31.3.17

Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa thị trường cực đoan



CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA CHỦ NGHĨA THỊ TRƯỜNG CỰC ĐOAN

Anatole Kaletsky
LONDON – Điều ngạc nhiên lớn nhất về mặt chính trị của năm 2016 là việc mọi người đã rất đỗi ngạc nhiên. Tôi chắc chắn không có lý do gì để bị bất ngờ: ngay sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tôi đã viết một cuốn sách gợi ý là một sự sụp đổ về niềm tin đối với các định chế chính trị sẽ tiếp diễn theo sau sự sụp đổ về kinh tế, với một độ trễ là năm năm hoặc ngần khoảng ấy.
Friedrich Engels (1820-1895)

Chúng ta đã thấy chuỗi sự cố này trước đây. Tiếp theo sự sụp đổ đầu tiên của toàn cầu hóa, được Karl Marx và Friedrich Engels mô tả vào năm 1848 trong Bản Tuyên ngôn Cộng sản, là những cải cách về pháp luật, tạo nên những quyền chưa từng có cho giai cấp lao động. Theo sau sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc Anh sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là chính sách kinh tế mới (New Deal) và nhà nước phúc lợi. Và cuộc cách mạng của Thatcher-Reagan đến sau sự sụp đổ của kinh tế học Keynesian sau năm 1968. Trong cuốn sách của tôi Capitalism 4.0 [Chủ nghĩa tư bản 4.0], tôi cho rằng những biến động chính trị tương tự sẽ tiếp diễn với sự sụp đổ thứ tư mang tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản toàn cầu mà tín hiệu báo trước là cuộc khủng hoảng năm 2008.
Khi một mô hình cụ thể của chủ nghĩa tư bản đang vận hành thành công, thì sự tiến bộ về vật chất sẽ làm giảm bớt các áp lực chính trị. Nhưng khi nền kinh tế thất bại – và sự thất bại này không chỉ là một giai đoạn thoáng qua mà là một triệu chứng của những mâu thuẫn sâu sắc – thì các hiệu ứng phụ về mặt bất ổn xã hội của chủ nghĩa tư bản có thể biến thành những hiệu ứng độc hại về mặt chính trị.

Đó là những gì đã xảy ra sau năm 2008. Một khi sự thất bại của chính sách thương mại tự do, bãi bỏ quy định, và chủ nghĩa trọng tiền đã được xem là dẫn đến một sự "bình định mới (normalization)" của chính sách thắt lưng buộc bụng lâu dài và những kỳ vọng giảm sút, chứ không chỉ là một cuộc khủng hoảng ngân hàng tạm thời, thì những bất bình đẳng, tình trạng thất nghiệp, và những rối loạn văn hóa của thời kỳ trước cuộc khủng hoảng không còn được xem là chính đáng nữa – cũng giống như các loại thuế quá đáng của những năm 1950 và 1960 đã làm mất đi tính chính danh của chúng trong thời kỳ đình đốn và lạm phát của những năm 1970.
Nếu chúng ta đang chứng kiến kiểu biến đổi này, thì các nhà cải cách từng bộ phận, những người đang cố gắng giải quyết những mối bất bình cụ thể về các vấn đề nhập cư, thương mại, hay bất bình đẳng về thu nhập, sẽ bị thay thế bởi các chính trị gia triệt để, những người thách thức toàn bộ hệ thống. Và, về một số phương diện nào đó, những người triệt để sẽ đúng.
Không thể đổ lỗi sự biến mất của những việc làm "tốt" trong ngành công nghiệp chế biến cho vấn đề nhập cư, thương mại, hoặc công nghệ. Nhưng trong khi các vectơ cạnh tranh kinh tế này làm tăng tổng thu nhập quốc dân, thì chúng không nhất thiết phải phân phối sự gia tăng thu nhập đó theo cách được xã hội chấp nhận. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự can thiệp chính trị một cách thận trọng vào ít nhất hai mặt trận.
Thứ nhất, sự quản lý kinh tế vĩ mô phải đảm bảo cầu luôn tăng trưởng mạnh mẽ cùng với tiềm năng cung được tạo ra bởi công nghệ và toàn cầu hóa. Đây là hiểu biết Keynesian nền tảng đã bị tạm thời loại bỏ trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa trọng tiền trong suốt thời kỳ những năm đầu 1980, được phục hồi thành công vào những năm 1990 (ít nhất là ở Hoa Kỳ và Anh), nhưng sau đó lại bị lãng quên một lần nữa trong cơn hoảng loạn thâm hụt sau năm 2009.
Donald Trump (1946-)
Một sự quay trở về với sự quản lý cầu theo kiểu keynesian có thể là lợi ích kinh tế chính của chính quyền Hoa Kỳ sắp tới của Donald Trump, khi các chính sách tài khóa mở rộng sẽ thay thế những nỗ lực kích thích tiền tệ kém hiệu quả hơn. Giờ đây, Hoa Kỳ có thể sẵn sàng từ bỏ những giáo điều của phái trọng tiền về tính độc lập của ngân hàng trung ương và mục tiêu lạm phát, và khôi phục lại toàn dụng lao động như là ưu tiên hàng đầu của sự quản lý cầu. Tuy nhiên, đối với châu Âu, cuộc cách mạng về tư duy kinh tế vĩ mô này vẫn còn phải mất nhiều năm nữa.
Đồng thời, một cuộc cách mạng trí thức lần thứ hai, quan trọng hơn, sẽ là điều cần thiết liên quan đến sự can thiệp của chính phủ vào các thành quả xã hội và cấu trúc kinh tế. Chủ nghĩa thị trường cực đoan che giấu một sự mâu thuẫn sâu sắc. Thương mại tự do, tiến bộ công nghệ, và các tác lực khác nhằm thúc đẩy "hiệu quả" kinh tế được giới thiệu là mang lại lợi ích cho xã hội, ngay cả nếu chúng gây hại đến cá nhân người lao động hay doanh nghiệp, bởi vì sự gia tăng thu nhập quốc dân cho phép người hưởng lợi bù đắp cho người thiệt hại, đảm bảo không để ai nghèo khổ.
Vilfredo Pareto (1848-1923)
Nguyên tắc của cái gọi là tối ưu Pareto này làm chỗ dựa cho tất cả các yêu cầu đạo đức về kinh tế học của thị trường tự do. Các chính sách về tự do hóa chỉ được biện minh về mặt lý thuyết bởi giả định cho rằng các quyết định chính trị sẽ phân phối lại một số thu nhập từ người hưởng lợi cho người thiệt hại theo các cách được xã hội chấp nhận. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các chính trị gia làm điều ngược lại trong thực tế?
Khi phi điều tiết hóa nền tài chính và thương mại, làm cho sự cạnh tranh khốc liệt hơn, và làm suy yếu các nghiệp đoàn, thì các chính phủ đã tạo ra những điều kiện về lý thuyết yêu cầu sự phân phối lại từ người hưởng lợi cho người thiệt hại. Nhưng những người ủng hộ chủ nghĩa thị trường cực đoan không chỉ quên đi việc tái phân phối [lợi ích xã hội]; họ còn ngăn cấm điều đó.
Viện cớ là các khoản thuế, các khoản chi trả phúc lợi, và các biện pháp can thiệp khác của chính phủ làm suy yếu các động lực khích lệ và bóp méo sự cạnh tranh, làm giảm sự tăng trưởng kinh tế cho xã hội như một tổng thể. Nhưng, như bà Margaret Thatcher đã có câu nói nổi tiếng, "[...] không có điều gì gọi là xã hội cả. Chỉ có những cá nhân nam và nữ và có những gia đình." Bằng cách tập trung vào những lợi ích xã hội của sự cạnh tranh trong khi bỏ qua các chi phí đối với những người dân cụ thể, những người theo chủ nghĩa thị trường cực đoan đã bỏ qua nguyên tắc chủ nghĩa cá nhân nằm ở trung tâm của chính hệ tư tưởng của họ.
Ronald Reagan (1911-2004)
Margaret Thatcher (1925-2013)
Sau những biến động chính trị của năm nay, sự mâu thuẫn chí tử giữa lợi ích xã hội và tổn thất cá nhân không còn có thể bị bỏ qua. Nếu thương mại, cạnh tranh và tiến bộ công nghệ là nhằm củng cố cho giai đoạn tiếp theo của chủ nghĩa tư bản, thì chúng sẽ phải được kết hợp với các biện pháp can thiệp của chính phủ để phân phối lại thu nhập từ sự tăng trưởng theo các cách mà bà Thatcher và ông Reagan đã tuyên bố là những điều cấm kỵ.
Vi phạm những điều cấm kỵ này không có nghĩa là quay trở lại với những mức thuế suất cao, lạm phát và sự phụ thuộc văn hóa của những năm 1970. Giống như chính sách tài khóa và tiền tệ có thể được hiệu chỉnh để giảm thiểu cả tình trạng thất nghiệp lẫn lạm phát, sự tái phân phối có thể được thiết kế không chỉ đơn thuần để chu chuyển các loại thuế thành phúc lợi, mà còn để trực tiếp giúp đỡ những người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng từ tiến trình toàn cầu hóa và thay đổi công nghệ.
Thay vì phát tiền bố thí để đẩy người lao động vào tình trạng thất nghiệp dài hạn hoặc nghỉ hưu, các chính phủ có thể phân phối lại các lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế bằng cách hỗ trợ việc làm và thu nhập với các khoản trợ cấp khu vực và công nghiệp và các đạo luật về mức lương tối thiểu. Trong số các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất của loại hình này, đã được chứng minh tại Đức và Bắc Âu, là chi tiền cho giáo dục nghề chất lượng cao và đào tạo lại cho người lao động và sinh viên ngoài các trường đại học, tạo ra nhiều lộ trình ngoài đại học dẫn đến một mức sống trung lưu.
Tất cả những điều trên có vẻ như là những liệu pháp hiển nhiên, nhưng hầu hết các chính phủ lại làm điều ngược lại. Họ đã làm cho các hệ thống thuế ít lũy tiến hơn và cắt giảm chi tiêu về giáo dục, các chính sách công nghiệp và các trợ cấp khu vực, và thay vào đó đổ tiền vào việc chăm sóc y tế, lương hưu, trợ cấp khuyến khích nghỉ hưu sớm và nghỉ mất sức lao động. Việc tái phân phối [lợi ích xã hội] đã chuyển từ những người lao động trẻ tuổi với mức lương thấp, những người mà công ăn việc làm và tiền lương của họ đang thực sự bị đe dọa bởi chính sách thương mại và nhập cư, sang các giới tinh hoa quản lý và tài chính, những người hưởng lợi nhiều nhất từ sự toàn cầu hóa, và sang những người già hưu trí, những người được bảo vệ khỏi những biến động kinh tế bởi đồng lương hưu được đảm bảo.
Tuy nhiên, những biến động chính trị của năm nay đã được thúc đẩy bởi các cử tri cao tuổi, trong khi hầu hết các cử tri trẻ tuổi ủng hộ hiện trạng. Nghịch lý này cho thấy sự nhầm lẫn và sự vỡ mộng hậu khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Nhưng công cuộc tìm kiếm các mô hình kinh tế mới mà tôi gọi là "Chủ nghĩa tư bản 4.1" rõ ràng đã bắt đầu – vì điều tốt hơn hoặc tồi tệ hơn.
Anatole Kaletsky (1952-)

Anatole Kaletsky là kinh tế gia trưởng và đồng chủ tịch của Gavekal Dragonomics. Kaletsky từng là nhà bình luận cho các tờ Times of London, International New York Times và Financial Times. Ông là tác giả của cuốn Capitalism 4.0, The Birth of a New Economy [Chủ nghĩa tư bản 4.0, Sự ra đời của một nền kinh tế mới], trong đó dự đoán những biến chuyển hậu khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu. Cuốn sách năm 1985, Costs of Default [Cái giá của sự vỡ nợ], trở thành cuốn sách có ảnh hưởng hàng đầu của các chính phủ Mỹ Latinh và Á châu trong quá trình đàm phán các vụ vỡ nợ và tái cấu trúc với các ngân hàng và IMF.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: The Crisis of Market Fundamentalism, Project Syndicate, Dec 23, 2016.
Print Friendly and PDF