9.3.17

Kenneth Arrow, người đoạt giải thưởng Nobel kinh tế có tầm ảnh hưởng trong nhiều thập kỷ, đã qua đời ở tuổi 95

KENNETH ARROW, NGƯỜI ĐOẠT GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG TRONG NHIỀU THẬP KỶ, ĐÃ QUA ĐỜI Ở TUỔI 95
Kenneth J. Arrow nhận giải thưởng Nobel về Khoa học Kinh tế tại Stockholm vào năm 1972. Ảnh: Associated Press
Kenneth J. Arrow, một trong những nhà tư tưởng kinh tế thông minh nhất của thế kỷ 20 và là nhà kinh tế học trẻ tuổi nhất từng đoạt giải thưởng Nobel ở tuổi 51, đã qua đời vào hôm thứ Ba tại nhà riêng ở Palo Alto, California, hưởng thọ 95 tuổi.
Con trai của ông David đã xác nhận cái chết của cha mình.
Paul A. Samuelson, người Mỹ đầu tiên đoạt giải thưởng về Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, đã gọi giáo sư Arrow là “nhà lý thuyết quan trọng nhất của thế kỷ 20 về kinh tế học.” Khi Giáo sư Arrow nhận giải thưởng [Nobel kinh tế] vào năm 1972, Giáo sư Samuelson đã viết, “Kinh tế học về bảo hiểm, chăm sóc y tế, kiểm định thuốc theo toa – để không nói đến trò chơi lô tô và thị trường chứng khoán – sẽ không bao giờ giống vậy sau Arrow”.
Paul Samuelson (1915-2009)
Giáo sư Arrow – thành viên của một gia đình truyền thống các nhà kinh tế học nổi tiếng, trong đó có Giáo sư Samuelson và Lawrence H. Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính và cố vấn cho Tổng thống Barack Obama – đã tạo ra những công trình mang tính cấm kỵ về mặt kỹ thuật, ngay cả đối với các đồng nghiệp theo định hướng toán học.
Nhưng qua nhiều thập kỷ, các nhà kinh tế học đã học cách ứng dụng các ý tưởng của ông vào sự thiết kế hiện đại các sản phẩm bảo hiểm, chứng khoán tài chính, hợp đồng lao động và nhiều thứ khác nữa.
Thị trường và Đa số
Nền tảng cho công trình ban đầu có tầm ảnh hưởng của giáo sư Arrow là sự công nhận qua nhiều thế kỷ cho rằng phương thức bỏ phiếu theo đa số có thể tạo ra những kết quả tùy tiện.
Hãy thử xem xét việc một cơ quan lập pháp lựa chọn người lãnh đạo của họ trong số ba ứng cử viên: Alice, Betty và Harry. Nếu cơ quan lập pháp bắt đầu bỏ phiếu chọn Alice so với Betty, với người chiến thắng đối mặt với Harry, thì việc này có thể đi đến một quyết định khác với việc bắt đầu bỏ phiếu chọn Alice so với Harry. Bởi vì thứ tự mà cơ quan lập pháp tiến hành bỏ phiếu mang tính tùy tiện, người chiến thắng cuối cùng của hệ thống bỏ phiếu theo đa số này trở nên võ đoán. Điều đó đặt chính trị học vào một tình thế khó xử.
Trong quá trình đi tìm những kết quả không tùy tiện, các nhà khoa học xã hội đã đưa ra nhiều cách khác nhau để tiến hành bỏ phiếu. Ví dụ, cơ quan lập pháp có thể để cho tất cả ba ứng cử viên tranh cử ở vòng đầu và cấu trúc một kiểu vòng loại nào đó. Hoặc cơ quan lập pháp có thể để cho mỗi thành viên bỏ nhiều lá phiếu cho ba ứng cử viên, số phiếu tỉ lệ với mức độ ưa thích của mỗi thành viên đối với mỗi ứng viên.

Nhưng không có hệ thống bỏ phiếu nào, dù đã được thiết kế một cách khéo léo, giải quyết được các vấn đề liên quan đến việc bỏ phiếu theo đa số. Trong một định lý tổng quát gây ấn tượng sâu sắc, giáo sư Arrow đã chứng minh rằng không có hệ thống bỏ phiếu theo đa số nào có thể vận hành thỏa đáng theo một định nghĩa được mô tả một cách cẩn thận về khái niệm “thỏa đáng” (mà các nhà khoa học xã hội nói chung chấp nhận).
Những điều mà giáo sư Arrow chứng minh trong cuốn sách của ông “Social Choice and Individual Values [Sự lựa chọn xã hội và các giá trị cá thể]” (1951) có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn. Không chỉ các quy tắc bỏ phiếu theo đa số được chứng minh là không thỏa đáng; mà các hệ thống không bỏ phiếu đối với các lựa chọn xã hội cũng không nốt, nếu các lựa chọn này dựa trên sở thích của những cá nhân tạo nên xã hội như là điều cơ bản trong cách suy nghĩ của ông. (Các quy tắc của giáo sư Arrow không ủng hộ những kẻ độc tài.)
Định lý bất khả” của Arrow tác động đến các ngành khoa học xã hội, đáng chú ý cho việc sử dụng các khái niệm toán học trừu tượng để đưa ra một kết luận về tính ứng dụng sâu rộng.
Nghiên cứu của giáo sư Arrow mở ra lĩnh vực học thuật về sự lựa chọn xã hội – một kinh văn có phạm vi ứng dụng từ việc một nước chọn ra vị tổng thống của mình đến việc các hội đồng quản trị công ty chọn ra các chiến lược kinh doanh của mình. Sau khi học được từ ông rằng không có hệ thống nào vận hành hoàn toàn hiệu quả, các học giả đã quay sang chất vấn những câu hỏi tiếp theo đầy thách thức, chẳng hạn như liệu hệ thống bỏ phiếu nào tốt hơn hệ thống bỏ phiếu kia.
John R. Hicks (1904-1989)
Léon Walras (1834-1910)
Những đóng góp quan trọng khác của giáo sư Arrow, mà ông đã chia sẻ giải thưởng năm 1972 về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel với nhà kinh tế học người Anh John R. Hicks, đã được công bố sau này trong những năm 1950. Họ lấy một quan điểm toàn cảnh về sự “cân bằng chung” của các nền kinh tế thị trường, lập ra những phương trình để nắm bắt sự tương tác giữa người tiêu dùng và người sản xuất.
Các phương trình cơ bản đã được thiết lập, một nửa thế kỷ trước, bởi nhà kinh tế học người Pháp Leon Walras. Nhưng giáo sư Arrow và các đồng tác giả đã mở rộng hệ thống của Walras để nắm bắt những sự kiện phức tạp quan trọng, giống như việc các thị trường tồn tại khá tốt trong tương lai, đặt ra rủi ro cho người tiêu dùng và người sản xuất.
Adam Smith (1723-1790)

Giáo sư Arrow đã chứng minh rằng hệ thống các phương trình của họ có tính cố kết với nhau về mặt toán học: Giá cả tồn tại để làm cho tất cả các thị trường có được trạng thái cân bằng đồng thời (trong đó mỗi mục hàng hóa được sản xuất với mức giá cân bằng sẽ được người mua tự nguyện mua). Và khả năng cạnh tranh của thị trường đặt các nguồn lực của xã hội vào mục đích sử dụng đúng đắn: các thị trường cạnh tranh sẽ vận hành hiệu quả, theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế học.
Các định lý của giáo sư Arrow đặt ra những điều kiện chính xác để cho sự phỏng đoán nổi tiếng của Adam Smith trong cuốn “The Wealth of Nations [Của cải của các dân tộc]” mang tính chính xác: đó là “bàn tay vô hình” của sự cạnh tranh thị trường giữa các cá thể tự phục vụ sẽ phục vụ xã hội tốt hơn.
Tính xác đáng qua hàng thập kỷ
Giống như đối với công trình trước đây của ông về sự lựa chọn xã hội, mức độ hiểu biết về mặt lý thuyết của giáo sư Arrow rất đáng kinh ngạc. Nhưng, ông đã làm rõ rằng các kết luận mạnh mẽ của ông về hoạt động của sự vận hành của các thị trường cạnh tranh chỉ đúng với những giả định có tính lý tưởng – có nghĩa là, phi thực tế.
Franklin M. Fisher (1934-)
Giả định của ông, ví dụ, loại bỏ sự tồn tại các hiệu ứng của bên thứ ba: Việc Harry bán một sản phẩm cho Joe được giả định là không tác động đến phúc lợi của Sally – một giả định thường bị vi phạm trong thế giới thực, ví dụ, bởi việc bán các sản phẩm gây nguy hại đến môi trường.
Toán học nằm sau những chứng minh về sự cân bằng chung của giáo sư Arrow và các đồng tác giả làm nản lòng người đọc. Rất ít nhà kinh tế học nắm vững được các chi tiết. Nhưng Franklin M. Fisher, người giảng dạy các khóa học ở bậc đại học về sự cân bằng chung tại Viện Công nghệ Massachusetts, đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với tờ The New York Times rằng tất cả các nhà kinh tế học đều mắc nợ giáo sư Arrow về mặt trí thức. Giáo sư Arrow đã chứng minh rằng những công cụ thường ngày của các nhà kinh tế học về các phương trình cung-cầu đều được xây dựng trên một nền tảng logic nhất quán.
Nghiên cứu sau này của ông đã diễn dịch những ý tưởng lẽ thường thành ngôn ngữ toán học thanh lịch. Một khi ý tưởng được diễn dịch, các nhà kinh tế học khác có thể mở rộng chúng theo những hướng không lường trước được.
Tổng thống George W. Bush trao tặng Huân chương Khoa học Quốc gia cho Giáo sư Arrow tại Nhà Trắng vào năm 2006. Ảnh: Pablo Martinez Monsivais/Associated Press
Thử lấy ví dụ “vừa học vừa hành”, một khái niệm mà giáo sư Arrow đã khảo sát vào đầu những năm 1960. Ý tưởng cơ bản là đơn giản: một công ty sản xuất ra càng nhiều sản phẩm, thì càng trở nên thông minh hơn. Nhiều thập kỷ sau đó, các nhà kinh tế học đã đưa ý tưởng này vào các lý thuyết phức tạp về “tăng trưởng nội sinh”, cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia phụ thuộc vào các chính sách nội bộ thúc đẩy sự đổi mới và giáo dục – những tác lực thực sự mà các tác phẩm của giáo sư Arrow đã dự đoán.
William F. Sharpe (1934-)
Giáo sư Arrow cũng tạo ra những khái niệm toán học nhờ đó các nhà kinh tế học có thể đo lường và phân tích rủi ro. William F. Sharpe, người đoạt giải thưởng Nobel năm 1990 vì đã phân tích mối quan hệ giữa rủi ro và thu nhập tài chính, công nhận là Giáo sư Arrow đã tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở của các lý thuyết hiện đại về đầu tư tài chính và tài chính doanh nghiệp.
Giáo sư Arrow, ông nói, thuộc về các vị thần trong “đền thờ” của thuật quản trị đầu tư. Các ý tưởng của ông đã đóng góp hiệu quả cho việc thiết kế các chứng khoán tài chính phức tạp, được gọi là các chứng khoán phái sinh, giống như các quyền chọn (cho người sở hữu quyền này, nhưng không phải là nghĩa vụ, mua hoặc bán một tài sản nhất định nào đó với một mức giá nhất định nào đó được xác định vào hoặc trước một ngày nhất định nào đó). Các doanh nghiệp mua và bán các chứng khoán tài chính phái sinh để tự bảo vệ mình khỏi tình trạng hỗn loạn tài chính, và các nhà đầu tư mua và bán chúng [các chứng khoán tài chính phái sinh] để đầu cơ trên những biến động giá cả chứng khoán trong tương lai.
Giáo sư Arrow dự đoán sự phân tích hiện đại các thị trường mà trong đó người mua và người bán không chia sẻ thông tin chính xác (ngày nay được biết đến dưới tên gọi là thị trường với thông tin không đối xứng). Trong một bài báo nổi bật mang tính tiên tri được công bố vào đầu những năm 1960, ông phân biệt cẩn thận những phức tạp mà thông tin không đối xứng tạo ra trên thị trường đối với bảo hiểm y tế. Ông chỉ ra những chế độ ưu đãi cho bệnh nhân và bác sĩ khi đồng ý với những thủ tục y tế có giá trị đáng ngờ khi bên thứ ba, công ty bảo hiểm, trả tiền các hóa đơn.
Công trình của giáo sư Arrow mở đường cho phương thức xử lí hiện đại “rủi ro đạo đức”, theo đó việc mua bảo hiểm ảnh hưởng một cách có hệ thống đến hành vi của các bên ký kết hợp đồng.
Joseph Stiglitz (1943-)
Những vấn đề mà Giáo sư Arrow đã đánh dấu một nửa thế kỷ trước đã được minh họa một cách nổi bật trong việc thiết kế Đạo luật Chăm sóc y tế với Giá cả phải chăng, luật về chăm sóc y tế năm 2010 của Tổng thống Barack Obama, trong đó có điều khoản “nhiệm vụ cá nhân” gây tranh cãi, yêu cầu tất cả mọi người phải mua bảo hiểm y tế bất luận có quan tâm hay không.
Joseph Stiglitz, người đoạt giải thưởng Nobel năm 2001 nhờ đã hình thức hóa việc nghiên cứu các thị trường với thông tin không đầy đủ, đã phát triển công trình của mình theo những đột phá ban đầu của giáo sư Arrow.
Kết quả là gì? Nhà lý thuyết, người mà trong những năm 1950 đã chứng minh rằng các thị trường cạnh tranh hoàn hảo có thể tồn tại như một vấn đề của logic toán học, đã dành phần lớn thời gian còn lại của sự nghiệp mình để chỉ ra là các thị trường hiện tại còn xa mới đạt đến mức độ hoàn hảo đến nhường nào.
Một đời học tập
Kenneth Joseph Arrow sinh ngày 23/8/1921, tại thành phố New York. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Townsend Harris ở Manhattan, ông theo học đại học tại trường City College, với bằng cử nhân về khoa học xã hội và toán học – điều mà sau này ông gọi là “một kết hợp nghịch lý có tính tiên lượng cho các mối quan tâm tương lai của tôi.”
Ông làm luận văn tốt nghiệp tại Đại học Columbia, gián đoạn việc học để làm nghĩa vụ quân sự như là một sĩ quan khí tượng, thăng chức lên đến đại úy, trong Không lực Hoa Kỳ trong Thế chiến II. Bài viết đầu tiên của ông được công bố có tựa đề, “On the Optimal Use of Winds for Flight Planning [Luận bàn về việc sử dụng tối ưu sức gió khi hoạch định các chuyến bay]” đã viết về kinh nghiệm này.
Trong thời kỳ đầu sự nghiệp của mình, ông đã làm việc tại công ty RAND Corporation, một tổ chức nghiên cứu và phát triển ở Santa Monica, California, mà ông mô tả là “những ngày hoàng kim của lý thuyết trò chơi mới nổi và quy hoạch toán học.”
Giáo sư Arrow dành phần lớn sự nghiệp của mình tại Đại học Stanford, ngoại trừ thời gian giảng dạy tại Đại học Harvard từ năm 1968 đến năm 1979. Ông cũng có một thời gian ngắn là thành viên của Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống John F. Kennedy.
Robert Solow (1924-)
Ông nghỉ hưu tại Đại học Stanford vào năm 1991 nhưng vẫn tiếp tục chấp nhận các buổi giảng ngắn hạn ở châu Âu và phục vụ các công trình bên ngoài khoa và hội đồng khoa học của Học viện Santa Fe, một trung tâm nghiên cứu ở New Mexico chuyên về sự tương tác giữa các ngành khoa học xã hội và khoa học vật lý.
Ông lãnh đạo Hiệp hội Kinh tế Mỹ, phục vụ cho Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, và vào năm 2004, đã được trao tặng Huân chương Khoa học Quốc gia, huân chương khoa học cao quý nhất của Hoa Kỳ, được Tổng thống George W. Bush trao tặng vào năm 2006.
“Khuynh hướng chính trị của ông là tự do, chắc chắn là như vậy,” theo lời của Robert M. Solow, một người bạn lâu năm và là một đồng nghiệp đoạt giải Nobel kinh tế. “Với người khác, điều này có thể làm một nửa giới kinh tế học thuộc cánh hữu cảm thấy khó chịu một cách sai trái, nhưng với Kenneth thì không.”
Robert Summers (1922-2012)
Lawrence Summers (1954-)
Các thành viên gia đình của giáo sư Arrow có quan hệ với giới kinh tế học hàn lâm bao gồm em gái ông, Anita Summers, giáo sư danh dự [nghỉ hưu] tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Chồng của bà, Robert Summers, người đã qua đời vào năm 2012, cũng là một giáo sư nổi tiếng về kinh tế học tại đó.
Robert Summers là em trai của Paul Samuelson và là cha của Lawrence Summers, người mà ở tuổi 28 đã trở thành giáo sư chính thức về kinh tế học tại Đại học Harvard và sau đó là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đồng thời cũng là chủ tịch của Đại học Harvard và là cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama.
Vợ của giáo sư Arrow, Selma Schweitzer, người mà ông kết hôn vào năm 1947, đã qua đời vào năm 2015. Ngoài chị gái và con trai David, ra đi ông còn để lại một người con trai khác, Andrew, và một cháu trai.
Eric Maskin (1950-)
Giáo sư Arrow được ca ngợi rộng rãi như là một nhà thông thái, có kiến thức phi thường về các đề tài mà từ lâu đã tách biệt khỏi kinh tế học. Eric Maskin, một nhà kinh tế học của Đại học Harvard và là đồng nghiệp đoạt giải thưởng Nobel, kể về một âm mưu tốt bụng được các nhà khoa học trẻ tiến hành để có được điều tốt hơn của giáo sư Arrow, thậm chí cả điều giả tạo. Tất cả họ đều đồng ý nghiên cứu thói quen sinh sản của loài cá voi xám – một chủ đề khó hiểu – và tập hợp vào một ngày cụ thể nào đó mà chắc chắn Giáo sư Arrow sẽ đến viếng thăm.
Khi, như mong đợi, Giáo sư Arrow xuất hiện, họ đã lớn tiếng nói chuyện về lý thuyết của một nhà sinh vật học biển – có tên cuối là, Turner – mà mục đích là giải thích cách thức những con cá voi xám năm này qua năm khác tìm về cùng một chỗ để sinh sản. Theo lời kể của Giáo sư Maskin, “Ken đã im lặng”, và các đồng nghiệp trẻ của ông thích thú với nhau cho rằng lần đầu tiên họ đã đánh bại vị giáo sư đáng gờm của họ.
Vâng, nhưng chớ quá vội.
Trước khi rời khỏi nơi đó, giáo sư Arrow lẩm bẩm, “Nhưng tôi nghĩ rằng lý thuyết của Turner đã hoàn toàn bị Spencer làm mất uy tín, người đã cho thấy giả thuyết bản năng quay về tổ có thể không có khả năng xảy ra.”
Robert D. Hershey Jr. đã đóng góp vào bài tường trình.
Một phiên bản của bài viết này đã được in, vào ngày 22/2/2017, trên trang A21 của ấn bản New York với nhan đề: Kenneth Arrow, Influential Economist and Nobel Laureate, Is Dead at 95 [Kenneth Arrow, nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng và là khôi nguyên của giải thưởng Nobel, đã qua đời ở tuổi 95].
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF