15.3.17

Nữ kinh tế gia duy nhất được giải Nobel vinh danh cũng vạch trần kinh tế học chính thống



NỮ KINH TẾ GIA DUY NHẤT ĐƯỢC GIẢI NOBEL VINH DANH CŨNG VẠCH TRẦN KINH TẾ HỌC CHÍNH THỐNG
Sự thật về bi kịch của nguồn lực chung
David Bollier
“Mường tượng một đồng cỏ dành cho tất cả mọi người”.
Đối với ít nhất một thế hệ thì ý tưởng chính xác về nguồn lực chung này đã bị gạt sang bên lề và bị vứt bỏ như thể đó là lối quản lý nguồn tài nguyên sai lầm: cái gọi là bi kịch của tài nguyên chung. Trong một bài viết ngắn nhưng có tầm ảnh hưởng được công bố trên tạp chí Science vào năm 1968, nhà sinh thái học Garrett Hardin đã thổi vào câu chuyện này một luồng gió mới và câu khẩu hiệu dễ nhớ.
Garrett Hardin (1915-2003)
“Bi kịch của nguồn lực chung phát triển theo cách thức này”, Hardin viết, gợi ý cho các độc giả của mình hãy mường tượng ra một đồng cỏ mở:
Người ta dự đoán rằng từng người chăn gia súc sẽ cố gắng thả càng nhiều gia súc càng tốt trên cánh đồng chung. Cách làm như vậy có thể tiếp diễn một cách hợp lý thỏa đáng qua nhiều thế kỷ bởi các cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, săn bắt trộm và dịch bệnh đã giữ cho số người lẫn vật ở dưới mức công suất của đất. Tuy nhiên, cuối cùng thì ngày phán xét cũng đến, đó là ngày mà mục tiêu mong muốn từ lâu về sự ổn định xã hội trở thành hiện thực. Tại thời điểm này, logic vốn có của nguồn lực chung gây ra bi kịch một cách không thương xót. Là một sinh vật có lý trí, từng người chăn gia súc tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình. Một cách rõ ràng hay tiềm ẩn, ý thức được nhiều hay ít, anh ta hỏi, “Tôi có lợi ích gì nếu thả nhiều gia súc hơn vào đàn của tôi?”
Người chăn gia súc duy lý kết luận rằng con đường đúng đắn để anh ta theo đuổi đó chính là thả thêm một con khác vào đàn của mình. Và thêm một con khác nữa… Nhưng đây là kết luận mà từng và mỗi người chăn gia súc duy lý chia sẻ chung một đồng cỏ đưa ra. Và ở trong đó là một tấn bi kịch. Mỗi người bị khóa vào một hệ thống buộc anh ta phải tăng đàn gia súc của mình không giới hạn trong một thế giới có giới hạn. Sự điêu tàn là đích đến mà tất cả mọi người đều đổ xô đến, từng người theo đuổi lợi ích tốt nhất của mình trong một xã hội tin tưởng vào sự tự do của nguồn lực chung. Tự do với một nguồn lực chung mang lại kết cục điêu tàn cho tất cả.
Bi kịch của nguồn lực chung là một trong những khái niệm cơ bản được cài vào tâm trí của mỗi sinh viên đại học, ít nhất là trong các khóa học về kinh tế. Ý tưởng này được xem là một nguyên tắc cơ bản của kinh tế học - một bài học cảnh báo về tính bất khả của hành động tập thể. Theo thông lệ, sau khi hộ tống cả lớp vượt qua được nỗi sợ hãi mà bi kịch gieo cho, giáo sư sẽ nhanh chóng dẫn cả lớp đến điều hấp dẫn trọng yếu - ưu điểm của sở hữu tư nhân và thị trường tự do. Cuối cùng, ở đây, các nhà kinh tế phát hiện rằng chúng ta có thể vượt qua bi kịch buồn thảm của nguồn lực chung. Các câu hỏi và trả lời được lặp đi lặp lại như nhập môn giáo lí cho đến khi được hiểu thông suốt: cá nhân có quyền tự do sở hữu và kinh doanh tài sản tư tại các thị trường mở là cách duy nhất có thể tạo ra sự hài lòng cho cá nhân và sự thịnh vượng cho xã hội một cách dài lâu.
Hardin giải thích logic trên như sau: chúng ta có thể khắc phục bi kịch của đồng cỏ chung thông qua một hệ thống “ép buộc lẫn nhau mà đa số người bị ảnh hưởng đều đồng thuận”. Đối với ông, cách tốt nhất là “định chế sở hữu tư nhân đi cùng với thừa kế theo pháp luật”. Ông thừa nhận rằng đây không phải là cách làm hoàn hảo mà chỉ là một cách thay thế, nhưng ông khẳng định rằng chọn lọc tự nhiên của Darwin rốt cuộc là lựa chọn tốt nhất hiện có, cho rằng, “những người nào thích hợp hơn để trở thành người trông coi tài sản và quyền lực về mặt sinh học thì nên được thừa kế nhiều hơn về mặt pháp lý”. Chúng ta nên tiếp tục chấp nhận trật tự pháp lý không hoàn hảo này, ông nói thêm, “bởi vì người ta không thuyết phục được rằng, vào lúc này, con người đã phát minh ra một hệ thống tốt hơn. Thay thế lựa chọn này bằng nguồn lực chung là quá khủng khiếp để nghĩ đến. Tình trạng bất công sẽ thích hợp hơn so với kết cục hủy hoại hoàn toàn”.
Những suy nghĩ của nhà khoa học với tư tưởng tự do triệt để như vậy chắc chắn sẽ thu hút những nhà lý luận có tư tưởng bảo thủ và các kinh tế gia (hai loại người cũng thường đồng nhất trong cùng một con người). Họ coi tiểu luận của Hardin như một câu chuyện ngụ ngôn đáng tin cậy khẳng định một số nguyên tắc cốt lõi của hệ tư tưởng kinh tế tân tự do. Nó khẳng định tầm quan trọng của “thị trường tự do” và biện minh cho quyền sở hữu tài sản của giới giàu có. Nó ủng hộ cam kết về quyền cá nhân và quyền tư hữu như là nền tảng của tư tưởng và chính sách kinh tế. Người dân được cho là sẽ có động lực nhận lãnh trách nhiệm về các nguồn lực nếu họ được bảo đảm quyền tư hữu và tiếp cận thị trường tự do. Hậu quả bi thảm -“hủy hoại hoàn toàn”- do đó, có thể tránh được. Sự thất bại của nguồn lực chung, trong câu chuyện này, được đồng nhất với bản thân chính phủ, với điều kiện gợi ý rằng một trong số ít những phương tiện được tín nhiệm để thúc đẩy lợi ích tập thể, tức là chính phủ, cũng sẽ không chống chọi nổi hệ ý “bi kịch” này. (Đó là ý chính của lý thuyết Lựa chọn công, trong đó áp dụng logic kinh tế chuẩn cho các vấn đề thuộc khoa học chính trị).
Trong vài thập niên qua, bi kịch của nguồn lực chung đã bắt rễ như một sự thật hiển nhiên trong kinh tế [học]. Bài luận của Hardin đã trở thành tài liệu thiết yếu trong giáo dục đại học ở Mỹ, được giảng dạy không chỉ trong các khóa học về kinh tế mà còn trong khoa học chính trị, xã hội học và các lĩnh vực khác. Không ai ngạc nhiên khi có rất nhiều người lên giọng kẻ cả coi thường nguồn lực chung đến thế. Nguồn lực chung = hỗn loạn, đổ nát và thất bại.
Chỉ có một lỗ hổng lớn trong câu chuyện ngụ ngôn đầy bi kịch này. Nó không mô tả chính xác nguồn lực chung. Kịch bản hư cấu của Hardin thiết đặt một hệ thống không có ranh giới xung quanh cánh đồng cỏ, không có quy tắc để quản lý nó, không có hình phạt cho việc sử dụng quá mức và cũng không có cộng đồng người dùng riêng biệt. Nhưng đó không phải là một đồng cỏ chung. Đó là cách thức quản lý (regime) tiếp cận mở, hay miễn phí cho tất cả mọi người. Một nguồn lực chung sẽ có ranh giới, quy tắc, chuẩn mực xã hội và biện pháp trừng phạt những kẻ “ăn không” (free riders). Một nguồn lực chung đòi hỏi phải có cộng đồng sẵn sàng hành động như một người quản lý tài nguyên có lương tâm. Hardin nhầm lẫn giữa một cánh đồng chung với “mảnh đất không thuộc về ai” - và trong quá trình này, ông đã làm hoen ố hình ảnh nguồn lực chung như là một hệ hình thất bại trong việc quản lý các nguồn tài nguyên.
John Locke (1632-1704)
Nói cho công bằng, Hardin đã theo sau một hàng dài những nhà luận chiến - những người đã phóng chiếu vào thế giới các cam kết chưa qua kiểm tra của họ về cá nhân tự do trên thị trường. Như chúng ta sẽ thấy sau này, các lý thuyết của triết gia John Locke đã được sử dụng rộng rãi để biện minh cho việc coi Tân Thế giới như là “vùng đất không thuộc về ai” (terra nullius) -đất vô chủ để ngỏ- mặc dù đó là nơi cư ngụ của hàng triệu người châu Mỹ bản địa, những người đã quản lý tài nguyên thiên nhiên của mình như cánh đồng cỏ chung thân yêu với các quy tắc bất thành văn nhưng cực kỳ tinh vi.
Bài luận của Hardin lấy cảm hứng từ việc đọc bài nói chuyện vào năm 1832 của William Forster Lloyd, một giảng viên người Anh, người cũng như Hardin, đã lo lắng về sự đông dân quá mức trong cao trào rào lại đất đai (enclosure) ào ạt. Bài nói chuyện của Lloyd là đáng chú ý bởi nó nhắc lại cùng một dòng tranh luận và phạm cùng một lỗi tưởng tượng - rằng mọi người không có khả năng thương lượng một giải pháp cho “bi kịch” này. Thay vì đồng cỏ chung, hình ảnh ẩn dụ của Lloyd là số tiền góp chung mà mỗi người đóng góp đều có thể tiếp cận. Lloyd khẳng định rằng mỗi cá nhân sẽ nhanh chóng rút cạn món tiền nhiều hơn so với phần hùn của họ trong khi họ sẽ quản lý ví tiền riêng của mình một cách cẩn thận.
Lewis Hyde (1945-)
Tôi đề cập đến tiểu luận của Lloyd nhằm minh họa cho việc những quan niệm sai lầm về động thái của “bi kịch” thực sự vô lý nhưng dai dẳng đến mức nào. Học giả nghiên cứu về nguồn lực chung Lewis Hyde lưu ý ngắn gọn, “Cũng như Hardin đưa ra hình tượng người chăn gia súc có lý do để không thể dựng hàng rào vây quanh tài sản chung, Lloyd cũng giả định rằng mọi người chẳng có cách nào để có thể nói chuyện với nhau hoặc đưa ra quyết định chung. Cả hai đều thổi luồng gió tự do cá nhân vào ngôi làng nông nghiệp xưa cũ và rồi sau đó nghiêm trang thông báo rằng mảnh đất chung đã chết. Từ góc nhìn của một ngôi làng như thế, những giả định của Lloyd thật sự phi lí cũng giống như đòi hỏi chúng ta ‘giả định rằng một người có cái ví mà tay trái và tay phải của anh ta có thể tự do sử dụng tiền, tay này không biết đến tay kia làm gì’”.
Thật không may, điều vô lý này lại là nền tảng cho nguồn tài liệu rộng lớn của các thí nghiệm “thế lưỡng nan của người tù” mà dường như chúng có ý cho thấy cách thức mà “cá nhân duy lý” hành xử khi phải đối mặt với “những tình huống tiến thoái lưỡng nan trong xã hội”, chẳng hạn như làm thế nào để phân bổ một nguồn lực hạn chế. “Người tù” nên hợp tác với các bên tranh chấp tiềm tàng khác và chia sẻ những phần thưởng có hạn? Hay là họ nên đào tẩu bằng cách chiếm riêng cho mình càng nhiều càng tốt trong khả năng có thể?
Không cần phải nói, các rắc rồi là vô tận. Nhưng tiền đề cơ bản của những thí nghiệm khoa học xã hội như vậy ngay từ ban đầu đã mang trong mình sự lừa dối. Một số giả định về tính ích kỷ, sự tính toán duy lý của các cá nhân và thiếu vắng bối cảnh (đối tượng thử nghiệm không chia sẻ cùng một lịch sử xã hội hay văn hóa) được nhúng vào thiết kế của “trò chơi”. Đối tượng thử nghiệm không được phép liên lạc với nhau, hoặc phát triển các mối quan hệ tin tưởng và chia sẻ kiến thức. Họ chỉ được cung cấp thời gian và cơ hội có giới hạn để học cách hợp tác. Họ bị cô lập trong phòng thí nghiệm cho một thí nghiệm duy nhất, và không chia sẻ quá khứ hay tương lai với nhau. Kinh hoàng trước lập luận sai lầm của các nhà nghiên cứu kinh tế, Lewis Hyde cho rằng luận đề “bi kịch” này nên được gọi là “Bi kịch của các nguồn lực chung bị bỏ mặc không được quản lý nhưng được các cá nhân tư lợi chẳng hề giao tiếp với nhau tiếp cận dễ dàng”.
Bí mật nho nhỏ xấu xí của các thí nghiệm về tình thế tiến thoái lưỡng nan của người tù đó là chúng tinh tế giả định trước một nền văn hóa thị trường của các cá nhân “duy lý”. Hầu hết [các thí nghiệm] đều ít cân nhắc đến những cách thức trong cuộc sống thực tế mà mọi người hợp tác và chia sẻ nhằm quản lý các nguồn lực. Hiện tại đang có sự thay đổi khi mà càng nhiều thí nghiệm lý thuyết trò chơi kết hợp những ý tưởng của kinh tế học hành vi, lý thuyết phức hợp và khoa học tiến hóa vào trong thiết kế.


Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều lý thuyết và chính sách kinh tế ước đoán một mô hình khá thô và cổ xưa về loài người. Mặc cho tính không thực tế hiển nhiên của nó, con người kinh tế (Homo economicus), một cá nhân trừu tượng hư cấu chủ động tối đa hóa “hàm lợi ích” cá nhân của mình thông qua tính toán duy lý, tiếp tục thống trị như là mô hình lý tưởng về tác nhân con người trong thực thể văn hóa mà chúng ta gọi là “nền kinh tế”. Hai quyển sách kinh tế nhập môn được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, của Samuelson và Nordhaus (2004) và Stiglitz và Walsh (2006), coi hành vi hợp tác là không quan trọng đến nỗi chúng thậm chí không đề cập đến nguồn lực chung. Bất cứ khi nào các nhà kinh tế thảo luận bất kỳ kiểu nào về nguồn lực chung, bạn có thể chắc chắn rằng từ “bi kịch” sẽ được ẩn nấp đâu đó rất gần.
Đúng là nghịch lý khi cuộc tìm kiếm không suy nghĩ lợi lộc ích kỷ -được theo đuổi một cách “duy lý”, tất nhiên, nhưng thờ ơ đối với tài sản tập thể- lại là lời mô tả chân thực hơn về nền kinh tế thị trường truyền thống hơn là về một nguồn lực chung. Trong khoảng thời gian trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một tư tưởng như vậy đã thúc đẩy những tài năng của Phố Wall tối đa hóa lợi ích riêng mà không quan tâm đến những rủi ro mang tính hệ thống hoặc các tác động địa phương. Tấn bi kịch thực mà chủ nghĩa cá nhân “duy lý” thúc đẩy đến nhanh không phải là bi kịch của nguồn lực chung mà là bi kịch của thị trường.
Thật may là các nghiên cứu đương đại đã thực hiện rất nhiều điều nhằm giải cứu khái niệm nguồn lực chung thoát khỏi lỗ hổng kí ức nơi mà kinh tế học dòng chính đã lưu đày nó. Nhà khoa học chính trị quá cố người Mỹ Elinor Ostrom của Đại học Indiana xứng đáng được công nhận vai trò quan trọng trong việc mở rộng khung phân tích các hoạt động kinh tế. Trong những năm 1970, giới kinh tế học đã rơi vào một dạng cực đoan tôn giáo (religious fundamentalism). Họ tôn sùng các mô hình định lượng rất trừu tượng của nền kinh tế được xây dựng dựa trên chủ nghĩa cá nhân duy lý, quyền sở hữu tư nhân, và thị trường tự do. Là đứa trẻ lớn lên trong thời Đại suy thoái, Ostrom luôn quan tâm đến các định chế hợp tác hoạt động bên ngoài thị trường. Là một nhà khoa học chính trị trẻ trong những năm 1960, bà bắt đầu đặt câu hỏi về một số giả định cốt lõi của kinh tế học, đặc biệt là ý tưởng cho rằng mọi người không thể hợp tác một cách ổn định và bền vững. Đôi khi làm việc với chồng bà là nhà khoa học chính trị Vincent Ostrom, bà đã đề xướng một loại nghiên cứu xuyên ngành (cross-disciplinary) mới về các hệ thống thể chế dùng để quản trị “các nguồn tài nguyên tập thể” (“common-pool resources”), hay CPRs.
CPRs là nguồn lực tập thể mà trong đó không ai có quyền sở hữu tư nhân hoặc kiểm soát độc quyền, chẳng hạn như thủy sản, đồng cỏ và nước ngầm. Tất cả các nguồn tài nguyên này rất dễ bị khai thác quá mức bởi khó mà ngăn người ta sử dụng chúng. Chúng ta có thể gọi nó là “bi kịch của việc tiếp cận mở”.
Nancy Folbre (1952-)
Nghiên cứu của Ostrom khác biệt so với nghiên cứu của rất nhiều nhà kinh tế học hàn lâm khác ở chỗ là bà rất cần mẫn đi điền dã thực nghiệm. Bà đã đến thăm chủ đất ở xã tại Ethiopia, công nhân cạo mủ cao su tại Amazon và ngư dân tại Philippines. Bà điều tra cách thức họ thương lượng các chương trình hợp tác, cũng như cách thức họ pha trộn các hệ thống xã hội của họ với hệ sinh thái địa phương. Như nhà kinh tế Nancy Folbre của Đại học Massachusetts, Amherst, giải thích “Bà ấy đi và thực sự nói chuyện với ngư dân ở Indonesia hoặc người đánh bắt tôm hùm ở Maine, và đặt câu hỏi, ‘Các ông đã thiết lập được hạn mức đánh bắt cá này như thế nào? Làm sao mà các ông xử lý được khi trong thực tế mọi người có thể cố gắng để lách điều này?’”
Từ những kết quả thực nghiệm như vậy, Ostrom cố gắng hiểu xem điều gì đã khiến cho nguồn lực chung thành công. Làm thế nào để một cộng đồng giải quyết được vấn đề hành động tập thể? Thách thức kinh niên mà một nhóm những người chủ trong tình trạng phụ thuộc lẫn nhau phải đối mặt, bà viết, là làm sao để “tổ chức và tự quản để tiếp tục đạt được lợi ích chung khi tất cả mọi người phải đối mặt với những cám dỗ để hành động như “người ăn không”, trốn tránh, hay cơ hội. Những vấn đề song song liên quan đến sự kết hợp của các biến mà sẽ (1) làm tăng khả năng tự tổ chức ban đầu; (2) tăng cường khả năng của các cá nhân để duy trì nỗ lực tự tổ chức theo thời gian; hoặc (3) vượt quá khả năng tự tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề CPR [nguồn tài nguyên tập thể] mà không cầu viện đến sự hỗ trợ vĩnh viễn dưới một số hình thức”.

Câu trả lời của Ostrom đó là Quản trị nguồn lực chung, một quyển sách mang tính bước ngoặt xuất bản năm 1990 đã đặt ra một số các “nguyên tắc thiết kế” cơ bản của các nguồn lực chung lâu bền và hiệu quả. Các học giả sau này đã điều chỉnh và bổ sung vào những nguyên tắc này, nhưng phân tích của bà vẫn còn là khung mặc định cho việc đánh giá tài nguyên thiên nhiên chung. Trọng tâm của công trình nghiên cứu của Ostrom, và của vô số học giả hiện đang nghiên cứu các nguồn lực chung, là cách thức cộng đồng những người sử dụng các nguồn lực chung xây dựng các chuẩn mực xã hội -và đôi khi là các quy định pháp luật chính thức- cho phép họ sử dụng các nguồn lực hữu hạn một cách bền vững trong dài hạn. Cuối cùng, kinh tế học chuẩn tuyên bố rằng chúng ta là những cá nhân ích kỷ với các mong muốn vô hạn. Ý tưởng cho rằng chúng ta có thể phụ thuộc vào lòng vị tha và tinh thần hợp tác của mọi người, các nhà kinh tế phản đối, là ngây thơ và không thực tế. Ý tưởng cho rằng nguồn lực chung có thể thiết lập và thực thi các giới hạn về việc sử dụng cũng không thể xảy ra bởi vì nó không chấp nhận ý tưởng cho rằng con người có lòng tham không đáy.
Ostrom dù sao cũng cho thấy cách mà người dân thực hiện trong thực tế, trong hàng trăm trường hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi ích của mình theo lối tập thể và hợp tác. Dân làng Törbel, Thụy Sĩ, đã quản lý rừng, đồng cỏ và nước tưới tiêu trên dãy núi cao từ năm 1224. Dân Tây Ban Nha đã chia sẻ nguồn nước tưới thông qua các tổ chức xã hội làm vườn trong nhiều thế kỷ trong khi thời gian gần đây các nhà chức trách quản lý nguồn nước khác nhau ở Los Angeles mới học được cách làm thế nào để phối hợp quản trị nguồn nước ngầm khan hiếm của mình. Nhiều nguồn lực chung đã phát triển mạnh mẽ trong hàng trăm năm, thậm chí trong thời kỳ hạn hán hoặc khủng hoảng. Thành công của chúng có thể là do khả năng phát triển linh hoạt riêng của cộng đồng, xây dựng và điều chỉnh các quy tắc quản lý, giám sát sự tiếp cận và việc sử dụng, và có hình phạt thích đáng cho những ai phạm luật.
Ostrom thấy rằng phải xác định rõ ranh giới của nguồn lực chung để người tham gia có thể biết ai được phép sử dụng tài nguyên. Người ngoài không đóng góp vào nguồn lực chung rõ ràng là không có quyền tiếp cận hoặc sử dụng nguồn tài nguyên chung. Bà phát hiện ra rằng các quy tắc dành cho một nguồn lực phải chú ý đến các điều kiện địa phương và phải bao gồm các giới hạn về những gì có thể được lấy đi và lấy đi như thế nào. Ví dụ, trái cây dại chỉ có thể được hái trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc gỗ từ rừng chỉ có thể được lượm trên mặt đất và chỉ được dùng cho những việc trong gia đình, không được buôn bán trên thị trường.
Người được hưởng nguồn lực chung phải có khả năng tạo ra hoặc ảnh hưởng đến các quy tắc chi phối nguồn lực chung ấy, Ostrom lưu ý. “Nếu quan chức chính phủ bên ngoài cho rằng chỉ có họ mới có quyền thiết lập các quy tắc,” bà phát hiện, “thì sau đó sẽ rất khó cho người sử dụng ở địa phương duy trì về lâu dài một CPR được điều chỉnh bởi luật.” Người được hưởng quyền tham gia vào nguồn lực chung phải sẵn sàng giám sát xem nguồn lực của họ được sử dụng (hoặc bị lạm dụng) như thế nào và phải thiết kế hệ thống các biện pháp trừng phạt để trừng trị bất cứ ai phạm luật, tốt hơn là thông qua một hệ thống thứ bậc các biện pháp trừng phạt tăng theo mức độ nghiêm trọng. Khi xảy ra tranh chấp, người tham gia vào nguồn lực chung phải dễ dàng tiếp cận được các cơ chế giải quyết xung đột.
David Bollier (1955-)

Cuối cùng, Ostrom tuyên bố rằng nguồn lực chung - một phần của hệ thống quản trị lớn hơn - phải được “tổ chức trong các tổ chức lồng ghép đa tầng”. Bà gọi đây là “quản trị đa trung tâm”, có nghĩa là quyền hạn đối với nguồn tài nguyên, giám sát và thực thi việc sử dụng nó, giải quyết xung đột và thực hiện các hoạt động quản trị khác phải được chia sẻ xuyên các cấp độ khác nhau - từ địa phương, khu vực, quốc gia cho đến quốc tế.
David Bollier – vừa là tác giả, nhà hoạt động, blogger và nhà tư vấn – đã dành nhiều thời gian khám phá nguồn lực chung như một hệ ý mới của kinh tế học, chính trị và văn hóa.
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Print Friendly and PDF