3.3.17

Anthony B. Atkinson đã mất


Anthony B. Atkinson (1944-2017)

ANTHONY B. ATKINSON ĐÃ MẤT

Thomas Piketty
Anthony B. Atkison đã qua đời vào sáng ngày 01 tháng 01 năm 2017 ở tuổi 72, sau một cơn bệnh dai dẳng. Ông để lại một khoảng trống vô biên.
Anthony "Tony" Atkinson giữ một vị trí đặc biệt trong số các nhà kinh tế học. Đây là một nhà nghiên cứu đã thành công trong nửa thế kỷ qua, trước sóng gió phong ba, đặt vấn đề bất bình đẳng ở ngay trung tâm phương pháp tiếp cận của ông, và chứng minh cho thấy kinh tế học trước hết là một khoa học xã hội và đạo đức. Tony sinh năm 1944 và xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình vào năm 1969. Từ năm 1969 đến năm 2016, ông đã công bố gần năm mươi tác phẩm và hơn 350 bài báo khoa học, đã làm biến đổi sâu sắc toàn bộ các nghiên cứu quốc tế về vấn đề phân phối của cải, bất bình đẳng và nghèo đói. Ông cũng là tác giả của nhiều đóng góp chính về mặt lý thuyết được công bố từ những năm 1970, đặc biệt là lý thuyết đánh thuế tối ưu.
Nhưng những công trình quan trọng nhất và sâu sắc nhất của ông đề cập đến việc phân tích sự bất bình đẳng về mặt lịch sử và thực nghiệm, tất nhiên có liên kết với các mô hình lý thuyết, mà Atkinson nắm vững một cách hoàn hảo, và sử dụng vừa phải và có chừng mực.
Bằng phương pháp tiếp cận vừa mang tính lịch sử, thực nghiệm và lý thuyết, bằng sự chặt chẽ cao độ và tính trung thực của mình, bằng đạo đức dung hòa của một nhà nghiên cứu khoa học xã hội và công dân của Vương quốc Anh, châu Âu và thế giới, Atkinson, từ nhiều thập niên nay, là một tấm gương để toàn thể các thế hệ sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ noi theo.
Thomas Malthus (1766-1834)
Simon Kuznets (1901-1985)
Cùng với Simon Kuznets, Atkinson đã, trong một mức độ lớn, làm nảy sinh một ngành học mới trong lòng các khoa học xã hội và kinh tế học chính trị: nghiên cứu về động thái lịch sử của sự phân phối thu nhập và di sản.
Tất nhiên, vấn đề phân phối và tính dài hạn đã là trọng tâm của kinh tế học chính trị của thế kỷ 19, đặc biệt trong các công trình của Thomas Malthus, David RicardoKarl Marx. Nhưng các tác giả này chỉ có những dữ liệu giới hạn, và thường buộc phải hạn chế các nghiên cứu của họ vào những tư biện thuần túy lý thuyết.
Phải đợi đến nửa sau thế kỷ 20 và những nghiên cứu của Kuznets và Atkinson để phát triển các công trình thực sự dựa vào những nguồn dữ liệu lịch sử. Trong tác phẩm chính của mình vào năm 1953 (Shares of Upper Income Groups in Income and Saving [Tỉ phần của các nhóm có thu nhập cao về thu nhập và tiết kiệm]), Kuznets kết hợp những tài khoản quốc gia đầu tiên của Mỹ (mà bản thân ông vừa giúp thiết lập) và những dữ liệu thu thập được từ cơ quan thuế vụ liên bang (được thành lập vào năm 1913, tiếp sau một cuộc chiến chính trị lâu dài), để thiết lập những chuỗi số liệu lịch sử đầu tiên về sự phân phối thu nhập, cùng với một tin vui: sự bất bình đẳng đã được giảm thiểu.
Alan Harrison
Năm 1978, trong một tác phẩm cơ bản (The Distribution of Personal Wealth in Britain [Sự phân phối của cải cá nhân ở Anh], đồng tác giả với Alan Harrison), Atkinson đã tiếp nối và vượt qua Kuznets: ông khai thác một cách có hệ thống các tài liệu lưu trữ thừa kế của Anh từ những năm 1910 đến những năm 1970, và, với trình độ bậc thầy, phân tích trong chừng mực nào nhiều tác lực kinh tế, xã hội và chính trị khác nhau có thể giúp nhận diện những diễn tiến quan sát được về phân phối di sản, đặc biệt đầy ấn tượng trong thời kỳ hỗn loạn này. So với cuốn sách của Kuznets, gần như hoàn toàn hướng đến việc xây dựng các hệ thống thống kê, cuốn sách của Atkinson đi xa hơn, bởi vì nó tích hợp được một cách đầy đủ hơn các phân tích về mặt lịch sử, lý thuyết và thống kê.
Tất cả các công trình sau này về động thái lịch sử của sự bất bình đẳng thu nhập và di sản, theo một nghĩa nào đó, nối bước các công trình sáng lập của Kuznets và Atkinson. Đây đặc biệt là trường hợp của các công trình được tập hợp trong "World Wealth and Income Database [Cơ sở dữ liệu về của cải và thu nhập toàn thế giới]" (WID.world), trong đó Tony Atkinson là người đồng sáng lập và đồng chủ biên.


Về mặt cá nhân, tôi đã có cơ may rất lớn gặp được Tony khi tôi còn là một sinh viên trẻ tuổi ở Trường Kinh tế London (LSE) vào mùa thu năm 1991. Lời khuyên của ông, luôn tận tình với một lòng nhiệt tình và lòng tốt vô song, mang tính quyết định trong quỹ đạo cuộc đời của tôi. Ngay sau khi xuất bản cuốn Les hauts revenus en France au 20e siècle [Thu nhập cao ở Pháp vào thế kỷ 20], vào năm 2001, tôi đã may mắn có được sự ủng hộ nhiệt tình của ông. Tony là độc giả đầu tiên của công trình lịch sử của tôi về sự bất bình đẳng ở Pháp, và đã ngay lập tức nắm bắt trường hợp của Vương quốc Anh (mà các dữ liệu lịch sử về thu nhập vẫn chưa được khai thác), rồi đến trường hợp của rất nhiều nước khác. Chúng tôi đã cùng chủ biên hai tập sách dày được xuất bản vào năm 2007 và 2010, bao gồm tổng cộng hơn 20 quốc gia. Các công trình này là khởi nguồn của cơ sở dữ liệu WID.world, và của cuốn sách của tôi vào năm 2013 "Le capital au 21e siècle [Tư bản trong thế kỷ 21]", mà sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ không suy giảm của Tony Atkinson.
Ngoài các công trình tiên phong về mặt lịch sử, từ nhiều thập kỷ nay Atkinson còn là một trong những chuyên gia xuất sắc nhất thế giới về các cuộc điều tra so sánh liên quan đến việc đo lường sự bất bình đẳng và nghèo đói trong các xã hội đương đại, và là kiến trúc sư không mệt mỏi của sự hợp tác quốc tế về các vấn đề nói trên.


Trong cuốn sách cuối cùng của ông, Inequality: What can be done [Bất bình đẳng: Chúng ta có thể làm được những gì] (được dịch sang tiếng Pháp dưới tựa đề Inégalités [Bất bình đẳng], Seuil 2016), mang tính cá nhân nhiều hơn các cuốn trước, hoàn toàn hướng đến hành động, ông cho chúng ta những phác thảo về một chủ nghĩa cải cách triệt để mới. Có một chút Beveridge (Lord William Beveridge, người sáng lập ra an sinh xã hội – ND) trong con người Atkinson này, và người đọc sẽ sai lầm khi không màng đến niềm vui đọc sách của ông. Nhà khoa học với sự thận trọng huyền thoại tự bộc lộ mình, lao vào cuộc chiến, và thiết lập một danh sách những khuyến nghị cụ thể, sáng tạo và có sức thuyết phục, để chứng minh rằng luôn có những lựa chọn thay thế, và rằng cuộc chiến vì sự tiến bộ xã hội và bình đẳng phải có vị trí của nó, ở đây và ngay bây giờ. Cuốn sách mang tính hài hước, thanh lịch, sâu sắc: nên đọc cuốn sách này, trong đó cung cấp một sự kết hợp tốt nhất về những gì mà kinh tế học chính trị và chủ nghĩa tiến bộ của Anh có thể mang lại.
Atkinson là một nhà nghiên cứu vô cùng rộng lượng và chặt chẽ, một nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta. Ông nổi tiếng vì sự dễ mến của mình. Trong khi đang chiến đấu chống lại một căn bệnh dai dẳng trong những năm cuối đời, ông vẫn cực kỳ tích cực, tiếp tục nghiên cứu với các dự án lớn, chia sẻ với các đồng nghiệp và bạn bè trong những tuần cuối cùng. Atkinson đã mất đi trong khi cao trào của sự bất bình đẳng đã trở thành một trong những thách thức chính mà xã hội chúng ta đang đối mặt. Cuộc đời của ông đã cống hiến cho sự phát triển các công cụ cho phép đo lường, phân tích và đối phó với sự bất bình đẳng. Công trình của ông sẽ tiếp tục sống mãi trong cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng. Ông mất đi để lại một khoảng trống không thể thay thế.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Disparition de Anthony B. Atkinson, Le Monde, Le Blog de Piketty, 03 janvier 2017.
Print Friendly and PDF