quanh mặt trời tròn, cố định như những vì sao khác.
  • Vạn vật trong khắp vũ trụ tồn tại và chuyển động trong một không gian Euclide ba chiều, những chuyển động đó có thể được đo đạc bằng đồng hồ và một hệ thống tọa độ.
  • Khi không có gì tác động trên nó, một vật thể sẽ chuyển động theo đường thẳng với vận tốc cố định. Sự tác động trên một vật thể có thể được biểu thị bằng khái niệm 'vectơ lực' (vecteur force), đại khái như một mũi tên. Gia tốc, tức là vectơ biểu diễn sự thay đổi vận tốc, khi ấy sẽ tương đương với lực tác động.
  • Vạn vật trong vũ trụ, không chừa bất cứ cái gì, thu hút lẫn nhau theo quy luật của Newton.
  • Chuyển động của mọi vật thể, lớn như mặt trời hay nhỏ như hòn bi, đều có thể được nghiên cứu bằng cách coi chúng như một tập hợp của những phần tử rất nhỏ, và áp dụng những phương trình toán học giải tích. Khi đó nếu biết rõ vị trí hiện tại, có thể tiên đoán vị trí của chúng trong tương lai một cách vô cùng chính xác.
Rõ ràng những thành quả đó là những hiểu biết rất vững chắc về mặt cơ học. Thế nhưng đi ra ngoài khiá cạnh cơ học, nhiều câu hỏi còn tồn tại?
  • Ánh sáng (không phải ánh sáng duy lý, mà ánh sáng của đời thường, cái làm cho con mắt nhìn thấy được) là cái gì? là vật chất hay không phải là vật chất? Newton thì cho rằng đó là hạt, Huyghens lại cho là sóng. Ai đúng?
  • Bản thể của vật chất là cái gì? Dĩ nhiên thời ấy đã rõ là cả Démocrite (thuyết nguyên tử) và Aristote (thuyết nguyên tố) đều quá giản lược, nhưng về căn bản ai đúng cũng chưa giải quyết được. Bản thân Newton cũng đã mày mò rất nhiều trong những thí nghiệm có tính cách 'tiền hoá học' (alchimie).
  • Có lẽ thuyết về các 'dịch lý' (cause) của Aristote, đặc biệt là cái dịch lý cứu cánh (cause finale), tuy về mặt cơ học đã bị lay chuyển, nhưng chưa thể nghi ngờ khi khảo sát các sinh vật.
3. Tạm đúc kết: Kinh nghiệm ngây thơ và thực nghiệm
Hoá học, sinh học, sinh vật học... còn là những tiến bộ để dành cho cuối thế kỷ 18 và thế kỷ 19 là chính, cùng với tất định thuyết tuyệt đối của Laplace. Tuy nhiên, với cơ học, tinh thần duy lý Tây phương, cái mầm mống đẻ ra KHKT và nền văn minh kỹ nghệ đã thành hình: đó là sự duy lý thực nghiệm (expérimental), sự duy lý kết hợp giữa ngôn ngữ toán học trừu tượng và thực tế kinh nghiệm — đây cũng cần cải chính một điểm: không thể nói rằng người Hy Lạp không tôn trọng sự quan sát thực tế. Aristote rất tôn trọng thực tế nghiệm sinh, và các nghiên cứu và quan sát trong Y học của trường phái Hippocrates và sau này tại Alexandrie đều rất cao, nghĩa là đã có thực nghiệm ở một mức thấp, có quan sát nhưng ít thí nghiệm. Chỉ có thể tiếc là tuy có toán học và có thực nghiệm, nhưng toán học và thực nghiệm đã không gặp nhau. Có lẽ có nhiều lý do: hoặc vì chưa cần thiết (mọi chuyện cụ thể khó nhọc đã có nô lệ làm), hoặc vì nếu cần thiết thì lại quá khó (y học một phần nào chỉ trở thành khoa học có lý thuyết chính xác sau Pasteur), hoặc vì kỹ xảo và công nghệ chưa đủ chính xác để có thể phát hiện những đặc điểm đáng chú ý của tự nhiên (muốn có Galilei trước cũng phải có công nghệ làm thuỷ tinh và mài kính).
Niềm tin cơ bản nằm trong khoa học là đằng sau sự phức tạp cuả thế giới nghiệm sinh có một trật tự đơn giản hơn, không thấy được qua nghiệm sinh trực tiếp, nhưng diễn giải được bằng ngôn ngữ toán học, và từ đó nghiệm sinh được một cách gián tiếp, thông qua thực nghiệm. Thực nghiệm, có nghĩa là đồng thời khảo sát thực tế bằng quan sát, phân loại, đặt tên, suy diễn và thí nghiệm, nghĩa là bằng cách sử dụng một lý thuyết; và đồng thời khảo sát trở lại lý thuyết bằng thực tế. Kể từ Galilei nhân loại đi tới trong hiểu biết tự nhiên bằng hai chân. Phương pháp khoa học cơ bản đó cho tới nay không có gì thay đổi, và điều bí ẩn vẫn là "tại sao thế giới này có thể hiểu được" (Einstein). Chữ "hiểu " ở đây có hai khiá cạnh: mô tả bằng ngôn ngữ toán học những quy luật tự nhiên cơ bản, và tiên đoán đúng kết quả của những hành động dựa trên các quy luật đó. Nghiã là vừa trừu tượng vừa hữu hiệu.
Hàn Thuỷ



[*] Tên của đóa hồng, bản dịch của Lê Chu Cầu, nxb Văn học, Hà Nội, 2013 (BT)

Print Friendly and PDF