19.3.17

Vĩnh biệt Kenneth Arrow, một thiên tài hiền lành về kinh tế học




VĨNH BIỆT KENNETH ARROW, MỘT THIÊN TÀI HIỀN LÀNH VỀ KINH TẾ HỌC

Lawrence H. Summers tưởng nhớ đến người cậu của ông, nhà kinh tế học đoạt giải thưởng Nobel Kenneth Arrow
LAWRENCE H. SUMMERS
Cậu tôi, nhà kinh tế học đoạt giải thưởng Nobel Kenneth Arrow, đã qua đời vào tuần này ở tuổi 95. Ông là một người đáng yêu và là một người hùng đối với tôi và nhiều người khác. Tôi chưa từng biết một ai khác là hiện thân của một đời sống học thuật khá sống động như vậy.
Tôi nhớ như in thời điểm mà Kenneth nhận giải thưởng Nobel vào năm 1972. Paul Samuelson – một nhà kinh tế học khác cũng đoạt được giải thưởng Nobel, mà tình cờ, cũng là một người bác của tôi – đã tổ chức một bữa tiệc để vinh danh ông [Kenneth Arrow], mà tôi, khi đó mới học năm thứ hai tại trường MIT, đã được mời. Đó là một lễ hội nếu muốn nói hơi ngốc nghếch một chút.
Paul Samuelson (1915-2009)
Lev Pontryagin (1908-1988)
Khi màn đêm buông xuống, Paul và Kenneth đứng trong một góc và thảo luận về nhiều định lý khác nhau về kinh tế toán học. Mọi người bắt đầu rời buổi tiệc. Vợ của Paul đã tỏ ra sốt ruột. Vợ của Kenneth, dì của tôi Selma, đã mặc áo khoác vào, cài nút áo lại và bắt đầu đi ra cửa. Kenneth nêu lên một cái gì đó được biết đến như là nguyên lý maximum và các tác phẩm của nhà toán học Nga Pontryagin. Paul bắt đầu một câu chuyện về nhà kinh tế toán học và nhà triết học vĩ đại người Anh Frank Ramsey. Việc đi hay ở của tôi phụ thuộc vào phần kết cục của cuộc chuyện trò này, vì vậy tôi chăm chú chờ đợi một cách tỉnh táo mà không hiểu một lời nào.
Nhưng tôi hiểu điều này: Có hai người đã đoạt giải Nobel trong phòng. Họ là hai người, mà sau khi tất cả mọi người khác đã mệt lử và đi về nhà, đã tiếp tục nói chuyện khuya lắc khuya lơ về chủ đề mà họ yêu thích. Vào đêm đó, tôi đã học được nhiều điều về các người cậu/người bác của tôi – về niềm đam mê của họ đối với những ý tưởng và về tầm quan trọng và sự phấn khích của những gì mà các học giả đang làm.
Frank Ramsey (1903-1930)
Các tác phẩm của Kenneth đã giải quyết được những vấn đề lâu đời và đã mở ra nhiều lĩnh vực rộng lớn mới cho người khác khám phá. Ông có lẽ là nhà lý thuyết kinh tế quan trọng nhất của thời kỳ nửa sau thế kỷ 20.
Liệu có không một hệ thống bỏ phiếu có thể tin cậy được để chắt lọc nguyện vọng của một nhóm người? Đã có nhiều nhà toán học có tên của mình được đặt cho các định lí. Định lý bất khả của Arrow liên quan đến việc bỏ phiếu và kết hợp sở thích là định lý duy nhất mà theo tôi biết được đặt theo tên của một nhà kinh tế học.
Vận dụng logic toán học, định lý đó cho thấy rằng không có một kế hoạch bỏ phiếu khả dĩ nào có thể phản ánh, một cách nhất quán và hợp lý, các sở thích của một tập hợp những cá nhân có nhiều quan điểm khác nhau. Bất kỳ một kế hoạch bỏ phiếu nào bao giờ cũng được phát minh ra với nguy cơ dẫn đến những kết quả phi logic, ví dụ, việc lựa chọn giữa các tùy chọn A và B bị ảnh hưởng bởi sự có mặt hay vắng mặt của tùy chọn C; hoặc khi một người chuyển lá phiếu bầu của mình cho tùy chọn A thì có thể làm cho tùy chọn này ít có khả năng thắng thế. Định lý bất khả nặng tính toán học và khó hiểu đến như vậy đó. Nhưng nó cũng giải thích được lý do tại sao các ủy ban [bầu cử] rất bối rối để đưa ra những kết luận mang tính nhất quán và lý do tại sao, với một cử tri ngày càng phân cực, nền dân chủ có thể ngày càng trở nên rối loạn.
Adam Smith (1723-1790)
Các nhà kinh tế học đã viện dẫn ý tưởng của Adam Smith về "bàn tay vô hình" trong hàng trăm năm. Nhưng cho đến khi Kenneth vận dụng các kỹ thuật của tô-pô (có nghĩa là, nghiên cứu về các thuộc tính hình học và các quan hệ không gian), thì chưa có ai có thể thiết lập được các điều kiện chính xác, mà theo đó giá cả sẽ cân bằng tất cả các thị trường, hoặc theo đó người ta có thể cho rằng thành quả của thị trường mang tính tối ưu. Được viết ra vào đầu những năm 1950, ông làm sáng tỏ những điều kiện rất đặc biệt, mà theo đó các thành quả thị trường là tốt nhất và, quan trọng không kém, các điều kiện tổng quát hơn để cho những biện pháp can thiệp công cộng trên các thị trường có tiềm năng làm cho mọi việc trở nên tốt hơn.
Trong thời gian còn lại của cuộc đời, Kenneth đã khảo sát những điều kiện này, viết bài về nhiều chủ đề khác nhau, từ bảo hiểm y tế cho đến chính sách đầu tư công, đến sự tăng trưởng kinh tế, và đến những giới hạn của các tổ chức. Thật khó có thể tưởng tượng được những gì mà kinh tế học ngày nay có được mà không có sự đóng góp của ông.
Tôi gặp ông vào mỗi kỳ lễ Tạ Ơn trong 49 năm qua cùng với đại gia đình mà ông yêu thương. Trong một gia đình của các giáo sư, các đề tài trò chuyện thuộc phạm vi rất rộng. Trừ giải đấu NFL [National Football League (Giải Bóng bầu dục Quốc gia) – ND], không có chủ đề nào – từ chính trị cho đến âm nhạc, từ văn học cổ điển cho đến vật lý học – mà Kenneth không tò mò và dường như thông suốt mọi sự.
Lawrence Summers (1954-)
Kenneth biết nhiều tất cả mọi thứ hơn bất cứ ai biết được về bất cứ điều gì, nhưng ông không bao giờ phô trương trí tuệ của mình. Đó là một bài học khác cho tôi khi, nhiều năm trước đây, có một bài báo được công bố sửa sai một phân tích nổi tiếng của một trong những người thầy của Kenneth. Vào thời điểm đó, nó tạo ra một sự kích động. Tôi hỏi ông nghĩ như thế nào. Ông lặng lẽ nói rằng ông đã biết sai lầm [của người thầy đó] trong nhiều thập kỷ, nhưng ông tôn trọng người thầy của mình khi không công bố quan điểm sâu sắc của ông.
Hãy yên nghĩ, nhà thiên tài hiền lành.
Lawrence H. Summers là Giáo sư [Charles W. Eliot] Đại học và là Chủ tịch danh dự [về hưu] tại Đại học Harvard. Ông từng là vị Bộ trưởng Tài chính thứ 71 cho Tổng thống Clinton và là Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia cho Tổng thống Obama.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Farewell to Kenneth Arrow, a Gentle Genius of Economics, The Wall Street Journal, Feb. 24, 2017.
Print Friendly and PDF